Các tôi tớ Chúa tử đạo: Cha Châu, Thầy Quờn, Ông Qui và Ông Me

Thứ ba - 23/10/2018 21:52
x



Cha Châu sinh tại Bình Định, làng Xuân Hương, Gò Thị. Cha là ông Hòa, mẹ là bà Nguyện, cả hai đạo dòng, buôn bán làm ăn, đủ ăn đủ mặc, không tham ô, không ngược xuôi với ai. (Có bà con với chân phước Năm Thuông). Khi được mười tuổi, cha mẹ cho đi học văn, học mau, hiểu lẹ, sáng dạ hơn cả những trẻ cùng lớp tuổi.

            Vừa mười ba tuổi, cha mẹ cho theo giúp Đức cha. Ngài thấy đứa trẻ thông minh, tính hiền nết tốt, tử tế, thì cho qua Pinang. Học được bảy năm, các cha giáo trong trường khen rằng: “học giỏi sảo thông, luật mẹo chín chắn, đạo đức đủ bề, đã nên trò tốt.” Học xong Đức cha kêu về, sai đi giúp giảng đạo 3 năm. Đến đâu cũng siêng năng giúp dạy người ta, ân cần lo việc bổn phận, ăn nói hiền lành, dịu dàng khiêm nhượng, ai ai cũng đều yêu quý.

            Sau Đức Cha phong chức cho ngài tại Gia hựu, và sai vô coi trường Mương Lở được khoảng ba năm. Khi nhà trường này nhập vào trường Làng Sông, thì ngài phụ trách giáo dân ngoài ấy khoảng chừng hai tháng. Đến khi cha Tư bị bắt, thì Đức Cha sai ngài vô làm giám đốc trường Làng Sông gần hai năm.

            Đến khi có chiếu chỉ ra bắt và phân tán giáo dân ra sáp nhập vào các làng ngoại giáo, phá nhà các giáo dân, các chú không thể ở nhà trường được nữa nên Đức cha sai ngài đưa vào Gia Định. Ngài sửa soạn những đồ cần dùng và mướn được một chiếc ghe của người ngoại giáo, dặn các chú chia nhau ở xung quanh gần chỗ ghe đậu mà đợi ngài. Hôm ấy ngài một mình xuống dưới ghe để gặp lái ghe hỏi thăm cho biết ngày nào chạy, bổng nhiên có một tên thơ lại và chức việc làng tới bắt người trong ghe tại sông Dinh gần nhà trường và giải về huyện. Khi bị tra hỏi lý do, tên tuổi chức phận, ngài xưng ngay mình là linh mục nên huyện giải ngài nạp lên tỉnh.

            Thầy Quờn là người Phú Yên, Đức Cha Thể sai qua Pinang, học một lớp với thầy Tuyền. Ngài vui vẻ và  tính tình can đảm: chịu chức cắt tóc và bốn chức một lượt. Lúc phân sáp, thầy đi trốn cùng cha Huệ cha Sự, nên bị bắt cùng với các cha tại ghe ông Me.

            Ông Qui là người Tân Hội (Bình Định), đạo dòng siêng năng sốt sắng, sắm tấm chài tấm lưới theo việc ngư nghiệp, nuôi vợ con đủ ngày đủ bữa, không nghèo lắm. Lúc phân sáp ông đem vợ con của cải xuống sông trốn theo sông theo sác. (Sác là phiên âm từ chữ nôm và có nghĩa là ‘rừng thấp đầy đầm lầy’, hoặc ‘rừng ngập ngụa’). Khi ấy cha Bửu trốn trên đất không được nữa, xin ông cho ở nhờ trên ghe trú ẩn tạm thời để tìm chốn thoát thân. Rủi thay, khi tới Lạc Điền, ghe đang trú bên sác, bổng nhiên có mấy ghe làng tới hỏi: ghe ai đây? Ông Qui nói rằng: ghe chài câu. Họ bèn kéo ghe vào bờ, đóng gông Cha Bửu, ông Qui cùng vợ con giải nạp lên tỉnh.

            Ông Me ở Quảng Nghiệp là người tân tòng, học đạo rồi về Gò Thị, làm giúp họ ấy hơn mười năm, nhịn nhục chịu khó, sai đâu đi đó, siêng năng dọn dẹp quét tước trong nhà thờ sạch sẽ, nghèo khó làm thuê kiếm ăn chừng bữa, nuôi vợ nuôi con. Ông là người đạo đức sốt sắng, thật thà, chắc chắn, ít nói, hiền lành vui vẻ, ai ai cũng đều yêu mến. Khi cuộc bách hại trở nên gay gắt, cha Huệ, cha Sự, thầy Quờn, muốn trốn vào Gia Định, nhờ ông chống ghe xuống Giã. Ông vâng lời ngay dù biết rõ nếu các Cha sẽ bị bắt thì mình cũng phải bị vạ lây. Nhưng vì lòng mến Chúa yêu người, vâng lời chịu lụy, ông không ngại khó nhọc hiểm nguy.

***

Khi các vị này bị giải nạp lên tỉnh thì đều phải bị biệt giam, ngày gông đêm cùm. Nhiều lần quan dạy dẫn vô đương đường (đương: định tội; đường: tòa nhà chính trong cung; đương đường là nơi xử án trong dinh), ép buộc bước qua thánh giá, nhưng không ai chịu. Có một lần, ba quan hội đồng, triệu tập các vị nầy và những người khác bị giam chung tại đó đến tại minh đường. Quan nói rằng có chiếu chỉ ân xá mới về, ai cải tà qui chánh, bước quan thánh giá thì vua tha. Sau đó quan truyền đem thánh Giá ra, bảo từng người bước qua. Khi ấy cha Huệ vào trước thưa rằng: “Tôi không dám”. Các cha khác cũng đều rập một tiếng như vậy. Quan thấy kêu từng người tốn nhiều thời gian thì bảo tập trung lại và nói rằng: “Ai không chịu khóa quá thì ngồi xuống; ai chịu thì đứng dậy”. Mọi người nghe tức thì ngồi xuống hết. Có một bà già lụm cụm không ngồi kịp, quan án cười lên: “Bà già chịu quá khóa phải không?”. Bà ấy thưa lại: “ Tôi ngồi không kịp chứ có chịu quá khóa đâu”. Bà nói xong thì ngồi xuống.... Các quan thấy vậy lấy làm lạ và rồi dạy lính dẫn hết về trại.

Khi các vị này bị giam tại trại, thường đọc kinh, lần hạt chung cùng nhau. Mọi người sốt sắng dọn mình, nhất là ông Me và thầy Quờn. Ai nấy cũng đều vui vẻ, không hề nghe tiếng phàn nàn năn nỉ mà luôn lo dọn mình xưng tội.

***

Phần cha Chân, ông Qui và Cha Bửu bị giam riêng và mỗi khi quan đòi những người khác vào để truyền bỏ đạo thì cũng truyền đưa các vị này đến nhưng cũng chẳng ai chịu bỏ đạo. Khi đi thăm nhau thì cũng phải mang gông. Có hôm cha Châu đi thăm vài ba chú học trò, thương các chú khổ cực, cho mỗi chú mỗi lượng bạc và an ủi rằng: “Trước kia cha con ở với nhau, đói no có cha, nay mai cha chẳng còn nữa thì các con dù phải cực khổ thế nào cũng luôn nhất quyết giữ nghĩa với Chúa». Đoạn cha con từ giã nhau, ai về trại nấy.

            Các vị này cứ khai thật: cha Châu là linh mục, thầy Quờn là tu sĩ, ông Qui và ông Me là giáo dân, cùng chứa chấp linh mục. Tỉnh cứ theo đó mà tuyên án và thích chữ «tả đạo» vào hai bên má. Và theo chiếu chỉ của vua, cha Châu, ông Qui và ông Me phải bị trảm quyết, còn thầy Quờn bị treo cổ, ngày 27 tháng 6, Tự  Đức thập ngũ niên, tức năm 1862.

***

Khi dẫn bốn vị này đến pháp trường, rất nhiều người chen nhau đến xem, giáo dân chỉ một phần nhỏ trong đa số là người ngoại giáo. Một người lính đi trước vác thẻ ghi tên bốn vị này, hai người khác khiêng chiêng đi sau, bốn đi giữa với lính hai bên bồng gươm trần. Vòng ngoài có năm mươi lính khác, tay cầm giáo mác, tay cầm roi, sau hết hai quan giám sát vòng ngựa điệu đi.

            Các vị ấy đi tề chỉnh, mặt vui vẻ, tay cầm ảnh Thánh Giá chuộc tội, miệng thầm thì đọc kinh cầu nguyện, chẳng thấy dấu hiệu gì lo sợ hay buồn bực, lương dân ai nấy đều khen ngợi.

            Gần đến nơi xử, quan dọn tiệc đãi, nhưng không ai nếm gì chỉ uống nước mà thôi. Đoạn qua chỗ chém, đã có chiếu nệm và nọc sẵn đấy. Đến nơi, cha Châu, ông Qui và ông Me quì trước, thầy Quờn quì sau, cầu nguyện một lúc lâu rồi quan dặn thợ rèn tháo gông ra. Lính trói tay các vị ấy vào nọc, bới tóc lên và kéo cổ áo xuống. Thầy Quờn bị lính vòng dây vào cổ, và bỏ hai bên hai mối, mỗi bên chừng năm tên lính cầm dây chực sẵn. Riêng mỗi vị bị xử chém thì có một tên lính cầm gươm trần đứng gần bên.

            Bây giờ nghe tiếng truyền rằng: sau ba hồi chiêng thì cứ y như lịnh mà thi hành. Nhưng mới nghe một hai tiếng chiêng, tức thì nó đã chém và thắt cổ xong; nhưng vì đứt dây nên chúng nó làm vòng thắt lại lần nữa. Rồi lính quăng đầu các vị ấy lên, và lấy đuốc đốt chân thầy Quờn, bay mùi khét nồng nặc.

            Lúc ấy giáo dân đứng xung quanh khóc lóc và cùng chạy lại lấy vải thấm máu. Thầy Khoa lo chôn xác các vị ấy ngay nơi xử. Đến sau cha Triết lấy cốt đem về Gò Thị, rồi chở vô nhà trường Làng Sông, táng trong nhà thờ. Trước năm Ất Dậu, khi dỡ nhà thờ ấy, thì lấy cốt bỏ vào quách để trong phòng nhà thờ mới. Đến năm phong trào Văn Thân nổi lên, những người nổi loạn phá mất hết, chỉ còn một mình xác cha Châu mà thôi, vì các cha nhà trường Pinang đã xin về và chôn tại nhà thờ ở Pinang.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây