Một cuộc điều nghiên thần học về chủ nghĩa tư bản giám sát

Thứ năm - 09/12/2021 19:46
 
 

Vào năm 2010, Cục An ninh Vận tải Hoa Kỳ (TSA) đã bắt đầu triển khai thiết bị gọi là các máy quét cơ thể bằng tia X tán xạ ngược tại các sân bay trên toàn quốc. Những chiếc máy này có khả năng tạo ra hình ảnh “khỏa thân” và chi tiết về cơ thể của một người, chúng xuyên qua lớp y phục nhưng phát giác được bất kỳ đồ vật nào mà người đó cất trong túi hoặc giấu trong quần áo mình. Những thiết bị này được triển khai phần nào là để đối phó lại vụ “đánh bom đồ lót” vào kỳ Giáng sinh trước, trong vụ này, một người Nigeria là Umar Farouk Abdulmutallab đã kích nổ thành công số chất nổ mà y đã giấu trong quần lót của mình trên một chuyến bay từ Amsterdam đến Detroit.

Những người ủng hộ quyền riêng tư lập luận rằng các máy quét cơ thể xâm phạm đến quyền riêng tư, nó tương đương với việc lục soát vùng kín. Các hình ảnh không chỉ tiết lộ về hình dáng cơ thể, nhưng còn có khả năng cho thấy những đặc điểm gây xấu hổ như chân tay giả, việc phẫu thuật tuyến vú hoặc túi ruột già nhân tạo. Những người ủng hộ cũng lo ngại các máy móc này có thể lưu trữ những hình ảnh khỏa thân mà chúng quét được, nghĩa là những hình ảnh này có thể bị phát tán mà những người bị quét không biết hoặc không đồng ý. Cuối năm 2010, trang Gizmodo đã công bố những hình ảnh rò rỉ được lưu trữ bởi một máy quét cơ thể chi tiết mờ được Cảnh sát Liên bang Hoa Kỳ sử dụng tại một tòa án liên bang ở thành phố Orlando, bang Florida, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy TSA lưu trữ bất kỳ hình ảnh nào bằng tia X tán xạ ngược được thu thập tại các sân bay. Trước sự phẫn nộ của công chúng, đến năm 2012, TSA bắt đầu thay thế các máy quét này bằng các máy quyét với sóng milimét chi tiết mờ hoặc sử dụng phần mềm để chuyển các hình ảnh khỏa thân thành các nhân vật hoạt họa hình que cùng các chỉ báo cho biết những vật dụng đáng nghi. Cùng năm, Liên minh châu Âu cấm sử dụng loại máy móc kể trên.

Việc những máy quét cơ thể này bị loại bỏ chóng vánh chứng tỏ có một sự phản đối phổ biến chống lại sự giám sát mang tính xâm phạm. Tuy nhiên, ngay cả khi loại công nghệ kể trên được giới thiệu rồi nhanh chóng bị đình chỉ, thì một hình thức giám sát quy mô hơn nhưng ít lộ liễu và ít gặp phản đối hơn đã bắt đầu thâm nhập vào đời sống hằng ngày. Vào năm 2002, các nhà điều hành tại Google đã phát hiện ra rằng việc “khai thác kỹ thuật số” được thực hiện khi chúng ta tìm kiếm trên mạng và nhấp chuột vào các đường dẫn liên kết; các dữ liệu, ban đầu được sử dụng để cải thiện công cụ tìm kiếm của Google, có thể cũng được dùng để tạo ra các quảng cáo nhắm mục tiêu đến những người dùng cụ thể, một phương pháp mới đem lại lợi nhuận cực lớn. Các công ty khác như Facebook và Microsoft cũng như các công ty viễn thông lớn cũng tham gia vào trò chơi giám sát dữ liệu, việc này khởi động cuộc đua để giành lấy dữ liệu cá nhân nhiều nhất có thể và làm nổi lên điều mà Shoshanna Zuboff, một nhà tâm lý học xã hội gọi là “chủ nghĩa tư bản giám sát”.[1]

Giám sát kỹ thuật số không chỉ giới hạn nơi màn hình máy tính và điện thoại thông minh của chúng ta. Những sản phẩm “thông minh”, chẳng hạn các trợ lý cá nhân như Alexa của Amazon, robot hút bụi như Roomba, và xe hơi thông minh, đang thu thập một lượng đáng kinh ngạc dữ liệu về đời sống thường nhật của chúng ta, sau đó chúng được đóng gói và bán đi dưới dạng hồ sơ dữ liệu được dùng cho mục đích quảng cáo hoặc tạo lợi nhuận theo những cách thức khác. Chẳng hạn, Zuboff mô tả cách mà Pokémon Go, một trò thực tế tăng cường [AR – hay còn gọi là tương tác ảo], khi được chơi trên điện thoại người dùng, có thể được sử dụng để hướng người chơi đến các hoạt động giao dịch mà họ phải trả phí dịch vụ. Tương tự, các công ty bảo hiểm có thể sử dụng các thiết bị giám sát tín hiệu, các cảm biến tích hợp trên xe hơi và xe tải, để theo dõi hoạt động lái xe của khách hàng và điều chỉnh tỷ lệ bảo hiểm nhờ các thuật toán phức tạp.[2]

Khi dữ liệu được chia sẻ với quá ít sự giám sát, những kẻ săn tiền thưởng, kẻ thu nợ và thậm chí là những kẻ theo dõi có thể mua dữ liệu vị trí GPS và những thông tin cá nhân khác. Khi dữ liệu của chúng ta bị phát tán giữa vô số các công ty, nhà cung cấp và đại lý, chúng ta cũng có nguy cơ cao bị lộ dữ liệu do vi phạm bảo mật. Nhưng những mối đe dọa này đối với quyền riêng tư của chúng ta chỉ là các triệu chứng của căn bệnh tiềm ẩn, ở đó các thông tin cá nhân riêng tư của cuộc sống chúng ta bị xem như hàng hóa, chín muồi để khai thác và kiểm soát.

Mặc dù công chúng ở Mỹ đã nhanh chóng thể hiện sự phẫn nộ để phản đối các máy quét cơ thể bằng tia X tán xạ ngược, nhưng phần lớn chúng ta lại dễ dàng đồng ý với hình thức giám sát ít lộ liễu nhưng đầy dẫy mối đe dọa tiềm tàng khiến chúng ta trần trụi trước những ánh mắt ẩn danh. Lưu tâm đến nỗi sợ hãi về sự theo dõi của chính quyền (những nỗi sợ hãi đã được xác nhận bởi tiết lộ của Edward Snowden về việc Cơ quan An ninh Quốc gia giám sát thông tin liên lạc của người dân Mỹ vào năm 2013), chúng ta lại phớt lờ những cảnh báo của các nhà tư tưởng như Deborah Johnson, người đã dự báo trước ngay từ năm 1994 rằng mối đe dọa lớn nhất về sự giám sát trong tương lai đến từ các tổ chức tư nhân hơn là chế độ toàn trị.[3] Zuboff cũng lưu ý, các nhà tư bản giám sát đã thành công trong việc thuyết phục công chúng rằng sự giám sát kỹ thuật số và biến chúng thành hàng hóa là cái giá không thể tránh khỏi mà chúng ta phải trả để các loại kỹ nghệ mang lại sự phong phú cho cuộc sống nhiều hơn so với các hoạt động kinh tế mà chúng ta có thể gặp khó khăn hoặc hạn chế.[4] Các cáo buộc được đưa ra bởi một trang tin tức Công giáo có tên The Pillar về việc một cựu tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã sử dụng Grindr, một ứng dụng hẹn hò cho người đồng tính nam, dựa trên dữ liệu vị trí GPS được bán cho một nguồn ẩn danh, đã khiến cho người Công giáo tập trung vào các vấn đề giám sát kỹ thuật số và quyền riêng tư, nhưng các vấn đề liên quan đến trách nhiệm giải trình của hàng giáo sĩ và tính đạo đức giả mà sự kiện này tạo ra đã gây khó khăn cho việc suy tư một cách hệ thống về sự gia tăng các nguy cơ nảy sinh từ việc giám sát kỹ thuật số. Một lý giải thần học cho phản ứng của chúng ta chống lại việc đối tượng hóa thân thể cách ẩn danh thông qua giám sát có thể giúp chúng ta hiểu được hình thức giám sát tinh vi này, dù sử dụng một cách thức rất khác với các máy quét cơ thể, chúng biến chúng ta trở nên trần trụi và phơi bày.

Mọi sự đều trần trụi và phơi bày

Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, tác giả nhắc nhớ độc giả rằng Thiên Chúa phán định cách xác đáng, và Ngài nhìn thấu tất cả: “Không có thụ tạo ẩn khuất đối với Ngài [Lời Thiên Chúa], nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,13). Điều này rõ ràng gợi lên trình thuật sáng tạo thứ hai trong sách Sáng thế. Ở đó, khi Thiên Chúa chất vấn người nam sau khi anh ta và người nữ ăn trái cây biết điều thiện ác, Thiên Chúa hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Người nam trả lời: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Rồi Thiên Chúa lại hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng?” (St 3,9-12a).

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày chi tiết chủ đề “sự trần truồng” trong sách Sáng thế vào các buổi tiếp kiến hàng tuần, chúng được gọi là “thần học về thân xác”. Ngài lưu ý, thoạt tiên, truyền thống Yahvít minh thị rằng: “Người nam và vợ mình đều trần truồng, nhưng họ không cảm thấy xấu hổ” (St 2,25). Chi tiết có vẻ tùy ngẫu này trong trình thuật thực ra biểu thị một chân lý thâm sâu về tình trạng của loài người, điều mà Đức Gioan Phaolô quy chiếu đến như là “sự trần truồng nguyên thủy” của nhân loại. Thân xác con người “diễn tả một ngôi vị trên bình diện cụ thể của bản thể và hiện hữu, là điều gì đó trỗi vượt hơn cả cá thể. Bởi vậy, thân xác diễn tả một ‘cái tôi’ nhân vị làm nền tảng bên trong cho nhận thức ngoại giới”.

Như thế, tình trạng trần truồng nguyên thủy là trạng thái mà người nam và người nữ nhìn thấy nhau và thông truyền chính mình cho nhau với sự rõ ràng, cởi mở và thuần phác (người ta có thể gọi đây là “tính trong sáng”, dù Đức Gioan Phaolô II không dùng từ này).[5] Tình trạng trần truồng nguyên thủy cho phép họ cảm nghiệm “việc tham dự vào trực quan của chính Đấng Tạo hóa”,[6] để nhìn thấy nhau như Thiên Chúa nhìn thấy họ (x. 1Sm 16,7; Ga 9,39). Hơn nữa, người nam và người nữ không chỉ nhìn thấy như Thiên Chúa nhìn thấy; mối hiệp thông trong sáng của chính họ với nhau là một sự phản ánh hay mô phỏng sự hiệp thông của các Ngôi vị nơi Thiên Chúa Tạo hóa, đó là “hình ảnh của Thiên Chúa” hiện diện nơi họ.[7]

Tuy nhiên, như Đức Gioan Phaolô II giải thích, kinh nghiệm về sự xấu hổ do hậu quả của tội làm thay đổi tận căn thực tế này. Ngài tập chú vào tuyên bố của người nam: “Con sợ hãi vì con trần truồng” (St 3,12a). Ở đây, “sự trần truồng” không thuần túy có nghĩa đen: “Điều đó không chỉ qui chiếu riêng về thân xác; nó không phải là nguồn gốc của một sự xấu hổ chỉ được đặt liên hệ đến thân xác. Thực ra, qua sự trần truồng, con người hiển hiện mình bị tước mất quyền tham dự vào ân huệ, con người quay lưng lại với tình yêu, là cội nguồn của ân huệ nguyên thủy, cội nguồn của thiện hảo viên mãn được đặt định dành cho loài thụ tạo”.[8]

Sự tước đoạt này dẫn đến ba hình thức xấu hổ. Hình thức đầu tiên nảy sinh từ “sự bất an của cấu trúc thân xác trước những diễn biến của tự nhiên”, khả năng bị thương tổn của nhân vị trong việc đối diện với thế giới tự nhiên và cái chết không thể tránh.[9] Nguồn gốc thứ hai của sự xấu hổ là mất đi sự hòa hợp giữa tinh thần và thân xác khi những khuynh hướng của thân xác trở thành sự cám dỗ phạm tội. Đức Gioan Phaolô gợi ý rằng việc người nam và người nữ khâu những chiếc lá vả lại với nhau (St 3,7) là để che giấu người khác sự bất hòa hợp này.[10] Nguồn gốc thứ ba của sự xấu hổ, như một hậu quả của tội, là việc mất lòng tin vào người khác, hay nói cách khác “khả năng tự thông giao cho nhau thuở ban đầu… đã bị đổ vỡ.Dĩ nhiên, nguyên tổ của chúng ta vẫn không ngừng thông giao với nhau qua thân xác và những hoạt động, cử chỉ, biểu đạt của thân xác. Tuy nhiên, sự hiệp thông đơn thuần và trực tiếp với nhau, được gắn kết với kinh nghiệm nguyên thủy về sự trần truồng của cả đôi bên, đã biến mất”.[11] Cảm thức xấu hổ của họ không chỉ do việc đánh mất sự hòa hợp, nhưng còn đến từ việc đánh mất lòng tin xuất phát từ việc biết rằng người kia cũng đã đánh mất sự hòa hợp này. Dù được thể hiện dưới hình thức xấu hổ trước sự trần truồng, sự đổ vỡ này không giới hạn vào ham muốn tình dục. Ngài giải thích nó theo quan điểm “dục vọng tam diện” được tìm thấy trong thư thứ nhất của thánh Gioan, “dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và kiêu hãnh về sự chiếm hữu” (1Ga 2,16): chúng ta tìm cách phơi bày những tư riêng của tha nhân để thỏa mãn ham muốn của chính chúng ta, để đối tượng hóa hoặc vật phẩm hóa tha nhân, và để thống trị họ.[12]

Ba dục vọng này vẫn còn gắn với hiện hữu cụ thể của chúng ta, nhưng chúng không xác định chúng ta. Khi Đức Giêsu nói với chúng ta, đó không phải là lời cáo buộc hay kết án, nhưng đúng hơn là sự mời gọi lắng nghe lại tiếng vọng của “thuở ban đầu” nơi trái tim mỗi người:

[Nhân vị] được kêu gọi trong sự thật, vốn là di sản từ thuở ban đầu, di sản của trái tim, là thứ sâu kín hơn cả tội tổ tông truyền, hơn cả dục vọng trong ba hình thức của nó. Những lời của Đức Kitô, đặt trong bối cảnh của toàn thể thực tại tạo thành và cứu chuộc, tái hiện lại di sản sâu kín nhất kể trên và trao cho nó sức mạnh thực sự trong đời sống con người”.[13]

Như một hệ quả, Kitô hữu được kêu gọi đến một đời sống của sự thật, đến với sự thông giao trong sáng chính mình cho tha nhân, nhưng cũng lưu tâm đến việc bảo vệ những khía cạnh này của bản thân khỏi sự xấu hổ.

Tôma Aquinô phát triển lối diễn tả loại suy về sự thật và điều mà chúng ta có thể gọi là quyền riêng tư. Ngài trích dẫn Thư gửi tín hữu Do Thái – “mọi sự đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ngài” – đồng thời chỉ ra rằng khao khát bẩm sinh của con người đối với sự hiểu biết, điều chỉ có thể được thành toàn nơi Thiên Chúa, khiến con người nên giống với Thiên Chúa.[14] Một cách trớ trêu, điều Aquinô chỉ ra, tức con người khao khát nhìn thấy “mọi sự trần trụi và phơi bày” giống như Thiên Chúa, lại nằm trong phần trong thảo luận về thói xấu tọc mạch, tức việc theo đuổi vô trật tự sự hiểu biết. Thật vậy, câu trích trên được đưa ra để phản đối lập luận cho rằng việc theo đuổi sự hiểu biết hoàn toàn không có gì vô trật tự vì điều đó giống với Thiên Chúa; Aquinô đáp lại rằng, điều đó trở nên vô trật tự khi nó làm suy giảm việc theo đuổi “chân lý tuyệt đối”, nghĩa là sự hiểu biết Thiên Chúa.[15] Aquinô tiếp tục giải thích, việc theo đuổi sự hiểu biết trở nên vô trật tự dưới một số trạng huống, chẳng hạn, khi nó hướng đến những thú vui nhục dục khiến chúng ta xao lãng khỏi sự thiện, khi nó hướng đến những công việc của người khác với những mục đích xấu, và khi hiểu biết của chúng ta trở thành cội nguồn cho sự kiêu ngạo.[16] Mặc dù một cách nào đó phản chiếu lại sự tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, khao khát được thấy những điều “trần trụi và phơi bày” của chúng ta có thể trở nên một hình thức sùng bái ngẫu tượng.

Bởi vì chúng ta được tạo dựng để nhận biết và chia sẻ chân lý, Aquinô tuyên bố rằng chúng ta bị đòi buộc phải nói sự thật trong những điều chúng ta thông tri cho người khác.[17] Trong cách nhìn của ngài, đây là lý do tại sao nói dối luôn sai trái. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nói rằng chúng ta phải luôn tiết lộ sự thật, vì trong một số trường hợp, nó có thể không khôn ngoan và chính đáng.[18] Chúng ta chia sẻ những chi tiết riêng tư và những sai lỗi luân lý của mình cho bạn bè, người thân trong gia đình, và tin tưởng các chuyên viên như bác sĩ, giáo sĩ, nhà tư vấn tài chính và luật sư. Chúng ta đặt niềm tin của mình nơi các cá nhân ấy và áp những hình thức chế tài khác nhau nếu họ phản bội lại niềm tin của chúng ta. Theo cách hiểu này, sự thật là một khái niệm mang tính tương quan. Việc chia sẻ thông tin là một vấn đề của công bằng tùy thuộc vào mối tương quan giữa hai bên. Chủ nghĩa tư bản giám sát hoàn toàn thay đổi vấn đề này, vì thông tin biến thành hàng hóa, chúng được đổi chác chỉ vì lý do thương mại mà không quan tâm đến những người gánh chịu.

Dục vọng của xác thịt

Zuboff giới thiệu về Joseph Paradiso, một giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là người có tầm nhìn trong lĩnh vực phổ cập điện toán. Paradiso hình dung một thế giới mà các cảm biến được lắp đặt gần như khắp nơi: trong nhà, ngoài đường, nơi văn phòng và cả ở môi trường tự nhiên. Trí tuệ nhân tạo sẽ xử lý và phân tích các dữ liệu này, và con người sẽ có thể giao tiếp với nó theo nhiều cách thức khác nhau, khiến “sự toàn tri kỹ thuật số” này nên khả tri đối với suy nghĩ hữu hạn của con người thông qua một “môi trường khả duyệt”.[19] Dù thừa nhận tài năng của Paradiso, Zuboff cảnh báo rằng anh ta ngây thơ một cách nguy hiểm về phương thức mà những kỹ thuật này, là thứ phơi bày đời sống riêng tư của chúng ta cho việc theo dõi, có thể bị lợi dụng như thế nào.

Trong cuốn Sự phô bày cái tôi nơi đời sống thường nhật, Erving Goffman, nhà xã hội học người Mỹ, chứng minh rằng các tương tác xã hội của chúng ta liên hệ đến một loạt các nhân vật và vai diễn mà chúng ta đảm nhận, đây là một cách tiếp cận để hiểu về hành vi của con người mà ông gọi là phân tích kịch nghệ. Mặc dù khác với Goffman, chúng ta cần khẳng định rằng có một bản ngã cốt lõi (“một trung tâm ý thức, phản xạ, xúc cảm, tự ngã siêu việt của kinh nghiệm thuộc chủ thể” – cụm từ được Christian Smith sử dụng)[20] ẩn sau các vai diễn, nhưng phân tích của Goffman giúp chúng ta hiểu được sự tự phô bày vai diễn trong các tương tác công khai. Tuy vậy, ông cũng phân biệt giữa “sân khấu” của buổi biểu diễn công cộng và “hậu trường”, một khu vực của đời sống mà chúng ta bày tỏ sự thân mật và riêng tư nhiều hơn so với nơi công cộng, đó cũng là nơi chúng ta thực hiện những hành vi thể hiện tính dễ bị tổn thương và yếu đuối của mình trong tư cách là những tạo vật: ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa, quan hệ tình dục, v.v…[21] Không phải ngẫu nhiên mà hậu trường là nơi chúng ta thường xuyên lựa chọn để phơi bày ba nguồn cội của sự xấu hổ được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phác họa: tính dễ bị tổn thương của thân thể, những yếu đuối về luân lý, và sự mong manh của những tương giao thân mật giữa con người với nhau.

Một trong những khía cạnh xảo trá nhất của chủ nghĩa tư bản giám sát, khi cố đạt đến “sự toàn tri kỹ thuật số” như Paradiso mường tượng, đó là biến hậu trường thành mục tiêu của việc giám sát, xóa nhòa đi ranh giới giữa riêng tư và công khai. Tư thế ngủ, nhịp tim, ưu tiên về nhiệt độ của chúng ta được thu thập làm dữ liệu nghiên cứu. Đường dẫn và lịch sử tìm kiếm, địa điểm và thậm chí là các cuộc trao đổi của chúng ta được ghi lại, chúng phơi bày những đặc trưng riêng, những lỗi phạm về luân lý và những chi tiết riêng tư của đời sống chúng ta cho sự kiểm soát nặc danh. Chẳng hạn, Grindr, một ứng dụng hẹn hò đồng tính đã bị bắt quả tang khi gửi tình trạng nhiễm HIV của người dùng cho những nhà cung cấp thuộc bên thứ ba. Như đã nhắc ở trên, tổng thư ký của USCCB đã buộc phải từ chức sau khi dữ liệu vị trí GPS bị bán bởi bên thứ ba cho thấy ông đã sử dụng Grindr. Amazon thừa nhận rằng hàng nghìn nhân viên của hãng đã nghe được các cuộc trao đổi nhờ trợ lý cá nhân Alexa nghe lén tại các tư gia.

Zuboff lưu ý, “Nhà không phải lúc nào cũng tương ứng với một nơi cư ngụ hoặc một địa điểm duy nhất. Chúng ta có thể lựa chọn hình thức và địa điểm, nhưng đó không phải là ý nghĩa của nhà. Nhà là nơi chúng ta nhận biết và được nhận biết, là nơi chúng ta yêu và được yêu. Nhà là quyền làm chủ, là tiếng nói, là tương quan, và là nơi thiêng liêng: để tự do, để thăng tiến… để tựa nương, để hy vọng”.[22] Theo một nghĩa nào đó, chủ nghĩa tư bản giám sát có nguy cơ biến chúng ta thành những kẻ vô gia cư. Zuboff mô tả cách những người trẻ, những người dành nhiều thời gian đắm chìm trong mạng xã hội, nhận ra bản thân như những kẻ diễn trò trước cái nhìn chằm chằm của khán giả, thậm chí cuộc sống riêng tư của họ cũng bị phô bày cho sự bình phẩm và phán xét.[23] Việc lui từ sân khấu vào hậu trường sẽ không dành nhiều cơ hội cho sự tổn thương và cho phép sự riêng tư cần thiết để tăng thêm cảm giác an toàn của bản thân.

Dục vọng của đôi mắt

Các ứng dụng, trang mạng và tiện ích thu thập dữ liệu của chúng ta rồi bán cho các công ty môi giới dữ liệu, những kẻ này xử lý và đóng gói dữ liệu ấy thành các hồ sơ cá nhân. Mặc dù chúng ta được thông báo rằng “thông tin nhận dạng cá nhân” của chúng ta như danh tánh, Số An sinh Xã hội .v.v… sẽ không bị thu thập, nhưng những tay môi giới dữ liệu này có thể trực tiếp nhận dạng thông tin của chúng ta bằng cách sử dụng các địa chỉ IP (dãy số phân biệt được dùng để nhận dạng các thiết bị mà chúng ta dùng cho việc kết nối internet để chúng ta có thể nhận dữ liệu từ các thiết bị khác) hoặc các con số được tạo ra cho mục đích này, gọi là các ID quảng cáo trên thiết bị di động. Chính bản thân chúng ta cũng có thể bị nhận dạng thông qua dữ liệu vị trí GPS, dữ liệu này được thu thập bởi điện thoại của chúng ta và xác định nơi chúng ta sinh sống và làm việc. Những kẻ môi giới dữ liệu sử dụng các hồ sơ dữ liệu cá nhân này để tạo ra các quảng cáo có mục tiêu rồi gửi ngược trở lại các thiết bị của chúng ta, tuy nhiên, họ cũng bán thông tin này cho các nhà quảng cáo hoặc các công ty khác vì các mục đích nghiên cứu.

Như thế, một đặc trưng nhận diện của chủ nghĩa tư bản giám sát sát là việc biến thành hàng hóa điều mà trước đây được xem là không thể: kinh nghiệm của con người. Năm 1991, trong thông điệp Centesimus Annus, Đức Gioan Phaolô II mô tả cuộc đấu tranh lao động bắt đầu vào thế kỷ XIX như một nỗ lực liên lỉ để khẳng định sức lao động của con người không đơn giản là một thứ hàng hóa, nhưng là sự thể hiện phẩm giá con người (Số 4, 19, 34). Việc biến sức lao động trở thành hàng hóa đại diện cho một hình thức tha hóa (Số 41). Chủ nghĩa tư bản giám sát đại diện cho một hình thức mới của việc vật phẩm hóa và tha hóa, trong trường hợp này là tha hóa những kinh nghiệm của chính chúng ta khi chúng bị số hóa và bán cho các bên thứ ba ẩn danh. Như Zuboff than vãn, “Chúng ta là những kẻ lưu vong khỏi chính hành vi của mình, bị ngăn cản tiếp cận hoặc kiểm soát hiểu biết bắt nguồn từ việc bị kẻ khác truất đi quyền sở hữu nó để trao cho người khác. Sự hiểu biết, thẩm quyền và quyền hạn phụ thuộc vào tư bản giám sát, đối với nó, chúng ta chỉ đơn thuần là ‘những nguồn tài nguyên thiên nhiên hình người’ mà thôi”.[24] Nhưng chúng ta có phản đối cuộc lưu vong này hay không? Sau tất cả, mỗi khi chúng ta đồng ý với các điều khoản dịch vụ của một ứng dụng hay trang web mới, chúng ta chấp thuận các chính sách bảo mật nêu rõ cách thức dữ liệu của chúng ta sẽ bị bán và khuếch tán ra sao.

Năm 1891, trong thông điệp Rerum Novarum về hoàn cảnh của giới công nhân, Đức Giáo hoàng Lêô XIII nhấn mạnh:

“Hãy để chủ và thợ thỏa thuận tùy ý họ, nhất là để họ giao kèo tiền công cách tự do; tuy nhiên, việc này nằm dưới một giới mệnh của công bằng tự nhiên cấp thiết và lâu đời hơn giữa người với người mà họ không được phế bỏ, cụ thể, số tiền công ấy phải đủ cho người làm công ăn lương tiết kiệm và liêm chính được nuôi sống (Số 45).

Cũng thế, 70 năm sau, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã đưa ra quan điểm tương tự trong thông điệp Mater et Magistra:

Không được xem việc lao động đơn thuần là một thứ hàng hóa, nhưng là một hoạt động đặc biệt của con người… Tiền thù lao phải được xác định bởi luật công bằng và bình đẳng. Bấy kỳ một trình tự nào khác đều là một sự vi phạm công bằng rõ ràng, ngay cả khi cho rằng hợp đồng lao động đã được cả hai bên tự do ký kết” (Số 18).

Bởi vì lao động là cách thế chúng ta thể hiện mình trong tư cách một ngôi vị, nó không thể bị đối xử đơn giản như là một thứ hàng hóa, ngay cả khi chúng ta chấp thuận các điều khoản dưới vị thế thương lượng bất bình đẳng, một đặc trưng của đàm phán lao động.

Dù chúng ta có thể dễ dàng sinh sống mà không cần đến ứng dụng đặc thù nào đó, nhưng chúng ta sử dụng internet và mạng xã hội để giao tiếp với người khác và để tham dự vào đời sống chung của xã hội, như thế, đây là một hoạt động thể hiện nhân tính cách trọn vẹn giống như lao động. Vì lẽ này, Nancy S. Kim, một học giả luật học chỉ rõ rằng những “hợp đồng đóng gói” hay “thỏa thuận nhấp chuột” này thể hiện sự áp đặt bất công lên người dùng.[25] Các chính sách bảo mật đôi khi sử dụng thuật ngữ khó hiểu về thông tin sẽ được chia sẻ cho bên thứ ba. Xảo trá hơn nữa, các điều khoản thỏa thuận dịch vụ được viết theo cách thức để ngăn cản việc đọc chúng. Một nghiên cứu vào năm 2008 phát hiện rằng một người điển hình khi truy cập vào các trang mạng phải mất khoảng 244 giờ để đọc các điều khoản dịch vụ trong một năm (con số này chắc chắn đã tăng thêm những năm về sau), hay nhiều hơn một nửa thời gian một người bình thường dành cho việc trực tuyến. Các điều khoản thỏa thuận dịch vụ cũng ràng buộc người dùng về các chính sách bảo mật của các bên thứ ba, là bên nhận được dữ liệu của họ, con số các bên có thể lên đến hàng ngàn và người dùng có thể không được thông báo cho biết bên thứ ba là ai. Những điều kiện tồi tệ này được đưa ra dựa trên cơ sở “tham gia hoặc rời đi”, đẩy người dùng đến chỗ phải từ bỏ quyền riêng tư, hay nói cách khác, trở thành những kẻ vô gia cư về mặt kỹ thuật số. Trong bối cảnh này, “đồng ý” là một khái niệm rỗng tuếch.

Các giới mệnh “cấp thiết và lâu đời” của công bằng đòi buộc một cách thức quản lý dữ liệu phù hợp hơn. Chúng ta có quyền chọn không bán dữ liệu của mình cho các bên thứ ba mà không bị loại ra khỏi quảng trường công cộng của thế kỷ XXI. Chẳn hạn, Qui định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu trao hoàn toàn cho các cá nhân quyền này. Chúng ta cũng có thể xác minh các thực thể mà dữ liệu được bán cho họ và biết được điều họ sẽ làm với dữ liệu của chúng ta. Chẳng hạn, bang Vermont đã tạo ra sổ đăng ký cho những người môi giới dữ liệu, yêu cầu họ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn dữ liệu chắc chắn, và GDPR cho phép các cá nhân truy cập dữ liệu cá nhân đã bị những người môi giới bán đi.

Kiêu hãnh về sự chiếm hữu

Theo quan điểm của Zuboff, hệ quả đáng báo động nhất của chủ nghĩa tư bản giám sát là khả năng sử dụng dữ liệu được thu thập từ chúng ta để thao túng chính hành vi của chúng ta. Bà giải thích:

Các bộ xử lý được định dạng để can thiệp vào trạng thái vận hành trong thế giới thực giữa những con người và các sự vật thực tế. Những can thiệp này được thiết kế để tăng cường sự chắc chắn qua việc thực hiện việc thúc đẩy, điều chỉnh, dồn ép, thao túng, và định hướng hành vi theo các khuynh hướng cụ thể bằng các thủ thuật tinh vi như chèn một cụm từ đặc biệt vào nguồn cấp tin tức trên Facebook [news feed], chọn thời điểm xuất hiện nút MUA trên điện thoại, hoặc tắt động cơ ôtô khi bạn thanh toán bảo hiểm trễ hạn.[26]

Các thuật toán của truyền thông xã hội cũng có thể bị khai thác cách tương tự, có và không có chủ đích, bằng những cách này, nó khuyến khích chủ nghĩa cực đoan chính trị và sự khuếch trương của các thuyết âm mưu như QAnon hoặc về vacxin Covid-19.

Zuboff vẽ ra một bức tranh tồi tệ về cách thế “sự toàn tri kỹ thuật số”, như Paradiso mường tượng ra, có thể được ghép nối với quyền lực nhà nước trong một đất nước kiểu như Trung Quốc,[27] tuy bà hơi cường điệu các quyền hạn kiểm soát được thực hiện bởi chính các nhà tư bản giám sát. Các quảng cáo được điều hướng để ít gây phiền nhiễu nhất, và để là những phương tiện hiệu quả nhất trong việc kết nối khách hàng với các sản phẩm họ mong muốn, điều này hầu như không phải là một mối đe dọa cho tự do của con người. Mối nguy hiểm nghiêm trọng hơn nằm ở chỗ chúng ta chấp nhận một nhãn quan “công cụ”, khi các hành động của chúng ta là một chuỗi “những hành vi” để đáp lại các kích thích, một loạt các “khoảnh khắc” của chính chúng ta để được lưu giữ và chia sẻ dưới dạng số hóa.

Zuboff trích dẫn Alex Pentland, một nhà khoa học khác tại MIT, người đề xướng chủ nghĩa công cụ:

Khi sống đời sống hằng ngày của mình, chúng ta để lại đằng sau những mảnh vụn ảo – những bản thu kỹ thuật số về những người chúng gọi, những nơi chúng ta đến, những thức chúng ta ăn và những sản phẩm chúng ta mua. Những mảnh vụn này kể lại câu chuyện chính xác về cuộc sống của chúng ta hơn bất kỳ điều gì chúng ta chọn để tiết lộ về bản thân… Những mảnh vụn kỹ thuật số… ghi lại hành vi của chúng ta cách chính xác như nó đã xảy ra.[28]

Quan điểm cho rằng các hành động của chúng ta là những điểm dữ liệu tiềm năng đang chờ để được phân tích trước khi chúng ta có thể hiểu được thực tế “như nó thực sự xảy ra” là điều không có gì mới, chính xác hơn thì nó đã ăn sâu vào trào lưu hiện đại. Tuy nhiên, như Alasdair MacIntyre lưu ý, không rõ bằng cách nào để chúng ta có thể thuật lại câu chuyện đời mình mà không lưu tâm đến điều chúng ta lựa chọn nhằm tiết lộ bản thân qua những hoạt động của chúng ta: “Chẳng có thứ gọi là ‘hành vi’ nếu chúng được xác định từ trước và độc lập khỏi ý chí, niềm tin và bối cảnh”.[29] Chỉ có qua việc chúng ta kể lại câu chuyện về cuộc sống của mình thì những hành động của chúng ta mới có thể được hiểu.

Tuy vậy, sự phân mảnh kinh nghiệm, điều được truyền thông kỹ thuật số thúc đẩy, khiến cho việc hình dung về một trình thuật mạch lạc ngày một khó khăn. Việc biến kinh nghiệm thành hàng hóa, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản giám sát, rồi lồng nó vào các giao diện của phương tiện truyền thông xã hội cám dỗ chúng ta xem cuộc sống như một lối mòn của các đường dẫn số hóa, nhưng con đường đó đẩy chúng ta ra xa thay vì hướng về nhà. Theo MacIntyre, chúng ta sẽ tuyệt vọng khi không còn hiểu được những sự kiện trong đời mình, không còn nhận thức được mở đầu hoặc kết thúc của trình thuật.

Vậy nên với tư cách là một cộng đoàn đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng ý thức về sự mạch lạc của trình thuật, để giúp mỗi người nhìn thấy cuộc đời mình như sự tỏ bày một câu chuyện độc đáo, được ôm ấp trong một trình thuật rộng lớn hơn về sự tạo dựng và cứu chuộc thế giới của Thiên Chúa. Cùng với Đức Gioan Phaolô II, chúng ta có thể tìm lại ý nghĩa của mình bằng cách nhìn trở lại “thuở ban đầu” khi chúng ta lần đầu cảm nghiệm ân huệ hiện hữu và kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho loài thụ tạo trong “sự trần truồng” của thân xác chúng ta, một sự thông giao trong sáng của chúng ta cho người khác, khi nhận thức được những điều này, chúng ta có thể giấu đi “sự xấu hổ” nhưng với niềm hy vọng chất chứa rằng sẽ có một ngày chúng ta có thể nhìn thấy nhau như Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta, “trần trụi và phơi bày”. Nền tảng thần học này có thể giúp chúng ta suy nghĩ về những vấn đề nảy sinh từ chủ nghĩa tư bản giám sát liên quan đến quyền riêng tư và tính minh bạch, thứ chúng ta không thể phớt lờ thêm nữa.

 
 
[1] Shoshanna Zuboff, Kỷ nguyên của chủ nghĩa tư bản giám sát: Một cuộc chiến vì tương lai nhân loại tại giới tuyến mới của quyền lực, Public Affairs, New York, 2019, 63-97.
[2] Ibid., 212-214.
[3] Deborah Johnson, Đạo đức học điện toán, Tái bản lần 2, Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey, 1994, 84.
[Ng.d.: Nguyên văn là Big Brother, ám chỉ đến tay độc tài hoặc chế độ toàn trị. Theo quan điểm của tác giả, các tổ chức tư nhân theo chủ nghĩa tư bản giám sát có tính nguy hiểm hơn, vì về mặt phương pháp, chế độ toàn trị thường được vận hành bằng bạo lực và dễ bị nhận diện; trong khi đó, tư bản giám sát sẽ kiểm soát chúng ta cách tinh vi và khó nhận diện hơn. Điều này sẽ được phân tích ở các phần sau]
[4] Zuboff, Ibid., 15-16.
[5] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sự viên mãn của thông giao liên vị, Buổi tiếp kiến chung, ngày 19/12/1979 (https://www.vatican.va/).
[6] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sự tạo dựng như quà tặng căn bản và nguyên thủy, Buổi tiếp kiến chung, ngày 02/01/1980 (https://www.vatican.va/).
[7] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Nhờ sự hiệp thông của các ngôi vị, con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa”, Buổi tiếp kiến chung, ngày 14/11/1979 (https://www.vatican.va/).
[8] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ý nghĩa chân xác của sự trần truồng nguyên thủy, Buổi tiếp kiến chung, ngày 14/05/1980 (https://www.ewtn.com/).
[9] Ibid.
[10] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bất an căn bản của toàn bộ hiện hữu con người, Buổi tiếp kiến chung, ngày 28/5/1980 (https://www.ewtn.com/).
[11] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Mối liên hệ của dục vọng đối với sự hiệp thông liên vị, Buổi tiếp kiến chung, ngày 04/06/1980 (https://www.ewtn.com/).
[12] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sự thống trị tha nhân trong tương quan liên vị, Buổi tiếp kiến chung, ngày 18/06/1980 (https://www.ewtn.com/).
[13] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Quyền năng Cứu chuộc hoàn tất quyền năng Tạo dựng, Buổi tiếp kiến chung, ngày 29/10/1980 (https://www.ewtn.com/).
[14] Tôma Aquinô, Summa Theologica, II-II, q. 167, a. 1, obj. 1.
[15] Ibid., II-II, q. 167, a. 1, ad 1.
[16] Ibid., II-II, q. 167, aa. 1-2.
[17] Ibid., II-II, q. 109, a. 3.
[18] Ibid., II-II, q. 110, a. 3.
[19] Zuboff, Ibid., 206-208.
[20] Christian Smith, Ngôi vị là gì?, UCP, Chicago, 2010, 61.
[21] Erving Goffman, Sự phô bày cái tôi nơi đời sống thường nhật, Anchor, New York, 1959, 112-132.
[22] Zuboff, Ibid., 5.
[23] Ibid., 453-461.
[24] Ibid., 100.
[25] Nancy S. Kim, Các hợp đồng đóng gói: Căn nguyên và hệ quảOUP, Oxford, 2013.
[26] Zuboff, Ibid., 200.
[27] Ibid., 388-394.
[28] Ibid., 422.
[29] Alasdair MacIntyre, Phía sau nhân đức: Một nghiên cứu về học thuyết luân lý, Tái bản lần 2, UNDP, Indiana, 1984, 2008.

Tác giả bài viết: Gregorio Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay23,542
  • Tháng hiện tại607,158
  • Tổng lượt truy cập28,259,045

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây