Lược sử Giáo xứ Hóc Gáo

Thứ ba - 20/10/2020 12:06
GIÁO XỨ HÓC GÁO
Bổn mạng: Thánh Giuse thợ

 
          
          I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

           Phần đất giáo xứ Hóc Gáo bao gồm xã Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam, Hòa Định Đông, Hòa Định Tây và xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhà thờ Hóc Gáo tọa lạc tại thôn Đồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

          II. ĐÔI DÒNG LƯỢC SỬ :

         Theo báo cáo năm 1850 của Đức cha Stêphanô Thể, vùng Nam Phú Yên có 14 giáo điểm, trong đó có các giáo điểm thuộc giáo xứ Tuy Hòa ngày nay như: Hoa Vông 165 tín hữu, Phú Cốc 311 tín hữu, Hóc Gáo 228 tín hữu, Phú Điền 196 tín hữu, Triều Thủy 137 tín hữu.

          Thống kê vùng truyền giáo Phú Yên năm 1747 của cha Guillaume Rivoal, giáo điểm Phú Điền có 50 tín hữu. Các giáo điểm: Hoa Vông, Phú Cốc, Hóc Gáo, Triều Thủy chưa thấy có trong thống kê nầy.

         Theo tiểu sử của các thừa sai làm việc tại Phú Yên đã tìm thấy được, cha Pierre Léopold là thừa sai đầu tiên ở tại Hoa Vông vào năm 1836-1838. Từ Hoa Vông, trụ sở truyền giáo Nam Phú Yên, các thừa sai đã đến truyền giáo cho các cụm cư dân dọc theo các triền núi trong vùng với đường đi nhiều trắc trở:

Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc
Dốc nào ngược bằng dốc Lỗ Chài
Đèo cao dốc ngược trong ngoài
Anh qua còn được kể chi vài đường truông
(ca dao Phú Yên)

          Sự trắc trở khó khăn của đèo dốc là sự thách đố của địa hình thiên nhiên, đó cũng là thử thách của tình yêu. Tuy nhiên, cho dẫu “dốc Lỗ Chài mười hai cái quẹo” hay là “đèo cao dốc ngược trong ngoài” vẫn bị tình yêu mãnh liệt khuất phục tất cả. Lòng yêu mến các linh hồn đã thúc bách các thừa sai từ Hoa Vông phải vượt qua địa hình trắc trở như thế. Hóc Gáo là một giáo điểm giữa chân núi Thác Ba và núi Lỗ Chài được thành lập và lớn lên trong bối cảnh truyền giáo nầy.

        Năm 1885, Hóc Gáo là nơi các tín hữu trong các giáo điểm lân cận tập trung về ẩn trốn Văn Thân. Tuy nhiên Văn Thân đã tìm đến bách hại, một số tín hữu chạy thoát được trốn lên núi, số bị thất lạc, số qui tụ về Cây Da rồi được cha Auger (cố Đoàn) và cha Phêrô Huề đưa về Làng Sông cùng với số tín hữu Cây Da còn sống sót sau một thời gian chống cự với Văn Thân. Theo lời truyền tụng, ngôi mộ các tín hữu Hóc Gáo bị Văn Thân sát hại được chôn tập thể trên đường phía sau nhà thờ đi về hướng chân núi Thác Ba, thường gọi là gò mả thánh, hằng năm được giáo dân kính viếng và tảo mộ.

         Năm 1888, Đức cha Van Camelbecke Hân bổ nhiệm cha Joseph Guitton (cố Thông) phụ trách vùng Nam Phú Yên, cha Gioakim Đạt làm phụ tá, đặt cư sở tại Hoa Vông. Một năm sau, cha Đạt đi Quán Cau, cha Guitton tái thiết Hóc Gáo với những giáo hữu đi lánh nạn Văn Thân từ Làng Sông, Gò Thị và các núi rừng trong vùng trở về. Trong thời gian đầu cha Guitton và số tín hữu hồi cư nầy còn đối diện với nhiều khó khăn, phải làm lại tất cả. Cha qui tụ giáo dân và xây dựng lại 04 giáo điểm: Đồng Cam, Đất Đỏ, Hóc Gáo, Phú Điền, mỗi nơi đều có nhà thờ. Sau 5 năm, cha rửa tội được 155 người nhưng số người lớn không được bao nhiêu, hầu hết là những trẻ em nguy tử.

         Ngày 15 tháng 5 năm 1905, cha Gaston Degas được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Julien Jean (cố Gioan), cha sở Hoa Vông (1899-1910). Cha Degas đến xây dựng Hóc Gáo (5/1905-2/1907). Sau khi cha Degas được bổ nhiệm đi Ninh Hòa, chưa tìm thấy có cha nào thường xuyên ở Hóc Gáo, Hóc Gáo được các cha ở Hoa Vông chăm sóc mục vụ.

         Trong chuyến kinh lý mục vụ và ban bí tích Thêm sức ở Phú Yên từ ngày 18 tháng Hai đến ngày 16 tháng Tư năm 1914, Đức cha Jeannigros đã đến Hóc Gáo vào chiều ngày 25 tháng 3 năm 1914, Đức cha nghỉ tại Hóc Gáo cho đến sáng ngày 28/3, Đức cha làm phép nhà thờ và ban Bí tích Thêm sức tại Hóc Gáo. Nhà thờ nầy do cha Joseph Lalanne, cha sở Hoa Vông (1910-1917) thiết dựng.

        Vùng đất Hóc Gáo dễ làm ăn sinh sống, có ruộng lúa, có thổ sản, có than củi bên rừng, tuy không giàu có sung túc nhưng tương đối thanh bình. Tuy nhiên, tiếng nổ bom đạn trong chiến tranh đã phá tan sự thanh bình của vùng quê êm ả nầy. Nhà thờ Hóc Gáo đã bị bom đánh sập, trở thành hoang phế. Sau khi hòa bình vãn hồi, giáo dân hồi cư nhưng để được lãnh nhận các bí tích, giáo dân phải về nhà thờ Tuy Hòa. 

        Năm 1995, cha F.X. Nguyễn Xuân Văn, cha sở Tuy Hòa (1986-2002) khởi công xây dựng các cơ sở : nhà thờ (259 m2 với tháp chuông cao 14 m), nhà Hội (120 m2). Sau gần một năm thi công, nhà thờ mới được hoàn thành trên nền móng cũ. Ngày 28 tháng 02 năm 1996, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã chủ sự thánh lễ đồng tế tạ ơn, khánh thành nhà thờ. Chiều ngày 27, thanh niên giáo hạt Phú Yên tổ chức sinh hoạt trại chào mừng dịp lễ khánh thánh nầy.

         Khi nhà thờ đã hoàn thành, Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện, đồng hành, an ủi, hướng dẫn và từng bước ổn định nhịp sống đức tin của cộng đoàn dân Chúa tại Hóc Gáo.

         Ngày 16 tháng 9 năm 1999, thầy Phêrô Nguyễn Xuân Hòa vừa mãn Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang được Đức Giám mục sai đi Hóc Gáo thực tập mục vụ. Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn giao cho thầy Hòa kinh phí và trách nhiệm xây dựng nhà giáo lý.

         Ngày 03 tháng 7 năm 2003, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Xuân Hòa làm phó xứ Tuy Hòa. Cha Hòa ở tại Tuy Hòa, phụ trách mục vụ giáo họ Hóc Gáo.

         Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn quyết định thành lập giáo xứ Hóc Gáo và vào lúc 10 giờ sáng ngày 27 tháng 5 năm 2009 đã đến chủ sự nghi thức bổ nhiệm cha Augustinô Nguyễn Văn Phú làm cha sở.

         Giáo xứ Hóc Gáo có 646 giáo dân trong 139 gia đình (cuối năm 2008).

Địa chỉ:
Nhà thờ Hóc Gáo
Đồng Lãnh, Hòa Quang Bắc
Phú Hòa, Phú Yên

Tác giả: Gioan Võ Đình Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây