Xác minh Bí tích Giải tội bằng văn phạm Kinh thánh

Thứ sáu - 24/09/2021 18:23

Những người Tin lành không thể phản đối cách hiểu của Công giáo về Bí tích Giải tội dựa trên nền tảng ngữ pháp trong Tin mừng Gioan

Gioan 20,23 là đoạn văn then chốt đối với những người Công giáo khi đưa ra bằng chứng Kinh thánh cho Bí tích Giải tội. Đoạn văn cho biết: “Nếu các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha; nếu các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ”.

Có vẻ rõ ràng là một người Công giáo có thể lập luận rằng Đức Giêsu đã ban cho các tông đồ thẩm quyền để tha tội.

Nhưng những người Tin lành không cho là vậy. Một số tranh luận rằng bản văn tiếng Hy Lạp cho thấy việc tha thứ hay cầm giữ tội lỗi là điều Thiên Chúa đã thực hiện trước khi các tông đồ tuyên bố như vậy. Todd Baker, một nhà biện giải Tin lành, trước kia là tín hữu Công giáo, đưa ra lập luận theo kiểu sau:

“Cụm từ ‘được tha’ và ‘bị cầm giữ’ mà Đức Giêsu đã nói được diễn đạt ở thì hoàn thành. Như vậy, câu này có thể hiểu theo nghĩa đen: ‘Nếu các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ đã được tha rồi; nếu các người cầm giữ tội ai, thì tội họ đã bị cầm giữ rồi’. Bất cứ ai quen thuộc với ngữ pháp Hy Lạp sẽ biết rằng thì hoàn thành thường diễn tả một hành động đã hoàn tất trong quá khứ cùng với những kết quả đang diễn ra. Do đó, sự tha thứ hay cầm giữ tội lỗi đã xảy ra trước khi các môn đồ được ban quyền để tuyên bố như vậy. Thì hoàn thành được sử dụng trong Gioan 20,23 nằm ở thể bị động và một lần nữa cho thấy Thiên Chúa đang hành động cách riêng lẻ, để tha thứ hoặc cầm giữ trên đối tượng chịu tác động. Đức Giêsu ban thẩm quyền cho môn đệ là để họ xác nhận hoặc phủ nhận tùy theo trường hợp, mà ở đó, Thiên Chúa đã định đoạt xong những kết quả cho mỗi hành động.

Đối với Baker, thì hoàn thành của các từ tiếng Hy Lạp, được chuyển dịch thành “được tha” (apheōntai) và “bị cầm giữ” (kekratēntai), ngụ ý một tình trạng bền vững, đã bắt đầu trước khi hành vi “tha thứ” và “cầm giữ” được thực hiện. Và Baker lập luận rằng điều này ngụ ý Thiên Chúa là Đấng tha thứ và cầm giữ, chứ không phải các tông đồ.

Chúng ta phải giải đáp như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta cần chỉ ra rằng vấn đề không phải là liệu Thiên Chúa có phải là Đấng tha thứ hoặc cầm giữ hay không. Giáo hội Công giáo khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng tha thứ (và cầm giữ) trong Bí tích Giải tội (GLHTCG 1441). Ngài thực hiện điều này thông qua thừa tác vụ của các tông đồ (GLHTCG 1495).

Vấn đề thật sự ở đây là Thiên Chúa thực hiện việc này vào thời điểm nào?

Baker giả định rằng việc sử dụng thì hoàn thành ở vế thứ hai của một câu điều kiện – tức mệnh đề chính (“tội họ được tha”) – nhất thiết phải qui chiếu đến một hành động có trước so với vế thứ nhất của câu điều kiện – tức mệnh đề điều kiện (“Nếu các ngươi tha tội cho ai”). Đây là lý do ông ta giải thích bản văn này theo nghĩa các tông đồ chỉ đơn thuần tuyên bố điều mà Thiên Chúa đã thực hiện rồi.

Nhưng Baker đã đưa ra một giả định sai. Hãy xem xét điều mà cùng một tác giả là Gioan đã nói trong thư 1Gioan 2,5: “Còn ai giữ lời Ngài, thì quả thật nơi người ấy tình yêu Thiên Chúa được nên trọn [Hy Lạp: teteleiōtai – bị động hoàn thành].

Câu này sử dụng cùng một cấu trúc như Gioan 20,23:

 
  Mệnh đề điều kiện Mệnh đề chính
Ga 20,23 “Nếu các ngươi tha tội cho ai” “thì tội họ được tha [bị động hoàn thành]
1Ga 2,5 “Còn ai giữ lời Ngài” “thì quả thật nơi người ấy tình yêu Thiên Chúa được nên trọn [bị động hoàn thành]

Trong 1Gioan 2,5, thánh Gioan sử dụng teteleiōtai ở thì hoàn thành trong mệnh đề chính, tuy nhiên sự nên trọn không được hoàn thành trước khi tuân giữ lời Đức Kitô, như nguyên tắc ngữ pháp của Baker đòi hỏi, nhưng đồng thời với việc tuân giữ lời Đức Kitô. Thật rõ ràng, cách đặt câu của thánh Gioan ngụ ý rằng hành động xảy ra khi điều kiện nêu trong mệnh đề điều kiện được thực hiện.

Dưới đây là một số các đoạn văn khác, theo đó, hành động ở thì hoàn thành trong mệnh đề chính không xảy ra trước nhưng đồng thời với việc thực hiện mệnh đề điều kiện:

· Giacôbê 2,10: “Ai tuân giữ tất cả Lề Luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì trở thành [Hy lạp: gegonen – chủ động hoàn thành] có tội về hết mọi điểm”. Việc mắc tội xảy ra vào thời điểm sa ngã về một điểm của lề luật.

· Rôma 7,2: “Phụ nữ có chồng thì luật buộc phải theo chồng bao lâu chồng còn sống; nhưng nếu chồng cô qua đời thì cô được tháo cởi [Hy Lạp: katērgētai – bị động hoàn thành] khỏi sự ràng buộc theo luật đối với người chồng”. Sự tháo cởi khỏi luật trở nên hiện thực vào lúc chồng của người phụ nữ qua đời.

· Rôma 13,8: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, trừ phi là yêu mến nhau; vì ai yêu mến anh em mình thì người ấy giữ trọn [Hy Lạp: peplērōken – chủ động hoàn thành] lề luật”. Lề luật được giữ trọn khi một người yêu mến anh em mình.

· Rôma 14,23: “Ai hồ nghi mà cứ ăn thì người đó bị kết án [Hy Lạp: katakekritai – bị động hoàn thành]. Sự kết án nẩy sinh hiệu lực khi sự hồ nghi xuất hiện.

Theo sự soi dẫn của những đoạn văn này, chúng ta có thể kết luận vấn đề bằng những lời của Henry J. Cadbury, một cố học giả Kinh thánh người Mỹ: “Người ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng hành vi hay tình trạng được ngụ ý bằng thì hoàn thành [ở mệnh đề chính] không nhất thiết có trước so với mệnh đề kia [mệnh đề điều kiện] (Tạp chí Văn chương Kinh thánh, tập 58, số 3).

Như thế, nguyên tắc ngữ pháp của Baker hoàn toàn không đứng vững khi đối chiếu với những đoạn văn tương đồng.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tiến xa hơn nữa trong việc bảo vệ cách hiểu của Công giáo. Những nơi khác trong Kinh thánh, từ Hy Lạp aphiēmi, dịch thành “được tha”, được dùng ở thì hoàn thành và hàm nghĩa rằng các tội lỗi được tha thứ căn cứ trên hành động của người được tha tội. Chẳng hạn, hãy xem xét Luca 5,20.23, ở đó, Đức Giêsu tha tội của người bại liệt: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Ngài bảo: ‘Này anh, tội anh được tha [Hy Lạp: apheōntai – bị động hoàn thành] cho anh’… Nói ‘Tội anh được tha [Hy Lạp: apheōntai – bị động hoàn thành] cho anh’, hay nói ‘Hãy chỗi dậy mà đi’, điều nào dễ hơn?”.

Một ví dụ khác là Luca 7,47. Đức Giêsu tha tội cho người phụ nữ đã xức dầu cho Ngài tại nhà ông Simon người Biệt phái: “Vì thế tôi bảo với các ông, tội của chị rất nhiều, nhưng được tha [Hy Lạp: apheōntai – bị động hoàn thành], vì chị đã yêu mến nhiều”.

Luca không có ý định dùng thì hoàn thành của aphiēmi trong những đoạn văn này để tách biệt sự tha thứ tội lỗi ra khỏi lời tuyên bố của Đức Giêsu tại hiện trường. Đúng hơn, Luca, giống như những người chứng kiến, đã hiểu những lời của Đức Giêsu như là một sự tuyên bố để tha tội ngay tại thời điểm Ngài nói rằng những tội ấy được tha.

Hãy xem xét điều Luca ghi lại trong cả hai bản văn ngay sau những tuyên bố của Đức Giêsu:

· Luca 5,21: “Các ký lục và Biệt phái mới suy tính rằng: ‘Người này là ai mà nói những lời phạm thượng như thế? Ai có thể tha tội ngoài một mình Thiên Chúa?’”.

· Luca 7,49: “Bấy giờ những kẻ đồng bàn mới nghĩ bụng: ‘Người này là ai mà lại tha được tội?’”.

Nếu chúng ta không hề có ý định phân tách sự tha tội ra khỏi hành động tha tội của Đức Giêsu bởi thì hoàn thành của từ aphiēmi trong những đoạn văn của Tin mừng Luca kể trên, vậy thì chúng ta cũng không thể làm điều tương tự đối với các tông đồ trong Gioan 20,23. Như Cadbury viết: “Có phải chúng ta sẽ chấp nhận “chức tư tế” đối với Đức Giêsu dựa theo từ apheōntai trong Luca, rồi lại bác bỏ tư cách này đối với các tông đồ dựa theo chính từ này trong Gioan? Xét các trường hợp này theo cùng một cách không phải là điều phù hợp hơn hay sao? (Tạp chí Văn chương Kinh thánh, tập 58, số 3).

Đối với Baker, phủ nhận đặc quyền tha tội của các tông đồ dựa vào việc Gioan sử dụng thì hoàn thành của từ aphiēmi nhưng lại chấp nhận đặc quyền ấy của Đức Giêsu khi cũng cùng một từ và một thì được Luca sử dụng là điều tùy tiện. Cũng là một sai lầm khi ông ta để mặc những niềm tin mang tính định kiến của mình khi bước vào ngưỡng cửa của khoa chú giải Kinh thánh.

Tóm lại, việc Gioan sử dụng thì hoàn thành của aphiēmi trong Gioan 20,23 không có khả năng hủy đi những tuyên bố theo Công giáo về sự ủng hộ của Kinh thánh dành cho Bí tích Giải tội. Nếu một người Tin lành muốn phản đối một cách đọc như thế, họ cần dựa trên những căn cứ khác. Và khó có thể thực hiện điều này vì bối cảnh cho thấy Đức Giêsu trao quyền hợp pháp cho các môn đệ để họ thi hành điều Ngài truyền dạy: “Ngài thổi hơi trên các ông và bảo: ‘Hãy lãnh nhận Thánh Thần. Nếu các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha; nếu các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ’” (Ga 20,22-23).

Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Nguồn tin: https://www.catholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập223
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm169
  • Hôm nay23,830
  • Tháng hiện tại542,425
  • Tổng lượt truy cập28,857,794

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây