Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật III Mùa Chay A

Đăng lúc: Thứ tư - 19/03/2014 20:31
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42
Chúa Giêsu- Nguồn nước hằng sống



Lời Chúa trong Chúa nhật I Mùa Chay cho ta thấy rằng giữa muôn ngàn cám dỗ và đầy quyến rủ hiện nay chúng ta được mời gọi tỉnh táo để chọn theo Chúa. Hành trình theo Chúa dù là con đường thập giá với muôn vàn thử thách, nhưng không phải là con đường cụt dẫn đến diệt vong, mà là con đường đưa tới vinh quang như khung cảnh biến hình trên núi Tabor báo trước (Chúa Nhật II). Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Chay hôm nay giúp ta xác tín rằng theo Chúa sẽ tới được nguồn nước hằng sống. Hơn nữa theo Chúa sẽ tới được ánh sáng (Chúa Giêsu cho người mù bẩm sinh được thấy, Chúa Nhật IV) và sẽ tới được sự sống (Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại, Chúa Nhật V mùa chay).

Theo Chúa để tới được nguồn sống hằng sống là một hành trình tiệm tiến của đức tin. Đó cũng là một hành trình phải vượt qua những trở ngại của khác biệt tôn giáo, văn hóa, giới tính, quan điểm, không gian địa lý, những nhu cầu tự nhiên và nhất là cái tôi của mình… để có thể đạt tới sự “thờ phượng Chúa Cha  trong tinh thần và chân lý”.

1. Hành trình tiệm tiến của đức tin

Trong bài đọc I, trích sách Xuất  hành, thuật lại việc dân chúng phải khổ cực và thiếu ăn khát uống trong hành trình qua sa mạc. Họ chán nản kêu trách Chúa và đòi ném đá Môsê. Họ nhớ dòng nước sông Nin mang lại phù sa màu mỡ, nhớ nồi thịt, nhớ củ hành củ tỏi. Họ đòi trở lại Ai cập dù cho phải chịu cảnh nô lệ. Thiên Chúa kiên nhẫn đã dùng chính hoàn cảnh thiếu nước ấy để hướng dẫn họ hiểu biết đâu là điều thiết yếu trong cuộc sống: Ngài muốn họ tin rằng sự cứu rỗi của họ ở phía trước là Đất hứa còn phía sau là ách nô lệ Ai cập. Do đó họ phải tin cậy vào Ngài để tiến tới phía trước dù hiện tại toàn khổ cực thiếu thốn.

Thiên Chúa bảo Môsê lấy gậy đập vào tảng đá để Nước chảy ra cho Dân uống để cứu dân khỏi chết khát. Việc này của Môsê trong hành trình sa mạc được coi như là hình ảnh báo trước cho Đức Kitô là Môsê mới và là nguồn mạch Nước hằng sống tuôn ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Đó cũng chính là điều mà Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta qua cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari.

Trong cuộc gặp gỡ đó, Chúa Giêsu đã khéo léo dẫn đưa người phụ nữ từng bước tới đức tin. Trong cuộc đối thoại, Chúa Giêsu làm cho người phụ nữ đi từ bất ngờ nầy đến bất ngờ khác, đi từ nhu cầu thể lý để đi tới sự khao khát thiêng liêng; đi từ chỗ nhận ra nơi Đức Giêsu chỉ là một khách bộ hành mệt mỏi khát nước, xin nước uống đến chỗ nhìn nhận Ngài là nguồn mạch và xin Ngài ban nước hằng sống.

Thật vậy, chúng ta thấy, người phụ nữ đi từ cái nhìn nơi Chúa Giêsu chỉ là người lữ khách khát nước, một người đối nghịch (người Do Thái vốn không ưa người Samari), đến cái nhìn bắt đầu từ chỗ nửa tin nửa ngờ rằng Đức Giêsu vượt lên cả hàng tổ phụ của cả hai dân tộc; rồi sau đó nhìn nhận “Thưa ông, ông thật là một ngôn sứ”; rồi sau nữa tin nhận Ngài là Đấng Mêssia đến dạy dỗ loài người mọi sự và cuối cùng bà với dân thành Samari tuyên xưng “Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

2. Vượt những cản trở để có thể đến được mạch nước hằng sống

Đó là một lộ trình đức tin và đón nhận mạc khải mà Chúa Giêsu dẫn dắt và mời gọi người phụ nữ, dân chúng Samari và các môn đệ. Ở đây không có sự áp đặt nào. Trong lộ trình đó chúng ta thấy để có thể đến tận nguồn mạch nước hằng sống là chính Đức Kitô, người ta phải vượt qua khá nhiều rào cản.

Người phụ nữ, qua giọng nói của Chúa Giêsu, nhận ra ngay ngài không phải là dân địa phương, nhưng bà vẫn tiếp nhận cuộc đối thoại. Hơn thế nữa, không chỉ vượt lên khác biệt địa lý, người phụ nữ cũng vượt qua rào cản tập tục và tôn giáo, vì theo tập tục người đàn ông không được nói chuyện với một người đàn bà lạ mặt mà lại là người Samari. Chính các môn đệ cũng lấy làm ngạc nhiên khi thấy thầy nói chuyện với bà.

Trong cuộc đối thoại, có những khoảnh khắc tưởng chừng như sẽ đi vào bế tắc: chẳng hạn như khi người phụ nữ hỏi: Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ, samari, cho ông nước uống sao? (Ga 4,9); hay khi bà nói: “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này?”. Nhưng tất cả đều vượt qua những cản trở đó. Ngay cả khi Chúa Giêsu chuyển hướng cuộc đối thoại về cuộc sống riêng tư và quá khứ của người phụ nữ (mà có người cho là Chúa Giêsu thiếu tế nhị và lịch sự), nhưng bà lại nhận ra đó là tư cách của một ngôn sứ có khả năng đọc được trong tim của người đối thoại với mình… Từ đó Chúa Giêsu chuyển sang bình diện tôn giáo khi nói về việc “thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” để khai mở đức tin cho bà. Và sau đó bà lại là người đi báo tin cho dân chúng trong thành. “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39).

3. Chúa Giêsu, mãi mãi là nguồn nước hằng sống cho nhân loại

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari cho ta thêm xác tín hơn nữa rằng: chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng làm thõa mãn mọi cơn khát của nhân loại. Ngài giúp chúng ta biết đâu là sự khát khao đích thực và ý nghĩa của nó trong thế giới hôm nay. Dường như nhu cầu vật chất và tinh thần của con người tăng lên theo cấp số nhân trong khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm làm thõa mãn nhu cầu của con người chỉ tăng theo cấp số cộng. Người ta không bao giờ đạt tới sự thõa mãn các nhu cầu thực sự của mình hoặc nếu có chỉ là bề ngoài và bị các phương tiện khoa học kỹ thuật ngày nay đánh lừa. Là người tín hữu chúng ta xác tín chỉ có Chúa Giêsu mới thực sự là mạch nước trường sinh làm thõa mãn mọi sự khát khao đích thực của con người từ trong tận thâm sâu của tâm hồn.

Đến lượt mình, chúng ta dù vô tình hay cố ý, đừng che lấp bịt lối không để người khác đến với nguồn nước hằng sống đó. Như Chúa Giêsu và người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy biết vượt mọi chướng ngại để có thể góp phần khai thông mạch nước ân sủng đến mọi dân, mọi nước, mọi thời đại. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với chúng ta rằng: “chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan tòa tàn nhẫn, với những thói quen làm cho chúng ta cảm thấy an thân” (Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, số 49).

Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ: “Chúng ta nhiều khi hành động như người ban phát ân sủng thay vì là người tạo điều kiện cho ân sủng. Nhưng Hội thánh không phải là trạm thu phí; Hội Thánh là nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ” (Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, số 47). Chúng ta cũng như bao nhiêu người khác đều có vấn đề của mình. Chúng ta hãy khiêm nhường, dẹp bỏ cản trở lớn nhất, vấn đề lớn nhất là cái tôi của mình để đến với Chúa Giêsu, là nguồn mạch nước hằng sống sẽ làm thõa mãn mọi con khát đích thực của chúng ta.


 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 6656
  • Tháng hiện tại: 141117
  • Tổng lượt truy cập: 12285377