Chúa Nhật, ngày 9 tháng 4 năm 2023
Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã sống lại!
Hôm nay chúng ta tuyên xưng rằng Người là Chúa của cuộc đời chúng ta, là “sự sống lại và là sự sống” của thế gian (x. Ga 11,25). Phục Sinh, có nghĩa là “vượt qua”, bởi vì nơi Chúa Giêsu, cuộc vượt qua mang tính quyết định của nhân loại đã được thực hiện. Đó là cuộc vượt qua từ cái chết đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sợ hãi đến tin tưởng, từ u sầu đến hiệp thông. Trong Thiên Chúa của thời gian và lịch sử, tôi muốn nói với tất cả mọi người bằng niềm vui trong lòng: Chúc Mừng Lễ Phục Sinh!
Anh chị em thân mến, xin Chúa cho mỗi người trong anh chị em, nhất là cho những người đau yếu và nghèo khổ, cho những người già cả và cho những ai đang trải qua những giây phút thử thách và mệt mỏi, một cuộc vượt qua từ gian truân đến an ủi. Chúng ta không đơn độc: Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, luôn ở với chúng ta. Giáo hội và thế giới hân hoan vì hôm nay niềm hy vọng của chúng ta không bị vụn vỡ vì chọi vào bức tường sự chết nữa, nhưng Chúa đã mở cho chúng ta một nhịp cầu dẫn đến sự sống. Vâng, thưa anh chị em, vào lễ Phục sinh, vận mệnh của thế giới đã thay đổi và hôm nay, cũng trùng với dữ kiện có thể xảy ra nhất về sự phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta có thể vui mừng cử hành ngày quan trọng và đẹp đẽ nhất trong lịch sử, nhờ ân sủng thuần khiết.
Chúa Kitô đã sống lại, Người đã sống lại thật, như các Giáo hội Đông phương đã công bố: Christòs anesti! Điều đó thực sự cho chúng ta biết rằng hy vọng không phải là ảo tưởng, đó là sự thật! Và hành trình của nhân loại từ Lễ Phục Sinh trở đi, được đánh dấu bằng niềm hy vọng, tiến triển mau chóng hơn. Những nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh cho chúng ta thấy điều này qua tấm gương của họ. Các Tin Mừng thuật lại sự vội vàng tốt đẹp vào ngày Chúa Phục sinh “các bà chạy về báo tin cho các môn đệ” (Mt 28,8). Và, sau khi bà Maria Mađalêna “chạy về gặp ông Simon Phêrô” (Ga 20,2), thì chính Gioan và Phêrô, “cả hai cùng chạy” (x. câu 4) đến nơi chôn cất Chúa Giêsu. Và rồi vào chiều Phục sinh, sau khi gặp Đấng Phục Sinh trên đường Emmau, hai môn đệ “lên đường không chậm trễ” (Lc 24,33), họ vội vã vượt qua nhiều cây số nhọc nhằn và trong bóng tối, họ xúc động bởi niềm vui Phục sinh không thể kìm nén đang bừng cháy trong tâm hồn họ (x. câu 32). Cũng chính niềm vui đó mà trên bờ hồ Galilêa, khi thấy Chúa Giêsu phục sinh, Phêrô đã không thể ở lại thuyền với các bạn mà lập tức nhảy xuống nước bơi thật nhanh để gặp Người (x. Ga 21,7). Nói tóm lại, vào Lễ Phục Sinh, cuộc hành trình bắt đầu tăng tốc và trở nên vội vã, bởi vì nhân loại nhìn thấy mục tiêu trong hành trình của mình, ý nghĩa về định mệnh của mình, là Chúa Giêsu Kitô, và được kêu gọi nhanh chóng chạy đến với Người, là niềm hy vọng của thế giới.
Chúng ta cũng hãy gấp rút gia tăng con đường tin cậy lẫn nhau: giữa người với người, giữa các dân tộc và các quốc gia với nhau. Hãy để cho mình biết ngạc nhiên trước lời loan báo hân hoan về Phục sinh, trước ánh sáng chiếu soi bóng tối và những điều tối tăm mà thế giới thường bị bao phủ.
Chúng ta hãy nhanh chóng vượt qua những xung đột và chia rẽ, mở lòng ra cho những người đang cần giúp đỡ nhất. Chúng ta hãy nhanh chóng bước đi trên con đường hòa bình và tình huynh đệ. Chúng ta vui mừng trước những dấu hiệu cụ thể của niềm hy vọng từ rất nhiều quốc gia đến với chúng ta, bắt đầu từ những quốc gia cung cấp sự cứu trợ và tiếp đón những người đào thoát khỏi chiến tranh và nghèo đói.
Tuy nhiên, trên đường đi, vẫn còn nhiều hòn đá gây ngăn trở, làm cho cuộc hành trình tiến về Chúa Phục sinh của chúng ta trở nên gian nan và vất vả. Chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu khẩn: Xin Chúa giúp chúng ta biết chạy đến cùng Người! Xin Chúa giúp chúng ta biết mở rộng tấm lòng.
Xin Chúa nâng đỡ người dân Ukraine thân yêu trên con đường hướng đến hòa bình, và xin ánh sáng Phục sinh tuôn đổ trên người dân Nga. Xin Chúa an ủi những người thương tật, người bị mất người thân trong chiến tranh và xin cho các tù nhân được trở về với gia đình họ một cách an toàn. Xin Chúa mở rộng tấm lòng của toàn thể cộng đồng quốc tế để họ cùng gắng sức nhằm chấm dứt cuộc chiến này và tất cả các cuộc xung đột đang làm thế giới đẫm máu, bắt đầu từ Syria, đất nước vẫn đang chờ đợi hòa bình. Xin nâng đỡ những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở chính Syria. Chúng ta cầu nguyện cho những người lạc mất gia đình, bạn hữu và những người vô gia cư: xin cho họ nhận được sự an ủi từ Thiên Chúa và sự giúp đỡ từ gia đình của các quốc gia.
Lạy Chúa, trong ngày này, chúng con xin phó thác cho Chúa thành Giêrusalem, chứng nhân đầu tiên về sự Phục sinh của Chúa.
Tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công trong những ngày gần đây đang đe dọa bầu không khí tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, mong sao nối lại cuộc đối thoại cần thiết giữa người Israel và Palestine, để hòa bình có thể ngự trị tại Thành Thánh và trên toàn Khu vực.
Lạy Chúa, xin giúp người dân Liban vẫn đang tìm kiếm sự ổn định và thống nhất, để họ có thể vượt qua những chia rẽ và mọi công dân có thể cùng nhau làm việc vì lợi ích chung của đất nước.
Xin đừng quên người dân Tunisia thân yêu, đặc biệt là những người trẻ và những người đang phải chịu đựng những vấn đề xã hội và kinh tế, xin cho họ không mất hy vọng và cộng tác trong việc xây dựng một tương lai hòa bình và tình huynh đệ.
Xin đoái nhìn đến Haiti, quốc gia đang phải chịu một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội và nhân đạo nghiêm trọng trong nhiều năm, và ủng hộ cam kết của các chính trị viên và cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp dứt khoát cho nhiều vấn đề đang gây khó khăn cho người dân ở đó.
Xin củng cố các tiến trình hòa bình và hòa giải được thực hiện ở Ethiopia và Nam Sudan, đồng thời chấm dứt bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Lạy Chúa, xin nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu mà hôm nay đang cử hành lễ Phục sinh trong những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như ở Nicaragua và Eritrea, và xin Chúa nhớ đến tất cả những người bị ngăn cản không được tự do và công khai tuyên xưng đức tin của mình. Xin Chúa an ủi các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Mozambique và Nigeria.
Xin giúp Myanmar đi trên con đường hòa bình và soi lòng mở trí những nhà hữu trách để những người Rohingya tử vì đạo tìm được công lý.
Xin Chúa an ủi những người tị nạn, người bị trục xuất, tù nhân chính trị và những người di cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như tất cả những ai phải chịu đói nghèo và những tác hại của việc buôn bán ma túy, buôn người và mọi hình thức nô lệ. Lạy Chúa, xin gợi hứng cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, để không một ai bị phân biệt đối xử và nhân phẩm bị chà đạp; để trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người và dân chủ, những vết thương xã hội này có thể được chữa lành, lợi ích chung của công dân có thể luôn luôn và chỉ được tìm kiếm, an ninh và các điều kiện cần thiết cho đối thoại và chung sống hòa bình có thể được bảo đảm.
Anh chị thân mến, hãy tìm lại hương vị của cuộc hành trình, chúng ta hãy tăng tốc nhịp đập của hy vọng, hãy cảm nếm vẻ đẹp của Thiên Đàng! Hôm nay chúng ta lấy lại năng lượng để tiến bước trong cuộc gặp gỡ tốt đẹp với Đấng Thiện Hảo, Đấng sẽ không làm chúng ta thất vọng. Và, như một Giáo phụ xưa đã viết, nếu “tội lỗi lớn nhất là không tin vào năng lực của sự Phục sinh” (Thánh Isaac thành Nineve, Sermones ascetici , I,5), thì ngày nay chúng ta tin rằng: “Vâng, chúng ta xác tín: Chúa Kitô đã sống lại thật rồi" (ca tiếp liên). Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào Chúa, chúng con tin rằng cùng với Chúa, niềm hy vọng được tái sinh, cuộc hành trình vẫn tiếp tục. Lạy Chúa là Thiên Chúa của sự sống, xin nâng đỡ các cuộc hành trình của chúng con và xin Chúa cũng lặp lại với chúng con như đã từng nói với các môn đệ vào chiều Phục Sinh: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19.21). G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ