GIÁO XỨ BÌNH THẠNH
Bổn mạng: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ Bình Thạnh là nhà thờ Bình Thạnh, tọa lạc tại thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh. Địa bàn mục vụ của giáo xứ bao gồm các xã của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Đông và Bình Thuận.
Địa bàn mục vụ của giáo xứ Bình Thạnh thuộc vùng châu thổ hạ lưu sông Trà Bồng, đồi núi thấp nghèo dinh dưỡng và những trảng cát bạc màu trải dài đến cửa Sa Cần, nơi sông Trà Bồng đổ ra biển. Cửa Sa Cần (còn có tên gọi là Thái Cần, Thế Cần, Sơn Trà), thuộc thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông. Trước cửa Sa Cần có một đảo nhỏ án ngữ là hòn Ông. Phía Đông Bắc có các đảo và doi cát như núi Co Co (còn gọi là hòn Cổ Ngựa), có mũi Túi - mũi Đất che chắn các hướng sóng Đông và Đông Bắc. Nhờ những yếu tố thiên nhiên như vậy, cửa Sa Cần ít bị xói lở, bồi lấp, tương đối khuất sóng gió, là vũng neo đậu rất tốt cho tàu thuyền. Tiếp giáp với cửa Sa Cần là vịnh Vũng Quýt, nay gọi là vịnh Dung Quất. Về địa hình cửa Sa Cần, dân gian có câu:
Sa Cần, Châu Ổ bao xa
Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh,
Nam Châm, Cổ Ngựa trời sinh,
Làng Gành, Mỹ Giảng ăn quanh Vũng Tàu.
Với địa hình tự nhiên như thế, sản lượng lương thực của các xã thuộc địa bàn mục vụ của giáo xứ Bình Thạnh thuộc hạng các xã có sản lượng lương thực thấp nhất của huyện Bình Sơn. Bù lại, các xã Bình Chánh, Bình Đông, Bình Thạnh và Bình Thuận thuộc các xã có đội ghe thuyền đánh bắt hải sản lớn nhất của huyện. Tuy vậy, thu nhập kinh tế đánh bắt hải sản chỉ tập trung vào một số chủ ghe thuyền, đa số cư dân còn nghèo, mò cua bắt ốc, làm thuê kiếm sống qua ngày.Hiện nay cả 4 xã Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Chánh và Bình Thuận đều thuộc Khu kinh tế Dung Quất. Dân cư sinh sống trên địa bàn thuộc dân tộc Kinh, đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo. Phần lớn theo tín ngưỡng dân gian, thờ kính ông bà tổ tiên. Dân sống bằng nghề khai thác, đánh bắt cá, có tục thờ cúng cá ông và còn nhiều mê tín. Một số theo các tôn giáo: Phật giáo, Cao đài, Công giáo.II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN1. Nguồn gốc
Trong thời các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong, làng Thanh Minh, nay là thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, là một địa bàn được các thừa sai Dòng Tên rửa tội cho một số người, trong đó có ông Gioan Thanh Minh. Ông là người con trong một gia đình quan chức và có tiếng là văn hay chữ tốt. Năm 1622, lúc được 34 tuổi, ông gia nhập Kitô giáo. Ông và bà vợ của ông được một thầy giảng lớn tuổi dạy giáo lý và được cha Manoel Fernandez, thừa sai Dòng Tên, ban Bí tích Rửa tội. Sau khi vợ ông qua đời, ông gia nhập đoàn thầy giảng và giúp nhiều người nhận biết Chúa. Ông cũng là người dạy cho các thừa sai về ngôn ngữ Đàng Trong. Năm 1629, cha Fernandez ẩn trú tại nhà ông khoảng sáu tháng để tránh lệnh trục xuất của chúa Sãi.[3] Ông là một thi sĩ Công giáo, viết nhiều thi phẩm về Chúa và các thánh bằng chữ Nôm, có thể kiểm đếm được 15 thi phẩm. Những thi phẩm của ông đã gợi hứng cho nhiều người trong xứ được ơn nhận biết Chúa. Chính chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cũng khen ngợi khi nghe ngâm những thi phẩm của ông.[4] Trong số các thi phẩm của ông, cha Philipphê Bỉnh cho rằng Tam Phụ là một thi phẩm rất hay. Thi phẩm cuối cùng của ông được viết về sự chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc. Khi đã biết Chúa, ông dùng tài năng của mình để phụng sự Chúa. Ông là một trong những mô hình tông đồ giáo dân nòng cốt đem lại nhiều kết quả trong công cuộc truyền giáo. Ông đã tuẫn đạo cùng với ba Kitô hữu khác vào ngày 02 tháng 5 năm 1663.[5] Tính đến năm 2017, tại làng Thanh Minh này có hai gia đình giáo dân, trong đó có gia đình cụ Phaolô Huỳnh Văn Minh, cụ đã ngoài 80. 2. Giáo họ thuộc giáo xứ Châu ỔNhư vậy vùng đất thuộc giáo xứ Bình Thạnh ngày nay đã đón nhận bước chân của các thừa sai loan Tin mừng từ thưở bình minh của công cuộc truyền giáo trong Giáo phận Qui Nhơn. Tuy nhiên Tin mừng đã bị mai một khá lâu trên vùng đất này, mãi đến những năm đầu hậu bán thế kỷ 20, hạt giống Tin Mừng mới lại được gieo xuống.Trong những năm tháng chiến tranh, con đường bộ từ Trung tâm Truyền giáo Châu Ổ đến giáo điểm Bình Hải khoảng 20km nhưng an ninh không được bảo đảm. Lúc bấy giờ, cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp, phụ trách giáo điểm Bình Hải, phải dùng đường thủy, khó khổ và xa hơn đường bộ gấp ba lần để đến Bình Hải. Từ Châu Ổ, cha đến bến ghe Bình Thạnh rồi ra cửa Sa Cần, vượt qua biển phía Đông vũng Quít, qua mũi Nam Châm rồi men theo bờ biển vũng Việt Thanh, vịnh Nho Na để đến bờ biển Bình Hải.Trên hành trình đi về giữa Châu Ổ và Bình Hải, bến ghe Bình Thạnh trở thành "Cây đa cũ, bến đò xưa", nơi hội ngộ thân quen của vị thừa sai với cư dân ở bến ghe. Khởi sự là quen thuộc, dần dần bóng dáng vị thừa sai trở thành người "Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng chờ". Qua tiếp cận, chuyện trò khi chờ ghe khởi hành, cư dân bến ghe Bình Thạnh biết cha Thiệp, người "bộ hành có nghĩa" ấy mở trường dạy học ở Châu Ổ, ở Bình Hải và họ muốn cha cũng mở trường cho con em của họ ở Bình Thạnh.
Chủ tịch xã lúc bấy giờ là ông Bảy Phụng ký giấy giao cho cha Thiệp quả đồi cát trắng tại thôn Vĩnh An để làm trường học. Sau khi nhận đồi cát hoang, cha Thiệp đành phải hành nghề ăn xin. Cha xin nhà Dòng và các nhà hảo tâm ở Sài Gòn giúp đỡ. Cha chỉ xin giúp đủ cho việc thiết lập một phòng học và một nhà nguyện nhỏ mang dáng dấp vừa là ngôi trường vừa là nhà nguyện, theo phong cách nhà Nadarét xưa. Vị thừa sai được sai đến với những con người cặm cụi suốt ngày nơi dải cát trắng bạc màu để có miếng cơm manh áo, nhưng không thu được sản phẩm dồi dào xứng với công sức và mồ hôi đã đổ ra. Vị thừa sai đồng cảm, chia sẻ cái bấp bênh của người nghèo và giới thiệu một Tin mừng đem đến cho họ một sức sống mới nơi Thánh giá, dấu cứu chuộc mọi người. Đó là phương cách mà cha Denis Paquette, Bề trên tiên khởi Trung tâm Truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế tại Châu Ổ, đã viết trong bức thư gửi các ân nhân đề ngày 23 tháng 3 năm 1963: “Chính nhờ phương cách đó mà Giáo hội bén rễ và tăng trưởng. Nhờ ý tưởng đó, tôi tự khích lệ mình và người khác.”
Trong tập Kỷ yếu được phát hành nhân kỷ niệm 75 năm Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, có đoạn nói về phương pháp tông đồ của Dòng Chúa Cứu Thế tại Châu Ổ: "Các thừa sai đã mở nhiều trường dạy học, mở các khu mẫu giáo, lập lưu xá cho học sinh, kết hợp với Dòng Thánh Phaolô thành lập trung tâm bảo vệ trẻ em mồ côi, lập nhà văn hóa, mở trường dạy nghề, tạo các phương thức làm ăn sinh sống cho dân nghèo, như lập nghiệp đoàn xe thồ, hợp tác xã Lưới Cao…. Các thừa sai truyền giáo đã tích cực thực hiện các hoạt động cứu trợ, thậm chí còn cứu đói thường xuyên cho biết bao dân chúng nghèo khổ. Nói chung vùng truyền giáo Châu Ổ đã chọn một đường hướng truyền giáo chú trọng sự phát triển kinh tế – xã hội – giáo dục – văn hóa".[6]
Trong phương pháp hành động chung lớn đó, năm 1970 cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp đã xây dựng ngôi trường tiểu học Tiến Bộ tại xã Bình Sa (Bình Thạnh ngày nay). Đồng thời với ngôi trường nầy, cha xây dựng nhà thờ Bình Sa và ngôi nhà nguyện tại Bình Giang (nay thuộc Bình Đông). Năm 1971, cha Thiệp thường xuyên ở tại Bình Thạnh để điều hành công việc giáo dục và mục vụ. Từ đây đồi cát trắng hoang vắng không người ở, trở thành nơi có tiếng tập đánh vần, có tiếng đọc cửu chương, có tiếng cười đùa của trẻ, có tiếng kinh nguyện hôm sớm. Cư dân trong vùng tụ cư quanh đồi cát nầy ngày càng đông.
Theo phúc trình tình hình mục vụ năm 1971, vùng truyền giáo Châu Ổ gồm hai quận Bình Sơn và Trà Bồng có khoảng 7.000 giáo dân (hầu hết là tân tòng) và 1.500 dự tòng (đa số thuộc họ Bình Sa).[7] Hiện nay hai người đứng tên đầu tiên trong sổ rửa tội của giáo xứ Bình Thạnh được sao lưu từ sổ của Châu Ổ, được rửa tội cùng ngày 18 tháng 4 năm 1981 tại Châu Ổ, là bà Têrêxa Hài Đồng Đặng Thị Mẫn (không ghi năm sinh) và bà Têrêxa Hài Đồng Đặng Thị Thanh (không ghi năm sinh).
Trong chuyến thăm mục vụ đầu tiên của Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các tại Quảng Ngãi từ ngày 07 đến ngày 12 tháng 9 năm 1974, Đức cha đã đến chào Chúa Giêsu nơi ngôi nhà nguyện Nadarét tại giáo điểm Bình Sa (Bình Thạnh).
Sau năm 1975, tất cả các trường học đều bị quốc hữu hoá. Ngôi trường Tiến Bộ tại Bình Thạnh cùng chịu chung một chính sách. Năm 1980, học sinh tại ngôi trường nầy thưa dần, hơn nữa Nhà nước đã có ngôi trường khác thay thế. Trường Tiến Bộ cũ được đấu giá, cha Thiệp đã mua lại ngôi trường. Năm 1990, nhà thờ vốn ọp ẹp xiêu vẹo đã bị bão đánh sập. Cha Thiệp tu sửa lại ngôi trường để vừa dùng làm nơi thờ phượng vừa làm chỗ ở cho đến ngày hôm nay. Sau 3 năm đi học ở Pháp, năm 1999, cha Thiệp trở về ở Bình Thạnh. Năm 2000, cha tu sửa nhẹ cơ sở vật chất và xây hang đá Đức Mẹ. Trong tuổi già sức yếu, cha vẫn hiện diện với đoàn chiên và được nhà Dòng cử các cha trẻ đến tiếp sức trong việc mục vụ. Từ năm 2013 cha nghỉ hưu tại Bình Thạnh. 3. Thành lập giáo họ biệt lập Bình ThạnhNgày 08 tháng 6 năm 2018, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, ký văn thư thành lập giáo họ biệt lập Bình Thạnh gồm địa bàn các xã: Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Đông và Bình Thuận, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, được tách ra từ địa bàn mục vụ của giáo xứ Châu Ổ. Đồng thời Đức cha Matthêô cũng bổ nhiệm cha Antôn Phạm Văn Tịnh, Dòng Chúa Cứu Thế, làm cha quản nhiệm giáo họ.
Ngày 10 tháng 6 năm 2018, tại khuôn viên nhà thờ Bình Thạnh, Đức cha Matthêô đã chủ sự thánh lễ công bố văn thư thành lập giáo họ biệt lập Bình Thạnh và văn thư bổ nhiệm cha quản nhiệm. Giáo họ biệt lập Bình Thạnh được hưởng tư cách pháp nhân từ ngày công bố ấy. Từ ngày 10 tháng 5 năm 2021 cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp về nghỉ hưu tại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ và từ trần tại đó ngày 14 tháng 6 năm 2022. 4. Thành lập giáo xứ Bình Thạnh
Ngày 12.12.2022, Đức cha Matthêô ký văn thư thành lập giáo xứ Bình Thạnh và văn thư bổ nhiệm linh mục Antôn Phạm Văn Tịnh, Dòng Chúa Cứu Thế, làm cha chánh xứ tiên khởi của giáo xứ. Địa bàn giáo xứ mới thành lập cũng chính là địa bàn giáo họ biệt lập Bình Thạnh trước đây, không có gì thay đổi.
Ngày 13.12.2022, tại nhà thờ Bình Thạnh, Đức cha Matthêô chủ sự thánh lễ tạ ơn cùng với các cha đồng tế và nghi thức nhậm chức của cha tân chánh xứ. Đầu thánh lễ, cha Tổng Đại diện Giuse Trương Đình Hiền công bố văn thư thành lập giáo xứ và văn thư bổ nhiệm cha tân chánh xứ. Đây là giáo xứ thứ 4 dưới quyền cai quản của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và là giáo xứ thứ 10 của giáo hạt Quảng Ngãi. Hiện nay, giáo xứ Bình Thạnh có 103 gia đình, 345 giáo dân. Hy vọng với tư cách là một giáo xứ, công cuộc truyền giáo sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, để ngày càng có thêm nhiều người đón nhận đức tin và gia nhập đạo Chúa.
Trước năm 1975, xã Bình Nguyên gọi là xã Bình Thắng, xã Bình Thạnh gọi là xã Bình Sa, xã Bình Chánh gọi là xã Bình Nghĩa, xã Bình Thuận và xã Bình Đông là một xã được gọi là xã Bình Giang. Xem baoquangngai.vn/channel/2047/201603/sau-cua-bien-quang-ngai-trong-ca-dao-2671084/ Xem DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria della Compagnia di Gesù, sđd, vol. 18, terza parte, libro quarto, tr. 218. Xem VÕ LONG TÊ, Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam, cuốn I, Nxb. Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 180-183. Xem ADRIEN LAUNAY, Historie de la mission de Cochinchine 1658-1823. Documents historiques III, 1771-1823, P. Téqui, Paris 1925, tr. 506-520. Kỷ Yếu 75 năm Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam (1925-2000), tr. 68. Xem Bản Thông tin Địa phận Qui Nhơn, số 71 tháng 3 năm 1972, tr. 16.