Bài giảng thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2025

CHÚA NHẬT - 29/12/2024 20:25
Anh chị em thân mến,
Trong buổi cử hành Phụng vụ Kinh chiều II lễ Chúa Thăng Thiên, thứ Năm ngày 09 tháng 5 năm 2024, tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Sắc chỉ công bố Năm thánh 2025 với tựa đề “Spes non confundit – Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Đây là Năm thánh thường lệ của Hội thánh Công giáo cử hành 25 năm một lần.

Trên quy mô Hội thánh hoàn vũ, Năm thánh được Đức Thánh Cha khai mạc vào ngày 24 tháng 12 năm 2024 bằng việc mở Cửa thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại kinh thành Vaticanô và sẽ được bế mạc bằng việc đóng Cửa thánh này vào ngày 06 tháng 01 năm 2026, lễ Chúa Hiển Linh.

Trên quy mô Hội thánh địa phương, cụ thể như tại Giáo phận Qui Nhơn chúng ta, Năm thánh được khai mạc vào Chúa nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024, tức hôm nay, với thánh lễ trọng thể do Đức Giám mục Giáo phận chủ tế tại nhà thờ Chính tòa, và sẽ bế mạc vào Chúa nhật, ngày 28 tháng 12 năm 2025.

Ngay ở số 1 của Sắc chỉ Spes non confundit (SNC), Đức Thánh Cha viết: “Đối với mọi người, ước gì Năm thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người”.

Hôm nay Thánh lễ khai mạc Năm thánh được cử hành trong Phụng vụ lễ kính Thánh Gia. Lễ kính Thánh Gia được cử hành ngày Chúa nhật trong Tuần bát nhật Lễ Giáng sinh, bởi vì Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể và sinh ra làm người trong một gia đình, để biến các gia đình có sự hiện diện của Người trở thành như một bí tích của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia đình là cửa ngõ để Ngôi Hai Thiên Chúa bước vào trần gian, để trở thành một người lữ hành trên đường dương thế cùng với toàn thể nhân loại.

Từ đây Ngôi Hai Thiên Chúa mang khuôn mặt nhân loại, tự đồng hóa mình với từng người trong nhân loại, nhất là những người bé nhỏ, yếu đuối, nghèo khổ, bệnh tật, những người bị bỏ rơi, bị xua đuổi, bị giam cầm tù tội, thậm chí những tội nhân. Từ đây tất cả những người này trở thành địa chỉ ưu tiên, thậm chí là những điểm hành hương để con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và phục vụ Người. Cũng từ đây, Chúa Giêsu biến những người lữ hành trên trần gian tạm bợ và vô định này thành những khách hành hương cùng với Người tiến về quê trời. Như thế, Thánh Gia vừa là cửa ngõ để Ngôi Hai Thiên Chúa bước vào trần gian, nhưng đồng thời cũng là cửa ngõ để Người dẫn đưa chúng ta đi về Nhà Cha, như Người đã nói với các môn đệ trong đoạn Tin mừng được đọc trong nghi thức khởi sự: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở... Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2).

Điểm đặc biệt của Năm thánh là những cuộc hành hương. Vì vậy Đức Thánh Cha đã viết: “Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu.” (SNF 5).

Hằng năm mỗi người Israel đều phải thực hiện những cuộc hành hương về Giêrusalem, nơi có Đền thờ Thiên Chúa, để thực thi các bổn phận tôn giáo. Gắn liền với việc hành hương là việc nghe đọc và suy gẫm Lời Chúa. Thật là một sự trùng hợp tuyệt vời khi đoạn Tin mừng hôm nay ghi lại cuộc hành hương của Thánh Gia đến Giêrusalem vào dịp đại lễ Vượt Qua (Lc 2,41-52). Năm ấy trẻ Giêsu đã lên 12 tuổi nên có bổn phận phải theo cha mẹ trong cuộc hành hương này. Có lẽ cả gia đình thánh đã cùng đi bộ với những gia đình khác thành một đoàn từ Nadaret. Họ vừa đi vừa cầu nguyện, thỉnh thoảng chuyện vãn với nhau cho đỡ mệt.

Điều đặc biệt trong chuyến hành hương này là có Chúa Giêsu cùng đi. Nhưng có một điều khác thường là trong khi mọi người tiến về Đền thờ là nơi thờ phụng Thiên Chúa, thì trẻ Giêsu tiến về Đền thờ như tiến về nhà Cha của Người. Sự bất thường ấy chỉ được Đức Maria và Thánh Giuse nhận ra khi các ngài không thấy trẻ Giêsu trở về chung với các ngài. Sau khi tìm kiếm nơi những người thân quen mà không thấy Người, các ngài rất đỗi lo sợ và quay trở lại Giêrusalem để tìm. Sau ba ngày, các ngài tìm thấy Người trong Đền thờ, đang ngồi nghe và hỏi các tiến sỹ luật. Lòng các ngài lúc ấy mới hết lo lắng, nhưng mẹ Người đã không giữ được bình tĩnh, nên đã nói: “Con ơi, sao con cư xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Nhưng Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con. Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,48-50).

Suốt 3 ngày lạc mất con, Đức Maria và Thánh Giuse mặc dù rất đau buồn, nhưng không hề tuyệt vọng, các ngài vẫn nuôi hy vọng và kiên nhẫn tìm kiếm. Các ngài đau buồn vì nghĩ rằng do lỗi của mình mà trẻ Giêsu đã bi lạc. Tuy nhiên chính từ kinh nghiệm đau buồn đó, các ngài đã khám phá ra rằng còn một nơi có thể tìm thấy Chúa, đó là Đền thờ. Và đúng như vậy, các ngài đã tìm thấy Người tại Đền thờ và còn được nghe Người nói rằng bổn phận của Người là phải ở nơi nhà Cha của Người. Lời Chúa phát xuất từ môi miệng Đức Giêsu đã có sức đem lại sự bình an và niềm vui cho hai ông bà.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta đã có biết bao lần lạc xa Chúa vì tội lỗi của mình. Trong cuộc hành hương tiến về quê trời đã có biết bao lần chúng ta bị lạc lối vì không bám víu vào Chúa. Nhưng dù vậy, là Kitô hữu, chưa bao giờ chúng ta thất vọng. Bằng chứng là trong những lúc đau khổ tột cùng vì xa Chúa, chúng ta vẫn kiên nhẫn cầu nguyện với Chúa và hy vọng được Người tha thứ và cứu chữa, bởi vì Người đã đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (x. Lc 19,10). “Mong sao Năm thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy” (SNC 1).

“Từ mối liên hệ giữa niềm hy vọng và sự kiên nhẫn, có thể thấy rõ rằng đời sống Kitô hữu là một con đường cần những khoảnh khắc mạnh mẽ để nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như người bạn đồng hành không thể thay thế, cho ta thoáng thấy mục tiêu là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu” (SNC 5). Năm Thánh chính là khoảng khắc mạnh mẽ ấy. Lời Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê trong thánh lễ hôm nay cũng cho thấy mối liên hệ giữa niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của người tín hữu trong cộng đồng Giáo hội, khi ngài mời gọi mọi người hãy sống từ bi nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,12-13).

Trong logo của Năm thánh có 4 hình người tượng trưng cho mọi người trên khắp 4 phương. Người này ôm lấy người kia và người đi đầu ôm cây Thánh giá là tượng trưng cho Đức Kitô. Chân họ bước đi trên sóng nước bấp bênh, nhưng cây Thánh giá có chân hình mỏ neo tượng trưng cho niềm hy vọng Kitô giáo. Khẩu hiệu của Năm thánh là “Những người hành hương của hy vọng”. Chính Đức Kitô là Hy vọng của chúng ta (1Tm 1,1). Niềm hy vọng Kitô giáo phát xuất từ xác tín như Thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35.38-39).

Cùng với việc nhen nhóm và giữ vững niềm hy vọng được xây dựng trên xác tín mạnh mẽ này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Trong Năm thánh, chúng ta sẽ được mời gọi trở thành những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho nhiều anh chị em đang sống trong điều kiện khó khăn” (SNC 10). Đó là những mầm sống còn trong lòng mẹ, những tù nhân đang bị giam giữ, những bệnh nhân đang vật lộn với đau đớn, những người trẻ cần được giáo dục, những người di cư vì hoàn cảnh xã hội, những người cao tuổi đang cần sự giúp đỡ, những người nghèo khổ cần được chia cơm sẻ áo (x. SNC 9-15).

Một đặc điểm quan trọng nữa của Năm thánh là việc ban ơn Toàn xá. Trong lịch sử Israel, Năm thánh được gọi là Năm Toàn xá. Truyền thống cử hành Năm toàn xá của dân cũ Israel được tiếp tục nơi Giáo hội là Dân mới của Thiên Chúa. Vì vậy, Tòa Ân giải Tối cao đã ban hành Sắc lệnh ban ơn Toàn xá cho các tín hữu tham dự các chương trình Năm thánh với các điều kiện thông thường là xưng tội và dứt lòng dính bén đối với tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Mỗi người có thể lãnh nhận ơn Toàn xá cho mình hoặc cho những người đã qua đời. Xin quý cha công bố cho anh chị em tín hữu bản văn của Sắc lệnh này cùng với lời giải thích, để mọi người có thể được hưởng nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa. Cụ thể vào cuối thánh lễ khai mạc Năm thánh, các Đức Giám mục giáo phận được quyền ban Phép lành Tòa Thánh cùng với ơn Toàn xá cho anh chị em tham dự Thánh lễ. Những người bị ngăn trở chính đáng không thể trực tiếp tham dự thánh lễ hôm nay vẫn có thể nhận ơn Toàn xá nếu tham dự Thánh lễ online hoặc hiệp thông thiêng liêng và đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, có lòng sám hối và sẵn sàng dâng lên Chúa những đau khổ hoặc khó khăn đang phải chịu.

Nguyện xin Chúa Cha là nguồn mạch tình thương ban cho chúng ta được ơn tha thứ. Nguyện xin Chúa Kitô, sự bình an và niềm trông cậy của chúng ta, luôn đồng hành với chúng ta suốt trong năm đầy ân sủng và an ủi này. Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng hôm nay muốn khởi sự công cuộc cứu độ của Người trong chúng ta và với chúng ta, sẽ hoàn tất vào ngày của Chúa Giêsu Kitô.

 

Tác giả: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây