Bài giảng Chúa nhật 2 Mùa Vọng, năm A

CHÚA NHẬT - 04/12/2022 08:23
“NÓI KHÔNG” VÀ “NÓI CÓ” HAY CON ĐƯỜNG MÙA VỌNG HÔM NAY
(CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG (A 2022)

 
Trong khi thế giới đang phập phồng hoang mang lo sợ trước một cuộc chiến tranh hủy diệt với vũ khí hạt nhân mà nguyên nhân và cuộc khơi mào chính là “chảo lửa chiến cuộc tại Ukraina” đã bùng phát hơn 10 tháng và càng ngày càng kinh hoàng dữ dội, thì trong ngày Chúa Nhật II Mùa Vọng hôm nay, dân Công Giáo chúng ta lại một lần nữa được nghe sứ điệp hòa bình của ngôn sứ Isaia thời Cựu ước cách đây hơn 2.600 năm. Thật vậy, khoảng 600 năm trước biến cố Chúa Giáng Sinh, giữa bối cảnh một Giêrusalem hoang tàn đang bị ngoại bang Babylon giày xéo, giữa một đoàn dân cúi đầu trước kiếp khổ nhục lưu đày, ngôn sứ Isaia đã long trong tiên báo: “Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống… Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; … Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương.…” (BĐ 1).

Vị ngôn sứ thi sĩ nầy có quá ảo tưởng không, khi vẽ ra một viễn cảnh đất nước, dân tộc Israel như một “thiên đường hạ giới”, một xã hội loài người với một thế giới “đẹp như mơ”?

Ước mơ thì cứ ước mơ. Có ai cấm. Nhưng có điều lạ đó là ước mơ của Isaia ngày nào tưởng đâu đã rơi vào quên lãng của cát bụi trần gian, của bao cuộc chiến tranh hoang tàn, thay ngôi đổi chủ, của những hận thù, tranh đoạt với máu đổ, đầu rơi, với gươm đao súng đạn… lại trở thành hiện thực trong một thời gian ngắn, cũng trên dãi đất Palestine khô cằn sỏi đá và hằn sâu dấu vết của khổ nạn thương đau!

Thật vậy, khoảng năm 30 của thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, kể từ cuộc “sám hối tập thể” tại sông Giođan qua “tiếng hô từ hoang mạc” của vị nhà ‘tiên tri hoang mạc” Gioan Tẩy Giả, hay chính xác hơn, sau khi “chàng Thợ Mộc Giêsu Nadarét từ dòng sông Giođan bước lên bờ”, vùng đất “Israel bị trị” đã dậy sóng tưng bừng trước dồn dập những tin vui: kẻ què đi, người mù thấy, câm  miệng nói, điếc tai nghe, phung cùi bỏ hoang mạc tối tăm lạnh lẽo trở về hội nhập cuộc sống với cộng đồng…. Chưa hết, con trai bà góa Naim sống lại, thiếu phụ Canaan 12 năm khổ đau với bệnh nan y loạn huyết, chỉ mới chạm đến gấu áo Ngài đã tự nhiên khỏe mạnh, chàng thanh niên Lazarô chết thúi bốn ngày trong huyệt đĩnh đạc bước ra,… Và còn hơn thế nữa, anh chàng Lêvi ngày nào chễm chệ trên chiếc ghế thu thuế bất chấp danh dự, sỹ diện, và cả lòng tự ái dân tộc miễn có tiền, thì nay đang thanh thản bước chung trong nhóm môn sinh rày đây mai đó để phục vụ Tin Mừng; hay cô thiếu nữ tai tiếng trong thành đã dùng cả nước mắt, tóc, dầu thơm và cả nụ hôn chân thành để đoan thệ với Ngài bắt đầu một cuộc đời mới. Và cũng có một chuyện hi hữu mà người ta vẫn nhắc mãi với nhau: cả đám đông năm ngàn người, không kể đàn bà con nít, có được một bữa no nê giữa chốn đồng không mông quạnh với chỉ võn vẹn 5 chiếc bánh và 2 con cá từ bàn tay kỳ diệu của chính Ngài, Đấng đã từng khẳng định về mình: Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,…” (Is 61,1).  
         

Thì ra, thế giới đã có một thời, cách đây hơn 2000 năm tại vùng đất Israel được đế quốc Rôma bảo hộ, đã từng chứng kiến sự kiện ngôn sứ Isaia tiên báo: “thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống…”.

Như vậy, chúng ta có thể phần nào nhận ra sứ điệp Lời Chúa của Mùa Vọng, đặc biệt với Chúa Nhật hôm nay, đó là: Thế giới nầy, cuộc sống nầy, xã hội nầy có đẹp hơn không, có hòa bình hiệp nhất không là do chính thái độ của chúng ta đối với chính Thiên Chúa, tương tự như, thái độ của những người nghèo, đui què mẻ sứt, tật bệnh phung cùi… đã dành cho Chúa Giêsu cách đây 2000 năm. Vâng, tất cả, nhờ tin vào Đức Kitô, quy tụ chung quanh Ngài, đón nhận Lời và chân lý do Ngài truyền giảng để hoán cải đổi đời, đặt niềm cậy trong vào quyền năng và tình yêu của Ngài… nên hòa bình và yêu thương, niềm vui và hạnh phúc đã trở về trên mọi nẻo đường Palestine thuở ấy; mà nếu áp dụng vào chính lời tiên báo của ngôn sứ Isaia, thì đó là: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; … thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương…” .

Nhưng rồi, cái khung cảnh “tuyệt vời” đó đã sớm lụi tàn, vì dân Israel đã quay lưng trở mặt, khi cùng hùa nhau “đóng đinh nó đi, đóng đính nó vào thập giá…” ! Và kể từ ngày “Thứ Sáu định mệnh” ấy, thế giới lại trôi đi trong một lịch sử dài lâu với đau thương và nước mắt, với chia rẽ và hận thù, với lầm lạc và tội ác… mà lý do cốt yếu vẫn chính là “sự tẩy chay hay khước từ Thien Chúa”, như những lời phát biểu của một cô gái con của một một nhà giảng thuyết, nhân dịp trả lời một cuộc phỏng vấn sau thảm kịch “khủng bố 11.9.2001” tại New York:

“Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy.”

Câu trả lời của thiếu nữ nầy thật thâm thúy:

“Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất Ngài cũng buồn bằng chúng ta. Nhưng từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Ngài là “quân tử” nên đã lẵng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình ? Và những biến cố vừa xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh…tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’ Hare, khi bà ấy than phiền là không muốn để đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý…Rồi một người khác lại có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta : “Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu chính bản thân mình, v.v…”, và chúng ta đã đồng ý…..Thật là kỳ lạ là con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục. Thật kỳ lạ là chúng ta có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói”.

Xuyên qua những nhận định của cô thiếu nữ trên, Lời Chúa hôm nay dẫn tới một kết luận: Nơi nào thiếu vắng Thiên Chúa, nơi đó bóng tối hoành hành. Nơi nào mù tịt về Thiên Chúa, nơi đó sẽ lầm lạc và hổn loạn. Nơi nào gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài, nơi đó chỉ còn lại tội ác và sự dữ.

Vì thế, Lời Chúa cũng mạnh mẽ khẳng quyết: Nơi nào “đầy Thiên Chúa” nơi đó sẽ “thái bình thịnh trị”, sẽ tràn đầy hạnh phúc, bình an, công lý và yêu thương. “thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương”.

Thế nhưng, để thế giới của chúng ta, để cuộc sống chúng ta “hiểu biết Thiên Chúa như nước ngập tràn đại dương”, chắc chắn không có giải pháp nào hay hơn đề nghị của Thánh Gioan Tẩy Giả, một nhân vật đặc trưng của Mùa Vọng, theo Tin Mừng Matthêu vừa được công bố: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”... Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng… Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối”.

Thật vậy, Mùa Vọng mãi mãi sẽ là một cơ hội thích hợp để mỗi người chúng ta, mỗi gia đình và toàn thể dân Công Giáo cùng đứng lên làm cuộc cách mạng nội tâm, sửa đổi cuộc sống sao cho phù hợp với những đòi hỏi của Thiên Chúa. Và một trong những khía cạnh nhân bản cụ thể cần hoán cải đó là thiết lập những mối tương quan bằng hữu, huynh đệ thay cho thái độ chấp nhất nhỏ nhen, hẹp hòi đố ky… như lời khuyên dạy của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Rôma: Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.” 

Vâng, thế giới nầy chỉ có thể tốt đẹp hơn, trái đất nầy chỉ có thể thái bình thịnh trị, khi mỗi người nhận ra mình là anh em với nhau thuộc đại gia đình con cái Chúa trong Đức Kitô. Cách riêng đối với những người Kitô hữu, chỉ khi nào mỗi người sống một “lối sống mang hương vị Tin Mừng” (Fratelli Tutti 1) thì mới hy vọng có được công lý và hòa bình trong Giáo Hội và trên thế giới. Và điều kiện tiên quyết để có lối sống đó thì dứt khoát phải nói không với văn hóa đối kháng và nói có với văn hóa gặp gỡ”, như lời khẳng quyết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp Fratelli Tutti: Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. (…) Sự cô lập hoặc khép kín trong những mối bận tâm của chính mình không bao giờ là con đường mang lại hy vọng và dẫn đến đổi mới. Con đường này chỉ được hình thành bởi sự gần gũi, bởi nền văn hóa gặp gỡ. Hãy nói không với sự cô lập và nói có với sự gần gũi. Hãy nói không với văn hóa đối kháng và nói có với văn hóa gặp gỡ” (FT 30).

Vâng, đó chính là “con đường” mà Mùa Vọng đang réo gọi từ hôm nay. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây