Trang mới   https://gpquinhon.org

Sống đức ái (III)

Đăng lúc: Thứ sáu - 17/10/2014 18:38
NGƯỜI CÔNG GIÁO LÀ…
* Đôminicô Nguyễn Đình Văn (Gx.Gò Thị)
 
Là một con người, ai mà chẳng có những kỉ niệm đẹp, những niềm vui xen lẫn chút buồn đã tạo nên một kỉ niệm đáng trân trọng. Đúng thế, năm cuối cấp hai là một kỉ niệm mà tôi không thể nào quên được. Câu chuyện ấy đã khắc ghi trong tâm trí tôi, bởi nó đã giúp cho tôi bài học làm người.
Năm lớp chin, tôi là một lớp trưởng mà lại là người Công giáo. Đặc biệt thay, lớp học của tôi toàn là người ngoại đạo. Tôi hằng khoe khoang với đám bạn nhà giàu của tôi là: “Người Công giáo luôn sống mến Chúa và yêu người”. Nhà tôi không giàu nhưng tôi luôn chạy theo cách sống ăn chơi để khỏi mất mặt với đám bạn. Chỉ có vài đứa nhà bạn nghèo là tôi không bao giờ để ý tới, bởi vỉ tôi rất ghét điều ấy. Mặt khác, tôi luôn nói chuyện và tặng quà cho đám bạn của tôi, đổi lại là cái tiếng “nể vì” của chúng: “Đúng vậy, người Công giáo thật là tốt!”.
Vào một hôm, nhiệt độ mùa hè lên cao, khí trời nóng dần làm cho tôi cũng cảm thấy khó chịu. Lúc này, tính khoe khoang lại bùng lên trong tâm trí tôi. Khẽ rút ra một trăm nghìn, tôi đi mua nước cho lớp để được tiếng “ga-lăng” của một lớp trưởng là người Công giáo, trước sự khen ngợi xì xào của cả lớp.
Cuối giờ học, đang trên đường về, chiếc xe đạp của tôi bị thủng lốp đột ngột. Mãi loay hoay vì trong túi không còn một cắc, tôi cố gọi những đứa bạn thân của tôi cứu giúp mà chẳng đứa nào thèm để ý. Mặt tôi đang bực tức thì cái đứa nhà nghèo lại đến:
- Lưu cầm lấy số tiền của mình đi vá xe đi!
- Không cần đâu!... Mà có được bao nhiêu vậy?
Nam tìm thật lâu trong chiếc cặp rách kia, rồi đưa cho tôi năm tờ hai nghìn. Tôi tỏ vẻ khinh bỉ:
- Cầm về mà ăn kẹo đi. Tao không thể nào cầm một đống tiền lẻ thế này được!
- À!...
Nam quay lưng đi với nụ cười gượng. Còn tôi thì tỏ vẻ kinh tởm. Quay nhìn lại phía sau tôi là cả mấy chục con mắt đang hướng về tôi với vẻ thất vọng ngỡ ngàng. Chúng xầm xì với nhau: “Thật là giả tạo!”, rồi bỏ đi. Tôi thật không thể nào lấy lại những gì mà tôi đã nói được. Mặt tôi tái mét, tôi khẽ bước đi trên con đường dài đầy nắng chỉ còn vài người qua lại. Vừa đi tôi vừa ngẫm nghĩ: “Người công giáo là…”. Ánh nắng trên con đường như thanh luyện tôi. Lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Tại sao nghèo là xấu? Tất cả đều là Chúa tạo dựng ra mà. Tại sao lại phân biệt? Đức ái của người Công giáo ở đâu? Tôi phải làm sao đây?... Xin lỗi? Đúng thế, sau khi tôi xin lỗi, cả lớp đã tha thứ cho tôi.
“Sau cơn mưa trời lại sáng”, tôi không còn như trước sau biến cố từ bài học ấy. Đúng vậy, nó như là vết thương còn đau âm ỉ trong lòng tôi. Và tôi đã cảm nhận ra đức ái cần phải chân thật, không giả hình, giả bộ. “Đức ái phải biết nhận và biết cho” (Ga 13,6t). Đừng phân biệt, nhưng hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đó là điều răn và cũng là gương mặt của Chúa. Và chính câu nói này đã hoán đổi một con người như tôi: “Người Công giáo là gương mặt bác ái của Chúa.” - “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (CĐTV 20, 35).
 
 
 
NIỀM TIN NƠI CHÚA
* Matta Trương Thị Bích Ngọc (Gx.Sơn Nguyên)
 
Sinh ra và lớn lên trong gia đình mà ba mẹ và hai nên nội ngoại là hai đại gia đình theo hai tôn giáo khác nhau, thậm chí là chống đối nhau, Khánh Băng cô bé mười bảy tuổi sớm được bà ngoại hướng theo đạo Thiên Chúa (Công giáo). Gia đình ngoại Khánh Băng là gia đình đạo gốc, nhiều đời luôn theo đạo Thiên Chúa và trong gia đình đã có người chịu chức linh mục. Còn phía gia đình nội Khánh Băng thì bà nội lại là một đệ tử của Đức Phật. Xuất phát từ hai tôn giáo khác nhau nên hai bên gia đình của bạn ấy tỏ ra khó chịu, không ưa gì nhau và luôn chống đối nhau.
Mất mẹ từ khi mới sinh, Khánh Băng đã được bà ngoại đưa về nuôi dưỡng và được bà đưa đến nhà thờ chịu phép rửa tội. Ngay từ nhỏ, Khánh Băng đã được biết Chúa, được học về Chúa và được biết tất cả những gì có liên quan tới tôn giáo mà mình đang theo. Cũng ngay từ nhỏ, bà ngoại của bạn ấy đã gieo vào lòng bạn ấy một đức tin vững chức, bà chính là người đầu tiên dạy cho Khánh Băng về Chúa. Ở xa cháu nên bà nội Khánh Băng không thể ngăn cản bà ngoại cho cháu gái lãnh nhận dấu ấn và trở thành con cái Thiên Chúa. Vì vậy mỗi khi gặp Khánh Băng, vấn đề muôn thuở mà bà luôn nhắc đến trong câu chuyện của hai bà cháu là bà muốn Khánh Băng bỏ đạo và theo bà đi chùa. Bà dùng đủ mọi cách từ khuyên nhủ cho đến ép buộc, nhưng Khánh Băng đã không đồng ý, bạn ấy đã dùng hết can đảm có trong mình mà nói chuyện với bà nội. Bạn ấy đã nói rằng: “Cho dù nội có nói gì đi nữa thì cũng vô ích thôi, con nhất định sẽ không bao giờ bỏ đạo vì con đã nhận dấu ấn và đã trở thành con Thiên Chúa”.
Chính bà ngoại đã gieo vào lòng Khánh Băng những hiểu biết về Thiên Chúa. Những gì Khánh Băng đã được học, những phép lạ Chúa làm Khánh Băng đã được biết, những điều đó đã làm cho đức tin của Khánh Băng thêm vững chắc. Nghe bạn ấy nói xong, bà nội bạn ấy nổi giận và bỏ đi, nhưng bạn ấy biết mình phải cố gắng giữ vững lập trường. Bởi cho dù niềm tin của bạn ấy vững chắc mà không cố gắng thì nó sẽ lung lay, mà bà nội bạn ấy thì rất cố chấp và không dễ chịu thua.
Cầu xin Chúa ban cho Khánh Băng niềm tin và sức mạnh để bạn ấy không phải sa ngã, không phải xa Chúa mãi mãi, để suốt đời bạn ấy vẫn là con cái Chúa và là chứng nhân đức tin của Ngài giữa đời.
 
 
 
CHUYẾN XE CUC ĐỜI
(Mến tng cha Quang và mi người tham gia đợt trao gii
“Viết văn đường trường” ln I t 21-22/9/2013)
* Đỗ Lục Minh (Gx.Cây Rỏi)
                       
Cha đưa bàn tay song song với mặt đường, giọng cha trầm xuống:
- Tạm biệt con đường này!
Tôi ngồi sau xe tò mò hỏi:
- Cha chuyển đi Giáo xứ khác, có dịp thì vẫn về thăm chúng con được, có gì đâu mà phải tạm biệt?
- Con đường này cha đi hằng ngày, đã trở thành thân thuộc. Bây giờ đi rồi, dẫu có ghé lại cũng chỉ là khách.- Cha giải thích.
Tôi chợt hiểu tại sao cha thoáng buồn như vậy, vì tôi cũng đã từng trải qua cảm giác này. “Con đường - khách”, hai từ ấy lại gợi tôi nhớ về giải “Viết văn đường trường” năm 2013.
Tôi nhớ hôm đó là thứ bảy, tôi đang bước dọc hành lang thì từ bàn tiếp tân cha Khánh vẫy tay gọi. Tôi bước nhanh chân đến chào cha, cha cười thật hiền:
- Giới thiệu với mọi người, đây là thành viên mới, các con tự làm quen nhé!
Một bàn tay bất ngờ đưa ra có ý muốn làm quen. Tôi vui vẻ đưa tay ra bắt lấy, vậy là tôi đã chính thức là thành viên của đợt hành hương trao giải này.
- Hù! “Dzô” hồi nào “zậy”?
Tôi quay lại, thực sự  bất ngờ trước sự xuất hiện của thằng bạn Quảng Ngãi. Tôi trừng mắt:
- Sao hôm qua nói không đi? Tính lừa tui hả? Muốn ăn đấm không!?
- Mạch nha của ông đây!- Thằng bạn đánh trống lảng.
Tôi nhận mấy lon mạnh nha trong niềm vui sướng. Tạ ơn Chúa đã ban cho con bao niềm vui bất ngờ như vậy. Tôi như được tiếp thêm năng lượng, vui vẻ chạy nhảy như một đứa con nít, leo lên leo xuống mấy cái cầu thang mà không biết mệt. Mọi người chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Thằng này có vấn đề!”. Tôi cứ thoải mái vui đùa mà quên mất chiều đã buông xuống lúc nào không hay. Cái chập choạng của buổi chiều Quy Nhơn thật đẹp, vừa có chút vội vã của những chuyến xe về nhà, vừa có chút bình yên theo từng con sóng xô bờ, vừa có chút nhộn nhịp nơi những quán đêm đang lục đục dọn hàng ra. Tôi dang tay ra, hít thật căng lồng ngực hương vị đặc biệt của một buổi chiều Quy Nhơn.
- Ăn cơm thôi em!- Anh Hy gọi.
 Bây giờ tôi mới để đến ý cái dạ dày đang biểu tình, kêu réo sùng sục, phải lập tức đàn áp nó thôi. Sau bữa cơm đơn sơ nhưng đầm ấm, chúng tôi kéo nhau lên hội trường tham dự buổi lễ trao giải. Nhìn anh Hy, chị Kiều và Hoài Trân đứng trên bục nhận giải, tôi cảm thấy ngưỡng mộ và thầm ước năm sau tôi cũng sẽ được đứng trên vị trí đó…
Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt ngang vì trước mắt tôi đã là nhà thờ Vườn Vông. Tôi bước xuống xe, đặt ba lô lên ghế, đưa mắt nhìn xung quanh rồi nói với cha:
- Ở đây không giống trên nhà thờ mình phải không cha?
- Mỗi nơi nỗi khác mà con, đến những nơi mới con sẽ gặp những người mới và học thêm nhiều điều bổ ích.
À! Đúng rồi, những người bạn mới và những bài học mới. Đâu đó tôi lại nghe có tiếng chị Vy gọi:
- Em đang ở đâu? Nhanh nhanh xuống đi chứ!
- Chị ở chỗ nào?
- Em ra trước cổng Chủng viện đi. Nhanh lên nhen!
Tôi hí hửng chạy ra cổng, rẽ trái rồi lại rẽ phải cuối cùng cũng tới, mọi người đã ngồi sẵn đợi tôi. Xin giới thiệu với mọi người, đây là món bánh tráng trứng! Tuy đã vào Quy Nhơn nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi ăn món này. Đó là những chiếc bánh tráng vàng ruộm có phết một lớp trứng mỏng, sau khi nướng xong thì được bẻ ra thành từng miếng nhỏ. Lúc ăn ta cảm nhận được chút nong nóng của than hồng, chút giòn giòn của bánh tráng, chút thơm thơm của hành phi, chút béo béo của trứng và dầu, chút mằn mặn của nước mắm nêm, và không thể thiếu chút cay cay của chén tương ớt đỏ au. Tuyến nước bọt của mọi người làm việc tích cực. Mọi người cùng ăn rất ngon miệng, tôi nghe những tiếng rùm rụm phát ra thật vui tai, sự thích thú hiện rõ trên khuôn mặt của người bạn Hà Nội. Tiếng cười cứ thế vang lên giòn giã mặc cho xung quanh mọi người đã ngủ say.
Chủng viện Quy Nhơn mười một giờ đêm, một đám lóc nhóc tập trung xung quanh hai chiếc giường kê sát nhau. Một người lên tiếng trước, tỏ vẻ “nguy hiểm”:
- Tui nói cái này nè, có thiệt đó nhen. Hồi bữa đó...
Vậy là chủ đề chuyện ma được đem ra bàn tán. Chốc chốc lại có vài tiếng kêu nho nhỏ: “Ghê quá! Thiệt không vậy?”. Chẳng biết mọi người có sợ thật không nhưng tôi thấy cái bì nho bự chà bá cứ nhanh chóng vơi dần, vơi dần và chỉ còn lại… cuống. Bất ngờ, một đứa trong nhóm đứng dậy:
- Hello! Good morning! Buổi sáng tốt lành, em đi ngủ đây.
Lúc đó mọi người mới giật mình, đã hai giờ sáng rồi, mọi người lục đục kéo nhau đi ngủ.
- Chị ơi, kéo giường lại gần đây ngủ cho vui. Em sợ quá!
Tôi bật cười vì những câu chuyện ma đã phát huy tác dụng. Còn lại một mình tôi, tôi lang thang dọc theo hành lang, chợt tôi nhận ra có chút gì đó bất ổn. Ngày hôm nay phải chăng vì quá vui mà con người thật của tôi đã lạc mất trong những tiếng cười. Tôi quay về giường trằn trọc không ngủ được. Đêm nay thật dài. Nắng mai nhẹ nhàng đánh thức tôi, tôi tỉnh giấc và cảm thấy khuôn mặt mình có sự thay đổi, một khuôn mặt lạnh lùng với những cơ mặt căng cứng không nở một nụ cười. Tôi đưa tay đẩy nhẹ cặp kính trắng che đi đôi mắt thoáng buồn…
Tôi giật mình, tiếng chuông nhà thờ vang lên báo hiệu gần đến giờ cử hành thánh lễ nhậm chức. Sau thánh lễ, tôi cùng cha ra trước cổng tiễn mọi người về. Nhìn đoàn người Cây Rỏi lần lượt lên xe, tự dưng tôi thấy buồn man mác, cảm giác này sao giống lúc tôi ở Quy Hòa?
Quy Hòa một ngày không vui, có lẽ vì tôi nhận ra có hợp sẽ có tan, có nở sẽ có tàn, có bắt đầu thì sẽ có kết thúc, có gặp mặt thì sẽ có lúc chia tay, đó là quy luật muôn thuở của tạo hóa. Lang thang dọc theo bãi biển, tôi muốn gửi nỗi buồn cho sóng cuốn đi nhưng tại sao sóng cứ vỗ vào bờ, làm cho nỗi buồn càng buồn thêm. Bất chợt, tôi nhìn thấy thằng bạn đang ngồi một mình, tôi nghĩ nó đang buồn, tôi muốn giúp nó vui lên nhưng liệu tôi giúp được gì trong khi chính tôi cũng đang rất buồn, người ta không thể cho đi cái họ không có được. Nghĩ thế tôi lại lang thang trên bãi biển. Ai cũng nghĩ tôi đang mệt vì thức khuya, mấy ai biết được tôi đang hối hận vì đã cười quá nhiều, đã vui quá mức để bây giờ cảm thấy hụt hẫng khi sắp đến giờ chia tay. Tôi tự hứa với mình sẽ không cười nhiều nữa, không vui nữa để sau này dù chuyện gì xảy ra cũng chỉ như một cơn gió thoảng mà thôi.
Ngày thứ tư tôi ở Vườn Vông, sau khi giúp cha sắp xếp đồ đạc và vài thứ linh tinh, đã đến lúc tôi phải về. Cha tiễn tôi ra bến xe buýt rồi đứng nhìn tôi lên xe. Tôi quay lại nhìn người cha đã gắn bó cùng tôi hơn mười ba năm qua. Tạm biệt cha, từ nay cha đã là chủ chăn của đoàn chiên mới, chúc cha luôn tràn đầy ơn Chúa để chu toàn sứ mạng của mình. Nếu có dịp con sẽ ghé thăm cha. Xe lăn bánh, bóng cha khuất dần trong dòng xe hối hả. Tôi ngả người ra phía sau định ngủ lấy sức thì sực nhớ đến chuyến xe đó, cũng là một chuyến xe buýt đưa tôi về nhà. Lúc đó tôi đang ngủ thì…
Ầm…Ầm…Ầm… Chiếc xe buýt  lắc mạnh theo từng nhịp cầu. Tôi tỉnh dậy. Bây giờ tôi mới để ý xung quanh, chiếc xe buýt vắng khách gợi nên sự trống trải lạ kỳ. Chợt tôi lại nhớ đến lúc tạm biệt mọi người. Nhìn anh Hậu lên xe, khởi động máy, hỏi thăm tôi vài câu rồi tạm biệt, tôi nhớ anh đã nói với tôi: “Năm nay là năm cuối cùng của anh, sau khi tốt nghiệp đại học anh sẽ tìm một công việc, vì vậy có thể Đặng Đức Tuấn năm sau anh sẽ không tham dự được”. Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi được gặp anh, tôi muốn nói với anh điều gì đó nhưng lại thôi. Kế bên, Chị Lư và chị Thắm cũng trở nên vội vàng hơn khi nhận ra chiều đã sắp tàn. Còn anh Hy chắc bây giờ tiếng còi xe lửa và tiếng cót két của những toa tàu đã đưa anh về lại Phú Yên. Tôi nhớ rất rõ, lúc chia tay hai anh em Vũ và Trường, tôi đã cố nắm vai thằng bạn thật chặt. Tôi đang muốn níu kéo điều gì ư? Phải rồi, tôi đang muốn níu kéo thời gian. Chính vì điều này, mọi người đã lên kế hoạch về Chủng viện liên hoan tiếp rồi mới chia tay, vậy mà còn lại ai nữa đâu. Còn lại một mình, tôi lang thang trên sân Chủng viện, nhìn mọi người từ từ rời xa tôi, tôi cảm thấy khó chịu: Chút trống vắng, chút cô đơn, chút hụt hẫng và cả một chút hối hận. Tại sao tôi cứ phải giả vờ: "Không sao, em tự làm được, mọi người đi sớm đi". Có phải tôi đã tự đẩy mọi người ra xa tôi không? Sân Chủng viện mười lăm phút sau, một sự trống trải đến lạ lùng. Tôi sợ. Tôi im lặng, càng im lặng tôi càng nhớ đến mọi người nhiều hơn, nhớ màu bánh cốm xanh xanh của hai cô bác Thanh Hà, nhớ sự thích thú của cậu bạn Hà Nội khi lần đầu tiên đến Quy Nhơn, nhớ tiếng cười vô tư của Tuyết Trinh, Mỹ Diệu, nhớ nét mặt cáu kỉnh của cô gái Đồng Tre, nhớ những câu chuyện ma không đầu không cuối, nhớ giọng nói rất Huế của chị Minh Thúy, nhớ cậu bạn “Hà Li mùa lày đẹp lắm em ơi”, nhớ những câu đố không “đụng hàng” của chú Bảo, nhớ cả tà áo dài xanh xanh duyên dáng của Thiện Chân, và nhớ nhất là chị Vy khi hai chị em rong ruổi khắp đất Quy Nhơn. Chợt tôi nhớ, ở Hội trại Đặng Đức Tuấn, anh Hậu đã từng nói với tôi rằng: “Nếu phải chia tay, nên chia tay khi mọi việc đang ở lúc đẹp nhất, để mọi người sẽ nhớ mãi về những kỉ niệm đẹp nhất của nhau, như vậy sẽ tốt hơn em à!”. Ừ đúng rồi! Em cảm ơn anh.
Tôi chợt giật mình khi bác tài xế hóm hỉnh gọi:
- Tới nơi rồi, mời quý khách xuống xe!
- Cho con ngồi thêm chút nữa đi?- Tôi nài nỉ.
- Không được, tới bến rồi, có muốn hay không con vẫn phải xuống!
Ừ, phải rồi! Có muốn hay không tôi vẫn phải xuống, nếu muốn đi tiếp tôi phải đón chuyến xe khác mà thôi. Nhưng liệu rằng trên những chuyến xe đó có những người tôi muốn gặp lại hay không? Chuyến xe thời gian không chờ đợi ai, có những người lên và có những kẻ xuống, nhưng tôi tin rằng trên mọi trạm dừng, luôn có Thiên Chúa đồng hành cùng tôi. Và nếu Thiên Chúa muốn thì tôi sẽ gặp lại Cha, gặp lại mọi người trên những trạm tiếp theo của “Chuyến xe cuộc đời”. Như thế, “tạm biệt” chỉ là cách nói khác của “hẹn gặp lại”, vậy tại sao tôi phải buồn? Tôi khẽ thì thầm:
- Con sẵn sàng rồi! Mình đi thôi Chúa. Hẹn gặp lại mọi người trên “chuyến xe cuộc đời”.
 
 
 
HÌNH BÓNG CHA HIỀN
* Maria Madalena Trần Thị Hường (Gx.Trà Kê)
 
Chưa đi chưa biết Trà Kê
Đi rồi mi thy người cha tuyt vi.
         Cái tên Trà Kê không còn xa lạ với bạn bè như đất khách mà đã trở nên thân thuộc. Mảnh đất nhỏ bé ấy đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, biết bao chứng nhân đã đổ máu đào xuống lòng đất mẹ “Cây Da” thân yêu này mà ngày nay đã được chuyển dời thành giáo xứ Trà Kê. Chắc chắn một điều, nếu ai đã từng đặt chân lên mảnh đất này, sẽ không bao giờ quên cái cảm giác se se lạnh mà mọi người vẫn thường gọi đây là “Đà Lạt 2”. Chúng ta sẽ bắt gặp những ánh mắt hiền từ nhưng đầy nhựa sống của bà con trong giáo xứ, bắt gặp những nụ cười rạng rỡ của mấy chú em đang chơi lò cò xung quanh ngôi nhà thờ nhỏ, cùng với đó là sự hiếu khách. Và đặt biệt hơn ta sẽ không bao giờ quên bóng dáng người cha gầy - “cha chiều”, cái tên mà mọi người vẫn bảo là hợp với cha nhất!
         Trà Kê trước đây là một giáo họ xa xôi của giáo xứ Tịnh Sơn, nhờ ơn Chúa đã được nâng lên hàng giáo xứ vào ngày 27 tháng 5 năm 2009. Và Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã bổ nhiệm cha Phanxicô Phạm Đình Triều, nguyên cha phó Tịnh Sơn, làm cha sở Trà Kê. Và kể từ khi về nhậm chức ở đây, chúng tôi luôn thấy được một nỗi lo âu hiện trên khuôn mặt cha. Lo vì không biết bắt đầu từ đâu để xây dựng giáo xứ vững mạnh và cũng cố đức tin cho cộng đoàn trong giáo xứ. Nỗi lo lại càng thêm lo vì nơi đây cơ sở còn quá đơn sơ chẳng có gì, đến nỗi nơi để cha ngã lưng sau một ngày mệt mỏi cũng chẳng có huống chi là những thứ khác. Chỉ còn biết cậy trông vào Chúa.
           Thời gian cứ dần dần trôi, mọi việc cha đều phải làm: Tập hát, dọn đồ lễ, dạy giáo lí, chuẩn bị mọi viêc từ trong ra ngoài. Dù thế nhưng hiếm khi chúng tôi thấy cha nỗi giận. Mắm cà, rau muống luộc, thậm chí chỉ là gói mì tôm, lâu lâu mới thấy miếng cá của bà con giáo dân đi câu mang đến, trên bàn ăn của cha thật đơn giản biết chừng nào! Sau những bữa họp mặt, cha thường bảo chúng tôi ở lại chơi, cùng nhau làm “cà sóc”, cái món cà sóc nhắc tới là thèm để có cơ hội quy tụ giới trẻ trong giáo xứ. Cha luôn tạo mọi cơ hội cho chúng tôi gặp nhau, có thời gian để hiểu nhau hơn, cộng tác vào công việc của giáo xứ. Mỗi lần như thế chúng tôi lại được cha dạy dỗ, được học từ cha nhiều điều. Cha luôn tạo cho chúng tôi một khoảng cách gần nhất, không phải khoảng cách giữa linh mục và giáo dân nhưng là giữa cha và con, để hiểu về tình hình trong giáo xứ, để dẫn dắt những con chiên đang lạc lõng giữa cuộc đời quay trở về nhà Chúa. Cha luôn đặt niềm tin vào giáo xứ, cha tin rằng vào một ngày không xa, nơi đây đức tin sẽ sống dậy và sống mãi thật vững bền.
         Biết bao nhiêu khó khăn, biết bao công việc đang chồng chất để biết bao đêm cha trằn trọc không ngủ, chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn hổ trợ cho giáo xứ, vậy mà cha vẫn luôn chu toàn bổn phận. Những bài giảng hằng ngày của cha dần thấm sâu vào trong lòng mỗi người con trong giáo xứ. Thời gian lại cứ trôi, mỗi ngày trôi đi bộ mặt của giáo xứ lại được đổi mới, bà con giáo dân đi lễ đông hơn mọi khi. Những khuôn mặt hầu như lâu nay không thấy xuất hiện ở nhà thờ, giờ lại trở nên tận tâm, nhiệt tình làm công tác nhà thờ và trở nên gần gũi nơi nhà Chúa. Cái cảm giác lạnh lẽo hoang vu của những ngày mới về đây dần tan biến, chắc hẳn Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của cha.
           Nhờ hồng ân Chúa ban, chỉ cách 4 năm kể từ khi cha về đây làm cha xứ, diện mạo của nhà thờ đã đổi mới hoàn toàn. Nhà thờ được bao bọc bởi hàng rào kiên cố, ngôi nhà giáo lí khang trang như niềm mong ước của các thiếu nhi, hang đá Đức mẹ, đền Thánh Giuse được dựng lên để những lời kinh nguyện được vang lên hằng ngày. Hài cốt của cố Thuông, chứng nhân sống đạo ngày trước, được mang về chôn cất dưới chân nơi hang đá Đức Mẹ để được sưởi ấm bằng những lời kinh. Đặt biệt hơn là cha đã khơi dậy lại đức tin vốn bị mai một nơi đây, ấy là điều cha cảm thấy hài lòng nhất. Ngỡ như mọi chuyện đều tạm gác lại, vậy mà cha lại phải lặn lội nơi phương xa để mong ước xây dựng một ngôi nhà thờ mới, một ngôi nhà chung của giáo xứ, để giáo dân có được một nơi tươm tất mà thờ phượng và ca ngợi Thiên Chúa. Có người cha nào tuyệt vời như thế kia! Người cha có dáng người phong sương mỏng manh ấy lại vô cùng bản lĩnh và mạnh mẽ.
            Những ai đã từng đật chân lên mảnh đất Trà Kê, ghé lại nơi Thánh đường Trà Kê dù chỉ một lần, sẽ không bao giờ quên được tình người nơi đây đơn sơ nhỏ bé nhưng tràn đầy, sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người chạy đôn chạy đáo, lo toan chu đáo mọi việc, và sẽ không bao giờ quên nụ cười của người ấy. Đó là cha Phanxicô Phạm Đình Triều, người cha gầy thân thương. Mong rằng Chúa sẽ luôn ở bên nâng đỡ bước cha đi, để cha thực hiện được mọi việc như ý Chúa.
 
 
 
GỬI “MR. CỐ”
* Luxia Nguyễn Thị Hồng Nhi (Gx.Tân Dinh)
 
Lễ xong, vừa về tới nhà thì thấy chuông điện thoại reo. Nó nhấc máy.
- Ê! Mày đi không?
- Đi đâu mày?
- Thì đi lên nhà ông Cố đấy.
- Ông Cố nào mới được?
- Cố Tân đấy “bà nậu”!
- Ờ… Đi… Hihi…
- Giờ lên nè! Xe đang chờ.
Tắt máy. Nó lấy vội cái áo khoác với cái mũ. Lên đến nhà thờ, nó thấy có một chiếc xe lớn, mấy đứa trong ca đoàn trạc tuổi nó với mấy mẹ hội Legio và các anh chị giáo lí viên đang chờ. Đúng 6 giờ, xe lăn bánh. Không hiểu sao lòng nó có cái gì đó bồi hồi, xôn xao. Nó ngồi bên cửa sổ, tay kê lên thành cứa xe, mắt đăm chiêu nhìn ra xa. Cũng chả biết nó nghĩ gì, chắc có lẽ đang ngắm cảnh! Hôm nay trời không có chút nắng, gió nam thổi hiu hiu ùa vào cửa xe làm nó mỏi cả mắt. Nó bắt đầu thiu thiu ngủ... Bỗng đâu kí ức ùa về trong tâm trí nó như một cuộn băng ghi hình. Rồi như ai đó đã bấm nút, cuộn băng “stop”, hiện ra trong đầu nó là hình ảnh của 10 năm về trước...
Lúc đó nó mới học lớp 1. Trong ảnh là Cố Tân và gia đình nó. Nó nhớ như in khoảng thời gian đó. Năm 2001, nhà thờ khởi công xây dựng lại. Ba nó là thợ chính nên ông Cố hay xuống nhà chơi, có khi nó còn được cho quà nữa chứ. Lúc đó ông Cố thương nó lắm, đi đâu cũng nhắc nó. Đến nỗi năm lớp 3, nhà thờ có cuộc vận động góp quỹ xây gò Dinh, nó được ông Cố khuyến khích nên đóng 20 ngàn. Nhờ thế mà tên nó nổi như "cồn" sau Thánh lễ Chúa nhật, vì ông Cố đã tuyên dương nó trước mọi người…
Bức ảnh khác hiện ra. Ông Cố, nó, cái Miên, anh Tra, cô Thảo và vài đứa bạn đang trong lớp học đàn của cô Thảo. Lúc đó nó mới lớp 5, nó không có ý định học đàn nhưng nhờ ông Cố động viên nên nó đã đăng kí và giờ thì nó có thể đánh đàn thành thạo trong Thánh lễ rồi. Trong ảnh là lúc mọi người đang ăn bánh, giải lao sau giờ học. Ông Cố hay cho bánh, nước ngọt, mua cà-rem cho tụi nó ăn. Nó nhớ có lần làm biếng học đàn, trốn đi bắt ốc bị mấy đứa mách lại với ông Cố, thế là ông Cố phạt nó quỳ bên gốc khế, mỏi tay ê chân thấy sợ! Lúc đó nó ghét ông Cố kinh khủng...
Gì nữa đây? Không phải là ảnh mà là một đoạn clip. A... Nó kìa! Nó đang tỉa lá mít cảnh, có anh Tra với cả cái Miên. Nó nhớ rồi, lúc đó nó mới lớp 7. Hôm đó, nó với cái Miên được anh Tra dẫn đi "dạo" Tuy Phước "xin lá mít cảnh" về trồng trong khuôn viên giáo xứ. Eo ui, nhỏ giờ toàn ở nhà với mẹ, chưa hề biết Tuy Phước là gì, xa ơi là xa, giờ thì nó bị một trận te tua mình mẩy, rụng rời tay chân. Xin về rồi, nó lại phải tỉa lá, chặt thân, giăm xuống đất, ngày nào cũng lên nhà thờ tưới cây. Những lần nghịch nước bị ông Cố bắt gặp, còn hỏi gì nữa, thế là ông Cố nhéo nó muốn "sứt" cả tai...
Hiện ra trong tâm trí nó là ông Cố, bộ ba anh Tra, cái Miên, nó và mấy đứa nhỏ hay lên nhà thờ, đang ăn sữa chua. Chắc đây là lúc cái Miên thi đậu trường công lập, Miên hứa sẽ khao một chầu mà. Cũng có thể là lúc ông Cố với cái Miên thi nhau chạy quanh bồn hoa 20 vòng. Cái Miên thắng, thế là ông Cố mất một chầu sữa chua. Mà chưa chắc, biết đâu là ngày tiễn mấy thầy "nhập ngũ", tụi nó đã tổ chức một bữa "party sữa chua" nho nhỏ thì sao? Tại tụi nó bên nhau như thế này không phải lần một, lần hai nhưng là rất nhiều lần. Đến nỗi nó không nhớ nữa mà...
Ủa! Đâu đây? Sao toàn là người với người không vậy nè? À...Thì ra là Hội trại hè. Mấy năm gần đây, hè nào nhà thờ nó cũng tổ chức cắm trại cho các bạn giáo lí, vui cực! Chắn tầm nhìn nó là hình ảnh ông Cố đang ăn trưa với tụi nó ở các trại. Ông Cố đi hết trại này qua trại khác, gắp thức ăn, nói chuyện, cười đùa. Nếu người ngoài nhìn vào không biết, chắc hẳn đều nghỉ rằng ông Cố chỉ là một giáo lí viên, chú tài xế hay bác gác cổng thôi. Ông Cố luôn cùng chơi với tụi nó, thân với tụi nó như những người bạn, ông Cố hay cười, hay chọc làm tụi nó cũng cười theo...
“Kíttt...” - Xe bóp phanh giữa chừng làm đầu nó đập vào thành xe. Ngắt dòng hồi tưởng, nó bừng tỉnh. Nghe tiếng mọi người í ới:
- Đến nơi rồi. Xuống xe thôi bà con...
Thì ra đây là nhà thờ Kim Châu. Nó bước xuống xe, hiện ra trước mắt nó chứ không phải chỉ trong tâm trí nó nữa là ông Cố. Mấy tháng rồi không gặp, ông Cố đen hơn, ốm hơn, tóc bạc nhiều hơn. Nó thấy lòng trĩu nặng. Ngày ông Cố chuyển đi, nó không có ở nhà để tiễn ông Cố, sau đó nó cũng không gặp lại ông Cố, không liên lạc được vì điều kiện không cho phép. Nó nhớ ông Cố, thật sự rất nhớ. Sống mũi nó bắt đầu nóng lên, khóe mắt cay xè, sau gáy lại lạnh run. Nó muốn chạy tới ôm chầm lấy ông Cố nhưng ai đó đã đánh vào vai nó: "Đi thôi mầy!".
Vừa đến nơi, cả nhóm từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, từ "ca sĩ" đến "ca lẻ" đều cất chung một tiếng hát: "Chúc mừng một ngày thật tươi. Chúc mừng ngày lễ Quan thầy. Chúc mừng một ngày hồng phúc. Chúc mừng và xin chúc mừng. La la la... Mừng Bổn mạng Gioakim Mr.Cố ạ". Nó thấy ông Cố cười, đã lâu lắm rồi nó mới được thấy lại nụ cười ấy. Sáu tiếng đồng hồ ở "nhà mới" ông Cố đã trôi qua, cũng đến lúc phải về thôi. Nó đưa tay chào tạm biệt như đang chào một người thân ruột thịt của nó đã xa.
Thế là hết! Không còn những món quà, những cái bánh, hũ sữa chua, không còn những buổi tưới cây, những bài giảng, những bữa trại có ông Cố ở bên. Nó thấy nhói lòng! Nhớ những cái nhéo của ông Cố, sao mà thương thế!
Nó chẳng biết gì hơn, chỉ biết cầu nguyện cùng Chúa cho Cha sở giáo xứ Kim Châu được nhiều ân sủng, làm tròn bổn phận của một “chủ chiên” trong nước Chúa. Nó sẽ luôn nhớ mãi câu hát: "Ông Cố con number one, number one, number one...". Tất cả kí ức của 17 năm qua, dù lúc đó nó mới lọt lòng mẹ, nhưng những gì tuy không thấy chỉ nghe kể, nó cũng sẽ dựng hình thật đẹp rồi ghi hết vào cuộn băng, cất giấu vào nơi không bao giờ mất...
 
 
 
ĐỘNG LỰC CỦA CHA
(Thay lời cảm ơn gửi tặng Cha sở giáo xứ chúng con)
* Isave Phạm Thị Kim Quanh (Gx.Mằng Lăng)
 
Cha đã mở ra cho chúng tôi một cánh cửa tri thức về giáo lý qua việc tổ chức một buổi lễ khai giảng các lớp giáo lý thật hoành tráng, uy nghiêm. Rồi cha cũng đã tạm khép cánh cửa đó lại khi kết thúc một khóa giáo lý, tuy có đôi chút mệt mỏi nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều bài học về Chúa, giúp chúng tôi biết Chúa và tin yêu Chúa nhiều hơn. Qua mỗi khóa giáo lý, chúng tôi ngày càng trưởng thành hơn và tích lũy thêm cho mình những bài học trên đường đời để có thể vững tin trong cuộc sống. Cha đã tổ chức một buổi lễ tổng kết thật trang trọng và để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
Vào buổi tối 28/6, cha tổ chức thánh lễ vọng kính hai Thánh Phêrô-Phalô tông đồ dành riêng cho chúng tôi. Lúc 6h15, thánh lễ được bắt đầu do cha sở chủ tế và có hai cha khách đồng tế. Chúng tôi cảm thấy thật vui và hạnh phúc. Tôi rất ấn tượng về bài giảng đầy sâu sắc của cha. Thế rồi đã đến lúc mà chúng tôi rất mong đợi, buổi phát phần thưởng cho những học sinh học giỏi giáo lý, từ lớp nhỏ nhất (Ấu nhi) cho đến lớp lớn nhất (Kinh Thánh). Những em bé nhỏ lớp Ấu cứ loay hoay, quay trái quay phải, lắng tai nghe xem thử đến tên mình chưa. Nhìn mấy em nhỏ, ký ức tuổi thơ của tôi ùa về, tôi nghĩ lại chắc ngày xưa mình cũng lanh chanh như thế! Cha không những khuyến khích động viên việc học giáo lý mà cha còn quan tâm rất nhiều đến việc học ở trường của chúng tôi, qua việc phát phần thưởng cho học sinh đạt thành tích học sinh giỏi và tiên tiến cấp trường, huyện, tỉnh. Tuy phần thưởng của cha là những cuốn sách, cuốn vở đơn sơ nhưng đã giúp gia đình chúng tôi một phần nào đó trong việc đưa chúng tôi đến trường. Nhờ có động lực đó từ sự khích lệ của cha mà các em, các bạn, các anh chị trong giáo xứ hăng hái không bỏ việc học chữ ở trường và thích thú học giáo lý ở nhà thờ hơn. Chúng con cảm ơn cha rất nhiều.
Để không phụ lòng quan tâm, động viên, giúp đỡ của cha, chúng con sẽ cố gắng học giỏi, siêng năng đi học giáo lý và chúng con sẽ cố gắng thích nghi và thực hiện tốt phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Cầu xin Thiên Chúa ban đầy hồng ân cho cha, để cha luôn mạnh khỏe và đầy tràn ơn Chúa, nhiệt tình xây dựng giáo xứ ngày càng thăng tiến và giúp chúng con luôn tiến bộ về mọi mặt.
 
 
 
ĐIỀU MỚI LẠ TRONG NGÀY LỄ CHÚA BA NGÔI
* Phêrô Lê Đức Huy (Gx.Sơn Nguyên)
 
Vậy là một năm học giáo lý đã kết thúc. Hôm nay, tất cả các giáo lý sinh đã có mặt đầy đủ tại nhà thờ để tham dự Thánh lễ tạ ơn cuối năm học, và buổi tổng kết niên khoá giáo lý vừa qua.
Thánh lễ tạ ơn năm nay đặc biệt hơn những năm trước là có “nghi thức sai đi” dành cho các anh chị đã hoàn tất chương trình giáo lý. Lễ tổng kết diễn ra đúng vào ngày Lễ Chúa Ba Ngôi. Khi tôi vừa đến nhà thờ thì có một điều bất ngờ đến với tôi, tôi đưa mắt nhìn thấy bạn nào cũng mang khăn quàng trên cổ. Tôi rất tò mò nên liền bước vào cổng nhà thờ, một người bạn của tôi chạy tới và hỏi: “Này Huy, mày có khăn quàng của khối Vào đời mình chưa?”. Tôi bỡ ngỡ trả lời: “Khăn gì, mình có biết khăn gì đâu!”. Bạn ấy vội dắt tay tôi đến chỗ chị giáo lý viên phát khăn, lấy cho tôi một cái khăn màu đỏ rồi nói: “Mày mang vào đi, đây là khăn lớp giáo lý của mình đấy!”. Khi quàng khăn vào cổ, tôi thật sung sướng và thích thú, nhìn xung quanh nhà thờ thấy bạn nào cũng mang khăn, cứ mỗi khối là một màu. Chính nhờ những chiếc khăn này mà ai nhìn vào nhà thờ tự nhiên cũng thấy đẹp và trang trọng hơn. Sau khi đã nhận khăn xong, chúng tôi ổn định hàng ngũ để chuẩn bị bước vào Thánh lễ.
Trước thánh lễ, mọi người ai nấy đều hồi hộp và tò mò không biết “nghi thức sai đi” là như thế nào, vì từ trước đến nay giáo xứ chưa từng có nghi thức này. Tiếng chuông báo hiệu Thánh lễ bắt đầu, mọi người ổn định chỗ ngồi và giữ trật tự. Thánh lễ bắt đầu với bài ca nhập lễ “Thắp sáng lên”, đoàn rước Cha chủ tế cùng mười bảy bạn trẻ tiến vào Cung Thánh tạo ra một bầu khí thật trang trọng. Lời giới thiệu mở đầu của Cha về “nghi thức sai đi” làm cho mọi người tham dự mang một tâm trạng phấn khởi và vui mừng. Trong bài giảng, Cha nhấn mạnh đến đời sống đức tin của người Kitô hữu, Cha nhắn nhủ cách riêng đến mười bảy anh chị đã hoàn tất chương trình giáo lý: “Dù mai này các con có ở đâu, sống ở môi trường nào, làm việc gì thì các con cũng phải sống đúng là người Kitô hữu, đem tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi giới thiệu cho mọi người qua đời sống đức tin của mình”. Sau bài giảng là bắt đầu “nghi thức sai đi”, mở đầu là lời giới thiệu của chị giáo lý viên về mười bảy bạn trẻ này, tiếp đến là lời tuyên hứa của các bạn trước mặt vị đại diện của Hội Thánh và toàn thể dân Chúa đang có mặt. Phần quan trọng của nghi thức đã đến, mười bảy bạn xếp thành hai hàng trước Cung Thánh, Cha kêu tên từng bạn để nhận bằng chứng nhận đã hoàn tất chương trình giáo lý, chuỗi và sách Tân Ước. Tôi thầm nghĩ vậy là năm sau đã tới lượt của mình, thật là hạnh phúc. Nghi thức kết thúc và Thánh lễ tiếp tục diễn ra cho đến hết.
Qua những điều kì diệu ấy, tôi thấu hiểu tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi thật lớn lao, đã ban cho giáo xứ những điều mà không ai ngờ đến, và chắc chắn những điều kì diệu đó sẽ mãi đọng lại trong tâm trí mỗi người chúng ta.
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 15
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hoa Biển 15

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 16
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 91487
  • Tổng lượt truy cập: 12235747