Bis repetita… Chữa người mù thứ hai như thế nào?

Thứ ba - 22/02/2022 19:13
 
Đức Kitô chữa người mù
Tranh của Eustache Le Sueur, khoảng 1645



Erwan Chauty SJ.
Centre Sèvres – Facultés jésuites de Paris


Bis repetita placent, câu ngạn ngữ Latinh nói rằng: sự việc nào hay mà được lập lại hai lần thì sẽ làm hài lòng người xem. Tác giả tin mừng Marcô, người nổi tiếng tinh tế nhất trong các đồng sự là Matthêô, Luca và Gioan, chẳng phải là đã tính toán đến điều đó sao? Thật vậy, ông là người duy nhất kể lại hai cuộc chữa lành người mù. Gioan chỉ có một trình thuật dài về người mù từ khi mới sinh được sai đến hồ Silôê (Ga 9). Luca cũng vậy, chỉ có trình thuật người mù ở Giêricô (Lc 18,35-43), thêm vào lời khẳng định chung chung khi Đức Giêsu chữa lành các người mù (Lc 7,22). Tin mừng Matthêô, sự lạm phát thật đáng chú ý: hai trình thuật chữa lành mỗi lần hai người mù (Mt 9,27-31 và 20,29-34), hai cuộc chữa lành được kể lại rất thoáng qua (12,22 và 21,14), và lời xác nhận chung về những cuộc chữa lành các người mù (11,515,30). Còn Marcô thì dường như mờ nhạt hơn, ít tỉ mỉ hơn, trung thành thuật lại các dữ kiện và cử chỉ của Đức Giêsu: một người mù được chữa lành ở Bétsaiđa bằng nước miếng (8,22-26), và người mù Bartimê ở Giêricô (10,46-52).

Tuy nhiên khi so sánh hai trình thuật này với nhau thì ta thấy một điều hoàn toàn khác: Marcô đã bộc lộ tài năng văn chương của mình ở đây. Trình thuật thứ hai chữa lành người mù không phải là sự sao chép lần thứ nhất mà là đầu tư vào trình thuật thứ nhất để tác động đến sự chờ đợi của người đọc trong trình thuật thứ hai. Cuộc chữa lành anh mù Bartimê trở thành dịp để nghiên cứu về ý nghĩa biểu tượng và thần học.
Thật vậy, trong lần thứ nhất là cuộc chữa lành người mù ở Bétsaiđa, Marcô nhấn mạnh đến phương diện thể lý, hầu như là y học. Đức Giêsu “cầm lấy tay” người mù, vì anh không thể thấy đường đi. Ngài “nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh”. Một cách khá khoa học, Ngài hỏi bệnh nhân về kết quả điều trị: “Anh có thấy gì không?”, để biết rằng cuộc chữa lành đã hoàn toàn chưa. Ngài phải đặt tay lần thứ hai để chữa bệnh: “anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự”.

Khi đọc trình thuật thứ hai – chuyện anh mù Bartimê ở Giêricô – hãy lưu ý độc giả chờ đợi như thế nào khi các sự việc xảy ra cùng một cách. Ngay từ đầu, người kể xác định rằng Bartimê bị mù, điều này lập trình sự chờ đợi một cuộc cứu chữa từ Đức Giêsu, nhờ một loạt những cử chỉ. Hẳn nhiên, sự chữa lành sẽ diễn ra, nhưng những điểm chính được người kể triển khai lại hoàn toàn khác. Chiếm chỗ trước hết không phải là thử thách thể lý của chứng mù lòa mà là sự khó khăn xã hội của cuộc gặp gỡ: Bartimê bị quát mắng, anh phải gào lên nhiều lần để Đức Giêsu để ý đến mình còn đám đông thì cứ ngăn cản anh. Rồi thay vì chữa lành, Đức Giêsu đặt một câu hỏi bất ngờ, mà dường như câu trả lời đã quá rõ ràng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”  (c. 51). Dành cho Bartimê là người vừa bày tỏ ước muốn được sáng mắt, Đức Giêsu không đáp ứng bằng sự chữa lành y khoa, nhưng bằng một phạm trù thần học của “ơn cứu rỗi”: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lần này không thêm vào một chi tiết nào khác, người kể ghi chú rằng Bartimê đã nhìn thấy được. Nhưng đó chưa phải là cái kết: “Anh đi theo Người trên con đường Người đi”, kể từ khi mời gọi Simon và Anrê (“Hãy đến mà theo Thầy” - Mc 1,17), đây là một lối nói thánh hiến chỉ điều kiện để làm môn đệ. 

Những cuộc chữa lành người mù, đấy là những đoạn văn khá bất thường ngay cả đối với chúng ta là những người sống trong một thế giới mà nhãn khoa đã có những tiến bộ đáng kể. Những trình thuật này có nguy cơ khiến ta liên tưởng đến một tôn giáo ma thuật, không liên hệ gì đến đời sống thường ngày của chúng ta, khi mà cái siêu nhiên thì vô hình. Ấy vậy mà trình thuật chữa lành ở Giêricô, khi chuyển từ khía cạnh y khoa sang “ơn cứu rỗi” của người mù Bartimê, đã thuật lại tất cả những gì mà ta có thể sống ngày hôm nay, nếu ta chờ đợi tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp trả trong đức tin. Vượt qua sự bất động của người ăn xin đến người bước trên đường, không để mình bị sao nhãng bởi những người ngăn cản mình đi đến sự thay đổi, gặp gỡ đấng cứu thế hoàn toàn chẳng hề biết trước và ban Lời cho chúng ta, dám thố lộ những gì ẩn chứa trong chúng ta, và trở thành môn đệ Ngài …

Như vậy, tác giả tin mừng Marcô không phải là văn sĩ kể chuyện cộc lốc nhất! Khi thuật lại hai cuộc chữa lành người mù, ông đầu tư vào câu chuyện thứ nhất để kể ra câu chuyện thứ hai, đồng thời tôn vinh danh tiếng bất thường của Đức Giêsu, người nguyền rủa “những người có mắt mà không thấy”, và hướng sự chú ý của chúng ta đến những tình trạng mà các tín hữu ở mọi thời đại đều có thể vượt qua.



 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại615,094
  • Tổng lượt truy cập28,930,463

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây