Địa sở Gia Hựu

Chúa nhật - 24/06/2018 19:56
01 copy



I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :

Gia Hựu là một Giáo xứ thuộc vùng cực Bắc tỉnh Bình Định. Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Giáo xứ thuộc thôn Qui Thuận, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Quần thể khu trung tâm nầy có Nhà Thờ, Nhà Xứ, Hang đá Đức Mẹ, Nhà Mồ , Phước viện, Trường học. Ngày nay chỉ còn một phần Nhà Mồ và Hang đá Đức Mẹ.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ :

           
Theo bước chân các nhà truyền giáo Dòng Tên, cuối mùa chay năm 1641, Cha Đắc Lộ từ Bàu Gốc, Quảng Ngãi đã đến Bến Đá, một giáo điểm đã đón nhận Tin Mừng từ những năm 1625 và có một nhà thờ rất đẹp do một người tên là Philippe xây dựng. Trong bức thư năm 1641, cha Đắc Lộ viết rằng: “Tôi đã đi khỏi nơi này[1] để đến Bedda mà không phải không để lại sầu muộn cho giáo hữu. Ở Bedda, Philippe ra đón tôi. Ông đã dùng tiền của riêng xây một nhà thờ khá đẹp, để thực hiện lời khấn là nếu Thiên Chúa cho ông một đứa con trai, ông sẽ xây một nhà thờ. Tôi lưu lại đó 10 ngày; làm phép rửa tội cho 100 người, trong số đó có một phụ nữ trong gia đình Philippe. Bà này lúc trước rất ghét đạo, hễ nghe nói tới nhà thờ là bỏ chạy vào rừng. Biết là ma quỷ đã bắt bà tháo chạy như vậy, nên tôi yêu cầu bắt bà về; bà chống cự mạnh mẽ đến độ nhiều người mạnh khoẻ cũng không ôm nổi bà. Do đó người ta nghĩ là do sức mạnh của ma quỷ. Khi bà ta vừa tới nhà thờ tôi liền trừ quỷ cho bà. Sau nhiều cơn vật vã, ma quỷ đã để cho bà yên; bà đã xin chịu phép rửa và, sau khi bà ta đã được học giáo lý đầy đủ, tôi làm phép Rửa cho bà; từ đó bà hoàn toàn thoát khỏi ách quỷ dữ và tội lỗi. Tôi đã sống Tuần Thánh với các giáo hữu tốt lành này. Tôi đã cử hành tất cả các nghi thức quen thuộc trong Giáo Hội và tôi đã giảng sự thương khó cho họ và họ đã làm nhiều việc đền tội. Philippe luôn luôn là người đi đầu, mặc dầu ông đã 60 tuổi. Ông cũng đã bắt cả gia đình tham dự, gần 100 người. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, sau các nghi lễ, tôi đã lên đường đi Ranran”.[2] Như vậy, trong 10 ngày ở tại Bến Đá vào năm 1641, Cha Đắc Lộ đã rửa tội được 100 người. Ngày thứ sáu Tuần Thánh, 29-03-1641, từ Bến Đá, Cha Đắc Lộ xuống thuyền đi Phú Yên. Thuyền bị bão đánh phải tấp vào vũng Baday, tức Vũng Lắm ngày nay, Cha Đắc Lộ đã dâng lễ Phục Sinh cho người trên thuyền vào ngày 31-03-1641. Viên quan giữ cửa khẩu này và vợ là người Công Giáo có tên thánh là Benoit và Benoite đã tiếp đón và ngài cũng đã dâng thánh lễ tại đây.


Như vậy chỉ 10 năm, sau khi các thừa sai Dòng Tên đặt chân đến Đàng Trong thì vùng đất thuộc Giáo xứ Gia Hựu đã được đón nhận Tin Mừng. Năm 1615, các thừa sai Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn. Năm 1618, các thừa sai Dòng Tên lập cư sở đầu tiên tại Nước Mặn, Qui Nhơn. Năm 1619, cư sở Hội An được thành lập. Đầu năm 1620, các thừa sai chia vùng truyền giáo: Các thừa sai ở cư sở Nước Mặn phụ trách Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên; Các thừa sai ở cư sở Hội An phụ trách từ Quảng Nam ra đến Sông Gianh. Năm 1625, cư sở Dinh Chiêm được thành lập. Trên đường giao liên giữa hai cư sở Hội An và Nước Mặn, Bến Đá là điểm dừng chân của các thừa sai Dòng Tên, Bến Đá là nơi được diễm phúc đón nhận Tin Mừng sớm nhất trong vùng.


           
Bến Đá có vị trí thuận lợi trên đường giao thông. Năm 1672, chúa Nguyễn thiết lập các trạm trên hệ thống giao thông, mỗi trạm cách nhau nửa ngày đàng. Tại mỗi trạm, bộ hành dừng chân, nghỉ ngơi, ăn uống... nên còn gọi là quán. Quán Bến Đá là một trạm trong hệ thống trạm giao thông nầy.
[3] Theo bản đồ ‘An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ ’ năm 1838, Quán Bến Đá thuộc vùng cực Bắc trấn Bình Định. Ngày nay, Bến Đá thuộc xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Là một trạm giao thông, Bến Đá có vị trí thuận lợi, tiếp nhận nhiều người, trong đó có các thừa sai Dòng Tên, sau đó là các thừa sai Dòng Phanxicô.

           
Trong tường thuật hành trình truyền giáo của thừa sai Courtaulin tại các tỉnh phía bắc Đàng Trong vào những năm 1675-1676, ngài viết: “Tôi ghé thăm Bến Đá, số giáo dân trước đây có khoảng 300 người, nay giảm xuống còn 150”.
[4]

           
Trong nhật ký truyền giáo năm 1683, thừa sai Ausiès viết: “Tôi ghé thăm làng Bến Đá nằm gần chân núi chia cắt tỉnh Qui Ninh (Qui Nhơn) và Quảng Ngãi. Đây là nhà thờ lâu đời nhất vùng và ngày xưa rất danh tiếng, nhưng hiện thời chỉ còn có khoảng 30 giáo dân có thể lãnh nhận các bí tích. Ông thầy giảng đã lớn tuổi và là một Kitô hữu thực thụ đã từng nhiều lần mang gông cùm vì đạo Chúa. Các quan lớn nể trọng ông vì từng chứng kiến lòng trung thành của ông. Chính vì thế mà người ta chuyển nhà thờ vào nhà ông để tránh sự xách nhiễu của người ngoại giáo”
[5] 

           
Theo sử liệu của Tỉnh Dòng Phanxicô San Gregorio Tây Ban Nha, hai vị thừa sai của Tỉnh Dòng là Cha Jeronimo de la Sanctissima Trinidad và Cha José de la Concepción  đã đến Đàng Trong và gặp được Đức Cha Pérez, Đại Diện Tông Toà ở Đàng Trong vào ngày 21/5/1720. Sau một chuyến kinh lý mục vụ với Đức Cha Pérez, Cha Jeronimo đã đến Phuoc-So (Phú Sanh - Thành Sơn)  xây dựng một nhà thờ mới dâng kính Thánh Giuse, và rửa tội cho gia đình một ông quan.
Giáo điểm nầy năm sau được giao lại cho Cha Filipe de la Concepción
[6] . Trong thời gian làm việc trong vùng đất nầy, Cha Filipe de la Concepción đã xây dựng các nhà thờ : năm 1726, xây nhà thờ Thánh Antôn ở Bau-gieng (Bàu Giêng), cũng trong năm nầy Đức Cha Pérez trao cho ngài nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Lên Trời ở Lay-duong (Lại Giang) và nhà thờ dâng kính Tổng lãnh Thiên thần Micae ở Duo-hau (Đồng Hâu); năm 1732, xây dựng nhà thờ dâng kính Thánh Pedro de Alcantara ở Sao-huinh ( Sa Huỳnh). [7]

           
Trong thống kê năm 1747, do Cha Filipe de la Concepción ghi phần thừa sai Dòng Phanxicô phụ trách các điểm có nhà thờ cận ranh Bến Đá, về sau thuộc phần đất Giáo xứ Gia Hựu : Phuoc-so (Phú Sanh - Thành Sơn) 50 giáo hữu; Ben-da (Bến Đá) 70 giáo hữu; Bau-gieng (Bàu Giêng) 300 giáo hữu; Gia-huu ( Gia Hựu ) 400 Giáo hữu.
[8]

           
Bến Đá, Gia Hựu là những nơi mà Đức Cha Cuénot đã chọn làm chỗ ẩn trú trong những năm tháng đầu tiên của sứ mạng Phó Đại Diện Tông Toà Đàng Trong trước khi chọn Gò Thị làm nơi cư trú.
[9] Sau khi thụ phong giám mục, Ngài đã đi Đàng Trong vào ngày 21 tháng 6 năm 1835. Ngài đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, lập 2 chủng viện; chỉ trong vài năm, con số linh mục gia tăng đáng kể. Vào năm 1839, Đức Thánh Cha gởi cho ngài 2 bức thư: bức thư thứ nhất là Quod nuncia (Jus Pont. De Prop. Fid., V, p. 225), viết ngày 10 tháng Mười Hai, cho phép ngài được chọn một giám mục phó.[10] Trong những thời điểm bị cấm đạo gắt gao, Đức Cha Cuénot tạm rời khỏi Gò Thị, thường về ẩn trú tại Gia Hựu. Thời gian ẩn trú tại Gia Hựu, Đức Cha Cuénot đã truyền chức linh mục cho nhiều Thầy trong những thời điểm khác nhau: Năm 1840, Thầy Lợi, Thầy An; năm 1846,Thầy Philipphê Phan Văn Minh [11]; năm 1851, Thầy Tư, Thầy Hân, Thầy Bảo, Thầy Điều, Thầy Mão ; năm 1855, Thầy Khâm, Thầy Chung.[12] Trong số những Linh mục được truyền chức tại Gia Hựu, có Cha Philipphê Phan Văn Minh, sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Mỏ Cày, Vĩnh Long, nguyên là học trò của Cha Cuénot  tại Chủng viện Lái Thiêu đã theo Đức Cha Taberd và Cha Cuénot trốn sang Pénang năm 1833. Sau khi học xong chương trình ở Pénang, Thầy Minh về nước. Lúc bấy giờ, Đức Cha Lefèbvre, Đại Diện Tông Toà Tây Đàng Trong đang bị triều đình giam tại Huế. Nhân dịp Thầy Minh ra Huế chào thăm Giám mục của mình, Đức Cha Lefèbvre viết thư giới thiệu cho Đức Cha Cuénot, người thầy cũ của Thầy Minh, để Đức Cha truyền chức Linh mục cho Thầy. Cha Minh chịu tử đạo tại Cái Sơn Bé, Vĩnh Long vào ngày 07.7.1853. Á Thánh ngày 27.5.1900. Hiển Thánh ngày 19.6.1988.

           
Trong thống kê Đức Cha Cuénot Thể gởi về Hội thừa sai Balê năm 1850, vùng Bắc Bình Định, từ đèo Phú Cũ trở ra, được chia làm 02 miền :


-    Bồng Sơn miền núi có 15 giáo điểm  : Dông-hâu-dông 354 (Đồng Hâu); Dông-hâu-tây 246; Dông-dô 213; Ngai-diên 139 (Ngãi Điền); Dông-qua-nam 103 (Đồng Quả); Dông-qua-tây 81; Dông-qua-bác 64; Dông-qua-dông 60; Dông-qua-ha 50; Truông-ôi 69 (Truông Ổi); Dông-dài 233 (Đồng Dài); Dai-bình 84 (Đại Bình); Thác-dá 331; Bình-phú 212; Tây-phú 134.


-    Bồng Sơn miền biển có 14 giáo điểm: Kim Bồng 155 tín hữu; Tân Quan 114; Xoài 544; Dông Chu 99; Cà Vàn 15; Phú Sanh 80; Gia Hựu 824; Bến Đá 345; Gò Lót 75; Cây Sô 70; Bàu Giêng 228; Suối Cả 52; Thiết Tràng 134; Tân An 127.[13]

Với thống kê nầy cho thấy công cuộc loan báo Tin Mừng trên vùng đất nầy có sự phát triển về số người đón nhận Tin Mừng cũng như số các giáo điểm. Rất tiếc chưa tìm được tài liệu nào ghi lại chi tiết đầy đủ những sự việc, những con người đã từng cống hiến cho sự nghiệp loan báo Tin Mừng trong thời gian khá dài kể trên. Dẫu sao, chúng ta ghi nhận và thâm tín rằng đây là kết quả hoạt động của Chúa Thánh Thần trong nhiều nỗ lực của các thế hệ thừa sai Dòng Tên, thừa sai Dòng Phanxicô, thừa sai Hội Truyền Giáo Balê, các thế hệ Linh mục, Nữ tu và tông đồ giáo dân Việt Nam.

Căn cứ vào con số giáo dân Gia Hựu trổi vượt hơn các nơi khác trong vùng Bắc Bình Định theo thống kê năm 1747 và năm 1850, cũng như sự kiện Đức Cha Cuénot chọn Gia Hựu làm nơi ẩn trú trong nhiều thời điểm, và Đức Cha Charbonnier đã đặt Toà Giám Mục, Sở Quản Lý tại Gia Hựu, ít nhất cho tới thời điểm năm 1871[14], những điều đó cho thấy vùng Gia Hựu là một chỗ ‘đất lành’ của hạt giống Tin Mừng.
 Hiện nay chưa tìm thấy vị Thừa sai hay Linh mục Việt Nam nào đã cư trú tại Gia Hựu trước năm 1839, thời điểm Đức Cha Cuénot tạm ẩn trú tại đây trước khi đến Gò Thị. Vị Thừa sai đã cư trú tại Gia Hựu sau thời điểm năm 1853 là Cha Charles Ferdinand Herrengt.

01. Cha Charles Ferdinand Herrengt ( 1853- 1861)

 Cha Herrengt thụ phong Linh mục vào ngày 12.6.1842 tại Pháp. Ngày 19.4.1853, Cha lên đường đến làm việc cho Giáo phận Đông Đàng Trong.  Sau khi đến Giáo phận, Đức Cha Cuénot đã đưa Cha đến ẩn trú tại Gia Hựu cùng với Đức Cha. Cha Herrengt đã ở tại Gia Hựu cho đến năm 1861. Trong phần phía Nam Gia Hựu, có Cha Jean Claude Roy đến làm việc tại Thác Đá vào năm 1856 –1861. Theo lệnh Đức Cha Cuénot, ngày 21.8.1861, Cha Herrengt, Cha Roy, hai Cha Việt Nam và mười hai chủng sinh xuống thuyền tại cửa biển Kim Bồng đi vào Sài Gòn để tránh thiệt hại nhân sự trong lúc chiếu chỉ phân sáp được thi hành quá gắt gao.[15]
Cha Herrengt ở lại Sài Gòn, làm việc tại Xóm Chiếu cho đến khi qua đời vào ngày 20.6.1863. Dựa vào những điều khoản của hoà ước Nhâm Tuất được ký ngày 05.6.1862, vào ngày 23.7.1862, Cha Roy lên đường ra Huế trình diện với triều đình, sau đó Cha được phép trở lại làm việc tại Bình Định cho đến năm 1865, Cha trở lại Sài Gòn cho tới năm 1870, Cha trở về Pháp.[16]
Ngày 14.7.1865, Đức Cha Charbonnier, Đại Diện Tông Toà Giáo phận Đông Đàng Trong đã lên cửa biển Kim Bồng đến với Giáo phận, thay cho Đức Cha Cuénot đã chết rũ tù tại nhà giam Bình Định từ ngày14.11.1861. Thời điểm Đức Cha Charbonnier đến nhận Giáo phận, trong Giáo phận hiện có 04 Linh mục thừa sai, 22 Linh mục Việt Nam, 08 Phước viện với khoảng 300 Nữ tu, và khoảng 26.000 giáo dân.[17]

Từ lúc Cha Herrengt rời khỏi Gia Hựu cho đến khi Đức Cha Charbonnier đến nhận Giáo phận (1861-1865), vẫn chưa tìm thấy có Linh mục nào đã đến ở tại Gia Hựu. Trong thời điểm sau hoà ước Nhâm Tuất, mặc dù vua Tự Đức đã hạ chỉ phân sáp, tuy nhiên đây đó vẫn còn những nghi kỵ bắt bớ, như trường hợp Cha Croc và Cha Desvaux cùng đi với Cha Roy đến trình diện với triều đình, nhưng chỉ có một mình Cha Roy được phép trở về nhiệm sở cũ, Cha Croc và Cha Desveaux bị bắt giữ lại ở Đồng Hới.[18] Do đó, có thể các Linh mục vẫn còn dè dặt, ẩn trú rày đây mai đó để bảo tồn.

02. Cha F.X. Van Camelbeke (1865 – 1878).
Cha F.X. Van Camelbeke sinh ngày 19.02.1839, thụ phong Linh mục ngày 30.5.1863. Sau khi làm việc tại Gia Hựu, Giám đốc Chủng Viện Làng Sông, Cha sở Hoa Vông, vào ngày 15.01.1884 Toà Thánh đã đặt ngài làm Giám Mục Đại Diện Tông Toà Giáo phận Đông Đàng Trong.
Năm 1865, Đức Cha Charbonnier đã bổ nhiệm Cha F.X. Van Camelbeke đến nhận sở Gia Hựu. Lúc bấy giờ, Gia Hựu không tránh khỏi tình trạng chung trong Giáo phận: dịch tả, đói khát và hậu quả của chiếu chỉ phân sáp là các trẻ mồ côi, ruộng vườn, nhà cửa, đất đai của những người công giáo đã bị tịch thu. Cha F.X. Van Camelbeke đã ra sức cáng đáng khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống cho giáo dân. Năm  1869 có cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn đến giúp. Năm 1870, Cha xây dựng nhà thờ Gia Hựu. Tái lập Phước Viện, lập Cô Nhi Viện. Năm 1878, Cha được bổ nhiệm làm Giám đốc Chủng viện Làng Sông.

03. Cha Jean-Joseph Martin (1850-1885)
Sinh tại Bourg-Saint-Maurice (Savoie) ngày 15 hoặc 16 tháng 7 năm 1850. Sau khi học chủng viện Moutiers, ngài vào hội thừa sai và nhận lãnh chức linh mục ngày 30 tháng Năm 1874 và đi nhận nhiệm vụ tại Đông Đàng Trong ngày 1 tháng Bảy 1874. Năm 1878, ngài phụ trách giáo xứ Gia Hựu (thời gian ở Gia Hựu rất ngắn ngủi, chỉ trong vòng 3 hay 4 tháng đầu năm 1878) và rồi sau đó làm bề trên Chủng viện Làng Sông. Năm Văn Thân 1885, ngài đang làm cha sở Gò Thị được một năm. Trong khi dẫn giáo dân chạy trốn về Qui Nhơn cùng với cha Vivier, ngài bị sung huyết não và qua đời ít lâu sau đó, vào ngày 4 tháng Tám 1885. Mộ phần ở nghĩa trang các thừa sai tại Làng Sông.

04. Cha Constan – Julien Fourmond ( 1878 –1879)
Cha Fourmond đã từng quen biết con người và đất Gia Hựu. Cuối năm 1869, vừa tới Giáo phận Đông Đàng Trong, Cha Fourmond được gởi đến Gia Hựu để học tiếng Việt, đồng thời giúp mục vụ cho Cha F.X. Van Camelbeke cho đến năm 1873, Cha lên đường đi Quảng Ngãi nhận sở Phú Hoà và Trung Sơn. Năm 1878, Cha được bổ nhiệm về Gia Hựu. Đã quen cảnh cũ người xưa, nhưng Cha được làm việc ở đây chỉ có 08 tháng. Cuối năm 1878, Cha về làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Nước Nhỉ.

05. Cha François Marie Geffroy (1879 – 1918)

Trước khi được bổ nhiệm về Gia Hựu, Cha François Marie Geffroy (Cố Bửu) đã quen biết Gia Hựu. Cha  François Marie Geffroy sinh ngày 04.7.1843, thụ phong Linh mục ngày 11.6.1870. Cha xuống tàu tại Marseille vào ngày 10.7.1870, khi đến Đông Đàng Trong, Cha học tiếng Việt tại Xoài, một giáo họ của Gia Hựu. Trong khi chờ nhận nhiệm sở, Cha ở tại Gia Hựu khoảng 02 tháng dưới sự hướng dẫn hằng ngày của Đức Cha Charbonnier.


Cuối năm 1879, từ Khánh Hoà, Cha François Marie Geffroy được bổ nhiệm về Gia Hựu. Việc đầu tiên khi về Gia Hựu, Cha François Marie Geffroy đối diện với nạn đói do hậu quả những trận lụt năm 1878. Cha viết: “ Mỗi sáng, dưới những tán me trên đường từ nhà thờ đến Phước viện có ba, bốn , năm em bé được đặt nằm ở đó từ trong đêm, trong tình trạng lâm tử ”.[19]
Đức thương người đã thúc bách Cha. Cha củng cố Cô Nhi Viện, phân lập nhà cho trẻ nam, nhà cho trẻ nữ. Cha tổ chức khai khẩn đất sản xuất, tạo nghề cho các em làm ăn sinh sống. Các em nam lo việc trồng trọt, nhất là dừa, mía đường, dâu tằm, đào và lúa ruộng. Bên cạnh đó, các em nữ lo việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm, may vá. Thời điểm năm 1884, Cô Nhi Viện nầy có khoảng 200 em cả nam và nữ,. Ngoài việc chăm sóc trẻ mồ côi, Cha Geffroy còn lập nhà tế bần khoảng 20 giường. [20]

Đã theo Chúa Kitô làm sao tránh khỏi thánh giá. Có những thánh giá từ thân phận con người, ốm đau, bệnh tật... Có những thánh giá từ sứ mạng của mỗi người, làm kitô hữu, làm cha, làm mẹ, làm Linh mục, làm Tu sĩ... Cha François Marie Geffroy cùng với giáo hữu Gia Hựu đã được chung phần thánh giá với Chúa Kitô qua cuộc bách hại khốc liệt của phong trào Văn Thân.

Cha François Marie Geffroy đã ghi lại trong bút ký của ngài :“ Những sự việc đau thương của năm bất hạnh nầy luôn đọng lại trong đáy lòng tôi, cho dù nó đã xảy ra gần 30 năm. Nếu tôi được sống cả trăm năm đi nữa, tôi cũng không thể nào quên từng chi tiết nhỏ nhặt ”. Khi nghe tin Văn Thân tàn sát giáo dân và đốt phá các nhà thờ ở Quảng Ngãi. Cha François Marie Geffroy nghĩ đến việc phòng thủ tự vệ. Cha cho làm bờ rào bao quanh nhà thờ, phước viện và cô nhi viện. Tuy nhiên, Cha thấy không đủ an toàn. Cha lên đường đi Đà Nẵng, rồi đi Huế để xin được trợ giúp. Đêm ngày 03 đến sáng ngày 04 tháng 8 năm 1885, từ Đà Nẵng, Cha lên đường về Gia Hựu. Sau 30 năm, Cha xót xa ghi lại : “ Về đến Bồng Sơn, tôi nhìn thấy Giáo xứ Gia Hựu của tôi đã chìm trong biển lửa! Tôi quá tiếc xót cho cuộc ra đi cầu viện của tôi vì không thể cứu được đoàn chiên của tôi, tôi đã khóc.  Ôi đoàn tín hữu đáng thương ! Tại sao tôi không được chết giữa họ để được cứu độ. Trong khi  30 năm sau tôi còn sống, nhưng không chắc cho phần rỗi của tôi”.


Trong cơn nguy biến, rạng sáng ngày 03/8/1885, lúc Cha Geffroy không có ở nhà, Cha Honoré Marie Dupont và Cha Nhứt là hai Cha phụ tá của Cha François Marie Geffroy đã dẫn khoảng 2.000 tín hữu Gia Hựu đi vào Qui Nhơn. Sáng ngày 03/8/1885, quân Văn Thân đã chặn đường và giết chết hai Cha cùng đoàn tín hữu tại cánh đồng Phú Trăng[21], cách Gia Hựu khoảng 20km về hướng Nam.[22]
Tại Bàu Giêng, các tín hữu bị Văn Thân thiêu sống tại nhà thờ và tại Vườn Tre. [23] Trong số các tín hữu bị thiêu hôm ấy, có một người mẹ đã gởi đứa con trai của mình chưa đầy một năm tuổi cho một người bạn lương dân. Bé trai ấy được thoát chết và được ông Trùm Quyên nhận làm con nuôi. [24] Bé trai ấy tên là Phêrô Lê Chỉ. Phêrô Lê Chỉ được đổi tên là Phêrô Lê Châu, để nhớ rằng Châu là hạt ngọc kết tinh từ nước mắt và máu đào của cha mẹ họ Lê đã bị sát tả ở Bàu Giêng. Phêrô Lê Châu lớn lên và đi tu, thụ phong Linh mục năm 1913.
Sau những biến cố bi thương ấy, Cha Geffroy trở về và từng bước tái thiết lại Gia Hựu. Trước biến cố Văn Thân, Gia Hựu có khoảng 3.000 giáo dân, sau biến cố Văn Thân chỉ còn lại khoảng 800 người. Khi đúc quả chuông lớn cho Gia Hựu vào năm 1905, Cha Geffroy cho khắc ghi trên vành ngoài quả chuông với hàng chữ  La tinh, có nghĩa là “ khi đi 3.000 lúc về 800” để ghi nhớ sự kiện nầy.
Một trong những công việc mà Cha Geffroy chú trọng sau biến cố Văn Thân là thu gom hài cốt các tín hữu bị Văn Thân giết hại. Ông Phạm Thuần là người được Cha Geffroy giao phó trọng trách nầy. Cha Geffroy cho lập nhà mồ tại Gia Hựu, Thác Đá, Đồng Quả, Nước Nhỉ để đặt hài cốt các vị được gom về.


Hơn 2.000 tín hữu đã được chôn vùi trong lòng đất như hạt giống được gieo theo định luật sự sống mà Đức Kitô đã công bố: “ Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Thế nhưng 20 năm sau, nhờ tài truyền giáo khéo léo của Cha Geffroy và ba cha phó, vào năm 1905, con số giáo dân gia tăng lên 4.954 người (143 người lớn được rửa tội, và 531 trẻ em ngoại giáo), trong số đó có một ông bá hộ, một người được trọng vọng trong khắp miền. Điều này rất hiếm khi xảy ra.[25]
Tháng giêng năm 1908, vùng Tân Long, phía Đông Nam Giáo xứ Gia Hựu dự định được tách khỏi Gia Hựu để lập thành địa sở Tân Long, nhưng sau đó nhập về địa sở Hội Đức của cha Vallet.[26] Vừa do chia cắt, vừa do sự kiện số tân tòng còn yếu đức tin đã tuyên bố bỏ đạo vì sợ Văn Thân tái diễn, do đó, thống kê năm 1910, Gia Hựu có 1.804 giáo dân trong 08 giáo họ.
 
Làm việc lành chỉ vì Chúa; Chỉ yêu mến duy một mình Chúa; Chỉ tìm kiếm và thực thi ý muốn của Chúa thôi ”.  Với châm ngôn sống đó, sau 38 năm Cha François Marie Geffroy đồng hành, ôm ấp, yêu thương phục vụ đoàn chiên của Chúa tại Gia Hựu. Hồi 11 giờ 30 tối ngày 25 tháng 01 năm 1918,  sau khi cử hành thánh lễ, ăn trưa, đọc giờ kinh nhỏ, bố thí cho một người nghèo, cha François Marie Geffroy lịm dần và đã trút hơi thở cuối cùng ở giữa đàn chiên. Ngài đã mất đi sau 48 năm làm việc tông đồ, không một lần trở về Pháp, không một ngày đi dưỡng bệnh. Thân xác Cha được yên nghỉ đợi ngày phục sinh tại chân nhà mồ Gia Hựu mà Ngài đã xây dựng.


Trong báo cáo số 1050, Đức cha Grangeon viết : « Nằm ở phía bắc, giáo xứ đầu tiên là Gia Hựu, xứ đông giáo dân nhất trong miền truyền giáo, với 7.019 giáo hữu và 40 địa điểm. Với sự giúp đỡ của cha Le Darré và 3 linh mục bản xứ, cha Geffroy, vị niên trưởng đáng kính, đã truyền giáo cho cả vùng nầy từ 25 năm qua. Hơn ai khác, ngài đã nỗ lực vực dậy vùng đất này từ đống tro tàn của cơn bách hại, làm dấy lên phong trào cải đạo, xứng đáng với danh hiệu mà người ta gán cho ngài: «Thượng phụ Bồng Sơn » (Patriarche de Bồng Sơn).[27]

- Cha Jean-Donat Maillard (1851-1907), thụ phong linh mục ngày 27/8/1876, nhập hội truyền giáo (MEP) ngày 11/7/1881 và đến Đông Đàng Trong ngày 12/4/1882. Đầu tiên ngài làm việc tại Vĩnh Minh và năm 1883 làm cha phó Gia Hựu và chỉ 1 năm sau ngài nhận xứ Phú Thượng (năm 1884).
- Cha Stêphanô Phan Văn Bính (1892-1959), gốc Cảnh Hàn, Đại An, làm thầy giúp xứ Gia Hựu năm 1917.[28]

06.  Cha Pierre Marie Le Darré  ( 1918 – 1928 )
Tháng 3 năm 1918, Cha Pierre Marie Le Darré (Cố Châu) được bổ nhiệm về Gia Hựu, kế nhiệm cha Geffroy đã điều hành giáo xứ này trong 40 năm. Cha Le Darré đã thiết dựng các cơ sở vật chất : nhà xứ khang trang, rộng rãi, thoáng mát; nhà thờ uy nghi với những kính màu lộng lẫy có in hình các thánh và một tháp cao. Cột trụ, bàn thờ, cửa ra vào đều được chạm trổ công phu. Công việc chạm trổ nầy do ông Võ Trước (câu Nên) thực hiện. Tháng 11-1924, mái nhà thờ được hoàn thành, phủ lợp bằng tấm fibro-ciment. Ngày 25-8-1926, Đức Giám Mục Giáo phận long trọng làm phép nhà thờ. [29] Cha cũng xây dựng các nhà nguyện cho các họ nhánh. Sau 10 năm dày công chăm sóc Gia Hựu, tháng 08-1928, Cha Pierre Marie Le Darré được bổ nhiệm làm Cha sở Dinh Thủy, Phan Rang. Trong thời gian ở Dinh Thủy, Cha còn gởi về cho nhà thờ Gia Hựu toà giảng được chạm trổ công phu, bốn mặt có phù điêu chân dung bốn Thánh sử và bốn con vật biểu tượng.
Tưởng nhớ công ơn Cha François Marie Geffroy (Cố Bửu ) và Cha Pierre Marie Le Darré ( Cố Châu ), giáo dân Gia Hựu khắc hai câu đối cẩn xà cừ trên nền gỗ mun, đặt tại phòng khách nhà xứ  với nội dung :
         
         
Cột thờ Châu chói lói chốn nam Gia
      
Nền thánh Bửu lẫy lừng an cảnh Hựu.


Thư báo cáo năm 1925 của Đức cha Mgr. Grangeon Mẫn nói rằng trận bão ngày 23 tháng 10 năm 1923 đã thổi bay các cửa lớn và cửa sổ của nhà thờ Gia Hựu.
Cha Darré không bao giờ ngại khó khi đòi hỏi sự công bằng, Cha đã nhiều lần đi Huế để khiếu nại. Ngài rất gắn bó với xứ này mong muốn được an nghỉ bên cạnh vị tiền nhiệm nơi mộ tử đạo 1885. Giáo dân cũng rất yêu mến ngài.

07. Cha François Marie Jamet  (1928 – 1945 )


Các cơ sở vật chất tại Gia Hựu đã được Cha Geffroy kiến thiết tương đối ổn định. Cha François Marie Jamet  chú tâm xây dựng đền thờ tâm hồn cho tín hữu Gia Hựu. Cha Jamet rất chừng mực và mẫu mực trong mọi công việc. Đều đặn hằng tháng một lần Cha về Qui Nhơn để thăm và trao đổi kinh nghiệm với các Cha bạn, đặc biệt Cha Marius Julien Jean.
Tháng 04-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Cha Jamet cũng như các Linh mục, Tu sĩ  gốc Châu Âu được tập trung quản chế tại Toà Giám Mục. Tháng 08-1945, Việt Minh dành chính Quyền, Nhật rút quân. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thuộc quyền Việt Minh nên tất cả thừa sai bị trục xuất. Các thừa sai được đưa ra Huế, sau đó về Nha Trang. Cha Jamet đến Hộ Diêm làm việc với Cha Gauthier.  Trong khi Cha Jamet bị trục xuất khỏi Gia Hựu, Cha Phêrô Nguyễn Đức Mân , Cha phó Gia Hựu xử lý công việc Giáo xứ.

08. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (1945 – 1951)
Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu là Linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Cha sở Gia Hựu. Khi về Gia Hựu, Cha lo ổn định tinh thần và các sinh hoạt đạo đức bị xáo trộn do những chính biến vừa xảy ra. Cha Lưu mở trường Đặng Đức Tuấn thu nhận học sinh trong vùng. Cha đóng một số bàn ghế cho nhà thờ, trước đó nhà thờ chưa có bàn ghế, giáo dân ngồi trên chiếu. Theo sổ rửa tội, bút ký ngày 21-5-1951 là bút ký cuối cùng của Cha Lưu tại Gia Hựu.

09. Cha Đôminicô Châu Phận  (1951 –1953 )
Bút ký trong sổ rửa tội ngày 29-5-1951 là bút ký đầu tiên của Cha Đôminicô Châu Phận tại Gia Hựu. Trước khi được bổ nhiệm làm Cha sở Gia Hựu, Cha Phận đã làm Cha phó Gia Hựu trong thời điểm năm 1933-1934. Trong thời gian Cha Phận làm Cha sở Gia Hựu, nhà trường Đặng Đức Tuấn phải đóng cửa vì không có kinh phí trang trải, mọi nguồn thu của Giáo xứ phải dành để nộp thuế nông nghiệp. Năm 1953, Cha Phận được bổ nhiệm làm Cha sở Hoa Châu, Phú Yên.

10. Cha Giuse Nguyễn Khắc Miễn (1954-1956)
Cha Giuse Miễn đã an dưỡng tại Gò Xoài từ năm 1946. Theo sổ rửa tội của Gia Hựu, bút ký đầu tiên của Cha Miễn khi rửa tội cho một em tên F.X. An tại nhà thờ Gò Xoài vào ngày 06-02-1946. Cũng theo sổ rửa tội nầy, hầu hết những lần ban bí tích Rửa tội tại nhà thờ Gò Xoài đều do Cha Miễn cử hành. Năm 1954, Cha Miễn về Gia Hựu thay thế Cha Phận.

11. Cha Phêrô Trần Anh Tước  (1956-1958)

Sau gần hai năm chăm sóc mục vụ tại Gia Hựu, Ngày 30-01-1958, Cha Phêrô Trần Anh Tước và giáo dân Gia Hựu vui mừng đón nhận Quyết định của Đức Giám Mục Giáo phận nâng lên hàng Giáo xứ bán chính thức (Quasi Paroisse) các nơi sau đây : Gia Hựu, Nhà Đá, Gò Thị, Qui Nhơn, Mằng Lăng, Cù Và, Trà kiệu, Đà Nẵng. Kể từ đây, các Cha sở và các Giáo xứ nầy có Quyền lợi và nghĩa vụ riêng như đã chỉ trong Giáo luật. [30]
Trong bầu khí vui mừng nầy,  Cha Tước đã thành lập giáo họ Tấn Châu và rửa tội cho 52 tân tòng. Tấn Châu là tên ghép từ hai xóm Tấn Lộc và xóm Châu Me, ngày nay thuộc xã Phổ Châu, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Tháng 8-1958, Cha Tước được bổ nhiệm làm Cha sở Xuân Thạnh ( Bà Rén ), Quảng Nam.

12. Cha Gioakim Nguyễn Du  (1958-1964)

Song song với việc hướng dẫn giáo dân Gia Hựu sống đức tin và đức ái, Cha Gioakim Nguyễn Du đã thành lập giáo họ Lương Thọ (thuộc xã Hoài Phú), chỉnh trang nhà thờ, xây dựng hang đá Đức Mẹ, mở lại trường Đặng Đức Tuấn. Học sinh trung tiểu học trong vùng đến trường rất đông. Theo bảng thông kê học vụ Giáo phận Qui Nhơn niên khoá 1963-1964, tại Gia Hựu có 520 học sinh tiểu học trong 16 lớp; 149 học sinh trung học đệ nhất cấp trong 03 lớp. Đây là một con số không khiêm tốn trong bảng thống kê nầy.[31]
Thực hiện ý muốn của Đức Giám Mục nhằm phục vụ cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận, Cha Du mở trường đào tạo thầy giảng tại Gia Hựu . Tháng 07 năm 1960, khóa đầu tiên khai giảng được 48 thầy, Cha Gioakim Nguyễn Du và Cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh phụ trách .
Ngày 06-02-1961, Gia Hựu được chính thức nâng lên hàng Giáo xứ cùng với 48 Giáo xứ khác trong Giáo phận. Lúc bấy giờ Giáo xứ Gia Hựu đã có 3.586 giáo dân trong 12 giáo họ :

 
STT GIÁO HỌ BỔN MẠNG NGÀY
01 Bàu Giêng Thánh Giuse 19/3
02 Hy Thế Đức Mẹ đi viếng 31/5
03 Hy Văn Thánh Gioan tẩy giả 24/6
04 Thành Sơn Thánh Tâm Chúa Giêsu *
05 Kim Bồng Thánh Phêrô và Phaolô 29/6
06 Gò Xoài Đức Mẹ Cát Minh 16/7
07 Tấn Châu Thánh Gioakim và Anna 26/7
08 Cự Tài Thánh Têrêxa Hài Đồng 01/10
09 Gia Hựu Đức Mẹ Mân Côi 07/10
10 Lương Thọ Thánh Phanxicô Xaviê 03/12
11 Cẩn Hậu Đức Mẹ Vô Nhiễm 08/12
12 Phú Mỹ Thánh Gia Thất *

Ghi chú : Bổn mạng Giáo xứ Gia Hựu : Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, mừng vào ngày 15 tháng 8 hằng năm. Ngày mừng bổn mạng các giáo họ có dấu (*) là không cố định, vì theo lịch phụng vụ, những ngày lễ nầy không cố định ngày nào trong năm.

Theo thống kê tất niên hằng năm trong lịch Công giáo Địa phận Qui Nhơn và Đà Nẵng, năm 1966 là năm cuối cùng Giáo xứ Gia Hựu có tên trong bảng thông kê với số giáo dân 4.714 người. Thực ra, từ tháng 10 năm 1964, giáo dân Gia Hựu đã ồ ạt di cư vì chiến tranh đã bùng nổ trên vùng đất nầy. Hầu hết giáo dân di cư tập trung tại các xứ thuộc thị xã Qui Nhơn, phần lớn ở trại tiếp cư Khu Sáu.  Năm 1967, Cha Gioakim Nguyễn Du và một số giáo dân đã về thăm lại Gia Hựu. Cha đã bàn định việc hồi cư nhưng không thể thực hiện được vì cường độ chiến tranh ngày càng ác liệt. Từ năm 1968 –1972, bom đạn cày xéo, tàn phá tất cả cơ sở vật chất của Gia Hựu. Những lũy tre làng, rừng dừa cao xanh bạt ngàn, nhà thờ, nhà vuông, trường học, cô nhi viện, phước viện, nhà cửa cư dân... tất cả đều bình địa.

Sau ngày 30-4-1975, một vài giáo dân hồi cư. Số giáo dân ít ỏi nầy cho đến nay vẫn được các Cha sở Đại Bình chăm sóc mục vụ.

Hiện nay [32], tại Gia Hựu có 27 giáo dân; Kim Bồng có 11 Giáo dân. Trong các giáo họ khác có một số ít giáo dân sống âm thầm “đạo tại tâm”.



CÁC LINH MỤC PHỤ TÁ 


 
STT HỌ TÊN THỜI CHA SỞ  
01 Cha Jean Maillard Cha François Marie
Geffroy
 
02 Cha Nhứt  
03 Cha Honoré Dupont  
04 Cha Phêrô Phan Văn Niêm  
05 Cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ  
06 Cha Gioakim Đến  
07 Cha Phêrô- Matthêu Nhuận  
08 Cha J.B. Nguyễn  Hộ  
09 Cha Anrê Cậy  
Cha Pierre Marie
Le Darré
 
10 Cha Stêphanô Phan văn Bính  
11 Cha F.X. Tuyên  
12 Cha J.B. Nguyễn Khắc Trung  
13 Cha F.X. Sanh  
14 Cha  Simon Tôn  
15  Cha Simon Nguyễn Đức Luận Cha François Marie
Jamet
 
16 Cha Phaolô Bường  
17 Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư  
18 Cha Philip Nguyễn Anh Thọ  
19 Cha Phêrô Nguyễn Đức Mân  
Cha Phêrô Lưu  
20  Cha Gioakim Đoàn Kim Hiền Cha Giuse Miễn  

CÁC TU SĨ PHỤC VỤ TẠI GIA HỰU

 Các Dì thuộc Phước Viện Gia Hựu là những Nữ Tu Mến Thánh Giá đã cống hiến không ít công sức cho việc phát triển đời sống của dân Chúa tại Giáo xứ Gia Hựu. Các Dì đã nhẫn nại đảm đang chăm sóc trẻ em mồ côi, dạy giáo lý, thăm viếng, an ủi... trong suốt dòng lịch sử phát triển Gia Hựu. Âm thầm và tận tình là nét phong cách phục vụ của các Dì đã đọng lại trong ký ức của con dân Gia Hựu. Bà nhứt Thục, Dì Diễn. Dì Tiếc, Dì Nghị, Dì Thân, Dì Từ , Dì Thâm là những Dì thuộc thế hệ sau cùng của Phước Viện Gia Hựu.

Trong thời điểm từ sau khi Dòng Thánh Giuse và Dòng Mến Thánh Giá canh tân được thành lập trong Giáo phận cho đến năm 1964 [33], đã có 14  Sư huynh Dòng Thánh Giuse và 18 Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá canh tân đến làm việc mục vụ tại Giáo xứ Gia Hựu.
Ngoài các Tu sĩ còn có các Thầy giảng  và các Thầy Đại Chủng Viện thực tập mục vụ tại Giáo xứ .

III. LINH MỤC, TU SĨ
XUẤT THÂN TỪ GIA HỰU

Với chiều dài lịch sử của Giáo Xứ Gia Hựu và thiếu thốn tài liệu lịch sử về các Linh mục và Tu sĩ,  do đó việc thống kê đầy đủ Linh mục và Tu sĩ xuất thân từ Giáo xứ  là một việc khó khăn . Tuy vậy, chúng ta có thể thống kê các Linh mục và Tu sĩ đã sinh quán tại Giáo xứ Gia Hựu từ thời Cha Giuse Phạm Ẩn Sĩ chết năm 1862, đến Cha Phêrô Nguyễn Hoà Lang sinh năm 1961.

CÁC LINH MỤC


 
STT HỌ TÊN SINH QUÁN HIỆN TẠI
       
01  Giuse  Phạm Ẩn Sĩ Tam Quan … 1862
02  Gioakim Đặng Đức Tuấn Gia Hựu … 1874
03 Cha Trang Gia Hựu … 1885
04 Cha Khương Gia Hựu …
  Cha Hi Bàu Giêng … 1880
05 Phêrô Lê Châu Bàu Giêng …
06 Tôma Bùi Đức Gò Xoài … 1974
07 Gioakim Nguyễn Thủ Gò Xoài …
08 Micae Bùi Công Bá Gò Xoài … 1949
09 Matthêu Trịnh Hoà Đại Gia Hựu … 1962
10 Phêrô Trịnh Hoài Ân Gia Hựu … 1979
11 Gioakim Bùi Vĩnh Mười Gò Xoài … 1957
12 Antôn Nguyễn Anh Thuận Bàu Giêng … 1989
13 Phaolô Trương Đắc Cần Gia Hựu  Qui Nhơn
14 Giuse Nguyễn Hữu Ngợi Gò Xoài … 1962
15 Đamianô Phan Châu Đại Gia Hựu    S.V.D
16 Anrê Nguyễn Bá Đương Kim Bồng Tân Đảo
17 Inhaxiô Huỳnh Đắc Nhì Gò Xoài … 1997
18 Giuse Nguyễn Chính Gò Xoài Hoa Kỳ
19 Phêrô Bùi Huy Bích Gò Xoài … 1997
20 Phaolô Lê Văn Nhơn Gia Hựu  Qui Nhơn
21 Phêrô Huỳnh Ngọc Luận Gò Xoài Bà Rịa
22 Phaolô Lương Minh Chánh Gia Hựu Úc
23 F.X. Huỳnh Tấn Hải Gò  Xoài Na Uy
24 Phaolô Phạm Hữu Ý Gia Hựu Na Uy
25 Phaolô Trịnh Duy Ry Gia Hựu  Qui Nhơn
26 F.X. Lữ Minh Điểm Bàu Giêng  Qui Nhơn
27 Phaolô Nguyễn Công Trứ Gia Hựu Úc
28 Raphael Võ Đức Thiện Thành Sơn Úc
29 Phaolô Nguyễn Minh Chính Gia Hựu Qui Nhơn
30 Antôn Pađua Bùi Kim Phong Xoài Rôma
31 Giuse Nguyễn Đình Nhiệm Gia Hựu Xuân Lộc
32 Giaxintô Võ Thành Châu Thành Sơn S.V.D
33 Phêrô Nguyễn Văn Thái Cẩn Hậu Buôn Ma Thuột
34 F.X. Trịnh Hữu Hưởng Gia Hựu Nha Trang
35 Gioan Võ Đình Đệ Thành Sơn Qui Nhơn
36 Phanxicô Assisi  Bùi Sĩ Khuê Gò Xoài Hoa  Kỳ
37  Phêrô Nguyễn Hoà Lang Gia Hựu Nha Trang
38 Cao Thanh Trí   SVD
39 Phêrô Bùi Huy Ngọc Gò Xoài Qui Nhơn
40 Lê Minh Long   Đà Lạt

- Thầy Phaolô Thắm, sinh năm 1865 tại họ Bến Đá, địa sở Gia Hựu. Năm 1885 sang học ở Pinăng, về giúp Gò Thị, Đồng Quả, Tân Dinh, Đồng Hâu, nhà trường Làng Sông, Cù Và. Chết ngày 29/11/1912.
- Thầy Benoit Đa chết tại Gia Hựu ngày 5 tháng Tư 1927. Thầy học xong Triết học vào năm 1925. Được đặt làm thầy giám thị trường Làng Sông, nhưng vì bị bệnh nên được gởi đến Gia Hựu vào tháng Chín 1926. Sinh năm 1901, thầy gốc họ Nước Nhỉ. (Mé. Mai 1927, tr. 37)

CÁC TU SĨ


 
STT HỘI DÒNG SỐ TU SĨ
01 Thánh Giuse 04
02 Mến Thánh Giá Qui Nhơn 08
03 Thánh Phaolô ( Đà Nẵng ) 03
04 Khiết tâm Đức Mẹ 02
05 Thừa Sai Bác Ái 02
06 Con Đức Mẹ Vô Nhiễm 01

IV. ĐOẠN KẾT

Sau 10 năm chiến tranh quá nghiệt ngã, giáo dân Gia Hựu đã ly hương. Sau hơn 30 năm chiến tranh chấm dứt,  những lũy tre làng và rừng dừa nay đã cao xanh, tiếng xào xạc của lá dừa và tiếng cót két của lũy tre đang thay cho tiếng chuông, tiếng trống nhà thờ. Trong khi di cư, giáo dân Gia Hựu đã ổn định đời sống nơi vùng đất mới. Hiện nay tại Gia Hựu chỉ có 22 giáo dân trong 07 gia đình Công giáo, như đóm lửa giữa bao gió ngàn.

Một phần Hang Đá Đức Mẹ và phần lõi Nhà Mồ đã cố bám víu chịu đựng với đạn bom, với bão giông, với mưa nắng, với thời đại lịch sử, như tiếng nói của cha ông cho các thế hệ con cháu biết cha ông mình đã từng sống chết vì đức tin trên vùng đất Gia Hựu nầy.
Giáo dân Gia Hựu sống tha hương, Hội Đồng Hương Gia Hựu đã ra đời. Ngày 15-08-1995, Hội Đồng Hương Gia Hựu họp mặt đầu tiên tại nhà thờ Hoà Nghĩa, Giáo phận Nha Trang. Cho đến nay, vào ngày 15-08 hằng năm là ngày đoàn tụ truyền thống của con cháu giáo dân gốc Gia Hựu sống tha hương.

Trong ý hướng nhiệm mầu của Thiên Chúa, Gia Hựu có mất mát, âu cũng là để cho một phần Nhiệm Thể nào đó của Hội Thánh được phong phú. Gia Hựu có hồi sinh được, đó là việc của Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Thánh Thần  ! xin hãy đến.

 
 
[1] Tức là Bàu Gốc thuộc tỉnh Quảng Ngãi mà cha Đắc Lộ gọi là baoban
[2] Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, 2008, tr. 74.
[3] Lê Qui Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Việt
Nam, Hà Nội, 1964, tr. 120
[4] Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, MEP, 2000, tr. 193
[5] Sđd, tr. 310
[6] Vị thừa sai đến sau hai vị kia
[7] Marie Antoine Trần Phổ Ofm, Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam Lược khảo lịch sử, tr. 90-92.
[8] Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, MEP, 2000, tr. 189. Theo bảng thống kê nầy, cho tới thời điểm năm 1747, phần đất của tỉnh Qui-ning (Qui Nhơn) do hai nhóm thừa sai phụ trách : Phía Bắc thuộc thừa sai Phanxicô; phía Nam (Nước Mặn, Nước Ngọt, Gò Găng, Gò Thị, Kỳ Sơn, Diêm Điền …) thuộc thừa sai MEP. Tỉnh Quảng Ngãi thuộc các cha Dòng Tên. Tỉnh Phú Yên thuộc các cha MEP.
[9] R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. Làng Sông, 1907, p. 28.
[10] Notice biographique Cuénot, MEP
[11] R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. Làng Sông,1907, p. 52 .
[12] R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. Làng Sông,1907, p. 28, 64-65
[13] Mm. No.58, 31 Oct 1909, p. 151
[14] -MEP. Archives, Notice biographique 1062, François Marie Geffroy.
[15] -R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. Làng Sông, 1907, p.78.
    -MEP.Archives, Notice biographique 0642, Herrengt Charles Ferdinand
[16] -MEP. Archives, Notice biographique 0695, Roy Jean Claude.
[17]-MEP. Archives, Notice biographique 0570, Charbonnier Eugène   Etienne.
[18] -MEP. Archives, Notice nécrologique, Croc Yves Marie.
[19] MEP. Archives, Notice biographique 1062.
[20] Mgr. Van Camelbeke, Rapport de 1884.
[21] Thuộc thôn Đệ Đức III, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn. Cánh đồng nầy toạ lạc giữa trụ cây số Km 1141 cách Hà Nội 969 km, cách thành phố HCM 750 km và trụ cây số  km 1142 cách thị trấn Bồng Sơn 03 km, cách Quảng Ngãi 85 km.
[22] MEP. Archives, Notice nécrologique François Marie Geffroy.
[23] Vườn Tre là một mảnh vườn có tre bao chung quanh thuộc thôn An Đổ.
[24] Trùm Quyên tên thật là Trịnh Xuyến. Ông Trùm tháp tùng Cha Geffroy đi Huế. Vợ và hai con gái ở nhà bị sát hại tại cánh đồng Phú Trăng. Ông tái hôn và sinh được được 05 người con. 02 người con trai làm Linh mục là Linh mục Matthêu Trịnh Hoà Đại và Linh mục Phêrô Trịnh Hoài Ân.
[25] Rapport n ° 669. Mgr Grangeon
[26] Mm. 01/1908, p. 01.
[27] Rapport n ° 1050, Grangeon
[28] Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn, số 9, tháng 1 & 2, 1958, tr. 30
[29] Mm. 08/1926, p. 39.
[30] Thông tin địa phận số 03/1958, tr. 03.
[31] TTĐP. Số 43, tháng 7/1964, trang 10-11.
[32]  Năm 2005

[33]  Khoảng 30 năm

Tác giả bài viết: BTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay24,976
  • Tháng hiện tại550,003
  • Tổng lượt truy cập28,865,372

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây