Trang mới   https://gpquinhon.org

Một tỉnh Khánh Hòa không bằng một nhà Xuân Quang

Đăng lúc: Thứ năm - 18/08/2016 18:33

Nhà thờ Xuân Quang

 

Câu chuyện "Một tỉnh Khánh Hòa không bằng một nhà Xuân Quang"

          Từ thời Gia Long đến Thiệu Trị, sĩ tử các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận được phân phối ứng thí như sau: Các tỉnh từ Đèo Cả trở ra thi ở trường Thừa Thiên, từ Đèo Cả trở vào thi ở trường Gia Định.

          Đến năm Canh Tuất (1850), Tự Đức thứ 3 mới bắt đầu thành lập trường thi Bình Định để nhận thí sinh các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Về sau, trường Bình Định còn nhận thêm thí sinh của tỉnh Bình Thuận rồi Ninh Thuận. Nếu không kể trường thi An Giang lập năm 1863, mở một khoa rồi phải xóa tên vì bị Pháp chiếm, thì có thể nói trường thi Bình Định là trường thứ 7, ra đời muộn nhất, sau cả trường Thanh Hoá, được tái lập (1848).

            Trường thi Bình Định được xây dựng trên nền đất gò, thuộc thôn Hòa Nghĩa, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn ( ngày nay thuộc thôn Hòa Nghi, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn). Trường thi nằm phía Tây Nam thành Bình Định và hữu ngạn nam phái Sông Côn, lại gặp khúc cong nên 3 mặt Tây, Bắc, Đông đều có sông ngăn cách, tiện cho việc canh phòng. Khu vực trường thi là một cái nền rộng, chu vi chừng 1.000 mét, cao gần 2 mét, xây bằng đá ong, mặt nền bằng phẳng và lộ thiên. Đến kỳ mở khoa thi, quan tỉnh mới sai dựng hàng rào dày xung quanh, cất nhà tạm cho quan trường và chia vi cho thí sinh.

          Ngày thi, sĩ tử được gọi vào vi đã phân lô, tự cất lều để làm bài suốt một ngày. Tuyệt đối không được qua lại lều người khác trong giờ thi.

          Khoa Nhâm Tý (1852), Tự Đức thứ 5, trường Bình Định mở khoa thi đầu tiên. Bộ Lễ qui định số người đậu Cử Nhân trên toàn quốc mỗi khóa là 124 người, phân định cho các trường như sau: "Thừa Thiên lấy đậu 20 người, Nghệ An 18 người, Thanh Hóa 20, Nam Định 20, Hà Nội 20, Bình Định 13 và Gia Định 13". Về sau Bộ Lễ có điều chỉnh số người đậu Cử Nhân trên toàn quốc.

Mặc dù thường xuyên có sĩ tử của năm tỉnh dự thi, nhưng chỉ có Quảng Ngãi và Bình Định tranh nhau thủ khoa. Suốt ba khoa thi đầu là Nhâm Tí (1852), Ất Mão (1855) và Mậu Ngọ (1858), Giải Nguyên đều về tay người Bình Định, đó là Cao Văn Tuấn, người thôn Thắng Công, huyện Tuy Viễn (khoa 1); Nguyễn Đăng Tuyển, người thôn Chánh Trạch, huyện Phù Mỹ (khoa 2); Nguyễn Đức Lộc, người thôn Xuân An, huyện Phù Cát (khoa 3). Sự bất quá tam, Bình Định đoạt thủ khoa 3 lần, trong khi Quảng Ngãi cố tranh sát nút nhưng chỉ đậu Á Nguyên ba lần; đó là Phan Văn Điển, người thôn An Thổ, huyện Mộ Đức (khoa 1); Kiều Tòng, người thôn An Đại, huyện Chương Nghĩa (khoa 2); Phạm Thúc, người thôn Trà Bình, huyện Bình Sơn (khoa 3). Sự việc ấy còn ghi lại trong câu ca dao của vùng:

"Tiếc công Quảng Ngãi đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần"

Đến khoa Đinh Mão (1867), Bình Định chẳng những đoạt cả Giải Nguyên, Á Nguyên, đó là Lê Đăng Đệ và Nguyễn Tạo cùng ở huyện Phù Cát, mà còn chiếm liên tục đến hạng 8; Quảng Ngãi chỉ chiếm được vị thứ 9, rồi liên tục từ 10 đến 13 lại là người Bình Định, lập thành tích Bình Định 14, Quảng Ngãi 4.

Bị thua liên tiếp 4 khoa, sĩ tử Quảng Ngãi quyết tâm vùng lên. Họ đã thành công rực rỡ ở hai khoa liền (5 và 6) mang lại vinh dự cho tỉnh nhà. Đó là khoa Mậu Thìn (1868), Nguyễn Luật, người thôn Mỹ Khê, huyện Bình Sơn đoạt Giải Nguyên và Nguyễn Duy Cung người thôn Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa chiếm Á Nguyên. Tiếp khoa Canh Ngọ (1870), Trương Đăng Tuyển người thôn Phú Nhơn, huyện Bình Sơn và Phạm Viết Duy người thôn Chánh Mông, huyện Chương Nghĩa đoạt cả giải nhất nhì và Quảng Ngãi còn vượt trội tỷ số đậu. Lúc bấy giờ ca dao có câu:

"Tiếc công Bình Định xây thành
Để cho Quảng Ngãi vô dành thủ khoa"

Cũng Khoa Canh Ngọ (1870), số người đậu Cử nhân tại trường thi Bình Định được Bộ Lễ quy định là 16 người. Trong khoa thi nầy các sĩ tử Quảng Ngãi chiếm 08 người, Phú Yên 01 người, Bình Định 07 người. Trong số 07 người Bình Định đậu Cử nhân có 02 anh em ruột của một gia đình thuộc  xã Xuân Quang như danh sách dưới đây :

STT HỌ VÀ TÊN LÀNG HUYỆN VỊ THỨ
01 Mai Đình Nghị Chánh Lộc Phù Cát 03/16
02 Nguyễn Kỳ Xuân Quang Tuy Phước 04/16
03 Nguyễn Toản Xuân Quang Tuy Phước 05/16
04 Lê Văn Tập An Hoà Tuy Viễn 06/16
05 Lê Hữu Khải Phúc Nhuận Bồng Sơn 11/16
06 Lê Văn Sĩ Trực Đạo Phù Mỹ 12/16
07 Đặng Văn Luận Khánh Phước Phù Cát 16/16

 Khoa ấy Khánh Hòa và Bình Thuận không có ai đoạt giải, do đó có câu: 

"Một tỉnh Khánh Hòa không bằng một nhà Xuân Quang[1]".

Những ngày huy  hoàng của nền Hán học rồi cũng lịm tắt. Ngày 21/12/1917, Albert Sarraut, Toàn Quyền Đông Dương ra nghị định ban hành ‘Quy chế chung về nghành giáo dục ở Đông Dương’, thường gọi là ‘ Học chính Tổng quy’. Theo Quy chế  nầy, nền  giáo dục Pháp-Việt được  áp dụng nền trên toàn cõi Đông Dương. Ở miền Bắc, sau khoa Ất Mão (1915), nền Hán học chấm dứt. Còn ở miền Trung, một kỳ thi Hương nữa được tổ chức, tức khoa Mậu Ngọ (1918), rồi cũng vĩnh viễn cáo chung. Trường thi Bình Định mới có 68 tuổi đời (1850-1918) chịu chung số phận như các trường thi khác.


Tổng hợp từ :

1. Đào Đức Chương, Ðặc san CƯỜNG ÐỂ & NỮ TRUNG HỌC QUI NHƠN 1999, USA
2. Quách Tấn, Non Nước Bình Định, Nxb. Thanh Niên, 1999.
3. Cao Xuân Dục , Quốc Triều Hương Khoa Lục, bản dịch của Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, trang 409-410, khoa thi năm 1870  .



[1] Hay Xuân Quơn, tên gọi ngày xưa của Xuân Quang.

Tác giả bài viết: VĐĐ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 15
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3506
  • Tháng hiện tại: 159313
  • Tổng lượt truy cập: 12136100