Điểm hành hương Năm Thánh 2025: Giáo hạt Quảng Ngãi

Thứ năm - 09/01/2025 07:44
GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI
 
 
A. 2 NHÀ THỜ
1. Nhà thờ Châu Ổ

 

Tọa lạc tại khu vực 3, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Thời cha Tôma Bùi Đức làm cha sở Trung Tín (1957-1964), việc truyền giáo phát triển mạnh. Nhiều nhà nguyện dần dần được hình thành, trong đó có nhà thờ Bình Vân thuộc xã Bình Vân, huyện Bình Sơn, ngày nay là thị trấn Châu Ổ, được chọn làm trung tâm sinh hoạt phụng vụ của Trung tâm Truyền giáo Châu Ổ. Ngày 25.03.1963, vùng truyền giáo nầy được giao cho Dòng Chúa Cứu Thế.

Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách một vùng đất được đánh dấu bằng thập giá nghèo khổ, bất hạnh, chiến tranh và bệnh tật. Chính từ thập giá này, hạt giống Tin mừng được nẩy mầm, sinh hoa kết trái.

2. Nhà thờ mới Quảng Ngãi

Tọa lạc tại 109 Ðại Lộ Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi;

Năm 1941 giáo họ Tư Nghĩa, An Hội được tách khỏi giáo xứ Phú Hòa, lập thành giáo xứ Quảng Ngãi, cha Phêrô Nguyễn Thanh Quí làm cha sở tiên khởi. Cha xây dựng nhà thờ Quảng Ngãi bằng vật liệu rắn chắc. Ngày nay gọi là nhà thờ cũ.

Thời cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan làm cha sở Quảng Ngãi (1959-1970),  cha khởi công xây dựng nhà thờ mới vào năm 1963. Nhà thờ chưa kịp hoàn thành, năm 1970 cha Ngoan được bổ nhiệm làm cha sở Chính tòa Qui Nhơn, cha Giuse Nguyễn Sồ đến Quảng Ngãi thay cha Ngoan. Cha Giuse tiếp tục xây dựng nhà thờ mới và khánh thành ngày 30.06.1973.

B. CÁC ĐIỂM
1. An Chỉ

 

Thuộc thôn An Chỉ Đông, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

An Chỉ và Bàu Tây là vùng đất thuộc giáo xứ Châu Me ngày nay đã được các thừa sai dòng Tên đến loan báo Tin Mừng từ tiền bán thế kỷ 17. Trong cuộc kinh lý của Đức cha Phêrô Lambert de la Motte tại Đàng Trong, Đức cha đã lập dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ vào cuối năm 1671. Từ cội nguồn An Chỉ, Dòng Mến Thánh Giá đã nở ngành xanh ngọn.

An Chỉ là quê hương của cha Giuse Trang, vị linh mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, được Đức cha Lambert truyền chức linh mục ngày 31.03.1668 tại Xiêm (Thái Lan).

2. Mộ tử đạo Bàu Gốc

 

Tọa lạc tại thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Bàu Gốc đã đón nhận Tin Mừng từ thời kỳ đầu của các thừa sai Dòng Tên truyền giáo trên đất Việt. Năm 1641, cha Đắc Lộ đến thăm Bàu Gốc, lúc bấy giờ gọi là Baobam đã có một số giáo dân cốt cán như ông Giuong-ky. Bàu Gốc là một giáo xứ kỳ cựu ở Quảng Ngãi, từng là trụ sở phía Nam Quảng Ngãi, trong thời các thừa sai Pháp phụ trách vùng truyền giáo.

Vào ngày 16 tháng 7 năm 1885, cha Poirier Tân, cha sở Bàu Gốc (1884-1885), đã bị Văn Thân sát hại tại nhà xứ Bàu Gốc cùng với 400 giáo dân, chỉ còn sống sót mươi người.

Khi Cha Tuệ được bổ nhiệm làm cha sở Bàu Gốc (1888-1898), cha tổ chức qui tập hài cốt các tín hữu bị Văn Thân giết hại, an táng chung trong một ngôi mộ tại khuôn viên nhà thờ Bàu Gốc, gọi là Lăng Tử đạo.

3. Mộ tử đạo Long Giang

 
 

Tọa lạc tại thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong báo cáo của Đức cha Cuenot Thể năm 1850: Phước Thọ (251 tín hữu), Thạch An (222 tín hữu), Long Giang (130 tín hữu) thuộc địa hạt Bắc Quảng Ngãi. Ba giáo điểm nầy là gốc gác nền tảng của giáo xứ Trung Tín.

Ngày 15.7.1885, Văn Thân Quảng Ngãi bắt đầu bách hại các tín hữu tại Long Giang. Hiện nay tại Long Giang có ngôi mộ chôn cất các giáo dân bị bách hại.

4. Mộ tử đạo Phú Hoà

 

Tọa lạc tại thôn Cộng Hòa II, xã Tịnh Ấn Tây, Tp. Quảng Ngãi.

Năm 1747, toàn tỉnh Quảng Ngãi do các thừa sai Dòng Tên phụ trách, trong phần đất thuộc giáo xứ Phú Hòa ngày nay, lúc bấy giờ tại Chà Là có 50 giáo dân. Theo báo cáo năm 1850 của Đức cha Cuenot Thể, Phú Hòa có 234 tín hữu, Chà Là có 206 tín hữu, Chợ Mới có 91 tín hữu.

Vào ngày 18.07.1885, cha Guégan cùng với 500 tín hữu bị Văn Thân sát hại tại Chà Là, trong số nầy có 40 nữ tu Mến Thánh Giá. Sau biến cố này, có một số tín hữu còn sống sót, làm hạt nhân phát triển giáo xứ Phú Hoà, như Ông Trùm Tám và Ông Câu Toản. Hiện nay phía sau nhà thờ Phú Hòa có phần mộ các tín hữu bị Văn Thân sát hại.

5. Mộ tử đạo Thiên Lộc

 

Giáo họ Thiên Lộc ngày nay thuộc giáo xứ Phú Hòa. Trong lịch sử truyền giáo, giáo họ Thiên Lộc thường được gọi là họ đạo Chợ Mới.

Năm 1641, Cha Đắc Lộ đến Chợ Mới. Cha Antôn Hainques, thừa sai Paris qua đời và được an táng tại Chợ Mới trong tháng 12 năm 1670. Trong chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên của Đức cha Phêrô Lambert de la Motte tại Đàng Trong từ ngày 01.09.1671 đến ngày 29.03.1672. Đức cha Lambert có đến thăm giáo dân Chợ Mới.

Ngày 18.07.1885, Văn Thân bách hại các họ đạo thuộc địa sở Phú Hòa. Tại Chợ Mới có 190 giáo dân bị sát hại. Mộ tử đạo hiện nay được dời đến nghĩa địa chung của xã ở thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà. Cha Tađêô Lê Văn Ý đã xây dựng thành lăng tử đạo có mái che gần giống mộ tử đạo ở Phú Hòa.
 
6. Mộ tử đạo Vạn Lộc (Cù Và)

 

Chiều ngày 17.07.1885, cha André Garin Châu rời khỏi Cù Và trên lưng ngựa “phi nước đại” đi đến an ủi giáo dân tại Phường Chuối, một họ đạo lớn có nhà phước Mến Thánh Giá và hai nhà mồ côi trai và gái. Dọc đường cha bị truy đuổi, và khi cha vừa đến nơi, giáo dân đã tuôn đến xin xưng tội để chịu chết. Sáng ngày 18 họ đạo bị bao vây và hàng trăm tín hữu trốn vào nhà thờ cùng với cha Garin. Quân Văn Thân đến vây nhà thờ và nổi lửa đốt. Cha Garin mặc lễ phục đứng tại bàn thờ cầm thánh giá ban phép lành cho dân lần cuối, rồi tất cả cùng bị thiêu sống trong nhà thờ.

Hiện nay mộ cha Garin và 2 chú giúp lễ tọa lạc tại thôn Minh Lộc, xã Tịnh Bắc, được cha Tađêô Lê Văn Ý xây nền đá chẻ, dựng bia và có mái che. Phần mộ của giáo dân bị sát hại nằm trong vườn người dân. Gần đây, vì lý do nhà nước mở đường, nên được hốt cốt đưa về an táng tại lăng Bà Cát cũng tại thôn Minh Lộc. Bà Cát là một giáo dân đạo đức, đóng góp nhiều cho giáo phận.

7. Mộ tử đạo Phước Thọ (Cù Và)

 

Trong cuộc tàn sát của Văn Thân vào tháng 7 năm 1885, Phước Thọ là một làng có cả giáo lẫn lương. Tục truyền rằng quân Văn Thân đã tàn sát tất cả, không phân biệt. Họ được chôn trong một ngôi mộ tập thể. Cha Tađêô Lê Văn Ý đã xây lại với hình dáng như một lăng mộ lớn có bia tưởng niệm với mái che kiên cố. Lăng mộ này tọa lạc tại thôn Phước Thọ, xã Tịnh Giang, cách nhà thờ Phước Thọ hiện nay khoảng 500m về phía Đông, kề sát con mương Thạch Nham.

6. Mộ tử đạo An Hội

Ngày 17.7.1885, trong khi một số lượng giáo dân rất đông của họ đạo An Hội đang tập trung trong nhà thờ thì bị quân Văn Thân bao vây. Một số giáo dân bung chạy liền bị truy đuổi và giết chết trên đường. Mộ của họ nằm rải rác trong các khu đất xung quanh nhà thờ. Hiện nay mộ nào bị quy hoạch đường cao tốc thì đã được cải táng lên nghĩa trang (Truông Ổi) của thành phố, lập một khu riêng. Nghĩa trang này tọa lạc tại thôn An Hội Nam, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Những mộ nào còn lại trong vườn nhà dân thì họ vẫn tảo mộ, kính viếng.

 

Số đông giáo dân ở lại trong nhà thờ cũng bị giết chết. Xác họ bị ném xuống giếng nhà thờ và sau này mộ của họ được xây trên giếng đó. Hiện nay mộ này tọa lạc tại thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.
 

 

Tác giả: Giáo phận Qui Nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây