"Linh đạo không Thiên Chúa" và đức tin người trẻ trong Christus Vivit

Thứ sáu - 20/09/2019 18:15
 
x



“LINH ĐẠO KHÔNG THIÊN CHÚA”
VÀ ĐỨC TIN NGƯỜI TRẺ
TRONG CHRISTUS VIVIT

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


 

DẪN NHẬP

Không khó để nhận thấy rằng các giáo hội Kitô giáo đang nỗ lực thu hút và giữ lại những người trẻ đang rời xa giáo hội mà họ không biết rằng đó là một phần có ý nghĩa trong đời sống mình. Kitô giáo như là một “mặc định” đã không còn nữa mà thay vào đó là một cài đặt mặc định mới “không tôn giáo”. Thiểu số người có tôn giáo thấy mình như đang lội ngược dòng. Theo điều tra của viện Gallup, từ năm 2005 đến 2012, con số người có tôn giáo ở Ái Nhỉ Lan từ 69% xuống còn 47%, Thụy Sĩ từ 71% xuống 50%, Canada từ 58% xuống 46% và Việt Nam từ 53% xuống còn 30%, tức -23% và phần đông trong số này là những người trẻ. Tiến sĩ Mark Gray, Georgetown University, nhận định rằng: “Một trong những lý do là sự phân tách giữa đức tin và giáo dục, khi mà người trẻ có thể đi lễ chỉ một lần mỗi tuần nhưng lại còn lại cả tuần để nghe người ta bêu riếu rằng đức tin là “ngớ ngẩn””.

Người trẻ có khuynh hướng phản kháng lại và không muốn chỉ là những “thùng chứa” bất đắc dĩ tôn giáo của cha mẹ mình. Khi muốn tự mình quyết định tương lai, kể cả niềm tin, đôi khi dứt khoát với ký ức của quá khứ mà mình xuất thân, họ như “những cây nhỏ xinh xinh, nhánh cứ vươn lên cao mãi với bộ rễ lưa thưa không được bén sâu vào lòng đất” (số 178). Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô lấy làm buồn lòng khi “người trẻ được gợi ý xây dựng một tương lai không cội rễ như thể thế giới mới bắt đầu hôm nay vậy” (số 179) và như vậy họ đang đối diện với những sai lầm. Ngỏ lời trước Hội nghị giới trẻ Công giáo của giáo phận Little Rock, Đức cha Anthony B. Taylor đã nói về ba quan niệm sai lầm mà Đức Phanxicô đã chỉ ra trong tông huấn Christus Vivit về một giới trẻ được khuyến khích xây dựng tương lai không gốc rễ, đó là sùng bái tuổi trẻ, sùng bái các ý thức hệ và linh đạo không Thiên Chúa. Trước hết là sự sùng bái tuổi trẻ, như thể coi tất cả những gì không còn trẻ thì đáng chê bai và lỗi thời … và tất cả những gì thuộc về thân xác đó đều được thần tượng hóa và đáng ham muốn vô hạn” (số 182). Ta thấy điều này trong các chiến thuật tiếp thị và quảng cáo sử dụng tính dục để lôi kéo chúng ta, để lại một khoảng trống trong tâm hồn. Thứ đến, sùng bái các ý thức hệ không cần biết đến lịch sử … và tiêu hủy “mọi sự khác biệt để có thể thống trị mà không bị phản kháng” (số 181). Chẳng hạn ý thức hệ về giới tính cho rằng có nhiều hơn hai giới tính hoặc bạn có thể là đàn ông bị bẫy trong một thân xác đàn bà hay ngược lại, hoặc bất cần biết đến sự thật lịch sử trong mọi nền văn hóa rằng ngay từ nguyên thủy hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Và cuối cùng là “Linh đạo không Thiên Chúa”- con người tự chắp vá niềm tin cho riêng mình, theo ý thích của mình hơn là niềm tin đến từ Thiên Chúa mà họ cho rằng quá thách đố.

Linh đạo không Thiên chúa? Có một nền linh đạo không gắn liền với một tôn giáo nào sao? Linh đạo này phát xuất từ đâu? Nội dung ra sao? Những nhận định phê bình nào về linh đạo này? Trong tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã nói gì về “linh đạo không Thiên Chúa” và đức tin của người trẻ trước cơn khát Thiên Chúa? Đó là những vấn đề sẽ được đề cập đến trong bài viết này.
  1.  LINH ĐẠO KHÔNG THIÊN CHÚA
  1. Những con đường ngoằn ngoèo
Nhà văn Edmund Burke (1729-1797) đã viết rằng: “Con người là một con vật có tôn giáo, vì thế vô thần là một thứ ‘siêu hình học ngoại tình’ (adulterated metaphysics)”.  Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhiều người cho rằng mình có quyền tưởng tượng và nhào nặn một Thiên Chúa theo phiên bản của riêng mình. Vài người cho rằng đó là “Chúa tại tâm” (the god within), người khác cho rằng đó là “Thiên Chúa theo như tôi hiểu”. Những vị thượng đế này rất khác với Thiên Chúa được Kinh Thánh mạc khải và chúng ta thường gọi những người tôn thờ những vị thượng đế này là “những người thờ ngẫu tượng”. Ngày nay, người ta sử dụng một uyển ngữ khác thay thế cho từ “những người thờ ngẫu tượng” này, đó là cụm từ “Spiritual but Not Religious” (tâm linh không tôn giáo). Khi tự gán cho mình nhãn hiệu này, người ta khẳng định đức tin của riêng mình; họ nói về mình bằng những hạn từ đạo đức và ngay cả tán dương mình là có đầu óc cởi mở và khoan dung. Họ không cần giáo thuyết hay Kinh Thánh, không cần các Giáo Hội bảo họ phải làm gì. “Nói rằng “Tôi là người Tâm linh không Tôn giáo” (I’m a “Spiritual But Not Religious” hay “SBNR”) thì muốn nói rằng đó là người tìm kiếm hòa nhập vào sự khôn ngoan tôn giáo mà không gắn bó với điều được cho là những chiếc bẫy giả dối và sự dối trá của những trang sức tôn giáo mọi thể loại (chẳng hạn như các tín điều, ý thức hệ, lễ nghi, phẩm trật, etc.) … Những người xưng mình là SBNR có khuynh hướng đề cao cá nhân chủ nghĩa, sự lựa chọn và diễn tả tự do có sáng tạo, chủ nghĩa bình quân (egalitarianism), cấp tiến (progressivism), một tiếp cận tâm lý/trị liệu (psychological/therapeutic apprroach) cho sự tăng trưởng thiêng liêng, và một não trạng của người tìm kiếm”[1]  

Những biến đổi văn hóa đã khiến cho Đức ông Jacques Grand’Maison,[2] một nhà xã hội học và thần học, nhấn mạnh đến tính đa nguyên thiêng liêng trong xã hội bị tục hóa của chúng ta. Ông cho rằng chúng ta không còn sống trong bối cảnh chỉ truyền đi một đường lối suy tư duy nhất. Chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều tự do hơn, tự quyết và tra vấn phê bình. Theo ông, sự thay đổi này góp phần thúc đẩy sự tìm kiếm thiêng liêng có tính cá nhân như những người SBNR nói trên. Ông nói đến con số đông người đang gia tăng muốn “đi đến tận cùng nhân tính của mình mà không cần đến tôn giáo” [3], hoàn toàn gắn bó với những giá trị luân lý và thiêng liêng sâu thẳm. Ông giải thích rằng những tâm hồn thế tục vẫn có “cõi thiêng liêng của riêng mình”, một linh đạo chân chính dù không phải là Kitô hữu hay tu sĩ, mà ông gọi là một “linh đạo thế tục” (une spiritualité laïque). Qua linh đạo thế tục, Grand’Maison nói đến linh đạo của những người theo đuổi cuộc tìm kiếm ý nghĩa của mình mà không quy chiếu đến tôn giáo. Linh đạo này khác với “linh đạo giáo dân” (spiritualité du laïcat) của các phong trào Công giáo tiến hành. Qua từ “thiêng liêng” (spirituel), ông muốn nói đến một điều gì đó “đến từ cõi sâu thẳm nhất trong chính mình và đồng thời cũng vượt qua chúng ta […] Điều mang lại sự thâm sâu cho đời sống chúng ta, cho kinh nghiệm nhân loại, cho xác quyết và sự tin tưởng của chúng ta, cho tình yêu, cho niềm tin vào chính chúng ra, vào tha nhân, vào tương lai – và vào Thiên Chúa đối với những ai tin vào Ngài”[4].

Và linh đạo thế tục, không cần đến tôn giáo hay thậm chí không Thiên Chúa đã mở ra những con đường ngoằn ngoèo. Chẳng hạn, tác giả Steve Antinoff đã nghiên cứu và thực hành thiền định (Zen) của Phật giáo nhiều năm. Năm 2010, ông xuất bản cuốn “Spiritual Atheism” để quảng bá thực hành Zen trong linh đạo vô thần. Quan điểm của Antinoff chủ yếu là cách tiếp cận của Thiền để sống một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn theo quan điểm vô thần. Ông cho rằng Thiền là một trong những cách biểu lộ trong lịch sử của linh đạo vô thần. Vô thần vẫn có nhu cầu về thiêng liêng và đề nghị nhập định thiền như một phương tiện chính yếu để thoát ra khỏi cái bản ngã (ego). Ông viết rằng “sự hấp dẫn của tư tưởng Đông phương là viễn cảnh thực hiện sự vô hạn, chính mình như là vô hạn, mà không cần phải có sự trợ giúp của Thiên Chúa” (tr. 67). Theo Antinoff, kinh nghiệm của chúng ta về chính chúng ta và về thế giới của đã làm cho ta thất vọng cùng cực. Cảm giác này là không thể chịu nổi, nhưng vì không có Thiên Chúa nên cần phải tìm ra những giải pháp khác (tr. 9). Theo lời ông, bạn có là vô thần hay không thì không thành vấn đề, bạn vẫn luôn có một khát khao thiêng liêng không thể đánh bật ra được (tr. 19) …. Trích dẫn từ những tôn sư Thiền, kết hợp với những đề nghị về thực hành Thiền định là những lời khuyên chính yếu của tác giả này, là người khẳng định rằng những kinh nghiệm nhân loại như tình yêu ái dục, sự sáng tạo nghệ thuật và những ơn gọi xã hội không làm chúng ta thỏa mãn. Vì thế, Antinoff đề nghị dùng linh đạo và thiền định để thỏa mãn tình trạng vô thần.[5]

Ngoài ra, ta có thể kể đến những con đường khác được đề nghị trong những cuốn như “Pour en finir avec Dieu” (Robert Laffont, 2008) và “Qu’est-ce que l’évolution? Le fleuve de la vie” (Hachette, 2005) của Richard Dawkins, cuốn “Traité d’athéologie” (Grasset, 2005) của Michel Onfroy và “L’esprit de l’athéisme – Introduction à une spiritualité sans Dieu” (Albin Michel, 2006) của André Comte Sponville…. Trong quá khứ, Kitô giáo đã từng đương đầu với những đối thủ vô thần rất nghiêm trọng, song rõ ràng chúng chỉ có thể gây hoang mang và mù mờ cho một số tín hữu, đặc biệt là những ai không nắm vững giáo lý. Thực tế, các lý thuyết vô thần của những tác giả này đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ nay rồi và tái xuất hiện ở mỗi thế hệ. Những ai gặp gỡ chúng lần đầu sẽ thấy chúng mới mẻ nhưng thực tế chúng đi ra từ những bản văn của Voltaire, Auguste Comte hay một số văn sĩ nào đó của thời đại Khai Sáng. Sự đe dọa mới của những cuốn sách này, như các tác phẩm của Dawkins, nằm ở lớp vỏ ngoài láng bóng mang danh “khoa học” trong lý luận của mình nhưng chẳng có thực chất. Những sách của Dawkins có bàn luận trung thực về bản tính của tôn giáo hay không? Hiển nhiên là không. Nếu cho nó là trung thực thì cũng giống như xem cuốn “Da Vinci Code” của Dan Brown là một nghiên cứu trung thực về lịch sử Kitô giáo. Dawkins là một nhà di truyền học theo thuyết Darwin. Người ta có quyền chờ đợi một nhà khoa học khách quan, công minh và nghiêm túc. Rủi thay, với những tác giả như Dawkins thì không. Ông ấy cố ý tránh mọi bằng chứng đi ngược với các lý thuyết của mình và ý định của ông là nhìn thấy các độc giả mình mình gia nhập vào cuộc viễn chinh vô thần. Ông không viết như là một nhà khoa học.
  1. “Linh đạo không Thiên Chúa”
    của André Comte-Sponville
Nổi bật nhất trong số những tác giả “vô thần” này là triết gia người Pháp André Comte-Sponville. Cha Jean-Guy Saint-Arnaud, S.J., một chuyên viên về các hình thức linh đạo mới, giáo sư các khoa học tôn giáo ở Collège Jean-de-Brébeuf, Canada, đã nhận định rằng André  Comte-Sponville mong muốn một thứ “vô thần Kitô giáo” (athée chrétien) hay “vô thần trung tín” (athée fidèle), chia sẻ cùng một lịch sử, truyền thống và cùng một cộng đoàn. Ông chấp nhận sự vô biên, vĩnh cửu, tuyệt đối, mầu nhiệm, tình yêu, nhưng lại chối chủ nghĩa giáo điều (dogmatisme), chủ nghĩa toàn thủ (intégrisme) và cuồng tín (fanatisme). Theo ông, nói rằng người vô thần không có luân lý và đạo đức là không đúng.  Họ chia sẻ 95% các giá trị với những người tin và cho rằng mình cũng có đời sống thiêng liêng bên ngoài đức tin. Trong cuốn “L’esprit  de  l’athéisme.  Introduction  à  une  spiritualité  sans  Dieu” của mình,  André Comte-Sponville, sau khi đặt ra một câu hỏi kép: “Người ta có thể bỏ qua tôn giáo không?” và “Thiên Chúa có hiện hữu không?”, ông dành trọn phần cuối cùng của tác phẩm cho câu hỏi “Linh đạo nào cho những người vô thần?” (tr. 145-212). Ông dẫn nhập cho phần này như sau: “Chúng ta kết thúc với điều quan trọng nhất mà ít nhất dưới mắt tôi đó không phải là Thiên Chúa, tôn giáo hay vô thần. Có vài người ngạc nhiên: “Ông là vô thần mà quan tâm đến đời sống thiêng liêng!” Thì đã sao chứ? Tôi không tin Thiên Chúa, điều đó không ngăn cản tôi có một tinh thần, [...] Không tin Thiên Chúa, đó không phải là lý do để từ chối tất cả đời sống thiêng liêng [...] Linh đạo là gì? Đó là đời sống của tinh thần” (tr. 145-146). Điều quan trọng đó là “tìm lại một linh đạo không Thiên Chúa, không tín điều, không Giáo hội”. Comte-Sponville tiếp tục xác định: “Linh đạo nào cho những người vô thần? Khi nghĩ đến ba nhân đức đối thần của Kitô giáo, tôi sẵn sàng trả lời như thế này: đó là một linh đạo của sự trung tín hơn là đức tin, của hành động hơn là đức cậy, [...]  cuối cùng, hiển nhiên là đức ái hơn là sự sợ hãi hay là quy phục” (tr.  151-152). “Linh đạo của nội tại (immanence) hơn là siêu việt (transcendance),  và mở ra (ouverture) hơn là hướng nội (interiorité) ” (tr. 212).

Còn Cha André Fossion, S.J., giáo sư Viện Lumen Vitae, nói rằng Comte-Sponville là “một trong những triết gia vô thần của thời đại chúng ta diễn tả với sự chính xác nhất, có lập luận thích đáng và có tính tra vấn, điều mà nhiều người không tin của thời đại chúng ta cảm thấy bối rối hoang mang”.[6] Cuốn sách của ông, L’esprit de l’athéisme. Introduction à une spiritualité sans Dieu, không chống lại tôn giáo nhưng được trình bày như một nghiên cứu về linh đạo cho người vô thần. Theo quan điểm của ông, sự kiện không tin vào Thiên Chúa không phải là một lý do để từ chối tất cả đời sống thiêng liêng. Ông nhìn nhận: “Tôi không thể khạc nhổ lên thánh Francois d’Assise, trên Bach, Pascal, trên Etty Hillesum hay trên Abbé Pierre. Tôi không muốn gạch bỏ 2000 năm lịch sử của Âu châu Kitô, nói khác trên nền văn minh của chúng ta hiện nay. Tôi là một người vô thần không theo giáo điều, nhưng là người vô thần trung tín: Từ rất lâu, tôi không tin vào Thiên Chúa nữa, nhưng luân lý Do thái – Kitô, cách riêng trong chiều kích phúc âm, vẫn tiếp tục đụng chạm đến tôi, soi sáng cho tôi, đồng hành với tôi”[7]

Vậy thì Comte-Sponville vô thần theo nghĩa nào? Theo ông, không thể chứng minh sự hiện hữu hay không hiện hữu của Thiên Chúa. Ông nói: “Tôi không biết Thiên Chúa có hiện hữu hay không? Nhưng tôi biết rằng tôi tin Ngài không hiện hữu”.[8] Ông cho rằng linh đạo hầu như là một phần của tôn giáo đến nỗi các hạn từ linh đạo và tôn giáo gần như là đồng nghĩa.[9] Thế nhưng, vẫn theo ông, linh đạo không có mối liên hệ cần thiết với tôn giáo. Phải nói rằng nếu tất cả các tôn giáo đều làm nổi lên một linh đạo thì mọi linh đạo không nhất thiết phải là tôn giáo theo nghĩa có một niềm tin vào Thiên Chúa. Ông nói đến các linh đạo Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo mà ông coi như là những trường phái khôn ngoan như các giáo hội khác (như trong Kitô giáo), nhưng không nhìn thấy thần tính trong Đức Phật, Lão tử hay Khổng tử mà chỉ là những bậc thầy về thiêng liêng.[10]

Comte-Sponville kết hợp linh đạo với phần đời sống nội tâm “là đời sống có liên hệ với tuyệt đối, vô biên và vĩnh cửu”. Chúng ta là những hữu thể có hạn mở ra với vô biên và linh đạo là kinh nghiệm, thực hành và sống sự mở ra này.[11] Đây là kinh nghiệm mà Comte-Sponville gọi là “cảm thức đại dương” (sentiment océanique)[12] theo định nghĩa của Romain Rolland: “Một cảm thức kết hiệp gắn kết với cái Toàn thể vĩ đại (le grand Tout), và sự phụ thuộc vào vũ trụ”.[13] Nếu Comte-Sponville xem “cảm thức đại dương” như kinh nghiệm một hình thức kết hiệp nào đó với cái Toàn Thể, kinh nghiệm này được sống mà không cần đến Giáo Hội và Thiên Chúa và được ông gọi là “thần bí vô thần” (mystique athée).[14]  “Chúng ta là những hữu thể hữu hạn mở ra với vô hạn …, những hữu thể phù du mở ra với vĩnh cửu, những hữu thể tương đối mở ra với tuyệt đối”.[15] Thật khó mà không nhận thấy trong ông một hữu thể tôn giáo, một hữu thể mà linh đạo rất gần với linh đạo của nền thần bí Kitô giáo. Tuy nhiên, sự cởi mở của ông về sự vô hạn không vượt ra ngoài vũ trụ. Thần bí của ông chỉ là sự kinh ngạc trước một vũ trụ mà Thiên Chúa vắng bóng, ít nhất là Thiên Chúa ngôi vị của Kitô giáo.

Comte-Sponville cố chứng minh rằng linh đạo không cần thiết phải là tôn giáo và rằng những người vô thần cũng có một đời sống thiêng liêng. Đề nghị của ông, giống với Jacques Grand’Maison, cho phép thấy rằng linh đạo có một vị trí trong bối cảnh tục hóa (sécularisation). Hơn nữa, nếu linh đạo không cần thiết gắn liền với tôn giáo thì thần bí – theo truyền thống thường gắn liền với linh đạo tôn giáo – cũng không cần thiết gắn liền với tôn giáo. Thần bí vô thần (La mystique athée) không nhắm đến sự kết hợp với Thiên Chúa, nhưng là “sự trọn vẹn của hữu thể” (la plénitude de ce qui est), một hạn từ triết học cho phép thiết lập những cầu nối theo cách mà Tillich nói với chúng ta về Thiên Chúa. Sự đóng góp của Comte-Sponville cho phép chúng ta thấy rằng sự kinh ngạc trước “mầu nhiệm của hữu thể” có thể không phải là sự cầu nguyện được hiểu theo nghĩa Kitô giáo nhưng có thể nằm ở phần khởi động cho hành trình của đức tin”.[16]

“Đời sống thiêng liêng, ở cực điểm, chạm đến thần bí”, và theo kinh nghiệm của Comte-Sponville, đó là sự chiêm ngắm bầu trời đầy sao trong khu rừng tĩnh lặng, là “một mạc khải, nhưng không có Thiên Chúa”.[17] Kinh nghiệm này gần với diễn tả về cầu nguyện của Bergeron – “là một đối thoại với một Đấng ở bên kia (Au-delà) về những gì được cảm nhận, suy luận và cân nhắc”[18], nhưng đối với Comte-Sponville, khía cạnh đối thoại này không hiện diện. Kinh nghiệm thần bí của ông cũng sánh được với những gì mà Grand’Maison đã sống và đưa ông đến với Thiên Chúa, còn với Comte-Sponville thì không. Nhà thơ Gilles  Vigneault  không quá xa một sự thật nào đó khi khẳng định với một chút ít hài hước rằng: “Người vô thần, đó là người tin đang nghỉ ngơi: thật mệt mỏi khi tin. Nếu mà không tin vào điều gì thì thật là trống rỗng!”
  1. LINH ĐẠO VÔ THẦN:
    PHÊ BÌNH VÀ SUY TƯ
 “Thuyết vô thần” (Atheism) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là atheos, ban đầu có nghĩa là “vô đạo đức”, sau này mới có ý nghĩa là “người không tin vào thần thánh”. Socrates, bị cáo buộc là atheos theo nghĩa này, đã từ chối lời buộc tội song ông vẫn bị xử tử vào năm 399 trước Công nguyên. Khi từ Athéism (tiếng Pháp) và Atheism (tiếng Anh) xuất hiện vào thế kỷ thứ XVI thì thoạt tiên nó vẫn mang ý nghĩa là “sự vô đạo đức” hay “vô luân”. Vào thời ấy thì thật khó mà tưởng tượng ra được một thế giới mà không có Thiên Chúa. Sau khi nhà triết học Hòa Lan Baruch Spinoza xuất bản cuốn Theological-Political Treatise của mình vào năm 1670, vài nhà phê bình gọi ông là người vô thần. Ông từ chối điều này và trong sách của ông cũng chẳng có gì để gợi ý rằng ông là vô thần song trong các tác phẩm sau này ông đánh đồng Thiên Chúa với Thiên Nhiên. Một học giả thời ấy đã sáng tác ra từ “Pantheism” (Phiếm thần) để diễn tả quan điểm này. Một từ mới khác của thời đại này là “Deism” (tự nhiên thần thuyết), một từ cũng đã phải trải qua nhiều nghĩa mới có được ý nghĩa hiện nay: tin vào Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ nhưng không can thiệp vào công việc của nó. Vào giữa thế kỷ XIX, nhà sinh học Anh quốc Henry Huxley sáng tạo ra từ “Agnostic” (bất khả tri), nghĩa là người tin rằng sự hiểu biết về Thiên Chúa, đời sau, và những điều đại loại như thế là không thể.

Trong cách dùng hiện nay, vô thần thuyết nghĩa là không tin vào các thần thánh hay Thượng Đế, đặc biệt là Thiên Chúa sáng tạo của độc thần phương Tây. Người bất khả tri không khẳng định gì về sự hiện hữu hay không hiện hữu của Thiên Chúa, thần thánh, linh hồn, hay sự bất tử. Người vô thần không tin những điều như thế. Nhưng có nhiều loại vô thần: vô thần tích cực (mạnh mẽ hay cứng rắn) và vô thần tiêu cực (yếu hay mềm mại). Vô thần tích cực (positive) khẳng định rằng Thiên Chúa hay thần thánh không hiện hữu; vô thần tiêu cực (negative) nói rằng họ không có cơ hội hay khả năng tin vào Thiên Chúa, thần thánh và những điều đại loại như thế. Vô thần tiêu cực gần với bất khả tri và hầu hết người bất khả tri là vô thần tiêu cực. Dù có những giải thích như thế, song “atheism” không bao giờ nó mất đi ý nghĩa về sự vô đạo đức hay vô luân vẫn hằng theo đuổi nó từ thời Socrates. Vào thế kỷ XIX, vài tác giả đã đưa ra một từ đồng nghĩa trung tính là “nontheism” (phi thần luận), và trong những năm gần đây, từ này đã lấn át từ “atheism” trong những cuộc thảo luận có tính hàn lâm.[19]
  1. Vô thần mở ra “mùa Xuân đức tin” mới
Cha Thomas D. Williams, L.C., Giáo sư Thần học tại Đại học Regina Apostolorum ở Roma, đã đặt vấn đề về vô thần hiện đại và linh đạo Kitô giáo trong cuốn sách của mình “Les fondamentaux de la vie chrétienne. Comment devenir le chrétien que vous voudriez être” (Éd. Béatitudes, 2009). Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Zenit dưới tựa đề “Sommes-nous à l’ère de l’athéisme ou du réveil religieux”[20] (Chúng ta đang ở kỷ nguyên vô thần hay thức tỉnh tôn giáo?), cha đã nhận định rằng quan điểm của các tác giả vô thần này không tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng cho Kitô giáo mà trái lại là một động lực để làm thức tỉnh “một mùa xuân đức tin” mới như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II không ngừng khẳng định. Những lời của Đức Gioan Phaolô II xuất phát từ một phân tích nghiêm túc về hiện trạng của xã hội chúng ta sau những thảm họa của thế kỷ XX. Chúng ta nên nhớ rằng khi dấu hiệu đầu tiên của mùa Xuân xuất hiện thì mùa Đông chấm dứt. Trước khi thấy những nụ hồng bé nhỏ và nghe tiếng chim hót trong vườn xuân thì ta thấy tuyết trắng trở thành những đống bầy nhầy nhớp nháp. Mùa Xuân thật sự bắt đầu khi mùa Đông mất đi sự chi phối của nó trên thiên nhiên … Ta thấy rất rõ điều tương tự xảy ra với chủ nghĩa Cộng sản Marxiste, chủ nghĩa Quốc xã (Nazisme) và chủ nghĩa Phát xít (Fascisme), cùng với biết bao phiên bản tinh tế của chủ nghĩa Duy vật hứa hẹn một thiên đàng hạ giới. Trong một thời gian dài, nhiều người đã đặt niềm hy vọng của mình vào các ý thức hệ này. Tuy nhiên, chúng lần lượt sụp đổ mà không phải là không gây ra nhiều đau khổ cho con người cho đến tận bây giờ. Chính vì những kinh nghiệm xã hội này đã đến hồi kết nên con người hiểu rằng mình phải tìm ở nơi khác một ý nghĩa và giải pháp cho những vấn đề của thế giới chúng ta.

Đây là một thời cơ để ta mắn bắt lấy. Nên nhớ rằng mùa Xuân không phải là thời gian đã được thực hiện trọn vẹn mà là thời gian của hy vọng và hứa hẹn. Trước hết, đây là thời gian của lao công. Mảnh đất được cấy cày vun xới cũng có thể tiếp nhận những cỏ xấu lẫn hạt giống tốt. Một cái gì đó có thể mọc lên nhưng không gì bảo đảm rằng đó là hoa thơm trái ngọt. Mùa Xuân mở ra cánh cửa cho những điều khả thể, đó là thời khắc đặc biệt thuận lợi để gieo những hạt giống tốt khi đất đai được cày xới và chuẩn bị cho mục đích này. Nếu lợi dụng được thời cơ này, cả nhân loại sẽ thu gặt được những hoa trái.
Vậy thì Kitô hữu chúng ta cần phải làm gì? Phải có lòng can đảm để chấp nhận những thách thức mà đức tin Kitô giáo của chúng ta phải đối mặt. Phải có sự can đảm bỏ lại đàng sau những an toàn xưa cũ để đối mặt với thách thức lớn nhất mà Kitô hữu hiện nay đang gặp phải. Ta có cảm tưởng như mình đang bị phản bội bởi những người thân cận nhất mà mình luôn dựa vào tài năng và sự sáng tạo của họ. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta đặt niềm tin vào Ngài. Ngài muốn chúng ta tin vào Ngài và biết rằng không bao giờ Ngài bỏ rơi chúng ta.
  1. Vô thần là đối thủ chứ không là địch thủ
Có nhiều lý do để tin và không tin. Đức ông Jacques Grand’Maison viết: “Tôn giáo và niềm tin vào Thiên Chúa không nắm giữ một điều hiển nhiên không thể chối cãi mà đó là một tư thế tự do, mở ra với những khả thể khác, gồm cả người bất khả tri và vô thần”. Trong bối cảnh này, không  cần phải xem những người vô thần là những địch thủ. Hiển nhiên, họ từ chối tin vào Thiên Chúa; họ tra vấn và phản bác niềm tin của chúng ta. Họ là những đối thủ (adversaires) chứ không phải là địch thủ (ennemis). Thật ra, sự khác biệt và tranh chấp của họ tạo nên sự phong phú chứ không phải đe dọa cho người tin. Chẳng hạn, trong các môn thể thao như tennis, golf hay bóng chày, đối thủ đóng một vai trò đặc biệt quý giá: họ buộc phía bên kia chơi hết sức mình. Văn sĩ và nhà diễn thuyết Annick de Souzenelle viết rằng: “Đối với môn võ thuật, đối thủ không phải là địch thủ, anh ta ở đó để làm cho ta khám phá ra chiều kích của chính ta mà ta không biết”. Saint-Exupéry cũng nói rằng con người khám phá mình trước những trở ngại. Năng lực trí thức của con người luôn tiến triển khi có sự đối nghịch. Không có chiếc gương ta không thể thấy gương mặt mình. Không có đối thủ, ta không biết mình sai lỗi ở đâu. Vì thế, thật là tốt khi bị người vô thần tra vấn: “Thiên Chúa của bạn ở đâu?” (Ps 41, 11)

Trong lịch sử Giáo hội, sự từ chối tất cả những giả thần thánh là một mệnh lệnh, một đòi hỏi nền tảng trong đời sống của tín hữu. Trong Cựu Ước, sự đòi hỏi này được biểu lộ rất nhiều trong cuộc chiến chống lại các ngẫu tượng và các ngôn sứ giả. Nói về các ngẫu tượng, ngôn sứ Giêrêmia đã viết: “Các nghi thức của chư dân thật là hư ảo; vì đó chỉ là một khúc gỗ chặt trên rừng về, sản phẩm do tay người thợ chạm lấy bạc vàng trang trí cho xinh, rồi dùng đinh và búa đóng cho vững, để nó khỏi xê dịch. Chúng như thể bù nhìn trong ruộng dưa, không biết nói;người ta phải mang chúng đi, vì chúng không bước được! Đừng sợ chúng, vì chúng không làm hại, cũng chẳng sinh ích gì” (Gr 10, 3-5). Đức Giêsu cũng tiếp tục cuộc chiến này chống lại mọi hình ảnh giả tạo về Thiên Chúa (đặc biệt được người pharisiêu truyền bá). 

Điều khá khôi hài là ngay từ thời Giáo hội khai sinh, các Kitô hữu bị gán cho nhãn hiệu “vô thần”. “Lúc sơ thời của giáo hội, các Kitô hữu đầu tiên bị ném cho thú dữ ăn thịt vì bị cáo buộc là vô thần, chính xác chỉ vì họ từ chối dâng lễ cho các thần thánh ngoại giáo. Thánh Augustinô nhận định rõ ràng rằng: “Người ta gọi chúng ta là những kẻ vô thần và chúng ta cao giọng nói lên điều đó, chúng ta thú nhận điều đó, chúng ta là vô thần của tất cả mọi thần thánh mạo xưng”. Cũng thật lạ! Ngày nay người ta cáo buộc các Kitô hữu chúng ta tạo nên những ảo tưởng tôn giáo trong khi vào sơ thời giáo hội chúng ta bị buộc tội là vô thần, là những người phá đổ những ảo tưởng tôn giáo, những kẻ phá bỉnh thần thánh!

Bổn phận của tín hữu chúng ta là suy tư về đức tin để nhận ra tính đích thực của nó và luôn sẵn sàng trả lời cho tất cả những ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (1 Pr 3, 15: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”). Những người vô thần như là những ngôn sứ, họ có thể trở thành những trợ thủ quý giá trong công việc phân định này. Khi họ buộc chúng ta phải thanh lọc những hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa, làm chúng ta bối rối vì những quan niệm sai lạc của chúng ta về Thiên Chúa, họ có thể phục vụ cho đức tin của chúng ta. Thật vậy chúng ta có thể và phải cùng với họ từ chối và phản bác những giả thần thánh. Làm sao mà không đồng ý với họ khi từ chối một tôn giáo kiểu Janséniste (nhấn mạnh sự tiền định, phủ nhận ý chí tự do, cho rằng bản chất con người hư hỏng, không thể tốt lành), chuyên chế, trẻ con hóa con người? Những người vô thần vẫn luôn là một thách đố cho các Kitô hữu. Họ luôn quấy rầy, là những người phá thế cô lập, những người đánh thức lương tâm. Họ có những lý do đáng giá để từ chối điều họ từ chối và trung thành với những chân lý mà họ nhìn nhận.

Nếu Thiên Chúa là kết quả của sự sợ hãi như Lucrèce đã nói thì ta phải cùng ông chống lại Thiên Chúa này. Nếu Thiên Chúa là một ảo tưởng, kết quả của chứng loạn thần kinh ám ảnh của tập thể, một thứ mặc cảm Œdipe của nhân loại mang nỗi buồn xa xứ (nostalgique) đang tìm kiếm một Người Cha chung như quan niệm của Freud thì ai lại mong muốn một Thiên Chúa như thế chứ? Nếu Thiên Chúa, theo như tư tưởng của Durkheim,  chỉ là một biểu lộ được lý tưởng hóa của xã hội, thì đó là ngẫu tượng mà ta phải nhanh chóng vất bỏ. Nếu ý tưởng về Thiên Chúa xuất phát từ giai đoạn sơ khai của con người mà chẳng chóng thì chầy khoa học sẽ thay thế nó, thì ta hãy mau chóng lánh xa ý tưởng này hết sức có thể. Nếu theo như niềm tin của những người Marxistes (Marx, Feuerbach, Lénine, Staline và các đồng chí của ông), Thiên Chúa là hiện thể của giấc mơ quyền lực của những con người bất hạnh và là thuốc phiện để ru ngủ dân chúng, thì ta phải chiến đấu chống lại Thiên Chúa này. Nếu Thiên Chúa là con ma cà rồng sống bằng sự yếu đuối của con người, thì ta phải từ chối vị Thiên Chúa hư hỏng và bạo dâm này, như Nietzsche đã dựng nên. Còn nếu theo như Sartre, Thiên Chúa là kẻ tranh chấp bất công sự tự do của chúng ta thì ta cũng phải từ chối cùng với Sartre. Cuối cùng, nếu Thiên Chúa là người đao phủ chuyên hành hạ trẻ con vô tội thì ta phải cùng làm cách mạng với Camus: đó là một vị Thiên Chúa bất nhân không thể chấp nhận được.”[21]

3. Những lối diễn tả mới của đức tin

Comte-Sponville cho rằng ta không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa hay sự không hiện hữu của Ngài. Tuy nhiên, mỗi người có thể biện luận về vấn đề Thiên Chúa và tìm thấy những lý do để giữ cho mình một ý kiến hay ngay cả sự cả quyết. Dù sao, cuộc tranh luận vẫn luôn mở rộng.

Lý luận của Comte-Sponville về vô thần khiến cho Kitô hữu không thể lãnh đạm hay thờ ơ. Thật vậy, những lý luận này thật chặt chẽ, lý lẽ. Chẳng hạn, ta lấy ví dụ của ông về sự sáng tạo và sự dữ. Đối mặt với sự dữ, tác giả đã hoàn toàn nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đối với ông, khẳng định Thiên Chúa là nguyên nhân (cause) thì làm cho thế giới càng khó hiểu và gây vấp phạm vì sự hiện hữu của sự dữ.

Là Kitô hữu, ta phải hiểu lý luận này như thế nào? Hẳn nhiên, phải thay đổi câu hỏi, nghĩa là phải chuyển đổi cách nắm bắt vấn đề. Nhãn quan thần học mới không nằm ở chỗ đặt Thiên Chúa làm nguyên nhân (en cause) và nói về sự sáng tạo trong những hạn từ nhân quả (causalité), thay vào đó, sáng tạo là sự trao tặng (donation). Thần học về sự sáng tạo như là sự trao tặng mở ra những nhãn quan thần học mới để suy tư về sự dữ. Thật vậy, suy tư như thế khiến ta thấy rằng tất cả sự trao tặng đều mở ra một không gian tự do, lưỡng lự, không chắc chắn. Thiên Chúa là người ban tặng. Và như trình thuật của sách Sáng Thế Ký đã nói cách biểu tượng rằng ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi, vì tất cả sự trao tặng đều hàm ẩn một “sự buông thả ra” (lâcher prise), một sự buông bỏ quyền hành nếu không thì sáng tạo chỉ là sự cho vay mượn. Như vậy, theo thần học, ta có thể nói rằng sự sáng tạo tiềm ẩn nguy cơ và nó dễ bị tấn công nên sự dữ có thể chen vào đó mà không có Thiên Chúa. Đối với Comte-Sponville, sự dữ là một bằng chứng chống lại Thiên Chúa. Nhưng đối với Kitô hữu, sự thiện còn nhiều hơn và lớn lao hơn được biểu lộ trong Đức Giêsu, trên chính cây Thập giá, nơi chiến thắng bạo lực mà không cần phải chống lại nó, nơi làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa là Đấng cứu rỗi và phục hồi sự sống ở nơi nó bị giết chết. “Nơi nào tội lỗi tràn lan thì hồng ân đầy tràn” (Rm 5,20).     

Công việc của Kitô hữu chúng ta hôm nay là luôn canh tân đức tin và lý luận chặt chẽ hơn. Những lập luận của Comte-Sponville nhằm chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng chúng không làm cho đức tin trở nên không thể mà chỉ khích lệ cộng đồng Kitô giáo tìm cách làm cho đức tin trở nên dễ hiểu, chấp nhận được và đáng mong ước. Điều tệ hại về phần chúng ta là vì không thường xuyên gặp gỡ hay đối thoại với tư tưởng vô thần nên ta cứ mãi chìm đắm trong sự lười biếng trí thức.

Triết gia Marcel Gauchet đã nhắc lại chính xác điều này: “Sự sống còn của Kitô giáo với cái giá là tính thâm sâu luôn đổi mới của triết học và thần học. Thách thức là phải làm cho dễ hiểu và chấp nhận được những diễn từ về đời sau, về Thiên Chúa, về đức tin. Đây chính là những phạm trù suy tư tôn giáo luôn bị thử thách”.[22] Về vấn đề này thì chúng ta không vô vọng đâu. Tin Mừng luôn có cơ may để chạm trán với thách thức của lý trí. Kitô hữu chúng ta có bổn phận vinh danh sự tài trí của đức tin và giữ gìn tinh thần đối thoại thân hữu của Công đồng Vatican II với những người không tin. “Phải thực hiện việc tìm kiếm chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người, nghĩa là bằng việc tự do tìm kiếm, bằng cách học hỏi hoặc nhờ người hướng dẫn, bằng cách trao đổi và đối thoại, nhờ đó con người bày tỏ cho nhau biết chân lý mà mình tìm được hay nghĩ là đã tìm được, để giúp nhau trong việc khám phá chân lý” (Dignitatis Humanae, số 3). [23]

Bởi thế cho nên nghiên cứu thần học cần phải thực tiễn, diễn tả đức tin phải dễ hiểu hơn để có thể phát huy và loan truyền chứ không phải chỉ để cô đọng trong một công thức. “Nguyên tắc thực tế” (principe de réalité) phải được xem như là vấn đề cốt lõi đối với sự nghiêm túc và chặt chẽ của “suy tư đức tin” (pensée de la foi). Câu châm ngôn của Thánh Tôma hướng kiến thức của đức tin về ý hướng thực tế của tri thức (fides non terminatur ad enuntiabile sed ad rem, đức tin không giải quyết cuối cùng nơi công thức nhưng ở thực tế) chưa bao giờ trở nên hiện thực như hiện nay. Sự hiểu biết của đức tin và thực tế sống cộng sinh chặt chẽ với nhau hay là chết”.[24]
  1. ĐỨC TIN NGƯỜI TRẺ
TRONG “CHRISTUS VIVIT
  1. Cơn khát Thiên Chúa
Thật ra, “Linh đạo không Thiên Chúa” không phải là điều gì mới mẻ hay được Đức Phanxicô đề cập đến lần đầu tiên trong Tông huấn “Christus Vivit”. Trong Tông huấn năm 2013, “Evangelii Gaudium”, số 63, Đức thánh cha đã viết: “Đức tin Công Giáo của nhiều người ngày nay đang bị thách thức bởi sự nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không Thiên Chúa. Một mặt, đây là một phản ứng của con người trước một xã hội duy vật, tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa, nhưng mặt khác, đây cũng là một sự khai thác sự yếu đuối của những người sống trong nghèo khổ và bên lề xã hội, những người đang tranh đấu để sinh tồn trong tình trạng đau khổ nặng nề của con người và đang tìm những giải pháp trước mắt cho các nhu cầu của họ.” Và dường như ngay lập tức, ngài đã chỉ ra những nguyên nhân xảy ra tình trạng này “Chúng ta phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một phần các tín hữu đã rửa tội của chúng ta thiếu ý thức thuộc về Hội Thánh, đó cũng là do một số cơ cấu và một số bầu khí thiếu thân thiện cởi mở tại một số giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, hoặc cũng do tính quan liêu trong cách xử lý các vấn đề đơn sơ hay phức tạp trong đời sống các tín hữu của chúng ta. Tại nhiều nơi, phương thức quản trị lấn lướt phương thức mục vụ, cũng như sự tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác”.

Thách thức của Giáo Hội hiện nay là đáp ứng cơn khát Thiên Chúa của nhiều người bằng một linh đạo thích hợp. “Ngày hôm nay, thách thức của chúng ta không phải là chủ nghĩa vô thần cho bằng nhu cầu đáp ứng một cách thích hợp cơn khát Thiên Chúa của nhiều người, kẻo họ tìm cách thoả mãn cơn khát này bằng các giải pháp sai lạc hay với một Đức Kitô phi xác thể, một Đức Kitô không đòi hỏi chúng ta bất cứ điều gì đối với tha nhân. Nếu những người này không tìm thấy trong Hội Thánh một linh đạo có thể giúp chữa lành và giải thoát, và đổ đầy sự an bình vào đời sống họ, đồng thời kêu gọi họ tới sự hiệp thông huynh đệ và hiệu năng truyền giáo, thì rốt cuộc họ sẽ bị lôi kéo bởi những giải pháp không làm cho đời sống họ thực sự là nhân bản, cũng không làm vinh danh Thiên Chúa” (Evangelii Gaudium, số 89).

Dòng tư tưởng này được tiếp nối ở số 184 của Tông huấn “Christus Vivit” khi Đức Phanxicô lại nhắc đến “Linh đạo không Thiên Chúa” như một cảnh báo: “Ngày nay, người ta còn cổ võ một thứ linh đạo không Thiên Chúa. Một kiểu tình cảm không cộng đồng và không dấn thân đến với những người đau khổ, nỗi sợ người nghèo xem họ như một mối nguy hiểm, và rất nhiều đề nghị làm chúng con tin vào một tương lai thiên đường ngày càng xa vời. […] và với cả tấm lòng, cha xin các con hãy cẩn trọng đừng để mình bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ đó, bởi nó không những không làm cho các con trẻ trung hơn, mà còn biến các con thành nô lệ. Cha đề nghị với các con một con đường khác …”
  1. Những nẻo đường đức tin
Và đức tin là con đường khác mà Đức thánh cha đề nghị với các bạn trẻ. Ngay từ phần mở đầu của “Christus Vivit”, Đức thánh cha đã nói lên mục đích của Tông huấn: “Với tâm tình yêu thương, cha viết Tông huấn này như một lá thư gởi cho mọi Kitô hữu trẻ, để nhắc các con về một số xác tín của đức tin, đồng thời để khích lệ các con lớn lên trong sự thánh thiện và sự dấn thân trong ơn gọi riêng mình” (số 3).  Ngài bày tỏ lòng tin tưởng vào lòng nhiệt thành vì đức tin của người trẻ: “Hội Thánh của Đức Kitô luôn có nguy cơ sa chước cám dỗ đánh mất lòng nhiệt thành, bởi không còn nghe tiếng Chúa mời gọi liều mình vì đức tin để cho đi tất cả không đắn đo trước những hiểm nguy, mà quay về tìm kiếm những an toàn giả tạo của thế gian. Chính những người trẻ có thể giúp Hội Thánh giữ được tinh thần trẻ trung, không rơi vào băng hoại; không dừng lại, không kiêu hãnh, không biến thành giáo phái” (số 37).
    1. Những nẻo đường huynh đệ
Trong số 12 vị thánh được nêu gương trong Tông huấn, là những vị “chưa là người lớn nhưng đã để lại cho chúng ta một chứng tá về việc sống tuổi trẻ theo một cách khác ” (số 50), đã có 6 vị mà từ “đức tin” xuất hiện trong tiểu sử ngắn ngủi của mình: chỉ huy trẻ Sebastianô trong Lực lượng Cận vệ Hoàng đế “”đi đâu cũng nói về Đức Kitô và tìm cách làm cho đồng đội của mình theo đạo, đến mức ngài bị buộc phải chối bỏ đức tin” (số 51). Jeanne d’Arc “bị hiểu lầm về cách ứng xử và cách sống đức tin của mình, thánh nhân đã bị thiêu sống” (số 53). Chân phước Anrê Phú Yên “bị tống giam vì đức tin và vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài đã bị giết” (số 54). Thánh Kateri Tekakwitha đã bị “bách hại vì đức tin” (số 55). Chân phước Isidore Bakanja “làm chứng về đức tin” (số 59). Chân phước Marcel Callo “đã củng cố đức tin cho các bạn tù, giữa môi trường lao động khổ sai” (số 61). Noi gương đức tin của các thánh trẻ, Đức thánh cha đã khuyên các bạn trẻ tìm câu trả lời cho những vấn đề nơi Đức Giêsu: “ Khi mọi sự dường như khựng lại và trì trệ, khi những vấn đề cá nhân làm chúng ta bất an, khi các vấn đề xã hội không tìm được câu trả lời thích đáng, thì bỏ cuộc không là điều tốt. Đức Giêsu là con đường: hãy để Người lên “thuyền” của chúng ta và cùng ra khơi với Người! … Niềm tin vào Đức Giêsu dẫn đến một niềm hy vọng vượt xa hơn” (số 141)
Trên hành trình đức tin, cùng với gương mẫu của những vị thánh trẻ này, Đức thánh cha đề nghị với các bạn trẻ hiện nay “những nẻo đường huynh đệ”, nghĩa là đi ra khỏi chính mình và sống đức tin với những bạn trẻ khác: “Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình, đón nhận những người khác trong yêu thương và tìm kiếm điều tốt đẹp cho họ. Vì vậy, tốt nhất là cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu của chúng ta trong đời sống cộng đoàn, qua việc chia sẻ yêu thương với các bạn trẻ khác, chia sẻ thời giờ, đức tin và các lo âu của mình” (số 164), đặc biệt là hoạt động nhóm: “Kinh nghiệm nhóm cũng là một thuận lợi rất lớn để chia sẻ đức tin và giúp nhau làm chứng” (số 219).

Tuy nhiên, những hoạt động nhóm nhỏ khiến các bạn trẻ có nguy cơ khép kín mình vào giới hạn các nhóm và tránh xa những thách đố của đời sống trong xã hội, chính vì thế Đức thánh cha kêu gọi sự dấn thân của các người trẻ vào trong xã hội: “Đó là một dấn thân cụ thể khởi đi từ đức tin để xây dựng một xã hội mới, là sống giữa thế giới và xã hội để Phúc âm hóa những hoàn cảnh khác nhau, để phát triển hòa bình, sự chung sống, công lý, nhân quyền, lòng nhân từ, và như thế mở rộng Nước Chúa trên trần gian” (số 168), đặc biệt là tiếp xúc với người nghèo: “Dấn thân xã hội và tiếp xúc với trực tiếp với người nghèo là một cơ hội quan trọng để người trẻ khám phá hay đào sâu đức tin và để họ phân định ơn gọi của mình” (số 170).

Ngoài đời sống đạo đều đặn, “Người trẻ cũng vui thích gặp gỡ trong những dịp lễ khác ngắt nhịp sống đều đặn thường nhật và giúp họ sống niềm vui đức tin” (số 224). Đức tin của người trẻ nhiều khi được phát triển qua những hoạt động phục vụ thiện ích như giúp đỡ người khác hơn là những chương trình huấn luyện: “Những việc phục vụ của Kitô hữu là một cơ hội ưu việt để người trẻ phát triển và mở ra đón nhận ơn huệ đức tin và đức ái do Chúa ban…. Nhiều người trẻ mệt mỏi với những chương trình huấn luyện giáo lý và thiêng liêng, và đôi khi họ yêu cầu có cơ hội được tham gia tích cực vào các hoạt động giúp ích cho tha nhân” (số 225), Ngoài ra còn có hoạt động nghệ thuật có ích khác như kịch nghệ, hội họa và nhiều thể loại khác, nhất là âm nhạc có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính (số 226), thể thao mời gọi người trẻ phát triển sức mạnh và vượt qua sự chây lười hoặc nhàn rỗi (số 227). Đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời mình trước cái màn hình (số 134). Sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và các chiến dịch cải thiện môi trường đều là những kinh nghiệm có thể khởi xướng một lộ trình huấn luyện sống tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi (số 228). Trong cuộc gặp gỡ với các hướng đạo sinh Châu Âu ngày 3 tháng Tám 2019, Đức Phanxicô cũng nhắn nhủ các bạn trẻ phải hòa mình vào thiên nhiên bởi vì “công cuộc sáng tạo không có biên giới: nó là của mọi người và dành cho mọi người. Cây cối, núi rừng, muôn thú cứ thế lớn lên mà không có biên giới, không có hải quan. Sáng tạo là cuốn sách mở ra những bài học quý giá: chúng ta ở trong thế giới để gặp gỡ người khác, để hiệp thông, bởi vì tất cả chúng ta được nối kết với nhau. Sáng tạo được dành để nối kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau; nó là mạng xã hội của Thiên Chúa.”[25]
    1. Mạng xã hội
Nói về giới trẻ hôm nay thì không thể bỏ qua hiện tượng mạng xã hội. Vào năm 1907, Henri Bergson đã viết trong cuốn L’Evolution créatrice (PUF, 2007) rằng các phát minh kỹ thuật như làm dụng cụ bằng đồng, đá đẽo (pierre taillée) hay máy hơi nước, những cuộc chiến tranh và cách mạng: chúng được dùng để xác định một thời đại. Nếu đúng như vậy, chúng ta đang ở “thời đại Facebook”. Nhóm công nghệ Gafam (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) đã làm nên những điều thần kỳ: loại bỏ những khoảng cách, tính hầu như tức thì (quasi-instantanéité) và bộ nhớ thì gần như vô hạn …  

Không thể phủ nhận tính nhanh chóng và phổ biến của mạng xã hội này, một “đường cao tốc kỹ thuật số”, thường được phần lớn người trẻ sử dụng cách mê say như một phương tiện sống ảo, đôi khi trở thành “con nghiện”. Người ta nói rằng những chiếc smartphone đã biến giới trẻ thành một “thế hệ cúi đầu” hay “bộ lạc ngón tay cái” (thumb tribe). Các bạn ăn Facebook ngủ Facebook, ngập ngụa trong mớ thông tin hỗn độn không được kiểm chứng, không phân loại. “Một quảng cáo giày nằm cạnh trang ai tín, một vidéo tán gẫu nằm trước bài báo nói về sự ấm lên toàn cầu. Trong ‘nồi súp nguyên thủy’ này, ranh giới giữa cái tôi và thế giới, cái riêng tư và công cộng, căn tính và vô ngã, đã trộn lẫn với nhau…. Nó giống như cái quảng trường mà ở đó ai ai cũng có thể phát biểu. Nhưng cũng như ở quảng trường, người gây ảnh hưởng không phải là người nói sự thật mà thường là người gào to giọng nhất…. Đúng ra cũng nên biết sợ Facebook, ít ra là phải sợ một chút”.[26]

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặt tích cực của nó, nếu biết lợi dụng thì đây sẽ là công cụ loan báo Tin Mừng nhanh, ngay và luôn. Chính vì thế, Đức Phanxicô khuyên người trẻ nên đưa vào mạng xã hội những nội dung có tác dụng như dầu và rượu trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu: “Thế giới được nhìn qua tấm kính và miếng silicon của iPhones và laptop thường thiếu đi sức mạnh đạo lý của cuộc gặp gỡ diện đối diện. Triết gia Do Thái Emmanuel Lévinas, đã nói rằng gương mặt người “ra lệnh và chỉ định chúng ta” phục vụ tha nhân. Như vậy, mạng xã hội phổ thông như Facebook là cơ hội dành cho cuộc gặp gỡ đạo lý nhưng chỉ khi nào cuộc gặp gỡ đó bén rễ trong sự đoàn kết và phục vụ tha nhân. Đây là nơi mà chúng ta được nhắc nhớ về đức tin, về vinh quang Nhập Thể.  Chính trong con đường huyết mạch này mà Đức Phanxicô đã sử dụng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để kêu gọi chúng ta ra khỏi chính mình trên con đường cao tốc kỹ thuật số để gặp gỡ những bạn đồng hành của chúng ta. Truyền thông thật sự không chỉ là những tin nhắn vô hồn mà phải đề cao một kinh nghiệm có xác thân. Người Samaritanô nhân hậu “xoa dịu vết thương của người bị tấn công bằng cách đổ dầu và rượu vào các vết thương”. Đối với Đức Phanxicô, truyền thông có thể là “dầu làm dịu cơn đau” và là “rượu làm vui thỏa lòng người”. Giống như “dầu và rượu”, ngôn ngữ, các biểu tượng và hình ảnh tạo nên thông tin trực tuyến là phương tiện thông tin đại chúng để phát đi lòng thương cảm và ân sủng mà đức ái đòi hỏi”.[27]

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô đã đưa ra cho người trẻ một mẫu gương sống đức tin và loan báo Tin Mừng trong thế giới kỹ thuật số: “Đúng là thế giới kỹ thuật số có thể đẩy con vào nguy cơ của sự khép kín cô lập và lạc thú trống rỗng. Nhưng con đừng quên rằng cũng có những người trẻ sáng tạo và có khi rất giỏi trong môi trường ấy. Đó là trường hợp của Đấng đáng kính Carlo Acutis” (số 104). “Carlo biết rất rõ rằng những cơ chế truyền thông, quảng cáo và mạng xã hội ấy có thể được dùng để biến chúng ta thành những con người uể oải, lệ thuộc vào chủ nghĩa tiêu thụ và những món hàng mới mà chúng ta có thể mua sắm, bị ám ảnh về thời gian rảnh rỗi và bị giam hãm trong những điều tiêu cực. Nhưng Carlo biết cách sử dụng những công nghệ thông tin mới để truyền đạt Tin Mừng, để truyền thông các giá trị và vẻ đẹp” (số 105). Chàng thiếu niên Carlo Acutis, mới 15 tuổi thôi, đã biết phân định những gì là tích cực của mạng xã hội và không chạy theo các mối quan hệ “ảo”, biết làm chủ phương tiện chứ không dễ dãi biến mình thành nô lệ. Anh đã lập trang web triển lãm phép lạ Thánh Thể, nội dung không mới nhưng mới ở chỗ biết biến internet thành công cụ loan báo Tin Mừng. “Trước những thay đổi của thế giới Carlo không đóng mình khỏi thế giới, khỏi xã hội, nhưng tìm thấy trong tất cả là một cơ hội đặc biệt để loan Tin Mừng”.[28] “Carlo đã không bị sập bẫy. Anh thấy rằng nhiều bạn trẻ, mặc dù tỏ ra mình khác với người khác, thực sự cuối cùng rồi cũng giống nhau; khi chạy theo những gì mà những kẻ có thế lực áp đặt cho họ qua những cơ chế của chủ nghĩa tiêu thụ và giải trí. Thế nên họ không phát huy được những ơn huệ mà Chúa đã ban; không cống hiến cho thế giới những tài năng rất riêng tư và độc đáo mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Thế là, Carlo nói: “Ai cũng được sinh ra như là bản gốc, nhưng nhiều người lại chết đi như những bản sao”. Đừng để điều này xảy ra với con!” (số 106).

 LỜI KẾT

Ít ai biết được rằng nguyên nhân gần khiến Đức Gioan Phaolô II quyết định mở ngày Quốc tế giới trẻ (JMJ) lần đầu tiên tại Roma vào ngày 23/3/1986 là trong cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Paris vào năm 1980, một thanh niên vô thần đã đặt câu hỏi: “Thưa Đức giáo hoàng, ngài tin vào ai? Thiên Chúa mà ngài thờ là ai vậy?”. Và khi một nhà báo hỏi Albert Einstein rằng ông có tin Thiên Chúa không thì ông trả lời: “Trước hết, hãy nói cho tôi biết bạn hiểu Thiên Chúa như thế nào thì tôi sẽ nói cho bạn biết tôi có tin vào Ngài hay không”. Đôi khi, định nghĩa về “Thiên Chúa” lại trở nên cần thiết đối với người tin lẫn người không tin, nhất là đối với giới trẻ là những người đang bắt đầu con đường trưởng thành trong đời sống, sự nghiệp và cả niềm tin. Nếu không được có sự nối kết giữa các thế hệ, đức tin người trẻ dễ lạc vào những con đường ngoằn ngoèo không dẫn tới đâu. “Thế giới chưa bao giờ, và cũng sẽ không bao giờ hưởng được lợi ích gì từ sự đoạn tuyệt giữa các thế hệ” (số 191).

“Người trẻ đi bằng đôi chân của mình như người lớn, nhưng khác người lớn, người lớn giữ hai chân song song, nhưng người trẻ luôn đặt một chân trước một chân sau, sẵn sàng để bước tới, để nhảy” (số 139). Mượn lời Thánh Augustinô, Đức thánh cha Phanxicô khuyến khích các bạn trẻ hãy ca hát và bước tới trên con đường trần gian, trong đức tin đích thực: “Hãy ca hát, nhưng cũng tiếp tục tiến bước. Hãy hát ca để công việc của bạn được nhẹ bớt, đừng lười biếng. Hãy hát, nhưng cũng hãy tiếp tục tiến bước. Khi tiến bước, bạn sẽ tiếp tục hành trình, nhưng hãy tiến bước trong nhân đức, trong đức tin chính thực và những việc làm thiện lương. Hãy ca hát và bước tới” (số 226). Và “Cha sẽ vui mừng khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và rụt rè. Các con cứ chạy … Hội Thánh đang cần đà tiến của các con, cần những trực giác và đức tin của chúng con. Và khi các con đến nơi mà chúng tôi chưa đến, các con hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi” (số 299).
 
[1] WILLIAM B. PARSONS, Being Spiritual but Not Religious: Past, Present, Future(s), Routledge, 2018, phần dẫn nhập.
[2] Đức ông Jacques Grand'maison (1931 - 2016), người Canada, là văn sĩ, nhà xã hội học và thần học, giáo sư tại Université de Montréal.
[3] JACQUES GRAND’MAISON, Une spiritualité laïque au quotidien. Neuf voies d'accès au spirituel, Novalis, 2013, tr. 19
[4] JACQUES GRAND’MAISON, Ibid., tr. 13.
[5] TEEMU TAIRA, “Atheist spirituality A follow on from New Atheism?”, trong Scripta Instituti Donneriani Aboensis, 24, 388-404.
[6] ANDRÉ FOSSION, S.J., “La spiritualité sans Dieu selon Comte-Sponville”, trong Cahiers de spiritualité ignatienne, Janvier (2009).
[7] Trích theo http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/546-vothan.html
[8] A. COMTE-SPONVILLE, L'esprit de l'athéisme: Introduction à une spiritualité sans Dieu, 2006, tr. 144-146.
[9] A. COMTE-SPONVILLE, Ibid., tr. 149
[10] A. COMTE-SPONVILLE, Ibid., tr. 12
[11] A. COMTE-SPONVILLE, Ibid., tr.145
[12] Lối diễn tả này xuất hiện trong thư của ROMAIN ROLLAND đề ngày 5 tháng 12 năm 1927 gởi cho Sigmund Freud nói về những gì được biết dưới tên gọi là “cảm thức đại dương” (sentiment océanique): nó là cái cảm giác làm một với vũ trụ, sub specie æternitatis (dưới khía cạnh vĩnh cửu), một cảm giác mà Romain Rolland gán cho một âm hưởng tôn giáo: “Tôi phân tích cho ông thấy về cảm thức tôn giáo hồn nhiên hay chính xác hơn là cảm giác tôn giáo, đó là [...] yếu tố đơn giản và trực tiếp của cảm giác về vĩnh cửu (có thể không phải là sự vĩnh cửu mà là cảm giác không có giới hạn nào cảm nhận được và giống như đại dương)” (ROMAIN ROLLAND, “Lettre à Sigmund Freud”, 5 décembre 1927, trong Un beau visage à tous sens. Choix de lettres de Romain Rolland (1866-1944), Paris, Albin Michel, 1967, tr. 264-266.)
[13] A. COMTE-SPONVILLE, Ibid., tr. 159
[14] A. COMTE-SPONVILLE, Ibid., tr. 198-200
[15] A. COMTE-SPONVILLE, Ibid., tr.145
[16] PIERRE MATHIEU, Comment concevoir la prière adressée à Dieu dans un contexte de sécularisation?, Université Laval, Quebec, Mémoire,  tr. 93
[17] A. COMTE-SPONVILLE, Ibid., tr.167
[18] RICHARD BERGERON và FABRICE BLÉE, “La prière chrétienne interreligieuse: de la praxis à la théologie”, trong Prier Dieu dans un monde sans Dieu, Montréal, Médiaspaul, 2006, tr. 33.
[19] x. PETER HEEHS, Spirituality without God: A Global History of Thought and Practice, Bloomsbury Publishing, 2018.
[20] https://fr.zenit.org/articles/sommes-nous-a-l-ere-de-l-atheisme-ou-du-reveil-religieux/
[21] JEAN-GUY SAINT-ARNAUD, S.J., “Essai sur la spiritualité des athées”, Athée et spirituel? Hội thảo ngày 24 tháng Giêng 2008, Centre Culturel Chrétien de Montréal.
[22] MARCEL GAUCHET, Un monde désenchanté?, Paris, L’Atelier, 2004, tr. 230.
[23] ANDRÉ FOSSION, S.J., “La spiritualité sans Dieu selon Comte-Sponville: Analyse et réflexion critique”, trong Cahiers de Spiritualité Ignatienne, Janvier-Avril 2009, tr. 62-74.
[24] PIERANGELO SEQUERI, “Entre foi et réalité”, trong Osservatore Romano, 23 Juillet 2019, tr. 9
[25] PHANXICÔ, “Des  jeunes  en  chemin pour  forger  l’esprit  européen”, trong Osservatore Romano, 20 août 2019, số 34, tr. 8
[26] THOMAS SCHAUDER, “Il n’est pas déraisonnable d’avoir peur de Facebook”, https://www.lemonde.fr/campus/article/2019/02/06/il-n-est-pas-deraisonnable-d-avoir-peur-de-facebook_5420212_4401467.html
[27] BRETT T. ROBINSON, “Through the looking glass of an iPhone”, trong Osservatore Romano, Jan. 31, 2014
[28] Lời của Đức cha PAOLO MARTINELLI trong buổi canh thức cầu nguyện đưa thi hài Đấng đáng kính Carlo Acutis vào Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi ngày 05.4.2019.

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây