Ở ĐÂY, MẸ MÃI LÀ BÓNG MÁT
(Một thoáng cảm nhận nhân ngày làm phép tượng “Đức Mẹ Thuỷ Điện Đăkre”- 25.01.2021)
Trên kênh truyền hình VTV8 phát ngày 24.9.2019, BTV Đức Chung đã có một thiên phóng sự mang tựa đề “LẠ LÙNG THUỶ ĐIỆN ĐĂKRE” để vinh danh một công trình thuỷ điện của tập đoàn Thiên Tân Group, một trong số hiếm hoi, nếu không nói là “có một không hai”, nhà máy thuỷ điện mà “không phải di dời dân (600 hộ), không ảnh hưởng đến diện tích sản xuất (140 ha lúa nước), nhất là, “hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng ảnh hưởng” (Thấp hơn 9,5 lần theo mức quy định)[1]…
Để có được một công trình thuỷ điện “lạ lùng” như thế, ngoài những yếu tố cơ bản thông thường như kinh tế, chính trị, xã hội… mà bất cứ công trình phúc lợi nào đều phải tính đến, ở đây muốn ghi nhận thêm một “nhân tố quyết định” và cũng là một nhãn quan về chiều kích “nhân sinh” của lãnh đạo và của nhóm “CEO của Tập đoàn Thiên Tân Group”: PHỤC VỤ CON NGƯỜI VÀ BẢO VỆ THIÊN NHIÊN THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO.
Thật vậy, trong cương vị lãnh đạo Tập đoàn Thiên Tân Group, ông Phaolô Huỳnh Kim Lập, và người em trai Giám đốc điều hành, Phêrô Huỳnh Bảo Linh, đều là những Kitô hữu, những kẻ vẫn được giáo dục thường xuyên trong một nền giáo lý “tôn trọng sự sống, bảo vệ môi trường, thăng tiến thế giới bằng lối sống, các mô hình sản xuất và tiêu thụ” (x. Laudato Sí, Thông điệp “Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” của ĐGH Phanxico)[2].
Quan niệm về thế giới và nhân sinh đó thật ra đã cắm rễ sâu trong mạc khải Thánh Kinh Cựu cũng như Tân Ước; đặc biệt, đó chính là hệ quả tất yếu của một học thuyết giáo lý, một nền linh đạo truy nhận Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đang quan phòng trên mọi thụ tạo[3] và tin nhận Một Đức Kitô phục sinh, nhờ Người mà mọi loài được thăng tiến và viên mãn[4].
Cũng chính từ nhãn quan đức tin Công Giáo truyền thống đó, công trình thuỷ điện Đăkre đã chọn Đức Trinh Nữ Maria, Người Mẹ dịu hiền, bóng mát của đoàn con, như “Vị Bổn Mạng”, như điểm quy chiếu về trách nhiệm và vai trò “chăm sóc, bảo vệ” người “mẹ thiên nhiên”, “Mẹ trái đất”, mà từ hơn mười thế kỷ trước vị “Thánh Bổn Mạng môi trường” Phanxicô Assisi đã từng hát lên: “Lạy Thiên Chúa của con, Chúc tụng Chúa qua người Chị của chúng con là Mẹ Trái Đất, người nuôi dưỡng và chi phối chúng con, là người sản sinh hoa trái phong phú với biết bao hoa thơm cỏ lạ”[5].
Vâng, tượng “Đức Mẹ Ban Ơn” bằng đá cẩm thạch sừng sững trên ngọn đồi phủ cỏ xanh trong khuôn viên trụ sở chính của nhà máy thuỷ điện Đăkre tại xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi như một dấu chỉ sống động của “Người Mẹ thiêng liêng đang hiện diện để bảo vệ cho công trình và vùng đất xa xôi hiểm trở nầy”. Bức tượng đã được Đức Giám Mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi làm phép thánh hiến vào chính ngày lễ “Thánh Phaolô trở lại”, kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu (25.01.2021), cùng với đông đảo các linh mục, tu sĩ, giáo dân, công nhân viên chức thuỷ điện, cùng bà con trong gia đình của anh Phaolô Huỳnh Kim Lập, lãnh đạo tập đoàn Thiên Tân Group. Bàn tiệc Thánh lễ tiếp liền sau “nghi thức làm phép” như một “Lời Tạ Ơn” trọn hảo để hiến dâng công trình thuỷ điện tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ con người, cùng với tất cả những giọt mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu bàn tay, khối óc đã đóng góp để cho vùng đất vốn hoang vu, nghèo nàn, cách trở… đang bừng sáng lên niềm tin yêu hy vọng; và để cho những mầm xanh của cây rừng vươn lên và càng ngày càng xanh lá; hay như ngôn ngữ của Laudato Sí, để “Những bông hoa ngoài đồng và những cánh chim trời mà Ngài đã chiêm ngắm giờ đây được mặc lấy sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Ngài.”.
Vâng, “ở đây và từ đây, Mẹ mãi là bóng mát”.
[1] Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=AP9tY0zdwNw
[2] ĐGH PHANXICÔ, Thông Điệp Laudato Sí, Bản dịch của Uỷ Ban bác ái – Xã Hội Caritas Việt Nam, thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb Tôn Giáo 2015, số 5, tr. 7: “Sự phá huỷ môi trường nhân loại là cực kỳ nghiêm trọng, không chỉ bởi vì Thiên Chúa đã uỷ thác thế giới cho chúng ta là những người nam và nữ, nhưng vì sự sống con người chính là một quà tặng cần được bảo vệ khỏi mọi hình thức hạ giá khác nhau. Mọi nỗ lực để bảo vệ và thăng tiến thế giới của chúng ta sẽ đi kèm theo những thay đổi sâu sắc trong lối sống, các mô hình sản xuất và tiêu thụ, và cả những cơ cấu quyền lực đang thống trị xã hội ngày nay”.
[3] Ibid., số 75, tr. 53-54: “Một nền linh đạo lãng quên Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Đấng Tạo Hóa thì không thể chấp nhận được. Kết cục của nó sẽ là tôn thờ các quyền lực trần thế, hay chính bản thân chúng ta chiếm đoạt vị thế của Thiên Chúa, thậm chí đến mức công bố một quyền vô hạn để chà đạp lên công trình tạo dựng của Ngài. Cách tốt nhất để khôi phục người nam và người nữ về đúng vị trí của họ, là đặt dấu chấm hết cho sự công bố quyền thống trị tuyệt đối trên trái đất, là công bố thêm một lần nữa về hình tượng của Người Cha – Đấng Tạo Hóa và chỉ mình Ngài làm chủ thế giới này. Nếu không thì con người sẽ luôn tìm cách áp đặt luật lệ và lợi ích của họ trên thực tại.”
[4] Ibid., số 100, tr. 69: “Kinh Thánh còn cho thấy Ngài đã sống lại và vinh hiển, Ngài hiện diện trong mọi thụ tạo với Quyền Chủ Tể vũ hoàn: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá” (Cl 1,19-20). Điều này hướng tầm nhìn của chúng ta đến tận cùng của thời gian, khi Người Con sẽ trao hết mọi sự cho Chúa Cha, để “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). Các loài thụ tạo của thế giới này không còn xuất hiện trước mắt chúng ta dưới dáng vẻ thuần tuý tự nhiên nữa, vì Đấng phục sinh sẽ bao phủ chúng cách nhiệm mầu và hướng chúng đến sự viên mãn tận cùng. Những bông hoa ngoài đồng và những cánh chim trời mà Ngài đã chiêm ngắm giờ đây được mặc lấy sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Ngài.”
[5] Ibid., Dẫn Nhập, số 1, tr. 5.
Tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Ý kiến bạn đọc