Gia đình với những thách đố qua chỉ dẫn của tông huấn Amoris Laetitia

Chúa nhật - 04/08/2019 22:14

GIA ĐÌNH TRẺ VỚI NHỮNG THÁCH ĐỐ QUA CHỈ DẪN CỦA TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA


Lời chỉ dẫn đầu tiên trong Tông huấn Amoris Laetitia là “Niềm vui của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh”[1]. Đây là khẳng định đầu tiên để triển khai toàn bộ nội dung của Tông huấn về niềm vui của tình yêu gia đình. Quả thực, qua Bí tích Hôn phối, gia đình được mời gọi sống trọn vẹn niềm vui và tình yêu được trao ban giữa Đức Kitô và Hội Thánh, đồng thời phản chiếu niềm vui tình yêu ấy ra cho bộ mặt thế gian - tức là gia đình được mời gọi truyền đạt cho người khác tình yêu của Đức Kitô. 

Thế nhưng, con người ngày hôm nay đang ở trên đỉnh cao trí tuệ của một nền khoa học kỹ thuật tiến bộ do tay mình làm ra. Đời sống quá sung túc bởi tiện nghi vật chất, nhưng chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhận ra những thảm cảnh đau xót từ những gia đình, nhất là gia đình trẻ Công giáo. Giờ đây, gia đình trở nên nô lệ cho công việc, tiền bạc và danh vọng…nhiều cuộc hôn nhân đã gãy gánh giữa đường ngay từ rất sớm. Điều nguy hại nhất ở đây chính là khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, họ coi đó như là một tự do lựa chọn, một trào lưu, một chiêu trò PR (Public Relations có nghĩa là quan hệ công chúng) để được nổi danh nổi phận như các ca sĩ, ngôi sao điện ảnh. Không loại trừ, các gia đình trẻ Công giáo ngày hôm nay cũng đang đứng trước những thách đố to lớn của trào lưu và quan niệm sai lạc và không ít gia đình đã ủng hộ những “sự kiện gia đình” như thế.

Vấn đề đặt ra: các bạn trẻ đang sống trong ơn gọi hôn nhân gia đình, qua Bí tích Hôn phối được Thiên Chúa mời gọi tiến tới sự viên mãn trong tình yêu, tức là “yêu như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và nộp mình vì Hội Thánh”[2]. Vậy, đứng trước nguy cơ đổ vỡ của hôn nhân gia đình, chúng ta hãy sáng suốt nhận định những thực tế chủ quan và khách quan nào đưa đến và hãy đặt câu hỏi “tại sao”. Đặc biệt những nguyên nhân dẫn đến việc đánh mất ân sủng của Bí tích Hôn phối.

Bài viết này, xin gợi ý những nguyên nhân chính yếu trong vô số những nguyên nhân mà các gia đình trẻ Công giáo đang gặp phải.

 

  1. Mặt trái của trào lưu xã hội hiện đại


Người xưa quan niệm hôn nhân gia đình là một chuyện hết sức hệ trọng, đó không chỉ là chuyện riêng tư của chính đôi bạn nhưng nó còn là việc chung của hai gia đình sui gia và cũng là của toàn xã hội. Trước khi kết hôn với nhau, đã có thời gian dài trước đó, hai gia đình đã qua lại và sống thâm giao với nhau, luôn biết trước và tính trước hôn nhân cho con cháu của họ. Quan niệm khắt khe của xã hội trong việc nam nữ giao tiếp với nhau được phản ánh qua câu: “nam nữ thọ thọ bất thân”. Việc kết hôn với nhau theo sự sắp đặt sẵn “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, chính họ không có nhiều sự lựa chọn bạn trai bạn gái cho riêng mình. Thế mà nhìn chung, chúng ta thấy họ vẫn sống chung thủy với nhau suốt đời, ít có chuyện ly thân ly dị.

Ngày hôm nay, sự phát triển xã hội và các phương tiện truyền thông đã mang lại cho con người một tầm vóc mới, đời sống con người quá đầy đủ mọi tiện nghi về mọi mặt. Con người có đầy đủ ý thức tự do trên những quyết định của mình. Như một qui luật tự nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, xã hội cũng tạo nên nhiều cái xấu ảnh hưởng sâu rộng đến con người thời đại, không loại trừ một số gia đình Công giáo đang là nhân chứng sống của việc coi thường Bí tích Hôn phối. Đứng đầu là ly dị[3], tiếp đó là đa thê, loạn luân, ngoại hôn, ngoại tình…[4].

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã đặt vấn đề ly dị ở hàng đầu của những sự xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân. Nó là chủ đề quá nhức nhối đã có từ lâu đời. Đây chính là một thực tại xã hội mà Giáo Hội không thể nhắm mắt ngủ yên, khi mà tỉ lệ những cặp hôn nhân tan vỡ ngày càng gia tăng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên thực trạng này trong Tông huấn Amoris Laetitia, mà ngài gọi đó là “Một con đường đau khổ và đẫm máu”[5].

Bởi vì :

“Đó là sự hiện diện của đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông thân mật trong đời sống và tình yêu. Không phải là vô cớ mà diễn từ của Đức Kitô về hôn nhân (x.Mt 19,3-9) lại được đưa vào cuộc tranh luận về li dị”[6].

Chúa Giêsu và bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể nhìn thấy hệ quả của việc ly dị là: gia đình tan rã, tình yêu phu thê chấm dứt, thề ước hôn nhân bị phá vỡ và con cái bơ vơ, lạc lõng và thiếu vắng tình thương.

Cũng thế, việc “sống thử” còn là một thực trạng của xã hội, nó đang có nguy cơ lan rộng như một “dịch bệnh”.

Tại nhiều nơi, không chỉ ở Phương Tây, việc sống chung trước hôn nhân đang lan rộng, cũng như có một kiểu sống chung mà không có ý định đảm nhận một dạng thức ràng buộc theo pháp lý. Tại nhiều nước, luật pháp đang ngày càng cho phép nhiều giải pháp lựa chọn có thể thay thế hôn nhân, đến nỗi kiểu hôn nhân có đặc tính đơn nhất, bất khả phân ly và cởi mở đón nhận sự sống, rốt cuộc bị coi một lựa chọn lỗi thời giữa bao đề nghị khác”[7].

Hiện nay việc “sống thử” của giới trẻ đa phần là học đòi, chạy theo mốt mà chưa có định hướng lấy nhau hay không. Rất dễ nhận thấy, chỉ với một cái click chuột mở ra một trang báo mạng, bao giờ cũng có những câu chuyện hấp dẫn về tình yêu, sống thử, hôn nhân, ly dị, tái hôn của các sao, các nhân vật nổi tiếng với những lời tuyên bố thẳng thừng có cánh “hòa hợp thì chung sống, còn không thì chia tay”. Trong khi đó “sống thử” khó được toàn xã hội chấp nhận, đó là lối sống sai lầm, buông thả, phóng túng, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, là một biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong lối sống thực dụng ngày nay.
 
 Giới trẻ xem việc sống thử, ly hôn, tái hôn như là một một xu hướng thời thượng và tự cho phép mình làm điều đó như là một lựa chọn phù hợp đang được khuyến khích, trong khi đó bản chất của Bí tích Hôn phối nhắm đến thiện ích “sinh sản giáo dục con cái và bất khả phân ly”[8] bị xúc phạm cách trầm trọng. Đó là những hố sâu có thể vùi lấp họ, khi dễ dàng buông mái chèo để xuôi dòng theo xã hội, theo những khuynh hướng mang tính đại trào trong xã hội. Vì thế, khi mà xã hội chất chứa quá nhiều những thảm cảnh hôn nhân gia đình tan vỡ, thì chính chúng ta là nạn nhân của sản phẩm do mình tạo ra. 

 

  1. Đề cao chủ nghĩa cá nhâních kỷ


Tình yêu có hai khuynh hướng :
 

  • Khuynh hướng vị kỷ : tức là hướng về bản thân, coi “cái tôi” của mình là quan trọng nhất. Vì thế, cũng coi hạnh phúc hay đau khổ của mình, ý kiến hay ước muốn của mình là quan trọng hơn hết.

Tình yêu vị kỷ là một tình cảm hướng đến người khác nhưng cuối cùng lại quy về chính mình.
 

  • Khuynh hướng vị tha : tức là hướng đến tha nhân, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách vô vị lợi.

Tình yêu vị tha là một sự dấn thân của ý chí tự do hơn là một tình cảm tự nhiên. Nó là sự thúc đẩy của lương tâm khiến ta gắn bó và hy sinh cho một đối tượng nào đó. Chúng ta yêu thương ai đó chính là một sự nhận thức được họ là hình ảnh Thiên Chúa, cũng là “cái tôi nối dài” của ta trong Nhiệm Thể của Thiên Chúa (x.1Cr 12,12-30).

Bản chất của Kitô giáo là yêu thương, cũng như bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,16). Một tình yêu đúng nghĩa luôn hướng về tha nhân, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân cách vô vị lợi. Cũng thế, gia đình Kitô hữu phải là một gia đình sống trong sự yêu thương và hiệp nhất. Trong tông huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng :

 “Không gia đình nào phong nhiêu mà lại quá khác biệt hay tách biệt với các gia đình khác. Để tránh nguy cơ này, ta nên nhớ gia đình của Đức Giêsu Kitô vốn đầy ân sủng và khôn ngoan, không được xem như gia đình “lạ lùng” như một gia đình dân ngoại và sống xa cách dân chúng […]. Điều đó xác định rằng, đây là một gia đình đơn sơ, gần gũi với với tất cả mọi người, sống cuộc đời bình thường giữa dân chúng. Đức Giêsu cũng không lớn lên trong mối tương quan khép kín và đơn độc chỉ với Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng Người vui vẻ trong gia đình lớn, nơi có bà con và bạn hữu”[9].

Hôm nay thế giới của toàn cầu hóa, kỷ nguyên của phương tiện truyền thông đang làm cho con người dù ở xa nhau nửa trái đất, dù không quen biết nhau cũng đang cảm thấy gần nhau và dễ nối kết với nhau. Thế nhưng, mặt trái của bầu trời rộng lớn, xã hội tự do lại tạo nên hàng loạt khoảng trống và thế giới cá nhân, và không ít “người máy” đang tồn tại trong đó. Nhất là trong bối cảnh của một gia đình Kitô giáo, nơi đó ông bà, cha mẹ, anh chị em nếu đòi phải tôn trọng một đời sống cá nhân quá mức và đề cao tính vị kỷ là thái độ vốn khép kín, tách biệt và đối nghịch với tình yêu là vị tha, đối nghịch với nền tảng của hôn nhân gia đình, tức là gia đình đó sẽ không ai quan tâm đến ai, mỗi người là một cỗ máy di động phục vụ cho chính mình. Gia đình sẽ trở thành địa ngục trần gian.

Tiếp đến, tình yêu hôn nhân gia đình phản ánh cách trung thực tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta, một tình yêu hiệp nhất trong yêu thương.

“Hôn nhân là một dấu chỉ quí giá, vì khi một người nam và một người nữ cử hành Bí tích Hôn phối, thì có thể nói, Thiên Chúa được “phản chiếu” nơi họ, và Ngài ghi khắc trong họ những nét phác thảo đặc thù và dấu ấn tình yêu không thể xóa nhòa của Ngài. Hôn nhân là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngay Thiên Chúa, thật vậy, cũng là hiệp thông: Ba Ngôi Vị – Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần – hằng sống từ muôn thuở cho đến muôn đời trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và đây chính là mầu nhiệm hôn nhân: Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng trở thành một cuộc đời duy nhất” [10].
Hôn nhân là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tự bản chất của tình yêu là cho đi, hướng về nhau và về tha nhân, thì hôm nay tình yêu ấy có khuynh hướng quy về bản thân, hơn là cho người khác. Vấn đề được các bạn trẻ đặt ra khi bắt đầu lập gia đình, đó là hạnh phúc của tình yêu hôn nhân gia đình được đánh giá qua hàng loạt suy tưởng: Yêu để làm gì ? Yêu nhau tôi được lợi gì ? Khi yêu, tôi được yêu được chiều chuộng không ? Người yêu tôi có quan tâm tôi không ?… Rất nhiều người đã tự hào trải qua không biết bao nhiêu cuộc tình, nhưng thực ra chính họ lại chưa hề biết yêu đúng nghĩa khi mà suốt đời họ chỉ mong được nhận lãnh, mà  không biết cho đi. Một tình yêu kiểu như thế sẽ dần dần khiến con người ngày càng trở nên ích kỷ và bóp chết tình yêu.

Con cái là kết quả của tình yêu vợ chồng. Khi nói về nhiệm vụ giáo dục con cái, Tông huấn Amoris Laetitia cũng đã chỉ rõ :

“Gia đình là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, bởi đó là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác, để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống. Nhiệm vụ của giáo dục là phải khơi dậy cảm nhận về thế giới và xã hội như “bầu khí gia đình”, dạy biết sống vượt ra ngoài giới hạn ngôi nhà riêng của mình […]. Nơi đó, người ta phá vỡ vòng vây ích kỷ nguy khốn, để nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng với người khác…”[11].

Gia đình là trường học đầu tiên dạy cho con cái các giá trị nhân bản, nơi đây con cái sẽ học biết cách sử dụng tự do, biết hòa nhập xã hội, biết yêu thương con người giữa lòng thế giới như một “bầu khí gia đình” thực sự. Nếu con cái được giáo dục tốt nhất trong môi trường gia đình, thì khi hòa nhập vào đời sống xã hội, chúng sẽ có sự phân định sáng suốt nhất, sẽ mau chóng hình thành và phát triển nhân cách với những phẩm tính tốt. Chúng sẽ biết sống yêu thương và đầy lòng kính trọng, biết tha thứ để được thứ tha, biết hy sinh để phục vụ quên mình…Thế nhưng, với trào lưu “sinh con một con hai”, “con cầu con khẩn” hiện nay là một thực trạng đáng buồn, bởi vì chính con cái sẽ là mối lo lắng bận tâm cũng là mối nguy khi chúng bước chân vào đời giữa một xã hội “vàng thau lẫn lộn”, khó nhận biết điều nào tốt điều nào xấu hay điều nào thật điều nào giả…Đó là điều khiến các bậc cha mẹ e ngại và giam hãm con cái trong vòng vây “ngột ngạt, khó thở” của bầu khí hạn hẹp gia đình. Tất nhiên một phần lớn chúng sẽ trở nên thụ động và ích kỷ.

Con cái của chúng ta hôm nay, đáng lẽ ra chúng phải phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ... nhưng hôm nay chúng trở thành ông chúa, bà hoàng trong gia đình và luôn bắt cha mẹ, người khác phải phục vụ, cung ứng cho chúng đủ điều. Sự nghịch lý này là hậu quả của sai lầm trong giáo dục, trong lối ứng xử, trong lời nói của ông bà cha mẹ đã là gương mù, gương xấutạo nên cho chúng một tình yêu vị kỷ và độc đoán. Đó là những thảm cảnh của gia đình, khi mà tình yêu trao ban hướng về người khác không thể nảy nở và sinh hoa trái.

 

  1. Lối sống tự do phóng túng theo thời đại.


Thuật ngữ “Bohemian” dùng để mô tả phong cách ăn mặc trong lĩnh vực thời trang. Phong cách Bohemian trong Tiếng Việt gọi là “phong cách du mục” – tức là cách ăn mặc buông thả khỏi những nguyên tắc và bố cục thông thường. Từ Bohemian bắt nguồn ở Châu Âu từ thế kỷ 15, tiếng Pháp gọi là Bohémien để chỉ những người Digan đến từ Bohemia. Về sau, từ này ám chỉ những người có lối sống không nề nếp, phóng đãng.

Nhiều lý do đưa tới lối sống này. Có thể vì họ không thích khuôn khổ xã hội gò bó, họ ước muốn tìm ra con đường riêng biệt cho bản thân. Trong đó, tự do sáng tạo, phản kháng lại lối sống, văn hóa của cha mẹ hay thế hệ đi trước để lại, tất cả là sự hiến thân cho nghệ thuật. Từ đó, chủ nghĩa Bohemian ra đời[12], đề cao lối sống tự do phóng túng, không theo khuôn phép của xã hội. Đại diện cho chủ nghĩa này chính là giới trẻ thuộc tầng lớp nghệ sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ và cả sinh viên. Chúng ta tạm gọi chủ nghĩa Bohemian là chủ nghĩa tự do phóng túng.

Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay chủ nghĩa tự do phóng túng đang trở nên vấn đề nhức nhối của toàn xã hội và cách riêng các bạn trẻ, gia đình trẻ trong Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes đã khẳng định: “Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt về tự do như ngày nay” [13]. Thế nhưng, tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, tự do phải được thực hiện theo sự hướng dẫn của lương tâm, đức ái và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Bởi vì “Thần khí của Chúa ở đâu thì ở đó có tự do”[14]. Con người trong thế giới ngày nay đang đòi hỏi cho mình quyền tự do hành động, một kiểu tự do vô trách nhiệm, tự do ích kỷ, tự do vô luân, tự do phóng túng…. Đó là thứ tự do tầm thường và vô kỷ luật. Hậu quả của chúng là đưa tới vô vàn tội lỗi, là nguyên nhân đưa đến những đau khổ cho con người. Điều này Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói :

“Sự tự do chọn lựa giúp ta tự hoạch định đời sống của mình và phát triển bản thân mình tốt nhất, nhưng nếu không có những mục tiêu cao thượng và kỷ luật cá nhân, tự do đó sẽ khiến con người ngày càng mất dần khả năng quảng đại tự hiến chính mình cho tha nhân[15].

Con người ngày hôm nay đang ở trước ngưỡng cửa một “siêu thị tự do”. Nhiều bạn trẻ trong thời đại 4.0 này bắt đầu bước vào đời sống hôn nhân gia đình, lựa chọn cho mình người bạn đời lắm lúc như một món hàng có trong siêu thị, có quyền mua bán, trao đổi, có quyền sang nhượng và vứt bỏ khi không còn hữu dụng, hoặc như những món hàng của dịch vụ cung ứng, thì quả thật đã xúc phạm cách trầm trọng đến phẩm giá của hôn nhân. Các quy chuẩn và mực thước về đạo đức hôn nhân theo truyền thống xưa, hôm nay bị bóp méo và phá vỡ để đổi lấy một thứ tự do dễ dãi, phóng khoáng bởi một số người trẻ, dù đã bước qua tuổi trung niên hay đã trải qua một cuộc hôn nhân 30 năm, 40 năm… Hôn nhân gia đình mang tính thực dụng. Họ sẽ sẵn sàng từ giã hôn nhân của mình, “giải phóngchính mình ra khỏi những ràng buộc, mà đối với họ, không cần phải chịu đựng lâu hơn nữa. Hôn nhân như một con tàu nhanh chóng đến cũng vội vã ra đi, gia đình xét cho cùng cũng chỉ là trạm quá cảnh, nơi người ta chỉ chạy đến nương nhờ khi cần, rồi đi mà chẳng có gì lưu lại.

Và đây chính là sứ mạng cấp bách nhất: các Kitô hữu và nhất là các Linh mục, Tu sĩ phải làm chứng cho sự tự do đích thực, tức là thông truyền cho các bạn trẻ, gia đình trẻ hiểu được tự do chính là món quà của Thiên Chúa ban, một khả năng tự quyết, hướng đời mình về chính Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và hiến thân cho tha nhân trong sự quảng đại.

 

  1. Coi thường Bí tích Hôn phối


Năm 2017, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lấy chủ đề cho năm mục vụ là “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao Giáo Hội lại quan tâm đến việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân ? Bởi vì :

            Họ là những hài nhi được sinh ra, rồi lớn lên thành những thiếu nhi, những thanh niên trong các gia đình Việt giữa một xã hội với bao nhiêu thay đổi chóng mặt về luân thường đạo lý, về khái niệm sống, ý nghĩa sống, mục đích sống…
Họ là những người mà tuổi thiếu nhi được biết quá sớm về chuyện giới tính, cả những chuyện của người lớn…tất cả đều được loan truyền cách tự nhiên trên các phương tiện truyền thông, tin tức, thời sự, quảng cáo cách vô tội vạ.
Họ là những người khi chưa bước vào đời sống hôn nhân gia đình, đã sống thử cuộc sống xác thịt của đời vợ chồng, có khi lén lút, có khi công khai. Việc sống thử tự nguyện ấy như một thói quen của một “con” hơn là một “người”.
Họ là những người sẽ bước vào đời sống hôn nhân gia đình như bước vào một thế giới cũ rích, không còn gì hấp dẫn, không còn gì là thiêng liêng cao quí để chuẩn bị cách chu đáo. Khái niệm gia đình đã mất đi trong suy tư, trong tâm trí của họ.

Qua cái nhìn trên, chúng ta nhận thấy rằng những người trẻ đang đứng trước một “thực tại xã hội phức tạp và những thách đố mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện, đòi hỏi toàn thể cộng đoàn Kitô hữu dấn thân hơn nữa trong việc chuẩn bị cho các đôi bạn sắp kết hôn…”[16].

Người trẻ đang đứng trước thực tại xã hội với những thách đố to lớn: đánh mất niềm tin về Thiên Chúa, sa sút về ý thức đạo đức và luân lý bị đảo lộn… Từ đó dẫn đến những hệ lụy là người trẻ sống chung với sự dữ, với tội lỗi và chối bỏ đức tin của Giáo Hội. Ý thức được điều này, các bạn trẻ Công giáo cần được củng cố nền tảng đức tin vững chắc trước ngưỡng cửa hôn nhân. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Chung 2016 đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc học Giáo lý Hôn nhân như là điều kiện tất yếu:
 “Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các Giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo”[17].

Như thế, khi bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân, tất cả các bạn trẻ đều được mời gọi và tạo điều kiện để học Giáo lý Hôn nhân để biết đến đặc tính, mục đích hôn nhân Công giáo, cũng như giá trị ân sủng nơi Bí tích Hôn nhân mà họ được Thiên Chúa ban tặng. Xét vì nhu cầu lợi ích của việc học Giáo lý Hôn nhân nhằm hướng đến lợi ích của đôi bạn và việc sinh sản giáo dục con cái, thì việc làm này là bắt buộc và không thể miễn trừ cho một ai hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, đã có nhiều bạn trẻ khi đến với lớp Giáo lý Hôn nhân mang tâm lý nặng nề, học cho có, cốt cho xong để hoàn tất các thủ tục pháp lý trong hôn nhân, miễn làm sao có thể lấy được người mình yêu thương, đó là đích đến. Sự coi thường này đã thực sự là mối nguy hại cho chính cuộc hôn nhân của họ. Bởi thế, một người tân tòng hay một người Công giáo lâu năm, nếu không được học biết Giáo lý và các mầu nhiệm đức tin cách sâu sắc thì đến lúc nhận ra rằng hôn nhân không được như “mơ”, họ sẽ dễ dànggỡ bỏ” hôn nhân, đường ai nấy đi, bất chấp tính “đơn nhất và bất khả phân ly” của Bí tích Hôn nhân đã được Đức Kitô thiết lập. Một sự phớt lờ, coi nhẹ và coi thường Bí tích Hôn Nhân do đánh mất tương quan sống động giữa tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh mà đôi bạn đang là hiện thân, là nguyên nhân của mọi cuộc đỡ vỡ và bất hạnh trong đời sống hôn nhân gia đình Kitô giáo.

 

  1. Gia đình bỏ việc cầu nguyện


Gia đình Công giáo là “Giáo Hội thu nhỏ”[18] cũng là “Giáo Hội tại gia”[19]. Dựa vào những định nghĩa trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy gia đình có một vị trí quan trọng trong Giáo Hội là phản chiếu cách trung thực tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, đặc biệt là xây dựng đức tin tinh tuyền cho con cái. Tuy nhiên, trái ngược với những ước mong lớn lao đó, gia đình đang phải đối diện với thực trạng sa sút đức tin cách trầm trọng do thiếu vắng đời sống cầu nguyện chung. Việc cầu nguyện trở nên quan trọng thế nào đối với đời sống gia đình, chúng ta hãy lắng nghe lời chỉ dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô :

            “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin Phục sinh. Gia đình có thể dành vài phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài những nhu cầu của gia đình, cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp cho ta biết sống yêu thương...”[20].

Cầu nguyện chính là buồng phổi của Giáo Hội, là hơi thở tích trữ nguồn năng lượng ân sủng của gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình ông bà, cha mẹ, con cái …đều cần cầu nguyện để xin ơn Chúa nâng đỡ đời sống gia đình và làm cho gia đình hạnh phúc. Vì nếu như gia đình không tránh khỏi những bất hoà và xung đột thì cầu nguyện sẽ là sự hoà giải, trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm. Nếu trong gia đình người này có lỗi với người kia thì cầu nguyện sẽ là sự tha thứ. Nếu gia đình có những lo âu buồn phiền giữa bao thử thách gian nan thì cầu nguyện sẽ đem lại niềm vui và bình an. Nếu gia đình, xét như là một tế bào của xã hội, sống giữa một thế giới khủng hoảng đức tin, chối bỏ Thiên Chúa thì cầu nguyện sẽ là thành luỹ bảo vệ đem lại an vui, tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa.

Thế nhưng, nhìn lại một ngày sống của gia đình. Chúng ta dành phần lớn thời gian cho công việc làm ăn, vui chơi giải trí và những nhu cầu phụ tùy khác…chúng ta không dành ra một chút thời gian nhỏ nhoi để mỗi người cầu nguyện riêng hoặc cầu nguyện chung với nhau trong các giờ kinh của gia đình. Dẫu biết rằng cầu nguyện đem lại nhiều lợi ích nhưng quả thật điều đó đang trở nên xa xỉ đối với đời sống gia đình. Giờ đây, các giờ đọc kinh chung chỉ còn lác đác ở một vài gia đình mà đa phần là các cụ ông cụ bà. Thảm cảnh đó càng u sầu hơn khi nghĩ đến các gia đình tại các thành phố. Phần đông họ đều là những công nhân viên chức trong các công ty, xí nghiệp… ai cũng bon chen với cuộc sống, chạy đua với thời gian và cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc đời này. Đi làm về thân xác rã rời, chỉ muốn tìm một giấc ngủ thật ngon. Sáng mai thức dậy, một ngày đầy khốn khổ lại kéo đến, chẳng ai nghĩ đến Chúa trong việc đọc kinh nữa.

Nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình không được cha mẹ hướng dẫn đọc kinh cầu nguyện, chúng không có khái niệm đọc kinh chung gia đình trong đầu. Bởi thế, khi nói đến đọc kinh chung trong gia đình, chúng ngơ ngác như bước vào một thế giới xa lạ, quê mùa, lạc hậu. Xã hội công nghiệp hóa đã xé lẻ các thành viên trong gia đình thành mỗi người mỗi việc, mỗi giờ khác nhau, có khi cả ngày chẳng ai nhìn thấy mặt nhau. Gia đình như thế có khác nào nhà trọ. Như thế, cầu nguyện chung trong gia đình nếu không nỗ lực duy trì, thì còn có cơ hội tồn tại trong một thời gian nữa không ?.

Tóm lại, qua Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, chúng ta nhận thấy đó là những chỉ dẫn mang tính cấp bách và đầy thiết thực cho các gia đình trẻ Kitô giáo, đặc biệt với những gia đình trẻ đang gặp khó khăn trong đời sống đức tin. Gia đình Kitô giáo hôm nay đang ở trong một vị thế khó khăn hơn bao giờ hết. Giữa những gian nan thử thách, giữa sóng gió của cơn lốc công nghệ, truyền thông xã hội. Giữa vòng xoáy của bạc tiền danh vọng, giữa những cám dỗ đầy mê muội của sắc dục ái tình. Tất cả là vòng xoáy của một tâm bão trào lưu, của một xu thế và của một định chế đương đại khiến gia đình Kitô giáo phải nằm ngay tâm bão, không những khó bề thoát khỏi mà còn có nguy cơ đổ vỡ và đánh mất đức tin.

Như thế, để gia đình đứng vững trước những khó khăn và thách đố trên thì cần phải có niềm vui của tình yêu và tình yêu của Tin Mừng, tức là xây dựng gia đình thành “một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng”[21]. Cầu nguyện để nhờ ơn Chúa làm thành lũy bảo vệ mọi cuộc tấn công của ma quỷ, xin Chúa giữ gìn gia đình chúng ta. Tình yêu trong sự hiệp nhất luôn là sức mạnh tổng hợp từ các thành viên trong gia đình tạo thành một khối thủy chung có sức chống lại mọi cuộc chia rẽ và bất đồng. Phục vụ sự sống trong sự triển nở của tình yêu dâng hiến cho nhau, qua đó đủ sức để cống hiến sự sống cho tình yêu nhân loại. Cuối cùng loan báo Tin Mừng giữa lòng thế giới là hành động cấp bách, bởi vì gia đình có Chúa, người người có Chúa sẽ tránh được mọi sự dữ, sự ác đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Gia đình Kitô giáo hôm nay được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu, khuôn mẫu của tình yêu, Ngài đã đến và ở giữa trần gian, để sống và trao hiến tình yêu cho tất cả, ngay cả với những kẻ quay lưng, chống đối và đẩy Ngài đến cái chết đầy đau thương thì Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng.


 

 


[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, Nxb Tôn giáo, 2016, số 01.

[2] x.Ep 5,25.

[3] x.Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2382-2386.

[4] Sđd., số 2387-2391.

[5] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, Nxb Tôn giáo, 2016, số 19-22.

[6] Sđd., số 19.

[7] Sđd., số 53.

[8] x.Giáo Luật, đ.1055 và 1056.

[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 182.

[10] Sđd., số 121.
 

[11] Sđd., số 276.

[12] Xem định nghĩa Chủ Nghĩa Bohemian trong wikipedia:  https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_Bohemian.

[13] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 4, Nxb Tôn giáo, 2012, tr. 219.­­­

[14] x. 2Cr 3,17.

[15] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 33.
 

[16] Sđd., số 206.

[17] x.Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung 2016, số 5.

[18] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 49.

[19] Sđd., số 61.

[20] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 318.
 

[21] x.Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung 2013, số 06.
 

Tác giả bài viết: Lm. Fx Nguyễn Văn Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay16,530
  • Tháng hiện tại426,419
  • Tổng lượt truy cập28,741,788

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây