Lòng Thương Xót Chúa, còn đó những vết thương chưa lành

Thứ sáu - 09/04/2021 05:57
Tin Mừng Chúa Nhật Lòng Chúa Thuơng Xót khơi lên trong tâm trí chúng ta một tâm tình sống thật hữu ích: Những vết thương ở cạnh sườn, tay và chân, ấy là những vết thương của lòng thương xót. Nếu không phải vì tội lỗi con người thì những vết thương ấy sẽ không hiển hiện và Chúa sẽ không chịu nạn chịu chết để làm giá chuộc cho muôn người”(Mt 20,28).

Tin Mừng hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy tin vào Người, tin vào Lời Chúa, chứ đừng muốn thực nghiệm theo kiểu Tôma. Vì điều này mà Tôma đã mang trong mình một vết trọng thương, vết trọng thương ấy chính là sự cứng lòng. Tôma một kiểu người đại diện cho rất nhiều con người trong thế giới hôm nay đang mang trong mình vết thương lòng của sự nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
  1. Vết thương của Chúa, tình yêu vô cùng tận
  • Vết thương bốn dấu đinh: nhắc nhở chân tay chúng ta chính là “trợ thủ” đắc lực cho các hoạt động xấu xa và tội lỗi.
  • Vết thương ở cạnh sườn: Thánh Tâm Chúa đã bị đâm thủng, từ đấy Máu và Nước chảy ra đến giọt cuối cùng. Điều ấy nhắc nhở chúng ta phải biết dùng trái tim để yêu thương, yêu đến cùng đến vô hạn cho dù có bị phản bội.
  • Vết thương trên đỉnh đầu: đó chính là “vương miện” của tình yêu. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng não bộ là trung tâm điều khiển toàn thân, rất nguy hiểm khi đầu óc có suy nghĩ lệch lạc, thiếu kiểm soát bản thân.
Bất cứ tín hữu nào khi nhìn lên Thập giá Chúa, đều nhận thấy vết thương thể lý nơi thân thể Chúa. Với tâm tình đạo đức, chúng ta dễ liên đới những vết thương ấy chính là dấu chỉ của tình yêu thẳm sâu mà Thiên Chúa đã gánh chịu vì tội lỗi của con người.
Tội lỗi luôn có tính liên đới. Tội của người khác có liên đới với mình, và tội của mình có liên đới với người khác. Chúng ta đừng nghĩ tội ai nấy chịu, phúc ai nấy hưởng. Nếu vậy thì chỉ là ích kỷ. Tình yêu không chấp nhận lòng ích kỷ. Do đó, cầu nguyện cho người yếu đuối tội lỗi là bổn phận của chúng ta. Thánh Faustina cho biết vào lúc 3 giờ chiều, Chị thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh nhìn Chị, rồi Ngài nói: “Ta khát”. Chị nói rằng đó là lời kêu “khát” các linh hồn. Chúa Giêsu khao khát đem các linh hồn tội lỗi về với Chúa Cha [1].
  1. Vết thương của Tôma – tội lỗi của con người trong thế giới hôm nay
Trong các tông đồ, có lẽ Tôma là người bị tổn thương tâm hồn cách trầm trọng nhất. Ông đã yêu mến Chúa rất nhiều, nên khi Chúa chết, ông quá thất vọng đến nỗi không thể chấp nhận thực tế hiển nhiên là Chúa đã chết. Vì thế, ông đã muốn tự mình đi tìm kiếm một câu trả lời thỏa đáng. Nỗi đau về cái chết của Chúa khiến ông đi đến cực đoan khi nghe các tông đồ khác nói Chúa đã sống lại. Ông tuyên bố: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”(Ga 20,25).
Vết thương của kẻ hoài nghi nơi con người Tôma là vết thương hằn sâu trong tâm hồn, vết thương của sự chai đá. Tôma không thể chấp nhận chữa trị vết thương ấy bằng những lời loan báo của anh em mình.

Tin Mừng kể rằng tám ngày sau, Đức Giêsu hiện đến khi Tôma đang có mặt. Đứng trước Chúa Phục Sinh, ông quên hết mọi chuyện, không một chút nghi ngờ, không dám đòi thọc ngón tay vào các lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn của Chúa nữa. Tôma như thấy mình được mạnh mẽ, đức tin của ông bật sáng lên và ông tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20, 28).
Khi khao khát được toại nguyện thì cũng là lúc vết thương trong ông được chữa lành. Kể từ đấy, ông không chỉ tin mà còn sống biến cố Phục sinh một cách trọn vẹn.
  1. Phải chăng, vết thương nơi Tôma, đó là của chúng ta ?
Bài chia sẻ của Đưc Thánh Cha Phanxicô ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại Vatican, sáng Chúa Nhật ngày 28 tháng 04 năm 2019, ngài nói “Chạm vào các vết thương của Chúa Giêsu, là rất nhiều vấn đề, khó khăn, bách hại, bệnh tật của rất nhiều người đau khổ”.[2] Do đó, trong mối liên đới với cuộc khổ nạn cùa Chúa, chúng ta sẽ thấy những vết thương tâm hồn nơi con người chúng ta:
  • Vết thương của bệnh xét đoán bất công, thiếu khoan dung
Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (Mt 7,1).

Chúng ta kết tội một tên ăn cắp là một điều dễ dàng, ai làm cũng được. Nhưng để hiểu rõ từ hoàn cảnh và nguyên nhân nào, đã khiến một người bình thường biến thành một kẻ ăn trộm, thì không phải ai cũng làm và dễ dàng cảm thông được. Cũng vậy, để xét đoán một người cho đúng cần phải dựa vào nhiều điều kiện: động lực, hoàn cảnh, những vấn đề của nội tâm, vết thương, đau khổ, quá khứ, nền giáo dục, gia cảnh, mức độ hiểu biết và nhất là tự do. Phải có một trái tim nhân hậu đích thực mới có được một xét đoán cách công bình với tha nhân.
  • Vết thương của bệnh thờ ơ vô cảm
Bệnh vô cảm xảy ra chính nơi gia đình chúng ta đang sống, trong công sở, học đường. Căn bệnh vô cảm trong thời đại hôm nay đang lây lan nhanh chóng đến từng ngõ ngách của cuộc sống con người, nó đã trở thành một thứ bệnh dịch đáng nguy ngại. Chúng ta dễ bắt gặp những hình ảnh đầy thương tâm và thiếu đạo đức trên các trang mạng xã hội do chứng bệnh vô cảm gây nên: Các vụ đánh hội đồng giữa các học sinh nữ, các bà đánh ghen, những vụ tai nạn thương tâm…phần đa số bên thứ ba đều dửng dưng, thờ ơ, thậm chí còn cổ súy cho cái xấu được tiếp diễn và leo thang.

Bệnh vô cảm luôn đi ngược lại với đức ái Kitô giáo, trái ngược với lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: "Các con hãy có lòng thương xót như Cha các con là Đấng thương xót"(Lc 6,36). Con người sống mà không có tình thương và lòng thương xót thì chẳng khác gì con vật, chẳng khác gì cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần chết mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Vì thế, một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại bệnh vô cảm, phải sống có tình thương, có một trái tim nóng để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết rung cảm với mọi người. 
  • Vết thương của bệnh ích kỷ và phả n bội nhau
Trong bối cảnh gia đình Kitô giáo trong thời đại hôm nay đang gặp nhiều khủng hoảng, nhất là cơn khủng hoảng đức tin, có những sự thay đổi còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần phản bội. Đó là khi bạn nhận ra cùng chung sống trong một ngôi nhà, cùng được gọi với nhau là vợ là chồng, nhưng hai người lại thuộc về hai thế giới khác nhau, trở thành những người xa lạ chưa từng quen biết.
Cần phải kể đến nguyên nhân của  nó là lối sống ích kỷ:  Cuộc đời con người chỉ lo tìm kiếm những thứ giúp thỏa mãn bản thân mà chẳng quan tâm tới nhu cầu của người khác, nhất là vợ hoặc chồng, hoặc con cái. Cha mẹ tối sáng chỉ biết lo kiếm tiền. Tiền trở thành cha mẹ, con cái lúc nào họ không hay biết. Con cái thiếu vắng tình thương của cha mẹ, suốt ngày chỉ lo dán mặt vào trong màn hình máy tính, tivi, ipad… Những thứ công nghệ kia trở thành cha mẹ của chúng. Cả gia đình không còn những thời giờ ngồi bên nhau, mỗi người một góc. Ngôi nhà trở thành cái công viên: Ai đến, chẳng biết; ai đi, không quan tâm.

Từ đó dẫn tới cuộc sống sinh ra nhàm chán, thiếu chia sẻ và cảm thông. Hậu quả dẫn tới li thân, li dị, tức là phản bội lại giao ước hôn nhân đã ký kết với Thiên Chúa.
  1. Lòng Thương Xót Chúa, liều thuốc chữa trị vết thương
Linh hồn chúng ta đã bị nhiều vết thương được kể trên là do bởi tội lỗi gây ra, những vết thương này vẫn khiến cho tâm hồn chúng ta rỉ máu, đã để lại nơi chúng ta những di chứng là những thói hư tật xấu như: dễ nóng nảy, giận hờn, dễ tự ái, tự kiêu, những khuynh hướng xấu và những lôi kéo của dục vọng, khiến ta luôn hướng chiều về điều xấu.

Chúng ta không cần phải đi đâu xa, nhưng hãy đến với Lòng Thương Xót Chúa mỗi ngày. Qua bí tích Giải tội, Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót, tha thứ và chữa lành mọi tội lỗi tật nguyền trong tâm hồn. Qua bí tích Thánh Thể, chúng ta được đụng chạm đến Lòng Thương Xót, được đón rước Chúa vào tâm hồn, đem Chúa về gia đình.

           Hãy tập sống lòng thương xót Chúa mỗi ngày:
         
Sống khiêm nhường: Như người thu thuế cúi mặt xuống đất, khiêm hạ đấm ngực thưa với Chúa: 
“Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội”, và anh ra về với ân sủng của lòng thương xót của Chúa (x.Lc 18,9-14). Khi chúng ta biết cúi mình xuống trong lỗi lầm của mình thì chính lúc đó Thiên Chúa sẽ nắm tay chúng ta đứng dậy trong ân sủng.

         
Tập tha thứ : "Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy" (Lc 6, 31). Chúng ta cầu xin ơn tha thứ tội lỗi từ Thiên Chúa thì cũng hãy tập sống tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót của anh em. 

         
Chia cơm sẻ áo : Dụ ngôn những nén bạc (Mt 25,14-30) cho thấy Thiên Chúa trao ban cho con người những nén bạc cuộc đời tùy theo sức của họ. Người được năm nén, người được hai nén và người được một nén. Tất cả chỉ để phục vụ cho Nước Trời. Như thế giả như chúng ta là kẻ giàu sang phú quý, hay nghèo khổ cơ bần; kẻ hạnh phúc hay người bất hạnh thì tất cả cũng chỉ là hồng ân Chúa. Chia sẻ cho nhau trong tình liên đới để cùng nhau kiến tạo công trình tạo dựng của Chúa mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn.


Thế giới hôm nay đang trở nên giàu có về tiền của nhưng lại nghèo đi lòng thương xót. Vẫn còn đó những vết thương chưa lành của những chứng bệnh kết án bất công, thờ ơ vô cảm và lối sống ích kỷ; vẫn còn đó những con người mang trong thân mình biết bao nhiêu vết thương lòng, bao nhiêu khiếm khuyết bất toàn, bao nhiêu những yếu đuối tội lỗi, hãy chỉ cho Đức Kitô, để Ngài - vị thầy thuốc băng bó, chữa lành.

Chúa đang mời gọi chúng ta như Chúa mời gọi Tôma: Hãy đưa tay con ra và chạm vào tình yêu của Thầy, hãy đưa bàn tay con chạm vào trái tim Thầy. Xin cho chúng ta nhờ tiếp xúc và chạm đến Chúa Phục Sinh mỗi ngày, để được Chúa củng cố lòng mến và gia tăng đức tin.
 

[1] Nhật ký Lòng Thương Xót, số 648.
[2] Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại Vatican, sáng Chúa nhật 28/04/2019, G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ.

Tác giả bài viết: Fx. Nguyễn Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay10,599
  • Tháng hiện tại507,855
  • Tổng lượt truy cập28,823,224

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây