Luca có tự mâu thuẫn về thời điểm Đức Giêsu ra đời?

Thứ tư - 06/10/2021 11:19
Luca có tự mâu thuẫn về thời điểm Đức Giêsu ra đời?
 
iStockphoto
Tác giả: Jimmy Akin

Thánh Luca bắt đầu chương thứ 2 Tin mừng của ngài bằng một lưu ý về niên biểu liên quan đến thời điểm Đức Giêsu ra đời, nội dung như sau:

“Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri” (Lc 2,1-2).

Bản văn này là một đề tài gặp nhiều chỉ trích, vì trước đó Luca đã liên kết sự kiện Đức Giêsu ra đời với triều đại của Hêrôđê Cả (Lc 1,5), và mãi đến nhiều năm sau đó, Quiriniô mới trở thành tổng trấn xứ Xyri.

Chuyện gì đã xảy ra lúc ấy?

Triều đại Hêrôđê kết thúc chính xác vào lúc nào còn là một vấn đề gây tranh cãi. Về mặt lịch sử, quan điểm phổ biến nhất – cũng được các Giáo phụ đồng thuận – là Hêrôđê qua đời nào năm 1 TCN.

Tuy nhiên, vào hơn một trăm năm trước, một học giả người Đức có tên là Emil Schüer đã chỉ ra rằng Hêrôđê qua đời vào năm 4 TCN, và nó trở thành quan điểm phổ biến nhất trong thế kỷ 20.

Dẫu vậy, các nghiên cứu gần đây hơn đã ủng hộ cho quan điểm rằng, Schürer đã sai lầm và việc định thời gian vào năm 1 TCN theo truyền thống là chính xác.

Sau cái chết của Hêrôđê, vương quốc của ông bị chia cắt, và con ông là Áckhêlao trở thành người cai trị miền Giuđê (Mt 2,22).

Tuy nhiên, Áckhêlao là một nhà cai trị tồi tệ, và vào năm 6 CN, ông bị những người Rôma truất phế rồi đưa đi lưu đày đến nơi mà ngày nay là nước Pháp.

Thay vào đó, một tổng trấn người Rôma được bổ nhiệm để cai quản hành tỉnh, đây là lý do tại sao Phongxiô Philatô – thay vì các hậu duệ của Hêrôđê Cả - là người cầm quyền ở Giuđê vào thời điểm Đức Giêsu thi hành sứ vụ khi trưởng thành.

Theo Josephus, một sử gia Do Thái, Quiriniô (cũng gọi là Cyrêniô) đã được cử đến cai quản Xyri sau khi Áckhêlao bị lưu đày. Quiriniô cũng thực hiện một cuộc kiểm tra thuế ở Giuđê lúc ấy và soát lại các khoản tài chính của Áckhêlao (Josephus, Jewish Antiquities 18,1,1).

Chuỗi sự kiện

Từ những gì đã nói ở trên, toàn bộ chuỗi sự kiện thật rõ ràng:

1. Hêrôđê Cả qua đời (năm 1 TCN hoặc 4 TCN).

2. Áckhêlao trở thành người kế vị ông ta ở Giuđê.

3. Áckhêlao bị truất phế.

4. Quiriniô thực hiện cuộc điều tra dân số của mình (năm 6 CN).

Căn cứ vào trình tự này, nếu Luca đồng nhất thời điểm ra đời của Đức Giêsu với cuộc điều tra dân số được triển khai năm 6 CN, lúc ấy chúng ta sẽ gặp phải một mâu thuẫn ẩn tàng với chương 1 Tin mừng Luca, theo đó, việc Đức Giêsu ra đời liên kết với triều đại của Hêrôđê Cả còn trị vì; và càng mâu thuẫn hơn nữa so với chương 2 Tin mừng Mátthêu, minh thị về sự kiện Đức Giêsu được sinh ra dưới thời Hêrôđê Cả.

Tìm kiếm một giải pháp

Các học giả đã đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này. Không đủ chỗ để trình bày lại tất cả ở đây, nhưng tôi muốn xem xét một trong số chúng.

Trong cuốn Đức Giêsu là ai?, N. T. Wright, nguyên giám mục Anh giáo, trình bày rằng:

“Vấn đề về Quiriniô và cuộc điều tra dân số của ông ta là chuyện không có gì mới, nó đòi hỏi một kiến thức vững chắc về tiếng Hy Lạp. Vấn đề phụ thuộc vào ý nghĩa của từ ‘protos’, nó thường được hiểu theo nghĩa ‘đầu tiên’.

Do đó, hầu hết các bản dịch Lc 2,2 đều hiểu: ‘Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên [protos], được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri’ hoặc tương tự như vậy.

Nhưng trong tiếng Hy Lạp lúc bấy giờ, như các cuốn đại từ điển tiếng Hy Lạp tiêu chuẩn chỉ ra, từ protos đôi lúc được sử dụng với nghĩa ‘trước’, khi nó được đi kèm (như trường hợp này) với sở hữu cách (tr. 89)”.

Sở hữu cách là một nét đặc biệt về ngữ pháp trong tiếng Hy Lạp. Nó thường được sử dụng để chỉ sự sở hữu (như “các môn đệ [của] Đức Giêsu”) hay nguồn gốc (như “Đức Giêsu [của] thành Nazarét”). Tuy nhiên, Wright đang đề cập đến cách sử dụng đặc biệt của sở hữu cách khi nó đi cùng với từ protos và protos chuyển nghĩa thành “trước”. Ông viết:

“Gioan 1,15 là một ví dụ điển hình, ở đó, Gioan Tẩy giả nói về Đức Giêsu rằng ‘Ngài có trước tôi’, với từ Hy Lạp protos cũng được đi kèm với từ “tôi” nằm ở sở hữu cách”.

Trong phần cước chú, Wright tiếp tục phân tích:

“Cụm từ này được lặp lại trong Gioan 1,30; cũng có thể so sánh nó với Gioan 15,18, theo đó, Đức Giêsu nói rằng ‘thế gian đã ghét Ta trước [khi nó ghét] các con’, ở đây một lần nữa từ Hy Lạp protos đi cùng với sở hữu cách.

Những tham chiếu khác, cả trong lẫn ngoài văn chương Kinh thánh của thời kỳ này, có thể được tìm thấy trong Từ điển Hy Lạp của Liddell và Scott (Oxford: OUP, 1940), trang 1535; và Từ điển Tân ước Hy Lạp – Anh của W. Bauer, do Arndt, Gingrich và Danker biên tập và hiệu đính (Chicago: Tạp chí Đại học Chicago), trang 725tt, 19.

Điều thú vị là cách lý giải này đã được đưa ra bởi nhiều học giả khác nhau, bao gồm William Temple trong cuốn Những cách đọc Tin mừng thánh Gioan (London: Macmillan, 1945), trang 17; gần đây nhất xin xem John Nolland, Luca 1-9,20 (Dallas: Word Books, 1989), trang 101tt”.

Lý giải của Wright

Kế tiếp Wright giải thích chuyện này liên can đến cuộc kiểm kê của Quiriniô ra sao:

“Do vậy, tôi đề nghị rằng, thực ra cách diễn giải đúng với bản chất của câu này nhất phải là: ‘Cuộc kiểm tra dân số này đã diễn ra trước thời điểm Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri’”.

Ông cũng lưu ý:

“Cách lý giải này còn giải quyết được một vấn đề kỳ quặc khác: tại sao Luca lại có thể nói rằng cuộc kiểm tra dân số của Quiriniô là cuộc kiểm tra đầu tiên? Những cuộc điều tra nào diễn ra sau mà ngài đang nghĩ đến?

Dĩ nhiên là cách diễn giải này không giải quyết được mọi khúc mắc. Căn cứ theo nhiều nguồn khác nhau, chúng ta không hề biết về một cuộc kiểm tra nào sớm hơn cuộc kiểm tra của Quiriniô. Nhưng có nhiều điều quan trọng trong lịch sử cổ đại mà chúng ta chưa biết đến.

Khắp các ghi chép của chúng ta đều có những khoảng trống lớn. Chỉ những người tưởng tượng rằng ai đó có thể nghiên cứu lịch sử bằng cách tra cứu lại các bản sao của tờ Thời báo London hay Bưu điện Washington trong một thư viện gần nhà, mới có thể gặp nhầm lẫn khi rút ra kết luận từ những vấn đề chưa được làm sáng tỏ liên quan đến thế kỷ thứ nhất.

Tôi phỏng đoán rằng Luca đã biết về một truyền thống, theo đó, Đức Giêsu được sinh ra trong thời kỳ của một cuộc kiểm tra dân số nào đó, và Luca cũng như chúng ta biết rằng cuộc kiểm tra ấy không thể được tiến hành dưới thời Quiriniô, bởi lúc này Đức Giêsu đã được khoảng 10 tuổi. Đây là lý do tại sao Luca viết rằng cuộc kiểm tra này diễn ra trước cuộc kiểm tra do Quiriniô chỉ đạo”.

Sự phản bác

Một số người đã đưa ra phản bác cách lý giải này, đó là, nếu dựa vào lý thuyết này, thì tại sao Luca lại bận tâm về việc đề cập đến cuộc kiểm tra của Quiriniô.

Hãy suy nghĩ về điều này một chút: Nghe có vẻ hơi lạ khi nói rằng, “Cuộc kiểm tra dân số này đã diễn ra trước thời điểm Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri”.

Tại sao Luca lại nói lưu ý về điều đó?

Ít nhất, có ba nguyên nhân…

Để tránh nhầm lẫn

Cuộc kiểm tra của Quirinô đủ nổi tiếng để thính giả của Luca có thể đã nghe biết về nó – nếu không thì ngài đã không bận tâm đến việc đề cập về nó.

Khi cho là nó đã được nhiều người biết đến, Luca muốn tránh việc mọi người nhầm lẫn nó với cuộc kiểm kê diễn ra lúc Đức Giêsu ra đời.

Cách đặc biệt, ngài muốn tránh sự nhầm lẫn khi cân nhắc về sự kiện ngài đã xác minh liên quan đến Vua Hêrôđê…

Cái chết của Hêrôđê

Trước đó, trong Luca 1,5, vị thánh sử đã xác định rằng bà Êlisabét, mẹ của Gioan Tẩy giả, đã mang thai Gioan vào thời Hêrôđê Cả trị vì.

Sau đó, trong Luca 1,26 và 36, xác định rằng thiên thần Gáprien truyền tin về việc thụ thai Đức Giêsu “vào tháng thứ sáu” (nghĩa là chúng ta có thể gọi nó là tháng thứ năm) khi bà Êlisabét mang thai.

Điều này có nghĩa là Đức Giêsu được thụ thai quá sớm so với thời điểm ra đời trong thời gian diễn ra cuộc kiểm tra của Quiriniô.

Bởi vì Luca đã xác định điều này rồi [Đức Giêsu sinh vào thời Hêrôđê cả còn trị vì], nên ngài có lý do – khi ghi chép lại việc Đức Giêsu được sinh ra bằng cách nối kết với một cuộc kiểm tra – để thông báo rằng đó không phải là cuộc kiểm tra nổi tiếng của Quiriniô. Nó diễn ra sớm hơn, phù hợp với khung thời gian mà Luca đã xác định trước.

Nhưng vẫn còn một lý do khác khiến Luca muốn lưu ý chuyện này…

Năm thứ mười lăm dưới triều Hoàng đế Tibêriô

Chương 2 Tin mừng Luca bắt đầu bằng một dấu hiệu về thời gian liên hệ việc ra đời của Đức Giêsu với triều đại Hoàng đế Augustô. Chương 3 Tin mừng Luca bắt đầu bằng một dấu hiệu về thời gian thậm chí còn phức tạp hơn để liên kết việc khởi đầu sứ vụ lúc trưởng thành của Đức Giêsu với triều đại của người kế vị Augustô là Tibêriô.

Luca chép rằng:

“Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa” (Lc 3,1-2).

Chúng ta có thể gọi năm thứ mười lăm dưới triều Hoàng đế Tibêriô là năm 28/29 CN.

Sau khi sứ vụ của Gioan bắt đầu, Đức Giêsu nhanh chóng tiến đến và chịu phép rửa, qua đó khai mạc sứ vụ của chính Ngài.

Thời điểm xảy ra việc này được Luca cho biết:

“Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi” (Lc 3,23).

Nếu bạn lùi lại 30 năm kể từ năm 28/29 CN (lưu ý rằng không có “năm 0” nên hãy trực tiếp đi từ năm 1 CN đến năm 1 TCN), bạn sẽ đến với năm 2/3 TCN, đây là năm mà các Giáo phụ thời kỳ đầu đại đa số đều ấn định cho việc Đức Giêsu ra đời.

Những người lúc bấy giờ biết rõ thời điểm Tibêriô trị vì, và họ có thể tính toán tốt như chúng ta. Trên thực tế, vì sử dụng cách tính năm theo triều đại của hoàng đế, thậm chí còn nhanh hơn chúng ta, họ có thể nhận biết năm Đức Giêsu sinh ra dựa vào điều mà chương 3 Tin mừng Luca trình bày.

Như thế, theo lý thuyết của Wright, Luca có thêm một động cơ nữa để đảm bảo không có sự ngộ nhận rằng Đức Giêsu sinh ra trong giai đoạn kiểm tra dân số nổi tiếng của Quiriniô.  

Hãy suy nghĩ về điều này từ góc nhìn của Luca: Sau nhiều năm thu thập nghiên cứu, giờ đây ngài đang phác thảo cuốn Tin mừng, và, khi ngài viết đến chương 2, ngài lồng vào một dấu hiệu về thời gian biểu thị việc Đức Giêsu ra đời khi diễn một cuộc kiểm tra do Augustô chỉ thị.

Tuy nhiên, ngài biết rằng mình sẽ phải trù tính cho việc bắt đầu chương 3 bằng một mốc thời gian phù hợp để đồng nhất với việc khởi đầu sứ vụ của Gioan Tẩy giả rằng ngài sắp sửa đưa ra độ tuổi gần đúng của Đức Giêsu vào thời điểm Đức Giêsu khởi sự sứ vụ của chính Ngài.

Vì những dấu hiệu về thời gian trình bày ở phần sau, khi tính toán để đưa ra một niên đại diễn ra sớm hơn cuộc điều tra dân số nổi tiếng của Quiriniô, Luca muốn ngăn chặn bất kỳ một sự nhầm lẫn tiềm tàng nào bằng cách nhấn mạnh rằng việc này xảy ra trước cuộc điều tra dân số đó, khiến nó tương hợp với những ngụ ý ở chương 3.

Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Nguồn tin: https://www.catholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay20,998
  • Tháng hiện tại598,961
  • Tổng lượt truy cập28,250,848

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây