Trang mới   https://gpquinhon.org

Sống yêu thương II (Hoa Biển 14)

Đăng lúc: Thứ năm - 24/07/2014 18:47
BẾN BỜ
* Anna Nguyễn Thị Lan Phương (Gx.Trường Cửu)
 
Trong xã hội này, với nền kinh tế đang phát triển, mọi người đều nghĩ rằng những người sống trong giàu sang là hạnh phúc và vui vẻ. Liệu có phải như vậy?
Ngọc, một cô gái dễ thương, học giỏi, sống có đạo đức và cũng khá nhạy cảm. Cô bé cũng được ở trong một gia đình đầy đủ, gia giáo và cả gia đình cô là những người con của Chúa. Dạo này cô có vẻ buồn, hay trầm tư suy nghĩ về một điều gì đó. Tôi có thể hiểu điều này, vì tôi là người bạn thân nhất của Ngọc nên chuyện gì Ngọc cũng nói cho tôi biết. Trước đây, gia đình Ngọc sống rất hạnh phúc trong tình yêu và sự che chở của Chúa. Chủ nhật nào nhà cô cũng đi lễ đầy đủ và cô lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời. Cô cảm thấy Thiên Chúa đã đối xử với cô rất tốt và cô luôn cảm ơn Ngài về điều này. Nhưng đã một tháng nay rồi, ba mẹ của cô luôn có những xích mích, cô buồn lắm! Có lẽ vì công việc làm ăn không thuận lợi nên ba mẹ cô đã cãi nhau do áp lực công việc quá lớn. Mỗi lần đi học về, vào bàn ăn, thay thế cho những tiếng cười thì giờ đây chỉ toàn là những sự cáu kỉnh. Cô bé chỉ còn biết ngồi im lặng và nuốt từng giọt đắng, giọt cay vào lòng.
Sau đó cô đi lên phòng và đối diện với nhữmg bức tường trơ trọi, không cảm xúc. Cô bé ngước nhìn Chúa và suy nghĩ. Nỗi cô đơn quá lớn, do đó sự cô đơn đã chuyển thành sự hoang mang. Cô bắt đầu cảm thấy chơi vơi và lo sợ… Rồi cũng có một ngày Ngọc khuyên ba mẹ không nên cãi nhau nữa. Ngọc nói với những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhỏ xinh :
- Ba mẹ ơi, ba mẹ có thể vì con mà đừng cãi nhau nữa được không? Thấy ba mẹ như vậy, con buồn lắm.
Ba nó la lên:
- Con còn nhỏ không hiểu biết gì đâu! Lên phòng đi, để cho ba mẹ nói chyện.
Nghe ba nói như vậy, cô bé đành chấp nhận đi lên phòng và trong lòng cô đầy sự lo lắng… Ba mẹ cô chỉ vì những xích mích mà không còn thương và quan tâm mình nữa, cô bé nghĩ vậy. Cô như tuyệt vọng và sụp đổ khi nghĩ rằng ba mẹ cô sẽ ly hôn. Cô bé cố gắng gượng và cầu xin Chúa cho gia đình cô quay lại như lúc xưa, luôn vui vẻ và hạnh phúc. Cô đã cố gắng mạnh mẽ, nhưng sự mạnh mẽ ấy không đủ sức giữ cô lại vói thế giới này… Trong một lúc bồng bột cô bé đã tự đưa mình ra khỏi thế gới này... Cô đã từng hỏi tôi rằng:
- Nga ơi! Chắc ở trên thiên đàng với Thiên Chúa sẽ hạnh phúc và vui vẻ lắm, sẽ chẳng phải suy nghĩ gì, đúng không?
- Đúng thế! – Tôi ngây thơ trả lời mà không hiểu hàm ý của bạn.
Cô bé đã ra đi để lại cho tôi và cả gia đình cô những sự hụt hẫng và hối hận rất lớn. Ai cũng nói rằng: “Giá như mình… thì nó đã…”. Nhưng đã quá muộn rồi! Kể từ khi cô ra đi, ba mẹ cô đã thay đổi, sống tốt hơn. Tôi tin chắc rằng cô sẽ được hạnh phúc và vui vẻ khi ở bên cạnh Chúa.
Trong cuộc sống này có nhiều điều làm ta phải hối hận, vì thế hãy biết trân trọng những giá trị của cuộc sống. Đừng bao giờ quên rằng bên ta luôn có Thiên Chúa- Đấng từ bi và nhân hậu- đang dõi theo. Các bậc làm cha, làm mẹ hãy cố gắng hiểu con mình, và hãy cho những đứa con của mình một bầu khí gia đình thật ấm áp và hạnh phúc. Những đứa con hãy biết tôn trọng, hiếu thảo và yêu thương cha mẹ mình hơn nhé! Thiên Chúa luôn ở bên cạnh ta.
 
 
 
HÀNH TRÌNH MIỀN TÂY
* Phanxica Nguyễn Thị Ngọc Thảo (Gx.Bàu Gốc)
 
Chuyến xe đò đến vùng Đất Mũi sau khi đã lướt qua bao tỉnh miền Tây Nam Bộ. Xe dừng chân trước căn nhà số 46 mà nó cứ ngỡ là nhà con bạn, hăm hở vác hành lí đi thẳng vào ngõ. Nhỏ bạn phía sau í ới gọi: “Mày đi đâu mà mang cả vali đi thế? Để ngoài này nè, rồi xíu đò qua rước”. Nó tròn mắt: “Ủa, tao tưởng đến rồi”. Nó ném phịch cái ba lô xuống đất, thở phào như trút được gánh nặng. Bao nhiêu là đồ nó mang theo vì nghe con bạn hú hí: “Xuống đó tao cho tụi bây tắm sông, nhớ mang theo đồ nhiều nhiều, ngày phải tắm hai ba cử lận đó nghe”. Thế là nó cho vào đó bao nhiêu là đồ đạc, cái ba lô phải biểu tình phản đối sức nặng bằng cách đứt phắt sợi dây xách!
Đò ghé rồi, tụi chúng nó gồm năm đứa toàn con gái reo vui sung sướng như con thơ gặp mẹ đi chợ về vậy. Đò xuôi mái chèo đưa tụi nó len qua bao ngõ sông, lướt qua bao ngôi nhà thấp bé, bao đứa trẻ đơn sơ nghèo nàn. Nhưng lòng nó lúc bấy giờ chẳng để ý đến những chuyện đó, tâm trí nó đang bận tham gia vào những cuộc vui bàn tính cho những ngày sắp tới. Hôm nay là chủ nhật mà nó cũng quên mất rồi. Ghe dừng trước một mái nhà tranh, phía trước là một hàng rào hoa thưa thớt khẽ lay theo ngọn nước khi thuyền cập bến. Trước cửa có hai người lớn tuổi cười tươi khi thấp thoáng nghe tiếng xuồng máy nhỏ dần. Nó đoán chắc đây là ba má nhỏ bạn. Bằng những nụ cười, tụi chúng nó đáp trả cùng những nghi thức chào hỏi. Những món quà từ thành phố tụi nó cũng gấp rút gửi tặng để rồi còn nhảy xuống sông, rồi đi bắt cua, bắt cá, “bắt con ba khía mà bỏ vô cái gổ cho nó kêu gồ gồ” nữa. Nó thỏa chí vui đùa cùng tụi bạn, hì hụp dưới dòng nước đen sì, cứ như nó đang ôn lại tuổi thơ ngày bé tắm mưa cùng bọn trẻ trong xóm vậy. Buổi trưa nó nạp nguyên liệu cho cái bụng bằng những con cá nướng thơm ngất ngây. Lần đầu tiên nó cùng với tụi bạn được tận hưởng cái không khí mát lành như thế này, miệng ríu rít cảm ơn con bạn đã giúp nó có được chuyến du lịch tuyệt vời nhất từ trước đến giờ.
Ăn xong buổi trưa, tụi nó dường như chẳng còn biết thời gian là gì, hết trò này lại nhảy qua trò khác. Trưa nắng mà tụi nó chèo xuồng đi bắt cua để chiều có món luộc cho vào bụng. Cảm giác thật bình yên. Nó cố gắng làm cô lái đò mà chèo mãi xuồng vẫn không chịu đi, nó đuối sức vẫy tay xuống nước đẩy. Mặt trời về nhà nghỉ ngơi tụi nó vẫn chưa chịu dừng, vẫn la chí chóe, vẫn cười thật tươi khi bắt được con cua, con cá. Đến khi tiếng cô Hai (mẹ của con bạn) gọi í ới giục vào tắm rửa rồi ăn cơm, tụi nó vẫn lưu luyến, chùng chình không muốn bước đi. Mấy con cá như vẫn đang vẫy tay rủ tụi nó xuống chơi nữa, tụi cua thì hất hàm hỏi: “Đầu hàng sớm vậy sao?”. Nó ngước mắt nhìn trời xanh, nhưng nhìn mãi mà ông mặt trời trốn đâu rồi! Một ngày đã sắp qua.
Ngồi vào bàn ăn nó mới sực nhớ ra hôm nay là chủ nhật, nó vẫn chưa đi lễ. Bao nhiêu suy nghĩ bắt đầu ghé thăm nó: “À, bỏ một buổi không sao đâu nhỉ? Thôi lâu lâu mới đi chơi một bữa suy nghĩ làm gì, cứ chơi vui với tụi bạn thôi nào!”. Nhưng một suy nghĩ khác lại giành xuất hiện trong nó: “Tại sao mình bỏ lễ mà không thấy áy náy gì hết vậy? Bỏ lễ để mà cả ngày đùa giỡn với cá với tôm thế kia sao?”. Nó cố ăn vội chén cơm rồi bỏ đũa, mặc dù cả buổi chơi bời mau đói nhưng nó cảm thấy không thể ngồi ăn một cách ngon lành được. Bao nhiêu tiếng hỏi với theo: “Sao ăn ít vậy? Ngại ngùng gì thế?…”. Nó lẳng lặng ra bờ sông, phong cảnh nên thơ thật, dòng nước lặng yên, sóng gợn lăn tăn, bụi dừa khẽ vươn mình trong gió, tâm hồn nó cũng phần nào bình yên. Những cảnh vật ngày hôm nay lại chảy về trong tâm trí, những mái nhà lụp xụp, những đứa trẻ nghèo nàn…  Nó giúp được gì không, một cô sinh viên sắp sửa cầm tấm bằng sư phạm ra dạy học. Con đường nó đi sẽ thế nào đây? Những em bé vùng sâu vùng xa khó nghèo vất vả, hay những con đường xe cộ ngày đêm tấp nập? Ngày hôm nay, nó đã bỏ lễ mà không chút ân hận. Những cuộc vui làm nó đắm chìm trong hạnh phúc mà lãng quên Chúa, để giờ đây chỉ còn những phút giây cuối của một ngày nó mới giật mình nhận ra. Chạy vội vào hỏi nhỏ bạn, nó mới hay nơi đây không có nhà thờ Công giáo mà chỉ toàn nhà thờ Tin lành. Lòng nó lại buồn xo, một câu hỏi chợt đến: “Sao các linh mục không truyền giáo nơi đây nhỉ?”. Nó lại có quyết tâm: “Con hãy là muối ướp cho đời, là ánh sáng chiếu soi cho thế gian”. Chính nó phải sống thật tốt để mọi người nhìn thấy hình ảnh Chúa qua hinh hài bé nhỏ của nó. Chí ít là qua chuyến hành trình dọc miền sông nước này, nó sẽ cố gắng làm được một việc gì có ý nghĩa.
 
 
 
TRANG VIẾT ĐẦU
* Maria Kiều Nguyễn Yến Nhi (Gx.Cây Rỏi)
 
Đông nhẹ nhàng se se lạnh, câu chuyện nhỏ của tôi lại bắt đầu những trang mới. Trang giấy ấy tôi viết riêng cho nó, đứa bạn cùng phòng. Không nhớ nó vào ngôi nhà này ngày mấy tháng mấy, chỉ biết là nó để lại trong tôi cái ấn tượng không mấy tốt đẹp: Một đứa chảnh chọe, yếu đuối, thật là phiền phức theo cái nhìn của một đứa có hơi chút cá tính như tôi.
Bắt đầu trang đầu tiên tôi viết về nó là những ngày chuẩn bị Noel trong gia đình nhỏ Lưu xá, nơi chúng tôi được sống, sinh hoạt cho thời sinh viên nhiều kỷ niệm. Hình như An cũng mới vào được vài tuần nên các chị cũng muốn nó hòa đồng hơn với mọi người trong phòng cũng như trong nhà. Muốn cho nó tham gia văn nghệ vui Noel nên lúc chiều chị Xù bảo nó:
-  Bé An, tối lên sân thượng tập nhảy với mấy đứa cho vui nhen em!
Nó ậm ừ:
-  Dạ em cũng không hứa được chị, chắc em tập không được đâu.
Nói thế rồi nó “phắn” một hơi mất xác. Sau khi đọc kinh tối, mọi người lên sân thượng tập. Nó cũng lên nhưng rồi bỏ đi xuống, nói là không nhảy được, với lại Noel này nó về quê chứ không ở Sài Gòn. Chắc là do mấy đứa tôi nhảy xấu quá nên nó không thèm nhảy chung thì phải. Đúng là không ưa nên tôi luôn nghĩ nó xấu như vậy đấy, cái con An đáng ghét! Giờ nghĩ lại, thật là nó không để lại chút ấn tượng tốt đẹp nào trong tôi, một chút nhỏ thôi cũng chả có. Và Giáng Sinh qua như gió đông lặng lẽ đến rồi đi nơi  đất Sài Gòn. Mùa đông nhường chỗ cho xuân, xuân ấm áp yêu thương cũng qua mau để tôi viết tiếp những trang đầu còn dang dở cuối hè.
Về nhà nghỉ hè được 2 tháng tôi lại vác ba lô lên đường vào thành phố. Tôi nghe tin nó bị u nang, cũng thấy buồn cho nó, dù những tháng ngày qua không thân thiết nhưng vẫn sống chung dưới một ngôi nhà mà. Với lại nó là một đứa yếu đuối hay lo nghĩ lung tung nữa. Tôi cũng hỏi thăm tình hình, nói chuyện thường xuyên, nó chia sẻ rất nhiều, cả nỗi lo bệnh tật. Sau khi kết thúc kỳ thi, tôi đi cùng nó tới bệnh viện kiểm tra lại lần nữa. Đã lo rồi càng lo them, bác sĩ bảo nó phải mổ ngay chứ nang đã lớn quá rồi. Về đến nhà, nó điện thoại ngay cho mẹ còn khóc thút thít trên sân thượng. Tôi cầu nguyện cho nó nhiều lắm, nó cũng siêng năng hơn, đọc kinh, đi lễ thường xuyên, hay hai đứa cùng đi đến nói chuyện với Đức Mẹ. Đến với Mẹ, mọi việc trôi qua êm xuôi, không gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào. Đó là một bước ngoặc để nó trở về với Chúa, người vẫn luôn dõi theo, che chở và gìn giữ gia đình nó, mặc dù gia đình nó đã vô tình lãng quên Ngài trong một khoảng thời gian nào đó. Cũng sau cái lần bệnh đó, nó chia sẻ với tôi về gia đình. Mái ấm không mấy hạnh phúc khi ba nó đã xa rời Chúa mà bước vào những ngày tháng rượu chè say xỉn cùng bạn bè, một mình mẹ nó phải lo tất cả chi tiêu gia đình. Thằng em quậy phá, đua đòi cùng chúng bạn ăn chơi, không quản nổi đành cho nó đi học ở một trường nội trú xa nhà. Cho đến bây giờ thằng nhóc vẫn ăn chơi không biết nghĩ cho ba mẹ ngày này qua ngày nọ đầu tắt mặt tối từ sáng sớm tới khuya, vất vả kiếm ra đồng tiền thấm đẫm mồ hôi mặn chát cho nó ăn học nơi đất khách quê người. Từ khi vào thành phố học nó cũng bắt đầu xa rời Chúa, người đã cho nó đến với cuộc đời một cách kỳ diệu. Nghe câu chuyện gia đình An, lòng tôi nín lặng khi giọt nước mắt chất chứa nỗi buồn cứ tuôn ra ở khóe mi nó. Và tôi cảm tạ Chúa vì Ngài cho tôi một mái ấm luôn tràn ngập những tiếng cười mỗi bữa cơm, hay chỉ là một bữa party họ hàng mỗi độ xuân về. Tôi cũng kể cho An nghe nhiều về gia đình tôi, không có gì hào nhoáng nhưng có lẽ đó là ao ước của An.
Mùa đông lại về, tôi viết thêm cho nó vài dòng. Hai đứa đã thành một đôi bạn thân rất thân từ lúc nào chẳng biết, đi tham dự thánh lễ cùng nhau thường xuyên, lâu lâu thì cùng đến hang đá Đức Mẹ thì thầm vài câu chuyện cuộc sống. Noel, không khí Sài Gòn se se lạnh, nhưng có lẽ tâm hồn nó đã ấm lên rất nhiều vì Chúa Hài Đồng đã đem ánh sáng soi chiếu con đường mới cho đứa em nó trở lại trong tình yêu Ngài. Hy vọng năm nay nó cũng có được những niềm vui mà nó hằng ao ước nơi gia đình nhỏ của mình.
 
 
 
MẸ LÀ MẸ RUỘT CỦA CON
* Anna Trần Phương Sanh (Gx.Vườn Vông)
 
Hai vợ chồng Nhân cãi nhau suốt mấy giờ đồng hồ. Bà Hương đứng dưới bếp nghe mà xót cả ruột. Nhân sợ cái quyền sở hữu công ty của bố sẽ thuộc về người anh vì mình không có con trai, nên sẵn sàng bảo vợ bỏ đi đứa con gái trong bụng. Linh thì khóc lóc van xin hết lời, thế mà anh ta vẫn nhất quyết không thay đổi ý định.
- Hoặc là em cho nó đi, hoặc là mình chấm hết. Anh muốn có con trai, em hiểu không?
- Nhưng nó là con của mình anh à…
Vì thương Nhân và không muốn phải li hôn với anh nên Linh đành lòng...
Bà Hương vẫn loanh quanh trong bếp, vẫn làm việc… Và bà đã có thể tưởng tượng đến hình ảnh một đứa trẻ đứng trong cô nhi viện, tay bám vào cánh cổng sắt và trông về phía xa...
* * *
Trong bệnh viện...
Chỉ có bà Hương với Linh đến bệnh viện chuẩn bị cho thời khắc làm mẹ.
Và mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Một đứa bé đỏ hỏn bên cạnh Linh, cái miệng con bé khóc oe oe… Linh khóc. Ví như đặt vào hoàn cảnh khác, có lẽ nước mắt đó là niềm vui của một người mẹ sau bao đợi chờ, cuối cùng cũng được ôm con trong vòng tay. Nhưng với Linh, giọt nước mắt kia chỉ là một thứ nước mặn đắng trước khi thực hiện một quyết định đau đớn.
Linh ôm đứa trẻ, mắt rưng rưng, hai hàng lệ lăn dài trên gò má trắng bệch của cô. Máu trong người cô như chậm lại, một nỗi xót xa của người mẹ phải đứng trên bờ vực, hoặc là chọn từ bỏ đứa con ruột của mình, hoặc là phải xa rời người mình hết mực yêu thương. Đã quyết định, và quyết tâm thực hiện vì tương lai của mình, thế nhưng tiếng khóc của con bé làm cô chột dạ, đôi hàm răng bấm chặt bờ môi tái nhợt, nước mắt không cầm lại được. Bà Hương nhìn vậy thì xót xa lắm, bà mủi lòng đến bên cô và chìa tay bế lấy con bé. Kỳ lạ thay, con bé thôi không khóc, và đôi môi nó chúm chím dễ thương cười với bà. Đang trên giường, Linh bước xuống nắm lấy tay bà Hương và bậc khóc...
- Dì, dì giúp con nghe dì, dì nuôi giúp con, con không muốn nó phải mồ côi, nhưng con lại không thể chăm nuôi nó... Dì hiểu con ,hiểu hoàn cảnh của con mà dì... Con xin dì, giúp con đi dì...
Linh không nói được nữa, có cái gì đó nghèn nghẹn trong họng...
- Nhưng tôi... Cô Linh à... Tôi sợ mình không kham nổi, tôi chỉ một thân một mình...
- Con xin dì đó, dì ơi...
*  *  *
Ở một vùng đất xa lạ…
Bà Hương với một bé gái chừng 15 tuổi, hai mẹ con sống trong một gian nhà nhỏ. Cô con gái, má lúm đồng tiền, chăm chỉ giúp mẹ đan ghế mây. Ai trong cái xóm đạo ấy cũng quý mến nó bởi sự hiền lành, ngoan ngoãn của nó. Bà Hương vẫn luôn tự hào về đứa con gái bé nhỏ của mình . Và bà thầm cảm ơn Chúa đã cho bà sự mạnh mẽ và lòng bao dung yêu thương, để bà có thể chấp nhận mọi khó khăn mà nuôi nó, một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay khi còn trong bụng mẹ. Có lẽ chỉ có lòng tin vào sự an bài của Ngài bà mới có được đứa con gái như hôm nay. Nếu như có một chút sợ hãi, hay không có tình thương Thiên Chúa đặt vào trong lương tâm bà, thì con Vâng đã phải mang kiếp mồ côi trong khi cha mẹ mình vẫn còn tồn tại. Ngày đó, khi quyết định giúp Linh, câu hỏi bà băn khoăn mãi là một ngày nào đó, nó sẽ hỏi: “Mẹ có phải mẹ ruột con không?''. Có lẽ bà sẽ chẳng thể nào nói với nó hết tất cả mọi chuyện...
Tối hôm đó, bà đang ngồi đan cái ghế, Vâng từ trong phòng chạy ra, mắt chớp chớp cố ngăn không cho nước mắt trào ra : “Mẹ, Văn nói mẹ không phải là mẹ ruột của con. Cô ấy nói vậy có đúng không mẹ?''. Khựng lại một chút, rồi bà từ tốn bảo: “Hãy nắm tay mẹ nào! Con có cảm giác được mẹ là mẹ ruột của con không?''-  ''Dạ có'' - Con bé trả lời với nụ cười bừng sáng trên mặt. - ''Thế thì mẹ là mẹ ruột của con, và tình thương của mẹ dành cho con là thật''.
Điều bà Hương lo lắng bao năm nay đã xảy ra. Câu hỏi con bé đã đặt ra, và bà đã trả lời. Bà biết rồi đây con bé sẽ lớn, vào một lúc khác, một nơi khác, sẽ có những câu hỏi khác. Khó có thể giấu được tất cả, nhưng bà tin đến một lúc thích hợp, Thiên Chúa sẽ soi sáng, mách bảo cho bà khi nào cần thiết để nói ra tất cả. Ngài sẽ soi lòng mở trí con gái để nó hiểu được nỗi khổ của một người mẹ nuôi như bà, và cảm thông tha thứ cho người mẹ đã bỏ rơi nó.
Bà tin Thiên Chúa đã an bài, sắp xếp mọi thứ trong cuộc đời mỗi con người mà Ngài đã tạo nên.
 
 
 
“CÚP" ĐIỆN
* Maria Đặng Khánh Hoà (Gx.Tân Dinh)
 
"Xin chào các bạn, đây là bản tin thời sự lúc 19 giờ, được phát sóng hằng ngày trên kênh truyền hình VTV3...".
- Ôí...! Mẹ ơi, cúp điện rồi mẹ ơi... Cúp điện rồi...
Mất điện bọn trẻ la toáng lên, om sòm cả gian nhà. Đứa lớn thì lo mò đường đi tìm thùng quẹt, đứa nhỏ thì khóc la inh ỏi vì căn nhà tối đen... Bà mẹ đang nấu ăn dưới bếp vội vàng thắp sáng cây đèn dầu rồi đem lên nhà trên cho bọn trẻ. Thế là bóng đen đã nhanh chóng bị xua đi, căn nhà cũng trở lại cái trạng thái ban đầu của nó. Bà mẹ nói:
- Kìa Tí, sao không lo đi tìm cây đèn cầy rồi thắp sáng ở trên này, chứ có một cây đèn dầu này thôi thì làm sao tao xuống bếp nấu ăn đây?
Thằng nhỏ nghe mẹ la thế, vội vàng bật cái thùng quẹt rồi mò mò tìm kiếm. Nó tìm hết trên giá sách rồi lại trên bàn học, qua bàn khách nhưng vẫn không thấy... Nó lại kêu lên với mẹ rằng:
- Con tìm nãy giờ rồi không thấy, chắc là mình dùng hết rồi mẹ ơi...
Bà mẹ la lên:
- Hết đâu mà hết, tao nhớ mới mua hôm trước vào dịp Lễ Đèn đây mà, mầy coi tìm trên bàn thờ thử có không?
Thằng bé bắc cái ghế nhựa tới chỗ bàn thờ rồi leo lên đó, bật cái thùng quẹt một lần nữa và mò tìm xung quanh. Nó đâu biết tôi đang ở...
- A! Có rồi mẹ ơi, nó đây nè!
Thằng nhỏ vui sướng cầm tôi trên tay, nhưng chao ôi bụi quá! Nó bèn cầm miếng giẻ lau bàn lau hết "mình" tôi, rồi để tôi trên bàn thờ, bật thùng quẹt một lần nữa... Và ánh sáng của tôi lan toả tràn ngập cả căn nhà.
Vì mất điện khá lâu, nên gia đình họ phải tập trung lại một chỗ ăn cơm để tiết kiệm đèn dầu. Ôi! Cái cảm giác ấm cúng bao lâu nay đã bị mất đi, thì nay nó đã trở về. Không tivi, không điện thoại, không máy nghe nhạc, không vi tính... Giờ đây cả gia đình họ chỉ biết túm tụm vây quanh tôi chứ biết làm gì đâu... Cuộc sống mỗi ngày một hiện đại hơn với sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin. Do đó, mỗi gia đình đều được trang bị phương tiện đầy đủ và sống sung túc hơn trước. Họ được hưởng một cuộc sống vô cùng hiện đại, nhưng cũng chính vì điều ấy đã phần nào làm rạn nứt đi đời sống tâm linh vốn có của họ, làm mờ nhạt đi không khí ấm cúng, quây quần cùng người thân trong một gia đình. Khi có tivi, dường như họ không bao giờ đọc kinh cùng nhau, bởi vì sức hút mãnh liệt của các bộ phim cứ liên tiếp diễn ra như thế làm sao họ có thể cưỡng lại được! Một cây đèn cầy như tôi đây, họ chỉ sử dụng được một lần, xong rồi thì vứt tôi vào một góc bụi bặm của bàn thờ, cho dù tôi đã được nhận thần phép của Chúa. Khi có sự can thiệp của công nghệ thông tin vào đời sống, dường như mỗi thành viên trong gia đình ít quan tâm tới nhau: Cơm nấu xong thì mỗi người ăn mỗi nơi, mỗi giờ khác nhau; không bao giờ cùng nhau ngồi lại đọc kinh cầu nguyện...
Cứ thế, cuộc sống cứ tiếp tục diễn ra như vậy đó. Tôi đã chứng kiến hết tất cả, cảm thấy buồn và vô cùng thất vọng khi được đưa đến trong gia đình này. Và giờ đây, bỗng nhiên một sự cố mất điện lại xảy đến với gia đình này.Và cũng nhờ vậy, có lẽ họ đã tìm lại được một chút gì đó, cái mà ta thường gọi là "chân lí đích thực của cuộc sống". Điều đấy được thấy rõ qua việc họ cùng nhau đọc kinh cầu nguyện dưới ánh đèn mờ ảo của tôi; và qua cả một cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa các thành viên trong gia đình. Dù chỉ là một giờ cúp điện nhưng lại tồn tại với nhiều suy nghĩ trái ngược nhau. Đối với các gia đình khác thì một giờ trôi qua sao mà lâu quá, còn gia đình này thì..."Nhanh quá mẹ nhỉ, mới đó mà đã có điện rồi". Thông qua một giờ cúp điện lần này, họ đã tìm lại được những thứ mà bấy lâu nay cảm thấy thiếu thốn, và đặc biệt là tâm hồn của họ đã được sưởi ấm trở lại. Hy vọng rằng họ sẽ luôn giữ cho mình một trái tim và một tâm hồn ấm áp như vậy. Qua một lần như thế này dường như họ cảm thấy rằng: Thiên Chúa-Người không thể mất đi trong đời sống gia đình họ. Và giờ đây họ càng thấy thêm yêu quý và trân trọng những phút giây được sống cùng nhau. Họ đã thầm cầu nguyện cảm ơn Chúa vì Người đã cho họ những phút giây tuyệt vời đến như vậy.
Cuộc sống hiện đại không phải là xấu, nó đương nhiên tốt nhưng bên cạnh đó vẫn len lỏi những điều khiến ta phải rùng mình. Ngành công nghệ ra đời và đến gần hơn với loài người, giúp cho cuộc sống của chúng ta được tốt hơn. Đặc biệt là đối với Giáo hội Công giáo, nó cũng góp phần giúp cho việc truyền giáo được thuận tiện hơn, đưa Thiên Chúa đến với toàn thể nhân loại để họ có thể hiểu rõ hơn về Người. Nhưng lại có một số bộ phận vì quá lạm dụng nên không chỉ đi ngược lại hiệu quả kia, mà còn làm cho Thiên Chúa xa rời họ hơn .Vì thế ta phải biết cân bằng đời sống tâm linh và đời sống vật chất để ta sống xứng đáng là con cái Người.
 
 
 
HAI MẶT ĐỒNG TIỀN
 * Anna Lê Thị Mỹ Diệu (Gx.Gò Thị)
  
          Khi tôi bắt đầu lớn đó là lúc tôi nhận ra cuộc sống này không đẹp như những câu chuyện cổ tích, không đơn giản chỉ là ăn, chơi rồi ngủ, không ngây thơ như một tâm hồn trẻ con trong trắng giống những trang giấy chưa hề vấy mực. Tôi bắt đầu suy nghĩ và có nhiều trải nghiệm về cuộc sống.Tôi nhận ra rằng gia đình tôi đang ngày càng xa rời nhau và xa rời tôi nữa. Có một thứ ma lực nào đã làm điều đó? Chính là “tiền”, thứ vật chất do con người tạo ra, làm cho con người ta sung sướng nhưng rồi cũng hủy diệt cuộc sống của chính họ...
         Nếu có ai hỏi rằng tôi có thích tiền không, xin trả lời là có. Tôi thích tiền vì chính nó sẽ cứu gia đình tôi thoát khỏi cơn hoạn nạn. Nhưng tôi lại ghét nó vì nếu không có nó gia đình tôi sẽ rơi vào cảnh khốn đốn. Tiền chỉ là giấy, nhưng mảnh giấy ấy lại có ma lực rất lớn, đem lại lợi ích cho ta nhưng cũng bóp nghẹt ta trong sự thiếu thốn và ngu muội.
         Tôi thích tiền vì nó có thể giúp mẹ tôi phẫu thuật và qua khỏi cơn nguy kịch của căn bệnh ung thư. Nhưng tôi lại ghét cay ghét đắng nó bởi vì nếu không có tiền thì ca phẩu thuật đó sẽ không được thực hiện và mẹ tôi sẽ ra đi mãi mãi. Khi tôi học 12, tôi đã quyết tâm rằng mình phải đậu đại học để có một công việc tốt vì tôi muốn có thật nhiều tiền, lúc này tôi rất thích tiền. Nhưng trong khi đó kinh tế gia đình tôi đang xuống cấp, và có thể rằng con đường vào đại học của tôi vì thế trở nên mong manh hơn nữa.Tôi đã ghét tiền vì nó mà ước mơ của tôi không được thực hiện.
          Một buổi chiều tôi đi dạo trên đường phố, nhìn những con người nghèo khổ đang vật vã với cuộc đời để kiếm sống, tôi lại có một ước muốn là có thật nhiều tiền để giúp họ, nhưng lại ghét tiền vì nó mà những con người đáng thương này không còn sống đúng nghĩa là một con người nữa. Quay trở về với gia đình hiện tại của tôi, là một gia đình Công giáo tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã ban cho con người một thử thách rất lớn, đó là sự có mặt của đồng tiền. Tiền làm cho con người được đầy đủ, được thỏa mãn những ham muốn tầm thường và dung tục, nhưng nếu lạm dụng nó sẽ đánh mất đi thiên lương trong sáng. Tôi khao khát có thật nhiều tiền bởi mẹ tôi vì tiền mà cáu gắt cả ngày, ba tôi vì tiền mà trở nên cay nghiệt, anh em vì tiền mà trở nên tranh chấp, sức tàn phá của nó thật mạnh mẽ. Con ghét tiền nhưng lại muốn có nó để mẹ đừng cáu gắt nữa, để ba trở lại là một con người hiền từ, để anh em lại hòa thuận như xưa. Có lẽ cuộc sống quá xô bồ mà con người cần phải có tiền và phải có thật nhiều nữa. Thật nghiệt ngã, ghét thật nhiều nhưng lại muốn có thật nhiều. Giá như người ta biết điều hòa cho nhau để cuộc sống không có kẻ giàu người nghèo. Nhưng có mấy ai làm được như vậy bởi người nghèo thường khao khát cuộc sống của kẻ giàu sang con kẻ giàu sang lại không muốn thử cuộc sống nghèo khổ, giàu và nghèo cũng bởi yếu tố tiền mà ra...
          Thiết nghĩ đó là một thử thách Thiên Chúa gửi cho loài người, giá như người ta nhận ra điều đó, biết dùng tiền đúng mặt thiện của nó. Một đồng tiền có nghĩa khi nó trong tay một người chủ tốt và đồng tiền trở nên nguội lạnh nếu kẻ sở hữu sống dùng nó một cách lạm dụng.
 
 
 
“BỐ ĐEN”, WE LOVE BỐ!
* Phêrô Nguyễn Minh Khả (Gx.Cây Rỏi)
 
“Bộp”… Giọt nước mắt từ trên mi rơi xuống trang giấy, nhòe đi hàng mực tím. Gập vội trang sách, nó đưa mắt nhìn ra ô cửa sổ màu thiên thanh. Bầu trời chất ngất trước mặt như rộng lớn hơn, chùm xoài cuối mùa đủng đỉnh trên cành. Chợt đôi mắt nó dừng lại nơi ngôi thánh đường đã nhuộm màu rêu phong của thời gian. Những dòng kí ức lại gõ cửa lòng nó tìm về…
Đã xa rồi, cái thời con nít con nôi đi chân chì, đầu không đội nón chạy nhong nhong trốn tìm trên mảnh đất đang xây dựng nhà thờ. Cái thời bé tí ấy, lấy sợi chỉ cột ngang lưng chú ve sầu thả bay rồi giật lại, nhiều lúc nhỡ tay, ve bay mất lại lăn ra khóc (thật là mít ướt!). Những lúc như thế, lại có bóng cái “áo chùng đen” luôn mang kẹo ra dỗ dành tụi nó. Rồi những lúc nằm sấp trên nền nhà xứ, nắn nót tập viết từng dòng từng chữ. “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì có râu”. Để rồi, được thưởng cái kẹo sau một buổi “chiến chinh” vất vả. Những ngày xa ấy lại hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt nó.
“Anh ba ơi! Tại sao một Chúa lại có Ba Ngôi?”. - Câu hỏi của đứa em gái năm tuổi lại đưa nó trở về cái lớp khai tâm I. Nó đã từng hỏi cha đúng cái câu như thế. Rồi là: “Tại sao Chúa không ở trên trời mà xuống trần làm gì?” - “Sao Chúa Giêsu đã chịu chết mà còn phải đóng đinh khổ vậy?”… Đến bây giờ nó vẫn còn nhớ như in câu trả lời, giảng giải của cha để tụi nó biết thêm về mầu nhiệm của Chúa, biết được công ơn cứu độ nhân trần khi Người hiến dâng trên thập tự. Nhờ cha mà nó sống xứng đáng là con chiên của Chúa Chiên Lành.
Nó dẫn đứa em gái dạo quanh khuôn viên nhà thờ, tựa mình vào hàng ghế đá dưới vòng tay của hàng cây. Nó đưa mắt nhìn quanh và dừng lại nơi chiếc ghế đã nứt một đường. “A! Chiếc ghế đá đó là chiến tích mà nó đã gây ra”. Chiếc ghế nằm lọt thỏm sau cây sakê già cỗi. Thương tật ấy của ghế cũng từ một buổi chạy cờ mà ra. Khi bị nạp cùng đường, nó làm liều phi qua cái ghế. Chiều cao của nó không đủ để giúp nó thoát hiểm nên đành tiếp đất bằng mông và để lại cái vết hằn nứt rõ dài. Lúc ấy, cảm giác sợ hãi bắt đầu xâm chiếm lấy nó. Nó sợ cha phạt không cho về ăn cơm. Rồi bóng cha khẽ xuất hiện trên thềm nhà xứ:
- Con có sao không? Về đi, tối rồi không chơi nữa. Bữa nào rồi chơi tiếp.
Những hàng ghế đá, hàng cây… ôi sao mà thân thương quá! Những vật đã gắn liền với tuổi thơ, gắn liền với những buổi sáng cha, sơ và các anh chị kèm “toán, văn và tiếng Anh” cho tụi nó. Đối với những đứa nhóc, học không phải là chủ yếu. Tụi nó xem nơi này là nơi tụ hội gặp gỡ, vui chơi, hay bày trò để quậy. Sau hang đá Đức Mẹ, ở xứ núi này, những cây ổi mọc lên sum sê và xanh tốt. Đó cũng chính là mục tiêu tập kết của tụi nó. Chỉ cần nghe hai từ “giải lao” là hơn mười mấy đứa nhóc không kể trai gái lại ngồi vắt vẻo trên cây, cười đùa chí chóe. Những buổi trưa hè, tụi nó trộm ổi (cũng không phải là trộm, tụi nó biết cha cho hết nhưng làm biếng vào xin nên đành “tiền trảm hậu tấu” vậy). Đúng là thời con nít tinh nghịch, ham chơi chẳng chịu để tâm điều gì cả. Mà cũng vì thế tụi nó lại bị cha đánh đòn mỗi tuần một lần. Cha đánh chỉ một hai roi nhưng mà đau lắm, kèm theo là phải đứng trong  xó vì tội cả tuần không làm bài tập. Nhiều lúc tụi con nít đâm giận, muốn cha chuyển đi xứ khác.
Vậy mà bây giờ, khi cha đã sắp chuyển đến một nơi xa, nó lại chẳng muốn tí nào. Nó bây giờ đã lớn, đã hiểu những việc cha làm chỉ để giúp tụi nó sống tốt hơn thôi. Cha phạt nó lúc hư và khen nó khi chúng nó ngoan ngoãn, rèn cho tụi nó xứng đáng là con Thiên Chúa. Mười năm rồi, cha đã ở bên tụi nó, ở với tuổi thơ nhiều bão tố, thích rong chơi của tụi nó. Ngần ấy thời gian đã nhuộm bạc mái tóc cha. Ở xứ núi này, cái nắng đã tặng cho người nước da ngâm đen. Cha như người ba, người bố của tụi nó. “Cha ơi, chúng con cũng chẳng có gì để có thể đáp đền công dạy dỗ của cha. Nguyện xin Chúa luôn bên cha và giúp cha làm tròn bổn phận của mình”.
“BỐ ĐEN”, WE LOVE BỐ!
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 14
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Ho Biển 14

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 91309
  • Tổng lượt truy cập: 12235569