Trang mới   https://gpquinhon.org

Biểu tượng hồn và máu trong thơ Hàn Mạc Tử

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/10/2012 10:02 - Người đăng bài viết: GPQN
BIỂU TƯỢNG HỒN VÀ MÁU
TRONG TẬP THƠ ĐAU THƯƠNG CỦA HÀN MẶC TỬ
Đặng Hoàng Hương Giang – khóa 2008  
 
Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ lớn của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Thơ Hàn Mặc Tử có vị trí khá đặc biệt trong làng thơ Việt Nam hiện đại 1930 – 1945 cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, nói như Chế Lan Viên: “mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử” [7,169]. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về người và thơ Hàn Mặc Tử. Từ nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau, các công trình đã cho chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ bạc mệnh này. Với mong muốn hòa mình vào con đường khám phá đó, chúng tôi thử chọn cho mình một hướng đi mới là tìm hiểu biểu tượng HồnMáu như là những cổ mẫu trong thơ của Hàn Mặc Tử.
 
Với đề tài này, chúng tôi muốn khắc đậm thêm sự độc đáo của thơ Hàn Mặc Tử, đồng thời cho thấy thơ Hàn Mặc Tử là một hồn thơ kết tinh từ nhiều yếu tố, đặc biệt trong đó là những yếu tố thuộc về văn hóa dân tộc và nhân loại đã ăn sâu vào tiềm thức thi nhân làm nên cái đẹp tinh hoa cho thơ. Với đề tài “Biểu tượng Hồn và Máu trong tập thơ Đau Thương của Hàn Mặc Tử”, chúng tôi cố gắng góp phần giải đáp những vấn đề vừa đặt ra.
 
1.                  Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử
 
Hàn Mặc Tử tên thật là Phanxiô Assisi Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/09/1912 tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình), trong một gia đình Công giáo lâu đời. Thuở nhỏ Nguyễn Trọng Trí học tiểu học ở Quảng Ngãi, đến tháng 7-1926, cha ông mất, cả gia đình chuyển vào Quy Nhơn. Nguyễn Trọng Trí học trung học tại trường dòng Pellerin - Huế. Ông làm thơ từ rất sớm, năm 1931 đã có thơ đăng báo, kí tên Phong Trần. Năm 1932, Trí làm ở sở đạc điền Quy Nhơn và yêu Hoàng Thị Kim Cúc. Năm 1934, Nguyễn Trọng Trí vào Sài Gòn làm báo, đổi bút danh Phong Trần sang Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử, cuối cùng là Hàn Mặc Tử.  Từ năm 1935 – 1936, Hàn gặp Mộng Cầm. Cùng thời gian này Hàn Mặc Tử in xong tập Gái quê. Ông trở về Quy Nhơn chữa bệnh. Năm sau, khi biết bệnh trạng của mình, ông chủ động cắt đứt liên lạc với bạn bè. Năm 1938, ông hoàn thành xong tập Đau Thương (thơ Điên). Năm 1939, Hàn Mặc Tử cho ra đời hai tập thơ Xuân Như ÝThượng Thanh Khí. Qua lời giới thiệu của Trần Thanh Địch, Hàn quen với Thương Thương và say sưa viết Cẩm châu duyên, Duyên kì ngộ, Quần tiên hội (bị bỏ dở, do yêu cầu của gia đình Thương Thương). Ngày 20/09/1940, Hàn Mặc Tử vào bệnh viện Quy Hòa với số hiệu bệnh nhân 1134. Và 5h45 ngày 11 tháng 11 năm 1940, Hàn Mặc Tử tạ thế tại nhà thương Quy Hòa và sau đó được an táng tại nghĩa địa Quy Hòa.
 
Từ trước đến nay, người ta biết đến Hàn Mặc Tử với các tập thơ sau: Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, kịch thơ Duyên kì ngộ và Quần tiên hội.
 
2.                  Biểu tượng Hồn và Máu trong tập thơ Đau Thương của Hàn Mặc Tử
             
            2.1. Khái niệm biểu tượng
 
Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán (chủ biên), biểu tượng là khái niệm dùng để chỉ một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác và cho con người hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu, sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt. Trong nghĩa hẹp, biểu tượng là “một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa với con người và cuộc đời” [3; 24]. Trong nghĩa rộng, biểu tượng là “đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học nghệ thuật” [3; 24].
 
 Biểu tượng còn được hiểu là cổ mẫu (mẫu gốc, siêu mẫu, siêu tượng…). Còn trong Từ điển biểu tượng thế giới thì diễn giải “các mẫu gốc hiển hiện ra như những cấu trúc tâm thần gần như phổ biến, bẩm sinh hay được thừa kế, một thứ ý thức tập thể; chúng thể hiện qua các biểu tượng đặc biệt chứa đầy một công suất năng lượng lớn. Chúng đóng một vai trò động lực và thống nhất đáng kể trong sự phát triển nhân cách” [4; XXI ]. Theo các tài liệu chúng tôi có được, khái niệm cổ mẫu (archetype) này được nhà phân tâm học người Thuỵ Sĩ Carl Gustav Jung (1875 - 1961) nghiên cứu và đề xuất. Jung đã phát triển thuyết vô thức của Sigmund Freud (1856 - 1939, người Áo) và đưa ra một cái nhìn mới về hệ tâm thức con người. Trong đó vô thức tập thể - ngôi nhà xuyên thời đại của cổ mẫu - là khái niệm cốt lõi[1]. Như vậy cổ mẫu là cấu trúc tinh thần bẩm sinhcấu trúc tâm thần gần như phổ biến hoặc thừa kế; và nếu biểu tượng bắt nguồn từ văn hóa, tôn giáo, lịch sử – những lĩnh vực thuộc về ý thức – của các cộng đồng thì cổ mẫu hình thành từ nguồn cội xa xưa, quan trọng sinh tạo trong vô thức tập thể . Và đọc cổ mẫu là “cách nhìn tác phẩm văn chương từ bên ngoài. Nhưng cách nhìn từ bên ngoài này không quy chiếu những chuẩn mực và tiêu chí có trước vào tác phẩm, để mà giải thích nó. Đọc cổ mẫu là đi tìm, chăm chú ghi nhận các hiện tượng cùng những cuộc gặp gỡ thường rất bất ngờ của chúng trong tác phẩm, xuyên qua thời gian và không gian, tra vấn và thử trả lời.” [10]
 
2.2. Biểu tượng Hồn
 
Từ lâu Hồn đã là một biểu tượng lớn trong văn hóa thế giới. Tùy quan niệm mỗi bộ tộc, mỗi vùng mà Hồn được biểu trưng qua những hình ảnh khác nhau, có thể dẫn ra một số ví dụ tiêu biểu sau. Thời Ai Cập cổ đại, con chim đầu người biểu trưng cho linh hồn của từng cá thể. Hay theo truyền thống của của người Maya, người chết phải đặt “nằm ngửa duỗi thẳng chân tay để linh hồn có thể tự do thoát ra khỏi thân xác qua miệng” [4, 451]. Trong Kinh Thánh, hồn chính là Thần Khí mà Thượng Đế thổi hơi vào con người (làm bằng đất sét) để trao ban sự sống. Còn hầu hết người Á Đông thì quan niệm “vạn vật hữu linh” tức mọi thứ đều có linh hồn. Nó (linh hồn) có thể nằm trong con người, con vật, cây cối và thậm chí là những đồ vật vô tri vô giác như nhà cửa, ấm chén… Từ thuyết trên có thể hiểu một cách đơn giản về linh hồn con người trong quan niệm của người Á Đông như sau: Con người có hai phần linh hồn và thể xác. Trong đó, hồn quyết định sự sống của con người. Khi con người chết đi thì linh hồn rời khỏi xác và trở thành ma (theo văn hóa người Việt) hay Phỉ (theo quan niệm của Lào, Thái Lan). Trong văn hóa của người Việt, quan niệm về linh hồn đã có từ rất lâu và được chia làm hai bậc: Hồn và vía. Vía được hiểu như là những bộ phận gắn trên cơ thể của con người, nó có “chức năng làm công cụ hoạt động của cơ thể sống” [11]. Ngoài ra “chúng còn là những bộ phận làm phương tiện thể hiện, bộc lộ cái bên trong của con người khi giao tiếp với thế giới bên ngoài.” [11] Cho nên dân gian có câu nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, là vậy. Còn từ góc độ phân tâm học, cụ thể theo Jung, Hồn là “một trạng thái tâm lý cần phải được dành cho một sự độc lập nhất định trong khuôn khổ ý thức…” [4; 452]. Theo quan niệm dân tộc học và sử học về tâm hồn, “nó ban đầu là một nội hàm thuộc về cá nhân, nhưng nó cũng thuộc về thế giới của cái linh thiêng, nó là vô thức. Tâm hồn vì thế luôn luôn tự thân là một cái gì đó vừa trần thế vừa siêu nhiên” [4, 452]. Nhưng chủ yếu, Hồn là biểu tượng của tâm linh, là hơi thở, là sinh khí của một con người. Nói một cách chung nhất, Hồn là nguyên khí của một sinh thể. Cùng một dòng chảy bất tận ấy, Hồn trong thơ Hàn Mặc Tử đã kế thừa và phát triển thành những cái rất riêng, rất lạ. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, người ta không chỉ chơi vơi trong ánh sáng lung linh kì ảo của ánh trăng huyền bí, mà còn rùng mình ớn lạnh bởi họ đang chìm ngập trong “vũng cô liêu” của một tâm hồn sâu thẳm.
 
2.2.1. Hồn là biểu tượng của sự sống
 
Cùng chung một dòng chảy tâm thức của nhân loại, với Hàn Mặc Tử, Hồn trước tiên là bản nguyên của sự sống, là phần thiêng liêng của con người. Tác giả thể hiện điều đó qua hơi thở của con người. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi thì Hàn Mặc Tử có hơn hai mươi lần trực tiếp nhắc đến Hồn là bản nguyên của sự sống.
 
“Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi”
(Say trăng)
 
Trong vô thức, tác giả như thấy mình “khạc hồn” ra không gian bằng môi, bằng miệng. Câu thơ cho người đọc một ý nghĩ mới với hình ảnh “khạc hồn” lạ lẫm. Ta bắt gặp hình ảnh này được lặp lại ở một bài thơ khác:
 
“Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng
Chơi vơi trong khí hậu bốn tầng mây”
(Hồn lìa khỏi xác)
 
Có thể thấy cách nói “khạc hồn” hay “há miệng” cho hồn văng ra chỉ có trong thơ Hàn Mạc Tử. Đây là một cách nói ẩn dụ về hơi thở của con người…. Như vậy, từ trong tiềm thức, nhà thơ đã lĩnh hội ý niệm của người xưa về cái cốt lõi làm nên một sinh thể…Vì thế, Hồn ở đây là biểu tượng của “hơi thở”, của sự sống. Từ trong tiềm thức, nhà thơ đã lĩnh hội được ý nhiệm của tiền nhân về cốt lõi làm nên một sinh thể. Hồn trong thơ ông là hơi thở, là sự sống.
 
Cùng trong ý nghĩa về sự sống, Hồn trong thơ Hàn Mặc Tử còn là một sinh thể sinh ra từ chính tâm tưởng của thi sĩ:
 
“Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi”
Hay
“Tôi dìm hồn xuống vũng trăng êm
Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực
Hai chúng tôi lặng yên thổn thức
Rồi bay lên tới một hành tinh”
(Hồn là ai)
 
“Sinh thể” ấy là một con người thực thụ với những cảm xúc rất thực. Và đó là một người bạn quen mà lạ, một người bạn tri âm, tri kỉ của Hàn Mặc Tử, là một “vũ trụ” còn nhiều bí ẩn.
           
Không bó hẹp trong quan niệm hồn là cốt lõi sự sống của con người, với Hàn Mặc Tử, hồn còn là sự sống của cỏ cây, vũ trụ, thời gian và thơ ca nghệ thuật:
 
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta”
(Rướm máu)
 
Thơ là đời mà đời cũng chính là thơ, cho nên thơ cũng có linh hồn. Đó là cảm xúc riêng tư, là tâm thức của người viết. Cũng như con người, một bài thơ không có hồn là bài thơ chết, chết trong lòng người đọc.
 
“Đừng tưởng ngàn xưa con phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa từ ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm”
(Thời gian)
           
Ở trường hợp này, hồn là thời gian, là sự trường tồn của thiên nhiên vũ trụ, là sự tồn tại của những kí ức xa vời đã chìm vào quá khứ mà con người không thể tìm lại được bản sao ở hiện tại. Hồn trở thành hồn thiêng đất trời, sông núi ngàn xưa mênh mông ảo diệu. Âm hưởng, hình ảnh thơ làm cho người đọc có cảm giác sống lại và đang đứng trên đất nước Chiêm Thành cổ kính với những tháp chàm rêu phong của thành Bồ Đàn xưa. Một cảm giác vừa thực vừa mộng ảo diệu kì. Ảnh hưởng từ cái nôi văn hóa Á Đông, Hàn Mặc Tử cũng quan niệm mọi vật cũng như con người, đều có linh hồn, có sự sống. Chính vì vậy, Hồn trong thơ Hàn Mặc Tử còn là linh hồn, sự sống, sức sống của thơ ca nghệ thuật, của muôn loài trong vũ trụ.
 
Sự sống ấy, linh hồn ấy vô hình vô ảnh và là phần thiêng liêng của con người. Đây cũng là một đặc điểm của Hồn trong thơ Hàn Mặc Tử:
 
Ôi hồn thiêng liêng không hề chết đặng
Làm sao hồn chẳng hiểu nghĩa vô biên
(Hồn lìa khỏi xác)
 
Hồn thiêng liêng, trường tồn và bất tử. Hồn không lệ thuộc vào thân xác, hồn biết hết mọi suy tư ý niệm của thân xác nó. Hồn cũng như chiếc camera vô hình ghi lại tất cả mọi hoạt động, mọi tâm lí trạng thái của thân xác nó mặc lấy và những người xung quanh. Sự thiêng liêng của linh hồn vốn đã ăn sâu vào tâm thức của nhân loại nhưng khi bước vào thơ Hàn Mặc Tử nó lại biến hóa muôn hình vạn trạng và mang nhiều ý nghĩa có chiều kích riêng tư của thi nhân. Cho nên, người ta còn thấy được màu sắc tôn giáo trong thế giới hồn của thơ Hàn Mặc Tử.
 
2.2.2. Hồn trong thơ Hàn Mặc Tử mang màu sắc Kitô giáo
 
Trong quan niệm của Hàn Mặc Tử, hồn mang màu sắc của Thiên Chúa giáo:

Ngày tận thế là ngày tán loạn
Xác của hồn, hồn của xác y nguyên
(Hồn lìa khỏi xác)
 
Theo Kitô giáo, hồn của loài người là Thần khí mà Thiên Chúa thổi vào thân xác con người, để trao ban cho họ sự sống, chứ linh hồn của con người không phải từ hư không mà có. Rồi một ngày, dù muốn hay không, linh hồn ấy sẽ trở về với cõi Vĩnh Hằng. còn thân xác trở về với tro bụi. Trước khi chết trên thập giá, Đức Giêsu cũng đã nói “lạy Cha con xin phó thác hồn con trong tay cha” (Lc 23, 46). “Xác của hồn, hồn của xác” cũng có nghĩa là Xác - Hồn thống nhất và giằng co trong bản thể con người. Qua đó, Hàn Mạc Tử muốn nhắc đến một điều mà mọi Kitô hữu luôn xác tín đó là: xác loài người trong ngày tận thế sẽ sống lại, cho nên ông mới viết những dòng như thế.
 
Trong tâm thức của Hàn giống như những người Công giáo khác, đó là tin có Thiên Đàng, nơi hạnh phúc vô biên. Bởi nơi đó:
 
“Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u ám như cõi lòng ma quỉ
Vì có đấng Hằng Sống hằng ngự trị
Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh”
(Ngoài vũ trụ)
 
Ngay trong cơn đau quằn quại của thể xác và linh hồn, thi sĩ vẫn phân biệt được bóng tối và ánh sáng, ma quỷ và đấng Hằng Sống. Ở miền ánh sáng, miền hạnh phúc ấy, linh hồn được thỏa thuê niềm hạnh phúc và không bao giờ hư mất. Cho nên ông muốn linh hồn của ông “lên quá nữa thinh gian” để tiến đến nguồn mạch hạnh phúc Thiên Đàng.
 
Bằng tài sử dụng từ ngữ, Hàn Mặc Tử đã đưa người đọc trở về với cội nguồn hơi thở sự sống, với thuở tạo thiên lập địa. Và cũng bằng ngôn ngữ, Hàn Mặc Tử đã ghi lại những bài học giáo lí vỡ lòng trong những câu thơ sống động của mình. Chính đó là vô thức tập thể đã ảnh hưởng đến hồn thơ Hàn Mặc Tử một cách ngẫu nhiên, không ý thức. Nên ta hiểu vì sao thơ Hàn Mặc Tử là những tinh hoa như lâu nay mọi người vẫn nhận định. Bởi thơ ông được chắt lọc từ cội nguồn văn hoá chung của thế giới, của dân tộc và của tôn giáo, tín ngưỡng.
 
2.2.3. Hồn là tâm trạng, là cảm xúc
 
Thơ Hàn Mặc Tử đầy tâm trạng! Khi đọc thơ ông, người ta có cảm giác chạm đến một con người, một linh hồn chất chứa lắm suy tư, nỗi niềm. Đó là niềm vui nho nhỏ, niềm khát khao hạnh phúc, cái cười an nhiên tự tại nhưng cũng có lúc đó là nỗi đau đang giằng xé con tim nhỏ bé của thi sĩ.
 
“Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo sương khói”
(Trường tương tư)
 
Như thế nào là một “hồn đau”? Làm sao biết được linh hồn đang đau? Phải chăng Hồn mặc lấy thân xác nên Hồn cũng có những cảm giác rất thực! Và người thi sĩ đã cảm nhận được điều đó. Bởi Hồn là một phần trong con người ông. Hồn đau hay đúng hơn là chính cả con người thi nhân đang quằn quại trong cõi đau thương của bệnh tật. Hàng loạt từ chỉ trạng thái cảm xúc được tác giả gắn với Hồn, và người đọc dễ dàng nhận ra nó trong thơ ông. Từ một “hồn phiêu bạt”, “hồn trơ vơ”, “hồn buồn”, “hồn đau”, “hồn tan rã” cho đến “hồn phách ngã lao đao”, “hồn mắc cỡ”, “hồn bùi ngùi”, “hồn mê man”, “hồn lưu luyến”, “hồn dại khờ”, “hồn cười nghiêng ngã”, “hồn kêu rên”… tất cả những điều đó, trạng thái đó, tích cực lẫn tiêu cực, vui tươi lẫn đau khổ đan xen nhau trong một “hồn thi sĩ”. Hồn muốn “xô vỡ sóng”, hay chính thi nhân muốn xô vỡ sóng, những cơn sóng lòng cứ dập dìu trong cõi sâu thẳm của tâm hồn, xô vỡ cái cô đơn, trống rỗng đang kìm hãm thi nhân.
 
“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”
(Những giọt lệ)
 
Dành trọn cuộc đời để đi tìm tình yêu, dành trọn linh hồn cho tình yêu, nhưng tình yêu vuột mất, Hàn Mặc Tử như đánh mất một nửa linh hồn, một nửa sự sống, nửa còn lại cũng “dại khờ”. Câu thơ chùng xuống như một tiếng thổn thức ngậm ngùi. Đó là tiếng kêu của một linh hồn, một tâm trạng của một con người có quá nhiều mất mát. Người đọc chỉ có thể thinh lặng để cảm nhận, rồi thấy thương, thấy tội, và yêu hơn một con người tài hoa bạc mệnh.
 
“Hẹn tôi tảng sáng đi tìm mộng
Mộng còn lưởng vưởng bến xa mơ
Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ
Tôi hoảng hồn lên giận sững sờ”
(Một miệng trăng)
 
Đọc thơ, người ta như thấy mình rơi vào hai trạng thái đối lập nhau. Một bên là cảm giác an nhiên thư thái của một giấc ngủ đêm đầu hạ. Một bên là sự thất vọng, tiếc nuối như vừa bị phá vỡ một giấc mộng đẹp. Chúng nối tiếp nhau để tạo nên một giấc mộng không thành. Dường như đó cũng chính là tâm trạng của tác giả. Thi nhân đang tìm thú an vui trong cõi mộng. Nhưng oái ăm thay, tiếng gà đã phá vỡ giấc mộng ấy. Thi sĩ thầm oán trách tiếng gà đã phá đi giấc mộng của mình, cướp đi cảm giác vui sướng, cảm giác bình an hạnh phúc mà ở ngoài thực tại, tác giả ít khi có được.
 
“Miệng giếng mở ra
Nuốt ực bao la
Nuốt vì sao rơi
Loạn rồi, ôi giếng loạn
Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng điên
Nhảy vù xuống giếng vớt trăng lên”
(Trăng tự tử)
 
Từ trạng thái tinh thần thất vọng, Hàn Mặc Tử trở nên hoảng loạn điên đảo. Linh hồn ông như luống cuống, quay cuồng, bấn loạn. Chắc không ít người khi đọc bài thơ này đã cho rằng ông bị điên. Đúng! Hàn Mặc Tử đang điên, cái điên của một thi sĩ và là cái điên của một con người bị xã hội loài người “vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng ra một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích”. [8, 70] Và thi nhân chỉ còn lại một mình, cô đơn, hiu quạnh. Chung quanh ông chỉ còn mây gió, trăng, nước non làm bầu bạn. Giả như người bạn này cũng mất đi thì con người bất hạnh ấy sẽ cô đơn đến dường nào. Cho nên thi nhân mới hoảng loạn, hoảng hồn lên như vậy. Đọc thơ mà ta cảm thấy xót xa cho một số phận con người.
           
Có thể thấy, Hàn Mặc Tử viết về Hồn khá nhiều trong quá trình sáng tác của mình. Đặc biệt, linh hồn được nhắc đến nhiều nhất trong tập Thơ Điên (Đau Thương). Cụ thể là với 53 bài thơ thì đã có đến 74 lần tác giả nhắc đến Hồn. Đây có thể nói là điều khác biệt so với các nhà thơ trước, cùng thời và sau ông. Trước đây, đại thi hào Nguyễn Du cũng đã nhắc đến Hồn với ý nghĩa là tâm trạng cảm xúc:
 
“Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen”
(Văn chiêu hồn)
 
Nguyễn Du đã hóa thân vào người khác, để cảm, để đau cùng người khác, hoặc đau cho thân phận con người, cho kiếp người tạm bợ. Nhắc đến thơ văn chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta không thể không nhắc đến bài “Phản Chiêu Hồn”. Đây là một bài thơ có tứ khá độc đáo. Thông thường, người ta làm văn để cúng tế gọi hồn về, còn Nguyễn Du làm thơ bảo hồn “đừng về”:
 
“Hồn hề! Hồn hề! Hồn bất quy?
Đông tây nam bắc vô sở y.
Thướng thiên há địa giai bất khả,
Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi?”
Dịch nghĩa:
“Hồn ơi! Hồn ơi! Sao không về?
Đông, tây, nam, bắc, không có nơi nào nương tựa cả.
Lên trời xuống đất đều không được
Về đất Yên, đất Dĩnh mà làm gì?”
(Theo thơ văn chữ Hán Nguyễn Du)
 
“Hồn” ở đây chính là linh hồn của Khuất Nguyên, một vị quan, một nhà thơ lớn của Trung Quốc. Vì bị bọn nịnh thần hãm hại, ông đã gieo mình xuống dòng Mịch La. Tống Ngọc, người học trò của ông, viết bài “Chiêu Hồn” để  gọi Khuất Nguyên về sống lâu hơn. Đại thi hào của chúng ta, đã viết bài này để bác lại bài “Chiêu Hồn” của Tống Ngọc, khuyên hồn đừng về nơi trần gian đang đầy rẫy bọn tham quan gian ác. Tích Khuất Nguyên đã trở thành quen thuộc với nhiều người, trong đó có Nguyễn Du. Cho nên, khi đến sông Mịch La, tích ấy lại hiện nơi tâm trí của ông. Kết hợp với ý thức về một xã hội đen tối, không chỉ vào thời của Khuất Nguyên, mà ông đang sống, đầy rẫy những bọn người:
 
“Bất lộ trảo nha dữ giác độc
Giảo tước nhân nhục cam như di”
 
Dịch nghĩa:
“Họ không để lộ vuốt nanh sừng và nọc độc
Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường”
(Theo thơ văn chữ Hán Nguyễn Du)
 
Quá khứ và hiện tại, dường như đang đan xen trong tâm trí Nguyễn Du ngay lúc này đây. Và ông đã đau cho nỗi đau của một kiếp người, thương cho số phận con người. Bởi ông ý thức được những vấn nạn của xã hội bấy giờ và những cơ cực của con người phải gánh chịu. Hồn trong thơ ông không điên loạn, không rên siết nhưng đau đớn. Tất cả những điều ấy xuất phát từ một con người có tấm lòng nhân đạo lớn. Hồn trong “Phản chiêu hồn” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiềm thức và ý thức của Nguyễn Du, là kết tinh, là siêu thức của thời đại. Cho nên nó độc đáo, khác lạ. Nguyễn Du là vậy! Còn Hàn Mặc Tử viết cho mình, đau cho mình trước. Cũng có những bài thơ, thi sĩ viết trong lúc xuất thần, trong khi quằn quại bởi cơn đau của chính mình. Hồn xuất phát từ vô thức, từ tiềm thức của tác giả, nhưng những hình ảnh vô thức ấy cũng không thể có chiều sâu như đại thi hào Nguyễn Du. Dù vậy, hình ảnh đó cứ chảy lai láng trên trang giấy theo những dòng tâm thức bất định của thi nhân và có một sức hút lạ kì.
 
Có thể nói, biểu tượng Hồn làm cho thơ Hàn Mặc Tử thêm vẻ ma quái, kinh dị, khác lạ, cuốn hút người đọc. Hồn là tâm trạng, là sự sống, là hơi thở và đượm màu Kitô giáo. Ông đã dùng biểu tượng Hồn để thể hiện, để bộc bạch ý niệm về sự khát khao sống mãnh liệt của mình. Chính nhờ cái Hồn của vô thức nhân loại tồn tại một cách tự nhiên trong tâm thức của ông, mà ông đã sáng tạo nên những câu thơ độc đáo, dị biệt, hiếm thấy.
 
2.3. Biểu tượng Máu
 
Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, thì Máu “tượng trưng cho tất cả những giá trị liên đới với lửa, với sức nóng và sự sống, gắn với mặt trời.” [4; 566] Ngoài ra Máu được coi là phương tiện truyền dẫn sự sống, là bản nguyên của sự sinh thành. Máu hòa với nước là hình ảnh chảy ra từ vết thương nơi cạnh sườn Đức Giêsu Kitô, cùng trong ý nghĩa đó, máu là trường hợp siêu chuyển thánh thể thành bánh. Máu còn ứng với nhiệt, nhiệt của sự sống và nhiệt của thân thể. Và cùng với một quan điểm trên “Máu là bản nguyên của thân xác và là phương tiện truyền dẫn những đam mê” [4;566]. Với một số dân tộc khác thì máu là vật dẫn linh hồn. Ngoài ra còn những ý kiến khác nhau về hình ảnh máu. Nhưng về cơ bản, Máu biểu trưng cho sự sống nhưng cũng hàm ý về cái chết. Như vậy biểu tượng Máu có hai hàm ý đối lập nhau, sống - chết.  Nói đến máu người ta vừa hi vọng nhưng cũng vừa sợ hãi. Bởi ở đâu có máu, ở đó có sự sống nhưng ở đâu có đổ máu là nơi đó có hận thù, chết chóc, thương vong….Trong văn hóa và văn học Việt Nam, Máu còn biểu trưng cho tình ruột thit. Cho nên mới có câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Máu như thế biểu hiện cho sự sống, nhiệt huyết và tình yêu.
 
Ở các tập thơ đầu, hình ảnh máu rất ít, hầu như không được Hàn Mặc Tử thể hiện trong thơ của mình. Nó bắt đầu xuất hiện và xuất hiện ngày càng nhiều. Tập thơ Điên Đau thương, đã có 12  bài viết về máu trên tổng số 53 bài thơ. Nói như Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam thì “Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra biển cả, cho hồn văng ra và rú lên những tiếng ghê người” [4; 205]. Đọc thơ Điên của ông, ta bắt gặp những câu thơ đầy máu. Máu trong thơ Hàn Mặc Tử là biểu tượng của sự sống, niềm đam mê và gắn với mặt trời.
 
2.3.1.  Nguồn sinh lực của sự sống
           
Từ ban sơ, Máu được xem là biểu tượng của phương tiện truyền dẫn sự sống, là bản nguyên của sự sinh thành. Ở một nghĩa hẹp hơn, Máu là hình ảnh của buổi chiều hy tế. Bước vào thơ Hàn Mặc Tử như một sự ngẫu nhiên, nhưng chính hình ảnh Máu đã đem lại cho thơ ông một sức hút kì lạ. Trước nhất, Máu trong thơ Hàn Mặc Tử là biểu tượng của nguồn sinh lực dẫn truyền sự sống. Đọc thơ ông, người ta cảm nhận được dòng máu tuôn trào đầy sinh lực:
 
“Anh đã ngâm và ngâm đã thuộc làu
Cả người rung động bởi thương đau
Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái
Anh cắn lời thơ để máu trào”
(Lưu luyến)
Tác giả viết “cắn lời thơ để máu trào” nhưng có lẽ đó chỉ là một cách viết, một cách nói, một cách ngụy trang đầy nghệ thuật. Bởi thơ là sản phẩm do con người tạo nên thì làm sao có thể có Máu. Máu ở đây chính là nguồn sinh lực của con người, mà cụ thể là thi nhân. “Máu trào” là hình ảnh biểu thị cho một nguồn sinh lực dồi dào. Chính nguồn sinh lực ấy tạo nên những dòng thơ huyết lệ, hay khôn tả. Cũng có khi đó là sức sống tươi nguyên của người con gái đang tuổi xuân thì:
 
“Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em
Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm”
(Gái quê)
 
“Tươi như máu” vốn dĩ là cách so sánh quen thuộc của người dân. Cách so sánh bình dân ấy đã được Hàn Mặc Tử nâng lên thành nghệ thuật. “Tươi như máu” thể hiện một sức sống đang căng tròn. Bởi như đã nói, máu là nguồn mạch, là phương tiện dẫn truyền sự sống.
 
Không chỉ dừng lại ở sức sống của con người, máu còn là sức sống của thơ ca nghệ thuật. Ngay ở đầu tiên, Lệ Thanh đã nói:
 
“Giấy trắng tinh khôi tuôn huyết mạch
Lời vàng nguyên vẹn trổ tài hoa”
(Bút thần khai)
 
Cả toàn bài thơ, tác giả chỉ nhắc một lần hình ảnh máu “huyết mạch”, nhưng máu ấy chính là huyết mạch của thơ ca. “Tuôn huyết mạch” là nguồn mạch của thơ ca đang dồi dào, tuôn chảy qua ý nghĩ của nhà thơ, và tràn ra cả trang “giấy trắng tinh khôi”.
 
Máu là thơ, là ngọn bút vẫy vùng trên trang giấy. Thi nhân muốn máu của mình quay cuồng theo lời thơ để ông cũng được chìm vào cảm giác “mê man chết điếng”. Hàn Mặc Tử đã khẳng định: “Không rên siết là thơ vô nghĩa lý” (Dấu tích), là đi ngược lại với mệnh trời: “Người bắt chúng mua bằng giá máu” (Quan niệm thơ – Hàn Mặc Tử). Có lẽ thế nên Hàn Mặc Tử muốn được thấy máu của mình chảy ra. Bởi chính lúc máu chảy ra nhiều là lúc thơ của thi nhân dào dạt. Máu ở đây cũng là những cảm hứng để cho những vần thơ tuôn chảy.
 
“Lời thơ ngậm cứng không rền rĩ
Mà máu tim anh chảy láng lai
Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt
Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi”
(Lưu luyến)
 
Bài thơ có hai từ “máu” thì cả hai đều thể hiện một sự sống mãnh liệt: “máu trào”, “máu láng lai”. Thêm một lần nữa, Hàn Mặc Tử diễn tả sức dồi dào của thơ ca. “Máu tim vọt láng lai” cũng chính là thơ ca đang tràn trề sức sống. Nói đúng hơn là tâm tình, cảm xúc của tác giả đang dâng trào. Cảm xúc đó, tâm tình đó được tác giả xây đắp nên những lâu đài thơ kì diệu.
 
2.3.2. Nhiệt huyết tuổi trẻ
           
Máu trong thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là sự sống, nguồn sống, Máu trong thơ ông là biểu tượng của sự đam mê, nhiệt huyết, của sự khát khao mãnh liệt:
 
“Hương cho thơm, ứ đầy hơi khoái lạc
Máu cho cuồng run giận đến miên man”
(Ngoài vũ trụ)
 
Người trai trẻ đang khao khát một sức sống mãnh liệt, đó là nhiệt huyết. “Máu cho cuồng” hay đúng hơn là nhiệt huyết đang sôi sục trong trái tim của thi nhân. Và cũng chỉ với hình ảnh “máu cuồng” xuất hiện duy nhất một lần trong bài thơ cũng đã nói lên điều đó. Ngoài ra, hình ảnh trên còn là hình ảnh của niềm đam mê vươn lên cái đẹp.
 
“Xin dâng này máu đang tươi
Này đây nước mắt giọng cười theo nhau”
(Bến Hàn Giang)
           
Cả cuộc đời thi sĩ là những chuỗi ngày đau đớn bởi bệnh tật, một cuộc đời bất hạnh, không có một tuổi trẻ với những ước vọng cho tương lai. Tâm hồn người thi sĩ vì bệnh tật mà già đi. Nó già cỗi từ bao giờ, có khi là lúc còn hoài thai trong lòng mẹ. Cho nên lúc ấy ông khao khát được cống hiến, khát khao vươn lên mùa xuân tâm hồn, cải lão hoàn đồng. Hình ảnh Máu “lai láng”, “máu cuồng” như gợi lên một nhiết huyết, một sức sống vô tận. Và con người đang khát khao vươn đến điều đó.
 
Thi nhân đã nói rõ quan niệm, tư tưởng của mình. Đó là sự khát khao tìm đến cái đẹp, say sưa với cái đẹp, nghệ thuật và cống hiến cho nó. Máu là sự đam mê. Hàn Mặc Tử sẵn sàng hy sinh vì sự đam mê ấy:
 
“Ta sẽ hộc ra từng búng huyết
Nhuộm đầy phong vị khúc mê ly”
(Người ngọc)
           
Vì tình yêu, vì nghệ thuật, khát khao cái đẹp “hương và sắc”, Hàn Mặc Tử sẵn sàng đổ máu. Và góp phần máu ấy để tạo nên cái tuyệt mỹ “phong vị khúc mê ly”. Nếu không đam mê, nếu không khao khát đến cháy bỏng thì làm sao tác giả dám dùng chính máu của mình, sự sống của mình để đánh đổi.
           
Không chỉ thể hiện trên câu chữ, có khi Máu hòa cùng những giọt lệ chảy tràn ra trang thơ, cũng có khi những giọt huyết lệ ấy chảy ngược vào tim của con người bất hạnh:
“Sao bông phượng nở trong mầu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu”
(Những giọt lệ)
 
Đó là những giọt huyết lệ chảy ra từ con tim đầy khát vọng của thi nhân. Dòng huyết lệ ấy đã nhuộm lên trang thơ màu đỏ thắm. Lần đầu tiên ta nghe có một câu thơ hay đến thế.
 
2.2.3. Ẩn dụ về cái chết
 
Lúc con người sinh ra cũng là lúc con người bắt đầu cuộc hành trình tiến về cái chết. Máu là cuộc sống đang chết. Nói cách khác, Máu là cái chết tiềm ẩn trong cuộc sống. Ở đâu có máu thì ở đó có sự sống nhưng ở đâu có đổ máu thì ở đó có chết chóc, thương vong. Ngay trong thơ văn trung đại của Việt Nam, ta đã bắt gặp hình ảnh Máu như một điềm xấu.  “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là một minh chứng rõ nét nhất về ý nghĩa cái chết, thương vong, chiến tranh thông qua hình ảnh Máu. Trong áng văn thiên cổ này, tác giả nhắc đến Máu để diễn tả sự tàn khốc của chiến tranh, của tội ác và của những cái chết thê lương mà “dân đen con đỏ” chính là nạn nhân của bấy nhiêu sự ấy:
 
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
(Bình Ngô đại cáo)
 
Đó là tội ác của giặc Ngô, những kẻ ăn thịt uống máu người “Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”. Hình ảnh máu còn được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài cáo
“Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm
Tuỵ Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.”
“Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước”
“Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.”
(Bình Ngô đại cáo)
 
“Máu chảy thành sông”, “máu trôi đỏ nước”, “cỏ nội đầm đìa máu đen”… chết chóc lan tràn khắp nơi, đâu đâu cũng thấy thây người. Nguyễn Trãi đã quặn thắt lòng lại khi viết nên áng thiên cổ hùng văn này. Nỗi ám ảnh về máu, cái chết của một con người sống trong một đất nước bị chiến tranh, hằng ngày phải chứng kiến đồng bào mình đổ máu, chứng kiến đồng bào mình bị giết chết…đã ăn sâu vào tâm trí của người sĩ phu yêu nước. Để rồi từ đó, ông viết nên bản cáo bất hủ. Và có lẽ đối với Nguyễn Trãi, Máu là chiến tranh, tang thương, chết chóc.
 
Còn Hàn Mặc Tử, dù không chứng kiến chiến tranh tàn khốc như Nguyễn Trãi xưa nhưng Máu là một nỗi ám ảnh cả tuổi thanh xuân. Bởi những ám ảnh về bệnh tật và cái chết luôn rình rập, đeo đuổi thi nhân, làm cho thi nhân nhiều khi sợ hãi, bấn loạn, quay cuồng. Người ta bắt gặp một trạng thái tinh thần không thể diễn tả ở chính nơi Hàn Mặc Tử. Trong những lúc như thế, người thi sĩ đã tuôn ra những câu thơ đầy Máu:
 
“Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn”
(Trường tương tư)
           
Tác giả đã dùng Máu để biểu thị trời chiều (ác lặn). Hiệu ứng mà tác giả tạo ra trong câu thơ thông qua những lớp từ ngữ, hình ảnh làm cho con người ta cảm giác thời gian chậm đi, ngưng lại như một “vũng máu đào”. Không cần nói nhiều, chỉ cần một “vũng máu đào” nằm ở cuối bài thơ cũng đủ cho người đọc cảm thấy không gian như nhỏ đi, hẹp lại, ngột ngạt. Không những thế, hình ảnh thơ còn làm cho người đọc cảm giác buồn tê tái, sợ hãi, muốn trốn chạy. Máu trong “ác lặn” là biểu tượng của sầu khổ, của chết chóc, của sức sống đang cạn dần, cạn dần và tắt lịm trong đêm tối. Có khi ta thấy hình ảnh máu hiện rõ trên thơ Hàn Mặc Tử, nhưng không mảy may nghĩ đó là hình ảnh biểu thị cái chết:
 
“Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.”
(Cuối thu)
 
Hình ảnh thơ “gánh máu đi trên tuyết” rất lạ. Từ xưa đến nay, chưa có nhà thơ Việt Nam nào có một hình ảnh thơ lạ đến thế. Phải chăng sự chết, sự hiến tế của Đức Giêsu trong Kinh Thánh đã ăn sâu vào tiềm thức của thi nhân? Là người Công giáo, Hàn Mặc Tử biết đến câu kinh thánh “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29), và Đấng ấy đã đổ máu mình ra làm hi tế.
 
 “Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ”
(Trút linh hồn)
 
“Máu khô” là hình ảnh ẩn dụ nói về cái chết một cách rõ nét nhất trong thơ Hàn Mặc Tử. “Máu khô” đồng nghĩa với sự sống trong thi sĩ cũng tắt. Như vậy thơ sẽ không còn được sinh ra, không thành lời. Và một khi nhiệt huyết tuổi trẻ không còn, máu trong tim sẽ cạn kiệt, con tim sẽ co quắp lại, tình yêu và cảm xúc chết yểu theo con tim ấy. 
 
Dù tần suất xuất hiện không nhiều, chỉ có khoảng 20 lần, nhưng Máu cũng trở thành biểu tượng đặc biệt trong tập thơ Đau Thương của Hàn Mặc Tử. Máu là sự sống, là nhiệt huyết, là tình yêu và là hình ảnh ẩn dụ của một định mệnh khốc liệt: cái chết. Chỉ dừng lại ở một vài bài có hình ảnh Máu, chúng ta không thể hiểu được hết ý nghĩa của nó. Bởi giữa những bài thơ trong toàn bộ các tập thơ của ông có một sự liên kết mật thiết với nhau. Cho nên, Máu trong thơ Hàn Mặc Tử có lúc đan xen, có lúc hòa quyện, có khi nó vừa là sự sống vừa là nhiệt huyết, có khi nó là nhiệt huyết, là sức sống nhưng trong nhiệt huyết đó, sức sống ấy tồn tại sự chết. Phải cô đơn, quằn quại trong căn bệnh trầm kha ấy và khát khao sống mãnh liệt lắm thì Hàn Mặc Tử mới viết nên những câu thơ đầy Máu như vậy.
 
3.  Lý giải sự xuất hiện biểu tượng Hồn, Máu trong thơ Hàn Mặc Tử
 
Hồn, Máu là hai hình ảnh xuất hiện nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử, đặc biệt là tập Đau Thương. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi chọn Đau thương mà không chọn tác phẩm khác. Tần số xuất hiện của Hồn, Máu trong thơ ông ngày một nhiều hơn. Ta có thể gặp những bài về Hồn, Máu như: Hãy nhập hồn em, Hồn là ai, Trút linh hồn, Rướm máu
 
Không phải ngẫu nhiên mà tập thơ Đau Thương của Hàn Mặc Tử lại nhiều những hình ảnh đó. Thời gian này, Hàn Mặc Tử không hướng ra ngoại cảnh mà quay vào nội tâm để viết. Ông cắt đứt liên lạc với bạn bè, xã hội. Tâm hồn ông cô đơn nhưng đồng thời cũng khát khao sống. Thi nhân tìm đến với thiên nhiên để bầu bạn. Bên cạnh đó, căn bệnh phong cùi quái ác cứ hằng ngày hành hạ nhà thơ. Ông phải đối diện với cái chết mặc dù ông rất ham sống, khát khao sống. Đó là nguyên nhân mà thơ Hàn Mặc Tử đầy Hồn và Máu. Bởi Hồn tượng trưng cho hơi thở, cho sinh khí, sự sống và Máu là sức sống mãnh liệt và ám chỉ chết chóc. Những hình ảnh đó vọt ra từ tâm thức của thi nhân vừa là khát khao, uớc mơ, hi vọng và là sự sợ hãi, hoảng loạn của thi nhân. Bên cạnh đó, sự đối lập trong suy nghĩ, trong bản thân lòng thi nhân đã tạo nên những hình ảnh kì quái, lạ thường cho thơ ông. Và đó là lí do mà tại sao ông đặt cho thơ mình là thơ Điên và hình ảnh Hồn, Máu xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử một cách đặc biệt mà các nhà thơ khác không có.
 
²²²
Có thể nói, thơ Hàn Mặc Tử có sự hòa quyện giữa vô thức cá nhân và vô thức tập thể, giữa sự cá biệt cuộc đời nhà thơ và những nét chung của tâm hồn nhân loại, thế giới. Nói cách khác, thơ Hàn Mặc Tử là sự hòa quyện giữa những yếu tố nội tại (cuộc đời, tình yêu, bệnh tật…) và ngoại tại (văn hóa dân tộc, tâm thức cộng đồng, vô thức tập thể nhân loại như thời đại, tôn giáo, văn hóa phương Tây hiện đại…). Hai biểu tượng Hồn và Máu đã cho ta thấy điều đó. Đây là hai biểu tượng quen thuộc trong hệ thống biểu tượng văn hóa thế giới với những ý nghĩa cố định. Nhưng bước vào thơ Hàn Mặc Tử, nó sống động và biến đổi một cách linh hoạt, ma quái theo tâm trạng, khát vọng, đam mê của nhà thơ. Từ đó, thơ Hàn Mặc Tử hay đến kì dị và vô tiền khoáng hậu.
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách nghiên cứu
1.      Phan Cự Đệ (2007), Hàn Mặc Tử về tác gia tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội
2.                  Nhiều tác giả (2003), Văn học 9 tập 1, Nxb Giáo dục (tái bản lần thứ 13).
3.                   Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.
4.                  Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Lưu Huy Khánh, Nguyễn Xuân Giao, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb Đà Nẵng.
5.                  Kinh thánh Tân ước (1997), Nxb TP. HCM.
6.                  Lữ Huy Nguyên (2002), Hàn Mặc Tử thơ và đời, Nxb Văn học, Hà Nội
7.                  Hoài Thanh, Hoài Chân (2006), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học (tái bản).
8.                  Chu Văn Sơn (2004), Hàn Mặc Tử - Một hành trình sáng tạo, Nxb Trẻ.
9.                  Kiều Văn (2000), Thơ Hàn Mặc Tử, Nxb Đồng nai
Các trang web
10.              http://baomuahe2011.vnweblogs.com/post/19274/263029
11.              http://www.bichkhe.org/home.php?cat_id=148&id=1649
 
 

[1] Theo Trần Nữ Phượng Nhi, Thơ Bùi Giáng dưới lăng kính phê bình cổ mẫu, Luận văn thạc sĩ văn học trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, 2011, trang 24.

Từ khóa:

Hàn Mạc Tử

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 24
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 2653
  • Tháng hiện tại: 129175
  • Tổng lượt truy cập: 12273435