NỀN TẢNG THẦN HỌC VỀ CHỨC LINH MỤC
Theo bài phát biểu của Đức Phanxicô
tại hội nghị chuyên đề quốc tế, ngày 17.02.2022
Lm. Gioakim Nguyễn Tấn Đạt
DẪN NHẬP
Trong lịch sử thần học của Giáo hội, có rất nhiều những văn kiện, tài liệu từ các công đồng chung như Trentô, Vaticanô II, từ các Đức giáo hoàng hay những thần học gia chính thống bàn về nguồn gốc, ý nghĩa của chức linh mục trong Hội Thánh. Qua đó chức vụ và đời sống linh mục được biểu lộ và diễn giải cho toàn thể cộng đồng dân Chúa, và cũng cho chính các linh mục của Chúa. Tuy nhiên theo dòng thời gian, với những sự đổi thay của lịch sử, xã hội, chức linh mục đôi khi bị hiểu sai hay bị lạm dụng làm ảnh hưởng đến sứ mạng của các linh mục theo nghĩa tiêu cực như chạy theo thời đại với sự trống rỗng, thiếu hương vị Tin mừng hoặc thái độ lạc quan thái quá trước những đổi thay. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng triển ơn gọi linh mục, ảnh hưởng đến cộng đồng dân Chúa ở nhiều nơi, đến việc rao giảng Tin mừng để thiết lập Nước Chúa trên trần gian.
Với hoàn cảnh như vậy, Đức giáo hoàng Phanxicô đã mạnh dạn đưa ra một nền tảng thần học về chức linh mục, được đặt trên nền tảng Kinh Thánh, kín múc những giá trị thần học từ các vị tiền nhiệm, được nối kết với những hoàn cảnh thực tế của thời đại này, được chia sẻ, được chứng tá từ những vị linh mục mà ngài gặp gỡ và nhất là từ kinh nghiệm mà ngài trải qua. Đó không phải là một nền thần học thuần lý thuyết với những suy tư nhằm tô đẹp hình ảnh các linh mục nhưng nhằm giúp các linh mục hôm nay, dù trải qua hoàn cảnh nào, thì cũng có thể cảm nghiệm ơn bình an và hoa trái mà Chúa Thánh Thần khấng ban.
I. CHỨC LINH MỤC: TRONG ƠN GỌI KITÔ HỮU
Để bắt đầu nói về thần học nền tảng của chức linh mục, thiết nghĩ nên nhắc lại tư tưởng rất hay của Thánh Augustino: Cho anh chị em, tôi là giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu (Vobis enim sum episcopus, vobiscum Christianus). Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.
Tất cả các bí tích được khởi đi, được xây dựng từ bí tích Rửa tội. Trước khi trở thành những linh mục thì họ đã là Kitô hữu. Sẽ rất sai lầm nếu có tư tưởng cho rằng ơn gọi linh mục cao trọng hơn ơn gọi của người giáo dân hay các tu sĩ. Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: Chúng ta đừng bao giờ quên rằng mỗi ơn gọi cụ thể, kể cả ơn gọi truyền chức thánh, cũng đều là sự kiện toàn Phép thánh tẩy. Chức giám mục hay linh mục là con đường, là phương thế để hướng đến một kitô hữu hoàn thiện. Vì thế nền tảng cơ bản của thần học về chức linh mục, xét theo khía cạnh này, liên hệ đến lịch sử ơn cứu độ của một người lãnh phép Rửa tội.
1. Ơn Gọi Nên Thánh
Được sinh ra làm người ở trần gian và qua Bí tích rửa tội, con người trở nên con cái của Thiên Chúa, được quyền thừa kế như Chúa Giêsu (x. Gl 4,4-7). Đó là hành trình, là lịch sử ơn cứu độ của tất cả mọi người, không phân biệt sống ơn gọi nào. Linh mục không bao giờ quên rằng, ơn gọi căn bản đầu tiên của mình là nên thánh; trở nên đồng hình động dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8,29), có những tâm tình như chính Chúa Giêsu Kitô (x. Pl 2,5). Vì thế sẽ là một cám dỗ rất lớn khi sống chức tư tế mà không có Bí tích rửa tội, nói đúng hơn có những linh mục “không sống bí tích Rửa tội”, khi đó họ trở thành một chức năng.
Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, tất cả các Kitô hữu được tái sinh bởi nước trong Lời Chúa, được chính Ngôi Lời hướng dẫn để luôn đi trong ánh sáng của Người và trở nên con cái sự sáng. Sống bí tích Rửa tội là chấp nhận sự đổi mới, sự tái sinh. Người linh mục, nhờ ân sủng Bí tích rửa tội, cũng phải biến đổi nên giống Chúa Giêsu, tức là biết nội tâm hóa tinh thần Tin Mừng, nhờ vào tương quan bằng hữu và cá vị với Chúa Kitô, đến độ chia sẻ những tình cảm và thái độ của Người, như Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở: «linh mục, cũng như mọi thành viên khác trong Hội Thánh, phải lớn lên trong ý thức rằng, chính mình luôn cần phải được biến đổi theo Tin Mừng».
Trung tâm đời sống của Chúa Kitô là phục vụ vì tình yêu và đó là dấu chỉ để con người nhận biết một người là môn đệ của Ngài (x. Ga 13,35). Và giới răn yêu thương cũng là giới răn trọng nhất mà tất cả những ai muốn được cứu độ phải thực hiện trong đời sống của mình (x. Mt 22,37-39// Mc 12,28-34 // Lc 10,25-28). Để sống bí tích rửa tội và thực hiện hành trình ơn cứu độ, linh mục sống giới răn của Chúa Giêsu: yêu như Chúa đã yêu. Có như thế các ngài mới có thể trình bày một Thiên Chúa tình yêu cách hữu hình cụ thể, và như vậy mới sống trọn ơn gọi nên thánh của mình.
2. Sống Niềm Tin Của Các Kitô Hữu
Cùng với tất cả các Kitô hữu, các linh mục được mời gọi sống và làm chứng cho đức tin trong thế giới hôm nay, đức tin mà các ngài đã lãnh nhận với Bí tích rửa tội và được mời gọi tuyên xưng trong suốt cả cuộc đời. Dĩ nhiên đối tượng của đức tin của các Kitô hữu không là những định đề hay tín điều, nhưng là một con người mang tên Giêsu Kitô, Quà Tặng quí giá nhất mà Thiên Chúa Cha ban cho toàn thể nhân loại (x. Ga 3,16), để những ai tin vào Đấng ấy sẽ được cứu độ. Đức tin là cửa ngõ để dẫn con người đến với ân sủng của Thiên Chúa. Quả thật rất nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không làm phép lạ vì con người thiếu lòng tin (x. Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,16 -30).
Sống đức tin là sự đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương con người trong bất kì ơn gọi nào, trong bất kì hoàn cảnh nào nhằm giúp con người đạt được phần thưởng là sự sống đời đời. Vì niềm tin đó mà thánh Phaolô đã nhắn nhủ thân tình với môn đệ Timôthê: «hỡi anh, người của Thiên Chúa …hãy gắng trở nên người…giàu lòng tin…hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì lòng tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng» (1Tm 6,11-12).
Và đó cũng là niềm tin mà Đức giáo hoàng Phanxicô muốn cho các linh mục thấy. Ngay cả trong sự khủng hoảng, Chúa vẫn luôn yêu thương và kêu gọi các ngài làm chứng về điều này, dù ở bất cứ nơi đâu và bất kì tình trạng ra sao. Thiên-Chúa-yêu-thương luôn tìm thấy con người, mang họ tiến lên phía trước và viết lịch sử cứu độ ngang qua cuộc đời của mỗi người.
Các linh mục đôi khi tự chất vấn chính mình về niềm tin. Tôi có tin là Thiên Chúa đích thân thương yêu tôi, đã gọi tôi ngay từ lúc tôi được tượng thai trong lòng mẹ, đã có một kế hoạch cho tôi, đã gọi tôi theo Con của Người, là Đấng Cứu Độ, để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội như một linh mục không? Hơn ai hết, các linh mục biết rằng đức tin quyết định đến ân sủng dành cho ngài và qua ngài, cho tha nhân.
Sẽ khốn khổ biết bao nếu linh mục coi thường việc tăng triển đời sống đức tin, một khía cạnh được coi là cốt lõi trong ơn gọi thánh hiến linh mục. Đức tổng giám mục Tymothy M.Dolan cho rằng, một trong những lý do khiến các linh mục sẩy chân vấp ngã, hoặc khiến các ngài trờ thành những người độc thân vô ý vô tứ, gắt gỏng, thoải mái và lười biếng, không dính dáng gì đến ơn gọi, nhưng hoàn toàn liên quan đến đức tin. Quả thật không có đức tin, mọi sứ vụ, công việc trong đời linh mục chẳng còn ý nghĩa: các bí tích được cử hành cách vô hồn, bài giảng trở nên nhàm chán vì chính các linh mục không tin điều mình nói. Đức tổng giám mục M.Dolan đã kết luận: “Không có gì đáng thương hơn là một linh mục không có đức tin”. Đời sống của các ngài cằn cỗi và sớm hay muộn sẽ có khủng hoảng, sa ngã. Ngài trích lại lời của tổng giám mục Fulton Sheen: “Khủng hoảng nơi linh mục, không phải khủng hoảng về căn tính, nhưng về đức tin”.
Vì vậy cũng như các tín hữu, các linh mục vẫn phải luôn xin Chúa ban thêm niềm tin cho mình; luôn tìm mọi phương thế để trau dồi đức tin đó vì sự sống đời đời của bản thân trong tư cách là một Kitô hữu, một môn đệ của Chúa.
II. CHỨC LINH MỤC: TRONG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA QUA NHỮNG TƯƠNG QUAN
Dù sống trong bất kì ơn gọi nào, mọi Kitô hữu được mời gọi cộng tác để xây dựng nước Chúa. Sẽ không có ơn gọi nào trọng hơn ơn gọi nào, bởi lẽ trong Đức Kitô, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa (x. Ep 1,21). Về phương diện thần học, bí tích truyền chức thánh là công trình kì diệu của Thiên Chúa vì qua đó Thiên Chúa hiện diện với con người cho đến tận thế. Còn trên phương diện bí tích, đó là bí tích được Chúa Giêsu đã thiết lập để phục vụ cho cộng đoàn, xây dựng nước Chúa và làm cho nhiều người nhận biết Chúa. Vì vậy chức linh mục, dù được coi là kì quan thánh thiêng, nhưng phải được đặt một cách thích hợp trong tổng thể công trình của Thiên Chúa, bởi lẽ «chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô» (Ep 4,11-13).
Trong cái nhìn đó, Đức giáo hoàng Phanxicô, qua tư tưởng thần học của mình, muốn cho các linh mục thấy cần phải làm gì để cụ thể hóa sứ mạng của mình cách thiết thực, hầu xây dựng nước Chúa trong thế giới hôm nay. Đó chính là nền tảng thần học về chức linh mục trong các tương quan, khởi đi từ chính tương quan của Đấng đã thiết lập và nuôi dưỡng chức linh mục: tương quan với Thiên Chúa.
1. Sự Gần Gũi Với Thiên Chúa
Phải chăng với tương quan này, Đức giáo hoàng muốn nhắc lại chiều kích thiêng liêng mà các linh mục đã được hướng dẫn, được đào tạo khi còn là chủng sinh ở đại chủng viện? Phải chăng đó là đời sống nội tâm, những giá trị tinh thần, các ngài cần có để quân bình cuộc sống sau những công việc mục vụ vất vả, khó khăn và lắm lúc nhiêu khê trong cộng đoàn giáo xứ? Với bài phát biểu này, Đức thánh cha Phanxicô không nhằm ám chỉ những hướng dẫn mang nặng tính lý thuyết, như một kim chỉ nam hay là cẩm nang để đến một vị Thiên Chúa trừu tượng, xa xôi với mục đích thỏa mãn những nhu cầu tâm lý, tinh thần của con người. Sự gần gũi với Thiên Chúa qua kinh nghiệm sống, là một nhu cầu thiết yếu trong đời linh mục, để qua đó, các ngài có thể loan báo về một vị Thiên Chúa luôn yêu thương, gần gũi ở giữa nhân loại. Sự gần gũi với Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của linh mục.
Cũng như với các tông đồ xưa, Chúa gọi và chọn các linh mục theo như Ngài muốn chứ không phải vì sự giỏi giang, vì khả năng, vì đời sống đạo đức, thánh thiện của các ngài. Thiên Chúa biết rõ sự yếu đuối và sự bất xứng của con người nhưng chính vì điều đó mà Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót, tình yêu thương đối với nhân loại, như Ngài đã nói với thánh Phaolô: «Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối» (2Cr 12,9). Và khi ý thức được điều đó các tông đồ khi xưa và các linh mục trong thời hiện tại biết bám víu vào Chúa hơn: «Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20). Các ngài cảm nghiệm được giá trị của sự ở lại, sự thuộc về Thiên Chúa như cành nho, và chỉ khi nào cành nho gắn kết với thân nho, nó mới có thể sinh nhiều trái. (x. Ga 15,5-7). Thiên Chúa là nguồn sức mạnh cho mọi hoạt động, mọi sứ vụ của linh mục, nên sự gần gũi với Ngài là nhu cầu thiêng liêng không thể thiếu trong đời linh mục.
1.1. Cảm nghiệm được sự đồng hành
Linh mục là người của Thiên Chúa, người được lựa chọn và thánh hiến cho Chúa. Thánh Phaolô đã dùng danh từ này để chỉ các giám mục và các linh mục khi ngài viết cho Timôthê «Kinh Thánh tất cả đã được thần hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, cải thiện và đào tạo trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn bị sẵn sàng cho mọi việc lành thánh» (2 Tm 3,16-17). Theo dòng lịch sử cứu độ, có rất nhiều nhân vật được Chúa chọn, được sai đi để thực hiện những chương trình của Ngài, nhưng một nhân vật rất gần gũi với Thiên Chúa là Môsê, người được xem là đấng trung gian thời Cựu Ước, là hình bóng của Chúa Kitô, Đấng Trung Gian Duy Nhất giữa Thiên Chúa và con người.
Trong vai trò trung gian đó, Môsê đã ‘thay cho dân đối thoại với Thiên Chúa’ và trình việc của dân ‘lên Thiên Chúa’ (x. Xh 18,19). Việc Môsê đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (x. Xh 33,9), thay mặt Thiên Chúa để tác thánh dân (Xh 29,1-46) đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là ‘người của Thiên Chúa’ (Tl 33,1; Gs 14,6), vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn liên đới với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân của Ngài.
Không thể phủ nhận tài lãnh đạo dân của Môsê, nhưng trong khi thi hành sứ mạng, ông trải qua không ít khó khăn, khủng hoảng trên suốt hành trình qua sa mạc vì phải liên đới với một đoàn dân ‘cứng cổ’, tội lỗi, bất trung, nên ông cảm thấy thấm thía sự cô độc. Nhưng với lời hứa của Thiên Chúa: «Ta sẽ ở với ngươi» (Xh 3,12) giúp cho ông một mặt vẫn trung thành với Thiên Chúa, mặt khác vẫn chu toàn bổn phận với dân bằng lòng quảng đại, đầy lòng xót thương.
Qua cuộc đời và sứ mạng của Môsê, hình bóng của Chúa Kitô, có thể thấy được hình ảnh của các linh mục, Alter Christus. Cũng như Môsê, trong cuộc đời dâng hiến của mình, các linh mục, người của Thiên Chúa cũng được mời gọi sống hai chiều kích với Thiên Chúa và với dân để hướng đến sự thánh thiện của Thiên Chúa và phục vụ dân Chúa ở giữa đời với biết bao cám dỗ, khó khăn. Trên hành trình đó không thiếu những sợ hãi, sự khắc khoải và cô đơn bởi bị chối từ, bị nghi ngờ đến mức phải thốt lên: Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con? (Mt 27,46). Nhưng trong những thời khắc như vậy, các linh mục nhớ lại lời hứa mà Thiên Chúa đã dành cho Môsê để ngước nhìn lên Chúa, bám chặt vào Ngài, thưa với Ngài: Xin hãy giúp con hiểu rằng con đang sống một thời khắc quan trọng trong cuộc đời mình và Chúa luôn ở bên con để chứng giám lòng tin yêu của con. Ở gần bên Chúa để nhớ lại lời hứa Chúa dành cho nhân loại và cho bản thân mỗi người, để các linh mục luôn hướng về phía trước trong sự hiện diện, đồng hành của Thiên Chúa trên mọi nẻo đường.
1.2. Sẵn sàng vật lộn với Thiên Chúa
Sự gần gũi với Thiên Chúa còn được hiểu theo nghĩa của một cuộc chiến, một cuộc vật lộn với Thiên Chúa. Với tư tưởng này của mình, Đức giáo hoàng Phanxicô muốn nhắc các linh mục nhớ lại cuộc vật lộn của Giacob đối với Thiên Chúa, cuộc vật lộn của ơn Thánh (x. St 32,23-33).
1.2.1. Vật lộn với thiên Chúa để chiến thắng thử thách
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích ý nghĩa về cuộc “vật lộn” với Thiên Chúa của Giacob cả đêm và sau đó đã thay đổi: thay đổi tên, thay đổi cuộc sống, thái độ. Giacob nhận ra thân phận phàm nhân, run rẩy và sợ hãi trước Thiên Chúa. Ông không có gì khác để trình bày với Thiên Chúa ngoài sự yếu đuối và bất lực của mình. Và do đó ông đã nhận được phúc lành, lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong đời sống mục vụ của mình, các linh mục đôi khi phải đối diện với những thử thách bởi những mệt mỏi thể xác và bởi những sự trống rỗng trong đời sống thiêng liêng hay rơi vào đêm tối của đức tin, những khoảnh khắc đen tối, những khoảnh khắc tội lỗi, những khoảnh khắc mất phương hướng và cảm thấy dường như Thiên Chúa vắng mặt, im lặng trong cuộc đời của mình.
Trong hoàn cảnh đó, con người cần cuộc vật lộn với Thiên Chúa hay đúng hơn là một cuộc chiến đấu chống lại những ý nghĩ chủ quan của con người về Thiên Chúa, chống lại những cái nhìn lệch lạc về Thiên Chúa, hầu nhận ra sự yếu đuối của bản thân, và xác tín rằng chỉ có Chúa mới ban sức mạnh, ban ân phúc cho con người. Đức thánh cha Phanxicô nhắn nhủ: trong sự cô đơn, Thiên Chúa luôn tạo cho con người những bất ngờ bằng một cuộc hẹn. Trong đêm tối cô đơn đó, con người chiến đấu với một người lạ và nhận ra rằng mình rất nghèo hèn và khi đó con người không phải sợ, bởi lẽ Chúa sẽ đặt cho con người một cái tên mới, chứa đựng ý nghĩa của cả cuộc đời, nó sẽ thay đổi trái tim của họ và ban cho họ phước lành dành cho những ai chấp nhận để được Chúa biến đổi.
Cũng như Giacob, các linh mục vật lộn cách kiên trì để vượt qua những thử thách, để biết phó thác đời mình cho Chúa nhiều hơn khi tin rằng chính Chúa mới là nguồn sức sống của các ngài, như lời nhắn nhủ của Đức thánh cha Phanxicô: «Chiến đấu và tìm kiếm phước lành cho đến lúc trời rạng đông (x. St 32,25-27), sẽ là nguồn sống cho nhiều người». Các ngài cần vật lộn với Thiên Chúa để chiến thắng được đêm tối của đức tin và để được Thiên Chúa biến đổi như kinh nghiệm của linh mục Raphael Buyse, người gặp khủng hoảng sau 35 năm linh mục: mất Chúa để rồi thấy Chúa theo một cách khác. Vật lộn với Chúa để tin vào Chúa, gần gũi với ngài và cảm nghiệm được niềm vui như thánh Giacôbê nói: «thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn» (Gc 1,2-3).
1.2.2. Vật lộn với Thiên Chúa để có được đời sống thiêng liêng
Theo truyền thống tu đức của Giáo hội, câu chuyện Giacob vật lộn với Thiên Chúa là biểu tượng của việc cầu nguyện như một cuộc chiến của đức tin và chiến thắng của sự kiên trì.
Đời sống cầu nguyện hay đời sống thiêng liêng là chìa khóa để các linh mục sống và trung thành với sứ mạng của mình. Có nhiều sự khủng hoảng nơi hàng linh mục bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu mật thiết với Thiên Chúa, giảm thiểu đời sống thiêng liêng thành một thực hành đạo đức đơn thuần. Đời sống thiêng liêng và thực hành đạo đức là hai vấn đề phân biệt nhau. Thực hành đạo đức chỉ là những phương thế để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, đời sống thể hiện mối tương quan với Chúa, sự gần gũi với Thiên Chúa.
Một người thường xuyên làm những việc đạo đức chưa hẳn là người có tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Trái lại một linh mục có được sự gần gũi với Chúa, ắt hẳn nơi người ấy bộc lộ những việc đạo đức cách chân thành, việc lắng nghe Lời Chúa cách hiệu quả, việc cử hành các Bí tích cách sốt sắng. Đức giáo hoàng cảnh báo: linh mục chỉ là một người lao công mệt mỏi nếu không có đời sống cầu nguyện mật thiết, đời sống thiêng liêng, sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Chúa, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, về sự tĩnh lặng của việc tôn thờ, về sự dâng mình cho Đức Mẹ, về sự đồng hành khôn ngoan của một vị linh hướng, về bí tích Hòa giải. Đời sống cầu nguyện lúc này là chìa khóa, là nguồn mạch để Thiên Chúa ban ơn Thánh cho nhân loại qua những việc đạo đức, các cử hành phụng vụ sốt sắng dâng lên Thiên Chúa.
Người gần gũi với Thiên Chúa có những cách cư xử, giao tiếp với Ngài như những người bạn. Những cách nói đơn giản: con tạm biệt Chúa, hẹn gặp Chúa vào ngày mai hay xin cám ơn Chúa nhiều là những lời cầu nguyện rất đẹp, nó biểu lộ một tâm hồn rất gần gũi với Chúa, bộc lộ phong thái của tâm hồn linh mục. Khi một linh mục biết cầu nguyện, ngài sống với Chúa không phải vì bổn phận hay vì bị ép buộc nhưng là vì lựa chọn căn bản của con tim; không phải là thái độ của một người đầy tớ nhưng là của người con trong tương quan với người Cha hằng yêu thương mình. Đó là lý do đời sống cầu nguyện làm cho con người trở nên vui tươi hơn, bình an ơn, đón nhận những ân huệ cách dồi dào hơn.
Đời sống cầu nguyện, sự gần gũi với Thiên Chúa còn được biểu lộ qua những giây phút tĩnh lặng trong ngày sống. Con người ngày nay hay bị cám dỗ phàn nàn về sự im lặng của Thiên Chúa. Trong tương quan giữa người với người, sự im lặng là dấu hiệu cho một thái độ có vấn đề, nhưng sự im lặng của Thiên Chúa luôn luôn là một mầu nhiệm. Nếu Thiên Chúa im lặng, điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải suy nghĩ về những điều Ngài nói trước đó. Thực ra Thiên Chúa không im lặng nhưng con người chưa thinh lặng đủ để nghe tiếng Chúa. Thiếu sự tĩnh lặng, con người không thể nghe được tiếng Chúa, không biết điều Ngài muốn nơi chúng ta.
Thiên Chúa cần một sự trống rỗng, một khoảng không trong tâm hồn con người để Ngài tâm sự và lấp đầy bằng sự hiện diện và bằng ơn Thánh của Ngài. Ngày nay con người sợ sự trống rỗng vì đời sống nội tâm không đủ mạnh. Vì lý do này, họ tìm kiếm những hoạt động, càng nhiều càng tốt, như là cách để giải quyết vấn đề và khi đó họ quên mất giá trị của sự thinh lặng, như cách Maria đã làm khi đón tiếp Chúa (x. Lc 10,38-42).
Đối với linh mục, người của Thiên Chúa, sự trống rỗng là biểu tượng cho sa mạc, biểu tượng cho điểm hẹn, cho cuộc gặp gỡ với Chúa để qua đó Thiên Chúa tiếp tục công trình của Ngài trong mỗi người. Nhờ những giây phút làm rỗng tâm hồn đó, con người nhường sự hoạt động của mình để Thiên Chúa hoạt động trong họ. Ngài cắt tỉa những gì vô ích, cằn cỗi làm chệch hướng ơn gọi của họ, từ đó cuộc sống họ sinh nhiều hoa trái hơn.
Sự tĩnh lặng trong tâm hồn không phải là sự cô đơn nhưng chính là sa mạc để gặp Chúa. Sa mạc ấy biểu tượng của sự mật thiết với Thiên Chúa chứ không phải là sa mạc khô cằn nắng cháy, khắc nghiệt cho sự sống con người. Đó là nơi Chúa gặp gỡ và thổ lộ với dân người, như ngôn sứ Hôsê nói: «Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình» (Hs 2,16). Linh mục của Chúa không trốn chạy, không né tránh nhưng đi vào sa mạc tâm hồn để được gặp gỡ Thiên Chúa, sống tình thân mật với Ngài.
1.3. Gần gũi với Chúa để được chữa lành những nỗi đau tâm hồn: lòng sám hối
Tội lỗi gắn liền với bản tính mỏng dòn yếu đuối của con người. Quả thật với sự sa ngã của nguyên tổ trong vườn địa đàng, con người đã để cho mình vương phải những sự hoen ố, như Thánh Phaolô đã viết: «Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội» (Rm 5,12). Do liên đới với nguyên tổ, mọi người trong gia đình nhân loại đều mang bản tính tội lỗi từ lúc thành thai trong dạ mẹ, như lời nguyện của vịnh gia: «Ngài thấy cho: Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai» (Tv 51,7). Và đó là thực tế mà thánh Gioan tông đồ đã nhắc: «Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta» (1Ga 1,8). Sẽ là tình trạng đáng lo ngại khi con người không nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Thánh giáo hoàng PIÔ II nói rằng: tội lớn nhất của con người thời nay là mất đi ý thức về tội. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng nói với nghĩa tương tự: hàng người lên rước lễ càng dài, hàng người chờ xưng tội càng ngắn.
Tội lỗi gây ra cho con người nỗi đau là tình trạng phải xa Chúa. Và chỉ có Ngài mới có thể chữa lành nỗi đau đó. Chỉ có Ngài mới có quyền tha tội và giúp cho con người tìm về sự thánh thiện thuở ban đầu. Đời sống cầu nguyện, sự gần gũi với Thiên Chúa là chiếc cầu nối để con người xích lại gần Chúa hơn. Đó là hành vi, là thái độ mà con người cần làm thường xuyên để nhìn nhận một sự thật nơi chính bản thân mình: con người cần Chúa để được chữa lành, được giao hòa với Ngài.
Trước mặt Chúa, con người cần tâm hồn sám hối bởi lẽ “một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51,19). Trong một bài giảng vào thứ Tư Lễ Tro tại Santa Sabina Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng, khi chúng ta quên nhu cầu sám hối, từ bỏ mình và hy sinh, chúng ta quên sự kiện về tình trạng tội lỗi của chúng ta, khi đó chúng ta quên rằng mình cần Chúa Kitô và như thế chúng ta mất tất cả. Sám hối để được sống vì “họ kêu xin và Chúa đã nhậm lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề (Tv 34,18-19). Thánh Ignatio cho rằng, con đường dẫn đến trọn lành khởi đầu bằng cách nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, thừa nhận rằng, vì tội lỗi, chúng ta không xứng đáng với tình yêu ấy, và sau đó chấp nhận tình yêu thương xót của Người như một món quà chúng ta không xứng.
Các linh mục, dù là người của Chúa, là những thừa tác viên thay mặt Chúa để tha thứ tội lỗi cho các hối nhân, chữa lành tâm hồn họ và làm cho họ được giao hòa với Thiên Chúa, nhưng bản thân các ngài cũng là con người yếu hèn trước mặt Chúa. Linh mục như những chiếc bình sành dễ vỡ bởi cũng mang nơi mình thân phận mong manh, tội lỗi, bất xứng. Lắm lúc các ngài cũng thốt lên như thánh Phaolô: «Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm» (Rm 7,19).
Vì thế các linh mục cần Chúa hơn bao giờ hết trong giờ cầu nguyện, trong những lúc tĩnh lặng, những giây phút xét mình với tinh thần sám hối để xin Chúa chữa lành nỗi đau trong tâm hồn. Trong đời sống thiêng liêng, hành vi làm sinh động và sinh nhiều hoa trái trong đời các linh mục chính là tiếng kêu than của một tâm hồn tan nát giày vò. Một sự nhìn nhận không phải lên án bản thân hay rơi vào tuyệt vọng nhưng để đặt tất cả cuộc sống và sứ mạng trong sức mạnh của Thiên Chúa, rồi lên đường phục trong sự khiêm nhường và trong bình an.
Quả vậy khi cảm nhận được sức mạnh, hồng ân chữa lành mà Chúa ban cho chính con người yếu đuối của mình, các linh mục mới có thể chu toàn phận vụ của mình trong tư cách là người của Chúa, người đại diện của Chúa Kitô khi biết cảm thông, chia sẻ, chạm vào nỗi đau của người khác. Gần gũi với Chúa bằng tấm lòng khiêm cung sẽ là trường học tốt nhất dạy biết nhường chỗ cho tất cả những khốn khổ và đau đớn mà vị linh mục sẽ gặp phải hằng ngày trong chức vụ của mình. Khi biết cầu nguyện với lòng sám hối, với lòng tin, các linh mục giống Thánh Tâm Chúa hơn.
1.3. Gần gũi với Chúa để hoàn thành sứ mạng trong những tương quan khác
Khi nói đến đời sống thiêng liêng của một người, thường nghĩ ngay đến một tương quan cá vị với Thiên Chúa, giúp thăng tiến đời sống đạo đức, giúp trưởng thành đời sống đức tin của chính đương sự. Nhưng với tư tưởng của mình, Đức giáo hoàng Phanxicô coi tương quan gần gũi với Chúa là tương quan nền tảng, quan trọng để đưa các linh mục tới những tương quan khác. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cảm nghiệm rằng: tình yêu Chúa là nền tảng của tình yêu tha nhân; lòng mến Chúa thúc đẩy con người đến với tha nhân và bao hàm tình yêu tha nhân. Chỉ khi tin vào Chúa, thấy được sự hiện diện của Chúa qua thế giới này, qua tha nhân, các linh mục mới đủ sức thi hành sứ mạng phục vụ của mình. Trong sự gần gũi với Chúa, linh mục củng cố sự gần gũi với giáo dân của mình, và ngược lại, gần gũi với dân mình, thì linh mục cũng sống gần gũi với Chúa.
Mẹ Têrêxa là nhân chứng cho tương quan hai chiều đó, khởi đi và đặt nền tảng trên tương quan với Chúa. Bí quyết sống của mẹ thật giản dị: mẹ cầu nguyện. Khi cầu nguyện, mẹ bày tỏ tình yêu, niềm tin và lòng trông cậy mãnh liệt của mình với Thiên Chúa, bày tỏ khát vọng hiến trọn đời mình. Chính trái tim rộng mở, chính tình yêu ấy đã khiến mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu trong hình hài của những người cùng khổ. Và mẹ đã chân tình giúp đỡ những con người ấy, và chính điều đó lại quay lại nâng cao niềm tin của mẹ.
Trên bình diện thần học, nhiệm vụ chính yếu của linh mục là rao giảng, cử hành bí tích… nhưng với Giáo hoàng Phanxicô, đó chính là cầu nguyện. Gioan Tẩy Giả đã nói với các môn đệ của mình: Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi (x. Ga 3,30). Với bản tính nhân loại, với cái tôi mỗi người, đó là một lời giới thiệu không hề dễ dàng. Các linh mục, người đại diện của Chúa Kitô, càng phải lặp lại lời của Gioan Tẩy Giả nhiều và thật nhiều trong đời sống của mình. Và chỉ trong sự mật thiết với Chúa, các ngài mới làm cho điều này khả thi mà thôi. Việc nhìn nhận con người bé nhỏ trước mặt Chúa, mới làm cho các linh mục dễ dàng sống và thi hành những tương quan với người khác mà Đức giáo hoàng sẽ đề cập tiếp theo: tương quan với giám mục, với các linh mục khác và với giáo dân.
2. Gần Gũi Với Giám Mục
Để thấy được tầm quan trọng của tương quan giữa giám mục và linh mục trong việc rao giảng tin mừng cứu độ, sẽ rất ý nghĩa và phù hợp khi nhắc lại thư của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, gởi cho các linh mục vào thứ Năm tuần Thánh, năm 1979. Ngài viết: «trong khi bắt đầu thừa tác vụ mới trong Giáo Hội, tôi cảm thấy rất muốn nói chuyện với tất cả anh em không trừ một ai, linh mục triều cũng như dòng, đều là những anh em của tôi do Chức Thánh. Trước hết, tôi muốn nói lên lòng tin của tôi vào ơn gọi đã kết hợp anh em với Giám mục của mình trong sự hiệp thông đặc biệt xây trên nền tảng bí tích và thừa tác vụ, và bởi sự hiệp thông này, Giáo Hội – Nhiệm Thể Chúa Kitô – được xây dựng». Lời nhắn nhủ này làm toát lên nền tảng, ý nghĩa và đích điểm của tương quan đích thật giữa giám mục và linh mục.
2.1. Yếu tố nền tảng trong tương quan giám mục – linh mục
Trước đây, khi nói tới sự gần gũi giữa giám mục và linh mục hay tương quan giữa họ, thường được giải thích theo hướng một chiều, tức những gì mà linh mục phải làm đối với giám mục như một bổn phận của bề dưới. Nhưng thực ra, tương quan giữa các ngài không phải là một hệ quả kéo theo hay một phần được thêm vào trong cuộc sống, trong sứ vụ của các ngài, trái lại nó gắn liền với căn tính của những người được gọi, được chọn, được thánh hiến theo hình ảnh của Chúa Kitô hầu mang lại ơn ích cho người khác.
2.1.1. Cùng tham dự chức tư tế Chúa Kitô
Giám mục, linh mục là những vị được thánh hiến qua bí tích truyền chức thánh, trở thành những tư tế thừa tác, phân biệt với những Kitô hữu giáo dân trong chức tư tế cộng đồng. Tương quan nền tảng giữa giám mục và linh mục trước hết bắt nguồn từ Chúa Kitô, Đấng đã chọn các Tông đồ để thực thi sứ mạng của Người và được tiếp nối qua nhiều thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh, mà thừa tác vụ chính yếu, theo truyền thống của Giáo Hội là chức giám mục.
Dù rằng chỉ các giám mục mới có sự viên mãn tràn đầy của bí tích Truyền Chức Thánh; trở nên những thầy dạy đức tin, thượng tế và mục tử thực thụ và chính thức, nhưng các linh mục, cũng được đặt tay và lãnh nhận các nhiệm vụ do việc đặt tay, cùng được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần và cùng thi hành sứ vụ trong vai trò đại diện Chúa Kitô. Vì lẽ đó, chức giám mục và linh mục xuất phát từ một nguồn gốc là Chúa Kitô; cũng thế, vai trò và nhiệm vụ của các ngài là nhằm để phục vụ Giáo hội với tư cách là đại diện Chúa Kitô.
Qua công đồng và được củng cố qua lời dạy của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội xác quyết rằng, được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, là Thủ lãnh, Mục tử, Tôi tớ và Phu quân, người linh mục thông phần vào chức tư tế duy nhất và sứ vụ cứu độ của Người.
Vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng đã từng nhấn mạnh đến yếu tố nền tảng cho mối tương quan giữa giám mục và linh mục, đó là sự tham dự chung vào chức tư tế của Chúa Kitô, và đã được Kinh Thánh đề cập tới. «Phải ngay lập tức chỉ ra rằng chức tư tế, ở mọi mức độ, trong cả hàng giám mục và linh mục, là một sự tham gia vào chức tư tế của Chúa Kitô», Đấng là thượng tế của giao ước mới và vĩnh cửu, người đã “hiến thân một lần cho tất cả” bằng một hiến tế có giá trị vĩnh viễn mà vẫn bất biến và liên tục ngay tâm điểm của nhiệm cục cứu chuộc (x. Dt 7,24-28). Như vậy các linh mục phải «hợp nhất với các giám mục trong chức vị tư tế» và «vì liên kết với giám mục, các ngài tham dự vào quyền bính mà chính Đức Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người».
2.1.2. Trong ý định của Thiên Chúa cho sứ mạng cứu độ
Mặc dù có sự khác nhau về mức độ tham gia vào bí tích Truyền Chức Thánh nhưng cả hai chức giám mục và linh mục cùng mang lấy sứ mạng của Chúa Kitô. Linh mục là cánh tay nối dài của giám mục để phục vụ dân Chúa trong những thừa tác vụ của mình; là sự hiện thân của các giám mục tại các giáo xứ, qua các sứ mạng mà các ngài lãnh nhận. Các ngài là những cộng sự viên của giám mục theo như lời dạy của công đồng Vaticanô II:
Là cộng sự viên khôn ngoan để giúp đỡ và làm việc với hàng giám mục, được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa, các linh mục cùng với giám mục của mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục, một cách nào đó, là đại diện của vị giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, đồng thời đảm nhận theo khả năng những bổn phận cùng nỗi ưu tư của giám mục và ân cần thực thi hằng ngày.
Về vấn đề này, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, dựa theo công đồng và Kinh Thánh, đã quả quyết cách xác tín: «các linh mục là cộng sự thân cận nhất của các giám mục, trong đó có nhiệm vụ thánh hóa và sứ vụ tư tế mà họ tham dự». Mối tương quan này không bắt nguồn từ ý muốn của các giám mục nhưng xuất phát từ chương trình và ý định của Chúa Kitô. Trong Kinh Thánh, để tiếp nối sứ mạng của mình, Chúa Giêsu chọn không chỉ các Tông đồ mà còn những nhóm môn đệ. Để xây dựng Hội Thánh và thực hiện sứ mạng truyền giáo, Chúa Giêsu giao phó cho thánh Phêrô, nhóm Mười Hai một quyền hạn tối cao, nhưng Ngài cũng cần các cộng sự viên.
Theo Tin mừng thánh Luca, sau khi Chúa Giêsu phái nhóm Mười Hai ra đi giảng dạy, Người đã chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến (x. Lc 10,1). Theo Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: «hành động này biểu hiện trước thừa tác vụ mà Chúa Kitô sẽ chính thức lập ra sau này. Tuy nhiên, nó đã cho thấy ý định của Thầy chí thánh khi giới thiệu một số lượng lớn cộng sự viên vào trong “vườn nho».
Hiểu cách nào đó, Chúa Giêsu cũng muốn các chức năng khác biệt trong Giáo Hội hỗ trợ cho nhau như trong một cơ quan xã hội được tổ chức tốt. Điều này đã được ghi lại qua những bút tích của Thánh Irênê, theo đó, truyền thống tông đồ được biểu hiện trên khắp hoàn cầu và được bảo tồn nhờ những đấng được các Tông đồ đặt làm Giám mục và các vị kế nghiệp các ngài cho đến ngày nay. Công đồng Vaticanô cũng dạy rõ:
Do đó, được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian Đức Kitô nhờ các tông đồ, đã làm cho các giám mục, những vị kế nhiệm các tông đồ, có thể tham dự vào việc thánh hiến và vào sứ mạng của mình. Các giám mục lại giao trách nhiệm của tác vụ mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Hội Thánh theo từng cấp bậc. Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành này ở một cấp độ tuỳ thuộc, để một khi gia nhập hàng linh mục họ là những cộng sự viên của hàng giám mục để chu toàn một cách tốt đẹp sứ mạng tông đồ mà Đức Kitô trao phó.
Như vậy tương quan giữa giám mục và linh mục gắn liền với sứ mạng và ý định của Chúa Kitô nhằm xây dựng thân thể Người mỗi một ngày được phong nhiêu hơn, mà trong đó các giám mục và những linh mục thuộc về.
2.2. Tương quan qua sự vâng phục
Trong ba lời khuyên phúc âm, sự vâng phục là nhân đức dễ diễn tả nhất nhưng để thực hiện trong đời sống, trong tương quan với bề trên lại là điều rất khó. Với nhân đức vâng phục, chứ không phải đời sống độc thân, linh mục đi ngược lại với trào lưu văn hóa hiện nay. Bởi lẽ ngày nay con người sống trong một thế giới thần thánh hóa ý muốn nên cho rằng chỉ có hạnh phúc đích thật khi họ được phép làm bất cứ điều gì trong mọi hoàn cảnh. Và họ cho rằng việc thực hiện theo ý định một quyền bính cao hơn đều không chính đáng vì khi đó họ chịu phải sự áp bức, bị coi thường.
Trong bối cảnh như vậy sẽ không dễ để sống nhân đức vâng phục nếu không nhìn về nền tảng thần học của đức vâng phục; nếu mặc định cho sự vâng phục một cách giải thích khác xa với cảm thức Tin Mừng; nếu không hiểu rằng sự vâng phục không dừng lại trên tương quan giữa người với người nhưng bắt nguồn từ liên hệ giữa con người với Thiên Chúa.
2.2.1. Vâng phục thánh ý Thiên Chúa qua giám mục
Theo triết gia người Pháp, Montaigne, vâng phục là một luật mà Thiên Chúa ban cho con người:
Luật đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho con người là luật vâng phục. Đó là một mệnh lệnh đơn giản và tinh tuyền, trong đó con người không có gì để đòi hỏi hay tranh luận, vì vâng phục là nhiệm vụ thích hợp của một linh hồn có lý trí nhận biết đấng bề trên và ân nhân trên trời. Từ sự vâng lời và qui phục mà mọi nhân đức khác phát sinh, cũng như từ sự cứng đầu và cố chấp mà mọi tội lỗi phát sinh.
Rõ ràng vâng phục là ân huệ mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi con người, để qua đó, con người thủ đắc những nhân đức tốt, những mối tương quan bền vững và sinh ích lợi trong cuộc sống. Vâng phục không phải là tình trạng nô lệ nhưng thể hiện đặc tính phụ thuộc của người con. Chính qua sự vâng phục mà con người cảm thấy tự do và bình an nhất. Thánh Philipphê Neri cảm nhận: «Triệt để tuân theo thánh ý Chúa thực sự là con đường mà khi đi trên đó chúng ta không thể sai lầm, và đó là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến nếm thử và vui hưởng sự bình an mà con người nhục cảm và trần tục không thể biết được».
Với các linh mục, người đại diện của Chúa Kitô, người mang ân sủng của Chúa đến cho người khác, «sự vâng phục không phải là một thuộc tính kỷ luật mà là đặc tính mạnh mẽ nhất của mối dây liên kết trong sự hiệp thông». Sự vâng phục giám mục gắn liền với chức linh mục, tức không ngừng để ý và hoàn thành các nhiệm vụ; vâng phục những gì Giáo hội mong đợi chúng ta. Sự vâng phục là phương thế dẫn đến sự phục vụ dân Chúa cách hữu hiệu; là bằng chứng cho việc thực hiện cách tự do thánh ý của Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên căn tính của linh mục gắn liền với việc sai các ngài ra đi.
Vâng phục giám mục là lời giới thiệu một cách hùng hồn sự vâng phục của Chúa Kitô vì lương thực của Người là làm theo Thánh ý Chúa Cha (x. Ga 4,43) và dù là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (x. Dt 5,8). Khi đó người linh mục ý thức được tương quan nghĩa tử, từ đó đón nhận ý Chúa Cha làm lương thực hằng ngày và tìm thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống trong ơn gọi.
Trong ý nghĩa đó, các linh mục có kinh nghiệm là những người con cùng một Cha trên trời, là anh em với nhau (Mt 23,8-9). Đó là lý do để những linh mục của Chúa chấp nhận lẫn nhau, kính trọng nhau và phục tùng nhau (Ep 5,21) để tìm ra ý Thiên Chúa. Với tinh thần đức tin, họ vượt qua những ý muốn riêng và nhận ra nơi giám mục hiện thân tình phụ tử của Thiên Chúa và quyền bính của Ngài, bất chấp những hạn chế của con người, những người đại diện cho Thiên Chúa.
2.2.2. Vâng phục với tinh thần lắng nghe
Trong một quyển sách của mình, tổng giám mục M.Dolan đặt câu hỏi: có phải nhiều lần các bạn đã được nghe giảng rằng “vâng lời” và “nghe” đều phát xuất từ cùng một gốc Latinh? Với câu hỏi này, đức tổng ngầm đưa ra một câu trả lời: vâng phục là lắng nghe tiếng Chúa. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói trong bài diễn văn: vâng lời vị giám mục có nghĩa là học cách lắng nghe và ghi nhớ rằng, không ai có thể tự nhận mình là người sở hữu thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, vâng lời là lắng nghe thánh ý Thiên Chúa được phân định chính xác trong một mối dây ràng buộc, tương giao với những người khác.
Tinh thần lắng nghe, giúp con người mở ra với người khác, để cùng nhau tìm ra hướng đi hầu hoàn thiện căn tính và sứ mạng của mình. Linh mục lắng nghe giám mục bởi lẽ với họ, giám mục như người cha, người anh em và bạn hữu. Các linh mục nhận ra thánh ý Thiên Chúa qua việc lắng nghe các giám mục, trong tư cách là bề trên, người đại diện của Thiên Chúa. Các linh mục lắng nghe giám mục không vì giám mục là người đáp ứng những nguyện vọng của các ngài liên quan đến những cuộc thuyên chuyển, những sự bổ nhiệm một cách cá nhân, tùy tiện, theo cảm tính, mà giám mục là một công cụ của sự phân định thánh ý Thiên Chúa.
Theo chiều ngược lại, giám mục cũng là người biết lắng nghe những thực tế của các linh mục và của dân Chúa được ủy thác cho ngài. Tiếng nói và những quyết định của các ngài được lắng nghe và tôn trọng vì các ngài không làm việc cách cá nhân, độc đoán nhưng sẵn sàng lắng nghe, tham khảo ý kiến và cùng trao đổi với các linh mục, nhất là các vị trong ban tư vấn về những công tác mục vụ trong giáo phận.
Giám mục không tạo ra sự xa cách đối với linh mục đoàn hay chỉ tiếp cận với những người đầy tham vọng, trái lại với tất cả các linh mục, giám mục luôn tận tâm chăm lo cho họ về phần thiện ích vật chất và nhất là về các nhu cầu thiêng liêng. Vì mối tương quan này, giám mục để tâm chăm sóc các linh mục với tâm tình của một người cha, khởi đi từ giai đoạn huấn luyện tiến tới chức linh mục. Các ngài không chỉ quan tâm đến việc đào tạo các ứng sinh linh mục, mà còn tìm hiểu về ơn gọi, tính tình, lòng đạo đức và sự tiến bộ của chủng sinh, nhất là để truyền các chức thánh.
Như vậy, lắng nghe nhau để sống đức vâng phục và trên hết là vâng phục thánh ý Thiên Chúa; để tiếp nối sứ mạng cứu độ mà Chúa Giêsu nhận từ Chúa Cha trong tình con thảo. Cùng đích sâu xa của sự vâng phục là chào đón tất cả mọi người được đặt trước mặt chúng ta như một dấu chỉ cụ thể của bí tích cứu độ phổ quát là Giáo hội. Sống đức vâng phục đôi khi cảm thấy dễ dàng nhưng lắm lúc cũng đầy những căng thẳng. Và đó chính là điều mà các giám mục và linh mục cầu nguyện cho nhau, đỉnh cao của sự gặp gỡ, của một tương quan tốt đẹp. «Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ» (Mt 18,20).
3. Gần Gũi Với Các Linh Mục Khác
Khi một linh mục được chịu chức, trong đời sống và sứ vụ của ngài hiện hữu một tương quan rất quan trọng là sự gần gũi với các linh mục khác. Một mối liên hệ không hệ tại ở nhu cầu của cuộc sống hay bắt nguồn từ đặc tính xã hội của bất kì con người nào nhưng đặt nền tảng trên bí tích Truyền Chức Thánh. Công đồng Vaticanô II dạy: «Khi gia nhập hàng linh mục qua bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục đều đã được liên kết với nhau bằng tình huynh đệ do bí tích». Đây là một thực tại có tính thần học chứ không phải là một nhóm các linh mục, một nhóm những người bạn thân, những người cùng chung lý tưởng. Các linh mục, dưới quyền của giám mục qui tụ thành linh mục đoàn duy nhất. Dù giữ những chức vụ khác nhau trong giáo phận nhưng tất cả các linh mục được mời gọi để sống căn tính của mình, là Chúa Kitô thứ hai, hầu phục vụ cho chân lý, phục vụ dân Chúa, xây dựng Giáo hội, thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Như vậy rõ ràng thuật ngữ “linh mục đoàn” không nhằm để biểu lộ một nhu cầu nhưng là một sự bó buộc, gắn liền với căn tính của linh mục. Là linh mục, tôi sống với các anh em linh mục khác không phải vì tôi thích người này, mến người kia nhưng vì sứ mạng gắn với cuộc đời và ơn gọi của tôi. Nguyên Giám mục giáo phận Kandy, Sri Lanka, Vianney Fernando, có tư tưởng rất hay:
Linh mục đoàn không đơn thuần là một “tình huynh đệ” của các linh mục. Một tình huynh đệ có là để nâng đỡ các thành viên, hoặc về mặt xã hội, về mặt thiêng liêng, hoặc nhờ vào sự chia sẻ những mối quan tâm. Điều đó là quan trọng. Nhưng linh mục đoàn tồn tại chính yếu là vì lý do khác. Cùng với nhau, tất cả các linh mục của một giáo phận chia sẻ trách nhiệm về Giáo Hội địa phương và sứ vụ của Giáo hội đó – và họ chia sẻ trách nhiệm đó với Giám mục Giáo phận. Do đó các thành viên của linh mục đoàn bó buộc phải củng cố mối tương quan huynh đệ sâu xa với nhau, nhằm một mục tiêu chung là làm tăng tiến sứ vụ của Giáo Hội địa phương.
Một linh mục rời xa linh mục đoàn không phải là chuyện cá nhân, theo sự lựa chọn tự do nhưng làm ảnh hưởng đến sự sống của Giáo hội. Như vậy rõ ràng linh mục đoàn tồn tại vì Hội Thánh, thể theo lòng mong ước của Chúa Kitô chứ không phải vì bản thân linh mục. Công đồng Vaticanô II, dựa vào nghi thức phụng vụ được cử hành từ xa xưa, khi trong ngày thụ phong linh mục, các linh mục hiện diện cùng với giám mục đặt tay trên vị tiến chức, để nói lên tính chất “nên một” của mọi linh mục trong giáo phận. Tất cả được mời gọi để liên kết với nhau bằng một mối dây đặc biệt nhằm thực thi thừa tác vụ linh mục cách hữu hiệu và sống tình huynh đệ cách chân thành hầu hiệp nhất với nhau theo như ước nguyện của Chúa Kitô.
Và rõ ràng, từ những thực tế trong thế giới đầy cám dỗ như hiện nay, đời sống trong linh mục đoàn không phải là gánh nặng nề hay là những bó buộc, trái lại tương quan giữa các linh mục trong giáo phận là con đường, cách thế làm thăng tiến đời sống linh mục, hướng đến sự hoàn thiện Kitô giáo.
3.1. Một con đường hoàn thiện
Nên thánh là bổn phận của tất cả các môn đệ của Chúa Kitô trong bất kì ơn gọi và hoàn cảnh nào. «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Các linh mục cũng không phải là ngoại lệ khi các ngài được mời gọi nên thánh trong căn tính và sứ vụ, như Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh: «các linh mục còn có lý do đặc biệt buộc phải đạt tới sự hoàn thiện này, vì khi được thánh hiến cho Thiên Chúa với một chiều kích mới nhờ việc lãnh nhận chức thánh, các ngài trở nên những khí cụ sống động của Đức Kitô Tư Tế vĩnh cửu, để tiếp tục thực hiện qua các thời đại công trình kỳ diệu của Đấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội con người». Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, trong bức thư gởi các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh năm 2010, ngài viết: «Căn tính linh mục là cơ sở của việc nên thánh. Linh đạo linh mục là con đường nên thánh». Đức thánh cha Benedictô XVI, trong buổi tiếp kiến với Ban Giám đốc và các chủng sinh thuộc 3 Đại Chủng Viện Miền ở Italia, Campania, Umbria, Calabria, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, đã nhắc lại huấn dụ của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII: «Thế giới đang mong đợi các vị thánh... Họ muốn các linh mục thánh thiện và là người thánh hóa, trước khi là những linh mục thông thái, hùng biện, được cập nhật đổi mới». Linh mục nên thánh trong chính tương quan với các linh mục khác.
3.1.1. Nên thánh trong linh mục đoàn
Sống cộng đoàn là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người. Ngài đã sai Con Một của Ngài xuống thế để cứu muôn người chứ không phải chỉ một cá nhân, một nhóm hay một quốc gia nào. Quả thật, trong sứ vụ rao giảng của mình, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã đề cập đến đời sống cộng đoàn để giúp các môn đệ nương tựa nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến: chọn nhóm Mười Hai (x. Mc 3,13-19, Mt 10,1-4; Lc 6,12-16), sửa lỗi cho người khác (x. Mt 18,15-18;) sai các môn đệ từng hai người một ra đi rao giảng (x. Mt 10,5-15; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6).
Về phương diện nhân đức và luân lý, cộng đoàn là nhân tố để con người trưởng thành hơn và hoàn thiện các nhân đức. Trong tương quan với người khác con người trở nên khiêm nhường hơn khi họ ý thức được sự hiện diện của người khác với những khả năng phong phú của tha nhân; thấy được nhu cầu của bản thân cần đến người khác. Đó là nhân đức được Chúa ưa thích nhất, được các nhà thần bí coi là điều kiện sine qua non (không thể thiếu) trong tiến trình nên trọn lành.
Hơn nữa, chính nhờ đời sống chung, con người học được sự cảm thông, tính vị tha để luôn đón nhận anh chị em vào trong đời sống của mình, khi nhận ra rằng, nơi chính mình cũng đầy dẫy những khiếm khuyết, bất toàn. Như vậy “sống với” tức sống cộng đoàn là trở về «nơi thuộc về, là nơi người ta tìm gặp đất sống và căn tính của mình…». Khi đó, đời sống cộng đoàn giúp con người thăng tiến mình hơn, sống tốt hơn trong tương quan giữa người với người. Tuy nhiên đó không phải là đích điểm của đời sống của một Kitô hữu mà phải tìm về cội nguồn thánh thiêng của mình: sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chiều kích luân lý, các nhân đức chỉ là bước khởi đầu để con người đạt tới chiều kích thiêng liêng trên bình diện cánh chung.
Sống với người khác là phương thế dẫn đến sự thánh thiện, đến sự gẫn gũi với Thiên Chúa, bởi lẽ chính Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, mở ra tương quan “Thiên Chúa - nhân loại” bằng cách thế cụ thể qua chính cuộc sống và con người của Ngài. Từ mầu nhiệm đó, những gì con người làm cho một trong những anh em bé mọn là làm cho chính Chúa (x. Mt 25,40). Con người có thể gặp được Thiên Chúa qua tha nhân như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định qua tiêu đề của chương cuối trong thông điệp Centessimus Annus: “con người là con đường của Giáo Hội”.
Với Đức giáo hoàng Phanxicô, ngài nhắc đến một đặc tính khác của cộng đoàn: cầu nguyện, một đặc tính bao hàm tất cả những chiều kích được nhắc ở trên. Cộng đoàn cầu nguyện được ngầm hiểu là những con người biết sống và dám sống với nhau. Cộng đoàn cầu nguyện bao gồm những con người luôn đặt Chúa làm trung tâm của cuộc sống và chọn Chúa là ánh sáng soi chiếu cuộc đời của mình. Khi nhắc đến lời dạy của Chúa Giêsu: “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20), vị giáo hoàng đương nhiệm mở ra một tương quan hai chiều: ngang và dọc, tương quan chiều ngang, tức với tha nhân để hướng đến tương quan chiều dọc với Thiên Chúa.
Từ nguyên tắc chung đó, Giáo hoàng Phanxicô, mở ra một tương quan độc đáo, cụ thể giữa các linh mục với nhau, những người được Thiên Chúa chọn từ dân Thiên Chúa để sống ơn gọi hiến dâng, giúp cho người khác đến với Chúa và làm cho bản thân cũng được nên thánh. Trên nền tảng đức tin, các linh mục đương nhiên cũng được mời gọi hoàn thiện các nhân đức để đạt tới tầm vóc của sự hoàn thiện Kitô giáo, nhưng trong tư cách là những linh mục, những người đại diện của Chúa Kitô, các ngài còn phải làm chứng cho người khác, cho thế giới thấy được lộ trình đó. Các linh mục trong giáo phận chứng minh được rằng, tình huynh đệ không phải là một áp đặt luân lý từ bên ngoài nhưng là sự lựa chọn nên thánh với người khác chứ không phải một mình.
Dĩ nhiên các linh mục triều không sống thành cộng đoàn như những tu sĩ của một dòng tu nhưng các ngài liên kết với nhau trong mối dây hiệp nhất với giám mục, trong việc đảm trách những sứ mạng đặt trên mối liên hệ theo chương trình chung của giáo phận. Tình huynh đệ linh mục không hệ tại ở việc sống chung với nhau trong một môi trường, một ngôi nhà cụ thể nhưng sống chung với nhau trong ngôi nhà của giáo phận, trên một cánh đồng truyền giáo. Đó là con đường nên thánh khi các ngài sống bổn phận với nhau, không chỉ cho mình mà cho những anh em linh mục khác. Nhưng đó cũng sẽ là con đường thập giá, như Chúa Giêsu dạy, ai muốn theo Ngài, gắn bó với Ngài, phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo (x. Mt 16,24).
Đó là con đường không hề dễ dàng bởi lẽ với ý riêng, với cái tôi ích kỷ, con người khó đón nhận những điều trái ý hay chấp nhận lệ thuộc vào người khác. Làm việc chung vẫn là vấn đề muôn thuở trong đời linh mục bởi những khác biệt về khả năng, ý muốn, ngôn ngữ, văn hoá, phong tục… Đức thánh cha Phanxicô đã nhắc lại lời của một vị thánh để thấy được những khó khăn trong đời linh mục: đời sống cộng đoàn là sự đền tội của tôi -, thật khó khăn như thế nào để chia sẻ cuộc sống hàng ngày với những người mà chúng ta muốn nhận là anh em. Làm chứng cho tình huynh đệ là một lời rao giảng khó khăn và khó thực hiện trong một xã hội đã bị hoen ố bởi chủ nghĩa loại trừ.
Tuy vậy những khó khăn đó không là rào cản bất khả thắng làm cho các linh mục đi ngược với lý tưởng của mình; cũng không phải là cớ để các ngài biện hộ cho sự lập dị hay những công việc làm tổn hại đến sự hiệp nhất, nhưng là thử thách giúp các ngài cảm nhận được ý nghĩa cuộc đời, là những thập giá để các ngài đi vào vinh quang như chính sứ mạng của Chúa Giêsu (x. Lc 24,26); là phòng tập gym , như cách ví von của Đức giáo hoàng Phanxicô, để mỗi ngày các ngài đánh giá sự tăng triển về sức khỏe thiêng liêng. Vì lẽ đó, tình huynh đệ vẫn còn được loan báo và được kiểm nghiệm bằng những sự chứng tá của những con người ý thức về những giới hạn của mình; sẵn sàng đón nhận được những khó khăn trong cuộc sống để hiện thực hóa lời trối của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35).
Tình huynh đệ, theo Đức thánh Cha, một cách nào đó được hiểu bằng tình yêu thương như Thầy đã yêu, một tình yêu không bị giới hạn bởi những yếu tố nhân loại; không bị ràng buộc và lệ thuộc vào tôn giáo hay văn hóa nhưng được mở ra với hết mọi người. Một tình yêu sẵn sàng chết vì người mình yêu (x. Ga 15,13); đưa con người mỗi ngày một gần với Thiên Chúa; làm cho con người “thuộc về’ và “ở lại” với Thiên Chúa; đạt đến sự thánh thiện của Ngài vì tình yêu đó bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đức giáo hoàng Phanxicô nói rõ: «Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, như một dòng sông chảy nơi Chúa Con và qua Người đến với chúng ta, các thụ tạo của Người».
Tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha, tình yêu như Thầy đã yêu dành cho các linh mục không chỉ giới hạn trong nhóm của mình, nhưng phải được thể hiện qua đức ái mục vụ. Từ đây, tình huynh đệ, tình yêu thương sẽ được thể hiện qua sự phục vụ. «Yêu như Chúa Giêsu yêu có nghĩa là đặt mình phục vụ anh em, như Người đã rửa chân cho các môn đệ. Nó cũng có nghĩa là thoát ra khỏi chính mình, tách mình khỏi sự an toàn của con người, khỏi những tiện nghi của thế gian, để mở lòng với người khác». Tình huynh đệ đem lại sự yêu thương và sự an toàn cho các linh mục.
3.1.2. Tình huynh đệ - Nơi linh mục được yêu thương
Chức linh mục là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, bởi lẽ qua linh mục, Chúa Giêsu hiện diện và ban ơn. Chức linh mục là một kho tàng quý giá mà Chúa Kitô đã để lại cho Giáo Hội. Thánh công đồng dạy rất rõ: «do Chức Thánh và sứ mệnh lãnh nhận nơi các vị Giám Mục, các Linh Mục được đặc cử để phụng sự Chúa Kitô, là Thầy, là Linh Mục và là Vua; các ngài tham dự vào chức vụ của Người: ngày ngày kiến tạo Giáo Hội ở trần gian thành Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần».
Thánh Gioan Kim Khẩu cho rằng: «Các linh mục đã nhận được một quyền năng mà Thiên Chúa đã không ban cho các Thiên thần, hoặc tổng lãnh Thiên thần … Từ trời cao, Thiên Chúa phê chuẩn tất cả những gì các linh mục làm dưới đất». Linh mục có quyền trên mình máu Chúa Kitô; làm cho Chúa Giêsu hiện diện hữu hình hằng ngày trên bàn thờ, trong Thánh lễ, hiện diện mãi giữa nhân loại từ đời này qua đời kia cho tới tận thế. Nếu Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, thì các linh mục là những người “sinh ra” Thánh Thể mỗi ngày, ở đó, toàn dân Chúa đến kín múc sức mạnh cho đời sống và sứ mạng tông đồ của mình, và như Đức thánh cha Benedicto XVI đã nói: «Các linh mục được chỉ định lưu truyền mãi mầu nhiệm cứu độ này xuyên qua các thế kỷ cho đến cuộc trở lại vinh quang của Chúa». Vì hồng ân cao cả đó, Thánh Gioan Vianney thường hay nói rằng “chức linh mục thật là cao trọng, người ta chỉ hiểu được chức linh mục ở trên thiên đàng, vì nếu không, người ta sẽ chết mất; chết không phải vì sợ hãi, nhưng bởi vì yêu mến”.
Vì lẽ đó, các linh mục luôn ý thức hồng ân nhưng không đó để sẵn sàng trở nên là máng chuyển thông ân sủng của Thiên Chúa cho người khác. Điều này buộc các linh mục phải luôn đặt mình trong sự bảo vệ bởi linh mục đoàn để được nâng đỡ và cảm nhận được niềm vui đời dâng hiến. Các ngài phải tìm kiếm và nương tựa vào tình yêu thương, tức sống tình huynh đệ linh mục mới có thể đứng vững. Đức giáo hoàng Phanxicô đề cập đến hội chứng Cain để cảnh báo những nguy hiểm mà các linh mục có thể đối diện. Bất cứ ai sống với hội chứng này, tức không cảm thấy mình được yêu thương, được quý trọng, được quan tâm nên họ sống như người vô gia cư; không cảm nhận được sự bình an; có thể tiếp xúc với sự dữ nhiều hơn, từ đó làm tổn thương chính mình và tha nhân.
Nếu một linh mục tự tách mình ra khỏi linh mục đoàn, khỏi giám mục về mặt thể lý, tình cảm, tâm lý, tinh thần, là ngài cắt đứt chính đường chuyền sự sống của mình với Hội Thánh và với Đức Kitô; sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán nản, cô đơn “yếu nhược về thể lý hoặc rã rời về tinh thần”, thậm chí khủng hoảng đến nỗi từ bỏ thừa tác vụ thánh. Công đồng Vaticanô II đưa ra những chỉ dẫn thực tế, cụ thể để các linh mục phục vụ trong giáo phận, không phân biệt linh mục triều hay linh mục dòng, sống tương quan với nhau, cùng nhau thi hành sứ mạng hầu phục vụ chân lý. Dù các linh mục có thể đảm trách những chức vụ khác nhau nhưng tất cả được mời gọi để liên kết với nhau bằng những mối dây đặc biệt của đức ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ. Ý nghĩa biết bao những thánh lễ đồng tế, nhất là thánh lễ có sự hiện diện của giám mục, vì qua đó đời sống thiêng liêng của các linh mục được nâng đỡ và được chia sẻ cho nhau. Vui vẻ và cần thiết biết bao những cuộc gặp gỡ, những bữa ăn chung của các linh mục sau những ngày làm việc vất vả vì giúp cho các ngài nhớ lại lời Chúa bảo các Tông đồ đang mỏi mệt: “Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31). Mối tương quan thân tình giữa các linh mục còn giúp cho các ngài trau dồi, vun đắp đời sống thiêng liêng và tri thức, để dễ dàng cộng tác với nhau hơn trong tác vụ và để tránh những nguy hiểm có thể xẩy đến do tình trạng cô đơn.
Như vậy mối tương quan đầy ắp tình yêu thương giữa các linh mục thực hiện chức năng bảo vệ, canh giữ lẫn nhau, nhất là đời sống độc thân, một trong những thách đố lớn lao của các linh mục trong thời đại hôm nay.
3.1.3. Tình huynh đệ - bảo vệ sự độc thân linh mục
Độc thân khiết tịnh chính là món quà mà Giáo hội Latinh gìn giữ trải qua bao thế kỷ và hôm nay vẫn cố gắng trung thành, cũng như ước muốn trung thành mãi mãi trong tương lai. Đó là kho tàng thật sự của Giáo hội. Thánh giáo hoàng Phaolô VI đã xác quyết: «Luật độc thân thánh, mà Giáo Hội canh giữ từ nhiều thế kỷ nay như một viên ngọc quý rạng ngời, bảo tồn toàn bộ giá trị của nó cả ở thời đại chúng ta vốn tiêu biểu bằng một sự biến đổi sâu xa các não trạng và các cơ cấu». Nói như vậy không phải để làm giảm giá trị của ơn gọi hôn nhân gia đình hay để đi theo tư tưởng khinh thường thân xác và các hành vi xác thịt, nhưng qua đó thấy được lời chứng tá sống động về Nước Trời và đời sống mai sau.
Công đồng Vaticanô II dạy, tự bản tính của chức linh mục không đòi buộc phải sống độc thân khiết tịnh như đã thấy trong thực hành của Giáo hội sơ khai và của Giáo hội Đông phương, nhưng đây là một truyền thống thánh thiện và Giáo Hội công giáo Latinh đã muốn và hiện nay vẫn còn muốn những ai lãnh bí tích Truyền Chức đều phải sống độc thân “vì Nước Trời”. Và theo Đức giáo hoàng Phaolô VI, đó chính là lý do thiết yếu, riêng biệt và tương xứng đã được tích chứa trong chân lý mà Chúa Kitô đã công bố khi nói về sự từ khước hôn nhân “vì Nước Trời”, theo gương Chúa Giêsu để phục vụ Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Giáo hội, qua bộ Giáo luật 1983 lặp lại: «Các Giáo sĩ buộc phải giữ tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời, và vì thế phải tuân giữ luật độc thân, ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban, nhờ đó các thừa tác viên chức thánh có thể kết hiệp dễ dàng hơn với Đức Kitô bằng một tâm hồn không chia sẻ, tự hiến trọn vẹn và tự do hơn cho việc phục vụ Chúa và con người». Họ từ bỏ tất cả và sống đời độc thân dâng hiến để phục vụ Chúa và dân Ngài đến độ không thể chia sẻ cho người khác.
Về khía cạnh này, độc thân linh mục là một kho tàng thật sự vì đó là dấu chỉ của sự tự do để phục vụ. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi liên tưởng đến đời sống hôn nhân gia đình, đã làm sáng tỏ vai trò và ân huệ của những người sống đời độc thân khi nói rằng: «Khi từ khước làm cha theo kiểu đôi bạn, linh mục đi tìm một thiên chức làm cha theo kiểu khác và hầu như cũng làm mẹ nữa, theo ý nghĩa lời Thánh Tông Đồ khi nói về những người con mà ngài đã sinh ra trong đau khổ» (x. 1Cr 4,15 ; Gl 4,19).
Như vậy rõ ràng sự độc thân khiết tịnh như là kho tàng để các linh mục có thể thi hành sứ vụ của mình trong thế giới hôm nay. Đức cha Fulton Sheen, trong cuốn sách Those Mysterious Priests, «tin là sự độc đem lại cho linh mục một sự đáng tin cậy, một mầu nhiệm, một tinh hoa làm cho linh mục hầu như trở thành một hình tượng mời gọi người ta đi vào thế giới bên kia, hướng tới vĩnh cửu.
Tuy vậy, dù thiên chức và sự độc thân linh mục là những ân huệ rất lớn lao nhưng lại được chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ (x. 2Cr 4,7) nên các linh mục buộc phải ý thức sự mong manh, yếu đuối của mình. Đời sống khiết tịnh sẽ là một thách đố rất lớn khi đặt trong nền văn hóa thời đại này hoặc nếu không hiểu ý nghĩa thật sự của sự độc thân. Đức tổng giám mục M.Dolan nói rằng, chúng ta hành động ngu ngốc nếu chấp nhận độc thân vì luật buộc…Chúng ta đừng nói: ‘tôi nghĩ mình phải sống độc thân nếu muốn lãnh nhận chức thánh’. Giám mục M.Dolan nhớ lại lời nhận xét của Đức tổng giám mục Harry Flynn trong thượng hội đồng giám mục năm 1990, «độc thân và chức linh mục là hai ơn gọi, tuy liên hệ với nhau nhưng tách biệt nhau. Những ai cảm thấy được Chúa mời gọi đến chức linh mục, cũng khám phá ra ơn gọi sống độc thân».
Vì lý do đó, các linh mục phải đặt mình trong tương quan với những linh mục khác để cùng nhau để khám phá ra ơn gọi sống độc thân. Chỉ với sự gần gũi trong tình huynh đệ, các linh mục nâng đỡ nhau, chia sẻ nhau hầu đủ sức đảm trách ơn gọi độc thân cách thanh thản. Nhờ những mối tương giao lành mạnh, những mối liên kết xuất phát từ lòng quí trọng đích thực, các linh mục cảm nhận được món quà vô giá của sự độc thân và ra sức gìn giữ nó trước những cám dỗ trong cuộc sống. Đức thánh cha Phanxicô kết luận, nếu không có tình bằng hữu và không có lời cầu nguyện, đời sống độc thân có thể trở thành một sức nặng không thể chịu đựng nổi, và sẽ là một phản chứng nơi chính vẻ đẹp của chức linh mục.
Và trên hết, các linh mục cần cầu nguyện nhiều để xin Chúa ban sức mạnh sống đời độc thân. Trong một thế giới tục hóa, nhiều người nghĩ rằng sự chế dục hoàn toàn là điều không thể thực hiện được, các linh mục càng phải hiệp thông cùng Giáo hội trong sự khiêm nhường và kiên nhẫn để cầu xin ơn trung thành với đời sống độc thân. Đây chính là lý do để thấy được tình huynh đệ linh mục có sức mạnh rất lớn để gìn giữ các ngài trong chức thánh và trong ơn gọi sống độc thân, bởi lẽ lời cầu nguyện bởi nhiều tâm hồn cùng chí hướng sẽ được Chúa đoái thương và nhậm lời.
Như vậy tình huynh đệ linh mục tạo nên một sức mạnh thật sự cả trên bình diện tâm lý, tinh thần và siêu nhiên để các linh mục nhận ra để sống căn tính và chu toàn sứ mạng của mình hầu đạt tới sự hoàn thiện Kitô giáo theo như lời mời gọi của Chúa Kitô. Tuy nhiên sẽ chỉ là những ý niệm suông, những lý thuyết trống rỗng nếu các ngài không đặt mình trong tình huynh đệ đó một cách cụ thể và kiên trì.
3.2. Kiên nhẫn, cội rễ của tình huynh đệ linh mục
Khi đề cập đến sự kiên nhẫn, Thánh Phanxicô Salesio, trong cuốn dẫn vào đời sống đạo đức, đã viết: Kiên nhẫn là một nhân đức bảo đảm hơn cả cho chúng ta sự trọn lành. Đây là một trong những nhân đức cần thiết nhất của đời sống Kitô hữu, vì khi đối diện với những thử thách và đau khổ, sự kiên nhẫn giúp con người mạnh mẽ và can trường; tránh rơi vào trạng thái thất vọng và buồn chán.
Trong đời sống người Kitô hữu nói chung, ba nhân đức đối thần là cửa ngõ, là phương thế tuyệt hảo để con người kết hiệp với Thiên Chúa, là những nguyên lý hoạt động qui hướng con người trực tiếp tới Thiên Chúa. Và trong ba nhân đức đối thần đó, theo thánh Phaolô, thì đức mến cao trọng hơn cả (x. 1Cr 13,13). Đức mến đáng được ca ngợi nhưng nhân đức đó nếu không gắn liền với sự kiên trì sẽ không mang giá trị trọn hảo như thánh Siprianô đã viết: lấy sự kiên nhẫn đi khỏi đức mến, đức mến sẽ không còn. Lấy sự kiên nhẫn đi, đức mến cố gắng tồn tại nhưng không còn gốc rễ và sức mạnh.
Trong cuộc sống thường ngày, con người vẫn đề cao chữ “nhẫn” vì nó cần thiết cho sự thành công và hạnh phúc của bất cứ ai, ngay cả đối với những người không có niềm tin tôn giáo. Còn với những người tin, sự kiên nhẫn không chỉ được hiểu trên bình diện tự nhiên mà hướng đến chiều kích siêu nhiên. Đức kiên nhẫn làm cho con người có thể chịu đựng được những đau khổ thể lý và tâm hồn, mà không nản chí hay buồn chán trong tâm hồn. Thuật ngữ passion (đau khổ) và patience (kiên nhẫn) đều có nguồn gốc từ tiếng Latinh, pati, nghĩa là “sự chịu đựng”. Kiên nhẫn để chấp nhận, chịu đựng người khác. Đó không phải là sự chấp nhận thụ động, miễn cưỡng nhưng cách chủ động, tích cực, siêu nhiên, tức cảm thông với người khác. Như vậy, nếu chúng ta hỏi làm sao để học và biết sống cảm thông, thì sự kiên nhẫn là câu trả lời.
Kiên nhẫn là đức tính cần thiết cho người môn đệ Chúa Kitô nhưng đó lại là một điều khó thực hành. Và ngày nay, các linh mục tốt cũng gặp phải những cám dỗ về sự mất kiên nhẫn nếu hiểu không đúng về giá trị đích thật của nó. Đứng trước những điều không đúng, những điều trái ý, chúng ta thường được khuyên “hãy kiên nhẫn”, và chính điều này mang lại cho các linh mục cảm giác như bị coi thường và bị xúc phạm. Sự kiên nhẫn lúc này được gắn liền với sự bất lực, với sự mong chờ một cách thụ động những hướng giải quyết khác.
Trong các tương quan của mình, người linh mục cần nhìn sự kiên nhẫn với nhãn quan tích cực hơn hầu đủ sức thực hành nhân đức đó trong đời sống; noi gương Chúa Kitô, Đấng luôn chờ đợi và nhẫn nại với hết mọi người. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói rất rõ về tính kiên nhẫn trong đời linh mục: «trước tiên, phải học tính kiên nhẫn, đó là khả năng cảm thấy có trách nhiệm với người khác, mang gánh nặng của họ, và một cách nào đó, cùng chịu đau khổ với họ nữa». Các linh mục hiểu rằng, «kiên nhẫn nghĩa là tích cực tham gia vào những khó khăn của đời sống và chịu đựng triệt để những đau khổ nội tâm và xung quanh chúng ta. Kiên nhẫn là khả năng nhìn, nghe, chạm, và cảm nếm hoàn toàn các biến cố nội tâm và cả các tác động bên ngoài cuộc sống chúng ta. Kiên nhẫn bước vào đời sống chúng ta với đôi mắt, đôi tai và đôi tay rộng mở để chúng ta thực sự biết những gì đang xảy ra».
Trong khi thi hành sứ vụ, sự kiên nhẫn là một nhân đức quyết định đến ý nghĩa và giá trị của sứ mạng mục tử trong tư cách là người hành động trong Chúa Kitô (in persona Christi), là một Kitô khác (Alter Christus), trong tương quan không chỉ với giáo dân mà còn với các linh mục khác. Giáo dân có thể thông cảm cho một linh mục giảng dở, đôi khi say rượu, thậm chí lỗi phạm đức khiết tịnh, nhưng họ cảm thấy bị sốc khi thấy một linh mục như thùng thuốc nổ, hay thay đổi, giận dữ, tức thiếu kiên nhẫn. Chỉ với lòng kiên nhẫn, các linh mục mới có thể gặp gỡ, đối thoại, đi vào tương quan với giáo dân, giúp cho họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, tin vào Ngài, tin vào sự quan phòng của Ngài, Đấng hằng yêu thương chăm sóc dân Ngài, không bao giờ bỏ rơi họ. Các linh mục phải tiếp nối lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu để mang ơn thánh hóa, ơn cứu độ đến cho thế giới này, như thánh Phaolô đã nhấn mạnh – nhờ sự kiên nhẫn – chúng ta trở nên những dấu chỉ sống động của lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Rm 5,3-5). Charles de Foucauld hỏi: làm một tông đồ, đúng vậy, nhưng làm thế nào? Đối với một số người, không cần phải nói cho họ điều gì về Thiên Chúa, nhưng kiên nhẫn như Chúa, tốt lành như Chúa.
Nơi thánh Phaolô, các linh mục cũng học được nhân đức kiên nhẫn. Thánh nhân khích lệ cho người môn đệ Timôthê hãy cố gắng sống nhẫn nại và hiền hòa (x. 1Tm 6,11), và ngài đã khuyên nhủ các tín hữu thuộc giáo đoàn Côlôxê, “anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3,12). Chính cuộc đời của thánh nhân là một lời chứng hùng hồn về lòng nhẫn nại đó (x. 2Tm 3,10) để mang lại hoa trái cho các cộng đoàn dân Chúa, được thể hiện qua sự gắn kết mật thiết giữa ngài với các Kitô hữu.
Trong tương quan với các linh mục khác trong giáo phận, các linh mục càng phải thể hiện lòng kiên nhẫn của mình và mạnh mẽ làm chứng về nó trong cuộc sống. Đức Hồng Y Bertram, nói rằng: Linh mục cần kiên nhẫn, ngài có đủ sức chờ đợi và dù có nhiều chống đối, thì cũng không làm ngài phải chào thua. Linh mục phải mạnh mẽ để chiến đấu chống lại những cám dỗ về sự thiếu kiên nhẫn; chống lại thái độ thờ ơ, vô cảm, xa cách mà các ngài tạo ra với người khác
Dẫu biết rằng mỗi người mỗi tính tình, mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, đến từ những hoàn cảnh khác nhau, đảm trách những sứ mạng khác nhau nhưng cùng chung ý hướng, sống chung một lý tưởng: theo Thầy Giêsu. Không ai hiểu linh mục hơn những người đồng môn. Không ai cảm thông cho linh mục hơn linh mục. Người linh mục cần đặt mình trong vị trí của những người anh em khác để cảm thông với những khó khăn, yếu đuối và khuyết điểm của họ vì không một ai là người hoàn hảo. «Vì tình hiệp thông trong chức linh mục, các ngài biết rằng mình phải có trách nhiệm đặc biệt đối với những vị đang gặp khó khăn; phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo cách tế nhị. Đối với những vị đang gặp thất bại trong lãnh vực nào đó, các ngài hãy luôn cư xử với tình bác ái huynh đệ và thái độ thông cảm, hãy tha thiết cầu nguyện cùng Chúa thật nhiều và chứng tỏ mình vẫn luôn là anh em và bạn hữu đích thực của họ».
Lòng kiên nhẫn với linh mục trẻ, những người còn thiếu kinh nghiệm trong đời sống mục vụ, trong tương quan với người khác sẽ mở ra những cơ hội cho việc thăng tiến đời sống của các ngài. Bên cạnh đó, lòng kiên nhẫn còn được thể hiện qua sự chịu đựng với cái nhìn tích cực, siêu nhiên trước những những anh em cá tính, những người có tính cách dị biệt. Đó sẽ là lời nhắn nhủ hữu hiệu và thiết thực trong việc xây dựng sự hiệp nhất trong linh mục đoàn. Vì vậy những linh mục lớn tuổi hãy đón nhận các linh mục trẻ như những người em; giúp đỡ họ vượt thắng những bỡ ngỡ đầu tiên của thừa tác vụ; cố gắng thông cảm tâm tư của họ, cho dù có khác với quan điểm của mình, và ân cần khích lệ các đề xướng của họ.
Lòng cảm thông, sự kiện nhẫn trước những sa ngã của anh em linh mục, liên quan đến đức khiết tịnh, tính dục, nữ giới cần được xem xét cách tế nhị. Lòng cảm thông đúng đắn, là một lời động viên, là sức mạnh để người anh em vượt qua những mặc cảm tội lỗi; can đảm đứng lên và bắt đầu lại sứ mạng linh mục của mình.
Còn đối với những linh mục lớn tuổi, những vị sống tại các nhà nghỉ dưỡng do tuổi tác, bệnh tật, các linh mục chúng ta càng phải kiên nhẫn nhiều hơn nữa. Điều này Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ các linh mục cách chân tình, nhất là đối với những ai đảm trách những công việc phải tiếp xúc, giúp đỡ thường xuyên các linh mục già yếu, bệnh tật. Họ cần một sự cảm thông thật sự khi họ đối diện với nhiều khó khăn trong buổi xế chiều của đời sống linh mục, bởi vị họ sợ cô đơn, sợ bị phán xét, bị chỉ trích bởi những phiền hà mà họ có thể gây ra cho người khác, bởi những giới hạn của tuổi già. Họ cảm thấy tự ti bởi nghĩ rằng mình không xứng đáng với sự kiên nhẫn, sự quan tâm của người khác.
Trên phương diện đức công bình, chúng ta không có quyền đánh giá họ ở vị trí hay công việc họ đảm trách lúc này. Nên nhớ rằng, họ đã từng là những giám mục, linh mục đã dày công xây dựng giáo phận; đã từng là thầy, là người giúp đỡ những bạn trẻ trong tiến trình tìm hiểu và sống ơn gọi nơi đại chủng viện; đã từng đồng hành với những linh mục trẻ mới bắt đầu sứ vụ… Họ đáng được cảm thông, đáng được nhận lại cách tương xứng với những gì họ đã làm, đã đóng góp bằng sự trân trọng, yêu thương. Về phương diện siêu nhiên, thiêng liêng, không ai được phép đánh giá một con người ở cái họ CÓ, họ LÀM mà ở cái họ LÀ. Các ngài vẫn mà LÀ linh mục trước mặt Chúa. Sự cảm thông, kiên nhẫn với các ngài như là điều phải lẽ, một lời mời gọi từ chính Thiên Chúa.
3.3. Tình huynh đệ vượt thắng sự đố kỵ
Lòng đố kỵ là một trạng thái tâm lý phản ánh những suy nghĩ tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, lo lắng về một sự mất mát hoặc thua kém nào đó. Con người cảm thấy khó chịu khi người khác hơn họ, từ đó phát sinh lòng đố kỵ, dẫn đến tâm trạng ganh và ghét người khác. Trong bài giảng của thánh lễ tại nguyện đường thánh Macta, Đức giáo hoàng Phanxicô đã cảnh báo: Một thực tế luôn lặp đi lặp lại trong trái tim chúng ta hôm nay là không chấp nhận người anh em có được điều mà mình không có. Vì tính xấu này chúng ta không muốn người khác tận hưởng những điều tốt đẹp xảy đến trong cuộc sống của chúng ta; cũng không thể tận hưởng những điều tốt đẹp nơi tha nhân. Đó chính là một thái độ của tội lỗi.
Rất nhiều lần trong Kinh Thánh, vì ganh tị, đố kỵ mà con người gây ra những hệ lụy cho người khác. Cain ganh tị với Abel dẫn đến cái chết của em mình (x. St 4,1-16). Các anh em con ông Giacop vì đố kỵ với người em út Giuse, người luôn được Giacob yêu mến hơn các anh, đã có ý định làm hại em mình (x. St 37,2-36). Saul ganh tị với Đavít, con rể của mình, vì những thành công của ông nên đã tìm cách sát hại ông (x. 1Sm 18,6-9; 19,8-11). Các tông đồ cảm thấy tức tối, khó chịu khi nghe hai người con ông Giêbêđê xin được ngồi bên tả, bên hữu của Chúa, trong nước của Người (x. Mc 10,35-45 // Mt 20,20-23). Trong dụ ngôn “người thợ làm vườn nho” do Chúa Giêsu kể, ông chủ đã đặt vấn đề với những người thợ bép xép: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15). Người Dothái vì ghen tức mà phản đối và nhục mạ Thánh Phaolô (Cv 13,45). Và cũng vì ghen tức mà “họ quy tụ một số du đãng đầu đường xó chợ, họp thành đám đông, gây náo động trong thành. Họ kéo đến nhà ông Gia-xon, tìm ông Phaolô và ông Xila để đưa hai ông ra trước đại hội toàn dân” (Cv 17,5).
Như vậy rõ ràng lòng đố kỵ không dừng lại trong suy nghĩ hay trong tâm hồn con người, làm cho người đó đau khổ nhưng có khi còn đi xa hơn, được biểu lộ bằng những hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, nhất là những người sống chung trong một cộng đoàn. Và điều này đã được Đức giáo hoàng Phanxicô nói đến hai hậu quả của lòng đố kỵ. Trước hết phải kể đến là thái độ cay cú. “Người ghen tuông và đố kỵ là một người cay cú, họ không thể ca ngợi, không thể chúc tụng, không biết niềm vui là gì; họ luôn đứng nhìn những gì người khác có. Thay vì ca ngợi Thiên Chúa như phụ nữ Israel ca ngợi Chúa vì chiến thắng, người có lòng đố kỵ muốn cô lập chính mình, hối tiếc và cân nhắc cảm xúc mình, trăn trở băn khoăn trong cảm giác cay cú. Hậu quả thứ hai là tìm cách hạ bệ người khác để tôn mình lên. Rõ ràng với mức độ này, lòng đố kỵ dẫn đến hành động để làm hại người khác.
Lòng đố kỵ được coi là một căn bệnh như sách Châm ngôn dạy: “Tâm hồn bình an là nguồn sống cho thể xác, nhưng lòng ghen ghét tựa chứng bệnh mục xương” (Cn 14,30). Đức Phanxicô đã dùng một hình ảnh dễ hiểu để ví căn bệnh này, khi nói rằng sự ghen ghét và lòng đố kỵ phát triển trong lòng người ta như cỏ dại. Nó phát triển và không để cho bất kỳ thứ thảo mộc tốt lành nào có thể mọc lên được nữa. Thứ cỏ dại ấy sẽ khiến tâm hồn người ta ra tối tăm, bệnh hoạn. Nó không để cho con người được bình an nhưng khiến con tim luôn dằn vặt, đau đớn. Một con tim đố kỵ rất có thể dẫn đến mưu sát và chết chóc.
Hậu quả do lòng đố kỵ gây nên rất lớn, làm xói mòn những mối quan hệ; bóp nghẹt tình huynh đệ và những tương quan với người khác, từ đó bóp nghẹt tương quan với Thiên Chúa. Đức thánh cha Phanxicô cho rằng, lòng đố kỵ chính là thái độ phá hoại xé nát đời sống cộng đoàn; là cánh cửa để ma quỉ bước vào thế giới (x. Kn 2,24); là cánh cửa của sự hủy diệt khi tiếp tay cho mọi điều xấu xa; là một thứ “thuốc độc cực mạnh”, như đã xảy ra trong thời kỳ đầu trong Kinh Thánh với Cain.
Trong đời sống cộng đoàn, ngay cả trong đời sống linh mục, lòng đố kỵ là một cám dỗ luôn hiện diện gần bên ta và được thể hiện qua lời nói cũng như hành động. Đó có thể là những sự đàm tiếu, bài xích lẫn nhau, là sự vu khống để được một vị trí nhất định nào đó. Đó có thể là thái độ khoe khoang, thổi phồng bản thân để muốn chứng tỏ mình hơn anh em linh mục khác, hoặc tệ hơn nữa là thái độ bạo lực để hạ thấp người khác. Linh mục, người đại diện của Chúa Kitô, Đấng đến để mang tình yêu, niềm vui cho nhân loại, không thể để lòng đố kỵ chi phối cuộc sống của mình, nhưng cần phải vượt thắng sự cám dỗ của tính ganh tị, đố kỵ.
Tình huynh đệ và lòng đố kỵ tỷ lệ nghịch với nhau. Tình huynh đệ càng gắn bó thì sự đố kỵ không có cơ hội để bành trướng, ngược lại lòng đố kỵ càng nặng nề thì tình huynh đệ càng rạn nứt. Vì thế có thể nói, tình huynh đệ giúp chiến thắng và thậm chí loại trừ lòng đố kỵ trong đời sống linh mục. Tình huynh đệ đó bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa vì anh em chỉ có một Cha trên trời, còn tất cả là anh em với nhau (x. Mt 23,8-9). Tình yêu là liều thuốc giải độc cho lòng đố kỵ. Tình yêu là một sức mạnh có thể biến đổi những cảm xúc tiêu cực nhất thành những điều tích cực. Khi đắm chìm trong tình yêu của Thiên Chúa, con người tràn đầy cảm giác bình an, vui vẻ và mãn nguyện, khiến lòng đố kỵ không thể nào có được. Tình yêu, về bản chất, là hào phóng và vị tha, và nó không có chỗ cho sự ghen tị.
Tình yêu đó đặt chúng ta vào một thái độ biết nhìn nhận giới hạn của mình; luôn hài lòng với những gì mình có, với những gì Chúa ban. Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi (x. Lc 17,10) và đừng quên một chân lý tuyệt vời rằng Chúa có một chương trình riêng cho bạn cũng như cho người khác và Người đã ban những nén bạc khác nhau cho mỗi người, trong tư cách là những người quản lý nhằm giúp ta sinh lợi để phục vụ cho công ích và cho hạnh phúc mai sau. «Nếu ai đó ghen tị về việc làm của Mẹ Têrêsa Calcutta và những ảnh hưởng của Mẹ trong cộng đoàn nhân loại thì hãy bắt tay vào việc để thế chỗ cho Mẹ đi! Bạn sẽ nhận ra rằng sự ghen tị của bạn thật vô lý và hão huyền». Về điều này, Đức thánh cha Phanxicô nói rất mạnh, nếu một linh mục có điều gì đó để khoe khoang, thì đó chỉ là khoe khoang về lòng Chúa xót thương mà thôi. Nơi linh mục cũng đầy dẫy tội lỗi, sự khốn cùng và giới hạn nhưng “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Và đó là sứ điệp đầu tiên của người linh mục. Một linh mục cần ghi nhớ điều này trong tâm trí rằng không được đố kỵ, không được ghen tị.
Tình yêu với Thiên Chúa nhắc chúng ta là một phần của cộng đoàn trong tình huynh đệ; đặt chúng ta giữa những người anh em đang cố gắng sống đúng căn tính của những người theo Chúa Kitô, sống tinh thần tự hủy, sống vì người khác. Vì thế người linh mục không có lý dó để tìm tư lợi, không có chỗ cho sự nóng giận, oán hận, như thể người anh em bên cạnh đã làm tôi thất vọng một cách nào đó. Nơi đời sống linh mục không có chỗ cho sự tranh giành. Linh mục sẵn sàng chấp nhận quên đi những điều tồi tệ xảy đến với bản thân, thậm chí có thể tận hưởng sự bất công khi nó liên quan đến những người đã gây đau khổ cho mình. Với tình huynh đệ chân chính, linh mục coi việc tấn công vào sự thật và phẩm giá của người anh em qua những lời vu khống, vu cáo, đàm tiếu là một trọng tội, chứ không phải chỉ những tội trọng liên quan đến những điều phải giữ của một người nhận chức thánh.
Như vậy, tình huynh đệ linh mục là một sức mạnh nền tảng để giúp các linh mục sống đúng căn tính của mình trong ơn gọi “hiến dâng” cho Chúa và cho tha nhân. Đó là phương thế để theo chân Chúa-Giêsu-Nhập-Thể cách sát sao và triệt để hơn.
4. Gần Gũi Với Cộng Đoàn Dân Chúa
Các linh mục được phong chức để thực hiện sứ mạng của Chúa Kitô, trong tư cách là mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa giao phó. Nói cách khác, họ là những người lãnh đạo để hướng dẫn dân Chúa trưởng thành trong đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. Tuy vậy sự lãnh đạo đó không đặt nền tảng trên tương quan chủ - tớ hay bề trên – kẻ dưới mà trên sự phục vụ. Công đồng Vaticanô II dạy rõ: «Các linh mục là những người lãnh đạo, không phải để tìm tư lợi, nhưng tìm những điều thuộc về Đức Giêsu Kitô (x. Lc 4,18); các ngài cùng làm việc và sống giữa giáo dân theo gương của Thầy chí thánh».
Trong những năm gần đây, giáo hội và Đức giáo hoàng Phanxicô đã mạnh mẽ phê phán tư tưởng giáo sĩ trị, tức tư tưởng đề cao thái quá vai trò của các linh mục trong tương quan, trong cách hành xử với giáo dân; cho rằng các linh mục thuộc về một tầng lớp cao cấp, có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề và không còn cần phải lắng nghe hoặc học hỏi bất cứ điều gì. Đó là thái độ đang tàn phá Giáo hội, bị chi phối bởi quyền lực và sự tục hóa, dẫn đến những hậu quả khôn lường như Đức giáo hoàng Phanxicô cảnh báo: «Chủ nghĩa giáo sĩ trị phát xuất từ cái nhìn đặc quyền và ưu tuyển về ơn gọi, theo đó chức vụ được nhận lãnh bị xem như là một quyền lực để hành xử, hơn là một ân sủng nhưng không để phục vụ và trao ban».
Đứng trước não trạng đó, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các linh mục trở về với căn tính của mình; ý thức được vai trò của mình trong thế giới hôm nay, trọng cộng đoàn dân Chúa. Điều cần làm lúc này là «giải gỡ gánh nặng của nền văn hóa thấm nhiễm chủ nghĩa giáo sĩ trị do lịch sử để lại, cũng như giải gỡ những thói tục thi hành quyền bính mà từ đó mọi thứ lạm dụng khác như quyền lực, tiền bạc và tình dục… có cơ hội bám vào».
Linh mục là người được chính Thiên Chúa tuyển chọn giữa cộng đoàn dân Chúa, được thánh hiến để thi hành sứ mạng Thiên Chúa giao, tức là nhân danh Chúa Giêsu thi hành sứ mạng phục vụ cộng đoàn được trao phó; thông phần vào sứ mạng và chức vụ của Người, Linh Mục Tối Cao và Đời Đời, Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người (x. Mt 20,28; Mc 10,45), để đoàn chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Điểm xuất phát và điểm đến của linh mục là dân Chúa, trong vai trò của một người cha và người thầy trong dân Chúa và cho dân Chúa. Cùng với tất cả những ai đã được tái sinh trong dòng nước Thánh Tẩy, các linh mục là những người anh em giữa các anh em (x. Pl 4,12), như những chi thể trong cùng một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô mà mọi người đều có nhiệm vụ xây dựng (x. Cv 2,42-47). Đây chính là mối tương quan nói lên sứ mạng của các linh mục và đồng thời cũng nói lên ân sủng mà các ngài được lãnh nhận từ tương quan với các anh chị em tín hữu.
4.1. Nền tảng của sự gần gũi linh mục – giáo dân: Mối tương giao của ân sủng
Trên bình diện tu đức, ơn gọi thánh hiến trong đời sống linh mục được xem là một linh đạo theo hoàn cảnh sống nhằm dẫn đến sự hoàn thiện Kitô giáo, dẫn đến sự gần gũi với Thiên Chúa, Đấng mời gọi các linh mục dấn thân trong đời tu để mỗi ngày họ trở nên giống Chúa hơn. Các ngài được mời gọi nên thánh, sống thân tình với Thiên Chúa trong chính căn tính của mình, được diễn tả và được đánh giá cách rõ ràng trong tương quan với giáo dân, như Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói: «Để tái khám phá căn tính của chức linh mục, ngày nay điều quan trọng là phải sống trong mối tương giao chặt chẽ với cuộc sống thực của con người, phải sống cùng với họ, không có lối thoát nào khác». Như thế có thể hiểu được rằng tương quan giữa linh mục và giáo dân thuộc về bản tính của ơn gọi linh mục và đó là tương quan của ân sủng vì dẫn đến sự thánh thiện. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh, nhiều lần tôi đã chỉ ra mối tương giao với dân thánh của Thiên Chúa không phải là bổn phận đối với mỗi người chúng ta nhưng là một ân sủng, ân sủng mang tính chất hai chiều, đối với giáo dân và cho chính linh mục.
4.1.1. Ân sủng đối với giáo dân
Linh mục sống với đoàn chiên, sống giữa đoàn chiên trong vai trò của Chúa Kitô. Các ngài không chỉ được đặt trong Giáo Hội, mà còn được đặt trước mặt Giáo Hội, tức mang trách nhiệm đối với đoàn chiên được trao phó cho mình. Cũng như Đức Kitô đã yêu và hiến mình cho Giáo Hội (x. Ep 5,25), linh mục cũng sẵn sàng hiến dâng để yêu thương đến độ trao ban chính mình trong mỗi ngày sống hầu quy tụ đoàn chiên Chúa. Với chức linh mục thừa tác, các kitô hữu đón nhận muôn vàn ân sủng của Chúa qua những lời rao giảng, qua các bí tích được cử hành, qua sự phục vụ của những người tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, dẫu cho họ bất xứng.
4.1.1.1. Ân sủng từ sứ mạng ngôn sứ
Qua sứ mạng ngôn sứ của các linh mục, giáo dân cảm nghiệm được vẻ đẹp, sự cao cả của những bước chân ra đi gieo rắc hòa bình, những sứ giả loan báo tin mừng ơn cứu độ (x. Is 52,7). Quả thật đó là những bước chân vì niềm say mê đối với Chúa Giêsu, nhưng đồng thời, cũng là niềm say mê đối với dân thánh của Người vì ơn cứu độ của họ. Giáo dân cần đến lời Chúa, lời rao giảng, nhất là đối với những người chưa hiểu hay chưa tin đủ những điều họ thực hành. Chính sứ vụ ngôn sứ của các linh mục dẫn họ đến với các bí tích, vì đây là những bí tích đức tin, mà đức tin lại được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy.
Tuy nhiên để những lời rao giảng trở nên sự sống, trở nên là ngọn đèn soi bước, là ánh sáng chỉ đường đi (x. Tv 119,105), các linh mục đặt sứ mạng của mình trong bối cảnh lệnh truyền của Chúa Kitô: “các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Nếu trước đây, Đức Kitô rao giảng Tin Mừng bằng ánh mắt thiện cảm, bằng con tim trắc ẩn, và bằng cả tấm lòng yêu thương, thì hôm nay linh mục “có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc Âm của Thiên Chúa, để thi hành mệnh lệnh của Chúa”. Và một khi linh mục rao giảng Lời của Chúa bằng trái tim và trách nhiệm thì Lời đó sẽ sinh hoa kết quả, mang lại niềm tin và sự sống cho con người theo như lời hứa của Chúa Giêsu: ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ (x. Mc 16,16) và như lời tiên tri Isaia loan báo: «cũng như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác» (Is 55,10-11). Như vậy sứ mạng của Lời và cũng chính là sứ mạng của các linh mục, những người có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc Âm của Thiên Chúa, sẽ chưa được hoàn tất nếu hoa trái, ân sủng của Lời chưa thành tựu trong đời sống người Kitô hữu.
4.1.1.2. Ân sủng của chức tư tế
Mối tương quan ân sủng này còn được thể hiện qua các bí tích mà các linh mục cử hành, được xem như là “máng thông ơn” mà qua đó Thiên Chúa ban ân sủng xuống cho con người, giúp họ thờ phượng và mỗi ngày một trở nên giống Chúa Kitô hơn. Với đặc tính do sự, ân sủng các bí tích được ban cho những ai tham dự với lòng tin dù các linh mục cử hành có bất xứng tội lỗi. Các linh mục đóng vai trò thừa tác viên, những người đại diện của Chúa Kitô, là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa bằng cách thực thi các bí tích với tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành (x. 1Cr 4,1-2). Nói cách khác chính lúc cử hành các bí tích, linh mục nói «nhân danh và do ủy nhiệm của Đức Kitô. Linh mục cho Đức Kitô mượn nhân tính của mình để tượng trưng cho nhân tính của Người, và làm cho hành động tối thượng của Người vốn bí nhiệm vô hình trở nên trong sáng».
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn vai trò của linh mục khi cử hành các bí tích. Chính tâm tình và thái độ của ngài khi cử hành các bí tích sẽ lôi kéo con người đến suối nguồn ân sủng, làm cho họ khao khát ơn Thánh Chúa hơn. Tâm hồn các tín hữu bị đánh động biết bao trước hình ảnh một linh mục ngồi tòa giải tội hàng giờ, ngay cả ngồi trong sự chờ đợi, hay trước sự mau mắn của linh mục, sẵn sàng bỏ dở công việc đang làm, sẵn sàng vượt qua những chặng đường xa, hiểm trở để đến với những người trong tình trạng nguy tử để họ lãnh nhận bí tích xức dầu. Giáo dân cảm thấy được nâng tâm lên gần Chúa hơn khi một linh mục dâng lễ với lòng sốt sắng, với tâm hồn thanh sạch...
Như vậy, dẫu hiệu quả các bí tích mang tính chất do sự nhưng qua sự gần gũi theo nghĩa thiêng giữa linh mục và giáo dân, làm cho cuộc sống, đức tin của giáo dân mỗi ngày một thăng tiến hơn. Cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars đã từng nói: “Linh mục khô khan thì giáo dân tội lỗi, linh mục bình thường thì giáo dân khô khan, linh mục tốt lành thì giáo dân bình thường, linh mục thánh thiện thì giáo dân tốt lành...”. Lời nhắc nhở của vị thánh bổn mạng các cha sở giúp các linh mục nhớ rằng, không những qua thánh chức mà còn bởi chính con người đạo đức, cuộc sống gương mẫu của linh mục, Thiên Chúa ban ơn lành cho dân của Ngài.
4.1.2. Ân sủng đối với các linh mục
Đời sống linh mục gắn liền lý tưởng bước theo Chúa Kitô, Đấng đã nhập thể trong thế gian và sống mầu nhiệm “tự hủy” để phục vụ người khác. Thuật ngữ “phục vụ” nếu không hiểu đúng dẫn đến những tư tưởng cho rằng linh mục là người chỉ làm ơn làm phúc cho người khác. Linh mục sống tương quan với người khác vì họ cần đến các ngài. Nhưng với Đức giáo hoàng Phanxicô, sống giữa giáo dân, sống với giáo dân là nhu cầu, là ân sủng Chúa ban cho các linh mục.
Trên bình diện nhân học, con người cảm nhận được hạnh phúc khi sống đúng với những khả năng của mình, khi sống là chính mình. Vì vậy, việc linh mục ở giữa dân chúng, gắn bó mật thiết với dân chúng mang lại cho các ngài niềm vui, niềm hạnh phúc thật sự vì các ngài sống đúng với căn tính, lý tưởng của mình: trở thành những alter Christus, những người bước theo Chúa Kitô một cách triệt để, rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Đức thánh cha Phanxicô cho các linh mục thấy được hương vị ngọt ngào của những người sống căn tính rao giảng của mình. Ngài nói: để trở thành những người loan báo Tin Mừng cho các tâm hồn, cũng cần phải phát triển hương vị thiêng liêng của việc gần gũi với cuộc sống của mọi người, đến mức khám phá ra rằng đây là một nguồn vui cao cả.
Trong đời sống linh mục, niềm vui được kể là nhân đức, bên cạnh các nhân đức khác như đức tin, cậy, mến, sự khiêm nhường, lòng nhiệt thành, sự sám hối, trung thành và khiết tịnh. Con người ngày nay sẽ thay đổi, sẽ tin tưởng mạnh mẽ hơn và đến với Giáo hội nhiều hơn nếu họ thấy được hạnh phúc của các linh mục. Thánh Madaleine Sophie Barat nói rất hay: «Nếu thế giới thấy hạnh phúc của chúng ta, hẳn họ sẽ tràn ngập nhà thờ, nhà dòng, nhà tĩnh tâm, và thời của các tổ phục sa mạc hẳn sẽ trở lại khi các nơi vắng vẻ lại có đông người hơn các thành phố». Niềm vui của các linh mục là một lời rao giảng, là sự chứng tá và chính điều đó mang lại cho chính linh mục niềm vui. «Một linh mục không có niềm vui là một mâu thuẫn».
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã dạy, con đường tới Thiên Chúa là con đường ngang qua chính Thầy Chí Thánh (x. Ga 14,6 ), Đấng nhập thể làm người, giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi (x. Pl 2,6-7; Dt 4,15). Từ đó cũng có thể hiểu được rằng, con đường đến với Thiên Chúa là con đường ngang qua những trung gian, qua tha nhân. Cách riêng với các linh mục, đó là con đường qua giáo dân. Nói cách khác, tương quan với giáo dân là nhu cầu, là sự cần thiết trong cuộc sống linh mục. Tình yêu thương của các linh mục dành cho giáo dân không nhằm để hướng đến con người, nhưng mở ra một tương quan bền vững hơn, thánh thiện hơn: “Tình yêu thương của con người là một sức mạnh thiêng liêng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ trọn vẹn với Thiên Chúa”. Linh mục gần gũi với dân Chúa để nhận ra tình yêu của chính Thiên Chúa dành cho các ngài.
4.2. Linh mục và phương thế củng cố sự gần gũi với giáo dân
Với tư tưởng của Đức thánh cha Phanxicô, các linh mục đều có thể cảm nhận được những giá trị, ý nghĩa của mối tương quan giữa họ và giáo dân. Nhưng sự hiểu biết suông hay những thiện chí chẳng mang lại hoa trái nào cho cuộc sống. Chỉ khi nào tương quan đó được thể hiện, được áp dụng trong đời linh mục, các ngài mới sống đúng căn tính của mình, đúng với sứ mạng được sai đi để phục vụ.
4.2.1. Gần gũi với giáo dân trong chiều kích thiêng liêng: Tham gia vào sứ vụ vương đế của Chúa Kitô
Trong bối cảnh thế giới hôm nay, sứ mạng mục tử của các linh mục là ra đi để gặp gỡ dân Chúa. Mục tử đi tìm “đoàn chiên” chứ không phải đợi chờ “đoàn chiên” đến với mình. Rõ ràng sự ra đi của các linh mục đến với giáo dân là rất cần thiết, bởi lẽ đó là phương thế để các ngài thực hiện sứ mạng của mình như Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ trong tông huấn Evangelii Gaudium. «Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục». Sự ra đi nếu được hiểu theo nghĩa là hành động để rút ngắn khoảng cách vật lý sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho giáo dân và cho bản thân linh mục. Đoàn chiên cần một sự ra đi đặt trên sự gần gũi thiêng liêng, trên sự phục vụ, sự quan tâm.
Linh mục ngày nay càng phải thấy được đòi buộc cấp bách của việc tiếp nối vai trò vương đế của Chúa Giêsu, khi nhận ra rằng, các ngài được gọi và chọn là để phục vụ bởi lẽ trọn đời sống và tác vụ linh mục gắn liền với sứ mạng đó. «Người muốn sử dụng chúng ta như khí cụ để ngày càng đến gần hơn với dân thánh của Người. Người đã chọn chúng ta từ giữa dân Người và sai chúng ta đến với dân Người, nhất là những người tội lỗi, những kẻ bé mọn, những người đau khổ, bất hạnh, những người bị loại ra bên lề xã hội. Chúa Giêsu vẫn đang chịu đau khổ, chịu đóng đinh qua những con người bất hạnh đó. Trong thế giới mà sự ích kỉ, sự dửng dưng hiển hiện ngày càng nhiều trong tương quan giữa người với người, đôi khi các linh mục bị cám dỗ để giữ một khoảng cách thận trọng với những vết thương của Chúa; bị cám dỗ để phớt lờ câu chuyện người Samaritanô nhân hậu trong Phúc Âm; bị cám dỗ để hành xử như những chức sắc tôn giáo: thầy tư tế, thầy Lêvi trong dụ ngôn đó. Đây là điều đã được chính Đức giáo hoàng Phanxicô đề cập tới trong tông huấn fratelli tutti: «Chúng ta phải nhận biết cơn cám dỗ dai dẳng đeo bám chúng ta, đó là cơn cám dỗ không lưu tâm đến người khác, đặc biệt là những người hèn yếu nhất.
Ngày nay, trước sự ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa loại trừ, Chúa Giêsu muốn các linh mục trở thành nhịp cầu trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Trong tư cách là những mục tử, linh mục khát khao tìm kiếm chiên lạc như Chúa Kitô đã từng làm. Nhiệm vụ chính yếu của chức tư tế thừa tác của linh mục không gì khác hơn ngoài việc chăn dắt Giáo hội với lòng nhiệt thành, sự phục vụ vô vị lợi để trở thành người mục tử mẫu mực theo gương Chúa Kitô, để «con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng» (Ed 34, 16).
Chúa Giêsu muốn các linh mục ra đi, chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của tha nhân thay vì tìm kiếm những nơi an toàn, hưởng thụ cho cá nhân hoặc cộng đoàn; phớt lờ vòng xoáy bất hạnh của nhân loại. Thế giới hôm nay nhìn chung có thể có tất cả: sự giàu có, sự hiện đại, sự “văn mình” nhưng thiếu tình người, thiếu sự chia sẻ, thiếu sự gần gũi thiêng liêng. Trong tư cách là những người sống để làm chứng cho Thiên Chúa, cho vương quốc của Ngài, các linh mục thể hiện phong cách gần gũi của Thiên Chúa, một sự gần gũi từ bị, dịu dàng của người Samaritanô nhân hậu chứ không phải của một vị thẩm phán. Đó cũng là sự gần gũi tinh tế để nhận ra những vết thương không chỉ là những vết thương thể lý cần được xức dầu để chữa trị nhưng còn là những vết thương lòng cần được chữa lành, được cảm thông của một cá nhân, của một cộng đoàn hay một quốc gia.
Đó là sự gần gũi chấp nhận những thiệt thòi cho chính bản thân mình, khi chấp nhận hy sinh công sức, tiền của; nhận chịu những dị nghị xuất phát từ những ràng buộc khắt khe bởi những điểm đặc thù về văn hóa hay tôn giáo, hầu phục vụ những người thân cận, những người đang phải chịu đựng những đau khổ, bất công do bạo lực, tham nhũng bởi sự ích kỉ, thờ ơ, vô cảm của con người thời nay. Đó là sự gần gũi để giúp tha nhân sống đúng với phẩm giá của mình, tìm được nơi mình hình ảnh tốt lành của Thiên Chúa. Đó chính là sự gần gũi, chỉ những ai biết đặt mình trong sự thuộc về cộng đoàn mới đủ sức thi hành, khi coi tất cả mọi người là những người thân cận đích thật.
4.2.2. Sự thuộc về trong vai trò của người cha thiêng liêng
Một trong những thực trạng đáng báo động của thế giới hôm nay mà Đức thánh cha Phanxicô muốn cảnh báo là có rất nhiều người cảm giác bị mồ côi. Dù đang sống trong thời đại với sự phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật, về mạng lưới truyền thông nhưng con người thiếu kinh nghiệm “sự thuộc về”, một sự thuộc về không đặt nền tảng trên sự bó buộc hay áp đặt lẫn nhau nhưng trên tinh thần phục vụ nhau để cùng nhau thăng tiến trong tình huynh đệ.
Điều này sẽ được giải thích, được hiểu cách rõ ràng đối với những người chịu bí tích Rửa tội, nền tảng của sự thuộc về đối với linh mục và cả giáo dân, những người được gọi là bạn hữu của Chúa Giêsu. « Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,…Thầy gọi anh em là bạn hữu». Dù sống trong ơn gọi nào chăng nữa, linh mục và giáo dân đều là những chi thể của Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô; được mời gọi cùng nhau xây dựng Thân Thể đó, như lời mời gọi của thánh Phaolô: vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15). Đó chính là sự hiệp thông, hiệp nhất mà mỗi người phải xây dựng và đồng thời loại trừ tư tưởng, tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô” (1Cr 1,12). Sự chia rẽ làm tổn thương nặng nề đến Thân Thể Chúa Kitô, làm mất đi sự thuộc về vốn có nơi những con người cùng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha và tất cả là anh em với nhau.
Với các linh mục, để hiểu và sống tương quan với giáo dân, các ngài càng phải cảm nhận sự thuộc về của mình với đoàn chiên. «Cùng với tất cả những ai được tái sinh trong suối nước rửa tội, các linh mục là những anh em giữa các anh em mình, là chi thể của một thân thể duy nhất của Chúa Kitô mà mọi người có nhiệm vụ xây dựng». Sự thuộc về đó được diễn tả qua hình ảnh của người chăn chiên nhân lành, không bao giờ chạy trốn nhưng sẵn sàng đương đầu với sói dữ để đoàn chiên luôn được quy tụ trong sự an lành, như công đồng Vaticanô II đã dạy: giữa lòng dân Chúa, các tư tế của Giao Ước Mới, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó cũng đã được dành riêng, không phải để tách biệt khỏi đoàn dân hoặc khỏi bất cứ một ai, nhưng để được thánh hiến hoàn toàn cho công việc Chúa trao phó (x. 2 Cr 1,4). Các linh mục hướng cuộc đời và sứ vụ của mình theo chân dung của mục tử Giêsu, chứ không phải là những giáo sĩ công chức hay những chuyên viên về tâm linh. Cac ngài sống tâm tình của người Cha, người Thầy trong dân Chúa và cho dân Chúa. Đó là người cha thiêng liêng đối với những người con bé nhỏ, những người được sinh ra trong sự quặn đau như thánh Phaolô đã nhắc cho tín hữu cộng đoàn Galát (x. Gl 4,19). Một người Cha dịu dàng, yêu thương trong chừng mực để mang lại ân sủng cho những đứa con: «Thật thế, cho dù anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Giêsu Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em» (1Cr 4, 15).
Chỉ với tâm tình của một người cha thiêng liêng, các linh mục mới can đảm vượt thắng những đau khổ, thử thách để chăm sóc đoàn chiên với lòng nhân ái. Các ngài tìm thấy niềm vui và phần thưởng qua công việc phục vụ hằng ngày, nhiều khi vất vả và đau khổ nữa, để nhiều linh hồn được tái sinh trong Đức Giêsu Kitô. Với tấm lòng phụ tử, linh mục sẽ sử dụng quyền bính, như là amoris officium (thừa tác vụ của tình yêu), làm cho sứ điệp Tin Mừng trở nên lôi cuốn và đáng tin cậy, bằng đời sống khiêm nhường phục vụ, bằng sự tận tụy chỉ vì ích lợi của đoàn chiên.
Và chỉ với tâm tình đó, các linh mục luôn tìm cách thăng tiến bản thân để sinh ích cho đoàn chiên, cho cộng đoàn. Các ngài tìm cách chống lại sự biến dạng của ơn gọi, phát sinh từ việc lãng quên rằng đời sống linh mục là một sự mắc nợ người khác. Có như vậy, các linh mục mới đứng vững trước não trạng đáng lo trong giáo hội hiện nay: thái độ giáo sĩ trị, thái độ làm cho các linh mục chú trọng chức vị hơn sứ vụ, sử dụng quyền bính để thống trị hơn là yêu thương, quan tâm đến quyền lợi cá nhân thay vì thiện ích của đoàn chiên...; làm cho các ngài có nguy cơ rơi vào não trạng muốn giảm trừ chức linh mục thừa tác vào các công việc dịch vụ mà coi nhẹ sứ vụ thiêng liêng, dẫn đến những lối sống không phù hợp, nguy hiểm cho đời sống và ơn gọi tu trì, dẫn đến sự suy thoái, sự băng hoại và thậm chí là sự sa đọa, được cấu thành bằng sự xa cách.
Trong bối cảnh hiện nay, với lời mời gọi sống hiệp hành của Giáo hội, được khởi xướng từ Đức giáo hoàng Phanxicô, các linh mục ý thức hơn nữa vai trò Cha thiêng liêng của mình để không những chu toàn bổn phận phục vụ được trao phó trong một cộng đoàn nhất định mà còn mở ra với tất cả mọi người trong viễn tượng làm chứng cho Chúa. Người Cha đúng nghĩa không bao giờ được phép giới hạn mình vào một nhóm người, vào những giáo dân được gọi là “tuyển chọn” hay vào một hiệp hội nào đó. Đó quả thật là sự cám dỗ rất mạnh mà nếu không thắng được, người linh mục sẽ tự hủy hoại bản thân như Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh:
Sứ mạng của tôi ở giữa lòng dân chúng, không phải chỉ là một phần của cuộc đời tôi, hay một đồ trang sức mà tôi có thể tùy tiện cởi bỏ, cũng không phải một phần phụ thêm hoặc chỉ là một khoảnh khắc nào đó trong sự hiện hữu của tôi. Đó là điều mà tôi không thể xóa bỏ khỏi vai trò là một linh mục nếu tôi không muốn tự hủy hoại bản thân mình. Tôi là một sứ mệnh trên trần gian này, và đó là lý do tại sao tôi hiện hữu trên thế giới này. Chúng ta phải nhận ra mình là người được ghi dấu bằng lửa mến cho sứ mệnh chiếu sáng, chúc lành, tái sinh, đỡ nâng, chữa lành, giải thoát.
Đó chắc hẳn là sự thuộc về rất sâu đậm giúp các linh mục chu toàn sứ mạng của mình trong sự gần gũi thiêng liêng, với lòng nhiệt thành phục vụ, sự quảng đại cho đi để cho đoàn chiên trở nên một và được sống dồi dào theo như nguyện ước của Chúa Giêsu.
KẾT LUẬN
Để kết luận cho tư tưởng về nền tảng thần học về chức linh mục của mình, Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh một lần nữa mối liên hệ hỗ tương giữa hai tương quan chính yếu trong cuộc đời linh mục: tương quan giữa linh mục với Chúa và tương quan giữa linh mục với giáo dân. Trên phương diện thần học về chức linh mục, điểm xuất phát của ơn gọi linh mục là chính Chúa, còn điểm đến của sứ mạng linh mục là giáo dân. Còn trên phương diện cứu độ, điểm xuất phát của người linh mục là những người được rửa tội, cùng với các anh chị em giáo dân và điểm đến là sự hoàn thiện trong đời sống, kết hợp với Chúa.
Đức thánh cha Phanxicô muốn nhắc tất cả linh mục của Chúa thấy được sự kết nối giữa sự gần gũi với dân Chúa và sự gần gũi với chính Chúa, vì lời cầu nguyện của người mục tử được nuôi dưỡng và thể hiện trong lòng dân Chúa. Đó chính là phương thế nền tảng để các linh mục biết mình bắt đầu từ đâu và hướng tới mục đích nào để sống đúng căn tính và thực thi sứ mạng của mình.
Đó đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh để các linh mục thực tế một chút để chất vấn bản thân về những tương quan trong bối cảnh đổi thay của thế giới hôm nay, hầu khơi dậy càng mạnh mẽ hơn nữa tâm hồn vui tươi, sự bồn chồn của thuở ban đầu đời linh mục, những giá trị chạm thấu con tim, khối óc của các ngài. Nhờ đó các ngài không chút sợ hãi, không cứng nhắc, không làm giảm nhẹ hoặc làm nghèo sứ vụ của mình nhưng càng dấn thân hơn để sống với Chúa, với tha nhân; sống cho Chúa và cho tha nhân.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề quốc tế về nền tảng thần học của chức linh mục, 17.2.2022.
Augustino, Bài giảng 340, 1 : PL 38,1483.
x. Phanxicô, bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit
x. Phanxicô, bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục: Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục, số 41.
Gioan Phaolo Ii, Pastores Dabo Vobis, số 26.
x. Phanxicô, bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, Trần Đình Quảng dịch, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 20.
x. Phanxicô, bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 20.
x. Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 25.
Võ Đức Minh, «Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: cô độc và liên đới», 2010, https://tgpsaigon.net/bai-viet/mosevi-lanh-dao-cua-dan-chua-co-doc-va-lien-doi-42745
x. Võ Đức Minh, «Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: cô độc và liên đới», 2010, https://tgpsaigon.net/bai-viet/mosevi-lanh-dao-cua-dan-chua-co-doc-va-lien-doi-42745
x. PHANXICÔ, Bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
CARLO MARIA MARTINI, Incontro al Signore Risorto, San Paolo, tr. 102.
Phanxico, «La preghiera di Giacobbe», udienza generale, 10.6.2020.
x. Phanxico, «La preghiera di Giacobbe», udienza generale, 10.6.2020.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
rcf.fr, Beatrice Soltner, «Đêm tối của đức tin, mất Chúa để rồi thấy Chúa theo một cách khác», 28.8.2020, https://phanxico.vn/2021/08/16/dem-toi-cua-duc-tin-mat-chua-de-roi-thay-chua-theo-mot-cach-khac/
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Gabriel Witaszek, C.Ss.R, «Khi Thiên Chúa tiếp tục im lặng», 10.6.2020, trong https://dcctvn.org/khi-thien-chua-tiep-tuc-im-lang/
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Pio Xii, Radiomessaggio 26.10. 1946, in Discorsi e radiomessaggi, vol. VIII, p. 584.
x. trong Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 324.
x. trong Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 174.
x. trong Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 323.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Gioan Phaolô II, «La virtù teologale della carità: amore verso Dio», udienza generale, 13.10.1999
Becky Benenate, Joseph Durepos, Mẹ Têrêsa – Trên cả tình yêu, Dịch giả: Bích Nga, Ngọc Sáu, Hoa Phượng, 2008,
https://daminhtamhiep.net/2013/07/me-teresa-tren-ca-tinh-yeu/
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Gioan Phaolô II, thư gởi các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh, 08.4.1979.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 2: AAS 58 (1966), 991-993; Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 3: AAS 84 (1992), 660-662; Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, số 6.
Gioan Phaolo II, «Linh mục chia sẻ chức tư tế của Chúa Kitô», Udienza generale, 31.3.1993.
Gioan Phaolo II, «Linh mục chia sẻ chức tư tế của Chúa Kitô», Udienza generale, 31.3.1993; x. Cđ Vaticanô II, Lumen Gentium, số 28; Glhtcg, số 1564.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 2; Glhtcg, số 1563.
Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 28.
Gioan Phaolo II, «Linh mục chia sẻ chức tư tế của Chúa Kitô», Udienza generale, 31.3.1993.
Gioan Phaolo II, «Linh mục chia sẻ chức tư tế của Chúa Kitô», Udienza generale, 31.3.1993.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 2; Glhtcg, số 1562.
x. Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 98.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị..., 17.2.2022.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 96-97.
x. trong Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit.,tr. 100.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị..., 17.2.2022.
x. Gioan Phaolô II, Vita Consegrata, số 91.
x. Gioan Phaolô II, Vita Consegrata, số 92.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 100.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị..., 17.2.2022.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 7.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị..., 17.2.2022.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 7.
x. Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, số 128.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 8.
x. Vianney Fernando, «Những vấn đề khúc mắc và nan giải về các mối tương quan của các linh mục ảnh hưởng đến tác vụ mục vụ và đời sống của họ», bài thuyết trình tại Hội Nghị Các Giám Mục về “chăm sóc các linh mục, đặc biệt cho những linh mục đang gặp khó khăn”, tại Trung Tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya - Thái Lan, từ ngày 27/8-1/9/2007.
Vianney Fernando, «Những vấn đề khúc mắc và nan giải…», op.cit.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 8.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 12.
Phạm Minh Mẫn, thư gởi các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh, 01.4.2010, https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/BaiGiangCacDC/18BaiGiangThuNamTT-DHYMan.htm
Benedicto XVI, diễn văn dành cho các giám đốc và đại chủng sinh thuộc 3 Đại Chủng Viện Miền ở Italia, Campania, Umbria, Calabria, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, ngày 26.01.2012.
x. Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 66.
Jean Vanier, Đời Sống Cộng Đoàn, dịch giả Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, tr. 20.
Gioan Phaolô II, Centessimus Annus, số 53-62.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Phanxicô, Regina Caeli, tại quảng trường thánh Phêrô, 09.5.2021.
x. Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 23.
Phanxicô, Regina Caeli, tại quảng trường thánh Phêrô, 09.5.2021.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 1.
Benedicto XVI, Sứ điệp ơn thiên triệu, 2009.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Vianney Fernando, «Những vấn đề khúc mắc và nan giải…», op.cit.
Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 77.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 8.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 8.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Gioan Phaolô II, Thư gởi các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh, 08.4.1979.
Phaolô VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 12.
Gioan Phaolô II, Thư gởi các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh, 08.4.1979.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 16.
Phaolô VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 22.
Gioan Phaolô II, Thư gởi các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh, 08.4.1979.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 416.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 419.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 419.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 16.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 225.
Jordan Aumann, op., Spiritual Theology, 1993, tr. 131.
x. Jordan Aumann, op., Spiritual Theology, volume II, Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, tr. 448.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 225.
x. Jordan Aumann, op., Spiritual Theology, volume II, Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, tr. 448.
donald p. mcneill, Doughlas a. morrison, Henri j. m. nouwen, «Lòng Trắc Ẩn – Một Suy Tư về Đời Sống Kitô Hữu», PHAN THOA chuyển ngữ, trong https://daminhbuichu.net/su-kien-nhan/
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
donald p. Mcneill, doughlas a. Morrison, henri j. M. Nouwen, «Lòng Trắc Ẩn…», op.cit.
x. Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 226.
x. Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 242.
x. donald p. mcneill, doughlas a. morrison, henri j. m. nouwen, «Lòng Trắc Ẩn…», op.cit.
14.3.1859 – 6.7.1945, là Hồng y người Ba Lan, nguyên Tổng giám mục của Breslau
Adolf Bertram, Đặc sủng của đời linh mục, Nxb Tôn giáo, 2008, tr. 16.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 8.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 8.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Phanxicô, Bài giảng tại nguyện đường thánh Macta, 23.01.2014.
Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Phanxicô, Bài giảng tại nguyện đường thánh Macta, 23.01.2014.
Eymard An Mai Đỗ, O.Cist, «người ghen tị», 03.01.2023, https://giaophandalat.com/nguoi-ghen-ti.html
x. Phanxicô, Bài giảng tại nguyện đường thánh Macta, 23.01.2014; bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
Trọng Nhân, «tình yêu và đố kỵ», 13.5.2023, https://dcctvn.org/tinh-yeu-va-do-ky/
Eymard An Mai Đỗ, O.Cist, «người ghen tị», 03.01.2023, https://giaophandalat.com/nguoi-ghen-ti.html
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới trẻ, 03.10.2018.
Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính hiệp hành trong Giáo hội, Tài liệu chuẩn bị, số 6.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 2.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
x. Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 16.
Bộ Giáo Sĩ, chỉ nam thừa tác vụ và đời sống linh mục, số 14.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị op.cit.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 5.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 4.
Công Đồng Vaticanô II, Sacrosanctum concilium, số 59.
x. Đỗ Xuân Quế, Bí Tích Truyền Chức Thánh, 2005, tr.50; Hoàng Văn Hoà, «Vai trò đích thực của chức linh mục trong Hội Thánh», trong Thời sự Thần học – Số 2, Tháng 2/2009, tr. 147-157.
Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 10.
trong Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 265.
Tymothy M.Dolan, Linh Mục Cho…, op.cit., tr. 264.
Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 272.
Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 49.
Gioan Phaolô II, thư gởi các linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh, 08.4.1979.
Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 268.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị op.cit.
Phanxicô, Fratelli Tutti, số 64.
x. Hoàng Văn Hoà, «Vai trò đích thực của chức linh mục trong Hội Thánh», trong Thời sự Thần học – Số 2, Tháng 2/2009, tr. 147-157.
x. Phanxicô, bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
x. Phanxicô, bài phát biểu tại hội nghị…, op.cit.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 3.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Công Đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 9.
Bùi Công Trác, «cùng nhau cất bước hành trình: linh mục hiệp nhất với giám mục và phục vụ các tín hữu», 30.8.2022. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cung-nhau-cat-buoc-hanh-trinh-linh-muc-hiep-nhat-voi-giam-muc-va-phuc-vu-cac-tin-huu-46426
x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam thừa tác vụ và đời sống linh mục, số 55.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị …, op.cit.
Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 273.
x. Phanxicô, Bài phát biểu tại hội nghị..., 17.2.2022