Giúp bạn trẻ sống trong ánh sáng Chúa và nhạy cảm trước tiếng Chúa

Thứ ba - 24/09/2019 18:27



GIÚP BẠN TRẺ
SỐNG TRONG ÁNH SÁNG CHÚA
VÀ NHẠY CẢM TRƯỚC TIẾNG CHÚA

Lm. Trăng Thập Tự



 

Gần đây các văn kiện của Tòa Thánh cũng như của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rất nhiều đến ơn phân định.

Văn kiện Hồng ân ơn gọi Linh mục, tức Những quy tắc nền tảng để đào tạo linh mục (ngày 8/12/2016) đề cập tới “phân định” 39 lần, gần như trải đều dọc bản văn.

Tông huấn Vui mừng hoan hỉ về Tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay (ngày 19/3/2018) được Đức Thánh Cha Phanxicô dành phần kết thúc (số 166-176) để nói về phân định.

Tài liệu kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi (ngày 27/10/ 2018) dành hẳn chương IV của phần II để trình bày về Nghệ thuật phân định.

Rồi tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit) của Đức Thánh Cha Phanxicô ký ngày 25/3/2019, gửi Giới trẻ và toàn thể Giáo hội, đúc kết Thượng Hội đồng Giám mục trên đây, gồm 9 chương và chương cuối, tức điểm đến của Tông huấn, được dành trọn để nói về phân định. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tông huấn Vui mừng hoan hỉ, các số 166-175 là phần nói tổng quát về ơn phân định, còn chương 9 của Đức Kitô đang sống nói riêng về việc phân định cho ơn gọi.

“Sự phân định vừa bao gồm lý trí và sự cẩn trọng, vừa vượt trên cả hai, vì nó là chuyện dò tìm xem đâu là kế hoạch mầu nhiệm và độc đáo Thiên Chúa đang dành cho mỗi người chúng ta... Điều đáng kể chính là ý nghĩa của đời tôi trước mặt Chúa Cha, Đấng biết tôi và yêu thương tôi, là mục đích cuối cùng của đời tôi, mà không ai biết rõ hơn Ngài”.[1]

Thánh Phaolô khi gặp Đức Kitô lần đầu đã nêu câu hỏi cho chính mình: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22,10). Đây là một dạng phân định đặc thù đòi ta phải nỗ lực góp phần để khám phá ơn gọi riêng của mình. Vì đây là một quyết định có tính rất bản thân mà người khác không thể làm thay cho ta.[2]

Chính bản thân người trẻ tự dò tìm chương trình của Thiên Chúa trên đời họ nhưng các linh mục và tu sĩ cần đồng hành giúp bạn trẻ biết phân định: “Chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Ngài, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Ngài về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn” (Cl 1,9-10).

Bài này có tính thực hành[3], gồm ba phần: (1) Người đồng hành cần có kinh nghiệm bản thân tìm ý Chúa cho chính mình rồi (2) giúp bạn trẻ tìm ra đáp án của chính họ. (3) Bản áp dụng thực hành trong một trường hợp cụ thể.

I. TẤM LÒNG MỞ RA CHO Ý CHÚA

Nói đến ý Chúa là nói đến sự phân định. Phân định không đồng nghĩa với phán đoán cũng không chỉ là khả năng cân nhắc đắn đo để biết nên làm gì, nhưng theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô là “luôn sống trong ánh sáng của Chúa” (x. Vui mừng hoan hỉ, 169-171), tức là có được ơn nhạy cảm để nhận biết và sống theo ý Chúa trong mọi sự. Câu hỏi “Chúa muốn con làm gì?” không chỉ đặt ra cho từng vấn đề cụ thể mà còn là câu hỏi cho suốt cả cuộc đời. Đã nhận biết Thiên Chúa là chủ đời ta, ta cần có được một tấm lòng mở ra với ơn Chúa và với ý Chúa, luôn “am tường thánh ý Chúa” (Cl 1,9).

Các cuộc tĩnh tâm, những lần xưng tội cũng như việc xét mình mỗi ngày là để giúp ta mở lòng ra cho ý Chúa, được tự do với thụ tạo và luôn sống theo cái nhìn của Chúa.

1. Ý Chúa hết sức quan trọng

Chúa Giêsu nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Ý Thiên Chúa có tính cách tuyệt đối (x. Mt 7,22-23). Chỉ những ai có đức tin mới hiểu Thiên Chúa đòi hỏi ta dành ưu tiên cho Ngài cách triệt để tới mức nào (x. Đnl 6,4-5; Mt 10,37-39; Ga 7,18; Rm 14,7). Để được ơn phân định, trước hết cần xác tín rằng Thiên Chúa là Cội nguồn, Trung tâm và Đích điểm, nói tóm, Ngài là Tất cả. Ta cần có cái quyết chọn căn bản: Tìm Chúa chứ không tìm mình.

Để cảm nhận được ý Chúa nhạy bén hơn, trước hết ta cần có lòng khao khát muốn biết và muốn làm theo ý Chúa. Nếu ngay từ những ngày đầu tiên học giáo lý, ta đã đào tạo cho người tín hữu nhi đồng và thiếu niên thấm nhuần tâm thức ấy, họ sẽ không bị căng thẳng trước từng sự việc phải giải quyết. Với lòng khao khát ấy, họ sẽ dứt khoát đứng về phía Chúa và xác lập được sự bình tâm, dễ nhận ra tiếng Chúa.

 

2. Lương tâm ngay thẳng và lòng trong sạch


Trong Tân ước, ta đọc thấy: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8); “một đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình” (1Tm 1,5). Từ đó ta thấy việc đào tạo lương tâm là việc hết sức quan trọng, phải làm cả đời để sự phân định được phát triển theo chiều sâu và lòng trung thành với Thiên Chúa.[4]

Ta cần giúp người tín hữu trẻ tự trang bị những điều kiện thuận lợi để luôn nhận rõ ý Chúa và làm theo. Cụ thể, là hai bước kế tiếp nhau:

 

2.1. Dứt khoát từ bỏ tội lỗi


Do ảnh hưởng tội nguyên tổ, ta dễ chạy theo những mê thích xấu, ngược với mục tiêu Chúa đã đặt định cho ta. Ta cần đề phòng những xu hướng lệch lạc trong ta, tức là bảy nết xấu làm đầu. Khi dứt khoát với những xu hướng ấy ngay từ điều nhỏ trong hiện tại, ta sẽ có được sự vui vẻ hồn nhiên và chân thật, là ngôn ngữ thiếu niên được Thánh Gioan Bosco dùng để nói về lương tâm ngay thẳngtấm lòng trong sạch: “Con đường nên thánh trẻ, lấy vui vẻ làm đầu”. Sự vui tươi ở đây là kết quả của việc sống trong ơn thánh.

2.2. Bình tâm

Đối với tội lỗi và điều xấu, ta cần dứt khoát ngay, còn trước những điều tốt khác nhau, ta cần bình tâm lắng nghe tiếng Chúa để biết phải chọn bên nào. 

Mức độ đầu tiên của bình tâm là sự dửng dưng trước hai thụ tạo (nghề nay hay nghề khác, giàu hay nghèo, được khen ngợi hay bị sỉ nhục, khỏe mạnh hay yếu đau), ta giữ thái độ không màng, không tha thiết với bên này hơn bên kia; Chúa muốn cho ta bên nào, ta chọn bên ấy. Mức độ thứ hai là hướng hẳn về Chúa, chỉ tìm điều đẹp lòng Chúa. Mức độ thứ ba là khao khát nên giống Chúa trên con đường Chúa đi.

Để bảo đảm mức độ tối thiểu (không màng), ta cần vươn tới tối đa, chọn bên yêu mến Chúa hơn. Thay vì tự hỏi: “Bên nào được phép, bên nào không?” ta tự hỏi: “Bên nào đẹp lòng Chúa hơn?”

Với lương tâm ngay thẳng và lòng trong sạch, ta sẽ trực giác được điều Chúa muốn. Nếu có lúc ta khám phá ra mình đã quyết định sai do thiếu kinh nghiệm, cũng đừng bối rối. Nhờ lương tâm ngay thẳng và lòng trong sạch, ta vẫn được Chúa chúc phúc. Chúa thấu suốt cả thiện chí lẫn giới hạn của mỗi chúng ta. Hãy cứ tín thác vào lòng Thương xót của Ngài.

3. Thoát khỏi chủ quan

Trong khi sống ơn gọi và thi hành sứ vụ, mỗi người sẽ liên tục phải chọn giữa những điều tốt khác nhau. Như thế, khả năng phân định quan trọng và cần thiết suốt hành trình ơn gọi, chứ không phải chỉ riêng lúc quyết định theo ơn gọi này hay ơn gọi khác. Ta cần biết giữ sự tự do nội tâm, không để cho các mê thích lệch lạc và cả cá tính của mình chi phối.

3.1. Diệt trừ những mê thích lệch lạc

Chúa ban cho ta sự mê thích để ta vui sống và tiến bước. Những mê thích chính đáng sẽ rất ích lợi cho ta khi ta hưởng ứng đúng chừng mực, nhưng nếu ta buông theo nó quá đà, ta sẽ mất thăng bằng và vấp ngã. Ta gọi những mê thích chính đáng nhưng thái quá ấy là những mê thích lệch lạc. Kinh nghiệm cho thấy ai nhượng bộ mê thích lệch lạc một tí ti, thì sớm muộn sẽ bị nó trói buộc.  Do đó, khi nhận ra điều mê thích chính đáng nhưng bị lệch lạc, ta cần cắt đứt ngay, cách dứt khoát, triệt để

Ta cần hoàn toàn thật lòng từ bỏ điều mê thích ấy, chỉ nhận lại như một trách nhiệm khi biết rõ đó là một gánh nặng Chúa trao cho mình (Điều gì không đẹp lòng Chúa là gạt bỏ ngay). Mê thích lệch lạc rất đáng sợ vì nó có sức lôi cuốn âm thầm mà mãnh liệt khiến ta dễ tự đánh lừa. Ta cần sáng suốt nhận rõ và xa tránh.

Những mê thích xấu, ta dễ nhận ra ngay, còn những mê thích có vẻ tốt nhưng lệch lạc, ta dễ có đủ thứ lý do để bào chữa, do đó, hết sức đáng sợ. Những mê thích lệch lạc thường hết sức bất ngờ, có thể là những tự hào, những tâm đắc, lắm khi chỉ là một từ ngữ hay một hình ảnh diễn tả.

Để thoát khỏi chủ quan, ta còn phải biết điều chỉnh cá tính của mình.

3.2. Luyện cá tính

Ta thường dễ tự đánh lừa bằng chính cá tính của ta. Theo tâm lý học phương Tây, cá tính của ta được dệt thành bởi ba yếu tố:

a. Thích hoạt động/lười hoạt động (náo động/cầu an)
b. Giàu cảm xúc/vô cảm
c. Phản ứng vội/phản ứng chậm

Nếu buông mình theo sự thái quá về một bên, ta sẽ mất sự khách quan.
Sau mỗi sự việc, ta cần xét xem mình có tự đánh lừa do chiều theo yếu tố nào trong ba yếu tố ấy cách lệch lạc không. Tự quan sát mình, dần dần ta sẽ nhận ra những cái thái quá, tức là những mặt yếu nơi cá tính mình. Ta sẽ tập luyện bằng cách hướng về phía ngược lại và nhờ đó mà giữ được thăng bằng.
Nhờ kiên trì tập luyện và theo dõi rút kinh nghiệm, ta sẽ thấy trong những sai lầm ta mắc phải, hình như có một nét nào đó thường lặp lại khá giống nhau. Nét lặp lại ấy nằm trong một nhược điểm của cá tính. Xin nêu một ví dụ về xu hướng nóng vội.

Ta khởi sự chuẩn bị một cuộc trao đổi, giờ nói chuyện hoặc một bài giảng, thì một hình ảnh lý thú hoặc một ý tưởng độc đáo xuất hiện, ta thấy rất hứng thú và muốn sử dụng ngay ở phần nhập đề. Qua nhiều lần nháp đi, nháp lại, ta nhận ra chỗ đứng đúng của hình ảnh hoặc ý tưởng ấy là ở phần kết, nếu đề cập ngay từ đầu sẽ phản tác dụng, khiến nội dung chính bị hiểu lệch hoặc bị lu mờ. Sau khi xong việc, nhìn lại, ta mới thấy ý tưởng ấy tốt nhưng do ta quá mê thích (bị mất thăng bằng, lệch lạc), ta có nguy cơ đặt nó không đúng chỗ. Thánh Gioan Thánh Giá dành hầu như trọn quyển I của tác phẩm Đường Lên Núi Cát Minh, để bàn về tác hại của các mê thích lệch lạc: bị xáo trộn, mất sáng suốt, bị nguội lạnh, yếu đuối, hoen ố. Khi xét mình mỗi ngày, ta cần nhìn kỹ xem có bị chút mê thích lệch lạc nào nơi tâm tình, ý nghĩ, lời nói, việc làm, sự vật chi phối chăng…

Những yếu tố khác nhau trong cá tính ôm theo nhiều thuận lợi mà cũng ôm theo những thách đố lắm lúc phải chiến đấu cả đời. Điều chỉnh cá tính không phải là chuyện dễ, vì đây là xu hướng bẩm sinh hoặc ăn sâu từ do hoàn cảnh  giáo dục tuổi thơ. Hơn đâu hết, chính ở đây là chỗ ta được mời gọi “bỏ mình”: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Đây cũng là nơi để ta được chứng tỏ với Chúa tình yêu cao cả nhất (x. Ga 15,13).

Có khi đã cao niên rồi, ta mới nhận ra những cái dở cố hữu của mình. Nó có vẻ không sao sửa chữa được, nhưng đừng sợ, Chúa không bao giờ thử thách quá sức ta. Ngài sẽ ban đủ ơn cho ta chiến đấu. Nếu biết bám vào Chúa, dần dần ta sẽ thắng: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27). Đừng bao giờ nản lòng. Kẻ gian phi bị đóng đinh bên cạnh Chúa, mãi đến phút chót mới đổi thay và vẫn được Chúa đón nhận (Lc 23,39-43).

Trong khi hướng dẫn thiếu niên và nhi đồng, nếu thấy nơi các em có nhược điểm nào nổi rõ, ta nên tìm cách giúp các em thấy vấn đề và rèn luyện sửa đổi. Uốn nắn ngay từ nhỏ sẽ dễ hơn.

4. Theo cái nhìn của Chúa

Chọn lựa căn bản của người Kitô hữu là chọn Thiên Chúa, lấy Thiên Chúa và ý muốn của Ngài làm mục đích. Ta ra khỏi bản thân là để làm theo ý Chúa, thuộc về Chúa và sống “trong ánh sáng của Thầy Chí Thánh”.
Đây là điều được Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày trong chương 3 của Tông huấn Vui mừng hoan hỉ (các số 63-109, x. Christus Vivit, 287-290). Theo đó, chuẩn mực chính xác của ơn phân định là tình yêu thương. Khi ta yêu mến Thiên Chúa rồi sống đức ái, phục vụ và giúp ích cho mọi người, ta sẽ trực giác thấy đâu là điều đẹp ý Thiên Chúa, như lời Thánh Âu Tinh: “Hãy yêu mến đi rồi muốn làm gì thì làm”.

4.1. Phân định là suy xét theo nhãn quan của Chúa

Sự phân định nằm tại bước nào trong chuỗi phản ứng có ý thức của con người? Mỗi phản ứng có ý thức của con người trong cuộc sống đều gồm ba bước: xem, xét và làm. Sự phân định của chúng ta nằm ở bước thứ hai là xét, gồm suy xét, đánh giá và chọn lựa theo nhãn quan của Thiên Chúa, không theo sự khôn ngoan thế gian (x. 1Cr 1,17-25).

- Xem: Ta cần học hỏi thấu đáo từ trước, rồi khi đến việc sẽ chú tâm nghiên cứu cẩn thận thêm về trường hợp đang cần giải quyết. Ví dụ: Dù ở chủng viện ta đã học kỹ về phụng vụ, trước giờ kinh chiều mỗi ngày vẫn còn cần đọc xem lịch phụng vụ nói gì. Vốn “xem” này được tích lũy từ trên ghế nhà trường, đọc sách và cập nhật sự hiểu biết hằng ngày. Ứng sinh cần biết tích cực học hỏi mở rộng kiến thức, yêu thích đọc sách và nghiên cứu, để trong mọi việc đều có được vốn hiểu biết tương đối vững.

- Xét: Phán đoán theo sự khôn ngoan thập giá (tám mối phúc và con đường hẹp: x. Mt 5,1-12 và 1Cr 1,17-25), không theo sự khôn ngoan thế gian (con đường rộng, x. Mt 7,13-14).

Cần chạy đua với các anh chị em ngoài Kitô giáo. Trên bình diện thực hành, đối chiếu với chọn lựa căn bản của nhà Nho là chọn sống theo lương tâm, trong năm chuẩn mực: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của họ, có thể nói “nhân” và “nghĩa” tương ứng với “xét” (phân định); “trí” tương ứng với “xem”, còn “lễ” và “tín” tương ứng với “làm”. Đối chiếu với chọn lựa căn bản của các Phật tử là sự giải thoát, trong ba chuẩn mực: bi, trí, dũng của họ, có thể nói “bi” tương ứng với “xét” (phân định), còn “trí” tương ứng với “xem” và “dũng” tương ứng với “làm”. Nơi người thánh hiến Công giáo, còn có: Vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh; khiêm nhường, từ bỏ và yêu thương.

- Làm: Chú tâm làm tròn điều nhỏ trong hiện tại với lòng mến (Age quod agis/ Lễ và Tín). Chìa khóa thành công của các tu sĩ Don Bosco là giúp học sinh biết vui vẻ làm tròn bổn phận mỗi ngày.

Trong tông huấn Vui mừng hoan hỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi lòng thương xót là “tiêu chuẩn lớn” và ngài dùng 15 số liền của tông huấn (số 95-109) để triển khai chủ đề này. Lòng thương xót chính là cái nhìn của Chúa, là ánh sáng giúp ta phân định.

4.2. Đường rộng và đường hẹp

Trong thực tế, ở đây ta có khuynh hướng tránh đường hẹp, theo đường rộng, thường là:
-  Tránh điều tốt Chúa chờ đợi bản thân ta, mải lo điều tốt dành cho người khác.
- Tránh điều chính, chạy theo điều phụ.
- Tránh điều tốt của lúc này, mải lo điều tốt dành cho lúc khác.
- Tránh phẩm chất, chạy theo số lượng.
- Tránh điều bên trong, tìm điều bên ngoài.
- Tránh điều vĩnh cửu, tìm điều chóng qua.
- Tránh sự tín thác bình an trong Chúa, chạy theo sự chủ quan háo thắng.

4.3. Rút kinh nghiệm

Chú ý quan sát, ta sẽ thấy các sai lầm thường lặp lại giống nhau, như một chứng tật cố hữu. Cả ở đây nữa, ta đừng nản lòng. Cứ kiên trì tập lại từ những điều rất nhỏ thường ngày, từ ý tưởng xét đoán, lời nói, cử chỉ… Chính những kinh nghiệm cũ sẽ giúp ta trở nên bén nhạy trước ý Chúa từ nơi những điều rất nhỏ.

II. ĐỒNG HÀNH VỚI BẠN TRẺ

Có nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân và những nhà giáo dục, và cả những người trẻ thực sự có trình độ, có thể giúp đỡ các bạn trẻ trong việc phân định ơn gọi của họ.[5]

1. Đối tượng

Bình thường, đối tượng chăm sóc của ta có thể là:

- Học sinh Giáo lý các lớp Kinh thánh và Vào đời (x. Hướng biên soạn theo tuổi của Chương trình Giáo lý Phổ thông).
- Thiếu Nhi Thánh Thể: Được đào tạo để quen làm việc chung và có phương pháp. Đoàn TNTT là tiền Tiểu chủng viện, bù lấp một số khoảng trống do thiếu Tiểu chủng viện (Lớp 6-12).
- Nhóm giúp lễ: Nhà Đức Chúa Trời. Tiểu chủng viện bỏ túi. (Đội giúp lễ giáo xứ Sao Mai ở quận Tân Bình có đến 60 em!)
- Ca đoàn, Junior: Nhóm ưu tuyển của giáo xứ.
- Nhóm dự tu: Những bạn trẻ nam và nữ tham gia nhóm tìm hiểu ơn gọi thánh hiến.
- Con thiêng liêng nam và nữ: Vai trò của người bảo trợ tựa như vai trò của ông Gioan Tẩy giả đối với các môn đệ ông. Ông giới thiệu cho họ biết Chúa rồi để họ từ giã ông mà bước theo Ngài (x. Christus Vivit, số 296 và Ga 1,35-37). “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,20).
- Những người đến tuổi vào đời hoặc đã trưởng thành, thấy cần tìm hiểu xem mình được Chúa gọi thế nào.

2. Đồng hành thường xuyên

2.1. Gieo mầm ơn gọi

Qua bài giảng và mỗi khi có dịp ngỏ lời với các bạn trẻ, ta nên chia sẻ nhấn mạnh về:
- Tâm tình của Chúa Giêsu
- Nhu cầu loan báo Tin mừng, tình cảnh khốn cùng của một nhân loại cần được cứu rỗi
- Trích đoạn gương các thánh
- Các chủng viện và các dòng tu
- Tính chất phiêu lưu, hào hùng, lãng mạn của các nhà truyền giáo xưa và nay
- Những chứng từ về tình yêu hiến mạng sống
- Những nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng
- vv…

2.2. Phát huy lòng trong sạch và yêu mến

2.2.1 Dạy Xét mình và xưng tội

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Không riêng những gì lớn lao, cao cả hơn và tốt đẹp hơn mới cần được phân định, nhưng cùng lúc cũng phải chú ý đến cả những gì bé nhỏ, những trách nhiệm và những dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày. Vì thế, tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta, để thành tâm xét mình mỗi ngày (Vui mừng hoan hỉ, số 169).

Cuối mỗi ngày, ta cần nhìn lại xem mình đã làm việc của Chúa chưa? Ta có biến việc của Chúa thành một công việc riêng hay không? Việc của Chúa tức là bổn phận thường ngày theo bậc sống Chúa đã đặt định cho ta, còn việc riêng là những điều ta chạy theo sở thích riêng ta.
Xét mình theo hướng phân định không phải là đếm xem mình đã làm điều tốt hay điều xấu bao nhiêu lần, nhưng là ôn lại xem thử mình đã tỉnh thức nhận rõ ý Chúa hay đã bị thần dữ đánh lừa; ôn lại xem những điều ấy đã nẩy nở như thế nào để rút kinh nghiệm về sau.[6]

Việc xét mình hằng ngày cũng cần dựa trên kinh Tiến đức để dứt khoát với các mối tội đầu và tiến bước theo các nhân đức ngược lại. Việc xét mình ấy sẽ giúp bạn trẻ hiểu ý nghĩa sâu xa của bí tích Giải tội và xưng tội vì lòng yêu mến, với quyết tâm nên hoàn thiện.

2.2.2 Dạy sống với Chúa đang hiện diện

Trong tài liệu đúc kết, số 104, Thượng Hội Đồng diễn tả phân định bằng “những cách nói khác nhau: sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống và lịch sử của mỗi người; khả năng nhận ra hành động của Ngài; vai trò của cầu nguyện, của đời sống bí tích và khổ hạnh; việc đối diện thường trực với những đòi hỏi của Lời Chúa” (x. St 17,1).
Hiểu như thế, thực tập phân định cũng đồng nghĩa với thực tập sống trong ánh sáng Chúa, hay nói cách khác, thực tập sống sự hiện diện của Chúa.

Trên Youtube có rất nhiều video về những chú tiểu nhi đồng rất dễ thương. Các chú tiểu được tập luyện để biết mình đang làm gì, làm những việc nhỏ cách thật ý thức (trước lòng mình). Tập sinh các dòng và các tiểu chủng sinh được tập làm việc nhỏ với lòng yêu mến lớn (trước nhan Chúa). Quan sát, chúng ta thấy những ứng sinh biết ý thức tập luyện như thế đều sớm trưởng thành trên đường thiêng liêng.

Ta cần giải thích rõ và nhắc nhở luôn để các ứng sinh kiên trì và tự nguyện, khao khát và trung thành sống sự hiện diện của Chúa. Nhờ đó, phân định không còn là điều gì gây căng thẳng nhưng sẽ là thường xuyên sống theo ý Chúa cách hồn nhiên.

Bài tập cụ thể của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII là nguyện tắt liên lỉ. Ngày nay, ta có thể thêm vào đây một nét phương Đông: Nguyện tắt theo nhịp hít sâu và thở chậm. Chẳng hạn: “Lạy Chúa Giêsu” (hít sâu), “con yêu mến Chúa” (thở chậm); hoặc: “Cha đang cho con tất cả” (hít sâu), “Xin Cha nhận lấy con đây” (thở chậm).

2.2.3. Giúp yêu mến Lời Chúa và Thánh Thể

2.2.3.1. Lời Chúa

Cần giúp các ứng sinh luôn đem theo Tân ước, tập quen đọc, suy gẫm và thực hành Lời Chúa mỗi ngày theo lịch phụng vụ. Thành tâm lắng nghe Lời Chúa theo nhịp phụng vụ của Hội thánh, ta sẽ khám phá ra ở đó Thiên Chúa đang muốn nói riêng với bản thân ta (x. Dt 4,12-13).

2.2.3.2. Thánh Thể

Để luyện lòng yêu mến Thánh Thể cho bạn trẻ, ngay từ khi các em học giáo lý dọn mình rước lễ lần đầu, ta nên:
- Nhắc các em mỗi lần đi học giáo lý hoặc có việc đến nhà thờ, nhớ vào viếng Chúa vài phút.
- Dạy kỹ cho các em biết cách dọn mình rước lễ và cám ơn Chúa sau khi rước lễ.
- Dạy các em rước lễ thiêng liêng.
- Dạy cho các em dâng hy sinh kết hiệp với của lễ Chúa Giêsu dâng trên bàn thờ.

2.2.4 Dạy làm tròn bổn phận

- Vui vẻ làm tròn việc bổn phận. Nhờ quen làm tròn bổn phận trong điều nhỏ, người ta sẽ sống bình an, hạnh phúc và làm việc kết quả.
- Từ kinh nghiệm về bổn phận, “siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng” (Kinh Tiến đức), ta giúp bạn trẻ ý thức sự khác biệt và có thể đối nghịch giữa “công cuộc của Thiên Chúa” và “công cuộc nhân loại” từ việc nhỏ đến việc lớn, việc cá nhân đến việc tập thể.
- Từ sự khác biệt giữa hai công cuộc, ta giúp hiểu về khả năng bị đánh lừa, chạy theo điều tốt ảo. Muốn vượt thắng những cám dỗ làm điều tốt, cần nhất là phải luôn khiêm nhường cởi mở với nhà đạo tạo, mau mắn vui vẻ vâng lời Bề trên.
- Giúp xét mình đúng phương pháp: xét về bổn phận và bảy nhân đức trong kinh Tiến đức. Áp dụng phương pháp xem, xét, làm, để ngày càng chu toàn bổn phận cách hoàn hảo hơn.

2.2.5. Dò tìm và điều chỉnh ý hướng

Khi đồng hành giúp phân định ơn gọi, điều cần nhất là giúp các bạn trẻ dấn thân với ý hướng siêu nhiên tốt lành. Nhiều khi thoạt đầu ý hướng của bạn trẻ còn bất toàn, có phần vụ lợi, ta cần giúp họ hiểu vấn đề và xin Chúa ban ơn để biết theo Chúa với tâm tình hoàn toàn hướng về Chúa. Nếu họ không thể nào chuyển sang ý hướng ngay lành, ta cần thẳng thắn đề nghị họ rút lui.

Để giúp điều chỉnh ý hướng, ngoài việc cầu nguyện vừa nói, ta nên giúp bạn trẻ xét mình, nhìn lại cách chu toàn bổn phận theo ba bước xem xét làm: Tìm hiểu đến nơi đến chốn (xem), quyết định theo cái nhìn mến Chúa yêu người (xét) và thực hiện cách quảng đại, nhanh gọn và chính xác (làm). Cả trước những việc bất ngờ cũng ứng xử như vậy, dần dần họ sẽ biết cách đáp ứng với thực tế dưới ánh sáng của tình yêu.

Đó là việc tập luyện trường kỳ, suốt những năm dự tu và thời gian đào tạo chính thức. Tập được như thế, về sau trên đường sứ vụ, họ sẽ luôn bén nhạy trước ý Chúa.
Sự phân định trong đời sống tâm linh cũng tựa như cái trực giác hoặc cái nhạy cảm riêng của từng lãnh vực trong cuộc sống, cần phải được học hỏi, thực tập và rút kinh nghiệm.

2.2.6. Hài hòa với toàn bộ

Phân định không giống như trả lời một câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống. Phân định đòi ta phải tỉnh táo đáp ứng đúng một điều rất nhỏ trong liên quan với toàn bộ cuộc sống. Xin nêu hai ví dụ để đối chiếu:

2.2.6.1. Khi làm bài văn, dọn bài phát biểu

Điều quan trọng khi dọn bài là phải biết mình muốn nói gì. Đâu là ý chính của bài nói hay bài viết? Ý chính ấy chia làm mấy phần? Mỗi phần có những đoạn nào? Thứ tự các phần đoạn ấy ra sao để dễ hiểu cho người nghe hay người đọc, và dễ đi vào lòng họ hơn? Các phần đoạn ấy sẽ dẫn tới những kết luận nào? Sau khi có được tất cả những nội dung ấy, ta làm sao để dẫn vào đề tài cách hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của người nghe hay người đọc?
Ta cần sáng suốt để loại bỏ những ý thừa, bổ sung những ý thiếu. Có những hình ảnh hay ý tưởng có vẻ rất hay nhưng chúng không phục vụ ý chính, ta cần can đảm loại bỏ ngay, không thương tiếc.

Mỗi việc nhỏ trong đời ta đều cần phải hài hòa với toàn bộ, cần góp phần cho mục đích cuối cùng của đời ta, tựa như những từ, câu, đoạn của một bài văn phải phục vụ ý chính của toàn bài. Điều gì phá hỏng sự hài hòa của toàn bộ, cần phải loại bỏ.

Tuy nhiên, hành trình tâm linh và cuộc sống phục vụ thường không trầm tĩnh như làm một bài văn. Do phải tương tác với nhiều việc khác và nhiều người khác, sự phân định giống như cái trực giác cần có khi cầm tay lái trên đường đông xe cộ.

2.2.6.2. Khi chạy xe ngoài phố

 Luật đi đường là một áp dụng của công bằng và bác ái. Sự nhường nhịn nhau trên đường đi là một biểu hiện của tình yêu thương. Người tham gia giao thông trên đường lắm xe cộ, thường xuyên trực giác thấy phải ứng xử thế nào để an toàn cho mình và cho người khác. Mải nhìn những điều không cần thiết, ta có thể gặp tai nạn hoặc đến không kịp giờ.

Nếu chạy quá mất một ngả rẽ, lắm khi ta không thể nào quay lại ngả rẽ ấy nhưng phải tiếp tục con đường một chiều rồi biến báo lộ trình cách nào để tới nơi đúng hẹn? Với tinh thần trách nhiệm, ta vui nhận hệ quả của điều mình quyết định, dù có tính toán sai cũng không hoảng hốt, nhưng bình tĩnh tiến bước trong tâm tình tín thác vào Chúa Quan phòng đầy thương xót.

Sự phân định trên đường thiêng liêng của đời sống Kitô hữu hay đời sống thánh hiến cũng tương tự với những thực tế hữu hình. Hai bên soi sáng lẫn cho nhau và làm giàu cho nhau.

3. Trường hợp cụ thể

Khi chúng ta được mời gọi giúp bạn trẻ phân định đường đời của họ, điều tối quan trọng là phải biết lắng nghe.[7] Lắng nghe đòi ba loại nhạy cảm khác nhau và bổ sung cho nhau:
- Trước hết, cần biết nhạy cảm hướng thẳng đến cá nhân người trong cuộc.[8]
- Thứ hai là nhạy cảm nhờ phân định.[9]
- Thứ ba là khả năng nhận rõ những gì đang dẫn dắt người khác.[10]
3.1. Giúp chọn ơn gọi
- Ơn gọi đi tu
- Ơn gọi lập gia đình
- Ơn gọi sống độc thân giữa đời
3.2. Đồng hành từ xa
- Đồng cảm và nâng đỡ
- Không ép buộc
3.3. Giúp vượt cám dỗ rút lui hoặc chạy trốn
Khi thấy đương sự dọn đường tháo lui hoặc đứng núi này trông núi nọ, ta cần:
- An ủi, khuyến khích đi tĩnh tâm
- Giải thích bản hướng dẫn “Chiêm nghiệm để nhận rõ ý Chúa” dưới đây.

 

III. CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RÕ Ý CHÚA


Khi hoàn cảnh đòi hỏi phải có một câu trả lời ngay, nếu họ chưa hoàn toàn bình tâm để thấy vấn đề, ta có thể giúp họ vận dụng kinh nghiệm của Thánh I Nhã Lôyôla, tác giả sách Linh Thao.
Thánh I Nhã ghi lại những quy tắc giúp phân biệt các thúc giục nội tâm khác nhau để nhận rõ đâu là điều tốt Chúa muốn và đâu là điều tốt chủ quan theo ý riêng ta.
Ta cần giúp bạn trẻ hai bước:

- Hồi tâm để mở lòng lắng nghe tiếng Chúa.
- Theo dõi các tín hiệu nội tâm để nhận rõ cùng phân biệt sự thúc giục đánh lừa của thần dữ và sự thúc giục đầy an ủi của Chúa.

 

1. Hồi tâm để mở lòng lắng nghe tiếng Chúa

(x. Tài liệu đúc kết Thượng hội đồng, số 110).
Trước hết hãy chân thành xét mình xưng tội thật sốt sắng, quyết tâm chừa bỏ mọi tội lỗi, không khoan nhượng cho bất cứ một tội lỗi lớn nhỏ nào.

Tiếp đến, hãy can đảm trở về với bổn phận thường ngày và bắt đầu kinh nghiệm phân định bằng việc tập nhận rõ và loại bỏ ngay những điều không cần thiết trong ý nghĩ, lời nói và việc làm. Hãy theo dõi tâm trạng mình khi bị cám dỗ làm điều không cần thiết và đối chiếu với tâm trạng bình an khi chuẩn bị làm việc bổn phận thường ngày. Cần phải phân biệt được hai tâm trạng ấy, mới có thể áp dụng được những nguyên tắc phân định dưới đây.
Cần nhớ rằng, đối với những người đang tiến bước trên đường theo Chúa, điều đáng sợ không phải là cám dỗ làm điều xấu mà là cám dỗ làm những điều tốt chủ quan lệch lạc. Đối với những người đã quyết tâm từ bỏ tội lỗi, các tín hiệu nội tâm sẽ phân biệt như sau:

2. Tín hiệu phân biệt

(x. Tài liệu đúc kết Thượng hội đồng, số 111).

2.1. Điều tốt giả

Cảm hứng về điều tốt thật nảy nở dần theo thời gian, có tính liên tục và bền bỉ kèm với những tín hiệu khách quan âm thầm nhỏ nhẹ, đến một cách hồn nhiên tuần tự. Còn cảm hứng về điều tốt giả (tức cám dỗ làm điều tốt chủ quan) xuất hiện theo kiểu từng đợt, mỗi lần đều gây nên sự phấn khởi có vẻ rất nồng nhiệt nhưng không bền.

Dấu hiệu:

- Ta thấy tự nêu đủ lý do biện hộ và dường như không có lý do nào đối nghịch nổi.
- Bé xé ra to, một tiểu tiết tầm thường bỗng chốc càng lúc càng trở thành hết sức quan trọng.
- Ta thấy có xu hướng muốn dùng những lý lẽ ấy để thuyết phục mình và thanh minh với mọi người.
- Có khi ta thấy muốn làm bằng được, với bất cứ giá nào.
- Ta trở thành khăng khăng, cố chấp, không chịu nhượng bộ.
- Ta thấy rất phấn khởi để làm điều ấy. Tuy nhiên sự phấn khởi chỉ kéo dài bao lâu còn nghĩ về điều ấy, hết nghĩ đến thì sự phấn khởi liền chấm dứt.
- Sự phấn khởi thường gây hưng phấn đến độ ngủ không được, khó tập trung cầu nguyện, khi cầu nguyện chỉ nghĩ đến điều ấy.

2.2. Điều tốt thật

Sự thiếu bình tâm có thể là do quá tha thiết với một trong hai bên (quyến luyến lệch lạc), hoặc do chưa đủ quả cảm để chấp nhận những đòi hỏi của ý Chúa, khiến ta tìm đủ cách để chạy trốn ý Chúa. Khi đó, ơn Chúa sẽ khích lệ an ủi để dần dần dạy ta biết quảng đại lãnh nhận trách nhiệm.

Dấu hiệu:

- Ta thấy run sợ trước những đòi hỏi của điều ấy.
- Không nghĩ đến nó nữa thì thấy như thoát gánh nặng, nhưng rồi lòng lại không được bình an, cứ áy náy bứt rứt.
- Đàng khác ta lại linh cảm rất rõ rằng nếu quảng đại đón nhận điều ấy thì sẽ được bình an sâu thẳm.
- Tâm trí cũng nêu ra những lý lẽ, nhưng ta không thấy có ý định đưa những lý lẽ ấy ra để thanh minh hay thuyết phục ai. Ngược lại, những lý lẽ ấy trở thành niềm riêng giữa ta với Chúa, đưa ta xích lại gần Chúa.

Trong thực tế, nên tập theo dõi các tín hiệu này ngay từ bây giờ, trong mọi chuyện lớn nhỏ của đời thường. Việc phân định dựa trên các tín hiệu nội tâm đem lại cho ta sự bình an và xác tín sâu xa trước mọi chuyện. Như thế, mỗi khi gặp vấn đề sẽ có thể nhận ra ngay đâu là ý Chúa. Điều khó khăn lớn nhất là chúng ta có dám đáp lại tiếng Chúa hay không? Đây lại là vấn đề khác, phải tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần để thực sự dám sống theo đức tin, đức cậy và đức mến.

Cũng nên nhớ lại những lần đã chọn sai ý Chúa trong quá khứ. Những lần đó thường là vì ta không thực sự muốn tìm ý Chúa và thường do tin vào sức riêng và sự tính toán riêng của mình hơn là tin vào ơn Chúa. Nếu tiếp tục xem thường ý Chúa và dựa vào sức riêng, ta sẽ còn chọn sai ý Chúa cả đời. Sau nữa, cần nhớ rằng có thể những chọn lựa sai trong quá khứ đã khiến tình thế thành rối ren phức tạp, nhưng nếu lần này ta thực sự trông cậy vào ơn Chúa và quảng đại chọn đúng điều Chúa đang chờ đợi ta trong lúc này, Chúa sẽ đưa mọi sự vào một cơ hội mới. Điều quan trọng là biết vững lòng tin, cậy và yêu mến Chúa.
Sau cùng, việc phân biệt các tín hiệu trên đây rất tinh tế. Trong bước đầu khi ta vừa trở lại và còn yếu, quỷ dữ đánh phủ đầu (x. Linh Thao, số 325), quyết lấy mạnh thắng yếu. Khi ta đã giữ vững quyết tâm và trở nên mạnh, càng lúc quỷ dữ càng đổi cách tấn công, nó “lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường”, tức là “lấy mềm mại thắng cứng rắn, lấy yếu thắng mạnh”. Nó mớm cho ta những điều tốt chủ quan bằng những dẫn dụ thật êm đềm mềm mại, dù vậy khi thực lòng lắng nghe, ta vẫn phân biệt được cái êm đềm giả tạo này khác hẳn sự bình an của Chúa Thánh Thần (Linh Thao, 335).

LỜI KẾT
Để kết thúc, xin ghi lại vài điểm trích từ Christus Vivit:
“Khi lắng nghe người khác theo cách ấy, đến một lúc nào đó, chính chúng ta phải biến mất để người khác bước theo con đường mà họ đã khám phá ra” (số 296; x. Ga 1,35-37; 3,30).
“Thời gian lớn hơn không gian”, vì thế ta cần khuyến khích và đồng hành với các diễn trình, mà không áp đặt lộ trình của riêng ta. Các diễn trình này vốn liên quan tới những con người luôn luôn độc đáo và tự do. Không có công thức dễ dàng, ngay cả khi mọi dấu hiệu xem ra đều tích cực, vì “chính các yếu tố tích cực cũng cần phải được phân định cẩn thận, để chúng không thành cô lập và mâu thuẫn với nhau, trở nên cực đoan và đối nghịch với nhau. Cả với các nhân tố tiêu cực cũng thế, không nên gạt bỏ đồng loạt, không phân biệt, vì trong mỗi nhân tố đều có thể ẩn chứa một số giá trị nào đó đang chờ được giải phóng và phục hồi cho hợp với sự thật toàn diện của nó.” (số 297).
“Nếu các bạn muốn đồng hành với người khác trên nẻo đường phân định, các bạn phải là người đầu tiên bước đi trên đó, ngày này qua ngày khác” (số 298).
 
[1] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 280
[2] X. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 283
[3] Phần lý thuyết, mời xem lại bài Ma quỷ, phân định và sự thánh thiện của Lm. Giuse Võ Tá Hoàng trong tài liệu thường huấn năm 2018 hoặc trong Phân Định Giữa Đời Thường của Lm. Giuse VÕ TÁ HOÀNG và Lm. Gioan Phêrô VÕ TÁ KHÁNH (Nxb Đồng Nai, 2019, trang 53-91).
[4] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 281
[5] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 291
[6] x. PHANXICÔ, Christus Vivit, số 282
[7] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 291
[8] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 292
[9] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 293
[10] PHANXICÔ, Christus Vivit, số 294

Tác giả bài viết: Lm. Trăng Thập Tự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay16,613
  • Tháng hiện tại658,797
  • Tổng lượt truy cập28,974,166

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây