Điếu văn của Công sứ Dufrénil trong tang lễ Đức cha Camelbeke Hân (năm 1901)

Thứ bảy - 27/08/2022 20:00
Camelbeke 2

Mộ phần Đức cha Van Camelbeke Hân
nằm ở phía trái cung thánh Nhà nguyện Tiểu Chủng Viện Làng Sông
 
Khẩu hiệu:
Da robur, fer auxilium
(Xin cho con sức mạnh, mang lại cho con sự trợ giúp)
 
Huy hiệu:
Chén thánh vàng trên nền xanh phía trên có mình thánh bạc,
đặt lên trên cây thánh giá bạc
và cành cọ nằm chéo, hướng lên phía trên đỉnh của huy hiệu.


Điếu văn của ông Công sứ Dufrénil[1]
trong tang lễ Đức cha Van Camelbeke Hân[2] (năm 1901)


Quý cha, quý vị thân mến,

Cách đây vài ngày, Đức cha Van Camelbeke rất vui mừng trở về với chúng ta từ Quảng Đông, nơi ngài tham dự lễ tấn phong một giám mục mới, tôi không ngờ rằng hôm nay tôi phải đau đớn tỏ bày sự tiếc nuối muôn người như một mà cái chết của ngài đã để lại cho tất cả những ai quen biết ngài.

Nhưng thưa quí vị, những tình cảm đau đớn mà ta cảm thấy mỗi khi cái chết quy tụ chúng ta lại trước một nấm mồ, không phải là tình cảm mà chúng ta cảm thấy khi nói lời tạm biệt với vị giám mục đã xa rời chúng ta! Sự đau đớn nhói lòng, những thất vọng khi một người mẹ mất con, một gia đình mất đi người trụ cột, những tình cảm ấy trước linh cữu này đã biến đổi này thành một ấn tượng nhẹ nhàng, một cảm giác bình yên.

Đức cha đã hiến mình cho Thiên Chúa; ngài đã quay về với Thiên Chúa sau một cuộc sống từ bỏ và bác ái. Đây là ngày mà ngài được đền bù! Làm sao mà hôm nay trở thành ngày đau buồn của chúng ta được chứ?

Kính thưa quý cha, tờ Annales  des Missions-Étrangères đã nói như thế nào về đời sống của thừa sai và là giám mục mà chúng ta vừa mới mất đi! Các cha cũng biết như tôi về sự khiêm nhường của ngài, sự tốt lành tự bản chất của ngài, khi nhắc lại những đức tính của ngài, tôi không muốn làm nhàu nhò đi sự khiêm tốn rất tinh tế của ngài! Tôi chỉ xin được nhắc về thời gian 38 năm lưu lại của ngài tại Đông Dương này, 18 năm giám mục, những thành quả đạt được, sau những thử thách lâu dài và khó khăn!

Về phần tôi, thưa quý vị, làm sao tôi quên được sự tinh tế trong tâm hồn ngài, than ôi! khi trong một hoàn cảnh rất ác nghiệt, Ngài đã có một nhiệm vụ đau lòng là báo cho tôi biết cái chết của người mẹ mà tôi rất yêu quý và đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên.

Từ ngày hôm ấy, tôi đã có thể đánh giá cao tâm hồn vĩ đại của ngài!

Chính với sự đau buồn sâu sắc mà tôi đến nơi đây, nhân danh Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung kỳ, nói lời tạm biệt với người đứng đầu của địa phận Đông Đàng Trong. Thưa Đức cha, hãy yên nghỉ trong bình an, giữa địa phận mà ngài đã vực dậy từ đống hoang tàn, trong ngôi nhà nguyện bé xinh này là công trình của cá nhân ngài. Hầm mộ ngài sẽ được các thừa sai thành kính giữ gìn, những người mà ngài đã để lại một quá khứ để làm gương.

Nhân danh nhượng địa Pháp ở Qui Nhơn, nhân danh ngài Tổng đốc và các quan tỉnh, nhân danh người bạn vong niên của ngài, cha Fourmont,[3] người không có được niềm an ủi lớn lao để khép mắt ngài, tôi xin tạm biệt ngài, thưa Đức cha!

Qui Nhơn, ngày 11 tháng 11 năm 1901.

(Annales des Missions Étrangères de Paris, Mars/Avril 1902,  n° 26, 1902, tr. 105-106.)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
 
[1] Paul E. Dufrénil, Công sứ Qui Nhơn. Trong lễ an táng của Đức cha Van Camelbeke, có các quan chức Việt Pháp trong tỉnh tham dự, khoảng 20 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt Nam và một số đông giáo dân. Khi linh cữu được đưa đến cửa Nhà nguyện Tiểu Chủng Viện Làng Sông, ông Công sứ thay mặt Toàn quyền Đông Dương đọc diễn văn từ biệt (các chú thích trong bài là của người dịch).
[2] Đức cha Désiré-François-Xavier Van Camelbeke, tên Việt là Hân, nhập Chủng viện MEP ngày  26 tháng 7 năm 1862, chịu chức linh mục ngày 30 tháng 5 năm 1863, và nhận bài sai đi Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) ngày 16 tháng 7 năm 1863. Vì còn thời gian bách hại, ngài làm giáo sư tại Trường Pinang và học tiếng Việt ở đấy. Năm 1864, ngài đến địa phận và lần lượt làm thừa sai ở Gia Hựu, nơi ngài xây một nhà thờ rất đẹp vào năm 1870, bề trên Tiểu chủng viện Làng Sông. Ngài được bổ nhiệm làm Quyền đại diện năm 1870. Ngày 15 tháng 1 năm 1884, được chọn làm giám mục hiệu tòa Hiérocésarée và Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong (Khẩu hiệu: “Da robur, fer auxilium” – Xin cho con sức mạnh, mang lại cho con sự trợ giúp), và ngày 27 tháng 4 cùng năm ấy được tấn phong tại Saïgon. Năm biến cố văn thân 1885, ngài lánh nạn trong 2 năm ở bờ biển Qui Nhơn, trước Tòa trú sứ Pháp. Tháng 7 năm 1887, ngài trở về Làng Sông và qua đời tại đây ngày 9 tháng 11 năm 1901. Mộ ngài hiện ở trong nhà nguyện Chủng viện Làng Sông, phía bên trái cung thánh từ ngoài nhìn vào.
[3] Cha Constant-Julien Fourmond, tên Việt là Thủ, nhập Chủng viện MEP ngày 11 tháng 3 năm 1868, thụ phong linh mục ngày 22 tháng 5 năm 1869, và nhận bài sai đi Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) ngày 6 tháng 6 năm 1869. Ngài học tiếng Việt tại  Bình Định và ở tai Gia Hựu 3 năm. Sau đó ngài phục vụ tại  Phú Hòa, Trung Sơn, và Cù Và. Năm 1878, ngài trở lại Gia Hựu và 8 tháng sau ngài làm bề trên chủng viện Nước Nhỉ. Năm 1884, ngài được Đức cha Van Camelbeke bổ nhiệm làm Quyền đại diện. Năm văn thân 1885, ngài phục vụ giáo dân chạy trốn bách hại Saïgon. Năm 1889, ngài điều hành địa phận khi đức cha vắng mặt. Bị bệnh nặng vào tháng 8 năm 1901, ngài vào Sàigòn và qua đời tại đó ngày 19 tháng 11, mười ngày sau cái chết của Đức cha Camelbeke. Ngài được an táng tại nghĩa địa các thừa sai Tây Đàng Trong, gần lăng Cha Cả (Đức cha Pigneau de Béhaine). Trong ngày lễ an táng Đức cha Camelbeke, ngài vẫn còn đang trị bệnh tại Sàigòn nên không thể hiện diện được.
 
Camelbeke 1
 
Camelbeke 3

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây