Lời chứng của một linh mục

Thứ tư - 30/03/2022 05:46
 

Xin chào anh chị em, tôi mong được chia sẻ những dòng tâm tư này, một người được sống trong thiên chức linh mục sang năm thứ 6, kể từ khi tôi được thụ phong lúc 30 tuổi. Lời chào của một người tin vào Chúa Giêsu Kitô, trong sự hiệp thông sâu sắc với anh chị em kitô hữu, cũng chân tình như thế đối với hết thảy những ai có thiện chí trên con đường truy tìm Chân-Thiện-Mỹ cho giá trị cuộc đời.

Đã hơn 5 năm trong thừa tác vụ linh mục, tôi đã sống 2 năm trong tư cách “cha phó” của một giáo xứ bé nhỏ thương yêu vùng quê Việt Nam. Cũng vậy, tôi tiếp tục thừa tác vụ của mình sắp sang năm thứ 4 ở đất Pháp. Một chút giới thiệu như thế, với những con số có lẽ làm bạn hơi rối, nhưng tôi chắc rằng bạn biết tôi là một linh mục trẻ Công giáo. Đúng thế, tôi là linh mục đang nhìn lại một quãng đường ngắn của đời mình, tôi trân trọng những gì tôi đã sống và tôi muốn “chia sẻ, làm chứng, tâm tư”. Với những từ ngữ này, được gợi ý từ tiếng pháp, “témoignage-sự làm chứng”. Đó cũng là điều tôi học thấy qua nếp sống của người tín hữu ở đây. Họ hay tranh luận, bàn thảo, hội họp và “làm chứng” là cách chia sẻ, có thể nói là một vẻ đẹp trong văn hóa Việt từ lâu rồi, vì ông bà tổ tiên là nôi thông truyền đức tin, chỉ có khác ở cách thức mà thôi. Giữa những “tranh cãi” sôi nổi đó, thì giây phút chứng tá những biến chuyển cuộc sống được tỏ bày bằng tất cả những cung bậc cảm xúc, được đón nhận trong sự chân thành, tinh thần xây dựng và cảm thông sâu xa.

Tôi cố gắng để có thể diễn tả được những điều mình muốn chia sẻ, với ý hướng thiện lành, kết hợp những điều trải nghiệm, quan sát trong đời sống hiện tại, cách đặc biệt để ý tới sự tương tác của xã hội đương đại và Giáo hội Công giáo theo cảm nhận của cá nhân. Vì lòng tự trọng “có khi nói đúng hơn là tự ái”, cũng có thể như một lời “tự bạch, nhìn nhận trong sự khiêm tốn thật sự”, đó là tính cách của tôi. Nó giúp tôi sống là chính mình, vì cái tôi đó chịu chi phối trong bối cảnh chung. Trong thời điểm mà nhiều người vô cùng lo ngại, nghi ngờ, mất phương hướng và thậm chí bị tổn thương, cùng đó là làn sóng truyền thông tư nhân hay tổ chức, đem lại thiện ích đáng kể, tuy nhiên đàng khác thì thiếu chuẩn mực, kể cả lệch lạc. Vì vậy truyền thông đã chứng tỏ sự lợi hại của chính nó. Tiếc rằng hấp lực đồng tiền đã làm méo mó truyền thông. Thậm chí kể cả giới truyền thông mà các tín hữu chịu trách nhiệm, cũng chưa thật ý thức đủ sứ vụ ngôn sứ của mình.

Có lẽ mọi chuyện vẫn vậy từ bao giờ phải không, người ta bảo “cũ như trái đất”. Vì lẽ nhân loại đang trải qua một đại dịch mới đó sao ? Khốn khổ thay những tiếng súng đang diễn ra đây đó trên trái đất này. Sự hiện hữu của mỗi cá nhân đều tương tác với tha nhân trong một cộng đồng nhân loại, và trong cộng đoàn của những kẻ tin.... Chính vì lẽ đó, tôi chia sẻ cuộc sống mình trong thời điểm này với những chủ đề mà tôi thiết nghĩ ích lợi cho chính tôi và những người cùng thao thức.

Vài lời lòng dòng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ làm tôi thoải mái và sẵn sàng đi vào cuộc đàm thoại chứ không là độc thoại. Vì tôi khao khát được học hỏi, được lắng nghe mọi người, hầu tôi có thể sống lời thánh tông đồ Phêrô : “Hãy sẵn sàng chứng tá niềm hy vọng trong anh em” (1 Pr 3,15).  
Là linh mục, tôi không thể phớt lờ trước những thực tại chất vấn ? Tôi bày tỏ bằng ngôn ngữ, bằng thái độ, bằng hành động trong đức tin và sự sám hối... Bằng không tôi có nguy cơ phản bội, phản chứng Phúc âm với chính sứ vụ và căn tính kitô hữu của mình. Tôi tự hỏi : Phong cách sống Tin mừng nào để hấp dẫn cho con người thời nay ? Niềm vui đó có được đón nhận và sống nơi chính những người mệnh danh mang Tin mừng ? Bằng không chỉ là một sự nô lệ cho một tôn giáo nặng nề trong những thứ phụ tùy, mà mục đích cốt lõi đã bị quên lãng, đó là thực tại mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô.

****   
                       
Thời gian sắp đến chạm mốc một phần tư thế kỷ đầu của ngàn năm thứ ba. Ngạc nhiên thay, Giêsu Kitô, Con Người đi vào lịch sử nhân loại cũng đã ngần chừng ấy năm, hơn nữa sự hiện diện của Ngài đánh dấu cho việc phân thời gian trước và công nguyên. Ở đây và bây giờ, tôi – một kitô hữu, người đón nhận đức tin từ cha ông truyền lại, chúng tôi tin vào Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người, Ngài đã sống một đời sống mới sau cái chết trên thánh giá, Ngài đem lại niềm hy vọng phục sinh cho hết thảy nhân loại, mà những người tin vào Ngài tuyên xưng như thế. Có ngạc nhiên hơn chăng, ngàn năm thứ ba, thời điểm Giáo hội mà Ngài thiết lập, đang phải trải qua thử thách trong bối cảnh khủng hoảng về bản sắc linh mục. Nên đã có hẳn một Hội nghị Chuyên đề Thần học có tên “Hướng tới một nền thần học nền tảng về chức linh mục”. Đó chẳng phải là phúc sao ? Vì khi nhìn vào thế giới và nhìn lại chính mình trong sự thật, điều này làm cho chúng ta mạnh hơn, Chúa Giêsu chẳng nói: “sự thật sẽ giải thoát các con”. Với diễn biến thực tế đối với Giáo hội Công giáo, cách đặc biệt vùng trời Châu Âu, tổ chức Giáo hội đang đối diện sự giảm sút nghiêm trọng tín hữu cũng như linh mục và hoạt động tôn giáo dần phai lạt chăng, dần biến mất chăng, theo một nhận xét của một học giả Pháp : Liệu Kitô giáo như một nền văn minh cũng biến mất theo cung cách như các nền văn minh lớn đã từng tồn tại ít lâu trong thế giới loài người ? Tác giả Jean-Guilhem Xerri của tập sách: “À quoi sert un chrétien ? ”. Vị học giả đã từng được gợi ý bởi Hội đồng giám mục Pháp để nhận định về đời sống đức tin trong thời đại. Ông gợi hứng các suy tư đến trách nhiệm đức tin của các tín hữu hôm nay, cần đặt lại niềm tin của mình cách nghiêm túc và cần một sự thay đổi ngoạn mục, tràn đầy niềm vui của giá trị Tin Mừng vốn luôn phụ thuộc vào các nền văn hóa, ngôn ngữ, thời đại của từng giai đoạn lịch sử con người. Chúng ta có cơ hội cùng đọc lại kinh Tin kính cách chậm rãi và trong suy niệm...

Vậy ngàn năm mới này đã khởi động bằng những thách đố trực diện, toàn diện trên mọi khía cạnh đời sống: xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo... Song hành bằng hai xu hướng “bảo thủ”-“cấp tiến” luôn cần có nhau để tiến tới một hình thức hữu ích nhất cho cộng đồng nhân loại. Giáo hội đi trong nhân loại cũng mặc lấy chung hình thức này. Cũng không xa lạ với những lần tự cải cách trong Giáo hội, là điều theo lẽ tự nhiên trong tương tác giữa những liên hệ chặt chẽ với thế giới loài người. Đau đớn thay chúng ta phải chịu sự chia cắt trong chính Giáo hội, mà lịch sử cho thấy sự ly khai của những kẻ tin hằng rao giảng tình yêu thương và hiệp nhất trong Đức Kitô. Mà chính họ vẫn chưa học được cách thức để biến đổi, để cải cách trong sự hiệp nhất. Bài học sẽ còn mới cho thời đại này, nhiều người với thiện chí thực sự để thay đổi Giáo hội tốt hơn, thánh thiện hơn, luôn phải bắt đầu từ chính lòng họ trước hết. Đó phải là sự hiểu biết, khiêm tốn, tế nhị, can đảm, bình an và cầu nguyện.

 Giáo hội như mọi cơ cấu tổ chức nhân loại (khác chỗ đối với kẻ tin, Thần Khí là linh hồn của tổ chức này). Giáo hội của những kẻ tin, nắm giữ niềm hy vọng của chính mình vào Đức Kitô, Đấng mang trên thân mình Ngài những thương tích của nhân loại, lẽ nhiên của cả chính những thân hữu Ngài. Vâng, tôi xác định xem bóng mây nào khuất mờ thế giới hôm nay, bóng đen dịch bệnh nào làm chao đảo bao hoàn cảnh, bóng râm nào trong các nền chính trị, bóng tối nào trong các tôn giáo và sự xác tín nào trong đời sống cá nhân tôi...Kitô giáo cho ngàn năm thứ ba, cách riêng Giáo hội Rôma trong liên kết các cộng đoàn của Giáo hội hoàn vũ, đang chuyển động không ngừng cho một dung mạo mới, nghĩa là kêu gọi một sự hoán cải, sống rốt ráo các giá trị Tin Mừng, để chạm được niềm vui bền vững bởi niềm tin vĩnh cửu.

 
Các vấn đề được đặt lại lên bàn.
 
  • Chủ đề bình đẳng nam – nữ vốn đã nói nhiều theo dòng thời gian, cách riêng hiện nay, đề xuất một cái nhìn mới về nữ giới trong Giáo hội.
  • Đối diện với hiện trạng một vài nơi thiếu tu sĩ, linh mục hay giáo dân dấn thân nhiều hơn cho Giáo hội. Giáo hội phải xúc tiến ra sao cho nhu cầu này ? Có lẽ thế mà sinh ra các hội nghị: xem lại đời sống độc thân linh mục - liệu có phải là một cản trở cho việc thiếu ơn gọi linh mục; Giải pháp linh mục lập gia đình ; Tại sao không phụ nữ làm linh mục... ? Chúng ta cần đàm đạo, suy tư với cái nhìn đau đáu của Mẹ Hội Thánh.
 
1. Tương quan nào giữa nữ và nam ?
           
Thời gian chuẩn bị cho ngày chịu chức linh mục, tôi đã chọn cho mình một câu Lời Chúa để in lên tấm thiệp kỷ niệm ngày thụ phong. Đó là câu trong sách Sáng Thế 1, 27 : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa sáng tạo họ có nam có nữ”. Năm năm sau trong đời sống linh mục, tôi đã được hỏi bởi một người nữ giáo dân, nơi tôi đang giúp xứ, cô chừng 85 tuổi, hỏi về ý nghĩa câu lời Chúa trong trang đầu Kinh thánh này.


Ý của tôi là :
  • Tin vào Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, mà đỉnh cao là con người mặc lấy phẩm giá, tự do trong tình yêu của Ngài.
  • Ý thức sự khác biệt giữa nam và nữ trong ý định của Thiên Chúa. Để có một cái nhìn đúng đắn trong tương quan bình đẳng, tương trợ và yêu thương.
  • Chính trong hai tương quan này : với Thiên Chúa và con người, mà tôi được yêu và yêu theo ý muốn Thiên Chúa.
           
Vâng, tôi đã chọn câu lời Chúa để khởi đi hành trình linh mục, bằng những định hướng và xác tín như thế, như là châm ngôn để nhắc nhớ. Sau đây, tôi giả định một vài ý nghĩ để mong nhìn nhiều hơn có thể về tương quan giữa nam và nữ :

Tôi giả thiết – nếu Chúa Giêsu là môt người nữ ! Trong ý định Thiên Chúa, Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa mặc lấy cho mình một giới tính trong cộng đồng nhân loại. Vốn lẽ Thiên Chúa vượt lên giới tính, chúng ta không nói Thiên Chúa là đàn ông, là đàn bà. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là một người nam. Mặt khác, trong Kinh Thánh diễn tả Thiên Chúa có khi giữ vai trò là người cha (người cha nhân hậu trông đợi đứa con hoang), có khi là người mẹ (như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh)... hoặc những tượng ảnh đều mô tả Thiên Chúa Ba Ngôi với giới tính là nam. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa cũng phải tôn trọng trật tự của con người, nghĩa là mặc lấy tất cả những gì là con người, ngoại trừ sự tội. Hơn nữa Kinh Thánh vừa là ngôn ngữ Thiên Chúa và là ngôn ngữ con người trong sự linh hứng bởi Thần Khí. Tường thuật tạo dựng cho chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa in dấu nơi người nam và người nữ. Vì Ngài tạo ra con người theo hình ảnh Ngài, hình ảnh đó chẳng phải được định nghĩa trong tương quan Thiên Chúa Ba Ngôi vị, nhưng duy nhất trong bản tính thần linh, trong sự duy nhất bền chặt như “thế kiềng ba chân”. Thần học Ba Ngôi cũng rất thú vị để đào sâu và trong sự phân tích đối chiếu với Ba Ngôi trong Ấn Độ giáo, để rõ hơn sự độc đáo trong niềm tin đặc thù của Kitô giáo.
           
Trở lại việc tạo dựng, trình thuật cho chúng ta biết Thiên Chúa tạo ra người nam trước, tôi tự hỏi nếu Chúa tạo dựng nên người nữ trước hoặc Giêsu nhập thể là một người nữ, thì có lẽ thế giới sẽ khác hơn ? Tôi không biết nữa ! chỉ gợi ý vậy để suy tư. Điều quan trọng là Kinh thánh diễn tả Thiên Chúa lấy từ xương sườn Adam mà tạo nên Eva. Chẳng phải chú giải Kinh Thánh cho chúng ta hiểu rằng: qua hành động này, để nói lên mối tương quan một xương, một thịt giữa nam và nữ, sự bình đẳng trong sự bổ túc và yêu thương. Cũng đừng quên nhắc lại, rằng trình thuật tạo dựng theo ngôn ngữ và hình thức văn chương của con người. Điều cốt yếu cho chúng ta biết mầu nhiệm tạo dựng bởi tình yêu và ý định tốt lành mà Thiên Chúa muốn cho con người, cả nam lẫn nữ, theo mô mẫu của Chúa Ba Ngôi Tình Yêu. Quả thật thì, lịch sử cứu độ nhập thể, nhập thế trong lịch sử nhân loại, cũng chịu bởi những giới hạn nhất định trong bản tính con người, để diễn tả mầu nhiệm thần linh khôn tả.

Vâng, xã hội mà chúng ta những người đương thời, cũng như xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại, âm hưởng vẫn còn, có một sự mất cân bằng nào đó, ngộ nhận vai trò giữa người nam và nữ. Mặc dầu câu chuyện trong vườn địa đàng mà Kinh thánh đã diễn tả, sự bình đẳng giữa nam và nữ trong sự khác biệt để bổ túc cho nhau. Sau khi sa lầy trong sự bất tuân phục Thiên Chúa, ông bà Nguyên tổ đổ lỗi cho nhau.... Tôi thiết nghĩ mối tương quan đầu tiên với Thiên Chúa đã bị gãy và liên kết giữa người nam và nữ đã bị tổn thương, sự cân bằng và bổ túc cũng từ đó kéo dài trong thế giới loài người, một sự hàn gắn mãi mãi để trở về ý nghĩa nguyên thủy trong yêu thương, tôn trọng và tương trợ theo thánh ý Thiên Chúa muốn ngay từ đầu. Trong lời cam kết khi cử hành bí tích hôn phối, chúng ta đã quên sao ? “Hứa giữ lòng chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau đến suốt đời”.
           
Điều thú vị là, chúng ta đã suy tư sự kiện hiện thực có đó, chứ không hỏi sự việc xảy ra như thế nào, mà điều cần thiết phải học ý nghĩa của chính nó. Cũng như không thể chối cãi, tại sao đứa con gọi người nam là cha, người nữ thì gọi là mẹ. Đó chẳng phải là qui ước trong ngôn ngữ con người. Cũng vậy trật tự và ý định tạo dựng, người nữ với mẫu tính và người nam với phụ tính mà Thiên Chúa thiết đặt. Tự trong bản chất tạo dựng có sự khác biệt, điều đó không có nghĩa là bất bình đẳng, mà là đặc trưng tính của công trình tạo dựng trong ý định của Chúa. Mà ý định của Chúa là tốt lành. Thực tế để nói, con người chẳng tồn tại nếu không có sự kết hợp giữa người nam và người nữ như diễn tả của thuyết âm dương trong sự hiệp nhất. Đáng mừng thay cần luôn có cái nhìn tích cực và khéo léo trong sự hiểu biết và đối đãi giữa mối tương quan ngang nhau tự bản chất này giữa nam và nữ. Có thể nói Giáo hội đã nhận ra sự hệ trọng để lấy lại sự cân bằng trong quan niệm chung của nhân loại về vai trò của nữ giới, chắc chắn đã bị tổn thương, bị khinh miệt vì cái gọi là “nền văn hóa” của nhân loại. Mà cách riêng hình thức Nho giáo biểu thị những giá trị nhất định, cũng như những giới hạn trong lịch sử của chính tư tưởng ấy ?

 
2. Chức thánh và nữ giới
 
Về thiên chức linh mục cho nữ giới ? Trong một cuộc họp ở giáo xứ tôi đang mục vụ, một nữ giáo dân rất hăng say với công việc tông đồ, cô đã đặt câu hỏi cho mọi người và cách riêng với tôi : Liệu cha có bị sốc không ? Tương lai Giáo hội phải phong chức cho nữ giới. Vâng, tôi không ngạc nhiên lối suy nghĩ của họ, và nhất là trong bầu khí sống hiện tại, một cách nào đó, họ đã bị tổn thương, chen lẫn giận dữ và... có thể, chính hình ảnh người linh mục nhìn chung đã “khó thở”, “trong tầm ngắm” của xã hội mà Giáo hội Pháp đang phải trải qua. Tôi không ngần ngại trả lời ngay “pas problème-không vấn đề gì” điều cần can đảm để nêu ra và nếu Chúa muốn. Sau đó, tôi tìm đọc và theo dõi các thông tin của Giáo hội trong “nhiệt độ” của bản cáo trạng về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Tôi tự nhủ dù một người anh em vấp ngã thôi cũng đã quá nhiều rồi, không cần phải biện minh, vì sự dữ không chừa một ai. Chỉ có Chúa là Đấng Thánh, còn chúng ta những kẻ được thương xót, được chọn để quản gia. Mong thay Chúa nói- hỡi quản gia trung tín hãy vào mà hưởng vinh phúc với Ta. Vấn đề cần thiết để mà hướng cái nhìn trong vẻ đẹp “chức thánh cộng đồng; chức thánh thừa tác” nhờ phép Rửa, và trong bối cảnh hiện tại để nâng niu trân quí với sự cố gắng, khiêm tốn vì sự hèn yếu của chúng ta. Giáo hội phải “chịu đấm” đến bao giờ...Chính Chúa Giêsu tiếp tục chịu sỉ vả !

“Ta không gọi các con là tôi tớ mà là anh chị em bạn hữu, các con hãy rửa chân cho nhau”. Lời tha thiết của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly, có sâu lắng trong tâm hồn tôi ? Nhận thức của tôi về người bên cạnh, về ơn gọi của họ được phục vụ giống tôi. Vâng tôi đã nhớ mình chép đâu đó sự tóm tắt này : “Quelle est la vocation propre de l’homme et de la femme ? L’Église dit depuis toujours que l’homme et la femme sont égaux. Ils sont égaux, surtout différents et cette altérité, elle est précieuse, elle est source de richesse et de complémentarité – Ơn gọi riêng của người nam và nữ là gì ? Giáo hội từ lâu đã dạy rằng người nam và người nữ ngang hàng nhau. Họ bình đẳng, nhất là tính khác biệt và sự khác nhau này thật là quý giá, nó là nguồn sung mãn và để bổ túc cho nhau ”. Còn chính tôi thì tự nói với mình, dầu Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ là nam giới, thì các ông cũng được sinh ra từ những người nữ, những người mẹ thương yêu.
           
Mặt khác, thành thật mà nói, Giáo hội đã trả lời cho chúng ta và sẽ luôn giải thích cho chúng ta hiểu về mối tương quan giữa chức thánh – giới tính; chức thánh – độc thân. Điều mà các vị giáo hoàng đã đề cập, tuy nhiên vấn đề thực tế chưa bao giờ đóng lại cả mà hơn nữa bỏ ngỏ cho suy tư thần học, mục vụ... Sự sôi nổi này được nhóm lại mới đây trong tháng 2 năm nay tại Rôma, Hội nghị Chuyên đề quốc tế về “thần học cơ bản của chức tư tế”. Trong hội nghị này, có một nhận định của vị nữ thần học mà tôi ấn tượng, cô bảoViệc truyền chức linh mục cho phụ nữ “sẽ không mang lại cho họ nhiều phẩm giá hơn.” Đúng hơn vấn đề nằm ở chỗ là do bởi “Những lệch lạc nam giới tối thượng và giáo quyền trong Giáo hội”. Vâng, chúng ta đã nghe rất nhiều về cụm từ “lạm dụng quyền lực thiêng liêng”; “lạm dụng tình dục”...


 Nhưng hiện thời song song với vấn đề được hỏi này là câu hỏi khác về chức thánh cho người nam có gia đình với ước muốn dấn thân của họ cho Giáo hội. Vô hình chung đặt lại về ý nghĩa và giá trị của đời sống độc thân mà giáo hội Rôma gìn giữ như một kỷ luật hàng thế kỷ nay. Ở đây, chúng ta có thể bàn thảo về chức thánh cho người lập gia đình, chức thánh cho nữ giới, hay nhận định có cần thiết luật độc thân... Giáo hội thật sự rất thận trọng xem xét về các vấn đề này trong ý nghĩa nguyên tuyền nhất có thể. Câu trả lời mà các cộng đoàn châu Âu hay vùng Amazon đang chờ đợi hơn hết. Đồng thời cũng biết cái nhìn của Giáo hội không chỉ là về tính cách độc thân linh mục, mà khai mở để hiểu những qui tắc luật định trong sứ vụ và ý thức “quyền cai quản trong giáo hội không đến từ thứ trật của bí tích” theo nhận định của giáo sư danh dự Gianfranco Ghirlanda[1]. Trong khuôn khổ chia sẻ cá nhân, tôi thiết nghĩ phải nhìn lại tính dục học trong hiện thời, một vấn đề luôn hiện sinh, nhân bản mà vẫn chưa bao giờ tát cạn sự phong phú của chính nó.

 
3. Làm thế nào để sống độc thân cách thanh thản trong thời đại ?
 
Đời sống độc thân mang nhiều hình thức trong xã hội chúng ta, cách riêng sự độc thân linh mục là mục tiêu được bàn cãi nhiều hơn trong vài thập kỷ gần đây. Phần chính chúng ta, tự mình xét xem chứng tá độc thân của mình có chân thật cho giá trị mình đang sống, có thuyết phục thế giới ? Mà chính yếu lại là khái niệm “tính dục”, cần có sự hiểu biết sâu rộng, vì hiểu biết giúp chúng ta tự do hơn, thanh thản hơn.

Thế giới hiện tại cho rằng Giáo hội lạc hậu trong cái nhìn về tính dục, trong sự kìm nén. Trong khi đó, thế kỷ trước một phong trào nhân danh cho sự tự do tình dục đã diễn ra. Giáo hội có sống cách ấu trĩ trong quan điểm tính dục của mình ? .... Đúng ra một bên muốn mau chóng theo cái nhìn “tự do thời mới” có nguy cơ đánh mất chiều sâu ý nghĩa. Phía còn lại, thì lắm khi Giáo Hội lúng túng trong cách diễn tả về vẻ đẹp đó, thậm chí là có những phản chứng vì vết thương ung thối do nhiều hình thức lạm dụng. Đồng thời giải thích thế nào cho sự giảm sút số tu sĩ, linh mục và số lượng gia tăng các tín hữu rời xa Giáo hội ?

Sao lại khó nói về tính dục ? Nó có một sự huyền bí nào chăng ? Đơn nhiên, sức mạnh của nó thì vô lượng, biểu hiện của tình yêu ? Lửa dục cũng tự ngã gục trong sự thấp hèn chăng ? Tôi nghĩ rằng, sức mạnh tốt đẹp này bị tổn thương trong ý nghĩa tinh tuyền ban đầu của Đấng tạo dựng, món quà mà Thiên Chúa ban cho con người, với tự do. À tự do để khước từ, để đón nhận, tự do cũng đã bị méo mó vì sự lạm dụng, vì kiêu căng. Nói theo ngôn ngữ “vườn địa đàng”, chốn tình yêu nguyên sơ đã ảnh hưởng bởi Nguyên tổ chúng ta. Hiệp thông trong cùng bản tính nhân loại, sự liên đới với Adam cũ trong sự mỏng dòn đó, đã biểu hiện rõ thời con cháu cho đến hôm nay. Vậy ai có thể giúp chúng ta hiểu thấu mầu nhiệm này, mầu nhiệm tình yêu, tự do và trách nhiệm ? Adam mới xuất hiện trong lịch sử, như một cuộc tạo dựng mới nơi Đấng Phục sinh, Giêsu-Kitô. Đời sống, con người Ngài là điểm quy chiếu và soi tỏ mọi vấn đề trong mầu nhiệm con người chúng ta, kể cả thần tính của Ngài. Chính vì khao khát theo gương Đức Giêsu mà Giáo hội đặt để cách riêng nơi đời sống độc thân dâng hiến theo sát đúng nghĩa đen. Trở lại vấn đề, tính dục đã được hiểu tùy vào từng giai đoạn lịch sử con người, lại phụ thuộc nhiều vào các phong tục, tập quán từng vùng lãnh thổ.... vì vậy chắc chắn tính dục cũng chịu chi phối dưới quan điểm của các nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau... hoạt tính của thuộc tính này trong con người khác biệt và linh thánh so với mọi loài vật khác, vì lẽ con người là “linh ư vạn vật”, đỉnh cao của sáng tạo và mặc lấy hình ảnh của Đấng tạo hóa, thổi vào sinh khí của sự sống Thần linh. Sự vận hành tự nhiên mà tính dục được áp đặt theo tự nhiên tính và chi phối bởi sự tự do trong đức tin. Đặt nền tảng như thế cho khái niệm tính dục, mở đường dễ hiểu và đào sâu trong khái niệm tự do dâng hiến bởi tình yêu. Điều này được diễn tả ngang qua phần lớn nhân loại trong đời sống vợ chồng, phần còn lại của nhân loại cũng phản ánh sự phong phú của đời sống tính dục bằng những cách thức đặc trưng. Nhưng chắc chắn một điều, tính dục một trong những sức mạnh thiên phú, thì hẳn mục đích tốt đẹp của nó, điều mà mọi người trong mọi thời luôn chiêm ngắm, học hỏi để hiểu và hơn hết để sống với, trong vẻ đẹp nguyên tuyền nhất có thể.

Thưa các bạn, vài điểm suy tư để trở lại những vấn đề trong thực tại, trong trách nhiệm của người tín hữu, tư cách của người linh mục, nên tôi chia sẻ với tư cách cá nhân, và thiết nghĩ suy tư đó giúp soi sáng chính đời sống của tôi, không quên liên đới những người trong cùng niềm tin, hầu chức năng “truyền giáo” và nhất là căn tính của người tín hữu được thể hiện bằng tâm hồn khiêm tốn và can đảm trong sự thật. Sự thật là đối đầu trực diện với những hoàn cảnh cụ thể thực tế, để tìm hướng đi cách hiệu quả cho một đời sống giá trị. Vì người ta chẳng hay nói rằng : sống một đời sống cho ra hồn, liệu phần hồn “liệu hồn”.  Chung qui lại tính dục, chủ đề đã sống từ lâu, nghĩa là con người sống với đấy thôi, “con người ít nói lắm chỉ hành động thôi”. Trong thời đại máy móc điện tử, ngôn ngữ diễn tả đó hầu như phơi bày và lắm khi bị lạm dụng cho một mục đích, vì quỷ thần tiền ? Một mạng lưới đã nảy ra kéo theo bao nhiêu hệ lụy khác cho xã hội... Trong đó “thị trường” tiêu dụng những hành động tình dục vốn cao quý đã thành kỹ nghệ “xác thịt” không hồn sống, thu hút và chi phối tệ hại trên đời sống chúng ta, một đời sống vốn đã bị tổn thương trong bản tính con người, vết thương “Nguyên tổ” vẫn còn trong thời gian chữa lành, lại gặp một nguy cơ khoét sâu hơn, lại nô lệ hóa trong nhiều hình thức mới của cuộc đời. “Ôi đời là bể khổ chăng, diệt dục”, như một hiền triết đã ta thán ?

Làm sao có thể sống độc thân thanh thản trong môi trường mà nhiều người nhận thấy thừa mứa như đã nói trên “xác thịt không hồn sống”, nhan nhãn cách tàn bạo, công khai trong thế giới mạng. Ai có thể cưỡng lại được ? Ai có thể vững vàng mà không có lúc chập chững ? Có vẻ chúng ta bị ám ảnh quá nhiều, nhưng thật ra với khoa tâm lý học sẽ giúp chúng ta trưởng thành “tư tưởng đứa bé” trong con người mình. Đứa bé cần thôi nôi, thôi bú mướm, cần lớn lên. Về mặt tinh thần cũng thế, đó là sự trưởng thành của một thân xác và tâm hồn kết hợp hướng tới sự dâng hiến, chứ không mãi tự qui. Vì ý định cao đẹp của tính dục là dâng hiến, trao ban, sinh sản và yêu thương chẳng phải là đặc tính của nó mà Thiên Chúa đã muốn. Mời các bạn có thể cùng tôi đọc lại thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô chương 7, thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta về ơn gọi đời sống hôn nhân gia đình và độc thân trong cái nhìn đức tin của ngài.

Dầu chúng ta có thấu hiểu ý nghĩa, mục đích và vẻ đẹp của tính dục, nhưng mặt trái sự tổn thương mà nó đã để lại, liệu ai có thể sống cách hoàn hảo với tính dục ?

Đúng, chúng ta bất lực, chúng ta không thể mở miệng trước những tai tiếng tính dục trong Giáo hội, nó như một phần của cuộc sống, sự khiếm khuyết trong điều thiện, cũng không miễn trừ cho những người nhân danh ánh sáng Phục sinh. Hơn nữa, xã hội loài người chúng ta vốn nặng nề trong sự mặc cảm của mình, chúng ta thần tượng hóa một số người thành thần hữu hình để dẫn dắt chúng ta. Khi thần tượng sụp đổ trong sự khốn cùng của họ. Mọi điều tốt đẹp dù đặt nơi thánh thiêng không đúng chỗ sẽ không bao giờ vững. Như ai đó đã nhận định, ý thức vô thần sinh ra từ một tôn giáo tồi, phản chứng. Đến nỗi trong ngôn ngữ bình dân đã nói : “Tin đạo hơn tin người có đạo”. Vấn đề nằm ở điểm kết tụ này, từ đó mọi trật tự bị đảo lộn, con người loay hoay để phục hồi trong các cơ cấu tổ chức của mình, kể cả tổ chức giáo hội cũng phải xem lại bộ máy quản trị của mình. Có đủ “năng suất” cho các giá trị thiêng liêng ? Một khi điểm qui ước không đạt được thì xóa hết làm lại là điều dễ hiểu. Cũng một trật như thế, cả đời sống độc thân, và cái nhìn về tính dục cần phải học lại.

 
4. Cảm nhận về tính dục và đời sống độc thân của chính tôi:
 
“Linh mục thì không có tính dục ? Vì là con người nên có những ước muốn và xung năng tự nhiên”.

Có những ngày tôi cảm thấy da thịt mình ngứa ngáy, đau bụng, tức ngực, khó thở, ơ đầu.... những biểu hiện của một xung năng tự nhiên có đó. Cũng như tâm tư mà tôi mặc lấy qua cảm nhận bài hát “Je suis malade” được lồng nhạc cho tựa phim les oiseaux se cachent pour mourir- Tiếng chim hót trong bụi mận gai, hay là ẩn mình chờ chết đã mô tả. Một cách nào đó, tôi đã sống cảm nghiệm này trong giai đoạn đầu đời linh mục của mình. Tôi tự dò dẫm trong sự ngây thơ của tinh thần ngày mới thụ phong thật nhiệt huyết, nhưng khi gặp những khó khăn nhất định, hầu như phải mò mẫm để trụ vững và tiếp tục bước đi.

Cũng có người đã hỏi tôi điều gì khó khăn nhất đối với cha, là một linh mục trẻ : họ thừa hiểu một sức sống chảy trong người đàn ông. Làm thế nào để quen với tình trạng của mình chứ ? Làm hòa với xung năng, khắc chế lâu dài liệu có tạo ra một kìm tỏa chăng ?  Vâng, cái lý tưởng theo lời Kinh Thánh đã chép : “Có những người tự hoạn vì Nước Trời”. Mặt khác, thật khó để trả lời cho khái niệm “khiết tịnh” trong nền văn hóa hiện tại. Sự chọn lựa can đảm sống như thế cần dựa trên niềm tin, sự giáo dục, sự nâng đỡ trong tương quan và môi trường lành mạnh, tương quan nhân bản, tương quan thiêng liêng và tâm linh. Đó là sự dâng hiến trong niềm vui, cân bằng trong sự tôn trọng với sự thánh thiện của xung năng tính dục, điều mà không mấy ai dễ dàng sống hài hòa ngay từ đầu. Thể theo Thánh Phanxicô Salê đã cảm nhận: “Đừng mong muốn mình không phải là mình, nhưng hãy mong muốn mình mạnh với những gì của mình.” Tôi từng nói với mình rằng : Điều tốt đẹp nhất Chúa ban, Chúa  đặt để, dâng lại cho Chúa quả là cao thượng, như trẻ thơ cho lại quà mà nó vừa nhận từ tay cha mẹ nó. Khi trao hiến là hy sinh, là đau khổ với tâm tư của trẻ thơ, là hạnh phúc khi hiểu biết trong chín chắn để đáp trả tình yêu thương. Nhưng vẫn tồn tại một phương diện thực tế là tìm cách bù trừ, đòi lại quà như con nít... Hơn nữa, vì là điều quý giá như tính dục nó cần được bao bọc và gìn giữ trong môi trường tình yêu, tình yêu này hiểu theo nghĩa rộng nhất có thể vì tính dục bao phủ cả nhân vị chúng ta, nó chạm tới mọi cuộc sống. Tính dục vừa cao đẹp, đa dạng vả lại mỏng manh dễ vỡ nên có lúc người ta bảo tình yêu bị tổn thương. Có lẽ vết thương “Nguyên tội” vẫn còn rỉ máu. Chính đây là sự gặp gỡ trong tình yêu, hoa quả của hạnh phúc, nhưng nó cũng là nguồn gốc của giằng vặt, thương nhớ và đau đớn. Đó chẳng phải là ngưỡng mức giữa điều thánh thiêng và sự trần tục ? Quả là mầu nhiệm lớn lao ! Và chính tôi biết, tôi đã đau vì yêu và tôi cũng hạnh phúc vì biết yêu và dâng hiến. Nói để mà nói, thực chất mầu nhiệm này vượt xa hơn những gì mình có thể chạm được như là chính nó, sống chiều kích siêu hình trong thế giới hạn hẹp này. Dẫu sao chăng nữa, tôi tin chắc chưa một lời giảng dạy nào thuyết phục tôi bằng quan điểm tính dục của Giáo hội. Có dịp chúng ta cùng học hỏi về Thần học thân xác của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Chúng ta luôn được mời gọi để hiểu, sống với thực tại tính dục trong sự thanh thản và mục đích tốt lành của nó.

Tôi không có tham vọng viết một luận đề đầy đủ, nhưng đã ít ra nói tới cách thẳng thắn những vấn đề liên quan trực tiếp tới bản thân mình, tôi muốn chia sẻ để trước là cuộc sống chính tôi, sau là sự cảm thông, đồng hành và chia sẻ với mọi người trong đời sống riêng từng người. Chúng ta học hỏi nhau, cùng nhau thực thi sứ vụ của mình trong Giáo hội và thế giới. Thực sự đời sống linh mục không bao giờ là vô định mà gắn liền với sứ vụ, và sự gần gũi thực “ám mùi chiên” trong các mối liên hệ vị tha, để biết yêu họ như con người của chính họ, một nhân vị - hình ảnh của Thiên Chúa. Làm thế nào để gần gũi trong yêu thương mà không mang theo một nguy cơ phản bội tình yêu, phản chứng giá trị Tin mừng, như đời sống đòi hỏi. Có đời sống nào không chứa những tiềm năng và cả tiềm tàng nguy cơ, chỉ có ơn Chúa củng cố chúng ta mà thôi. Tất cả đều cần có nhau và soi sáng nhau bằng những cách thức sống khác nhau.

Kinh nghiệm một tu sĩ nọ qua sự trả lời cho câu hỏi: “ Liệu có nhân tính không cho sự độc thân của các linh mục ? ” Vị tu sĩ chia sẻ: “ Chúng ta biết những gì đặc trưng cho sự hiện hữu của con người, đó không phải là có mối quan hệ tình dục, nhưng hệ tại sự cống hiến một tài năng, một ước muốn để định hướng cho tình yêu của một con người với mục đích là hạnh phúc. Tuy nhiên sự ồn ào của xã hội đương thời những muốn làm cho con người tin rằng chỉ tình dục mới làm cho sự phát triển và là tiêu chuẩn của hạnh phúc khi có mối quan hệ tình dục. Hoàn toàn giả dối, không thuyết phục. Vì lẽ quả thật là vậy, thì phải có nhiều hơn nữa những người hạnh phúc xung quanh chúng ta. Đúng hơn để nói tính dục tốt lành biết bao trong ý định của Thiên Chúa, tình yêu triển nở trong chuẩn mực gia đình, mà tình yêu giữa nam và nữ sinh ra nơi con cái. Còn đời sống người tu thì sao ? Họ đã chọn độc thân theo gương mẫu Chúa Kitô ngang qua đời dương gian này, để hoàn toàn phục vụ Giáo hội theo cách đặc trưng của họ cho Chúa Kitô. Thật sự đòi hỏi một sự tự chủ trước hết nơi bản thân, đòi hỏi sự can đảm, kiên trì trong đức tin hầu diễn tả tình yêu đích thực mà nguồn là từ Thiên Chúa”. Họ có lý để hỏi như thế, vì chưng, các khuôn mặt khó chịu, bực bội, khó ở khốn thay xuất hiện nơi người tu. Cân bằng không ? Siêu thoát không là vậy.

Một linh mục khác cho tôi hay : Thường thì người độc thân xét nét người có gia đình và ngược lại. Nên tốt hơn hai đời sống này cùng nhau nhìn nhận trong ánh sáng của đời sống đặc trưng mà hiểu rằng “Tính dục là nơi hiệp nhất, cũng có thể là nơi sâu xé đớn đau”.

Một vị giám mục lại nói : “Tôi chẳng chọn sống độc thân ngay từ đầu nếu như tôi được bảo phải chọn... Thời gian qua các chuỗi sự kiện, để tôi lần khám phá tình trạng sống của mình theo truyền thống tốt đẹp của Giáo hội Latine, để hiểu sâu sắc nhất và trân quý, đời sống độc thân của tôi như một vết thương sinh ích- une blessure féconde, nhờ đó tôi dễ được đón nhận hơn, được lắng nghe hơn, cảm thông hơn. Sự hiện diện của tôi trở nên thuyết phục nhất đối với người nghèo, người kém may mắn, người vì hoàn cảnh nào đó mà họ mang trong mình thánh giá nặng nề là sự tàn tật trên thân xác, tinh thần và bao người không thể sống trong ơn gọi mà phần lớn nhân loại theo lẽ tự nhiên trong đời đôi bạn”.

Độc thân linh mục là một sự cô đơn bị thương hại ? Cần thiết để nhìn lại, nếu không được giáo dục kỹ liệu có thể kham nổi một lối sống độc thân ? Và không phải ai cũng phù hợp với lối sống này. Nhận định của nữ tu Marie-Paul Ross, nhà giới tính học nêu câu hỏi: “Rốt cuộc, chúng ta bảo vệ cái gì, bậc sống độc thân có ý nghĩa của nó, nhưng nếu không được đào tạo, ai sẽ sống với bậc sống này?”[2]

Nhớ những năm tháng ở chủng viện, tôi ấn tượng “được đào tạo và tự đào tạo”, cụm từ mà các giờ huấn đức vang lên mãi, để nhấn mạnh rằng sự tự trưởng thành. Đó là thao thức và trách nhiệm thấy rõ của các nhà đào tạo chủng sinh hôm nay, được quan tâm hơn bao giờ hết. Tôi cũng không quên lời cha linh hướng căn dặn qua “mô hình tam giác” – thầy hãy hướng nhìn lên Chúa, sau đó quay về tha nhân qua chính mình, nhìn bằng trái tim và ánh mắt Thiên Chúa...

Một vị giảng phòng cho năm đầu tiên của tôi ở chủng viện đã hỏi tôi qua cuộc trao đổi trong thời gian linh thao. Điều mà tôi vẫn còn nhớ mãi: liệu thầy có kham nổi đời sống độc thân không ? Bây giờ sau 5 năm trong đời linh mục, tôi mới thực sự hiểu và thấm thía. Trong tư cách kitô hữu, tôi chia sẻ cùng bí tích đầu tiên với anh chị em, tất cả chúng ta đều mời gọi sống thánh mỗi ngày. Trên hành trình lữ hành, tôi có thể là chứng nhân cho anh chị em, tôi cũng có nguy cơ là phản chứng tá mà phiền lụy anh chị em. Khốn cho tôi nếu ở trong hoàn cảnh thứ hai.

Càng thấm thía hơn nữa với môi trường xã hội mà đề tài độc thân linh mục trở nên thường xuyên cho các cuộc tranh luận trên truyền hình, truyền thanh Pháp quốc. Tôi tưởng chừng như mình luôn phải sẵn sàng trả lời cho sự chọn lựa đời sống linh mục của mình. Thời gian ở trung tâm học ngôn ngữ, các thầy cô giáo và các bạn đến từ các quốc gia khác nhau, tất cả đều muốn hiểu biết về đời sống độc thân linh mục nơi tôi.

Tôi đã hiểu rõ ý nghĩa sự độc thân của mình trong lòng Giáo hội. Lẽ nhiên chúng ta có niềm tin, tình yêu của Chúa và tình liên đới với người khác là động lực để dấn thân. Tuy nhiên, cần phải tập quen với nhịp sống độc thân như một quán tính, trong sự hiểu biết về cơ chế tâm sinh lý. Một mặt, biết rằng noi gương Giêsu, đó là lý tưởng sống. Mặt khác, nếu không được tập tành, đào tạo thì liệu sống được thanh thản. Vâng, tôi tin và sống với thiên chức của mình, tôi biết thiện chí ban đầu của tôi là khao khát sự lành thánh và đã chọn Chúa Kitô theo cung cách này qua Giáo hội, tôi biết đó là một ƠN mà từng ngày tôi khám phá thêm trong chính sự hiện hữu của mình ngang qua thân xác và linh hồn tôi. Đó chẳng phải là một cuộc phiêu lưu thú vị ?

Chúa muốn chúng ta sống hạnh phúc- chắc chắn rồi ! Vì chỉ khi có niềm vui tôi mới có thể sẻ chia cho người khác. Tôi ý thức sự mong manh trong các mối tương quan hằng ngày, chỉ cần đặt đúng vị trí của nó, tiếc thay một chút lay động cũng làm cho tương quan trở nên bất xứng và tổn thương kẻ khác, hơn nữa cái giá phải trả cho danh thơm tiếng tốt của Giáo hội.  Nếu không thể là chứng tá tốt thì tôi không thể trở nên chướng ngại cho kẻ muốn tin vào Thiên Chúa. Chính vì vậy, tôi luôn khao khát một cuộc sống thánh thiện, niềm vui từ sự đơn sơ, thông hiểu, sự nâng đỡ, tương trợ, tương quan bạn hữu, trong sự quân bình và thanh tao. Nếu như tôi không “kham nổi” với sứ vụ, tôi không thể sống giả dối và lụy tới Hội Thánh. Vì thế, tôi tự nói trong thâm tâm, tôi sẵn sàng có một quyết định vì lợi ích lớn hơn cho Giáo Hội. Vì lẽ cần tự do dấn thân, tự do đem lại thiện ích thiêng liêng. Hiện tại, tôi thấy rất rõ những thách thức trở nên gấp nhiều lần trong tôi, khi đang mục vụ vùng đất khác, ngôn ngữ và văn hóa khác, nơi xa quê hương, gia đình, đồng môn, bạn hữu.... Mong có dịp chia sẻ về đời sống thừa sai (fidei donum) trong sự thay đổi chóng mặt của xã hội và thời canh tân của Giáo hội. Song song là việc nhìn lại khái niệm “truyền giáo”; Những gì cần phải chuẩn bị để ra đi. Đừng quên “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

 
5. Tình huynh đệ
           
Quả thật, trong cùng phép Rửa, trong cùng bản tính nhân loại, chúng ta không riêng lẻ, không đi một mình. Thực sự chúng ta cần có nhau, cần hiểu nhau và thương yêu nhau. Ý kiến chủ quan của tôi, thường thì các tín hữu bị cám dỗ theo một khuynh hướng tách mình ra, coi mình như nhóm “nắm điều thiện hảo” có vẻ đối nghịch phần còn lại của thế giới, mà chúng ta vốn gọi là thế gian. Không, chúng ta đi trong nhân loại, mặc lấy toàn bộ bản chất của nhân loại, nhưng với niềm tin mạc khải mà đời sống người tín hữu để làm sáng tỏ hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, đồng thời hiển thị phẩm giá cao đẹp của con người. Tuy nhiên chớ cao ngạo, chớ xem mình vững vàng, kẻo ngã như chơi. Vâng, chúng ta không đủ niềm tin, niềm vui, sự tế nhị, sự quan sát thế giới... một khi chính sự yếu hèn của bản tính tự nhiên, đã làm mất dần uy tín, sức mạnh của điều thiêng thánh bởi sứ vụ mà chúng ta được giao phó. Đừng quên chỉ có Chúa Kitô giống ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Còn chúng ta thì được mời gọi trở nên giống Ngài mỗi ngày. Trong bản tính con người, giữa chúng ta đều giống nhau, cho nên mọi điều tội tệ nhất cũng không miễn cho các tín hữu. Vì thế, đối diện sự dữ, “scandale, drame”, tội lỗi, đau khổ, chết chóc, đói khát, chiến tranh.... Cần khiêm tốn và cùng nhau vượt qua trong sự đoàn kết, lắng nghe.... Qua các sự kiện trong thế giới hôm nay, những điều đó chất vấn chính bản thân tôi và tôi có trách nhiệm sống cách thuyết phục nhất có thể trong khiêm tốn và tinh thần mùa Chay đấy thôi.


Gợi hứng từ bài chia sẻ Đức Thánh Cha Phanxicô trong công nghị về chức thánh đầu năm nay. Ngài chia sẻ cách chân thực, lắng đọng về đời sống linh mục của mình, hầu như một tâm tư để hướng dẫn những suy gẫm về chức thánh linh mục trong thời đại. Ngài nhấn mạnh tới 4 mối tương quan mà người linh mục cần phải có (với Chúa, với giám mục, với anh em linh mục và với giáo dân). Cách riêng tình anh em linh mục với nhau, tu sĩ lẫn nhau. Tình huynh đệ thực sự quý giá biết bao ! Ước gì giữa cha sở-cha phó, giữa cha già-cha trẻ, giữa các linh mục, giữa các tu sĩ, thực sự ngự trị một niềm vui của Phúc Âm. Bằng không, bao điều tồi tệ sẽ chiếm chỗ. Tôi xác tín rằng : Trước là tình anh em linh mục vô cùng quý báu để cùng nhau bước đi trong sứ vụ như những chiến sĩ trên chiến lũy đức tin. Sau đó là các tương quan tốt đẹp khác. Cuộc sống linh mục không bao giờ là một mình, nhưng trong sự liên kết. Để bảo đảm liên kết thì không thể thiếu một tâm hồn nguyện cầu, đó là những giây phút nhẹ nhàng có khi vui tươi, phấn khởi, có khi buồn bã, tủi nhục... Nhưng người linh mục tự xô mình ra trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Mỗi người có cách riêng trong đường tâm linh của mình, vì thế cần chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Tôi cũng ý thức thừa tác vụ là phục vụ dân Chúa, và biết rằng mình được yêu thương và sự nâng đỡ bằng lời cầu nguyện của bao người. Cách riêng, tâm tư chị thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu : “Je suis venu au Carmel pour sauver les âmes et surtout afin de prier pour les prêtres”, chị thánh đã bảo đảm lời cầu nguyện của chị cho các linh mục. Chắc chắn đời sống nào cũng có thập giá của nó, đau khổ là một phần cuộc đời, mầu nhiệm phục sinh Đức Kitô giúp chúng ta ngẩng cao đầu trong sự tương trợ của các thánh nam nữ, các đẳng linh hồn và anh chị em cùng ta trên đường lữ hành còn xa.
             
***


Tôi xin trích dẫn lời của một vị Hồng y để muốn đặt vào đó cùng tâm tư của mình,
Ngày nay thông điệp kitô giáo còn phù hợp như thế nào?[3]

“Vì con người không thay đổi trong suốt hai ngàn năm. Con người luôn đi tìm hạnh phúc và không tìm thấy. Con người luôn khao khát điều vô tận và đụng với những giới hạn của chính mình. Con người phạm những bất công gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, điều mà chúng ta gọi là tội lỗi. Nhưng chúng ta hiện đang sống trong một nền văn hóa có xu hướng kìm nén những gì nhân bản. Văn hóa chủ nghĩa tiêu dùng này hứa hẹn đáp ứng các mong muốn của con người, nhưng nó không thực hiện được. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc khủng hoảng, những lúc bị sốc, con người nhận ra có vô số câu hỏi còn nằm ngủ yên trong trái tim họ. Sứ điệp Tin Mừng đặc biệt mới mẻ để trả lời cho việc đi tìm ý nghĩa và hạnh phúc này. Thông điệp vẫn thích đáng, nhưng các sứ giả đôi khi mặc trang phục lỗi thời, đó không phải là cách phục vụ tốt nhất cho chính thông điệp đó… Và đó là lý do vì sao chúng ta phải thích nghi. Tất nhiên, không phải để thay đổi thông điệp, nhưng để thông điệp có thể nghe được, ngay cả với chúng ta là người thông báo nó. Thế giới luôn đi tìm, nhưng không đi tìm về phía chúng ta, và điều này thật đau lòng. Chúng ta cần giới thiệu thông điệp Phúc âm theo cách mà mọi người có thể hướng về Chúa.”
             
Tôi xin kết thúc tâm từ dài dòng này với niềm vui, tin tưởng Giáo hội. Cùng với Đức Thánh Cha, chúng ta sẽ học hỏi về tinh thần của Tông hiến mới Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate evangelium, sẽ có hiệu lực tháng 6 năm 2022. Với mong ước một hệ thống tổ chức cần phát triển sự tinh nhạy với các nhu cầu thực tế trong khôn ngoan và khiêm nhường, để thay thế cho những kết cấu nặng nề thủ tục, hình thức. Tông hiến đã được công bố vào ngày lễ thánh Giuse 19 tháng 3 vừa qua. Đó cũng là lý do tôi vui mừng, bình an vì thánh Cả sẽ dạy cho mọi bậc sống hiểu sâu sắc về đời sống cá vị trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nhất là sứ vụ loan báo Tin Mừng sao cho người ta thấy niềm vui, niềm hy vọng trong anh chị em và tình yêu thương phục vụ đúng cách. Vì loan báo Tin mừng, không gì khác ngoài Tin mừng. Xin qui tụ và khẩn thiết lắng nghe tâm tư người trẻ, cùng họ khơi dậy niềm vui, hy vọng vì họ là tương lai của Giáo hội, là bệ phóng cho phúc Âm. Nếu bạn muốn hãy làm dấu thánh giá và cách riêng nghĩ tới đời sống các linh mục. Xin cám ơn !

 
                                                                                          Besançon, 30/03/2022 Giuse Trần Hoàng Thiện
 

[1] La vie, À la Curie, le changement, c’est maintenant, n0 3995 du 24 au 30 Mars 2022, p. 19.
[2] http://phanxico.vn/2020/01/17/doc-than-rot-cuoc-chung-ta-dang-bao-ve-cai-gi/

Tác giả bài viết: Giuse Trần Hoàn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay18,582
  • Tháng hiện tại382,801
  • Tổng lượt truy cập28,034,688

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây