HIỆP HÀNH: ÂN BAN MANG NIỀM HY VỌNG
(Tham luận bế mạc Hội Nghị Tiền Thượng Hội Đồng Giáo phận Qui Nhơn)
Dẫn nhập: Đón nhận “Hiệp Hành” như một “ân ban”
Người Việt nam chúng ta có câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Nói thì hay vậy, nhưng để “ba cây “Việt Nam” chụm lại” mà cho “thành núi cao” thì không dễ ăn ! Cho nên, dư luận xã hội vẫn thường so sánh: Nếu làm việc cá nhân, thì 1 người Việt có thể làm bằng 3 người Nhật; nhưng nếu 3 người Việt Nam cùng làm việc chung với nhau thì hiệu quả thua xa 3 người Nhật Bản cùng chung tay đấu cật; và dĩ nhiên, đây không là chuyện “ngoại lệ” trong sinh hoạt Giáo Hội hoàn vũ nói chung, hay Giáo Hội Việt Nam nói riêng. Bằng chứng cụ thể là, đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng Giáo Hội Việt Nam, cho đến mãi hôm nay, chưa có một Bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mang chiều kích “đại diện chính thức cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam”, mà chỉ có các bản dịch của cá nhân hoặc nhóm nầy nhóm nọ; mặc dù Giáo Hội Việt Nam có dư đội ngủ chuyên viên Kinh Thánh, Thần học, Giáo luật, Phụng vụ, văn chương, ngôn ngữ… với học vị bằng cấp mang đẳng cấp quốc tế !
Trên bình diện “mục vụ vĩ mô” là thế; còn trong lãnh vực mục vụ cấp Giáo phận, giáo hạt, giáo xứ; các cộng đoàn tu trì, các hội đoàn, ban ngành mục vụ… chắc chắn cũng không tránh khỏi những con “virus tự mãn”, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, bè nhóm, phe cánh, một trong những điều cần phải tránh… mà Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành đã cảnh báo: “Chữa trị virus tự mãn: Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…”[1].
Về phương diện con người là thế. Tuy nhiên, chương trình “Hiệp hành” của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI đề ra cho toàn Dân Chúa sống và thực hành trong thời đại hôm nay cần phải được Dân Chúa đón nhận và thực thi bằng một tâm thế và thái độ khác, vì các lý do:
- Đây không là một chủ trương, định hướng thần học để mổ xẻ, một “chiến lược tập thể” để đánh giá, luận bàn mà là ân ban, là sự hướng dẫ của Thiên Chúa: “là một tiến trình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Chúng ta có thể bị cám dỗ quên đi rằng chúng ta là những lữ khách và tôi tớ trên con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho chúng ta. Những nỗ lực khiêm tốn của chúng ta để tổ chức và phối hợp là nhằm phụng sự Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn chúng ta trên đường. Chúng ta là đất sét trong bàn tay Thợ gốm là Thiên Chúa (x. Is 64,8)”[2].
- Đây không phải là lúc để “nguyền rủa bóng tối” hay nản lòng với “các vấn đề tiêu cực”… mà là cơ hội để nhận ra ánh sáng và hoạt động tích cực của Chúa Thánh Thần: “Những thách thức, khó khăn và gian khổ mà thế giới và Giáo Hội đang phải đương đầu thì nhiều. Tuy nhiên, nếu chú ý thái quá đến những vấn đề đó, chúng ta sẽ kiệt sức, mất can đảm và bi quan. Nếu chỉ tập trung vào bóng tối, có thể chúng ta sẽ không thấy ánh sáng. Thay vì chỉ chú tâm vào những gì không hay, chúng ta hãy biết nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang tác sinh sự sống và cách thức chúng ta có thể để cho Thiên Chúa hoạt động nhiều hơn”[3]…
- Đây không là một diễn đàn để “tranh luận theo kiểu nghị trường” hay tìm cách “áp đặt ý kiến lên kẻ khác”…mà hậu quả là xé nát sự hiệp nhất; nhưng là biến cố, là con đường để “Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau”[4]…
Tuy nhiên, để có được thái độ đó, tâm thế đó, chúng ta phải cần “đôi mắt trẻ thơ” để biết “ngỡ ngàng” trước ân ban trọng đại: “ân ban hiệp hành”. Trong một thế giới quá già nua vì tự cho mình “biết hết, thấy hết”… để không còn biết ngất ngây trước vẻ đẹp tinh khôi của một cánh hoa đồng nội hay tiếng hót tuyệt vời của chú chim chích chòe, Giáo Hội đôi lúc cũng “già nua trong cách thể hiện đức tin mà cứ đinh ninh cho rằng đó là “truyền thống”.
Thật vậy, rất nhiều khi, chúng ta, các linh mục, tu sĩ hay giáo dân…, chỉ thấy những dịp như “Lễ Vàng Hôn Phối”, “Kim Cương khấn Dòng, “Ngân Khánh linh mục”… là “hồng ân” để không tiếc lời tạ ơn Chúa; hoặc các cộng đoàn, sẵn sàng “mở lễ tạ ơn hoành tráng” nhân dịp “kỷ niệm thành lập”, dịp Khánh thành, cung hiến nhà thờ…, nhưng thử hỏi, trong hơn nửa năm qua, kể từ khi khai mạc giai đoạn Thượng Hội Đồng cấp giáo phận, mấy ai, mấy cộng đoàn, họp nhau để tạ ơn Chúa vì “ân ban hiệp hành” Chúa dành cho Hội Thánh, cho cộng đoàn, cho mỗi người chúng ta ! Thế nhưng, một cách nào đó, so với “sự kiện hay ân ban hiệp hành”, những cuộc lễ trên kia chỉ là “những con nhạn lẻ tẻ”; vì chưng, hiệp hành chính là phương cách sống sống và hành động (Modus vivendi et operandi) đặc trưng của Hội Thánh, dân Thiên Chúa, vốn biểu lộ và thực hiện cách cụ thể bản chất hiệp thông của mình khi mọi thành viên của Hội Thánh đồng hành cùng nhau, tập họp lại trong đại hội và cùng tham gia tích cực vào sứ vụ phúc âm hóa của Hội Thánh”[5].
Trong những ngày này, gần như cả Giáo Hội Việt Nam, giáo phận nào cũng đang triển khai sinh hoạt “thỉnh ý hiệp hành” hay những loại hình sinh hoạt liên quan. Riêng giáo phận chúng ta, kể từ sự kiện “Mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng - 1618-2018”, không ít thì nhiều đã có nhiều sinh hoạt mang tính hiệp hành diễn ra trên các nẻo đường giáo phận: những cuộc “kinh lý mục vụ các giáo xứ” của Đức Cha, những hội nghị hay gặp gỡ của Hội Đồng Mục Vụ, Hội Đồng linh mục cấp giáo phận, giáo hạt…; và kể từ ngày “khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận”, đã có không ít những sinh hoạt hiệp hành cụ thể; cho dù hoa trái vẫn còn nằm im đâu đó như những hạt lúa gieo vào lòng đất đợi ngày kết trái đơm bông (Ga 12,24) !
Bởi vì, là “phươg cách sống và hành động” của Giáo Hội, nên “hiệp hành” không là chuyện thời sự để nổi lên om sòm đình đám rồi im lìm lặng lẽ biến mất, mà phải không ngừng sinh sôi biến đổi, đâm chồi nẫy lộc, đơm hoa kết trái trong mọi ngõ ngách của nhịp sống đức tin. Để góp phần cùng mọi thành phần trong Dân Chúa giáo phận làm cho “hiệp hành” trở nên sống động và hiện thực, xin được chia sẻ một cảm nhận, một xác tín: CHÚNG TA CÙNG MỞ LÒNG ĐÓN NHẬN “HIỆP HÀNH” NHƯ MỘT ÂN BAN QUÝ GIÁ, MỘT “ÂN PHÚC”, như được ghi rõ trong “Tài Liệu chuẩn bị”: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba” (ĐGH Phanxicô). Hành trình nầy, theo ý hướng canh tân Hội Thánh được Công Đồng Vaticanô II khởi xướng, chính là một ân phúc mà cũng là một nhiệm vụ…[6].
I. ÂN BAN “HIỆP HÀNH” DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
1. Ân ban Hiệp hành trên nẻo “Emmau” – Ân ban phục Sinh: Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ (Lc 24,15).
Ngay từ giây phút khởi đầu “thảm kịch thập giá”, cộng đoàn Tông Đồ “tá hỏa tam tinh” bỏ Thầy chạy trốn. Tin Mừng Maccô tường thuật: Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết (Mc 14,50). Và kể từ đó, “Nhóm Mười Một”, và cả “Nhóm Bảy Mươi hai”, “tan đàn sẻ nghé”; nếu còn một chút tiếc nuối tựu lại ở Giêrusalem thì cũng “co ro đóng cửa cài then trong phòng cách sợ sệt, lo lắng” (Ga 20,19); để sau đó, kẻ thì về biển hồ Tibêriat ở Galilê tìm lại tấm lưới chiếc ghe của ngày nào (Ga 21, 1-3); kẻ thì về Emmau tìm chút bình yên để chuẩn bị sinh kế mới (Lc 24,13-14)...
Chính trong tình trạng não nề thất vọng và hoàn toàn “lao đao mất hướng” đó, Đức Kitô phục sinh đã thể hiện một loạt động tác mà chúng ta có thể gọi đó là “ân ban hiệp hành” dành cho các môn sinh, được thánh sử Luca tường thuật khá chi tiết: “đến gần và cùng đi với họ” (24,15), giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh (24, 27), ở lại và đồng bàn với họ (24, 29-30), cử hành Thánh lễ ngay nơi quán trọ (24, 30), ban bình an (24, 36), cùng ăn uống (24, 43), mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (24, 45), sai đi rao giảng và làm chứng (24, 47-48), hứa ban Thánh Thần (24, 49)...
Vâng, “ân ban hiệp hành” nầy cũng chính là “ân ban phục sinh”; nếu không có ân ban nầy Kitô giáo chắc chắn sẽ không hiện hữu trên trần gian.
Giáo Hội muôn nơi muôn thuở, giáo phận chúng ta, mỗi thành phần Dân Chúa hôm nay đều cần thiết “ân ban hiệp hành mang chiều kích phục sinh” nầy. Có thể chúng ta cũng đang mỏi mệt, chới với, mất hướng trên bình diện cộng đoàn hay cá nhân, đời tu hay đời thường, gia đình hay giáo xứ, giới trẻ hay giới già.... Vì thế, cần biết bao “ân ban hiệp hành”, ân ban được “Chúa đến và cùng đi”, được Chúa ban bình an, trao ban Thánh Thần và Lời Chúa, được cùng nhau tham dự Thánh lễ, ...
Vâng, hiệp hành không là một “ý tưởng mơ hồ, viễn vông” mà là một ân ban để sống sự hiện diện đích thực của Chúa Phục sinh trên mọi nẻo đường cuộc sống; hay theo ngôn ngữ của Vademecum, đó là để “khơi dậy niềm tin, là băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng ta…”[7].
Khi nhắc đến “ân ban hiệp hành” nầy tôi chợt tới hai cái chết tự tử đau thương của hai thanh niên thiếu nữ Công Giáo giáo xứ Đồng Tre cách đây mấy tháng: cô Hiền, một giáo lý viên, ca trưởng của ca đoàn Đồng Tre và em Nam một thanh niên trong một gia đinh Công Giáo nghèo. Cả hai vì mang bệnh hiểm nghèo, đau đớn hành hạ thể xác lẫn tâm hồn…; và cả hai đã tìm cái chết bằng treo cổ tự tử ! Nếu quả thật, hai người bạn trẻ nầy xác tín mạnh mẽ vào “ân ban hiệp hành”, vào “hồng ân có Chúa đang đồng hành”, hay tìm được một “người bạn đồng hành nào đó”…, thì tôi nghĩ rằng, hai bạn đã có thể vượt qua. Bởi vì không kẻ nào đặt niềm tin và bám chặt vào một “Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit) mà lại bị Ngài bỏ lại giữa cô đơn và thất vọng, giữa khổ sầu và tăm tối ![8]. Chính nhờ niềm tin đó mà bao nhiêu người, như chân phước người Hòa Lan, Liguyna (1380-1433) đã anh hùng chịu đựng suốt 38 năm liệt giường trong mù lòa nhức buốt, hay chị Veronica bị phung cùi mù mắt, cụt tay… mà vẫn vui tươi đón nhận thánh ý Chúa…
Ước gì từ hôm nay, mỗi phút giây cuộc đời tôi đều xác tín và cảm nhận: Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với tôi (Lc 24,15).
2. Ân ban Hiệp hành trong “Bàn Tiệc Ly chiều thứ năm” – Ân ban Thánh Thể: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10,16).
Chúng ta biết, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội đã minh nhiên sống và xác tín chiều kích “hiệp hành” qua việc cùng nhau cử hành Thánh Thể. Đây chính là “giáo lý nền tảng” đã được Thánh Ignatio thành Antiokia chú trọng mà Ủy Ban Thần Học Quốc tế trong tác phẩm “Tính Hiệp Hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh” đã nêu bật: “Cộng đoàn Hội Thánh được thiết lập và rõ ràng nhất trong cộng đoàn Thánh thể, do Giám mục chủ tọa, nơi nuôi dưỡng niềm xác tín và hy vọng rằng vào cuối lịch sử, Thiên Chúa sẽ quy tụ trong Vương quốc của Người tất cả các cộng đoàn hiện đang sống và cử hành trong đức tin.”[9].
Vì chúng ta được thường xuyên cử hành Thánh lễ nên phần nào mang tâm lý “quen quá hóa thường”; không còn đón nhận Thánh Thể như một ân ban cao trọng; hay như cách diễn tả và cảm nhận của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể, đó là “quà tặng trỗi vượt”: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...”[10].
Quý vị cứ nghĩ xem: có tổ chức nào, có tôn giáo nào, (Phật, Hồi, Ấn, Khổng, Lão, Cao Đài, Thần đạo…), kể các hệ phái Kitô Tin Lành…, có được cử hành Thánh lễ như chúng ta ! Và cũng có thể nói được rằng: việc cộng đoàn họp nhau cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể chính là sự thể hiện tính hiệp hành rõ nét nhất, cụ thể nhất và đầy đủ nhất. Thật vậy, làm sao tìm được một sinh hoạt, một cử hành mà Dân Chúa thường xuyên họp mặt đông đảo, đầy đủ mọi thành phần, với các nhiệm vụ khác nhau nhưng đều hòa hợp để tạo nên một “bản hòa tấu tuyệt vời nhất để Tạ ơn Thiên Chúa”. Nếu linh mục chủ tế, độc viên sách Thánh, ca đoàn, ban giúp lễ, người cắm hoa, chức việc xướng kinh, người điều khiển âm thanh ánh sáng…; cả ông từ kéo chuông, người mở cửa đóng cửa nhà thờ, các bà các chị quét dọn nhà thờ….; vâng, nếu tất cả mọi người đều trân trọng giá trị tuyệt vời của “ân ban Thánh Thể” và làm trọn hảo vai trò của mình thì chúng ta sẽ có một “Thánh lễ mang chiều kích hiệp hành tuyệt vời” !
Cũng đừng quên, khi Giuđa Iscariot lìa bỏ “Bàn Tiệc Thánh Thể” để ra đi một mình, đánh mất sự “hiệp hành với anh em” trong “mái ấm tiệc ly”, cũng là lúc “bóng tối sụp xuống” trên lối bước của ông; và bóng tối đó đã dẫn đưa ông tới cái chết thất vọng ! Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối (Ga 13,30).
Ước gì từ hôm nay, Thánh lễ không còn là chuyện cá nhân; và việc tôi dâng lễ, dự lễ không là việc riêng cá nhân tôi mà là một hành vi “hiệp hành với chính Đức Kitô và Nhiệm Thể Ngài”, như cách diễn tả khác của Thánh Phaolô Tông đồ: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10,16).
3. Ân ban Hiệp Hành nơi cộng đoàn Hội Thánh thuở ban đầu - Ân ban được thuộc về Hội Thánh qua nhiệm tích Rửa Tội: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. (Cv 2,42).
Trong xã hội Việt nam chúng ta hôm nay, ở ngoài đời, ai cũng mong ước được làm trong một công ty, xí nghiệp lớn; nhất là công ty ngoại quốc. Trong khi đó, với một số người, được kết nạp vào Đảng Cọng Sản đó là một vinh dự lớn lao và là con đường tiến thân chắc chắn nhất. Tôi nghe, có người giáo dân lên khoe cha sở với một niềm tự hào: con của con mới được kết nạp vào đảng ! Trong khi đó, không biết được bao nhiêu người chúng ta tự hào và hãnh diện vì mình là Kitô hữu, là người Công Giáo; thậm chí, cũng không phải là không có người, sẵn sàng giấu cái lý lịch “Công Giáo” của mình để khỏi bị phiền phức hay để tìm kiếm một lợi lộc gì đó !
Nêu lên các sự kiện có vẻ “oái ăm” trên là để chúng ta hôm nay cùng ý thức lại, xác tín lại một ân ban cao trọng mang chiều kích hiệp hành đó là “ân ban được thuộc về Hội Thánh” qua nhiệm tích Rửa Tội; được thuộc về một tổ chức, một đoàn dân, một hàng ngũ… mà không một tổ chức, công ty, xí nghiệp, đảng phái nào ở trần gian nầy sánh bằng, như xác tín của Thánh Tông Đồ Phêrô: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương” (1 Pr 2, 9-10).
Nhưng “Hội Thánh chính là hiệp hành”, như cách cắt nghĩa của Thánh Gioan Kim Khẩu mà Ủy Ban Thần học Quốc tế đã ghi lại: “Chẳng hạn, thánh Gioan Kim Khẩu viết rằng Hội Thánh là “từ đồng nghĩa với việc ‘cùng nhau tiên bước’ (synodus). Ngài giải thích rằng Hội Thánh thực sự là một cộng đoàn được triệu tập để tạ ơn và vinh danh Chúa giống như một dàn hợp xướng, một thực tại hài hòa nối kết mọi thứ lại với nhau, vì nhờ những liên hệ hỗ tương và có trật tự, những người tham gia hòa chung trong đức ái và sự đồng thuận”[11].
Nếu mọi thành phần Dân Chúa đều trân trọng cái “ân ban được thuộc về Hội Thánh” này thì làm gì có chuyện chia rẽ nội bộ, bất hợp tác, bề trên bề dưới kết án, nói xấu lẫn nhau, không tha thiết với công việc chung, mạnh ai nấy làm theo ý riêng, gây gương mù gương xấu vì lỗi đức công bằng, xem thường Giáo luật… Vì thật ra, sống “ân ban được thuộc về Giáo Hội” không chỉ dừng lại ở chỗ tự hào vì phẩm giá cao cả hay bảo vệ phẩm giá đó cách an toàn, mà cò hơn thế nữa, phải trở thành một “nhân đức”, một lối “ứng xử đức tin thường xuyên và nhuần nhuyễn”. Vâng, phải trở nên một “con người giáo hội”, phải sở hữu một “nhân đức giáo hội” !
Ước gì trong ánh sáng của “ân ban hiệp hành” nầy, mọi người chúng ta cùng trở về với cách “hiệp hành” tuyệt hảo của anh chị em Kitô hữu thuở ban đầu như sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. (Cv 2,42).
4. Ân ban Hiệp Hành trên “Con thuyền Phêrô” – Ân ban được tham gia vào sứ vụ truyền giáo: “Chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21,3).
Vào thời điểm Chúa phục sinh, Tin Mừng Gioan có thuật chuyện một nhóm Tông đồ cùng với Phêrô lên thuyền đi đánh cá. Mới nghe qua, cứ tưởng đó chỉ là một hoạt động bình thường của “xóm làng chài Tiberiat” ! Nhưng khi đọc kỹ, câu chuyện nầy, nhất là mệnh đề nầy “Chúng tôi cùng đi với anh” lại cưu mang nhiều ý nghĩa thâm thúy liên quan đến câu chuyện “hiệp hành”, như cách thuyết minh của Tài liệu chuẩn bị: “Quả thực, việc chúng ta “cùng nhau gieo bước hành trình” là điều thể hiện và chứng tỏ rõ nhất bản chất của Hội thánh như là dân Chúa lữ hành và truyền giáo” (TLCB số 1).
Được “đi chung với nhau”, nhất là “đi chung trên con thuyền của thánh Phêrô”, hay “đi chung với “Nhóm Mười Hai” và có Đức Kitô ở giữa không là “chuyện đơn giản” mà là một ân ban cao trọng của Chúa ban cùng với sự nỗ lực và đáp trả của con người. Chúng ta đừng quên chàng thanh niên giàu có, đạo đức… đã “sụ mặt xuống buồn rầu bỏ đi” vì không đáp ứng được “đề nghị của Chúa Giêsu” (Mc 10,17-22). Không phải chúng ta “chọn đi theo Chúa”; nhưng chính Ngài chọn gọi chúng ta: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15,16).
Hình ảnh các tông đồ đi chung trên con thuyền Phêrô (Hiệp thông), mỗi người chia sẻ các công việc, các thao tác đánh cá (Tham gia) và với mục tiêu “ra khơi buông lưới” (Sứ vụ), quả thật đã diễn tả khá đầy đủ nội hàm và ý nghĩa của “Hiệp hành”, như cách cắt nghĩa của Vademecum: “Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Ba chiều kích này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng là những trụ cột quan trọng của một Hội thánh hiệp hành. Không có thứ bậc giữa chúng. Thay vào đó, mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia. Giữa ba chiều kích này tồn tại một mối tương quan năng động, cần phải được hiểu rõ mối tương quan này cùng với cả ba chiều kích của nó”[12].
Ngày hôm nay, với trào lưu “tục hóa”, với làn sóng “chủ nghĩa cá nhân” và “hưởng thụ”, với lối sống tự do buông thả…, rất nhiều Kitô hữu không còn muốn “cùng lên con thuyền của Thánh Phêrô”; và nếu có “lỡ lên”, thì cũng sống và hành xử cách ích kỷ, vô trách nhiệm; và không tha thiết gì đến chuyện “chèo ra chỗ nước sâu để buông lưới bắt cá”.
Chính vì tâm thức đó, lối sống và hành xử đức tin đó mà “con thuyền Giáo Hội”, hay cụ thể hơn, con thuyền giáo phận chúng ta, cứ mãi chông chênh; nếu có tiến đi thì cũng chậm chạp, mệt mỏi. Đâu đâu cũng diễn ra tình trạng thiếu hụt ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến; các ơn gọi phục vụ cộng đoàn: Hội đồng mục vụ, ban chức việc, giáo lý viên, ca đoàn, các hội đoàn… tất cả đều lưa thưa èo ọt ! Hầu hết, thấy đó chỉ là những công việc và trách nhiệm dành cho “nghề tay trái”; hay là dịch vụ “thứ yếu” sẽ “bố thí” cho Giáo Hội, cho cộng đoàn sau khi đã hoàn thành chuyện cá nhân, gia đình, công ăn việc làm, học hành thi cử…
Chính vì thế, toàn Dân Chúa tha thiết cầu nguyện để Hội Thánh, để mọi thành phần trong Giáo Hội, đón nhận dồi dào “ân ban hiệp hành”, ân ban được “đi chung trên con thuyền của thánh Phêrô”. Vì chưng “hiệp hành là con đường qua đó Hội Thánh có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới, như nắm men làm cho nước Thiên Chúa mau đến”[13].
II. HIỆP HÀNH VÀ NHỮNG NẺO ĐƯỜNG “HOÁN CẢI MỤC VỤ” TRONG GIÁO PHẬN
Cuộc lữ hành của Hội Thánh hữu hình đã trải dài gần hai nghìn năm (Nếu tính từ ngày “khai trương” khi Chúa Thánh Thần Hiện xuống dịp Lễ Ngũ Tuần của Do Thái giáo vào thập niên 30 của thế kỷ I). Với chiều dài thăm thẳm đó, làm sao thiếu những chuyện đã trở thành cũ mòn xơ cứng, nhất là trong lãnh vực “truyền giáo và mục vụ”; hay cốt lõi hơn, đó là tính “hiệp hành” của Hội Thánh. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu nhận sứ vụ mục tử tối cao trên ngai tòa Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã cưu mang những ý hướng “hoán cải mục vụ” để rồi đã trở thành một “định hướng chín mùi” trong tông huấn Evangelii Gaudium, văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám mục thứ XIII (7-28/10/2012) với chủ đề Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Ki-tô giáo[14]. Và hôm nay, định hướng đó đã trở thành “quyết liệt” khi Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI đề xuất chủ đề cho toàn thể Dân Chúa: Vì một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.
Hoán cải để canh tân tính hiệp hành là một cuộc hoán cải mang chiều kích “căn tính sống còn”, một cuộc “canh tân não trạng, thái độ thực hành và cấu trúc, để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của mình”[15].
Trong phạm vị Giáo phận, chỉ xin dừng lại bốn điểm nhấn “hoán cải mục vụ” sau:
1. Hoán cải để trở thành một “Kitô hữu hiệp hành”
1.1. Một “kitô hữu từ “tôi” sang “chúng ta”:
Tất cả không trừ ai, Giám Mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân đều phải “tự hoán cải” để luôn trở nên một con người mới thấm nhuần và lớn lên trong “linh đạo hiệp thông”: “Tất cả các thành viên của Hội Thánh được mời gọi đón nhận sự hoán cải này như một ân huệ và lời hứa của Thánh Thần để sống theo sự hướng dẫn của Người, và học cách sống, trong sự hiệp thông, ân sủng đã lãnh nhận trong phép Rửa Tội và nên hoàn thiện trong bí tích Thánh Thể: sự chuyển đổi mang tính “vượt qua” từ cái “tôi” được hiểu theo sự quy ngã (self-centred) sang cái “chúng ta” mang tính Hội Thánh, nơi mà mỗi cái “tôi”, được mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27), sống và đồng hành với anh chị em mình như là người có trách nhiệm và là tác nhân tích cực của sứ vụ duy nhất là Dân Chúa”[16].
1.2. Một “kitô hữu hiệp hành từ trái tim, lý trí và với kỷ luật”: “Nếu không có sự hoán cải của con tim và lý trí và không có sự huấn luyện có kỷ luật để chào đón và lắng nghe nhau thì những công cụ hiệp thông bên ngoài sẽ chẳng có ích lợi gì; ngược lại, chúng có thể bị biến thành những chiếc mặt nạ vô tâm, vô danh đơn thuần…”[17].
1.3. Một “kitô hữu với một “cảm thức đức tin” (sensus fidei) hòa hợp với Hội Thánh (Sentire cum Ecclesia): “Cảm nhận, cảm thức và nhận thức trong sự hòa hợp với Hội Thánh”, là liên kết mọi thành phần Dân Chúa khi họ thực hiện cuộc hành trình lữ thứ” và là “chìa khóa để cùng nhau tiến bước. Trên thực tế, điều này có ý nói về việc bày tỏ linh đạo hiệp thông như là nguyên tắc hướng dẫn của việc giáo dục ở bất cứ nơi nào các cá nhân và các Kitô hữu được hình thành, bất cứ nơi nào các thừa tác viên bàn thờ, những người thánh hiến và những người làm mục vụ được đào tạo, bất cứ nơi nào gia đình và cộng đoàn đang được xây dựng”[18].
2. Hoán cải để trở thành một “cộng đoàn phụng vụ hiệp hành”
2.1. Một cộng đoàn “phụng vụ hiệp hành” luôn tỏa sáng vẻ đẹp: “Hân hoan loan báo Tin Mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ, như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan toả lòng nhân hậu. Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh.”[19].
2.2. Cộng đoàn Thánh Thể: nơi biểu lộ rõ nét của “phụng vụ hiệp hành”: “Cộng đoàn Thánh Thể là nguồn mạch và khuôn mẫu của linh đạo hiệp thông. Trong đó những yếu tố cụ thể của đời sống Kitô hữu được kêu gọi để hun đúc”[20].
2.3. Cộng đoàn Thánh Thể: khuôn mẫu của biện phân cộng đoàn nhờ lắng nghe Lời Chúa: “Trong cộng đoàn Thánh Thể, chúng ta lắng nghe Lời Chúa để đón nhận sứ điệp của Lời và để Lời soi sáng con đường của chúng ta… Cấu trúc đối thoại của phụng vụ Thánh Thể là khuôn mẫu của sự biện phân cộng đoàn: trước khi lắng nghe nhau, các môn đệ phải lắng nghe Lời Chúa”[21].
2.4. Cộng đoàn Thánh thể: mở đường để xây dựng một “cộng đoàn hiệp thông hòa giải”: “Cộng đoàn Thánh Thể mở đường cho sự hiệp thông bằng cách hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta… Các sự kiện hiệp hành giả định rằng chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình và xin tha thứ cho nhau. Hòa giải là cách để sống tân Phúc âm hóa”[22].
3. Hoán cải để biết cách đối thoại và lắng nghe:
3.1. Hoán cải hiệp hành khi biết “nói” và “nghe”: “Mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người (x. 1Cor 12,7)”[23].
3.2. Hoán cải hiệp hành khi biết chấp nhận thay đổi từ người khác, nhất là từ Chúa Thánh Thần: “Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì chúng ta nghe được từ người khác…. Thông thường, chúng ta có thể kháng cự những gì Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng ta đón nhận. Chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dựa vào những cách thức hoạt động xưa cũ”[24].
3.3. Hoán cải hiệp hành khi can đảm vượt qua:
- Thành kiến, khuôn mẫu cũ và tai họa giáo sĩ trị: Chúng ta có thể bị trì trệ bởi những yếu đuối và tội lỗi của mình. Bước đầu tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ… Giữa đoàn dân thánh của Thiên Chúa, tất cả chúng ta độc lập với nhau và chia sẻ cùng một phẩm tính. Theo hình tượng Đức Kitô, quyền lực đích thực đó là việc phục vụ”[25].
- Virus tự mãn và ý thức hệ: “… Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v… Chúng ta phải tránh nguy cơ cho rằng ý tưởng thì quan trọng hơn thực tại đời sống đức tin của những người đang sống niềm tin đó cách cụ thể”[26].
4. Hoán cải trong “phân định” và “đào tạo”
4.1. Phân định đúng nghĩa khi lắng nghe tiếng nói của Dân Chúa: “Sự biện phân cộng doàn hàm ý việc lắng nghe cách cẩn thận và can đảm những “tiếng rên rỉ” của Thánh Thần (x. Rm 8,26) phát ra qua tiếng kêu rõ ràng hoặc đôi khi im lặng cất lên từ Dân Chúa: “hãy lắng nghe Thiên Chúa, để với Người, chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Dân Người; lắng nghe Dân Người cho đến khi ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta”. Người môn đệ Chúa Kitô phải là một người rao giảng, người “vừa phải chiêm ngắm Lời, nhưng cũng phải chiêm ngắm dân Người…”[27].
4.2. Phân định đúng nghĩa khi thực hiện trong cầu nguyện, đối thoại chân thành và trải nghiệm thực tế: “Sự phân định phải được thực hiện trong một không gian cầu nguyện, suy gẫm, suy tư và nghiên cứu, mà chúng ta cần nghe tiếng nói của Thánh Thần; bằng cách đối thoại chân thành, thanh thản và khách quan với anh chị em chúng ta; bằn cách chú ý đến những trải nghiệm và thách đố thực tế của mọi cộng đoàn và mọi hoàn cảnh…”[28].
4.3. Một nền huấn giáo (giáo lý, giáo dục ơn gọi…) đào tạo những “tác nhân hiệp hành”: “Phải đào tạo ra sao, đặc biệt là những người gánh vác trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, để họ có thêm khả năng trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, lắng nghe nhau và tham gia đối thoại? Chúng ta đào tạo thế nào để giúp họ phân định và thực thi quyền bính…?”[29].
III. HIỆP HÀNH VÀ NHỮNG ÁP DỤNG MỤC VỤ CỤ THỂ TRONG GIÁO PHẬN
1. Giáo phận và những “tác nhân hiệp hành”
1.1. Giáo phận đang cần những “chủ chăn hiệp hành”, “đi với dân Chúa”: “Các con là những mục tử giống như Đức Kitô. Đây là điều Ngài muốn nơi các con, những chủ chăn của dân thánh trung thành của Chúa. Những chủ chăn đi với dân Chúa: đôi khi đi trước, lúc thì đi giữa hoặc đi sau, nhưng luôn ở với dân Chúa… hãy là những linh mục của dân Chúa chứ đừng là cán bộ nhà nước…”[30].
1.2. Ba yếu tố giúp linh mục mang “phong cách hiệp hành”: Nói không với tinh thần “Giáo sĩ trị”, nói có với “Lòng thương xót mục vụ” và chuyển đổi từ “Tôi” sang “Chúng ta”[31]; và ba phương thế gìn giữ kinh nghiệm hiệp hành cũng là kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô: “Cũng vậy, tất cả các giáo sĩ với các thánh ân và đặc sủng được phú ban và lãnh nhận qua việc truyền chức, đều có vai trò quan trọng để bảo đảm rằng kinh nghiệm hiệp hành này là cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô Phục Sinh nhờ đắm mình trong cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng việc cử hành Thánh Thể, và được soi dẫn khi lắng nghe Lời Chúa”[32].
1.4. Giáo phận đang cần những tu sĩ hiệp hành là “chuyên viên hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông”:”Những người tận hiến được yêu cầu trở thành thực sự những chuyên viên hiệp thông và thực hành linh đạo hiệp thông, như những chứng nhân và những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa”[33].
1.5. Giáo phận đang cần những tu sĩ trung thành với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với tu hội và với con người: “Hỡi những người tận hiến yêu quí, các con hãy biến cuộc đời thành cuộc sốt sắng trông đợi Đức Kitô; hãy đi đón Người như những trinh nữ khôn ngoan đi đón Lang Quân. Hãy sẵn sàng luôn luôn, hãy trung thành với Đức Kitô, với Giáo Hội, với tu hội của mình và với con người thời đại này. Nhờ thế, ngày qua ngày, các con sẽ được Đức Kitô đổi mới, và nhờ Thánh Thần trợ giúp, các con sẽ kiến tạo những cộng đoàn huynh đệ, để cùng với Đức Kitô, rửa chân cho người nghèo, và đóng góp phần độc đáo của các con vào sự biến hình của thế giới”[34].
1.6. Giáo phận đang cần những giáo dân hiệp hành là “những vị thánh ở kề bên ta”: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa”[35].
1.7. Giáo phận đang cần những giáo dân hiệp hành khi luôn ý thức mình thuộc về Giáo Hội khi dấn thân vào công cuộc truyền giáo: “Chính vì vậy, tôi hết lòng khuyên nhủ mọi người và từng người hãy kiên quyết gìn giữ trong tâm hồn cũng như trong đời sống mọt ý thức về Giáo Hội, nghĩa là ý thức mình là chi thể của Giáo Hội Chúa Kitô, và mình được tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông cũng như vào năng lực tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội”[36].
2. Giáo phận và những “cộng đoàn giúp thực hiện năng động hiệp hành”
2.1. Vận dụng hiệp hành với hai tổ chức mục vụ cấp giáo phận: Hội Đồng Linh mục và Hội Đồng mục vụ:
- Hội đồng linh mục: Hội đồng linh mục được Công Đồng Vaticanô II trình bày như một “hội đồng hoặc thượng viện gồm các linh mục đại diện cho linh mục đoàn (presbyterium) và mục đích của nó là giúp Giám Mục trong việc điều hành Giáo phận. Thật vậy, Giám mục được kêu gọi để lắng nghe các linh mục, để tham vấn ý kiến họ và đối thoại với họ về các nhu cầu mục vụ và lợi ích của Giáo phận. Linh mục đoàn có một vị trí cụ thể trong sự năng động hiệp hành tổng thể của Hội Thánh địa phương, được sinh động nhờ tinh thần và hình thành theo phong cách của nó”[37].
- Hội đồng mục vụ: “Nhiệm vụ của Hội đồng mục vụ Giáo phận là cống hiến một đóng góp có phẩm chất cho lối tiếp cận mục vụ tổng thể được thúc đẩy bởi Giám mục và linh mục đoàn của ngài; đôi khi nó cũng trở thành một nơi cho các quyết định thuộc thẩm quyền cụ thể của Giám mục… Hội đồng mục vụ Giáo phận được đề xuất như một cơ cấu thường trực thích họp nhất để thực hiện tính hiệp hành trong Hội thánh địa phương”[38].
2.2. Các cộng đoàn và tổ chức khác: Cùng với hai “cơ chế mục vụ cấp Giáo phận” trên, để chương trình hiệp hành được phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả, giáo phận cần sự tham gia tích cực của các Dòng tu, Chủng viện, các Hội đoàn và các đơn vị mục vụ như giáo hạt, giáo xứ, giáo họ biệt lập…; đặc biệt, cần chú trọng tới vai trò của các giáo xứ: “Giáo xứ là cộng đoàn tín hữu nhập thể mầu nhiệm Hội thánh dưới hình thức hữu hình, tức thời và thông thường. Giáo xứ là nơi chúng ta học cách sống như những môn đệ của Chúa trong một mạng lưới các mối tương quan huynh đệ và kinh nghiệm hiệp thông trong nhiều ơn gọi và các thế hệ, các đặc sủng, các thừa tác vụ và chức năng, tạo thành một cộng đoàn chân chính, nơi mọi người cùng chung sống với sứ vụ của mình và phục vụ trong hòa hợp nhờ những đóng góp cụ thể của hết mọi người”[39].
3. Giáo phận và những “cơ hội - trọng điểm hiệp hành”
3.1. Các dịp cử hành lễ mừng các Thánh tử đạo của Giáo phận: Giáo phận chúng ta được Chúa thương ban cho “hồng ân tử đạo” thật phong phú; trong đó có 3 vị Hiển thánh (Stêphanô Cuénot Thể, Phanxicô Gagelin Kính, Anrê Kim Thông), 1 vị Á Thánh (Anrê Phú Yên) và 16 Vị Tôi tớ Chúa cùng hàng vạn các vị tử đạo vô danh. Hàng năm, có bốn ngày lễ mừng bốn vị Thánh; đây là cơ hội quý báu cũng là trọng điểm để thể hiện nét “hiệp hành” trong đời sống Giáo phận. Cần có một Ban chuyên trách về bốn ngày lễ nầy, để, không những chỉ lo việc cử hành thuần túy Phụng vụ mà luôn cần có các sinh hoạt mục vụ hiệp hành đi theo.
3.2. Ngoài các dịp trên, giáo phận, giáo xứ… còn có thể vận dụng tính hiệp hành vào các dịp khác như: các dịp kỷ niệm (Kim Khánh, ngân khánh… xây dựng nhà thờ, thành lập giáo xứ, chịu chức Giám mục, linh mục, Khấn dòng, Hôn phối), các cuộc đại hội (HĐMV, HĐLM) hoặc lễ đặc biệt của các Hội Dòng (bổn mạng), hội đoàn (Acies của Legio, khai giảng, bế giảng của sinh viên…), lễ An táng các linh mục, nữ tu…, các dịp thành lập giáo xứ, giáo họ biệt lập và bổ nhiệm…
3.3. Để thể hiện tính hiệp hành trong văn hóa, văn học và với lịch sử, với tiền nhân…, giáo phận cần phát triển, tài bồi các trung tâm hành hương, các di tích lịch sử truyền giáo, tử đạo; bảo tồn và quảng bá các di sản và tác phẩm văn hóa văn học Công Giáo; cần mở những cuộc hội thảo chuyên đề về các danh nhân Công Giáo của Giáo phận hoặc liên quan tới Giáo phận (Lữ Y Đoan, Đặng Đức Tuấn, Lambert de La Motte…)…
Kết luận: “Hoa trái hiệp hành” và niềm hy vọng cho tương lai
Là Kitô hữu, không ai trong chúng ta lại muốn mình, muốn cộng đoàn mình, Giáo phận mình trở thành cây vả không sinh trái để bị Chúa Giêsu nguyền rủa như Tin Mừng kể lại (Mc 11,12-14; 20-21). Thế nhưng, hoa trái của đức tin của mỗi người hay sự năng động của đời sống Giáo Hội, Giáo phận lại được biểu lộ ngay trong thời điểm (Kairos) Thượng Hội Đồng nầy và cách thức chúng ta thực hiện, như chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác quyết trong Diễn văn khai mạc Phiên họp toàn thể thứ 70 của Hội Đồng Giám Mục Ý (ngày 22 tháng 5, 2017): “Hơi thở và bước đi của Thượng Hội Đồng cho thấy chúng ta là ai, và sự năng động của sự hiệp thông làm sống động các quyết định của chúng ta; chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thực sự canh tân thừa tác vụ mục vụ của mình và thích nghi nó với sứ vụ của Hội hánh trong thế giới ngày nay; chỉ trong cách thức này chúng ta mới có thể đối diện với sự phức tạp của thời gian này, cảm ơn vì cuộc hành trình đã hoàn thành cho đến nay, và quyết tâm tiếp tục nó với parrhesia”[40].
Chúng ta cần ý thức rằng sinh hoạt hiệp hành hôm nay không là một cử hành đột xuất mang tính cách nhất thời, nhưng là một lực đẩy để Dân Chúa cũng tiến bước dài lâu trên nẻo hiệp hành miên viễn: “Mục tiêu của Tiến trình hiệp hành không phải là cung cấp kinh nghiệm tạm thời hoặc một lần về tính hiệp hành, mà là tạo cơ hội cho toàn Dân Chúa cùng nhau phân định cách tiến bước trên con đường trở thành một Hội thánh mang tính hiệp hành hơn trong tầm nhìn dài hạn”[41]. Vì thế, “con đường hiệp hành” không kết thúc ở đây như “hàng loạt các cuộc diễn tập hết bắt đầu rồi lại kết thúc, mà là một hành trình phát triển đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Hội thánh thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba này”[42].
Là một người ngoại giáo chẳng biết “hiệp hành” là gì mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn có thể hát lên:
Và sɑo không là gió, là mâу để thấу trời bɑo lɑ
Và sɑo không là ρhù sɑ rót mỡ màu cho hoɑ
Ѕɑo không là bài cɑ củɑ tình уêu đôi lứɑ
Ѕɑo không là mặt trời gieo hạt nắng νô tư
Và sɑo không là bão, là giông, là ánh lửɑ đêm đông
và sɑo không là hạt giống xɑnh đất mẹ bɑo dung
Ѕɑo không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Ѕɑo không là mặt trời gieo hạt nắng νô tư…
thì chúng ta, những người Kitô hữu, Hy vọng kể từ buổi chiều hôm nay, sau cuộc hội nghị hiệp hành này, chúng ta trở về lại với gia đình, với cộng đoàn, với nhiệm sở cùng với một quyết tâm mới, một con tim mới; con tim đầy lửa để “khơi dậy niềm tin, là băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng ta”[43].
Tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn