Nhà in Gia Hựu

Thứ tư - 09/06/2021 18:51
23 Gia Huu Nt

Nhà thờ Gia Hựu (thập niên 1960)


NHÀ IN GIA HỰU

Lm. Phalô Nguyễn Minh Chính

(Hiệu đính ngày 5/7/2021)


Không biết đích xác tự bao giờ nhưng nhà in của Địa phận Đông Đàng Trong ở Gia Hựu, tạm gọi là Nhà in Gia Hựu, đã có từ rất sớm. Nhiều tài liệu còn lại cho phép ta đặt thời điểm thành lập Nhà in Gia Hựu vào thời Đức cha Stêphanô Cuenot Thể. Trong bài khảo cứu về giáo xứ Việt Nam vào thế kỷ XIX, tác giả Burel Laurent viết: “Các địa phận lớn đều có nhà in: năm 1856 ở Tây Đàng Trong và Tây Đàng Ngoài. Nhà in của địa phận Đàng Ngoài được xây dựng ở kẻ Sở, trong họ đạo Kẻ Nhàu. Nhân sự làm việc ở tại đấy: thợ mộc, thợ khắc, thợ sắp chữ, thợ đóng bìa. Công việc có tính thủ công. Ở đây, người ta soạn thảo những cuốn sách bằng tiếng Việt và bằng chữ Quốc ngữ và chữ Nôm. Vào giữa thế kỷ thứ XIX, các thừa sai không có những con chữ thuộc loại này, chữ rời và bằng chì, nên phải khắc chữ Việt trên bản gỗ mềm và chính ở Kẻ Vĩnh mới có nhà in có mẫu tự roma dùng để in các tài liệu bằng tiếng Latinh. Phải đợi đến thời thừa sai Godard thì nhà in Kẻ Nhàu được dời về Kẻ Sở và được hiện đại hóa. In khắc bản gỗ được thay thế bằng in chữ rời bằng chì, và năm 1871 thì chất liệu in ấn, kỹ thuật in thạch bản và đóng bìa mới được du nhập từ Pháp.[1] … Sau khi nhà in Kẻ Nhàu bị tiêu hủy, vào đầu thập niên 1860, địa phận Đông Đàng Trong đã trang bị cho mình một nhà in.”[2] Các ấn phẩm của nhà in ở Đông Đàng Trong không nhiều nhưng cũng đủ cho phép giải quyết tạm thời sự thiếu hụt trong thời gian nhà in ở Đàng Ngoài không còn hoạt động nữa. 

Vậy nhà in này ở đâu và từ lúc nào? Ở Gia Hựu, trong thời gian Đức cha Cuenot Thể chọn Gia Hựu làm nơi lưu trú. Dấu vết về nhà in Gia Hựu đã được khẳng định qua những ấn phẩm còn lưu lại. Chẳng hạn, cuốn “Sách thiên” bằng chữ Nôm được in mộc bản ở Gia Hựu vào năm 1864, trong đó có “Kinh dốc lòng giữ đạo cho trọn” hay “Kinh bắt đạo”, một kinh mà các giáo dân thường đọc trong những cơn bách hại.[3] Sau này, vào năm 1911, trong khi chờ vấn đề giáo lý được quy định dứt khoát giữa các địa phận ở Đông Dương, nhà in Làng Sông đã quyết định tái bản cuốn giáo lý xưa, rõ ràng và đơn giản của Gia Hựu: cuốn “Thánh giáo yếu lý”, một tên gọi khác của Sách thiên, in đúng theo bản của Gia Hựu.[4]  Một cuốn sách khác được in bằng chữ Nôm và Hán nói về cuộc tranh luận giữa bốn tôn giáo (Phật, Đạo, Nho và Công giáo) diễn ra trong 3 ngày dưới thời chúa Trịnh Sâm: cuốn “Hội đồng tứ giáo”. Cuốn này được khắc in lần đầu tại nhà in Gia Hựu vào năm 1867. “Sách được khắc in lần đầu năm 1867 ở Giáo phận Quy Nhơn và sau đó nhiều lần tái bản ở các nhà thờ Phú Nhai (Bùi Chu) và Tân Định (Sàigòn), có bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha in năm 1903. Một số ấn bản của Hội đồng tứ giáo bằng chữ Nôm hiện nay cũng được lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội”.[5]

Từ niên đại chính xác của các ấn phẩm này, ta có thể nói được rằng nhà in Gia Hựu được thành lập từ thời Đức cha Cuenot Thể. Vì cuộc bách hại năm 1833, Đức cha Taberd lánh nạn ở Xiêm và sau đó là Chủng viện Penang, rồi đi Ấn Độ và qua đời tại đó. Khi không thể về Đàng Trong, Đức cha Taberd chọn thừa sai Cuenot làm giám mục phó, giao điều hành địa phận Đàng Trong. Được tấn phong giám mục ngày 3 tháng Năm 1835 tại Singapore, hai tháng sau Đức cha Cuenot đã có mặt tại địa phận. Vì tình hình còn nhiều biến động, thời gian đầu ngài “lẩn tránh chủ yếu tại hai địa sở Gò Thị và Gia Hựu”.[6] Và “chỉ có thể ban bí tích vào ban đêm cũng như phải rất cẩn thận. Đức cha Cuénot không ra khỏi hai địa sở mà ngài đang lẩn tránh: Gò Thị và Gia Hựu”.[7] Tuy nhiên, ngài viết nhiều thư cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, thúc đẩy họ cải đạo các lương dân. Trong thời gian trốn tránh qua lại giữa hai địa sở này, giáo họ Mương Lỡ được ghi nhận là điểm dừng chân. “Mương Lỡ đã có khoảng 80 giáo dân vào năm 1750; dưới thời Chân phước Cuenot, vào giữa thế kỷ trước, giáo họ này thường được dùng làm nơi trú ẩn hay nơi dừng chân của Chân phước khi trốn chạy từ Gò Thị đến Gia Hựu hay ngược lại”.[8]

Trong thời gian ở Gia Hựu, Đức cha Stêphanô Cuenot Thể đã để tâm: “lo soạn và dọn in các thứ sách giúp phần ích bổn đạo, cho đặng thêm lòng thờ phượng Chúa, cùng nên đạo đức hơn, như sách Gẫm ba mươi mốt điều; sách Tứ chung, giảng về bốn sự sau; sách Thánh giáo Chúa nhựt pháp; sách Thánh giáo nhựt khóa; sách Thánh giáo yếu lý. Sách Tử hầu bảo hữu qui thơ; sách Lề luật họ Môi khôi; sách Bổn gẫm đàng thánh Giá; sách Sấm truyền cũ và mới; sách Gương phước; sách Chú giải bài Evang; và nhứt là sách Biện phân tà chánh. Sách nầy phân giải lẽ đạo cho kẻ ngoại, tỏ sự phải trái hơn thiệt trong đạo như, việc thờ ông bà, cùng các việc dị đoan nước nầy, sau hết lại chỉ đàng khử tà qui chánh: lý chắc thật, tiếng nói xuôi tai; tưởng các thứ sách in xưa nay, không sách nào ví cho bằng. Những sách trên nầy thảy là sách hay và sốt sắng, xưa nay các địa phận Nam kỳ cũng đều dùng làm chánh bổn”.[9] Ngài còn xin phép Tòa thánh in lại những sách cần thiết cho địa phận mình; “Nhất là các sách Phúc Âm, Gương Chúa Giêsu, Kinh Thánh tóm tắt, Thánh giáo nhựt khóa, Tứ chung, Thánh giáo Chúa nhựt pháp. Chính ngài sửa lại một số trong các tác phẩm này; ngài cũng dịch và cho in cuốn La Vérité du Christianisme démontrée aux paiens (Trình bày chân lý Kitô giáo cho lương dân), một tác phẩm gồm bốn cuốn có văn phong lịch lãm mà người ta nói rằng: ‘toát lên một tài năng về tiếng Việt mà không ai tin rằng nó xuất phát từ một cây bút người ngoại quốc’”.[10]

Vậy nhà in Gia Hựu được ai phụ trách? Trong cuốn hồi ký của mình, “Vingt ans en Annam ou mémoires du Père Bénigne” (20 năm ở Annam hay hồi ký của Cha Bénigne), Cha Bénigne đề cập đến công việc in ấn của một nhà in ở Đàng Trong mà khi kết hợp các dữ kiện lại ta có thể nói rằng đó là nhà in Gia Hựu. Vậy cha Bénigne là ai? Tác giả Burel Laurent cho rằng đó là tên hiệu của thừa sai Sohier (Bình). Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một nghiên cứu sâu rộng hơn để đi đến xác định, chúng ta cứ gọi là cha Bénigne.

Mở đầu câu chuyện, cha Bénigne viết: “Năm 1855, sau 5 tháng vượt đại dương, tôi từ Paris đến Singapour, điểm đến là Đông Đàng Trong”[11] Thời điểm này, Đông Đàng Trong vẫn còn trong thời kỳ bách hại nên việc ngài đến không được rình rang cho lắm! “Một con thuyền đủ lớn để ra khơi đến đón tôi ở Singapour, rồi dừng lại cách cảng chính[12] của tỉnh Bình Định vài hải lý. Một thuyền viên đi báo tin tôi đến, và đêm hôm sau, ba giáo dân can đảm và nhiệt tình đến đón tôi với một chiếc thuyền nhỏ để đưa tôi vào trong xứ sở. Tôi nằm dài trên sàn; người ta phủ lên người tôi một chiếc chiếu bẩn thích hợp với dân chài; chất đầy cá lên người tôi, một trong ba ngồi trên chân tôi, bên đống cá, hai người khác mỗi người mỗi đầu, vừa chèo vừa hát. Một chiếc thuyền canh cửa biển đến gần khi thấy chúng tôi: Ê! Chở gì đó – Chúng tôi vừa đi đánh cá về - Đưa đây ít con – Nè! Đây là hai con ngon nhất đó! Chiếc thuyền con của chúng tôi cập sát con tàu kia; những tiếng cười và niềm vui đi kèm với món quà tặng, trong khi đó con cá lớn, người tôi tớ của các bạn có ít khó chịu dưới sức nặng, nhưng hạnh phúc và tin tưởng vào Đức Maria mà ông cầu khẩn ở dưới đấy, đã đi qua mà không chút khó khăn gì trước mũi những người mà sẽ rất hân hạnh được là đao phủ của mình”[13]     

Cha Bénigne sống nhiều năm ở vùng Bình Định, nhắc đến Gò Thị (tr.160), ở Phú Yên, Mằng Lăng năm 1865 (tr. 87). Nhờ ngài mà chúng ta biết đích xác nơi ẩn náu cuối cùng của cha Gagelin là Thác Đá: “Chính tại nơi đây mà 25 năm trước vị thừa sai tử đạo Gagelin đã được che giấu và làm thất bại mọi sự tìm kiếm của các quan lại và cũng chính từ nơi đây, để tránh mọi sự khám xét gây phiền hà cho giáo dân, ngài đã đi tự nộp mình ở huyện đường chỉ cách đó vài cây số ở phía bên kia sông”.[14] Ngài nhắc đến câu chuyện Đức cha Cuenot vì là một cộng sự viên thân cận của ngài nên biết nhiều chi tiết hơn (chương XVII, tr. 152-171). Ngài viết: “Thỉnh thoảng tôi mới nhắc đến Đức cha Cuenot, bởi vì một trong những anh em cùng địa phận đã viết về cuộc đời ngài. Ông ấy đã viết về bệnh tình thảm hại của Đức cha mà tôi xin phép được nhắc ra đây, và chắc chắn vì thiếu thông tin nên ông đã bỏ sót nhiều chi tiết quý giá mà tôi xin viết ra đây để tôn vinh vị giám mục thánh thiện và vĩ đại này”.[15] Trong cuốn hồi ký này, cha đã kể những câu chuyện, phong tục, tập quán của Đông Đàng Trong, cụ thể là Bình Định, cả đến chuyện ăn thịt chó mà ngài đã thử và cho rằng “giống thịt nai, mà thật sự con chó ở đây được gọi cách văn vẻ là ‘con nai ở ngạch cửa nhà’” (tr. 60). Về tên gọi Bénigne, cha viết “Khi một thừa sai mới đến, trong vòng năm sáu tháng, người ta gọi là cha mới; sau khi quen biết nhiều, hiểu rõ được nhau, những người chung quanh tặng cha ấy một cái tên được lựa chọn trong khoảng 30 đến 40 ngàn từ trong ngữ vựng tiếng Annam: thế nên tôi được gọi là cha Bénigne” (tr. VII). “Bénigne” là hình thức phiên âm Pháp ngữ của “Bình”, tên tiếng Việt của cha Sohier?

Lý do để thiết lập nhà in Gia Hựu là vì nhu cầu sách kinh, giáo lý … rất thiếu thốn do không còn nhận được từ các địa phận ở Đàng Ngoài như trước đây nữa. Để giải quyết tình trạng bế tắc, chính cha Bénigne đã phải tự học khắc mộc bản và rồi đào tạo các nữ tu thành những người thợ. Công việc in ấn ở đây được các nữ tu “Mến Thánh Giá” đảm trách, họ khắc chữ lên bản gỗ mềm, in và đóng bìa. Cha viết: “Chúng tôi không còn cuốn sách nào nữa. Để in sách, người ta dùng những tấm gỗ đủ cứng và dễ khắc chữ lên trên ấy. Nơi chúng tôi không có kỹ nghệ này nên sách vở được các địa phận Đàng Ngoài cung cấp. Ngày nay, các địa phận này cũng bị phá hủy như chúng tôi nên không còn trông cậy vào những nơi ấy nữa. Chính tôi tập khắc chữ; chẳng bao lâu sau tôi đào tạo được chục thợ khắc; những tấm ván được bào dọn sẵn và gởi đến tu viện, các nữ tu in và đóng bìa; trong vòng một năm, chúng tôi đã tái bản những cuốn giáo lý, sách kinh, sách đạo lý và tất cả những sách quan trọng xưa kia người ta thường sử dụng”.[16]    

Năm 1861, Đức cha Cuénot chết trong ngục thất và tiếp đến là cái chết của cha Quyền đại diện Herrengt năm 1863 khiến cho địa phận phải bị lao đao. Năm 1864, cha Charbonnier được tấn phong làm Đại diện tông tòa Đông Đàng Trong và chọn đặt Tòa giám mục tại Gia Hựu, lý do rất đơn giản là vì nơi đây có cửa Kim Bồng, nơi nhiều giáo dân làm nghề đánh cá có ghe thuyền thường xuyên đi lại giữa Gia Hựu và Sàigòn, rất thuận tiện để liên lạc. “Trung tâm địa phận lúc này là Gia Hựu, một địa sở lớn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, gần với cửa Kim Bồng, nơi có nhiều ghe thuyền của giáo dân thường xuyên đi Sàigòn sẵn sàng chuyển hàng hóa thư từ của sở quản lý”.[17] Và người cộng tác đắc lực cho Đức cha Charbonnier thời gian này là cha Camelbeke, được đặt làm cha sở Gia Hựu, nơi mà “tất cả đều bị phá hủy, tất cả phải được làm lại”. Cha Camelbeke bắt tay xây dựng lại tòa giám mục, nhà vuông, phước viện, nhà cô nhi. Hai năm sau, Đức cha Charbonnier bổ nhiệm cha Camelbeke làm Quyền đại diện, nhà in Gia Hựu hoạt động trở lại, in ấn thêm nhiều sách mới hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo. “Nhờ ngài, phước viện “Mến Thánh Giá” Gia Hựu trở nên khởi sắc; nhà in của địa phận có thêm nhiều sách kinh mới, sách đạo và sách biện luận”.[18]
 
[1] Compte rendu des travaux MEP, 1919, tr. 176
[2] Burel Laurent, “La paroisse vietnamienne au XIXe siècle: un compromis entre commune traditionnelle et modernité”, Péninsule, 1998, vol. 29, No. 36, tr. 38
[3] Mémorial, Mission de Quinhon, 4 Novembre 1918, tr. 161.
[4] Xem Mémorial, Mission de Quinhon, 8 Janvier 1911, tr. 11.
[5] Nguyễn Thừa Hỷ, Việt Nam, Thế kỷ XVII-XVIII-XIX (Qua các nguồn tư liệu phương Tây), Nxb. Khoa học Xã Hội, 2020, tr. 422.
[6] Gerard Moussay & Brigitte Appavou, Répertoire des membres de MEP, 1659-2004, Paris 2004, tr. 99
[7] Bulletin MEP, 1936, tr. 855
[8] Compte-rendu et état de la mission de Sep. 1940 à Sep. 1941, Mission de Quinhon, 1941, tr. 32
[9] R. P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Nhà in Làng Sông, 1907, tr. 52.
[10] Annales MEP, 1907, tr. 8
[11] Père Benigne, Vingt  ans en Annam ou mémoires du Père Bénigne, A.C. Roget, 1884, tr. 1
[12] Cửa Kim Bồng
[13] Père Benigne, ibid., tr. 30
[14] Père Benigne, ibid., tr. 127
[15] Père Benigne, ibid., tr. VI.
[16] Père Benigne, ibid., tr. 185.
[17] Compte-rendu des travaux, MEP, 1901, tr. 282
[18] Compte-rendu des travaux, MEP, 1901, tr. 282


(Xem thêm một số hình ảnh Nhà thờ Gia Hựu ở bên dưới bài)
 
 

 
 
(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Nối vạch thời gian, Tủ sách Nước Mặn, 2020, tr. 22-28)


 
nhthgiahu

Nhà thờ và khuôn viên Địa sở Gia Hựu (hình vẽ) 
 
Nhà mồ Gia Hựu

Mã thánh Gia Hựu (hình vẽ)
Nơi chôn cất hài cốt các tín hữu tử đạo năm văn thân 1885

 
Hang Đá GH

Hang đá Gia Hựu (thập niên 1960)
 
Nhà Vuông GH

Nhà vuông Gia Hựu (thập niên 1960)
 
Mã Thánh GH

Mã Thánh Gia Hựu (thập niên 1960)
 
Gia Huu nhà vuông

Nhà vuông Gia Hựu (thập niên 1960)
 
Nt GH interieur

Bên trong Nhà thờ Gia Hựu (thập niên 1960)
 
Hang Đá Gò Xoài

Hang đá Gò Xoài (thập niên 1960)
 
DSC 0982

Hang đá Gia Hựu (năm 2010)
 
DSC 0989

Mã Thánh Gia Hựu (năm 2010)




 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay12,189
  • Tháng hiện tại613,694
  • Tổng lượt truy cập28,265,581

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây