Từ Đồ Bàn đến Bình Định

CHÚA NHẬT - 06/04/2025 22:02
thanhdoban

Bình Định – vùng đất võ oai hùng và thơ mộng, được tái hiện qua những vần thơ mà người thơ tạm gọi là tiếng lòng vọng về từ lịch sử xa xăm của Đồ Bàn; vang vọng qua những trận chiến Tây Sơn hào hùng; và lan tỏa trong hơi thở dịu dàng của biển cả, núi đồi, con người nơi đây – hay cũng chỉ đơn giản là những tản mạn về Bình Định.

Từ "Từ Đồ Bàn đến Bình Định", người đọc được dẫn dắt đi qua chiều dài lịch sử với những đổi thay tên gọi, những biến thiên của thời gian và khát vọng giữ gìn bản sắc. Đến "Bình Định – Hồn võ, dáng thơ", ta như bắt gặp một bức tranh giao hòa giữa cái cứng cỏi của võ thuật và nét dịu dàng của hồn thơ đất biển. Còn "Bình Định – Võ Khí Dáng Non Sông" lại là khúc tráng ca về truyền thống, là niềm tự hào khắc sâu vào lòng hậu thế.

"Tôi phải lòng Qui Nhơn" đưa ta đến với một góc nhìn riêng tư, đầy cảm xúc – một tình yêu dành cho thành phố biển không chỉ bằng ánh mắt, mà bằng cả trái tim. Còn "Một Thoáng Bình Yên" là dư âm nhẹ nhàng của những ngày đã qua – nơi ký ức và hiện tại hòa quyện trong một nỗi nhớ rất đỗi dịu dàng.

Những vần thơ ấy không chỉ nói về đất và người Bình Định, mà còn là lời mời gọi tha thiết dành cho bất cứ ai từng ghé qua, từng thương mến, hay chỉ vừa mới đọc trang thơ đầu tiên. Để rồi, trong từng con chữ, ta bắt gặp một Bình Định – miền đất không chỉ in dấu trên bản đồ, mà còn khắc sâu trong hồn người.

Từ Đồ Bàn Đến Bình Định

Dư luận dậy sóng câu,
Gió cuốn tin đi mau,
Gia Lai nhập Bình Định,
Rồi sẽ mờ nơi đâu.

Có tiếng ai thở dài,
Ánh mắt buồn miệt mài,
Nhưng ai từng tự hỏi:
Tên ấy có tàn phai?

Xưa kia thuở xa xôi,
Vijaya rạng ngời,
Đồ Bàn, Trà Bàn cũ,
Một vương quốc sáng soi.

Lửa binh cùng tro tàn,
Lê Thánh Tông tiến sang,
Đồ Bàn thành dĩ vãng,
Hoài Nhơn tên gọi vang.

Rồi gió đổi chiều bay,
Nguyễn Hoàng đặt tên ngay,
Gửi vào niềm mong ước,
Dân hiền thuận nước lay.

Mơ an lành bền lâu,
Nhưng gươm đao sáng màu,
Tây Sơn vùng lên mạnh,
Nghĩa khí rực đỉnh đâu.

Nguyễn Ánh hận chưa tan,
Hận cả bóng thời gian,
Qui Nhơn, tên bị hận,
Cắt đi một thời gian.

Bình Định – đất gục đầu,
Bão gào, chiến tranh đau,
Sóng bạc đầu vỗ mãi,
Nhớ thương chẳng phai màu.

Nếu mất tên hôm nay,
Hóa kiếp một lần thay,
Xin trả về Qui Nhơn,
Cho đất một ngày mai.

Biển rộng chờ cánh buồm,
Núi rừng một giấc thương,
Cho người đứng thẳng dậy,
Giữa trời xanh mến thương!

Bình Định – Hồn võ, dáng thơ

Quê tôi thơ võ khiêm nhu,
Núi nghe gió hát, biển ru sóng nằm.
Sóng xô bờ cát trắng ngần,
Rì rào kể chuyện xa xăm thuở nào.

Đường thơ uốn lượn thân chào,
Dẫn người về lại phố nào Qui Nhơn.
Nắng vương trên mái nhà đơn,
Sóng xanh màu ngọc, bến đờn ngân xa.

Trời xanh như nét huyền ca,
Nơi xưa Nguyễn Huệ xông pha đăng đài.
Gió Tây Sơn cuộn đường dài,
Chân người dậy sóng, sông hoài vọng vang.

Đất trời rền tiếng trống vang,
Làng xưa lưu dấu thời gian thắm nồng.
Tay vung quyền, gót xoay vòng,
Giữ hồn dân tộc, sáng dòng gươm thiêng.

Bài chòi nghiêng bóng chợ phiên,
Hát bội ngân vọng, tháp xiên bóng Chàm.
Hoàng hôn vương sắc dịu dàng,
Tháp xưa in bóng, mơ màng trời xa.

Biển quê xanh tựa lời ca,
Trung Lương, Hải Giáng – quê nhà chờ mong.
Nhơn Châu, Đảo Yến lặng trong,
Thuyền nằm mơ giữa trời hồng cổ xưa.

Cồn cát ngồi, chén rượu đưa,
Cay nồng Bàu Đá, lòng chưa nhạt nhòa.
Lá gai bánh ít đậm đà,
Nhấp môi chợt thấy quê nhà thấm sâu.

Quê tôi – võ khí rạng màu,
Lời thơ hòa biển, tình câu núi đồi.
Quê hương anh kiệt đời đời,
Một miền thương nhớ, rạng ngời trong tim.

Bình Định – Võ Khí Dáng Non Sông

Cha ông xuôi bước về phương,
Mở mang bờ cõi, quê hương dậy trào.
Trời cao đón, đất gọi chào,
Dựng xây yêu mến, khắc vào nước non.

Quê hương – đất võ, trời son,
Dòng xưa lịch sử vẫn còn chảy xuôi.
Tháp Chàm sưởi ấm bao người,
Tây Sơn kiếm bạc một thời nghĩa ơn.

An Nhơn, Phù Cát, Qui Nhơn,
Tháp xưa son sắt, nắng hờn hoàng hôn.
Trăng soi bóng đổ cội nguồn,
Rọi hồn năm tháng, sắc son quê nhà.

Về đây nghe hát Tuồng ca,
Bài chòi ngân vọng thiết tha nghĩa tình.
Nhịp nhàng như tiếng lòng mình,
Gửi đêm thương nhớ bóng hình cha ông.

Yêu quê đâu chỉ đợi mong,
Mà là hương gió thổi nồng biển xanh.
Rượu Bàu cay, bánh xèo thanh,
Bún thơm, nem ngọt, ngọt lành quê ta.

Ghé thăm làng cũ quê nhà,
Phú Gia nón ngựa, thêu hoa nét tài.
Gỗ Nhơn Hậu chạm trang đài,
Lưu truyền tinh túy muôn đời chẳng phai.

Ai đi xa vẫn nhớ hoài,
Quê hương lưu luyến, chẳng phai trong lòng.
Qui Nhơn sóng vỗ xuôi dòng,
Tháp xưa, đường cũ, mặn nồng tình quê.

Tôi phải lòng Qui Nhơn
Tôi người con đất nẫu,
Phải lòng chàng Qui Nhơn.
Tiếng tình chàng vẫy gọi,
Tim tôi rung khẽ hơn.

Qui Nhơn, thành phố biển,
Như giấc mộng dịu dàng.
Biển xanh vờn bờ cát,
Dừa nghiêng bóng gió ngàn.

Lần đầu vừa chạm ngõ,
Mắt chàng bừng sáng trong.
Gió biển đùa trên tóc,
Hồn tôi say mênh mông.

Qui Nhơn, dạt dào sóng,
Trăng vẽ giấc mơ mềm.
Bước chân trên phố nhỏ,
Lòng thương nhớ từng đêm.

Bãi Trứng, ngàn sỏi đá,
Lấp lánh ánh trăng ngà.
Hoàng hậu xưa ngơ ngẩn,
Bởi nét đẹp kiêu sa.

Hàn Mặc Tử tựa núi,
Câu thơ đắm hồn người.
Gió trời hòa tiếng sóng,
Chắp cánh áng thơ rơi.

Tôi, người mang tình mộng,
Được chàng ôm dịu dàng.
Gió ru trong đêm vắng,
Tình như sóng vỡ tràn.

Biển xanh, cát trắng reo,
Chàng yêu đến ngọt ngào.
Qui Nhơn, tôi nguyện ước,
Tình người mãi dạt dào.

Chị lao công, anh giữ,
Ai cũng tựa thân thương.
Bước đi xa, lòng nhớ,
Qui Nhơn, sáng phố phường.

Dòng sông yêu mãi chảy,
Tan vào gió, vào mây.
Dẫu chân tôi có lạc,
Chàng vẫn đợi tôi đây.


Một Thoáng Bình Yên

Bình Định,
Chẳng kiêu sa như Đà Nẵng,
Chẳng náo nhiệt tựa Nha Trang.
Chỉ có biển dịu dàng,
Tình quê nhà nồng ấm.

Tôi đã qua
Những mùa trăng,
Lòng vẫn còn thổn thức
Nhớ một nơi xa.
Có nắng vàng trên cát,
Gió mặn mà biển xanh.

Tuổi thơ tôi,
Nghe sóng kể chuyện
Biển thân thương
Ôm tháng năm.

Bình Định thương nhớ,
Phố chiều tà áo trắng thơ ngây.
Người qua lại,
Ánh nhìn đượm bình yên.

Eo Gió thì thầm,
Kỳ Co sóng vỗ,
Cù Lao ngọc biếc.
Núi Bà đứng trầm mặc,
Gò Thị cổ mộ xưa,
Những đồng lúa
Rực hạt vàng trong nắng.

Dấu tích chứng nhân,
Một đời cống hiến,
Cho đất lành “bình yên chim đậu”,
Cho đức tin nở hoa hiền hậu,
Nồng nàn tình quê.

Ai một lần ghé đến,
Cũng nhớ nhung Qui Nhơn,
Ghé mộ Hàn dưới chân Mẹ Thánh Tâm.

                                                  

 

Tác giả:  Cát Đen

 Tags: Văn thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây