Lời mở đầu Khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn năm 2022

Thứ tư - 21/09/2022 20:13
IMG 1516

LỜI MỞ ĐẦU
Khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn năm 2022
Chủ đề
Fratelli Tutti: Một lối sống mang hương vị Tin Mừng


Công đồng Vaticanô II đã mở đầu Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes bằng những lời như sau: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ".[1]

Đây là những lời được coi như định hướng cho toàn thể chương trình mục vụ của Giáo hội Công giáo trong thế giới ngày nay. Với định hướng mục vụ này, Giáo hội không đứng ngoài hay đứng bên lề xã hội, nhưng hiện diện giữa lòng thế giới như men trong bột, để làm cho sức mạnh biến đổi của Tin mừng thấp nhập vào mọi giai tầng xã hội, nhờ đó mọi thực tại trần gian được ánh sáng Tin mừng chiếu soi.

Thực trạng của thế giới hiện nay ngày càng trở nên phức tạp, vì thế Giáo hội càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đưa ra những định hướng đúng đắn, để Tin mừng có thể thấp nhập vào cuộc sống hiện đại của con người. Một trong những nỗ lực ấy có thể được tìm thấy trong giáo huấn xã hội của Giáo hội.[2] Giáo huấn xã hội này bắt nguồn từ Thánh kinh, nhất là từ những định hướng của Tin mừng, rồi vận dụng thần học, đặc biệt là thần học luân lý, để áp dụng giáo huấn Tin mừng vào các vấn đề đạo đức xã hội của thời đại. Đây là một cách thế loan báo Tin mừng cho con người hôm nay, bởi vì "làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công tác phục vụ công lý, hòa bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin mừng".[3]

Một cách cụ thể hơn, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy trong Tông huấn Ecclesia in Asia: "Điều thiết yếu là làm sao để các Kitô hữu dấn thân trong lãnh vực thăng tiến nhân loại có một kiến thức vững chắc về toàn bộ giáo huấn quí báu này và coi nó như thành phần nguyên vẹn của sứ vụ rao giảng Tin mừng [...]. Các Kitô hữu có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội, đặc biệt các giáo dân đang nắm trách nhiệm trong đời sống xã hội, cần được đào tạo vững chắc về lãnh vực này, để họ có thể tác động trên xã hội dân sự cũng như các cơ cấu của nó bằng chất men của Tin mừng. Giáo huấn xã hội của Giáo hội không những cảnh báo các Kitô hữu giữ chức vụ lãnh đạo về trách nhiệm của họ, mà còn đem đến cho họ những hướng dẫn để cổ võ sự phát triển con người và giúp họ tránh khỏi những quan niệm sai lầm về con người".[4]

Để hướng dẫn mọi thành phần dân Chúa tham gia vào cách sống Tin mừng của thời hiện đại này, ngày 24 tháng 5 năm 2015, Đức Phanxicô đã ban hành Thông điệp Laudato Si' về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tiếp đến, ngày 02 tháng 02 năm 2020 ngài ban hành Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Querida Amazonia (Amazon yêu quí), và ngày 03 tháng 10 năm 2020 ngài ban hành Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và bằng hữu xã hội. Đó là những văn kiện chứa đựng giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo mà Đức Phanxicô rất tâm đắc, đồng thời đáp ứng nhu cầu mục vụ của Giáo hội trong thời hiện đại.

Trong cuộc thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn năm 2020, chúng ta đã cùng nhau học hỏi và thảo luận về Thông điệp Laudato Si'. Trong cuộc thường huấn năm nay (2022), chúng ta hãy cùng nhau học hỏi và thảo luận về Thông điệp Fratelli Tutti, để có thể nắm vững giáo huấn xã hội của Giáo hội về những vấn đề lớn mà Giáo hội đang quan tâm, nhờ đó có thể hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và hướng dẫn anh chị em tín hữu thực hiện giáo huấn ấy trong địa bàn mục vụ của mình, như lời Đức Phanxicô đã dạy trong Tông huấn Evangelii Gaudium:

"Các giáo huấn của Hội thánh liên quan đến các tình huống trần thế đều chịu sự chi phối của các sự phát triển mới và xa hơn, và có thể được mở ra cho tranh luận (...). Cần phải rút ra những kết luận thực hành, để chúng có tác động lớn đến sự phức tạp của các tình huống hiện hành. Các mục tử của Hội thánh, trong khi lưu tâm tới các đóng góp của các khoa học khác nhau, có quyền đưa ra các ý kiến về tất cả những gì ảnh hưởng đến đời sống con người, vì nhiệm vụ loan báo Tin mừng bao hàm và đòi hỏi sự thăng tiến toàn vẹn mỗi con người. Không còn có thể chủ trương rằng tôn giáo phải được hạn chế trong lãnh vực tư riêng và nó chỉ tồn tại để chuẩn bị các linh hồn vào thiên đàng. Chúng ta biết Thiên Chúa muốn các con cái Người được hạnh phúc ở cả đời nầy nữa, mặc dù họ được kêu gọi để hưởng sự viên mãn trong cõi vĩnh cửu...".[5]

Nguyện xin Chúa Thánh Thần đồng hành với chúng ta trong suốt những ngày thường huấn này bằng ơn soi sáng và sự hướng dẫn của Người.
                                                                          
+Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
 
[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (07.12.1965), số 1.
[2] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã dạy: "Giáo huấn xã hội của Giáo hội được khai triển vào thế kỷ 19 khi Tin mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ tân tiến, với các cơ cấu mới để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với khái niệm mới về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của lao động và quyền sở hữu. Sự phát triển giáo huấn kinh tế và xã hội của Giáo hội xác nhận giá trị vững bền của quyền giáo huấn, cũng như cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền thống luôn luôn sống động và tích cực [...] Giáo huấn xã hội của Giáo hội tập hợp các giáo huấn được nối kết với nhau theo mức độ Giáo hội giải thích các biến cố suốt dòng lịch sử, dưới ánh sáng mạc khải của Lời Chúa và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần [...]. Giáo huấn xã hội của Giáo hội đề ra những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những đường hướng hành động" (số 2421-2423).
[3] ĐGH. BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29.6.2009), số 15; x. ĐGH. PHAOLÔ VI, Thông điệp Evangelum Vitae (25.3.1995), số 29,31; ĐGH. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30.12.1987), số 41.
[4] ĐGH. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Ecclesia in Asia (06.11.1999), số 32.
[5] ĐGH. PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), số 182.

Tác giả: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây