Lược sử giáo xứ Gò Dài

Thứ ba - 24/11/2020 19:09

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ GÒ DÀI
 

godai bando


I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN
Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Gò Dài tọa lạc tại xóm Gò Dài, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Địa bàn của giáo xứ bao gồm xóm Gò Dài và một phần xóm Trường Giang (quen gọi là xóm Mới) của thôn Xuân Phương, thôn Lộc Thượng, thôn Dương Thiện và hai thôn Vinh Quang 1 và Vinh Quang 2 của xã Phước Sơn. Đó là phần đất thấp trũng chiếm phân nửa diện tích phía Đông của xã Phước Sơn, được tạo nên do hiện tượng sa bồi của các con sông từ nguồn tuôn xuống, một hiện tượng chung của những miền ven biển tỉnh Bình Định, với một địa hình giống như chiếc máng xối chúc đầu về phía Đông. Mùa mưa lũ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, nước tràn xuống chảy xiết như thác đổ, cuốn đi lớp đất màu, theo dòng sông Kôn đổ vào đầm Thị Nại nhuộm màu trắng đục. Bởi vậy, lòng đầm phía Tây và phía Bắc (có các cửa sông) cạn dần thành những bãi bùn, những cồn cát, những mảng rừng nước mặn; cứ thế, đất liền mỗi ngày một lấn dần về phía Đông.

Trong bối cảnh địa lý ấy, địa danh "Gò Dài" khiến ta liên tưởng đến hiện tượng đất bồi ở những vùng sông nước. Vùng sông nước ở đây là hạ nguồn sông Kôn với những hạ lưu đổ vào đầm Thị Nại. Ở phía Nam, một hạ lưu nhỏ của sông Kôn chảy dọc theo ranh giới của xã Phước Hòa và xã Phước Sơn. Lượng phù sa của nhánh sông này tạo nên những gò đất, trong đó có Gò Thị. Sau khi tạo nên Gò Thị, nhánh sông uốn lượn một vòng cung để nhập vào nhánh sông phía Bắc, còn gọi là sông Gò Bồi, để chảy vào đầm Thị Nại. Tuy nhiên, vì sức nước mạnh trong mùa mưa lũ, nên tại khúc sông uốn lượn, một phần lượng nước phải tạo ra một dòng chảy khác để giảm bớt áp lực và cũng đổ về đầm Thị Nại. Lượng phù sa của nhánh sông nhỏ này đã tạo ra một gò đất khá dài nằm dọc theo con sông, đó là Gò Dài.

Trong những mùa lụt lớn, nước tràn xuống cánh đồng Kim Trì, phá vỡ các bờ của khúc sông từ Gò Thị chảy vào sông Gò Bồi, tạo thành những đám cát bồi trên cánh đồng Trường Giang và người dân đã đến lập cư trên đó, tạo nên xóm Mới. Trước năm 1975, cư dân xóm Mới hầu hết là những người dân Gò Dài, nhưng về sau ngày càng có nhiều người từ Gò Thị đến lập cư tại đó. Phần đất của các thôn Dương Thiện, Lộc Thượng và Vinh Quang cũng là kết quả của hiện tượng đầm Thị Nại bị lấp đầy do lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về.

Nguồn thu nhập truyền thống của người dân trong địa bàn xóm Gò Dài và các thôn Lộc Thượng, Dương Thiện và Vinh Quang chủ yếu dựa trên việc canh tác lúa nước, nhưng mỗi năm chỉ được hai vụ mùa, vì mùa lũ lụt thường đến sớm. Ngoài ra còn có nghề đánh cá trên đầm Thị Nại, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên ngày nay việc canh tác lúa không có thu nhập cao và nghề đánh cá ngày càng giảm thiểu, nên phần lớn người trẻ bỏ quê đến thành phố tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đặc biệt có đảo Cồn Chim nằm giữa đầm Thị Nại, trước kia thuộc thôn Dương Thiện, nay thuộc thôn Vinh Quang 2, với khoảng 100 hộ dân và hơn 1.000 nhân khẩu, tạo nên "làng chài ốc đảo" độc đáo giữa đầm phá. Thời gian đầu, một số ngư dân hành nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thị Nại chọn cồn làm nơi nghỉ chân khi trưa nắng hoặc ẩn nấp lúc sóng gió. Trải qua năm tháng, họ chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống để thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy sản. Ngày nay Cồn Chim đã được quy hoạch xây dựng phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của đầm Thị Nại. Ngoài vẻ đẹp hệ sinh thái đa dạng với các loài thủy sản có giá trị, thảm cỏ biển ngày càng được phục hồi và phát triển, quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú về đây theo mùa. 

 

godai


II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
1. Giai đoạn trực thuộc giáo xứ Gò Thị
- Từ thuở ban đầu đến năm 1905
Khi gò đất phù sa có tên gọi là Gò Dài được dòng sông tạo thành, có lẽ những người dân đầu tiên và cũng là những tín hữu đầu tiên đến đây lập cư là những người đang sống tại Gò Thị. Theo báo cáo của Đức cha Stêphanô Cuenot Thể gửi Tòa thánh và Hội Thừa sai Paris, vào năm 1850 vùng đất thuộc giáo xứ Gò Thị ngày nay có: Gò Thị 750 tín hữu, Gò Dài 442 tín hữu. Đây là 2 trong số 17 giáo điểm lúc bấy giờ thuộc hạt Tam Thuộc. Từ đó lịch sử của Gò Dài gắn liền đến độ gần như đồng nhất với Gò Thị.[1]

Trong thời gian Đức cha Stêphanô Cuenot Thể lập Tòa Giám mục tại Gò Thị, nhiều chức việc hoặc giáo dân có uy tín là những cánh tay nối dài của ngài trong các công việc mục vụ. Ông Trùm Cả Anrê Nguyễn Kim Thông là người thân tín nhất của Đức cha, nhưng bên cạnh đó còn có ông Bảy Lượng ở Gò Thị và ông Xã Khoa ở Gò Dài. Sau đó, trong cơn bách hại dưới triều vua Tự Đức, khi ông Trùm Cả Kim Thông bị bắt, thì ông Xã Khoa và ba giáo dân khác cũng bị bắt và bị lưu đày cùng với ông Trùm năm 1855.

Năm 1885, khi nghe tin quân Văn Thân mở cuộc truy bắt và tàn sát các tín hữu, giáo dân Gò Dài cùng với giáo dân các họ đạo trong địa sở Gò Thị theo sự hướng dẫn của cha sở là cha Jean Martin Bạch chạy xuống Qui Nhơn lánh nạn. Trên đường lánh nạn, cha Jean Martin Bạch đã ngã bệnh và qua đời. Theo lời tường thuật của các cụ xưa, có một số ít người vẫn ở lại vì không kịp nghe thông báo hoặc nghĩ rằng không đến nỗi cấp bách. Hầu hết những người ở lại đã bị tàn sát, trừ một ít người chạy thoát được.

Sau khi cơn bách hại chấm dứt, đến tháng 7 năm 1887 các tín hữu mới có thể trở về quê sinh sống. Năm 1887, cha Etienne Vivier Huệ, thay thế cha Jean Martin Bạch làm cha sở Gò Thị. Công việc trước tiên của cha là lo cho các tín hữu tạo lập lại nhà cửa đã bị Văn Thân thiêu hủy và thu hồi lại ruộng đất đã bị người ngoại chiếm dụng. Cha còn mở mang thêm các họ đạo cũ, kêu gọi người ngoại trở lại. Lúc bấy giờ Gò Dài là một trong số 4 họ đạo kỳ cựu của địa sở Gò Thị có số giáo dân gia tăng nhiều hơn trước cuộc tàn sát của Văn Thân. Từ năm 1890 đến năm 1905, địa sở Gò Thị có thêm 8 họ đạo mới, trong số đó có họ đạo Phước Thiện và Vinh Quang, nay thuộc giáo xứ Gò Dài.[2] Từ cuối năm 1904 có cha Charles Dorgeville đến học tiếng Việt tại Gò Dài, trước khi được đưa đi làm cha phó Đồng Quả năm 1905.

- Từ năm 1905 đến 1956
Công việc truyền giáo đang phát triển mạnh thì năm 1908 trong Địa phận xảy ra phong trào bỏ đạo do những biến cố chính trị xã hội quốc tế cũng như quốc nội gây ra, khiến cho một số tân tòng sợ quá mà bỏ đạo: cụ thể là tại họ đạo Phước Thiện và Vinh Quang có mộ số gia đình bỏ đạo. 

Thời cha Jean Baptiste Solvignon Lành làm cha sở Gò Thị (1920-1934), ngài đem lại sức sống mới cho địa sở. Ngài đưa những gia đình bỏ đạo ở Vinh Quang và Phước Thiện về lại với Hội Thánh. Cha Solvignon cũng tích cực trong việc mở trường sơ học yếu lược trong toàn địa sở. Ngày 13 tháng 5 năm 1924, Đức cha Grangeon Mẫn ra thư chung buộc mỗi địa sở phải mở trường sơ học, thì trong địa sở Gò Thị đã có 9 trường, trong đó có một trường ở Gò Dài và một trường ở Phước Thiện. Dưới thời cha Solvignon Lành có 3 thừa sai đến học tiếng Việt tại Gò Dài, đó là cha Crétin Xuân vào năm 1923, cha Joseph Victor Clause Hồng từ năm1926 đến 1927 và cha Paul Georges Valour Lực từ năm 1932 đến 1933.

Theo thống kê của Địa phận Qui Nhơn năm 1940, họ đạo Gò Dài có 462 giáo dân, họ đạo Phước Thiện 192, họ đạo Vinh Quang 57, tổng cộng: 711 giáo dân.[3] Sự phát triển của các họ đạo Gò Dài và Phước Thiện không những nhờ công lao của các cha sở, mà còn nhờ sự đóng góp nhân lực tài lực của những cá nhân và gia đình cốt cán trong họ đạo.

Những người có công xây dựng họ đạo Gò Dài là con cháu ông Huỳnh Hữu Toàn, thường gọi là ông Thủ Quơn. Bốn người con trai ông đều lập cơ sở ở họ Gò Dài. Con cháu ông đã góp công cúng của để xây dựng họ đạo và người nào cũng có con cháu làm linh mục hay tu sĩ. Những khuôn mặt lớn là ông Huỳnh Khánh, tức ông Trùm Tập,[4] và ông Huỳnh Giản, tức ông Trùm Trì.[5] Ngoài ra còn có ông Huỳnh Mẫn, quen gọi là ông Bá Hoành.[6] Đặc biệt có ông Giuse Huỳnh Duân, tức ông Trùm Hải.[7] Lúc đầu, cha Solvignon thấy ông là người am hiểu chữ Hán, am tường pháp luật, như luật Gia Long chẳng hạn, nên đặt ông làm ông Câu khi mới trên 40 tuổi. Cha Solvignon bắt ông phải để râu cho có vẻ đạo mạo. Sau khi ông Trùm Hương (Gò Thị) qua đời, ông Câu Hải được đặt lên chức trùm của địa sở Gò Thị, nên thường được gọi là ông Trùm Hải. Vì có công lớn với Hội Thánh, nên ông được Tòa Thánh truy tặng huy chương Pro Ecclesia et Pontifice.

Đối với họ đạo Phước Thiện, người có công lớn và gốc gác của họ đạo là ông Trùm Phê, tức ông Nguyễn Khuê, và con cháu.[8] Cũng nhờ công lao và sự đóng góp ấy mà nhà thờ họ đạo Phước Thiện đã được xây dựng kiên cố năm 1940.

Một năm sau, vào năm 1941, nhà thờ Gò Dài cũng được xây dựng mới thay thế cho ngôi nhà thờ mái tranh trước đó. Nhà thờ Gò Dài được xây dựng từ kiến trúc gỗ của nhà thờ Qui Nhơn, là ngôi nhà thờ được cha Louis Célestin Vallet, quản lý nhà chung, xây dựng năm 1903 để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho một số tín hữu người Việt và người Pháp đang sinh sống và làm việc tại Qui Nhơn, đó là họ đạo Qui Nhơn trực thuộc địa sở Làng Sông, nay là giáo xứ Tân Dinh. Năm 1905, Qui Nhơn được lập thành địa sở và ngôi nhà thờ ấy trở thành nhà thờ địa sở, tọa lạc tại khuôn viên Tòa Giám mục ngày nay. Năm 1931 Địa phận Qui Nhơn chuyển Tòa Giám mục từ Làng Sông về Qui Nhơn, rồi đến năm 1938 khởi sự xây nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn. Sau khi nhà thờ Chính tòa được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 1939, thì ngôi nhà thờ cũ trước đây được tháo dỡ và chuyển về xây dựng nhà thờ Gò Gài. Giáo dân Gò Dài đã dùng những chiếc ghe bầu lớn để chuyển toàn bộ phần gỗ của nhà thờ ấy về, gồm các cột hàng nhất và hàng nhì, đà, trính, kèo, đòn tay, cửa chính, cửa sổ, bàn thờ, các hoa văn trang trí. Với sự đóng góp thêm về kỹ thuật và nghệ thuật của những người thợ, tất cả phần gỗ ấy được phối trí cách hài hòa với phần xây dựng bằng gạch ngói, vôi vữa, đã tạo nên một ngôi nhà thờ tuyệt đẹp với ngọn tháp vươn cao. Năm 1941 công trình xây dựng hoàn thành và người ta nhìn thấy một ngôi nhà thờ kiên cố và xinh đẹp với mặt tiền và ngọn tháp vươn cao, khiến Đức cha Augustinô Tardieu Phú cũng phải khen rằng đây là nhà thờ rất đẹp.[9]

 

godai old


- Từ năm 1956 đến 2020
Từ năm 1956, dưới thời cha Mactinô Nguyễn Trọng Huấn làm cha sở Gò Thị (1956-1973), công cuộc truyền giáo phát triển mạnh, qua các hoạt động Công giáo Tiến hành, đặc biệt là Legio Mariae. Hàng trăm người đã xin tòng giáo và chịu phép Rửa tội tại các thôn Lộc Thượng, Dương Thiện, Vinh Quang. Trong thời gian này, nhà thờ Vinh Quang đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu mục vụ truyền giáo. Để tiện việc đi lại giữa các họ đạo và cách riêng trong họ Gò dài, cha đã vận động giáo dân hy sinh đôi chút phần đất ruộng vườn để mở rộng và xây đắp con đường Thượng Hoà - Gò Thị - Gò Dài và đường đi nội bộ trong xóm Gò Dài. Được sự hỗ trợ của cha Giuse Nguyễn Sồ, quản lý của Giáo phận và cũng là người con của họ đạo Gò Dài, năm 1963 cha Huấn đã tiến hành trùng tu nhà thờ, thay ngói vảy bằng ngói xi măng chắc chắn, dựng gác chuông với một quả chuông loại trung, xây trường học. Năm sau cha xây nhà xứ, nhưng việc xây dựng bị dở dang vì chiến tranh. Cha Sồ cũng giúp tiền để mua lại mảnh vườn của giáo dân ở phia sau nhà thờ để nới rộng khuôn viên và mở cổng phụ phía sau tiếp cận với con đường chính trong xóm.

Năm 1999, dưới thời cha Anrê Huỳnh Thanh Khương làm cha sở Gò Thị (1988-2000), cha đã cho xây dựng lại nhà xứ từ những dang dở và đổ nát trước đó. Năm 2001, dưới thời cha Phêrô Nguyễn Văn Kính (2000 - 2020), nhà thờ Gò Dài đã được xây dựng lại trên nền cũ, mặt tiền vẫn giữ phần lớn nét cũ, nhưng có thêm tháp chuông với 2 quả chuông.[10] Thời gian sau giáo họ lần lượt xây đài Đức Mẹ và đài Thánh Giuse ở sân trước, nới rộng gian cung thánh, xây dựng hoàn thành nhà xứ vốn bị dở dang từ năm 1965, tráng xi măng sân trước, sân sau và hai bên nhà thờ để tạo sự sạch sẽ.

Sau khi giáo họ Gò Dài hoàn thành công trình xây dựng nhà thờ, cũng trong năm 2001 giáo họ Phước Thiện tiến hành đại trùng tu nhà thờ. Nhà thờ này vốn đã được tu sửa trước đó vào thời cha Phêrô Nguyễn Quang Báu làm cha sở Gò Thị (1975 – 1988), nhưng chủ yếu gia cố cột kèo để khỏi bị sập. Lần này, cùng với việc đại tu nhà thờ, giáo họ cũng xây mới nhà xứ và hang đá Đức Mẹ, đài Thánh Giuse, tráng xi măng xung quanh nhà thờ. Phần tường rào, cổng ngõ thì đã được xây dựng từ năm 1996.

 

godai xua


Hằng ngày tại nhà thờ Gò Dài và Phước Thiện đều có những giờ kinh tối. Riêng tại Gò Dài còn có giờ kinh trưa trong một số mùa phụng vụ với sự tham dự của các bà. Ngoài những giờ kinh ấy ra, hiện nay tại nhà thờ Gò Dài mỗi tuần có một thánh lễ ngày thường vào buổi tối; tại nhà thờ Phước Thiện mỗi tháng có một thánh lễ ngày thường cũng vào buổi tối. Tại giáo họ Vinh Quang, nhà thờ bị sập từ trước năm 1975, dân chúng di cư hầu hết, hiện nay chỉ có một số ít gia đình. Trong thời cha Kính làm cha sở Gò Thị, giáo dân đã xây dựng môi ngôi nhà nguyện nhỏ để đọc kinh và chỉ có thánh lễ vào dịp lễ Bổn mạng.
 

phuocthien church


Trong giáo xứ Gò Thị, giáo họ Gò Dài đứng hàng thứ nhì về số giáo dân cũng như về sự tham gia các hoạt động của giáo xứ, nhưng đứng đầu về số giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ xuất thân từ giáo họ. Tính đến nay, hai giáo họ Gò Dài và Phước Thiện đã đóng góp cho Giáo Hội 3 giám mục, 23 linh mục và 22 tu sĩ.
Trong thời gian chiến tranh, tại giáo họ Gò Dài những gia đình khá giả ra đi tị nạn và không trở về, chỉ còn lại những gia đình trung bình hay nghèo. Tại giáo họ Phước Thiện và Vinh Quang cũng vậy. Có điều là số giáo dân Gò Dài ngày nay nhiều hơn trước kia, trong khi số giáo dân Phước Thiện và Vinh Quang sụt giảm đáng kể và khó hồi phục như trước. 

 

vinhquang


2. Thành lập giáo xứ Gò Dài
Để đáp ứng nhu cầu phát triển Dân Chúa, ngày 21 tháng 11 năm 2020, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã ký Quyết định thành lập giáo xứ Gò Dài tách ra từ giáo xứ Gò Thị và Quyết định bổ nhiệm cha Simon Trần Văn Đức làm cha chánh xứ tiên khởi. Ngày 25 tháng 11 năm 2020, tại nhà thờ Gò Dài, Đức cha Matthêô chủ sự thánh lễ tạ ơn và công bố hai quyết định trên, với sự tham dự đông đảo của các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Giáo xứ Gò Dài chính thức được thành lập kể từ ngày đó.
Giáo xứ Gò Dài bao gồm 3 giáo họ: Gò Dài, Phước Thiện và Vinh Quang. Giáo họ Gò Dài có 212 gia đình, 778 giáo dân. Giáo họ Phước Thiện có 31 gia đình, 100 giáo dân. Giáo họ Vinh Quang có 5 gia đình, 21 giáo dân. Tổng cộng trong toàn giáo xứ có 248 gia đình, 899 giáo dân.

 


[1] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission, de Septembre 1941 à Septembre 1942, tr. 24.

[2] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1905 - Mgr. Grangeon; Mémorial Mission de Quinhon, No. 155, 25 Octobre 1919, tr.139.

[3] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial de Septembre-Octobre 1940, tr. 3, 4, 7.

[4] Ông Trùm Tập là ông nội của cha Stanislas Huỳnh Ánh Thiều (tức cha Hoàng Đắc Ánh, OP) và cha Antôn Hoàng Tiến Nam.

[5] Ông Trùm Trì là thân phụ của cha Luy Huỳnh Chiếu và là ông nội của Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các và cha Anrê Huỳnh Thanh Khương.

[6] Ông Bá Hoành là ông ngoại của cha Giuse Nguyễn Sồ.

[7] Ông Trùm Hải là thân phụ của cha Luy Huỳnh Nhẫn và cha Phêrô Hoàng Kym.

[8] Ông Trùm Phê là ông cố nội của cha Luy Nguyễn Bảo và Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn.

[9] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et etat de la Mission, de Septembre 1941 à Septembre 1942, tr. 24. Người có công lớn trong việc tháo dỡ, di chuyển và điều hành việc xây nhà thờ Gò Dài năm 1941 là ông Phêrô Nguyễn Thục, quen gọi là ông biện Sáu Châu, với tư cách là ông biện việc phụ trách việc xây dựng. Ông biện Sáu Châu là ông ngoại của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi.

[10] Một quả chuông cũ nhỏ hơn do cha Giuse Nguyễn Sồ cúng và một quả chuông mới lớn hơn do con cháu ông Trùm Hải cúng.

Tác giả bài viết: Ban Biên Soạn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập194
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm154
  • Hôm nay21,398
  • Tháng hiện tại408,563
  • Tổng lượt truy cập28,723,932

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây