Quyển sách giáo lý đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam

Chúa nhật - 15/12/2019 21:42
QUYỂN SÁCH GIÁO LÝ ĐẦU TIÊN
TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

 
Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Cố Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát biểu tổng kết Hội thảo "Bình Định với Chữ Quốc ngữ" được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn vào ngày 13.01.2016: "Trên cơ sở những chứng cứ hiện nay, có thể kết luận, chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn".[1]Nước Mặn còn là nơi quyển sách giáo lý Công giáo đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam được sinh ra.

Thư báo cáo của linh mục João Roiz (bằng tiếng Bồ Đào Nha) và của linh mục Gaspar Luis (bằng tiếng La tinh), cùng một nội dung báo cáo về tình hình truyền giáo tại Đàng Trong năm 1620, được viết tại Macao vào năm 1621.[2] Hai tác giả của hai thư cho biết tiện ích và hiệu quả của cuốn sách nhưng không cho biết thời điểm, địa điểm, nội dung cuốn sách giáo lý nầy được soạn. Về tác giả thì hai vị chỉ nói trổng mà không nói đích danh ai. Linh mục João Roiz viết: "…pe lhes foi facil aprendere nas, - [cha ấy học tiếng dễ dàng]", "o Padre que sabe a lingoa, està em Faifo – [một cha biết tiếng địa phương, đang ở Hội An]";[3] còn linh mục Gaspar Luiz chỉ đề cập: "Ejus ope – chính nhờ công của vị ấy". Căn cứ vào các chi tiết này, cha Đỗ Quang Chính SJ. cho rằng  "Tất cả những kiểu nói này có thể chỉ về Pina" và được soạn tại Hội An.[4]

   Quyển sách giáo lý nầy thực sự được soạn ở đâu ? Lúc nào ? Nội dung ?.

Để có được thông tin xác thực về quyển sách giáo lý này, chúng ta thử tìm lại từ các thư báo cáo hằng năm của các thừa sai làm việc truyền giáo tại Đàng Trong từ năm 1615-1619.[5]

- Trong các Bản báo cáo từ năm 1615-1617 chỉ cho biết tình hình chung về việc truyền giáo tại Đàng Trong (Missione di Coccincina), chưa đề cập đến một cư sở [6] hay thông tin nào về quyển sách giáo lý này.[7]

- Bản báo cáo năm 1618 cho biết cư sở Nước Mặn (Residentia di Pulocambi) được thành lập và tại cư sở này có một thanh niên mười sáu tuổi, lanh lợi và thông minh, giỏi Hán văn, được dâng làng yêu mến. Anh là một tân tòng, tên thánh rửa tội là Phêrô, giúp các thừa sai biên dịch sang tiếng địa phương các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính, Mười điều răn mà các kitô hữu đã biết. Ngoài ra còn có các điều phải tin, trong đó có tín điều chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi rất thánh, mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Cứu chuộc, sự cần thiết của Đức tin và các bí tích thánh để được dự phần công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Tất cả các Kitô hữu chép lại những điều đó và bắt đầu lần hạt Mân côi như chúng ta. [8]

 

- Bản báo cáo năm 1619 cho biết lúc bấy giờ tại Đàng Trong có 02 cư sở là Nước Mặn và Hội An. [9]

Phần báo cáo về cư sở Nước Mặn cho biết: "Sự hiểu biết ngôn ngữ địa phương của các thừa sai đang làm việc tại địa phương đã được cải thiện, nhờ việc rao giảng qua sự hiểu biết ấy đã đem lại đức tin rất thánh cho một số cư dân địa phương cũng như người ngoại quốc. Kết quả ấy chủ yếu là do một cha có kỹ năng tốt về ngôn ngữ. Cha nầy học ngôn ngữ rất tốt với sự nghiên cứu cần mẫn và siêng năng. Cha đã dịch những phần đầu tiên của giáo lý Kitô giáo sang ngôn ngữ địa phương theo mẫu sách giáo lý của Đức Hồng y Bellarmino. Cha ấy bây giờ cần hoàn thiện vốn từ vựng thay vì ngữ pháp, vì cha chưa có khả năng viết thứ ngôn ngữ địa phương, thứ ngôn ngữ giống như chữ Tàu".[10]

 


- Bản báo cáo thường niên năm 1619 còn cho biết các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn là những người đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ "địa phương" hơn bất cứ điều gì khác. Tại cư sở  này, các thừa sai đã lập một trường học và tìm được một người thầy xuất sắc, thông thạo Hán Nôm hơn nhiều so với các đồng nghiệp của ông để dạy ở trường và với mục tiêu là ông sẽ giúp các thừa sai trong việc nghiên cứu và sáng tác ngôn ngữ, hoặc dịch các tài liệu của các thừa sai sang Hán Nôm. [11]

Tiện ích và hiệu quả của quyển sách giáo lý này cũng đã được các Báo cáo thường niên đề cập đến. Bản báo cáo  năm 1620 cho biết lúc bấy giờ có một cuốn sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đang được sử dụng hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo tại địa phương. Linh mục Gaspar Luis, tác giả bản báo cáo cho biết: Quyển sách bổn bằng tiếng Đàng Trong đã đem lại nhiều lợi ích; không chỉ trẻ nhỏ thấu hiểu mà còn cả người lớn tuổi cũng am tường…Nó cũng giúp cho những tín hữu Nhật trong việc thuyết phục được những người vợ của họ đã cưới trước đây mà chưa có phép cưới [trong đạo]. [12]

Trong Tường trình của Linh mục Borri về một cuộc "cá cược" tại Nước Mặn giữa Linh mục với vị quan cai quản khu phố Nước Mặn về vấn đề nguyệt thực sắp xảy ra vào lúc 11 giờ 00 ngày 09.12.1620. Theo đề nghị của quan, ai thua thì phải chung cho người thắng một bộ áo dài bằng lụa. Linh mục Borri chấp nhận "cá cược" với điều kiện nếu quan thắng, Linh mục phải cấp cho quan một áo dài bằng lụa. Nếu quan thua, quan phải đến nghe "giáo lý tám ngày" tại nhà các thừa sai. Cuộc "cá cược" này Linh mục Borri đã thắng.[13] Ở đây, chúng tôi chú ý đến chi tiết nghe "giáo lý tám ngày". Chi tiết này có liên hệ gì tới quyển giáo lý "Phép giảng Tám ngày" của Linh mục Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma năm 1651 không ?

Khi so sánh cấu trúc sách giáo lý tại Nước Mặn với "phép Giảng Tám Ngày" của Linh mục Alexandre de Rhodes, Linh mục L. Cadière nêu nhận định: Nếu chúng ta muốn biết những vấn đề có trong sách Giáo lý đầu tiên được viết bằng chữ Nôm tại Nước Mặn, và thứ tự các vấn đề này đã được sắp xếp, chúng ta chỉ phải tóm tắt sách Giáo lý của cha de Rhodes, hay đơn giản hơn, để thực hiện những tóm tắt mà chính cha cho chúng ta biết về sự dạy dỗ của mình, được cha kể lại trong quyển Divers Voyages Et Mission (Hành Trình và Truyền Giáo) và cuốn Tunchinensis historiœ (Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài) của mình.

Về phương pháp dạy giáo lý, Linh mục L. Cadière căn cứ phương pháp của các thừa sai tại Nước Mặn: Khởi đi từ kinh nghiệm trình bày những lẽ đạo mà lý trí tự nhiên hiểu được, sau đó mới trình bày về các mầu nhiệm thánh.[14] Đó cũng là phương pháp cha Đắc Lộ dùng trong sứ vụ truyền giáo của mình. Linh mục L. Cadière nhận định: Đó là phương pháp dạy giáo lý được các nhà truyền giáo Dòng Tên thời đó sử dụng. Các cha Buzomi, Pina, Borri, Marquez, trước năm 1621 tại Đàng Trong; cha de Rhodes đã sử dụng như thế ở Đàng Ngoài vào năm 1627-1630. Chính cha de Rhodes đã học được phương pháp này lần đầu tiên ở Đàng Trong từ 1624 đến 1626, chính xác, trong thời gian cha ở với cha de Pina tại Dinh trấn Quảng Nam và kinh thành Huế.[15]

Hiện nay quyển sách giáo lý ấy chưa được tìm thấy, tuy nhiên căn cứ theo nội dung các báo cáo, Linh mục Léopold Cadière cho rằng quyển sách giáo lý nầy là "mẫu vật" đầu tiên của văn chương công giáo tại Việt Nam. Sách được biên dịch bằng ngôn ngữ Đàng Trong, loại ngôn ngữ bình dân (chữ Nôm)…. trong khi nó được biên dịch, hoặc sau đó, để gìn giữ và phổ biến, chắc chắn nó cũng được sao chép, phiên âm bằng mẫu tự châu Âu để cho các thừa sai được tiện dùng. Dần dần bản phiên âm bằng mẫu tự châu Âu được sao chép kèm với chữ nôm phổ thông đã được giới bình dân yêu chuộng. Hẳn nhiên, đây là những bản sao bằng mẫu tự châu Âu rất quý báu đối với chúng ta, bởi vì nó cho chúng ta hình thái đầu tiên về việc la tinh hóa ngôn ngữ Việt Nam, một hình thái quốc ngữ "tiền Đắc Lộ". [16]

Trong khi nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm của Linh mục Borri, dịch giả Hồng Nhuệ đã bộc bạch: "Có một vài câu chữ Quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ nầy…Sau cùng cũng theo bản tường trình của ông, trước Phép giảng tám ngày của De Rhodes, đã có khởi thủy một sách hay một thánh giáo yếu lý từ những năm đầu của cuộc truyền giáo, nghĩa là vào những năm 1618-1620".[17]

Quả vậy, không phải đợi đến 32 năm sau, vào năm 1651, quyển giáo lý "Phép giảng Tám ngày" của Linh mục Alexandre de Rhodes được xuất bản tại Roma mới có sách giáo lý phục vụ cho công việc truyền giáo tại Việt Nam, nhưng ngay từ năm 1618, các thừa sai tại cư sở Nước Mặn với sự cộng tác của một thanh niên công giáo người Việt đã chuyển ngữ một quyển sách giáo lý sang tiếng địa phương (Nôm). Đây là  sách bổn Kitô giáo đầu tiên được dịch ra chữ “Quốc ngữ Nôm” và “Quốc ngữ mẫu tự Latin” để phục vụ cho nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam.

 Nước Mặn, vùng đất có nhiều “duyên nợ” với chữ quốc ngữ: “Quốc ngữ Nôm” và “Quốc ngữ mẫu tự Latin”. 
 

[1] PHAN HUY LÊ, "Tổng kết Hội thảo Khoa học: Bình Định với chữ Quốc ngữ", trong UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH, Bình Định với chữ Quốc ngữ. Kỷ yếu Hội thảo, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 618.
[2] João Roiz viết ngày 20.11.1621 (ARSI, JS.72,f.6r). Gaspar Luis viết ngày 12.12.1621 (ARSI, JS.17,f.24r).  Tường  trình của Gaspar Luis được dịch sang tiếng Pháp và được xuất bản tại Paris năm 1628 trong tác phẩm "Histoire de ce qui s'est passé en Ethiopie, Malabar, Brasil et les Indes Oriéntales: Tirée des lettres escrites és années 1620 iusques à 1624" tt.122-148. Bản dịch này được chụp lại và đăng trong BAVH, Juillet-Déc. 1931.
[3] Sau 02 năm ở Nước Mặn, lúc này (1620) cha Pina đang ở Hội An. Xem ĐỖ QUANG CHÍNH SJ., Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1972, trang 22.
[4] ĐỖ QUANG CHÍNH SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc Sáng, USA June 2006, trang 40
[5] Truyền thống của Dòng, hằng năm các thừa sai phải viết báo cáo tình hình hoạt động truyền giáo nơi mình làm việc để gởi về cho Bề trên nhà Dòng. Bản báo cáo được viết 03 bản, một bản lưu, hai bản được gởi về nhà Dòng theo hai đường khác nhau để phòng ngừa bị thất lạc.
[6] Cư sở (Residentia) là một loại nhà của các thừa sai dòng Tên được hiến pháp dòng Tên quy định: Khu nhà lớn, có nhiều tu sĩ ở và có nhiều loại hình hoạt động tông đồ. Xem Đỗ Quang Chính SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Antôn & Đuốc Sáng, USA, 2006, tr. 60.
[7] Xem:
- Báo cáo năm 1615-1616 của Nicola da Costa "Annua do Collegio de Macao desde Janeiro de 615 ate o outro de 616", đề ngày 17.01.1616 tại Macao (ARSI, JAP-SIN, Vol.114, trang 1-9)
- Báo cáo năm 1617 của Antonio de Souza đề ngày 08.01.1618 tại Macao (Lettere Annue Del Japonne, China, Goa, et Ethiopia, Napoli 1621, trang 376-379)  [Della Residentia di Pulocambi 400-401)

 
[8] Xem Báo cáo năm 1618 của Francesco Eugenio đề ngày 21.01.1619 tại Macao  trong Lettere Annue Del Japonne, China, Goa, et Ethiopia, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, trang 400-401.
[9] Xem JOÃO RODRIGUES GIRÃO, Annua De Cochinchina De 1619, JS 71, Deste Collegio de Amacao,  20 de dezembro de 1620
[10] Xem  JOÃO  RODRIGUES  GIRÃO, sđd,  trang 002, từ hàng 22 đến 35.
[11] Xem JOÃO RODRIGUES GIRÃO, sđd, trang 008v, hàng 493-495; Trang 009, hàng 535-540
[12] Xem BAVH, Juillet-Déc. 1931, Lettre du Père Gaspar Luis sur la Concincina, trang 127-128.
[13] Xem HỒNG NHUỆ,, sđd, trang 102.
[14] Xem HỒNG NHUỆ, Tường Trình về Khu Truyền Giáo Đàng Trong, Thăng Long, Hoa Kỳ 1989, trang 94: "Trong tất cả các bài giảng, mục đích chính của chúng tôi là in sâu vào tâm khảm vị quan này chân lý của đạo thánh và cho ông thấy có sự phù hợp giữa đạo và lý trí tự nhiên".  
[15] Xem BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotations à la "Lettre" de Gaspar Luis  par L. Cadière, trang 119-122.
[16] Xem BAVH, Juillet-Déc. 1931, Annotations à la "Lettre" de Gaspar Luis  par L. Cadière, trang 420.
[17] Xem HỒNG NHUỆ, Tường Trình về Khu Truyền Giáo Đàng Trong, Thăng Long, Hoa Kỳ 1989, trang 06.  

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay12,901
  • Tháng hiện tại510,157
  • Tổng lượt truy cập28,825,526

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây