Trang mới   https://gpquinhon.org

Tiếng hát thiên thần

Đăng lúc: Thứ hai - 08/08/2016 07:47


Ở Tiểu chủng viện, tuy âm nhạc không là một môn học chính thức, nghĩa là có giờ lên lớp, có bài tập về nhà, có thi cử xếp hạng như các môn văn toán latinh … nhưng mỗi sáng chủ nhật trong giờ tập hát, chúng tôi vẫn luôn được những người phụ trách như Cha Trường Cửu năm 66, thầy Tiến năm 67. Cha Trương Phúc Tinh năm 68, cha Khổng Năng Bao …. dạy về nhạc lý và xướng âm,. Trước khi tập hát, các đấng ấy luôn bắt lũ tôi phải xướng âm. Tuy chỉ là xướng âm những bài hát quen thuộc nằm trong cuốn Cung thánh tổng hợp và cuốn Ca nguyện hợp tuyển, nhưng nhờ solfège từ tháng này qua tháng nọ, hết năm này tới năm khác nên việc đọc nhạc, giữ đúng nhịp, hát đúng cao độ trở thành chuyện dễ dàng. Mưa dầm thấm đất, khả năng thẩm âm tiến bộ, về sau nhiều thằng cứ cầm nhạc lên là hát luôn chả cần xướng âm xướng dương gì nữa, mặc cho đó là những bản nhạc viết với bao dấu thăng giảm đi nữa. Cái tài solfège này giúp khối thằng làm thiên hạ phải lác mắt. Tuy nhiên cái kết cục của chuyện nhạc nhẽo này thì chẳng biết nên nói là lành hay dữ, là nên vui hay buồn, vì đã có không biết bao nhiêu là thầy chú phải cởi áo dòng ra chỉ vì hát hay đàn giỏi. Thầy hát hay làm các cô ca sinh mến mộ rồi tới phiên mình thầy cũng đem lòng mộ mến lại ca sinh đến độ phải xin xuất ra đặng mà lấy nhau.

… Ôi tình đôi ta thì vẫn nặng, mà muốn lấy nhau thì phải tu ra mới lấy đặng…

Chuyện thầy trò nên duyên do hát hò thì nhiều lắm. Con số người sa chước cám dỗ vì hát hò này làm sao mà đếm cho hết. Nhưng mà dẫu có do hát hò mà phải cởi áo hoàn tục thì đó vẫn là chuyện tốt chứ. Nó vẫn là nên, là hợp đạo chứ có chổ nào hư đâu mà thiên hạ cứ gọi là hát hỏng. Chẳng nên bảo là hát hỏng mà chỉ nên nói là hát hò thôi.

Âm nhạc luôn là một nhu cầu của tế tự và tự thân âm nhạc cũng là lành thánh nên nhà trường vẫn luôn quan tâm và khuyến khích các chú học nhạc, sáng tác nhạc và cả tập đàn nữa. Trong trường có vài cây harmonium “mắc bệnh khò khè” kinh niên, tuổi già sức yếu nên chúng chỉ có thể dành cho việc tập luyện, thằng nào thích tập đàn thì cứ đăng ký. Thầy dạy đàn phong cầm là mấy cuốn sách Méthode d’orgue, cứ theo bài có sẵn mà học, mà còng lưng đạp những cái bàn đạp bằng da bò rệu rạo ấy như thợ rèn đạp lò than. Hai bàn tay thì ngón nào nốt nấy cứ thế mà bấm ò í e như phường bát âm tập nhạc hiếu hỉ… Còn về các loại nhạc cụ khác như guitar, clarinette, trống thì cứ thằng trước dạy thằng sau, thằng biết nhiều chỉ thằng biết ít. Tài năng văn nghệ trong trường nhờ vậy mà trăm hoa đua nở, mà sinh sôi nhiều như tre trúc trên rừng đến độ nổi mỗi lần tổ chức văn nghệ thì chả cần phải tìm kiếm chi cho xa, lúc nào trường ta cũng có sẵn một lực lượng nhạc sĩ, nhạc công, biên đạo, đạo diễn, ca sĩ lẫn diễn viên hùng hậu, nó nhiều đến nổi có thể lập ra vài ban nhạc chứ chẳng chơi.

Những kỷ niệm xưa về chuyện văn nghệ hát hò ở TCV là nhiều lắm. Còn nhớ năm 65 nhân dịp đón Đức cha Lê Văn Ấn, vị giám mục đầu tiên xuất thân từ Làng Sông về thăm lại giáo phận và trường xưa, cha giáo nhạc Trường Cửu đã tập cho chúng tôi bài Chủng viện Làng Sông do ngài sáng tác. Bài này vừa hào hùng vừa tình cảm, chỉ cần hát qua một lần là thuộc. Chúng tôi đã hát nó hay tới độ Đức cha mới đã thưởng cho các chú nguyên cả một con bò thui…

Cuối năm đó mừng lễ thánh Giuse bổn mạng nhà trường, thừa thắng xông lên, thầy Tiến liền tập luôn bản trường ca Cung đàn bạc mệnh mà thời gian trình diễn dài lắm, chắc phải gần nữa tiếng ! Còn nhớ lúc “tuyển lựa ca sĩ” cho bè tenor, thầy kêu từng đứa một lên bàn xướng âm đồ rê mi fa sol la si đố cho thầy nghe giọng mà chọn. Các bạn khác thầy nói gì thì tôi không rõ, chỉ biết phần tôi khi xướng âm xong thầy bảo : Sáng nay mày có đăng răng không mà sao miệng hôi như cú ! Nhớ ngày nào cũng đánh răng nghe chưa ! Thế mà khi công bố danh sách tôi lại được chọn. Mừng quá tôi có viết thư về nhà khoe…

Vẫn còn nhớ năm 70, trước kỳ nghỉ tết trường có tổ chức chương trình văn nghệ xuân, mấy anh ban nhạc tập suốt cả tuần trong gian nhà cơm lợp tôn cũ, mỗi lần ra chơi thì bài “ theo cánh quân tôi băng rừng …”  lại vang lên khiến lòng dạ tụi tôi đứa nào cũng rộn rã theo. Rồi lại nhớ bài Bánh xe lãng tử do tam ca trình bày, nhớ vở kịch Tên tử tù 49, trường kịch Thành Cát Tư Hãn, nhớ khúc nhạc đồng quê, nhớ bài hợp ca Người đưa đò, nhớ Nữa đêm mừng Chúa ra đời, nhớ hoạt cảnh giáng sinh…

Mà nhớ nhất là trong một lần bị bệnh phải nằm nhà thương, lúc ấy vẫn còn học ở trường cũ nên nhà thương chỉ là ngôi nhà lợp mái ngói đơn sơ núp dưới bóng một gốc me già nằm bên hông dãy nhà lầu. Nhà nguyện lợp tôn thì nằm phía trước, chung một dãy nhà với chambre ngủ các chú nhỏ. Đêm đó trong giờ kinh tối, khi đang nằm trên giường bệnh đột nhiên bài hát “Trên con đường về quê” vang lên . Bật dậy, tôi vội chạy ra dãy hành lang gần nhà nguyện, đứng lặng trong màn đêm, tôi lắng nghe khúc ca hai bè ấy : “Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai biết nương nhờ ai… ” . Những hòa âm hoàn hảo, những giọng hát rập ràng của hơn 200 con người cất lên trong màn đêm. Nó vừa tha thiết vừa thánh thiện khiến tôi cứ ngỡ như mình đang được nghe những tiếng hát các thiên thần gởi xuống tự trời cao …

Cát Giang

Nguồn tin: ccslsqn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 6052
  • Tháng hiện tại: 155194
  • Tổng lượt truy cập: 12131981