Các tôi tớ Chúa tử đạo: Cha Giuse Thủ, Cha Đôminicô Cảnh, Bà Trị, Bà Soạn

Thứ sáu - 26/10/2018 19:06


Cha Giuse Thủ là con của Chân phước Năm Thuông, thuộc gia đình giàu có tại Bình Định, làng Xuân Phương, địa sở Gò Thị. Ngài giúp Đức Cha Thể khi còn nhỏ và được gởi qua Pinăng học bảy năm, trí sáng học mau, đoạn Đức Cha đòi về cho giữ việc Gò Thị.

            Đến khi chịu xong các chức, vâng lệnh bề trên ra Quảng Nam, rủi thay có một lần ngài đi kẻ liệt, bị bắt giữa đường nhưng nhờ bổn đạo lo lót, nên mọi việc êm xuôi.

            Ít lâu sau Đức cha sai vô Bình Thuận, nhằm lúc bách hại đạo, nên làng xã bắt được giải lên quan. Khi ấy giáo dân cũng tốn hết nhiều tiền của mới cứu được, nhưng đó đây các tỉnh thực hiện chính sách phân tháp giáo dân cho nên ngài phải trở ra Bình Định kiếm nơi ẩn lánh. Đi chỗ nọ sang nơi kia, chờ qua cơn nguy hiểm nhưng cũng không khỏi, ngài bị bắt tại Đồng Hâu và giải vào tỉnh. Quan tra khảo thì ngài khai mình là linh mục nên bị kết án tử về bộ và bộ y án ngài phải giam lại chờ xử tử.

            Vì thế ngài phải bị giam ba tháng tại khám đường, luôn vui mừng ngóng trông chịu chết. Nhưng khi thấy có chiếu chỉ về bãi bỏ luật phân tháp giáo dân thì ngài buồn rầu, sợ mất đi phúc tử đạo như các cha khác. Đâu may thình lình có chỉ về trảm quyết thì ngài rất vui mừng, lo dọn mình hết sức sốt sắng. Quan giám sát sai lý hình vào ngục, dẫn ngài đi đến pháp trường. Ngài mặc áo các phép và dây stola, cầm cuốn sách kinh nhỏ đi thẳng đến chốn pháp trường, có đông đảo giáo dân đưa đi, gẫm đàng tháng giá với ngài. Khi chịu xử rồi, giáo dân và thân nhân lo mai táng ngài tại đó, vào năm Tự Đức thập ngũ niên tức năm 1862.

Ít lâu sau cha Triết và thầy Khoa lấy cốt đem về Gò Thị. Đến khi lệnh bề trên dạy phải đem tất cả xác các vị tử đạo vào Làng Sông, chỉ còn một mình xác ngài được thân nhân xin để lại trong phòng nhà thờ cũ Gò Thị. Đến năm có phong trào bách hại Văn Thân, bị phá hủy và vất vung vãi, lượm lại được ít nhiều chôn trong đất tộc tại GòThị, gần mộ người cha là ông chân phước.

Cha Đôminicô Cảnh . Cha Cảnh là người Quảng Nam ở họ Vân Đoả, cha mẹ đạo dòng sốt sắng, làm nghề thợ rèn. Thầy Chuẩn là em ruột người cũng học ở Pinăng, sau về giảng đạo tại Ninh Thuận và lâm bịnh chết đó. Phần ngài khi vừa mười tám tuổi, cố Cảnh đưa theo giúp ngài. Sau đó ngài được gởi vô Bình Định học ít lâu, và qua Pinăng học bảy năm. Việc học hành và tính tình ngài không nổi trội cho lắm nhưng cũng không kém ai.

Khi học xong rồi, Đức Cha gọi về dạy tân tòng tại Gò Thị hai năm. Đến ba mươi tuổi mới chịu chức linh mục, rồi ra giúp cha Thọ ở Bình Định khoảng hai năm. Sau Đức Cha sai vô Bình Thuận, nhằm lúc bách đạo, đâu đâu người ta cũng tìm bắt linh mục. Ngài lại là người lạ, lại thêm ốm đau, không ai dám chứa, nên kiếm thế ẩn thân cho qua ngày qua bữa, giả hình tiều phu, đánh xe đi hái củi. Tuy nhiên, giấu mãi không được, dân ngoại biết ngài là linh mục thì thông với làng báo với quan. Quan sai xã vây bắt đem về nhà, huyện giải nạp tỉnh. Các quan thấy ngài đã gầy guộc quá, nên không đánh tra nhiều. Ngài khai mình là linh mục và quan truyền tống giam.

Thương thay! Phần yếu liệt lại cô thân, vì giáo dân kẻ bị bắt, người đi trốn không ai trợ giúp đem cho cơm nước. Khi ấy có một ông giáo dân ở họ Dinh Thủy, bị bắt giam cùng một trại với ngài, thấy ngài nằm dưới đất buồn bực quá sức, tưởng rằng ngài sợ chết nên hỏi, thì ngài trả lời rằng: tại tôi đau bệnh mà người ta bỏ đói, không cho ăn uống. Vậy ông nầy lo cơm nước cho ngài được ít ngày. Sau quan không để ở đó nữa mà lại đem giam nơi khác. Lúc ấy có bà Trị và bà Soạn là những nữ tu mướn người bán bánh đem đồ ăn cho ngài, nhưng quân canh trông thấy nên không cho.

            Tuy bị mang xiềng, đói khát, bịnh càng ngày càng nặng hơn, nhưng quan cứ bắt dẫn lên dẫn xuống, ép người bước qua thánh giá nhưng vô ích. Quan lại bày ra chước thâm, truyền cho ngài mặc áo lễ đứng một bên, giáo dân đứng bên kia, sách lễ ảnh chuỗi để giữa, dọn bàn thờ phật ở gần bên ngài. Sau đó quan dạy bổn đạo, ai chịu bỏ đạo thì đạp ảnh, rồi sang bên kia vả mặt ngài mà nói: «Tao bỏ đạo, mày đừng dạy đạo tà nữa!», đoạn lạy phật và đọc «Nam mô a di đà phật».  Ngài chịu sỉ nhục, làm thinh, cúi đầu xuống đất mà thôi, lòng dạ xót xa vì thấy những người xuất giáo, bội bạc với Chúa như vậy. Ngài chịu như vậy ước chừng một buổi thì ngất xỉu.

            Quan liền dạy khiêng vô chỗ giam để đó. Bổng có án từ bộ về dạy xử tử, quan sợ ngài chết không kịp xử nên bắt lính đưa ngài đi đến chốn pháp trường. Vừa qua một đám ruộng, quan dạy quan lý hình đứng lại và chém tại đó, vì sợ đi không kịp tới nơi xử. Đoạn quan truyền canh gác thủ cấp, không cho đem đi đâu. Sau này các nữ tu lo lấy xác ngài đem về họ Dinh Thủy, nhưng chỉ còn lại những xương không mà thôi. (Tự Đức thập tứ niên)

Bà Trị sinh ra tại Bình Thuận, cha mẹ là người ngoại đạo, khó nuôi con nên cho ông Định là giáo dân đem về nuôi. Ông Định nuôi nấng khôn lớn thì cha mẹ đến đòi con. Ban đầu ông Định không chịu trả nên thì cha mẹ đâm đơn xin quan ép ông trả con lại cho mình. Ông Định túng thế phải giao lại. Nhưng bà Trị đã học biết giáo lý và thật  lòng không muốn về với cha mẹ ngoại giáo. Bà đồng ý về với cha mẹ để người cha nuôi khỏi bị quan bắt bớ.

Về nhà cha mẹ ở được một ngày, qua nửa đêm vội vàng trốn đi. Không may gặp lính trạm chặn lại. Lúc ấy bà có đem theo ba mươi quan tiền, đút hết cho trạm để xin nó thả đi, nhưng trạm không chịu vì chê ít. Bà phải đưa hết ít áo quần đem theo thì nó mới để cho đi. Đoạn bà chạy ngay về nhà ông Định. Ông Định giấu một thời gian nhưng thấy không ổn nên phải chuyển ra Phú Yên. Khi cha mẹ nghe được thì cũng ra tìm tận nơi nên ông phải đem ra Bình Định, ở tại Mương Lở. Ở đó được ít lâu thì bà xin cha Lộc cho vô ở nhà phước Gò Thị.

Sau khi thấy mọi chuyện êm xuôi, không ai tìm nữa, nên Đức cha sai vô quê cũ, ở nhà phước Bình Thuận. Đến lúc bắt đạo, quan tỉnh phá nhà phước, bắt bà nhứt là bà Soạn. Bà Soạn nghĩ mình là thân đàn bà, đi một mình cũng sợ nên biểu bà Trị đi với mình cho có bạn; bà Trị vâng lời ra đi cùng nhau. Đến dinh quan thượng thì quan nộ nạt, biểu hai bà bước qua thập giá! Nhưng cả hai đều không chịu nên xử mỗi bà ít chục roi rồi tống giam vào ngục để trình ra bộ. Sau đó án về cả hai phải bị án treo cổ.

            Bà Soạn là người Bình Định, ở họ Diêm Điền; họ hàng với ông Quả. Bà thuộc dòng dõi đạo đức, có người anh làm linh mục là cha Hiền. Khi bà còn trẻ ở nhà phước Gia Hựu, nhưng bởi tính khí cang cường, bất thuận với bà nhất, nên phải trở về nhà phước Gò Thị. Ít lâu sau bề trên sai vô phụ trách nhà phước Bình Thuận. Bà ân cần sốt sắng coi sóc chị em phần hồn phần xác đều no ấm.

Khi chiếu chỉ của vua Tự Đức năm 1861 ban ra khắp nước đến các tỉnh phủ huyện truyền nghiêm trấp giáo dân (nghiêm: ráo riết; trấp [chấp]: bắt). Các quan biết có nhà nữ tu tại tỉnh, nên ra lệnh bắt bà bề trên giải về tra khảo. Các chị em ai nấy đều kinh hoàng bối rối, kẻ khóc người than, bề trên bị bắt thì cộng đoàn chắc sẽ phải tan rã. Nhưng bà an ủi bảo chị em đừng lo lắng: "Có Chúa phù trì không sao mà sợ, phần tôi nhờ ơn Chúa thương, dạy sao phải vậy; song đi một mình thân cô nữ chiếc, cheo leo nhiều nỗi; xin ai có bụng hãy đi cùng tôi". Bà Trị nghe vậy xin đi theo giúp bà.

Vậy bà lên đường theo quân giải trình quan huyện, huyện dạy phải nạp vào tỉnh, cùng bốn ông chức việc. Cả sáu người phải giam tại trại, đợi ngày xét xử.

            Khi quan ra xử, truyền đem những người nầy vào. Quan liếc mắt thấy bà xinh xắn nên có tà ý muốn chọc chơi. Nhưng bà biết ý nên đáp lời: "Tôi đây không tham vinh, chỉ muốn gông cùm vô ngục mà thôi". Quan mắc cỡ không lời đáp lại nên trở mặt giận dữ: "Con này hổn láo, đem đánh đòn”. Quân theo lời quan, nọc bà ra đánh vài ba chục roi rồi đem về nhà giam. Bà không buồn giận, theo quân trở về trại giam.

            Vài hôm sau, quan đòi dẫn bà và các chức việc ra nơi xử án, hăm he gầm hét, truyền bước qua thập giá. Các ông chức việc thấy roi vọt, kìm khảo, non lòng yếu sức, kẻ trước người sau kéo nhau bước qua thập giá. Bà thấy các ông ấy phản bội như thế nên cầm lòng không được lên tiếng mắng rằng: "Các ông là lãnh đạo giáo dân, ăn trước ngồi trên, ở họ đạo thì huênh hoang, ngăm đe giáo dân, quở la đánh đập vì họ bỏ đọc kinh xem lễ, giờ đây mới biết các ông là đầu những kẻ bỏ đạo Chúa!” Các quan nghe bà nhiếc mắng mấy ông chức việc như thế thì quát lên rằng: "Bà đã không vâng lệnh ta mà còn dám ngăn cản người khác, thật ngổ ngáo, đánh cho biết ai dại ai khôn.”

            Quân lính nọc bà ra đánh tám mươi roi. Thật thê thảm! Máu tươm ra, áo quần đều nhuộm đỏ, mà bà còn châm chọc các quan rằng: "Ba quan đãi tôi một tiệc no đầy, không biết bao giờ mới xẹp”. Đoạn nằm rũ, một hai tháng chưa dậy nổi, cứ thầm thĩ xin Chúa và Đức Mẹ phù trì cho được bền chí đến cùng.

Khi bà vừa mạnh khỏe trở lại thì quan dạy dọn bàn thờ phật một bên, bên kia là ảnh chuỗi sách kinh, rồi quan thịnh nộ biểu bà và bổn đạo bước qua ảnh đến lạy phật. Nhưng bà vẫn một lòng không chịu, nên lại bị thêm đòn và dẫn về trại giam.

Khi ấy bà trông mong án về cho mau để được phúc tử đạo. Bà luôn khuyên nhủ giáo dân bị giam cầm tại đó, tối sáng đọc kinh cầu nguyện. Quân lính ghét, cấm không cho đọc vì ồn ào khó chịu. Nhưng giáo dân không làm thinh, cứ đọc mà rằng: "Có đạo thì phải đọc kinh, là việc bổn phận, tối sáng phải làm, có đứt họng mới hết đọc mà thôi.” Ít ngày sau bà nghe án về, xử treo cổ mười lăm người. Sáng sớm quan binh đến ngục, xướng danh những người phải điệu đi xử. Bà lắng tai nghe mà chưa đến tên bà, nên bực mình tưởng hụt lần nầy. Bổng nghe xướng tên thì hết sức mừng rỡ trong lòng.

            Khi quan quân binh khí điều bà cùng đi với những người bị kết án, trên đường họ cứ đọc kinh lần hạt và gẫm đàng thánh luôn. Thi hành án xong quan truyền bỏ vào một hố chôn tập thể cho voi dậm. Khi ấy là Tự Đức thập ngũ niên tức là năm 1862.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây