Trang mới   https://gpquinhon.org

Sử dụng lời nói như thế nào?

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/03/2013 19:21

Trong đời sống hàng ngày, biết bao lời được nói ra, hay có dở có, đem lại hạnh phúc có mà gây chia rẽ, đau lòng cũng không ít. Lẽ thường, ít ai lại không muốn hạnh phúc, thuận hoà chứ đâu có mong bất hoà, xáo trộn.

Vậy phải nói như thế nào để mang lại kết quả tốt? Xin mượn một số câu Lời Chúa trích từ Thánh Kinh để phần nào trả lời cho câu hỏi này.

VỀ NỘI DUNG TRONG LỜI NÓI
  1. Lời nói phải ngay thật
Trong các sách Khôn ngoan thuộc Kinh Thánh Cựu Ước, khi đề cập đến người khôn kẻ dại, tác giả không ít lần căn cứ trên lời nói.

“Miệng người công chính nói điều khôn ngoan,
Lưỡi đứa gian tà sẽ bị xẻo đi mất.
Môi người ngay làm kẻ nghe hả dạ,
Miệng đứa ác nói toàn chuyện dối gian” (Cn 10, 31-32)

Như thế, tiêu chí quan trọng trong lời nói là nói sự thật, ngay tình, tránh xảo trá, điêu ngoa, gian dối. Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy điều này: “Hễ có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ.” (Mt 5, 37). Chính sự thật, dù đôi khi gây mất lòng, nhưng hả dạ và tồn tại mãi chứ không mau tàn như những lời dối trá.

“Lời ngay thật lưu tồn mãi mãi,
Lưỡi dối gian chỉ có một thời.” (Cn 12, 19)
  1. Lời nói xoa dịu, chữa lành, mang tính xây dựng
Cần nói những lời xoa dịu và chữa lành.

“Lời xoa dịu tựa cây ban sự sống.” (Cn 15, 4)
“Miệng lưỡi khôn ngoan lại chữa trị cho lành.” (Cn 12, 18)

Thánh Phaolô dạy:

“Đừng nói lời thô tục, nhảm nhỉ, cợt nhả.” (Ep 5, 4)

VỀ HÌNH THỨC CỦA LỜI NÓI
  1. Lời nói cần dịu dàng, tử tế
Ca dao có câu:

Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Sách Huấn ca dạy:

“Ăn nói dịu dàng tăng thêm bạn hữu,
Phát biểu dễ thương tăng thêm lời thân ái.” (Hc 6, 5)

Còn sách Châm ngôn thì răn bảo: 

“Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan,
Lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ.” (Cn 15, 1)

“Người ăn nói tử tế sẽ được bao điều tốt đẹp.” (Cn 12, 14)
  1. Tự chủ, kiệm lời
Người khôn ngoan là người biết nhanh nghe nhưng chậm nói.

“Người khôn giữ kỹ điều mình biết.” (Cn 10, 14)
“Người năng nói năng lỗi,
Ai dè giữ lời nói mới là người khôn.” (Cn 10, 19)

Sách Huấn ca nhắc nhở:

“Hãy mau mắn nghe,
Nhưng thong thả rồi hãy trả lời.
Nếu biết thì trả lời cho người ta,
Bằng không, thì hãy đặt tay lên miệng.” (Hc 5, 11)

Thánh Giacôbê tông đồ dạy cần phải kiềm chế miệng lưỡi, không thể một nguồn suối duy nhất là cái lưỡi mà lại chảy ra hai dòng nước trong sạch và dơ bẩn, làm chủ được miệng lưỡi là làm chủ toàn thân. (x. Gc 3, 1-6)

Tóm lại, khi cần thì hãy nói sao cho tốt đẹp cả nội dung lẫn hình thức của ngôn từ. Để trưởng thành và khôn khéo trong lời nói, cần một quá trình rèn luyện liên lỉ, nhất là năng tiếp xúc với Lời Chúa, học hỏi và suy gẫm Lời thật nhiều. Khi lòng đầy những sự lành thánh thì miệng sẽ nói ra những điều tốt đẹp.

Xin đừng xem thường việc trau dồi lời ăn tiếng nói hàng ngày bởi nói là một trong những việc phải học cả đời (học ăn, học nói, học gói, học mở) và nhất là Chúa Giêsu đã cảnh báo: “đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12, 36-37)

                                                                                
Ghi chú:
  1. Những câu Kinh Thánh trong bài được trích từ bản dịch Kinh Thánh của Nhóm PVCGK.
  2. Xin đọc thêm: “Họa – Phúc từ đâu đến? “Miệng là cửa của Họa Phúc”” của tác giả Trần thị Giồng, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2007.
     
Tác giả bài viết: Võ Ái Kinh (chủng sinh Qui Nhơn)
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 27
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 13535
  • Tháng hiện tại: 181082
  • Tổng lượt truy cập: 12470794