Hôm nay chúng ta vui mừng cử hành thánh lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các xứ truyền giáo, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm 100 năm giáo phận chúng ta chính thức mang tên gọi Qui Nhơn. Giáo phận Qui Nhơn đã có diễm phúc đón nhận Tin mừng từ năm 1618 do các thừa sai Dòng Tên, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời.
Theo lời tường thuật của thánh Maccô trong đoạn Tin mừng hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Tông đồ đã thi hành lệnh truyền của Chúa: từ Giêrusalem, các ngài đi khắp mọi nơi rao giảng Tin mừng cho các dân tộc, xây dựng các cộng đoàn tín hữu và mở đường cho mọi người trở về với Thiên Chúa.
Theo Thánh Phaolô trong bức thư thứ nhất gửi các tín hữu Côrintô (1Cr 9,16-19.22-23), rao giảng Tin mừng không phải để tìm kiếm vinh quang, nhưng đó là một nhu cầu phải thực hiện. Vì thế ngài đã nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16). Vì Tin mừng, ngài đành mất tất cả những gì được người đời mến mộ và tìm kiếm, để trở nên mọi sự cho tất cả mọi người. Ngài viết: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người… Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,19.22).
Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô và tấm gương hy sinh rao giảng Tin mừng của Thánh Phaolô đã có sức đánh động tâm hồn Thánh Phanxicô Xaviê và biến ngài trở thành một nhà truyền giáo vĩ đại như Thánh Phaolô. Tuy nhiên, cuộc đời và dáng dấp vĩ đại của ngài được hình thành và lớn lên từ ba tiếng gọi: từ tiếng gọi của trần gian đến tiếng gọi của trời cao và cuối cùng đã nở hoa nhờ tiếng gọi lên đường truyền giáo của Đức Kitô.
Thánh Phanxicô sinh năm 1506 trong một gia đình quyền quí tại lâu đài Javier trong xứ Navarra, nước Tây Ban Nha. Ngài là con thứ sáu trong gia đình. Cha ngài đậu bằng tiến sĩ luật và phục vụ cho vị lãnh chúa người Pháp Jean d’Albert. Năm lên 17 tuổi, ngài không chịu gò bó ở quê nhà, nhưng muốn tiến thân theo tiếng gọi của công danh sự nghiệp. Vì thế ngài đã lên đường sang Paris, thủ đô nước Pháp, để theo đuổi học hành, trau dồi kiến thức và cuối cùng đã trở thành một giáo sư triết học trẻ trung và tài giỏi tại “Kinh thành ánh sáng” ấy. Tương lai đang mở ra trước mặt ngài với tất cả vinh quang trần thế. Ngài đã đạt được những gì mà người trần thế đánh giá cao và mong muốn. Nhưng chính khi đang đứng trên đỉnh cao danh vọng ấy, ngài lại nghe một tiếng gọi khác, không phải từ trần gian, nhưng từ trên cao.
Số là tại Paris, ngài chung sống cùng một căn phòng với những người bạn tốt, đó là Chân phước Phêrô Favre và Thánh Inhaxiô Loyola. Chàng thanh niên Phanxicô đã được Thánh Inhaxiô thuyết phục bằng câu Tin Mừng: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có lợi gì ?” (Mc 8,36). Lúc đầu tiếng gọi của danh vọng trần gian quá mạnh, lấn át tiếng nói của Tin mừng. Nhưng Inhaxiô kiên trì lặp đi lặp lại câu Lời Chúa ấy khiến Phanxicô bắt đầu suy nghĩ. Mặc dù không quen kiểu cân đo đong đếm của tư duy kinh tế, nhưng ngài cũng thử đặt tất cả lên cán cân giá trị: được lời lãi cả trần thế mà chính mình phải hư vong thì có ích gì đâu. Vinh quang trần thế phút chốc sẽ tan bay như đám sương mờ buổi sớm khi ánh bình minh xuất hiện.
Thêm vào đó, nhận thấy Phanxicô là một con người đầy cao vọng, nên cùng với việc lặp đi lặp lại câu Tin mừng trên, có lần Thánh Inhaxiô đã nói với Phanxicô rằng: “Con người nhiều cao vọng như anh mà chịu dừng lại nơi vinh quang trần thế thì quá uổng. Thiết nghĩ chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với tầm cao ước vọng của anh”. Câu nói có vẻ bông đùa ấy nào ngờ lại có tác dụng như một liều thuốc mạnh có sức kích thích Phanxicô tiến lên một tầm cao mới, với ý thức rằng chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới đáng cho mình ước mơ và vươn tới. Phanxicô đã coi đây như châm ngôn để ngài dấn thân phục vụ Thiên Chúa trong Hội Thánh. Thế nhưng dấn thân cho vinh quang Thiên Chúa đòi buộc ngài phải từ bỏ vinh quang trần thế qua con đường công danh sự nghiệp. Và ngài đã quyết định từ bỏ chiếc ghế giáo sư để nhận lãnh chức linh mục, rồi cùng với Inhaxiô qui tụ một số bạn bè cùng tâm huyết để thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu Ad majorem Dei gloriam, nghĩa là “Để Thiên Chúa được vinh danh hơn”.
Ban đầu Phanxicô dấn thân cho vinh quang Thiên Chúa qua việc phục vụ các bệnh nhân, nhưng dường như chưa đủ. Mệnh lệnh của Đấng Cứu Thế trước khi về trời mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay cứ như thúc giục bên tai: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. Tiếng gọi lên đường này đáp ứng đúng khát vọng sâu xa của Phanxicô: đó là hiến thân loan báo Tin mừng cho đến tận những miền sâu miền xa của địa cầu. Vì thế, trong một giấc mơ ban đêm, người ta nghe Phanxicô la lên: “Còn nữa, còn nữa!” Thế là Phanxicô quyết tâm lên đường truyền giáo tận miền đất Á Châu vừa xa xôi lại vừa xa lạ. Không hệ gì! Ở đâu có thể làm vinh danh Thiên Chúa hơn, Phanxicô sẵn sàng lên đường. Mỗi lần chinh phục được một linh hồn về cho Chúa là một lần làm gia tăng vinh quang Thiên Chúa nơi trần gian.
Tháng 4 năm 1541, Phanxicô đã xuống tàu tại Lisbon để sang thành Goa thuộc Ấn Độ. Trong suốt những năm truyền giáo ở đây, ngài đã rửa tội cho hàng chục ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Những bức thư ngài gửi về cho Thánh Inhaxiô được phổ biến trên báo chí đã làm cho cả Âu Châu phấn khởi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội, đến độ ngài được gọi là tông đồ Phaolô thứ hai. Năm 1545, ngài rời Ấn Độ để đi truyền giáo ở Malaysia và Indonesia. Ngày 15 tháng 8 năm 1549 ngài xuống tàu đi Nhật Bản và trong vòng hai năm ngài đã thiết lập được một cộng đoàn ở đây. Cuối cùng vì muốn đi truyền giáo ở Trung Hoa, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay trước cửa khẩu Quảng Châu để chờ thuyền đưa vào đất liền. Thế nhưng ý Chúa nhiệm mầu không muốn để ngài phải vất vả hơn nữa, nên tại đây ngài đã ngã bệnh và qua đời trong một túp lều tranh, ngày 03 tháng 12 năm 1552, hưởng dương 46 tuổi. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài và đưa về Goa để chôn cất. Trong thời gian 11 năm 8 tháng truyền giáo, bằng những phương tiện của thời ấy, ngài đã đi hàng chục ngàn cây số, chỉ với một mục đích duy nhất là tìm kiếm vinh quang cho Thiên Chúa bằng cách rao giảng Tin mừng và thiết lập Hội Thánh.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Nhìn vào ơn gọi và sự đáp trả của Thánh Phanxicô Xaviê, chúng ta thấy ơn gọi đâu phải để sống nhàn hạ như nhiều người lầm tưởng, mà là để gánh vác, để nhận lấy sứ mạng nhiều khi nặng nề hơn sức nặng của chính bản thân: đó là để làm việc cho Chúa. Phải ra khơi trong giờ mình không quen như các tông đồ trên biển hồ Tibêria. Phải lên đường đến nơi mình không thích. Phải đánh đổi một hiện tại trong tầm tay để với lấy một tương lai mới chỉ thấp thoáng ở phía chân trời.
Trên đây chúng ta chỉ mới kể ra những thành quả mà Thánh Phanxicô đã đạt được trên bước đường truyền giáo. Nhưng chúng ta đừng quên rằng ngài cũng phải đối diện và đối đầu với biết bao khó khăn, gian khổ, dưới nhiều hình thức. Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi sai các tông ra đi truyền giáo, Chúa Giêsu đã tiên báo cho kẻ lên đường thấy trước rằng đường đi của họ không luôn luôn bằng phẳng, nẻo đi của họ không luôn luôn thẳng tắp, lối đi của họ không luôn luôn suông sẻ, bước đi của họ không luôn luôn dễ dàng, dáng đi của họ không luôn luôn nhàn tản, cách đi của họ không luôn luôn dễ chịu. Nhưng dẫu sao hướng đi làm nên bản chất ơn gọi phải luôn được khẳng định: tông đồ chẳng thuộc về mình, nhưng thuộc về Chúa. Dù khó khăn gian khổ mấy đi nữa, Giáo Hội vẫn phải ra đi và lên đường truyền giáo. Truyền giáo vừa là sứ mạng, vừa là số mạng, tức là sự sống còn của Giáo Hội.
Công cuộc truyền giáo của Thánh Phanxicô Xaviê có liên quan gì đến Giáo phận Qui Nhơn chúng ta nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung? Như chúng ta đã biết, năm 1549 Thánh Phanxicô Xaviê đã đến rao giảng Tin mừng tại Nhật Bản và sau 60 năm số tin hữu tại đây đã gia tằng đáng kể. Nhưng sự phát triển nhanh chóng ấy đã tạo nên một phản ứng chống Kitô giáo và cuối cùng đã dẫn đến cuộc bách hại. Ngày 14.02.1614, Nhật hoàng đã hạ chỉ dụ cấm đạo, trục xuất tất cả các thừa sai ngoại quốc. Vì vậy các thừa sai Dòng Tên phải tập trung về Ma Cao trên đất Trung Hoa. Thấy không có hy vọng trở lại Nhật Bản, các thừa sai chuyển việc truyền giáo sang Việt Nam và nhờ đó công cuộc truyền giáo tại Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đã bắt đầu từ năm 1618.
Sau 41 năm truyền giáo, vào năm 1659, Địa phận Tông Tòa Đàng Trong đã được thành lập. Năm 1844, vào thời Thánh Giám mục Stêphanô Cuenot Thể, Tòa Thánh đã ban sắc chỉ cắt phần đất phía Tây Nam của Địa phận và lập thành Địa phận Tông Tòa Tây Đàng Trong, phần đất còn lại được đổi tên thành Địa phận Tông Tòa Đông Đàng Trong. Đúng 80 năm sau, theo sự đề nghị của các giám mục miền Đông Dương, ngày 03 tháng 12 năm 1924, Tòa Thánh đã ban hành sắc lệnh đổi tên các Địa phận Tông Tòa tại Đông Dương theo tên địa hạt hành chính nơi đặt Tòa Giám mục. Vì vậy Địa phận Tông Tòa Đông Đàng Trong được đổi tên thành Địa phận Tông Tòa Qui Nhơn, tính đến hôm nay vừa tròn 100 năm. Lúc bấy giờ Tòa Giám mục đang đặt tại Làng Sông, nhưng đã có chương trình đưa về Qui Nhơn.
Qui Nhơn là một địa danh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1602 khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn. Đây là phần đất Đồ Bàn hay Trà Bàn (Vijaya) của nước Chămpa mà vua Lê Thánh Tôn đã chiếm được vào năm 1471. Phủ Qui Nhơn bao gồm phần đất của tỉnh Bình Định ngày nay. Địa danh Qui Nhơn bắt nguồn từ câu chữ của Mạnh Tử trong Tứ Thư: “Dân chi qui nhân dã, do thủy chi tựu hạ”. Tạm dịch là: Dân theo về bậc nhân, giống như nước chảy tới chỗ thấp”. Như vậy, khi chọn tên Qui Nhơn, Nguyễn Hoàng đã có ý dùng nhân đức để cai trị nhằm thu phục dân chúng tại vùng đất mới được khai phá trong quá trình Nam tiến. Tên gọi Qui Nhơn với chữ i ngắn đã xuất hiện ngay từ những bản báo cáo bằng tiếng Latinh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp trong thời kỳ đầu, cũng như sau này trong các bản văn bằng quốc ngữ. Vì vậy, tên gọi Qui Nhơn với chữ i ngắn là tên gọi chính thức của Giáo phận Qui Nhơn hiện nay.
Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm 100 năm tên gọi Qui Nhơn được chính thức sử dụng cho giáo phận, chúng ta hãy cũng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Người đã tuôn xuống trên giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong suốt bao nhiêu năm qua. Đồng thời, chúng ta cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thừa sai, các bậc tiền nhân đã đưa Tin mừng đến giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta một lòng nhiệt thành tông đồ, để chúng ta cũng trở thành những người loan báo Tin mừng theo gương Thánh Phanxicô Xaviê mà hôm nay chúng ta mừng kính.