Chúa Nhật XXXII Thường Niên

Chúa Nhật XXXII Thường Niên
Có ngày sinh chắc chắn phải có ngày chết. Nếu ngày sinh, chúng ta cất tiếng khóc trong niềm vui mừng của mọi người, thì ngày chết, mọi người sẽ khóc cho kiếp người đến đây kết thúc. Vậy, chết là lẽ thường tình của một kiếp người. Nhưng đằng sau cái chết cuộc đời của con người sẽ đi về đâu? Bên kia cái chết là gì? (Lm. Phanxicô Phạm Đình Triều)
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN
 
Lm. Phanxicô Phạm Đình Triều

Có ngày sinh chắc chắn phải có ngày chết. Nếu ngày sinh, chúng ta cất tiếng khóc trong niềm vui mừng của mọi người, thì ngày chết, mọi người sẽ khóc cho kiếp người đến đây kết thúc. Vậy, chết là lẽ thường tình của một kiếp người. Nhưng đằng sau cái chết cuộc đời của con người sẽ đi về đâu? Bên kia cái chết là gì?

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy nhóm Sa đốc không tin có sự sống lại. Họ hoàn toàn phủ nhận tất cả những gì không nằm trong bộ Ngũ Thư, họ bác bỏ tất  cả các sách còn lại. Trong bộ Ngũ Thư của Mô sê không nói trực tiếp đến vấn đề sống lại. Có chăng chỉ là những hình ảnh. Vì thế, họ không tin.

Khởi đi từ quan niệm như vậy, nên họ đã đặt ra cho Đức Giêsu một tình huống hết sức ly kỳ. Họ trưng ra một câu chuyện không thể nào xảy ra trong cuộc sống: khi có hai người lấy nhau, người chồng chết mà không có con, theo luật, người vợ đó sẽ được lấy tiếp người anh em còn sống để có con nối dõi, và lần lượt như thế tới 7 đời chồng mà vẫn không có con, vấn nạn đặt ra là sau khi sống lại, người đàn bà này sẽ là vợ của ai? (x. Lc 20, 27-38)

Khi đặt ra cho Đức Giêsu câu hỏi như vậy, một mặt họ muốn gài bẫy Đức Giêsu để kiếm cớ tố cáo Ngài; mặt khác, họ muốn so tài với nhóm Biệt Phái và Pharisêu, vì hai nhóm đã thất bại nhiều lần và chịu sự khiển trách nặng nề của Chúa. Nhân cơ hội này, Chúa đã mạc khải cho họ về sự sống lại và cuộc sống của con người sau cái chết. "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần” (Lc 20, 35).

Thật vậy, ở đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện: sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, họ cũng không cần phải lấy vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, là sung mãn, là trọn vẹn. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, bởi vì: Thiên Chúa vẫn là Đấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là một vị Thiên Chúa của kẻ chết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được vào dự phần vinh phúc đó, chỉ những người được Chúa chọn và mời gọi. Họ là những con chiên được tuyển chọn và được tách ra khỏi dê, là lúa tốt được phân rẽ ra khỏi cỏ lùng, là cá tốt được lọc ra khỏi cá xấu... Họ là con cái Thiên Chúa, khi chết, họ trở về ngôi nhà vĩnh cửu của Cha mình để tận hưởng niềm vui và hạnh phúc.

Như vậy, qua mạc khải của Đức Giêsu về sự sống lại, nên chúng ta tin: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26). Niềm tin ấy đạt đến đỉnh cao khi chính Đức Giêsu, Đấng đã chết, được mai táng trong mồ ba ngày, và ngày thứ ba đã trỗi dậy từ cõi chết. Niềm tin này đã được các tông đồ loan báo và làm chứng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3, 15; x. Cv 2,32; 10,41). Thật vậy: “Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1 Cr 6,14). Niềm tin này đã được Giáo Hội tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”.

Khi tin như thế, cái chết chỉ là sự thay đổi mà không mất đi, là cánh cửa ta cần bước qua để tiến vào sự sống viên mãn và vĩnh cửu. Quả thật, nếu không có sự sống lại sau cõi chết, thì niềm tin của chúng ta trở nên mù quáng, điều này cũng đã được chính thánh Phaolô diễn tả khi nói: “Nếu chết là hết, thì quả thực chúng ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ” (x. 1Cr 15,19).

Tuy nhiên, sống hay chết vẫn là một sự chọn lựa. Cuộc sống đời sau là có thật, nhưng để đạt được hạnh phúc hay không lại tùy vào thái độ và sự lựa chọn của mỗi người chúng ta. Xin cho chúng ta luôn biết chọn Chúa làm gia nghiệp của cuộc đời, để chúng ta cùng chết và sống lại với Người. (x. Jos Ngọc Biển)