Giáo hạt Gò Thị tĩnh tâm tháng 01/2025

Thứ tư - 08/01/2025 13:12
Sáng Thứ Tư, ngày 08 tháng 01 năm 2025, quý cha trong Giáo hạt Gò Thị đã quy tụ tại nhà thờ Ghbl. Bắc Định để tham dự buổi tĩnh tâm tháng đầu năm trong bầu khí hân hoan hướng đến Năm Thánh 2025. Buổi tĩnh tâm được cha Giuse Nguyễn Đình Bút, Cha sở Giáo xứ Gò Thị kiêm Hạt trưởng Giáo hạt Gò Thị, chủ sự.

Chương trình bắt đầu lúc 8h00 với giờ lần chuỗi Mân Côi chung, tạo bầu khí sốt săng và lắng động tâm hồn. Tiếp theo, các cha trong giáo hạt đã lãnh nhận Bí tích Hòa giải, nhằm đổi mới đời sống thiên liêng, chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình “hành hương trong hy vọng”.

Đúng 9h00, chương trình họp và chia sẻ xoay quanh chủ đề của Năm Thánh 2025 “Hành hương trong hy vọng”. Qua giờ chia sẻ, quý cha có cơ hội đào sâu đề tài, thảo luận những khó khăn trong đời sống mục vụ và cùng nhau rút ra những bài học thiết thực để áp dụng vào sứ mệnh trong năm mới.

Sau giờ hội thảo, thánh lễ được cử hành vào lúc 10h00, với sự hiện diện và hiệp thông của tất cả quý cha trong giáo hạt. 

Buổi tĩnh tâm khép lại vào buổi trưa cùng ngày, mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng, giúp quý cha trong giáo hạt thêm sức sống và đầy nhiệt huyết để cùng nhau bước vững chân trong hành trình Năm Thánh 2025.

 


ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH
 
Chủ đề: Để sống tinh thần “hành hương trong hy vọng” của năm Thánh 2025, các cộng đoàn cần chuẩn bị những hành trang thiêng liêng cần thiết nào ?

Kính thưa quý cha, “hành hương trong hy vọng” là chủ đề của Năm Thánh 2025 do Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra, vì thế để chuẩn bị những hành trang thiêng liêng cần thiết cho Năm Thánh này trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ về nguồn gốc của Năm Thánh cũng như quan niệm về niềm hy vọng theo Ki-tô giáo là gì để từ đó đưa ra những gợi ý đúng đắn cho việc chuẩn bị cho Năm Thánh này.
  1. Nguồn gốc của năm thánh
a. Kinh Thánh
 
Năm thánh theo nguyên gốc tiếng Latinh là Annum Jubilaei có nghĩa là năm hồng ân hay năm đại xá. Năm thánh là thời gian mà mọi người tội lỗi hoán cải sẽ được Thiên Chúa ban ơn tha thứ các hình phạt do tội gây ra. Để được lãnh nhận hồng ân đó con người cần phải thống hối, canh tân cũng như hòa giải với Thiên  Chúa và với anh chị em của mình.[1]

Năm thánh hay năm toàn xá là chủ đề có nguồn gốc từ kinh thánh vì được các tác giả Thánh Kinh nói đến trong cựu ước và tân ước. Trong cựu ước, năm toàn xá được nói đến trong sách Lê vi. Cụ thể sách Lê vi có đoạn nói về năm toàn xá như sau: “Bắt đầu năm toàn xá, vào ngày thứ mười - người thổi tù và: Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày xá tội các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi” (Lv 25,8-9). Theo sách Lê-vi, vào năm toàn xá, mọi người để cho đất đai nghĩ nghơi (Lv 25, 11), cũng như phải trả lại nhà cửa, đất đai cho những người sở hữu ban đầu (Lv 25, 23-34) và việc cuối cùng là những người Do thái nô lệ sẽ được trả tự do (Lv 25, 35-55). Qua đó, tác giả Thánh kinh muốn cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa mới là chủ sở hữu đích thật và mọi của cải vật chất và cả mạng sống của mỗi người đều thuộc về Ngài. Đồng thời, qua đó Thiên Chúa muốn giải thoát con người khỏi mọi tình trạng nô lệ tội lỗi, bệnh tật, cái chết và bao gồm cả quyền sở hữu và của cải. Tiếp đến, trong kinh thánh Tân ước, chủ đề năm toàn xá được nói đến trong Tin Mừng Luca, khi Đức Ki-tô ở Hội Đường Na-da-ret, Ngài đã trích đọc sách tiên tri Isaia với những lời cụ thể như sau: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” ( Lc 4,18-19).

 
b. Những năm thánh trong lịch sử Giáo Hội[2]
 
Năm Thánh Kitô giáo đầu tiên được cử hành vào năm 1300, theo ý muốn của Đức Giáo Hoàng Boniface VIII với sắc lệnh Antiquorum habet Trust relatio. Trong năm thánh này, ơn toàn xá được ban cho những ai đến viếng Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Từ năm 1350, Đức Giáo Hoàng Clement đã quyết định tổ chức Năm Thánh Kitô giáo theo chu kỳ 50 năm một lần. Năm 1470, Đức Giáo Hoàng Phao-lô II đã rút ngắn thời gian cử hành năm thánh xuống theo chu kỳ 25 năm một lần.

Kể từ đó đến nay Giáo Hội đã cử hành nhiều năm thánh như năm thánh 1950 do Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII khai mạc sau chiến tranh thế giới thứ 2 trong bối cảnh Châu Âu bị phân chia thành hai khối tự do và cộng sản. Tiếp đến là năm thánh 1975 do Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI cử hành nhằm mục đích  canh tân và hòa giải. Cuối cùng là sự kiện cử hành năm thánh 2000 do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II thực hiện nhằm kỷ niệm 2000 năm Đấng Cứu Thế làm người.  Ngoài các năm thánh thông thường được các Giáo Hoàng cử hành 25 một lần còn có những năm thánh ngoại thường được cử hành theo sáng kiến của từng Giáo Hoàng như năm thánh Cứu Chuộc 1933 và 1983 hay năm thánh Lòng Thương Xót (2015-2016).

 
2. Tinh thần hành hương trong hy vọng
 
a. Niềm hy vọng gắn liền với niềm tin, tình yêu thương và sự kiên nhẫn

Hành hương trong hy vọng là cụm từ được nói đến trong sắc chỉ công bố năm thánh thường lệ 2025 của Đức Thánh Cha Phanxi-cô (sắc chỉ Spes non confundit). Khởi đầu của sắc chỉ này, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời khích lệ của Thánh Phao-lô với cộng đoàn tín hữu  Rô-ma: “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5) để từ đó Ngài chọn chủ đề niềm hy vọng làm chủ đề trọng tâm của năm thánh này. Điều này đã được Đức Thánh Cha nói đến trong phần đầu của sắc chỉ với những lời như sau: “Với dấu chỉ hy vọng, Tông đồ Phaolô đã khích lệ cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma. Niềm hy vọng cũng là sứ điệp trọng tâm của Năm Thánh sắp tới mà theo truyền thống cổ xưa, Đức giáo hoàng công bố 25 năm một lần. Tôi nghĩ đến tất cả những người hành hương của niềm hy vọng sẽ đến Rôma để sống Năm Thánh, và nghĩ đến tất cả những ai dù không thể đến được Thành phố của hai Tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng cũng sẽ cử hành Năm Thánh tại các Giáo hội địa phương của họ. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người” [3].

Như thế, theo Đức Thánh Cha, Đức Ki-tô Giê-su là đối tượng của niềm hy vọng của mỗi người chúng ta. Niềm hy vọng đó được xây dựng trên niềm tin vào tình yêu thương của Đức Ki-tô đối với chúng ta. Tình yêu đó như sợi dây liên kết vô hình liên kết mỗi người chúng ta với Ngài đến nỗi mọi gian nan, mọi thử thách mà chúng phải chịu đều không thể chia tách như lời Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? […] Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35.37-39). Ngoài niềm tin tưởng, tình thương vào Chúa Ki-tô làm nền tảng xây dựng niềm hy vọng, mỗi người cần phải có đức tính kiên nhẫn để nuôi dưỡng niềm hy vọng. Điều này đã được Đức Thánh Cha đã nhắc lại giáo huấn của thánh Phao-lô trong thơ gởi tín hữu Rô-ma như sau: “Thánh Phaolô thường vận dụng sự kiên nhẫn để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì và tin tưởng vào những gì Thiên Chúa đã hứa với chúng ta, nhưng trên hết thánh nhân làm chứng rằng Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta, chính Người là “nguồn kiên nhẫn và an ủi” (Rm 15,5). Sự kiên nhẫn, cũng là hoa trái của Thánh Thần, nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như một nhân đức và một lối sống. Vì thế, chúng ta hãy học cách thường xuyên xin ơn kiên nhẫn, vốn vừa là con đẻ của hy vọng lại vừa nuôi dưỡng niềm hy vọng” (Spes non confundit, số 4).

 
b. Hành hương
 
Hành hương là gì ? Hành là đi, hương là nhang. Hành hương là đi tới một nơi được xem là linh thiêng để thắp nhan, kính bái và cầu nguyện. Cuộc hành hương là hành trình của các tín hữu rời nơi mình đang ở, đi tới một nơi thánh thiêng, để tỏ lòng sùng kính, tham dự lễ hội, cầu nguyện, làm việc đền tội, xin ơn hay tạ ơn.[4] Việc hành hương tới các đền thánh là một cách thể hiện tình hiệp thông của Hội Thánh Lữ hành trong tinh thần cầu nguyện. Những cuộc hành hương nhắc nhở tín hữu nhận ra rằng đời sống trần gian là cuộc hành hương về Nước Trời[5].
 
Khi nói đến giá trị của sự hành hương trong năm thánh này, Đức Thánh Cha đã viết như sau: “Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu.”[6]
 
3. Những hành trang thiêng liêng cần thiết
 
Theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong năm thánh này mỗi tín hữu chúng ta cần phải trở nên dấu chỉ của hy vọng cho người khác.[7] Theo nghĩa thông thường, dấu chỉ (Signum hay sign) là một thực tại khả giác, tự nhiên hay qui ước hướng tới một thực tại khác[8]. Theo nghĩa Ki-tô giáo, dấu chỉ là một phương thức để con người diễn tả và cảm nhận những thực tại thiêng liêng trong tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa[9]. Trong Kinh  Thánh, công trình sáng tạo, các biến cố, các nghi lễ là những dấu chỉ để con người nhận ra quyền năng và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Ý nghĩa mọi dấu chỉ đều xuất phát từ Đức Ki-tô và qui về Người. Cụ thể, trong sắc chỉ của Năm Thánh này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cần đọc những dấu chỉ thời đại. Vậy dấu chỉ thời đại là gì ? Là những sự kiện hay hiện tượng văn hóa xã hội nói lên tính chất đặc thù của thời đại cho thấy khát vọng và nhu cầu của con người qua đó bày tỏ sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Theo Công đồng  Vatican II, đối với các tín hữu, để nhận ra dấu chỉ thời đại, họ cần được Hội Thánh hướng dẫn để biết lắng nghe tiếng nói của Thần Khí và qui chiếu về Chúa Ki-tô[10]. Theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, mỗi người chúng ta trước tiên cần phải khám phá những dấu chỉ thời đại qua những điều thiện hảo trong thế giới hôm nay để không bị rơi vào cám dỗ nghĩ rằng sự ác và bạo lực đã lấn át. Tiếp đến Ngài mời gọi chúng ta hãy trở nên những dấu chỉ trong đó dấu chỉ nổi bậc nhất là dấu chỉ của sự hòa bình và của tình bác ái.
 
b. Dấu chỉ của hòa bình.
 
Trong bài giảng trên núi, Đức Ki-tô dạy các môn đệ về Tám Mối Phúc Thật, trong đó mối phúc thứ 7 nói đến việc xây dựng hòa bình: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Vì thế, để xây dựng hòa bình chúng ta cần phải sống hòa thuận với nhau. Cụ thể, trong Năm Thánh này chúng ta cần nổ lực phá bỏ những hàng rào ngăn cách giữa mọi thành phần trong cộng đoàn của mình bắt đầu từ trong gia đình, đến các Giáo Họ, Giáo Xứ và Giáo Phận. Để phá bỏ những hàng rào đó chúng ta cần tìm ra những nguyên nhân gây ra chia rẻ, gây ra xung đột và bất hòa để từ đó hàn gắn và kết nối các thành phần trong cộng đoàn lại với nhau.
 
b. Dấu chỉ của tình bác ái.
 
Tình bác ái chính là tình yêu thương bắt nguồn từ Đức Ki-tô vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước nên mới xuống thế làm người và cứu độ chúng ta. Năm Thánh là thời gian hồng ân, trong đó Đức Ki-tô ân xá cho chúng ta tức là Ngài tha thứ cho tất cả chúng ta những tội lỗi và những hình phạt gắn liền với tội lỗi đó khi chúng ta biết hoán cải và sám hối. Hành động ân xá phát xuất từ tình yêu thương của Ngài. Vì thế mà ngày xưa thuật ngữ “Ân xá” gắn liền với thuật ngữ “Lòng thương xót”. Nếu Đức Ki-tô đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta rất nhiều tội lỗi mà chúng ta đã phạm thì chúng ta cũng phải tha thứ cho những người anh chị em của mình. Hành vi tha thứ này là hành vi xuất phát từ tình bác ái. Mặc khác việc thực thi lòng bác ái không chỉ dừng lại ở việc tha thứ cho những người mắc lỗi với chúng ta mà còn phải biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn và những người yếu thế dễ bị tổn thương nhờ đó mà chúng ta trở nên dấu chỉ hy vọng cho họ. Vì thế trong Năm Thánh này, mỗi cộng đoàn cần nổ lực sống bác ái nhiều hơn để dấu chỉ tình bác ái thể hiện rõ nét hơn nữa.
 
c. Hành hương, lãnh nhận các bí tích
 
Cuối cùng, việc hành hương cũng như lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích giao hòa và Thánh Thể  là những hoạt động không thể thiếu trong Năm Thánh này. Vì thế, các cộng đoàn cần phải sắp xếp, tổ chức cho tất cả mọi tín hữu có cơ hội để đi hành hương đến những địa điểm mà giáo quyền chỉ định cũng như tạo mọi điều kiện để họ lãnh nhận Bí tích giao hòa và tham dự Thánh Lễ.
 
Kính thưa quý cha, những nội dung được trình bày ở trên chỉ là những sưu tầm ít ỏi những gì đã có sẵn trong kho tàng Kinh thánh, và huấn quyền của Hội Thánh mà con đã góp nhặt được nhằm gợi ý để quý cha suy nghĩ từ đó đưa ra những sáng kiến làm hành trang thiêng liêng cho cộng đoàn của mình vì thế nội dung bài viết chắc chắn còn nhiều hạn chế. Kính chúc quý cha một mùa Giáng Sinh An Lành, tràn đầy Ân Sủng của Chúa và một Năm Thánh với nhiều niềm vui và hy vọng trong tình yêu  Chúa Ki-tô.
 
Câu hỏi gợi ý:

1. Theo ý kiến của  cha, trong cộng đoàn mỗi người cần phải làm gì để trở nên dấu chỉ hy vọng cho những người xung quanh ngoài những gợi ý đã nêu trong phần trình bày trên ?
 
2. Trong Năm Thánh này sẽ có nhiều hoạt động như: Tham dự các Thánh Lễ, hành hương, …ngoài những tác dụng tích cực cũng sẽ có những mặc tiêu cực có thể xảy ra như: vụ hình thức….mà thiếu chiều sâu nội tâm. Vì thế theo ý kiến của cha, chúng ta cần phải làm gì để tránh những tiêu cực đó?
 
 

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nam-thanh-trong-giao-hoi-cong-giao-44315
[2] Ipid trang 2.
[3] Spes non confundit, số 1.
[4] Tự điển Công Giáo, Trang 374.
[5] GLHTCG,số 2691.
[6] Spes non confundit, số 5.
[7] Spes non confundit, số 8-14.
[8] Tự điển công giáo, Tr 207.
[9] GLHTCG, số 1146-1151.
[10] Gaudium et Spes, số 44.
 

Tác giả: Giáo hạt Gò Thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây