Hiệp hành với người đau khổ một sứ vụ tưởng dễ mà không dễ.

Thứ ba - 21/02/2023 22:24

Lời nhập

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai” là thông điệp mà nhạc sĩ Trần Lập gởi gắm trong bài hát “Đường đến đỉnh vinh quang”, một thông điệp nhắc nhở cho ta rằng đau khổ thực sự là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống làm ngườivàng phải được tôi luyện trong lửa, người sáng giá phải được thử trong lò ô nhục” (Hc 2,5). Nói như thế, phải chăng ta đang ủng hộ chủ nghĩa khắc kỷ, tìm kiếm khổ đau? Chắc chắn không phải là thế ! Nhưng, đau khổ lại là lẽ thường tình của kiếp nhân sinh. Không có đau khổ, hay thiếu vắng đau khổ trong đời, người ta “sẽ không lớn nổi thành người”, không thể hoàn thành “định mệnh” của mình, càng không thể hiểu được giá trị chân thực, sâu xa của đời sống làm người và làm con Thiên Chúa. Trong niềm tin Kitô giáo, đau khổ mang một ý nghĩa cứu độ “cho mình và cho người”. Thật vậy, chính “Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn” (Dt 2,10), đau khổ của Thập giá là phương tiện thần thiêng mà Đức Giêsu đã dùng để biểu lộ tình yêu cứu độ của Ngài cho chúng ta.

Tuy nhiên, có những khổ đau vượt qua cả ngôn ngữ, không thể diễn tả được và cũng không thể cho lời khuyên gì. Trong những nỗi đau tột cùng “xé lòng, não ruột” của anh chị em đồng loại, ta làm gì được cho họ? Đứng trước một bệnh nhân ung thư, đứng trước một người vừa mất đi người thân yêu nhất của đời họ, ta nói gì với họ? Động viên khích lệ ư? Giúp đỡ vật chất ư? Đối với họ, mọi lời nói dường như giả dối và việc làm dường như vô nghĩa.

Tâm trạng của người đau khổ

Theo Xavier Thévenot, nhà thần học luân lý của Đại học Công Giáo Paris, trong nỗi đau tột cùng, người đau khổ luôn có cảm giác bị cô đơn xâm chiếm “Ai có thể giúp tôi lúc này? Tất cả những lời động viên khích lệ đối với tôi ít nhiều đều giả dối, ngoài môi miệng. Ai có thể hiểu bi kịch nội tâm của tôi? Vì vậy, tôi luôn bị cám dỗ nhốt mình trong sự cô độc mặc dòng đời đưa đẩy, nhưng cùng lúc, một góc khuất nào đó trong tôi cũng muốn được giao tiếp... Cứ như thế, tôi bị mắc kẹt trong tâm hồn đau khổ của tôi...”[1]
Hơn thế nữa, trong đau khổ tột cùng, người ta cũng dễ dàng đánh mất niềm tin vào tình yêu của người thân và nơi Thiên Chúa “những điều tạo nên niềm vui của tôi: cơ thể tôi, gia đình tôi, con cái tôi, niềm tin Kitô giáo của tôi... ngay lúc này, chính những điều này lại làm tôi mất thăng bằng. Là một Kitô hữu, tôi bắt đầu cố gắng tìm ra ý nghĩa những đau khổ đang xảy ra cho mình. Tôi lắng nghe những gì mọi người nói về những bài phát biểu, những lý thuyết hay về đau khổ. Tôi lắng nghe một cách trung thực, nhưng chỉ là để nghe mà thôi, vì tôi biết họ chưa ở trong tình trạng như tôi. Nếu đang ở trong tình trạng như tôi, họ có nói hay được như vậy không? Vả lại, sự khỏe mạnh của họ, sự thành công của họ, niềm vui của họ... như một sự xúc phạm với tôi”[2].

Khi một nhân cách bị đau khổ đè bẹp, một cách tự nhiên, người ta có xu hướng quay trở lại những cố thủ trong quá khứ, nghĩa là kích hoạt lại các khoảnh khắc đẹp của cuộc đời họ, nơi mà họ đã từng tận hưởng sự bình yên, niềm vui, tình yêu... Vì thế, người đau khổ bỗng cho mình là trung tâm của thế giới. Có người không ngừng nói về bản thân, bắt người khác lắng nghe họ. Có người thì lui về khép kín lòng mình, không muốn tiếp xúc với ai...
Những bài phát biểu hay, triết lý đẹp[3] !

Khi thăm một người đang đau khổ, chúng ta thường hay nhắn nhủ họ “Bạn biết không? Chúa thích gởi đau khổ thử thách cho những người Ngài yêu thương, đó là dấu chỉ tình yêu đặc biệt của Ngài dành cho bạn”. Nhưng chúng ta sẽ nói gì nếu người ta phản bác lại rằng “là cha, là mẹ, tôi biết, để giáo dục con cái nên tốt thì phải áp đặt những khó khăn để nuôi dưỡng ý chí của chúng. Nhưng, tôi cũng biết rằng tôi không bao giờ tùy tiện áp đặt những đau khổ đè bẹp chúng, làm chúng mất đi hương vị tình yêu cuộc sống...tôi yêu chúng không có nghĩa là tôi thích nhìn thấy chúng dằn vặt trong đau khổ”. Vì thế, tư tưởng “Thiên Chúa gởi đau khổ vì Ngài yêu chúng ta” dường như là một lời khó nghe, khó đón nhận “chẳng lẽ làm cho ai đau khổ mới gọi là yêu đặc biệt?” Điều này trái nghịch với lời của Đức Kitô “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Một tư tưởng khác mà chúng ta cũng thường được nghe và thường dùng để an ủi người khác “Bạn biết đấy, bạn hãy vui chịu đi, vì đau khổ của bạn có ý nghĩa cứu độ, cứu thế giới...”. Nhưng, hãy lắng nghe một tâm sự thế này “Lúc đầu, tôi bám vào lời này để nuôi hy vọng cho mình, ít ra đau khổ của tôi cũng có ích cho ai đó. Nhưng nghi ngờ mau chóng nảy sinh trong tôi. Đau khổ đã phá vỡ sức sống trong tôi, nó đè nặng lên những người thân của tôi, thậm chí nó khiến tôi muốn kết thúc cuộc sống của mình. Vậy thì làm sao có thể nói đau khổ là giải pháp cứu chuộc? Ung thư của tôi, là có ích cho người khác ư? Nỗi đau của một đứa trẻ vô tội; nỗi đau của những người mất người thân, mất nhà cửa, mất trắng những gì cả đời đã khó nhọc gầy dựng bỗng chốc bị tiêu tan trong trận động đất, sóng thần... có thể trở thành giải pháp cứu chuộc thế giới không? Như thế, khi làm mục vụ hiệp hành với người đau khổ, đây lại là một lời khuyên vô nghĩa và sáo rỗng nếu ta áp dụng nó không đúng cách.

Tư tưởng cuối cùng “Bạn đau khổ ư? Hãy dâng những đau khổ đó cho Chúa”. Lời này mang ý nghĩa khá tích cực “dâng thân xác, tâm hồn cho Thiên Chúa, dù nó đang bị đau khổ làm biến dạng”. Nhưng, Thiên Chúa là ai? Đấng Chân Thiện Mỹ lại ưa chuộng món quà méo mó xấu xí của một thân xác bị đau bệnh tàn phá, món quà là một tâm hồn héo úa ủ rũ sao?

Hiệp hành với người đau khổ trong nhãn quan mới.

Với những lập luận trên đây, vậy đâu là hành trang giúp chúng ta hiệp hành cùng người khổ đau trong công tác mục vụ tông đồ? Bởi vì, những lời hay ý đẹp mang đậm tính Kitô giáo mà chúng ta hay dùng để an ủi người đau khổ dường như lại là những lời bị mắc kẹt nhất. Nhất là khi đau khổ xảy ra với người vô tội, vô cớ xảy đến với người có đủ lý do để sống một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc. Họ sẽ nổi dậy, họ có quyền nổi loạn, một sự nổi loạn chính đáng.

Thực ra, chúng ta phải chân nhận rằng những lời hay ý đẹp này thực ra là các phím tắt ngôn ngữ quá lớn, khiến chúng ta bị mắc kẹt, không lời giải đáp thỏa đáng cho người đang đối mặt với khổ đau.

Cụ thể, không nên nói “Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta qua đau khổ của Ngài” mà phải nói là Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta bằng cả cuộc đời của Ngài, một cuộc đời được thêu dệt bằng tình yêu nồng nàn dành cho con người, bằng niềm hy vọng vượt trên mọi hy vọng, bằng niềm tin triệt để vào Chúa Cha và vào con người. Chính từ những điều này, khi chịu đau khổ khủng khiếp, sự cứu chuộc nhân loại cũng không nằm ở sự đau khổ của Thập Giá NHƯNG ở trung tâm của nỗi đau khổ tột cùng, Chúa Giêsu vẫn là một người hoàn toàn yêu thương, tin tưởng và hy vọng. Đây mới chính là chân lý mà chúng ta cần nắm vững.

Cũng tương tự, câu nói “dâng những đau khổ cho Chúa” cũng dẫn đến những suy nghĩ trái chiều: đau khổ tự nó hủy diệt, nên “niềm vui” của Thiên Chúa không thể là niềm vui của việc được nhận món quà đau khổ từ con cái loài người. Trái lại, niềm vui của Thiên Chúa là niềm vui nhìn thấy con người được sống hạnh phúc “niềm hạnh phúc viên mãn” mà tình yêu của Đức Kitô là mẫu mực, một niềm sức sống dồi dào được xây dựng trên tình yêu của Thiên Chúa bất chấp những sức mạnh của đau khổ. Vì thế, nói đúng hơn, điều Chúa vui nhận là niềm tin, cậy, mến, khiêm nhường, nhẫn nhục giữa khổ đau.

Nói điều này không phải để biện minh cho lối nói tắt của chúng ta, nhưng để giúp chúng ta áp dụng hiệu quả hơn trong công việc mục vụ thăm viếng người đau khổ. Nếu không, chúng ta dễ dẫn người ta đi chệch khỏi đức tin chân chính và có nguy cơ hình dung về một Thiên Chúa kỳ dị có sở thích nhìn thấy con người quằn quại trong đau khổ. Chẳng hạn, khi nói “Lạy Chúa, con xin dâng những đau khổ của con cho Chúa” thì chúng ta phải ý thức rằng “con xin dâng món quà đau khổ mà Chúa đang dành cho con để con đủ sức tiếp nhận nó với niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng Chúa đặt nơi con”, tức là “tạ ơn Chúa vì Chúa đã tin con, đã tin mà trao đau khổ này cho con”. Chúng ta luôn nói về niềm tin của con người vào Thiên Chúa, nhưng thực ra, để trao ban một thử thách cho ai đó, Chúa đã rất tin vào họ.

Hiệp hành với người đau khổ: tưởng dễ mà không dễ !

Nhiều người trong anh chị em của chúng ta đã có những phút đau khổ tột cùng trong bệnh viện, trong cơn đau đớn mất đi người mình yêu thương nhất... Khi chúng ta trải qua những đau khổ về thể xác và tâm hồn như vậy, chúng ta trở nên hoảng sợ như con thú. Chắc chắn lúc này không phải là thời gian mà chúng ta có thể dừng lại để lắng nghe, để suy gẫm hay thậm chí là để cầu nguyện. Dường như, trong đau khổ tột cùng, phần lớn con người ta hoàn toàn không còn khả năng để hành động cách thánh thiện nữa. Chỉ còn nước mắt, tiếng rên rỉ, sự im lặng đầy chết chóc... Và chỉ khi nào đau khổ tàn bạo lắng xuống, người ta mới có thể bình tâm ngẫm nghĩ và tập đón nhận.

Vì vậy, hiệp hành với người đau khổ đúng theo tinh thần bác ái Kitô giáo và mang lại lợi ích tinh thần cho họ không phải là chuyện dễ. Người ta thường nói chỉ khi chúng ta đã từng trải qua đau khổ dữ dội, chúng ta mới đủ khiêm tốn trước người đau khổ “con người chỉ mềm lòng khi đứng trước nỗi đau”. Trong sự khổ tâm của bản thân, ta hiểu được nỗi dằn vặt của người khác :“Đồng bệnh tương lân”: lâm vào tình cảnh bi ai mới biết thương người khốn khó. Hơn nữa,“Nếu bạn biết gánh lấy niềm đau của kẻ khác, thì Thiên Chúa sẽ gánh lấy nỗi khổ đau của bạn và biến nó thành của Ngài.” (V. Ghika). Thế nên, đứng trước người đang đau khổ, chúng ta phải biết rõ rằng đây không phải là lúc dành cho những bài phát biểu vĩ đại, những lý thuyết suông về đau khổ, nhưng đây phải là thời điểm của sự hiện diện kín đáo, quan tâm tế nhị, thể hiện một sự kính trọng nhỏ bé trước mầu nhiệm đau khổ mà người anh em, chị em mình đang phải chiến đấu.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng người đau khổ có lý do để nổi loạn. Vì trong mỗi người lớn như chúng ta luôn có một đứa trẻ đang ngủ. Sự nổi loạn do tuyệt vọng tạo nên một chuyển động lấy mình làm trung tâm. Dó đó, giúp người đang đau khổ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên Thập giá là điều quan trọng, nhưng phải ở thời cơ thuận lợi. Thật vậy, Chúa Giêsu có mọi lý do để tập trung vào chính mình, nhưng Ngài không chơi khôn, Ngài không nói với những người đứng dưới chân Thập Giá “Hãy nhìn xem Ta đau khổ biết bao”. Trái lại, trong thinh lặng Ngài dẫn dắt chúng ta trong cuộc chiến đấu với niềm hy vọng, niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng đang đặt niềm tin nơi Ngài.

Để hiệp hành cùng người đau khổ, ta đừng đến với họ như kẻ qua đường, thăm hỏi vài câu cho có lệ; cũng đừng đến với họ như kẻ đi ban ơn bố thí, trao bì thư hay chút quà vật chất mà cho là đủ. Thực ra, người đau khổ rất cô đơn, họ cần sự hiện diện của người bên cạnh: một sự hiện diện thường xuyên, những cử chỉ chăm sóc tế nhị, những cuộc điện thoại, ánh mắt quan tâm, cái nắm tay, cái ôm, cái khoác vai... những cử chỉ nhỏ thôi nhưng cũng đủ sức tiếp thêm nội lực để họ đón nhận đau khổ cách tích cực hơn. Trên hết, hãy cùng cầu nguyện với họ. Cho họ biết rằng mình cầu nguyện nhiều cho họ và luôn nghĩ đến họ. Sau mỗi cuộc thăm viếng mục vụ, hãy ngồi lại kể cho Chúa nghe về những người đau khổ mà ta đã gặp, hãy nài nỉ cầu nguyện cho họ như cho chính bản thân hay người thân chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta nên tạo cơ hội để người đang gánh chịu đau khổ bệnh tật có thể tham gia công tác của cộng đoàn, của giáo xứ trong khả năng của họ. Cụ thể, một linh mục, một tu sĩ bị ung thư, nếu vẫn còn có thể làm việc mục vụ thì xin hãy để cho các ngài làm trong khả năng của các ngài. Hãy tạo cho các ngài có cơ hội nắm giữ một vai trò, chức vụ gì đó để các ngài vẫn thấy mình có ích cho cộng đoàn. Với người đau chiến đấu trong bệnh tật thể xác, xin đừng xem họ là gánh nặng, là tàn phế. Trái lại, ta phải biết ơn họ. Vì một cách nào đó trong tình liên đới nhân loại, họ đang vác Thánh giá thay cho cộng đoàn, thay cho gia đình và thay cho chính chúng ta. Hãy nói với họ cảm nhận này rằng ta biết ơn họ, ta khâm phục họ. Vì nếu ta ở hoàn cảnh của họ, ta không biết chắc mình sẽ như thế nào. Nếu họ có thay đổi chút tính khí bẳn hẳn vì bệnh tật thì hãy cảm thông cho họ. Vì nếu ta ở trong hoàn cảnh của họ, chắc gì ta phản ứng tốt hơn.

Lời kết
Sự Dữ giúp ta nhận ra tính cách chân chính của Sự Thiện, thì Đau Khổ cũng giúp ta nhận ra tính cách cao quí của Hạnh Phúc. Nhờ đó con người giảm bớt được những đam mê ích kỷ, những tham vọng và thoả mãn cá nhân, để nỗ lực xây dựng một con đường tình yêu trong sự cảm thương, chia sẻ và gắn bó với nhau trong thân phận làm người. Sứ vụ hiệp hành với người đau khổ sẽ thu lượm được hoa trái dồi dào là giảm bớt nỗi đau, gia tăng niềm hy vọng tin yêu khi chúng ta biết cúi mình khiêm tốn trước nỗi đau của người được ta hiệp hành, như ngạn ngữ Ba Tư: “Tôi đã khóc vì không có giày đi cho đến khi trông thấy một người bị cụt chân”.

Mùa Chay Thánh 2023 với năm kết thúc của lộ trình “Giáo Hội Hiệp Hành 2021-2023”, như một lời nhắc nhở chúng ta về tính khẩn thiết của sứ vụ này. Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh[4], của cộng đoàn tôi, của bản thân tôi. Trong ý nghĩa hiệp hành này, nỗi đau khổ của anh chị em xung quanh tôi, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, không còn là nỗi đau của riêng họ nữa, mà cũng chính là nỗi đau của tôi. Mùa Chay cũng là thời gian mà mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ, mỗi người đều tìm cho mình những sáng kiến để làm việc lành phước đức cho người đau khổ xung quanh. Ước mong mỗi người chúng ta tìm ra những phương thế mới để sứ vụ hiệp hành sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho các tâm hồn đau khổ.

 

(Bài viết có một số tư tưởng được đúc kết từ khóa hội thảo “Hiệp hành với người đau khổ” và khóa học Thần học luân lý của trường Đại học Công giáo Paris) 

 


[1] XAVIER THEVENOT, Une pensée pour des temps nouveaux, Paris, Edition Don Bosco, 2005, p.177
[2] Sđd, p.178
[3] Sđd.
[4] Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh (tgpsaigon.net), truy cập ngày 21/2/2023.

Tác giả bài viết: Nt. Anna Đỗ Khuyên ( MTG QN)

 Tags: Hội dòng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay10,760
  • Tháng hiện tại529,355
  • Tổng lượt truy cập28,844,724

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây