Trở về như một Kitô hữu đích thực

Thứ sáu - 27/05/2022 09:31

TRỞ VỀ NHƯ MỘT KITÔ HỮU ĐÍCH THỰC
(Thánh lễ Cung Hiến Nhà Thờ Gò Duối – 27.5.2022)


            Kính thưa cộng đoàn PV,
           Trong sinh hoạt đức tin của người Công Giáo chúng ta, đặc biệt trong lãnh vực Phụng vụ thờ phượng Chúa, chúng ta có nhiều cuộc tập họp để cử hành các nghi lễ với các trọng tâm khác nhau như: Các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ, Các thánh, thánh lễ Chúa Nhật các mùa, lễ An Táng, lễ Hôn Phối, lễ truyền chức Giám Mục, linh mục…; và cuộc tập họp hôm nay với trọng tâm là CUNG HIẾN NHÀ THỜ. 

Trong ngôn ngữ Hán Nôm: Cung: có nghĩa Kính, tôn kính; còn HIẾN có nghĩa Dâng, hiến dâng. Như vậy, CUNG HIẾN NHÀ THỜ là việc dâng hiến cách trân trọng và tôn kính ngôi nhà thờ cho Thiên Chúa để nơi đây trở thành trung tâm thờ phượng của cộng đoàn tín hữu. Nội dung ý nghĩa nầy được nêu bật ngay trong phần mở đầu của LỜI NGUYỆN CUNG HIẾN mà chút nữa đây Đức Giám Mục chủ tế sẽ tuyên đọc trong nghi thức Cung Hiến: “hôm nay dân tín hữu muốn cử hành nghi lễ trọng thể cung hiến ngôi nhà cầu nguyện nầy cho Chúa một cách vĩnh viễn, để nơi đây họ thờ phượng Chúa cách sốt sắng, lắng nghe Lời Chúa dạy bảo và được nuôi dưỡng bằng các bí tích”.

Lời cầu nguyện trên đã cho chúng ta thấy rõ ba công năng sử dụng cũng là ba mục đích chính của Nhà Thờ:
- Để tín hữu thờ phượng Chúa cách sốt sắng.
- Để tín hữu lắng nghe Lời Chúa dạy bảo.
- Để tín hữu được nuôi dưỡng bằng các bí tích.

            Trước hết: để thờ phượng Chúa cách sốt sắng.

            Thật ra, trong chương trình cứu rỗi, khi “Giờ” của Đức Kitô đã tới, thì việc thờ phượng, như Ngài đã nói với người thiếu phụ Samari bên bờ giếng Giacob: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem…. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4, 21-24).

            Nối kết lời phát biểu trên với câu chuyện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem mà chúng ta vừa nghe công bố qua trích đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan, thì ra, để “thờ phượng Chúa cách sốt sắng”, hay “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật”, việc thờ phượng phải quy hướng về Chúa Kitô, phải đón nhận và tin vào Ngài, phải hội nhập sâu xa vào cái chết và sự phục sinh của Ngài; nói cách khác, phải thờ phượng trên chính “Ngôi đền thờ là Thân Thể Ngài”: Người Do Thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ nầy, mà ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư ?”. Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin Lời Người đã nói.

            Thế nhưng, trong ngôn ngữ thần học của Thánh Phaolô, đặc biệt, trong chương 12 của Thư thứ nhất Corintô, “Thân thể Đức Kitô” chính là Giáo Hội, là mọi tín hữu: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể…” (1 Cr 12,12-13).

            Với ngôi nhà thờ mới được cung hiến-khánh thành hôm nay, chắc chắn ai cũng trằm trồ khen ngợi, ai cũng tâm đắc vui mừng với một công trình mới tinh, đẹp đẽ…, là kết quả của mồ hôi nước mắt, của biết bao thao thức chung tay góp sức, của hy sinh và lời cầu nguyện. Tuy nhiên, cái cao quý nhất, giá trị nhất của nhà thờ lại không được định giá trên sự đồ sộ, to lớn, trên vật tư trang trí đắt tiền…; mà nhà thờ chính là một biểu hiện rõ nét của mầu nhiệm Hội Thánh như được khắc ghi trong Lời nguyện Cung Hiến: “Ngôi nhà nầy biểu hiện mầu nhiệm Hội Thánh, mà Đức Kitô đã thánh hóa bằng Máu Người, để phô bày trước mặt mình một Hội Thánh là Hiền Thê vinh hiển, là trinh nữ trỗi trang về đức tin nguyên tuyền, là hiền mẫu phong phú nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần…”.

            Vâng, nhà thờ là dấu chỉ của Giáo Hội hay Giáo Hội chính là đền thờ của Thiên Chúa. Riêng Thánh Gioan Tông Đồ, trong khải thị được ngài viết lại trong sách Khải Huyền, đã thấy Giáo Hội như “thành thánh Giêrusalem mới, từ trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình”. Phải chăng, cũng chính với ý nghĩa nầy mà trong ngôn ngữ La Tinh, Pháp, Anh... nhà thờ và Giáo Hội đều viết chung một từ: ECCLESIA, ÉGLISE, CHURCH; Khi viết thường là nhà thờ; khi viết hoa là Giáo Hội.

            Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa của mối tương quan NHÀ THỜ - GIÁO HỘI, lại bắt nguồn từ trong kho tàng mạc khải Cựu ước. Bất cứ lúc nào dân Israel tập họp lại để thờ phượng Chúa, để lắng nghe Lời Ngài thì đã làm nên một Ekletos, một Giáo Hội. Chính vì thế, nhà thờ sẽ không còn giữ căn tính của mình, giá trị của mình khi không có ai tập trung lại để thờ phượng Chúa, để lắng nghe Lời Chúa, để cử hành các bí tích; hay như cách diễn tả của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

            Và đó chính mục tiêu thứ hai của nhà thờ: Để tín hữu lắng nghe Lời Chúa dạy bảo.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể nghe Lời Chúa bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc cử hành Lời Chúa và lắng nghe Lời Chúa cách long trọng, xứng đáng vẫn là tại nhà thờ trong khung cảnh Phụng vụ. Và đây là điều mà chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của dân tộc Israel, đặc biệt, như trích đoạn sách Nêhêmia trong Bài đọc một, mô tả một buổi cử hành Lời Chúa tại Giêrusalem khi họ vừa trở về từ nơi lưu đày: Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình là phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất....

            Ước gì, sau ngày lễ Cung Hiến nầy, anh chị em cộng đoàn giáo xứ Gò Duối nầy siêng năng đến đây để thực thi đúng như lời nguyện Cung Hiến: xin cho nơi đây, các tín hữu biết đến quanh bàn thờ cử hành cuộc tưởng niệm Lễ Vượt Qua và được bổ dưỡng nhờ bàn tiệc Lời Đức Kitô và Mình Thánh của Người; xin cho nơi đây vang lên lời ca ngợi hân hoan, hòa âm thanh loài người với những lời ca của các thiên thần, và liên lỉ bay lên tới Chúa lời nguyện cầu cho phần rỗi thế gian...

            Và mục tiêu thứ ba đó là: Để tín hữu được nuôi dưỡng bằng các bí tích.

            Khi nhắc đến điều nầy, tôi chợt nhớ tới một ca khúc thời tiền chiến (1946) của một nhạc sĩ Công Giáo và là cây “đại thụ” của làng Tân Nhạc Việt Nam – Nguyễn Xuân Khoát. Đó là bài hát “Tiếng chuông nhà thờ”, mà trong ca từ, nhạc sĩ đã nhắc tới 4 sự kiện đức tin của người Kitô hữu khi được tiếng chuông thôi thúc gọi đến nhà thờ.
Tiếng buông hồi chuông nhân-chủng cầu Chúa ban phước ân lành cho nhân-loại.
Tiếng buông hồi chuông vui mừng nỗi duyên đôi lứa uyên-ương lập gia-đình.
Tiếng buông hồi chuông nhân-từ vui đón rửa tội-tổ-tông kẻ sơ-sinh.
Tiếng buông hồi chuông rỉ-rền đưa cất linh-hồn kẻ chết về thiên-đường.

            Vâng, mỗi một người Kitô hữu, có thể nói được, đều gắn chặt cuộc hành trình kiếp nhân sinh, từ thuở mới sinh cho đến khi nhắm mắt lìa đời, với nhà thờ, với ngôi thánh đường bên nội hay bên ngoại. Vâng, cuộc sống đức tin, niềm vui ơn cứu rỗi của chúng ta, những người Kitô hữu chính là “được nuôi dưỡng bằng các bí tích”; mà các bí tích lại được cử hành tại chính ngôi nhà thờ nầy. Và khi được lãnh nhận các bí tích, chúng ta lại trở thành, như lời Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô trong Bài đọc 2: anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em... Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”.

            Nhìn thấy một cộng đoàn đông đảo về tham dự lễ Cung Hiến và Khánh thành nhà thờ Gò Duối để hiệp thông, chung chia niềm vui với bà con giáo dân, với cha sở của một giáo xứ vào hạng nhỏ bé nhất của giáo phận, tôi thật cảm kích và vui mừng. Đây, quả là dấu chỉ của một Hội Thánh, một “Ecclesia viết hoa”. Tuy nhiên, tôi cũng chợt nhớ tới lời cảnh giác của tác giả Billy Sunday: "Đi vào nơi đậu xe không thể biến bạn trở thành một chiếc xe. Cũng thế, vào nhà thờ không làm cho bạn thành một Kitô hữu”.

            Vâng, nếu những người Do Thái khi xưa đã vào đền thờ nhưng đã biến đền thờ Giêrusalem “thành nơi buôn bán” và đã bị Chúa Giêsu thanh tẩy nặng tay, thì ước gì hôm nay, từ ngày lễ Cung Hiến và với sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải, chúng ta đã đến đây, đã lắng nghe Lời Chúa, đã lãnh nhận Mình Máu Chúa, đã chia sẻ tình huynh đệ hiệp thông..., thì chúng ta phải trở về như một Kitô hữu đích thực. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền

 Tags: bài giảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây