Logic đứng sau việc tận hiến cho Đức Maria

Thứ hai - 16/08/2021 21:19
 
JP Nunez
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

 

Cách đây vài năm, tôi từng thảo luận với một người bạn bên Tin lành về vấn đề thực hành Công giáo tận hiến bản thân cho Đức Maria. Giống như nhiều người Tin lành khác, anh ấy nghĩ rằng thực hành này hoàn toàn xa lạ với đời sống tâm linh Kitô giáo đích thực, vì thế anh ấy yêu cầu tôi giải thích logic đứng sau thực hành này. Tôi đã bắt đầu bằng việc nói rằng, về cơ bản, điều đó có nghĩa là chúng tôi trao phó bản thân cho Đức Maria và đặt mình dưới sự soi dẫn của Mẹ; chúng tôi cầu xin Mẹ dạy dỗ để chúng tôi được nên thánh giống Mẹ.

Để giúp bạn tôi hiểu rõ điều này hơn, tôi dùng một ví dụ về môn bóng rổ. Tôi nói rằng nếu bạn muốn trở thành một cầu thủ bóng rổ giỏi nhất có thể, bạn cần phải học hỏi từ người giỏi nhất. Nếu được, bạn nên tìm đến cầu thủ chơi bóng rổ hay nhất mọi thời là Michael Jordan, và anh ta có thể giúp bạn nhiều hơn bất cứ ai trên thế giới. (Dĩ nhiên là những người trình diễn xuất sắc chưa chắc là những giáo viên giỏi, nhưng không có một phép loại suy nào hoàn hảo cả).

Tôi nói rằng, cũng tương tự như vậy, nếu chúng ta muốn nên thánh thiện nhất có thể, chúng ta cần học hỏi hình mẫu sự thánh thiện từ một nhân vật hoàn hảo nhất, một người từng có mặt ở trần gian. Tiếp theo, tôi định nói rằng con người thánh thiện nhất từng tồn tại trong lịch sử (theo đức tin Công giáo) là Đức Maria, Đấng mà ơn Vô nhiễm nguyên tội đã giữ Mẹ không phạm một tội lỗi nào dù nhỏ nhất trong suốt cuộc sống trần thế; tuy nhiên, bạn của tôi đã ngắt lời và nói rằng đó là Đức Giêsu. Anh ta nói điều này với một điệu cười ranh mãnh trên mặt.

Ngụ ý thật rõ ràng. Anh ta biện luận cách khéo léo rằng việc tận hiến cho Đức Maria là điều không cần thiết, bởi vì chúng ta có thể học hỏi trực tiếp từ chính Đức Giêsu, Đấng thánh thiện nhất so với tất cả.

Xét bề ngoài, nói như vậy cũng có vẻ hợp lý. Đức Maria có thể đã được Thiên Chúa gìn giữ khỏi tội lỗi, nhưng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, vậy nên có vẻ không cần động não thêm trong vấn đề này. Theo logic phổ biến này của anh em Tin lành, chúng ta nên bỏ qua người trung gian và trực tiếp đi đến với cội nguồn của mọi sự thánh thiện.

Phải đối đáp ra sao khi gặp những lý lẽ giống vậy?

Chúng ta cần noi gương ai?

Tôi không nhớ câu trả lời chính xác của mình trong cuộc thảo luận cá nhân hồi ấy, nhưng giờ đây, nếu tôi phải giải đáp cho thách thức của bạn mình, tôi sẽ không cố bác bỏ trực tiếp logic của anh ấy. Thay vào đó, tôi sẽ cố gắng vượt qua nó, bắt đầu bằng cách thay đổi chủ đề một chút và lưu tâm đến những con người có đời sống thánh thiện mà chúng ta nên noi gương.

Theo bạn tôi, chúng ta chỉ nên noi gương Đức Giêsu, chứ không phải các vị thánh. Các vị thánh có thể thánh thiện, nhưng Đức Giêsu vượt trội so với họ. Ngài là (và vĩnh viễn là!) sự thánh thiện nhập thể, vậy nên Ngài là mẫu gương tốt nhất có thể để chúng ta noi theo. Bạn tôi giữ lập trường cho rằng chúng ta có thể bỏ qua những trung gian khác và xem Đức Giêsu là hình mẫu duy nhất cho sự thánh thiện.

Tuy nhiên, Kinh thánh trình bày một số điểm rất khác. Tân ước nói với chúng ta rằng chúng ta cần noi gương Đức Giêsu (x. Ga 13,34; 1Pr 2,21), nhưng cũng cổ võ chúng ta noi gương các vị thánh. Chẳng hạn, thánh Phaolô thường khuyên độc giả cần noi gương ngài (1 Cr 4,16; Pl 3,17; 2Tx 3,7-9), thậm chí có một đoạn ngài còn nói: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1).

Như thế, thánh Phaolô không chỉ khuyên con cái thiêng liêng của mình bắt chước ngài cách chung chung, nhưng ngài còn yêu cầu họ xem ngài như một mẫu gương để họ có thể dễ dàng hướng đến Đức Giêsu. Ngài bảo những người con thiêng liêng hãy noi gương ngài hơn là chỉ hướng đến hình mẫu của Đấng mà ngài đang noi theo.

Chính xác mà nói, điều này không có nghĩa là thánh Phaolô ngăn cản mọi người xem Đức Giêsu như một mẫu gương. Ngược lại, ngài đã nói rõ ràng với các độc giả của mình rằng họ cũng phải làm điều đó (Pl 2,5; Cl 3,13), như thế, quan điểm của ngài không phải là họ nên noi gương ngài thay vì Đức Giêsu. Đúng hơn, mọi người nên noi gương ngài cùng với Đức Giêsu. Trong thực tế, chúng ta thậm chí có thể nói rằng ngài muốn các độc giả của mình bắt chước Đức Giêsu đúng theo cách mà ngài bắt chước.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt thiêng liêng

Tại sao lại như thế? Là bởi vì Thiên Chúa không muốn chúng ta quá chăm chú vào Ngài đến nỗi đánh mất khả năng nhìn đến người khác.

Thiên Chúa không đối đãi với chúng ta theo đường lối độc đoán, khiến chúng ta không còn phụ thuộc vào phần còn lại của Giáo hội về mặt đời sống thiêng liêng. Không. Giống như việc Ngài đã tạo dựng nên chúng ta phụ thuộc lẫn nhau để duy trì sự sống thể lý, thì một trật, Ngài cũng muốn chúng ta phụ thuộc lẫn nhau về đời sống thiêng liêng. Trên lý thuyết, dẫu cho Đức Giêsu có thể được xem như mẫu gương độc nhất về sự thánh thiện, nhưng Thiên Chúa còn muốn chúng ta biết noi gương người khác nữa.

Quay trở lại chủ đề chính của bài viết này – thực hành Công giáo tận hiến bản thân cho Đức Maria – nguyên tắc như trên cũng đúng khi được áp dụng. Hiển nhiên chính Thiên Chúa, cội nguồn của mọi sự thánh thiện, là thầy dạy tuyệt vời nhất cho đời sống tâm linh, nhưng Ngài không muốn chỉ riêng Ngài đóng vai trò này. Thay vào đó, Ngài muốn chia sẻ nó với con cái Ngài để họ có thể học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng Ngài muốn dạy dỗ chúng ta thông qua mẫu gương và sự chỉ bảo của người khác.

Vì lẽ đó, tư tưởng bỏ qua những người trung gian và phớt lờ Đức Maria thực ra đã đi ngược lại với tinh thần của Tân ước. Đúng vậy, Thiên Chúa có nhiều con đường để dạy cho chúng ta về chính Ngài cách trực tiếp, nhưng đó không luôn luôn là cách mà Ngài đối xử với con cái mình. Thay vào đó, Ngài muốn dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta thông qua tha nhân, và điều này là đúng đắn trong cả các vấn đề tâm linh cũng như vấn để trần thế, như chuyện môn bóng rổ.

Quả thật người hướng dẫn tuyệt vời nhất mà chúng ta hoàn toàn có thể trao phó bản thân chính là Đức Maria, do đó, thật hợp lý để chúng ta tận hiến bản thân cho Mẹ. Bằng cách này, chúng ta đặt mình hướng sự bảo ban của Mẹ và kêu xin Mẹ dạy dỗ để chúng ta trở nên thánh thiện giống Mẹ.

Đó là lý do tại sao thực hành Công giáo tận hiến bản thân cho Đức Maria là điều hoàn toàn hợp lý.

Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Nguồn tin: https://catholicstand.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay7,925
  • Tháng hiện tại417,814
  • Tổng lượt truy cập28,733,183

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây