Hiệp hành trong sự đa dạng

Thứ tư - 25/05/2022 20:51

HIỆP HÀNH TRONG SỰ ĐA DẠNG
(Các cộng đoàn nữ tu trong vùng sống chiều kích hiệp hành)


Bước theo Chúa trên con đường dâng hiến, người tu sĩ được mời gọi sống trong một Hội dòng và xem nơi đây là gia đình. Vì thế, mỗi thành viên được mời gọi sống hiệp nhất, yêu thương, nâng đỡ, chăm sóc cho nhau và cùng nhau gánh vác mọi trách nhiệm khi vui cũng như lúc buồn. Sống đời sống cộng đoàn theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong đời sống chung, tuy phải đối diện với nhiều khó khăn như: tính tình, khả năng, sức khỏe, tuổi tác… cùng với những dị biệt trong từng công việc theo nhu cầu và môi trường hiện diện…, nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và liên kết với nhau trong một Hội dòng.

Nếu cộng đoàn được gọi mời mô phỏng đời sống cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa thì mỗi tu sĩ trong từng cộng đoàn, tự bản chất, hay nhờ hồng ân của Nhiệm Tích Thánh Tẩy, đã mang hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa và được gọi mời sống, hoạt động và thiết lập các mối tương quan với anh chị em mỗi ngày trên nền tảng của đức tin và trong tình yêu Thiên Chúa.

Với niềm xác tín ấy, mỗi người chúng ta khi tham gia thi hành sứ vụ của Hội dòng trong mỗi cộng đoàn và trong từng vùng, chúng ta thấy được rằng: tuy mỗi cộng đoàn thực thi sứ mạng khác nhau nhưng tất cả đều quy về Đức Kitô và vì Đức Kitô trong cùng một Linh đạo. Đây cũng là lý do tôi muốn nói đến sự đa dạng trong các vùng thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, cách riêng là vùng Qui Nhơn nơi tôi đang sống và thi hành sứ mạng. Đặc biệt, trong định hướng mục vụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI “Vì một Giáo Hội Hiệp Hành” giai đoạn cấp Giáo phận, đây là một chút góp ý cũng là một “phản hồi” trong chủ trương “lắng nghe, gặp gỡ và phân định” trong lãnh vực đời tu…

Cách đây không lâu, vào năm 2018 tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc thi Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật. Cuộc thi đã để lại trong lòng khán giả thế giới một ấn tượng sâu sắc và đầy cảm động với một nghĩa cử mang đậm tính hiệp hành:

“Cuộc thi có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc thi chạy đua 100m. Khi cờ hiệu phất lên, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục ngay sát vạch xuất phát. Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường, da của cậu bị trầy xước, rướm máu. Và cậu bật khóc. Khi tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi, họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: “Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn”. Cả 7 người còn lại cùng ngồi xuống quanh cậu bé, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Một lúc, cô gái cất tiếng hỏi tiếp: “Em đã thấy đỡ hơn chưa?”. Cậu bé đưa tay lau nước mắt, mỉm cười gật đầu. Cả chín người cùng đứng dậy, họ khoác tay nhau cùng sánh bước về vạch đích”

Vâng, họ cùng dìu nhau đi đến đích không để ai bị bỏ lại đằng sau; quả là một “cử chỉ mang tính hiệp hành” cách sâu sắc và ý nghĩa! Phải chăng, đây chính là bài học cho chúng ta, những người sống đời thánh hiến, cách riêng mỗi thành viên trong cộng đoàn chúng ta đang sống!

Trong văn kiện kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục dành cho Giới trẻ, Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến việc săn sóc mục vụ có tính hiệp hành: Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quí trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. Với tinh thần này, chúng ta sẽ có thể tiến đến một Giáo hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta.”(số 206)
 
Và trong t
hư hướng dẫn những người sống đời thánh hiến tham gia Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành vào ngày17/01/2022, Đức Hồng Y João Braz de Aviz, Tổng Trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ cùng với Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã gửi một lá thư đến các Bề trên Thượng cấp của các Dòng tu Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ; các Liên hiệp Bề trên Thượng cấp (USG), Liên hiệp quốc tế Bề trên Thượng cấp (UISG) và Hiệp Hội toàn cầu các Tu hội đời (CMIS) với những thông tin liên quan đến việc hướng dẫn họ tham gia vào tiến trình hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI: “Trong khuôn khổ của sự quy chiếu này, những người nam và nữ thánh hiến, cũng như mọi thành phần Dân Chúa, được mời gọi góp phần mình vào ơn gọi ngôn sứ và việc phân định trước hết trong các Giáo hội địa phương nơi họ hiện diện. Nếu thiếu sự hiện diện này, thì chính nguyên tắc về Giáo hội-Dân Chúa, vốn đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người do phẩm giá chung khi chịu Phép Rửa, nguyên tắc ấy sẽ bị đặt thành vấn đề, và bản thân việc tham khảo ý kiến sẽ bị nghèo nàn cách nghiêm trọng, bởi lẽ một tiếng nói cơ bản trong đời sống của Giáo hội bị mất đi do cố ý. Do đó, những người nam và nữ thánh hiến, và chính các cộng đoàn, tùy theo đặc sủng và trong phạm vi hiến định của mình, phải tham gia tích cực vào con đường hiệp hành của các Giáo hội địa phương, nơi họ sống đặc sủng và thi hành thừa tác mục vụ của mình. (Trích mục 2).


Vì một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia và Sứ vụ là chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 đã đề ra để mỗi thành phần dân Chúa cùng cộng tác với nhau thực thi nhằm đáp ứng với nhu cầu của thời đại. Đã có rất nhiều tài liệu giải thích cho các cụm từ này nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến khía cạnh hiệp thông và hiệp thông trong sự đa dạng khi tham gia thi hành sứ vụ, đặc biệt, của các chị em nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn trong các cộng đoàn thuộc một vùng.

Tại sao ta cần phải hiệp thông? Nếu trong mỗi cộng đoàn, mỗi vùng chị em sống không hiệp thông với nhau thì cộng đoàn, vùng đó khó có thể phát triển, Hội dòng sẽ không có sự thống nhất. Hiệp thông là một lòng, một ý, cùng nhau bước đi và lấy Đức Kitô là trung tâm cho mọi sinh hoạt của chị em, cách riêng là trong Vùng. Phải chăng Vùng Qui Nhơn với 7 cộng đoàn nhưng xem ra rất đa dạng trong sứ vụ! Ngoài việc phục vụ quý bà nhà hưu của Hội dòng còn có giáo dục, hướng nghiệp, đồng hành sinh viên, mục vụ giáo xứ, phục vụ người nghèo, phục vụ Tòa Giám mục. Mỗi cộng đoàn một sứ mạng với những nét đặc trưng riêng nhưng không nằm ngoài việc cộng tác với Giáo hội địa phương trong việc thực thi sứ mạng của Hội dòng.
         
Với sự đa dạng như thế làm sao để đáp ứng được lời mời gọi của Thượng Hội đồng Giám mục là cùng nhau bước đi trên con đường hiệp hành? Đây quả thực là một điều không đơn giản vì mỗi cộng đoàn mỗi sứ mạng, mỗi hoàn cảnh thời gian, công việc, con người và bầu khí cộng đoàn khác nhau… nên chúng ta muốn bước đi trên con đường hiệp hành thì không gì khác là mỗi người chúng ta cần lấy Đức Kitô làm trung tâm và để Thần Khí hướng dẫn mọi tư tưởng và hành động của mình.


Nếu lấy Đức Kitô làm trung tâm thì mọi sinh hoạt của mỗi cộng đoàn trong một vùng sẽ đem lại niềm vui và bình an. Để toàn vùng hiệp nhất trước tiên mỗi cộng đoàn phải hiệp nhất; để cộng đoàn hiệp nhất thì mỗi thành viên trong cộng đoàn phải mang trái tim hiệp nhất. Và để mỗi thành viên sống và thể hiện hiệp nhất thì mỗi người hay cộng đoàn phải là tác nhân, là môi trường, là chất keo liên đới, biết lắng nghe, cộng tác với nhau.

Bề trên cần lắng nghe bề dưới để hiểu, để biết được những nhu cầu, những thao thức của bề dưới; bên cạnh đó bề dưới phải khiêm tốn đối thoại, trình bày, lắng nghe và vâng phục, đồng thời cảm thông chia sẻ trách nhiệm với bề trên…; vì tất cả chúng ta ai cũng đang mong muốn đạt đến sự hoàn thiện nhưng trên con đường hoàn thiện ấy chúng ta không sao tránh khỏi thiếu sót lỗi lầm. Cũng vậy, vì mỗi người với bổn phận và trách nhiệm khác nhau nên những lần chúng ta làm phiền lòng nhau đôi khi cũng chỉ vì bổn phận… Chính vì vậy chúng ta cần chấp nhận nhau, cùng nhau hiệp hành, cùng nhau tiến bước.
 
Con đường hiệp hành đòi hỏi mỗi người:

- Cần mở rộng nhãn quan để thấy cái hay, điều tốt, sự khác biệt nơi mỗi chị em, và những người chúng ta gặp gỡ trong công tác mục vụ…, để cảm thông, chấp nhận và giải quyết mọi vấn đề dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần;
- Cần mở đôi tai để lắng nghe chị em trình bày những nhu cầu, những thao thức, những khó khăn gặp phải trong công việc hầu chị em cùng nhau tìm ra hướng đi để công việc đạt kết quả hơn;
- Cần mở tấm lòng để tìm thấy ý Chúa qua các biến cố, sự kiện xảy ra nơi chị em, nơi cộng đoàn và quảng đại đón nhận, cảm thông, chia sẻ…
- Cần mở trí để hiểu, để phân định, tìm ra điều tốt cho mỗi người, mỗi cộng đoàn, cho cả vùng…

Chúng ta không đứng ngoài nhưng cần có sự cộng tác tùy theo khả năng trong từng công việc của cộng đoàn và của vùng. Liên đới với nhau trong hành động. Có như thế thì chúng ta mới có thể đi vào sự hiệp thông sâu xa, sẵn sàng tích cực tham gia sứ vụ và từ đó chu toàn sứ vụ của mình ở bình diện cá nhân, cộng đoàn và cả vùng.

Làm được như thế đó là chúng ta đang hiệp hành cùng Hội dòng, Giáo phận và Giáo hội. Vì khi tạo dựng con người Thiên Chúa không ban cho tất cả chúng ta có mọi thứ giống nhau như sức khỏe, tài năng, trí tuệ… nhưng Ngài ban cho mỗi người những phẩm tính và điều kiện khác nhau để biết nâng đỡ, sẻ chia và thực thi sứ mạng của mình trong tinh thần hiệp thông huynh đệ. Đó cũng là điều cần thiết và quan trọng trên con đường tiến đến sự hiệp hành khi tham gia sứ vụ một cách rất đa dạng trong một vùng.

Tác giả: Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây