Trang mới   https://gpquinhon.org

Nước mặn – trường dạy quốc ngữ đầu tiên Của các giáo sĩ giáo phương tây

Đăng lúc: Thứ hai - 10/04/2017 10:24
NƯỚC MẶN – TRƯỜNG DẠY QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN
CỦA CÁC GIÁO SĨ GIÁO PHƯƠNG TÂY

                                                                                
 
Năm 1618, dòng Tên lập giáo đoàn tại Nước Mặn (Qui Nhơn) và Nước Mặn là cư sở truyền giáo tiên khởi do các Linh mục Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm. Tại đây, Cha Bề trên Buzomi và hai Linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ dòng Tên quốc tịch Ý và Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Nước Mặn cũng chính là trường dạy Quốc ngữ đầu tiên của các giáo sĩ phương Tây.         
 
Nước Mặn – nơi khởi đầu sáng tạo chữ quốc ngữ 
Năm 1617, linh mục Francesco Buzomi (đến Cửa Hàn 1615) bị chúa Nguyễn trục xuất và đang bệnh nặng tại Quảng Nam, được quan trấn phủ Qui Nhơn – Trần Đức Hòa, đưa về Qui Nhơn chữa bệnh. Đầu năm 1618, Trần Đức Hòa cùng linh mục Francesco Buzomi ra Hội An đón linh mục Francisco de Pina (đến Hội An 1617), linh mục Christoforo Borri (đến Cửa Hàn 1618) và tu huynh Diaz về Qui Nhơn. Tháng 7 năm 1618, Cư sở truyền giáo Nước Mặn được thành lập, là Cư sở đầu tiên của các giáo sĩ dòng Tên tại Đại Việt, linh mục Buzomi là Bề trên. Daniello Bartoli (1608-1685) - Nhà sử học dòng Tên chép: “Linh mục Buzomi đã cố gắng nghiên cứu học hỏi, biên soạn ngữ vựng và văn phạm tiếng Đàng Trong ….. vào năm 1623, cha Pina và cha Buzomi là những thừa sai nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của Đàng Trong”.[1]

Căn cứ vào các nguồn sử liệu, các nhà nghiên cứu công nhận có một cuốn sách bổn (kinh và giáo lý) được soạn rất sớm để phục vụ cho công cuộc truyền giáo, cuốn sách được viết bằng chữ Nôm, ở dạng chép tay và được những người công giáo Việt Nam sử dụng, còn đối với các giáo sĩ dòng Tên thì họ dùng bản phiên âm chữ La tinh (tức là như kiểu chữ Quốc ngữ). Cuốn sách này hiện nay vẫn chưa được tìm thấy.

Linh mục Roland Jacques căn cứ vào bản báo cáo được ký tên Francisco Eugenio, tu sĩ dòng Tên người Ý ở Macao, cung cấp những thông tin từ một tài liệu sao chép tay với tựa đề "Annua del Collegio di Macao del 1618 [Niêm Giám Học Viện Macao năm 1618]", xác định quyển sách giáo lý nầy được làm tại Nước Mặn vào năm 1618 với sự cộng tác của một thanh niên Việt Nam, dưới sự giám sát của linh mục Bề trên Buzomi.

Bản phúc trình chính thức của cư sở truyền giáo ghi: “Người ấy [một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo] có một người con trai  mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng …Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương, các kinh mà kitô hữu đã thuộc lòng…Các Kitô hữu chép lại tất cả những điều ấy…" .[2]

Như vậy, năm 1618 khởi đầu sáng tạo chữ quốc ngữ tại Nước Mặn là sáng kiến của các thừa sai dòng Tên phát xuất từ nhu cầu truyền giáo cho người Việt. Công cuộc khởi đầu ấy được đóng góp từ công sức của nhiều người, trong đó thành phần chủ chốt đầu tiên là một số thừa sai dòng Tên tham gia công việc truyền giáo tại Việt Nam ở giai đoạn 1615-1626. Ngoài ra, phải kể đến sự tham gia và đóng góp của những người Việt Nam mà tiêu biểu là quan trấn Qui Nhơn – Trần Đức Hòa và những người Việt ở vùng Nước Mặn lúc bấy giờ.
 
Những học trò đầu tiên của “Trường Quốc ngữ Nước mặn”
           Cuối năm 1619, Pina về Hội An. Đến năm 1622, sau khi gọi Linh mục Borri về Macao, Bề trên đưa ba linh mục: Emmanuel Fernández, Emmanuel Borges (Bồ), Giovani Leira (Ý) và thầy Romano Niti (Nhật) vào Đàng Trong. Fernández thay Marquez ở Hải Phố (Hội An), Marquez đi giúp Pina ở Dinh Chiêm (dinh Quảng Nam), hai linh mục: Borges và Leira vào Nước Mặn học tiếng Việt và tập sự với linh mục Buzomi.[3] Năm 1624, có bốn linh mục đến Đàng Trong, linh mục Gaspar Luis (Bồ) cùng linh mục Girolamo Majorica (Ý) vào Nước Mặn học tiếng Việt từ Linh mục Buzomi, Alexandre de Rohdes và Antonio de Fontes đến Dinh Chiêm học tiếng Việt với Pina. [4]

Như vậy, Alexandre de Rohdes – người có công lớn, tập hợp xuất bản  những quyển sách Quốc ngữ đầu tiên tại Roma (1651) cùng Antonio de Fontes, là học trò học chữ Quốc ngữ của Pina tại Dinh Chiêm (Quảng Nam) năm 1624, thuộc thế hệ giáo sĩ thứ 3 đến Đàng Trong. Thế hệ giáo sĩ thứ 2 đến Đàng Trong: Borges và Leira vào Nước Mặn học tiếng Việt và tập sự với linh mục Buzomi.

           Những tài liệu hiện biết có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai đó là các bản tường trình của: João Rodrigues Giram (1620), João Roiz (1621), Gaspar Luis (1621), Christoforo Borri (1618-1622), Francisco de Pina  (1623), Alexandre de Rohdes (1625), Gaspar Luis (1626), Francesco Buzomi (1626), Antonio de Fontes (1626).
Trong 8 nhà truyền giáo tiên phong trên, có đến 4 vị sống, hoạt động truyền giáo tại Nước Mặn: Buzomi, Borri, Pina, Luis. Một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai như: Ondelim “ông đề lĩnh”, Unsai “ông sãi”, Ungue “ông nghè”, Cacham/Cacciam “Kẻ Chàm”, con gnoo “con nhỏ”,  doij “đói”,  Nuoecman/Nuocmon/Nuocman “Nước Mặn”, omgne “ông nghè”, Chiuua “Chúa”, Chiampa “Champa”, ciam “chẳng”, da an het “đã ăn hết”, scin mocaij “xin một cái”, Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt “Đã đến lụt, Đã đến lụt”, chìa “trà”, Quignin “Qui Nhơn”, “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam ? “Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?”, “Muon bau dau christiam chiam ? “Muốn vào đạo christiam chăng?”, Xán tí “Thượng đế”, Thiên chũ “Thiên Chúa”, Ngaoc huan “Ngọc Hoàng”... Christophoro Borri là người đã sử dụng số lượng chữ Quốc ngữ nhiều nhất so với các tác giả khác cùng thời (94 chữ).

          Riêng linh mục Girolamo Majorica, học trò của Buzomi tại Nước Mặn (1624), ông đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm, nổi tiếng nhất là cuốn Các Thánh truyện (1646). Hiện nay, Thư viện Quốc gia Paris lưu trữ 15 cuốn với 4.200 trang. Mỗi trang có từ 9 đến 12 dòng, mỗi dòng có từ 30 đến 34 chữ Nôm, tổng cộng có 1.400.000 chữ.[5]

          Các thế hệ giáo sĩ dòng Tên quốc tịch Ý và Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Đại Việt (Đàng Trong) sống, hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ tại cư sở tiên khởi Nước Mặn. Như vậy, Nước Mặn vừa là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ vừa là Trường dạy Quốc ngữ đầu tiên của các giáo sĩ dòng Tên.
                                                                                                 
           
 

[1] DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria Della Compagnia Di Gesù La Cina,    Terza Parte, Delle Asia, Libro Terzo, Torino 1825, trang 328-329.
[2] ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Định Hướng Tùng Thư -2004 , France, Tome I, trang 83-85.
[3] Lm. BÙI ĐỨC SINH, O.P., M.A. Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Canada 2002, in lần thứ hai, Quyển I, trang 100.
[4] - DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria Della Compagnia Di Gesù La Cina, Terza Parte, Delle Asia, Libro Quarto, Torino 1825, trang 61.
    - Thư linh mục Manoel Fernandes gởi cho linh mục Nuno Mascarenhas, ARSI. JAP-SIN 68, trang 11-12. Thư viết tay bằng tiếng Bồ. Linh mục Roland Jacques biên tập đoạn văn trên và dịch sang tiếng Pháp.(Xem ROLAND JACQUES, sđd, chú thích số 56, trang 86-87).
[5] Lm. NGUYỄN HƯNG, Sơ thảo Thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, lưu hành nội bộ, 2000, tr. 23.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Quang
Từ khóa:

chữ quốc ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93901
  • Tổng lượt truy cập: 12238161