Dấu Thánh Giá

Thứ hai - 23/10/2023 18:30


 
Edward Sri
BƯỚC VÀO THÁNH LỄ QUA KINH THÁNH
A Biblical walk through the Mass
Understanding What We Say and Do in the Liturgy
Ascension Press, 2010,
 
PHẦN II: CÁC NGHI THỨC MỞ ĐẦU
1. Dấu Thánh giá 

 

Mục Lục

Chủ tế: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

 

Dấu Thánh giá không chỉ là một cách bắt đầu cầu nguyện. Chính dấu Thánh giá là một lời cầu nguyện tuôn đổ ơn lành trên đời sống chúng ta.

Bất kể khi nào làm dấu, trong Thánh lễ hoặc lúc cầu nguyện riêng, chúng ta được nối kết với một truyền thống thánh thiêng ở ngay những thế kỷ đầu của Kitô giáo, khi nghi thức này được xem như nguồn sức mạnh và chở che linh thánh. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta kêu cầu Thiên Chúa hiện diện và xin Người chúc lành, giúp đỡ và bảo vệ chúng ta khỏi muôn điều ác hại. Không ngạc nhiên khi các Kitô hữu tiên khởi thường xuyên làm dấu Thánh giá, khao khát kín múc sức mạnh ở đó.



Chẳng hạn, thần học gia Tertullianô (160-225) mô tả thói quen phổ biến của các tín hữu đã ghi dấu Thánh giá trên mình mọi giờ khắc trong ngày:

Khi di chuyển và hoạt động, khi đi vào hoặc đi ra, khi xỏ giầy dép, lúc đi tắm rửa hoặc ở bàn ăn, khi thắp nến, khi nằm khi ngồi, khi bất kể việc gì xảy đến, chúng ta hãy vẽ dấu Thánh giá trên trán.1

Các Kitô hữu tiên khởi khác cũng nhận thấy dấu Thánh giá là dấu chỉ phân biệt những trung thành với Thiên Chúa, giúp đỡ các linh hồn chiến đấu với cám dỗ, bảo vệ họ khỏi mọi sự dữ, và thậm chí làm cho ma quỷ kinh khiếp. Chẳng hạn thánh Gioan Kim Khẩu (347-407) khuyến khích dân Chúa luôn luôn hướng về sức mạnh của Chúa Kitô được tỏ bày nơi dấu Thánh giá:


Bạn đừng bao giờ ra khỏi nhà mà không làm dấu Thánh giá. Dấu Thánh giá là cây gậy, là vũ khí và pháo đài vững chắc cho bạn. Cả con người lẫn ma quỷ chẳng dám tấn công khi nhìn thấy bạn được che chở bằng áo giáp như thế. Hãy để dấu này dạy bạn rằng bạn là người lính, sẵn sàng giao chiến chống lại ma quỷ, sẵn sàng chiến đấu để dành triều thiên công lý. Bạn không biết Thánh giá đã làm gì sao? Thánh giá đã đánh bại sự chết, phá hủy tội lỗi, tiêu diệt hoả ngục, phế truất Satan và phục hồi vũ trụ. Vậy thì, bạn còn nghi ngờ sức mạnh của Thánh giá sao?2

Điều gì các Kitô hữu tiên khởi nhận ra mà chúng ta rất thường quên sót? Tại sao họ rất hăng hái làm dấu Thánh giá vào những khoảnh khắc quyết định trong đời sống hằng ngày, còn chúng ta thỉnh thoảng thực hiện nghi thức này đơn thuần theo thói quen, và thậm chí đôi khi lại coi thường? Suy tư này sẽ khảo sát nguồn gốc của dấu Thánh giá theo Kinh Thánh. Càng hiểu hơn về ý nghĩa của lời kinh này, chúng ta sẽ càng được chuẩn bị tốt hơn để lãnh nhận những kho tàng thiêng liêng Thiên Chúa dành sẵn mỗi lần chúng ta làm dấu và đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhất là khi bắt đầu Thánh lễ.

Dấu của ngôn sứ Êdêkien

Dấu Thánh giá có hai khía cạnh chính yếu: Việc làm dấu Thánh giá trên cơ thể và những lời đọc kèm theo. Trước tiên, hãy xem xét chính dấu này.

Nghi thức làm dấu Thánh giá có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Đặc biệt, một số Giáo phụ xem việc làm dấu Thánh giá trong Kitô giáo được tiên báo từ Cựu Ước nơi sách ngôn sứ Êdêkien. Trong sách này, một dấu huyền bí trên trán được dùng như là dấu Thiên Chúa che chở và là dấu phân biệt người công chính với kẻ bất lương. Ngôn sứ Êdêkien thấy một thị kiến về nhiều nhà lãnh đạo ở Giêrusalem đang sụp lạy mặt trời và các ngẫu tượng khác trong đền thờ của Đức Chúa, và gieo rắc bạo lực khắp nơi trong xứ sở (Ed 8). Vì họ bất trung với giao ước của Thiên Chúa, thành phố sẽ bị phạt và dân cư sẽ bị đi đày.

Tuy nhiên, không phải hết mọi người ở Giêrusalem đi theo con đường tội lỗi của thành phố. Có một số người rên siết khóc than vì những điều ghê tởm xảy ra trong thành Giêrusalem, và chọn cách vẫn trung thành với Thiên Chúa. Những người công chính này sẽ nhận được dấu bí nhiệm: chữ tahv trong tiếng Do Thái – hình chữ X hay chữ thập – sẽ được ghi trên trán họ. Dấu thiêng liêng này tách họ khỏi nền văn hoá đồi bại và là dấu Thiên Chúa che chở (Ed 9, 4-6). Giống như máu trên khung cửa đã bảo vệ các gia đình Ítraen khỏi hình phạt của Thiên Chúa bên đất Ai Cập trong ngày lễ Vượt qua đầu tiên, dấu ấn ghi trên trán được nói đến trong Êdêkien chương 9 sẽ bảo vệ những người trung thành ở Giêrusalem khi hình phạt đổ xuống thành phố.

Các thánh thời Tân Ước được đóng ấn bằng dấu tương tự. Lấy lại hình ảnh từ sách Êdêkien, sách Khải huyền mô tả các thánh trên trời là những người có dấu ấn trên trán (Kh 7,3). Như trong thời Êdêkien, dấu ấn này cũng tách biệt dân công chính của Thiên Chúa với dân tội lỗi, và bảo vệ dân Chúa khỏi hình phạt sẽ đến (Kh 9,4).

Chẳng lạ gì khi các Kitô hữu đã nhận ra dấu trong sách Êdêkien một hình ảnh báo trước dấu Thánh giá. Như những người trung thành trong thời Êdêkien được dấu tựa như Thánh giá trên trán bảo vệ, các Kitô hữu cũng được Thánh giá Chúa Kitô ghi trên thân mình gìn giữ. Và việc ghi dấu này có ý nghĩa lớn lao. Theo nhãn giới Kinh Thánh, mỗi lần làm dấu Thánh giá trên thân mình, chúng ta đang làm hai điều.

Thứ nhất, chúng ta bày tỏ lòng khao khát được tách biệt khỏi những con đường đồi bại của thế gian. Như trong thời Êdêkien, có nhiều người trong dân Chúa không muốn đi theo lối sống trống rỗng đang thịnh hành trên thế giới. Trong thời đại chúng ta, thời đại có đặc trưng là tham lam, ích kỷ, cô độc, rối loạn trong hôn nhân, đổ vỡ trong đời sống gia đình… thì việc làm dấu Thánh giá có thể diễn tả như một lời cam kết vững vàng sống theo những tiêu chuẩn của Chúa Kitô, chứ không phải tiêu chuẩn thế gian. Trong khi thế giới tục hoá cho rằng tiền bạc, thú vui, quyền lực, giải trí là những dấu ấn cốt yếu của đời sống tốt đẹp, thì các Kitô hữu đi theo con đường cao hơn nhằm đạt tới hạnh phúc đích thực, vốn chỉ được tìm thấy trong tình yêu hy hiến của Chúa Kitô trên đồi Canvê – một tình yêu được tượng trưng bằng dấu Thánh giá.

Thứ hai, khi làm dấu Thánh giá, chúng ta đang kêu cầu Thiên Chúa bảo vệ cuộc đời mình. Qua dấu Thánh giá, chúng ta cầu xin Người giữ gìn khỏi muôn điều ác hại. Nhiều Kitô hữu qua các thế kỷ đã hướng về dấu Thánh giá để tìm sức mạnh chiến đấu chống lại cơn cám dỗ. Những người khác cũng làm như thế để tìm kiếm sự giúp đỡ của Thiên Chúa giữa những đau khổ và thử thách nặng nề. Nhiều cha mẹ vẽ dấu Thánh giá trên trán con cái họ, để cầu xin Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ các em.

Thánh Xyrilô thành Giêrusalem lưu ý đến hai chiều kích này của dấu Thánh giá – khía cạnh tách biệt và bảo vệ. Ngài gọi nghi thức này vừa là “phù hiệu của các tín hữu” vừa là “nỗi khiếp sợ của ma quỷ” đang tìm cách làm hại chúng ta:



Hãy để cho Thánh giá, như dấu ấn của chúng ta, được vẽ cách xác quyết trên trán bằng những ngón tay trong mọi dịp; trên bánh chúng ta ăn, trên nước chúng ta uống, khi chúng ta trở về hoặc ra đi; trước khi ngủ; khi nằm xuống hay ngồi dậy; khi đi đường và khi thinh lặng. Thánh giá là phương tiện bảo vệ mạnh mẽ… vì Thánh giá là ân sủng xuất phát từ Thiên Chúa, là phù hiệu của các tín hữu, là nỗi khiếp sợ của ma quỷ… Bởi vì, khi nhìn thấy Thánh giá, chúng nhớ đến Đấng chịu đóng đinh, chúng khiếp sợ Người là Đấng “đập nát đầu con giao long. 3

Như vậy, nghi thức làm dấu Thánh giá có nền tảng từ Kinh Thánh. Bây giờ, hãy xem xét những lời chúng ta đọc. Những lời này cũng có nguồn gốc sâu xa từ Kinh Thánh.

Sức mạnh của Danh Thiên Chúa

Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta kêu cầu Danh Thiên Chúa bằng cách đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Trong Kinh Thánh, kêu cầu Danh Thiên Chúa diễn tả việc tôn thờ đồng thời thường được liên kết với lời nguyện và hy lễ. Đó là cách thực hành cổ xưa nơi những người đầu tiên đi theo Thiên Chúa. Sết, con của Ađam, và hậu duệ của ông được miêu tả như những người kêu cầu Danh Chúa (St 4,26). Tổ phụ vĩ đại Ápraham đã kêu cầu Danh Chúa khi ông lập bàn thờ kính Thiên Chúa và dâng đất hứa cho Người (St 12,8; 13,4; x. 21,33). Con ông là Ixaác cũng kêu cầu Danh Chúa, khi ông này lập bàn thờ tại Bơ-e Se-va (St 26,25).

Theo Kinh Thánh, danh xưng không chỉ đơn thuần là một cách thức quy ước liên quan đến cá nhân riêng biệt. Một cách huyền nhiệm, danh xưng đại diện cho bản chất của một con người và kèm theo sức mạnh của người đó. Do vậy, kêu cầu Danh Thiên Chúa là kêu cầu sự hiện diện và sức mạnh của Người. Điều này giải thích tại sao người Ítraen cổ thời thường xuyên kêu cầu Danh Chúa, không chỉ để ca ngợi (Tv 148,13), tạ ơn Người (Tv 80,18; 105,1) mà còn tìm kiếm sự trợ giúp của Người trong cuộc sống (Tv 54,1; 124,8). Tương tự như thế, bất kể khi nào kêu cầu Danh Chúa, chúng ta kêu cầu sự hiện diện của Người, và xin Người trợ giúp trong các cuộc chiến chúng ta đang đối mặt mỗi ngày. Giống như tác giả Thánh vịnh, chúng ta nhận ra rằng: “Ơn phù trợ chúng ta ở nơi Danh Chúa, là Đấng đã dựng nên cả đất trời” (Tv 124,8).

Điều này làm sáng tỏ việc làm dấu Thánh giá trong Thánh lễ. Khi bắt đầu cử hành phụng vụ, chúng ta mời Thiên Chúa đi vào cuộc đời mình cùng với sức mạnh của Người. Chúng ta long trọng kêu cầu Danh Chúa, cầu khẩn sự hiện diện và sức mạnh của Người. Điều này tựa như chúng ta đang thánh hoá thời gian tiếp theo hoặc dâng hiến đời sống cho Thiên Chúa khi nói rằng mọi hành động trong Thánh lễ, chúng ta thực hiện nhân danh Người. Hết thảy mọi sự – tư tưởng, ước muốn, lời nguyện, hành động – chúng ta không làm vì chính mình, nhưng thực hiện “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tuy nhiên, giống như những người Ítraen thuở xưa, là những người kêu cầu Danh Chúa khi thờ phượng Người, chúng ta cũng cung kính kêu cầu Danh Chúa, xin Người trợ giúp để chuẩn bị bước vào các mầu nhiệm thánh trong Thánh lễ.

Trong Tân Ước, Danh Chúa Giêsu được mặc khải ngang hàng với sự thánh thiện và sức mạnh của Danh Thiên Chúa. Thánh Phaolô mô tả danh này như “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9). Ông khẳng định rằng danh này có sức mạnh bắt muôn loài muôn vật tùng phục Chúa Kitô: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,10-11). Các sách Tân Ước khác cũng cho thấy điều này. Nhân danh Chúa Giêsu, kẻ đau ốm có thể được chữa lành (Mc 16,17-18; Cv 3,6), kẻ tội lỗi tìm được lòng thương xót (Lc 24,47; Cv 10,43) và ma quỷ bị trục xuất (Lc 10,17). Chính Chúa Giêsu dạy rằng Người sẽ đáp lời tất cả những ai kêu cầu danh Người: “Bất cứ điều gì anh em cầu xin nhân danh Thầy, anh em sẽ nhận được” (Ga 14,13; x. 15,16; 16,23.26-27). Hơn nữa, những kẻ theo Chúa Giêsu, khi họp nhau nhân danh Người, sẽ nhận được phúc lành chính là sự hiện diện của Người giữa họ: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Điều chúng ta thực hiện trong mọi Thánh lễ là: chúng ta họp nhau nhân danh Con Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Người hiện diện giữa chúng ta khi tin tưởng mang tới trước Nhan Người những nhu cầu và nguyện ước.

Làm dấu Thánh giá cách nghiêm trang



Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta không chỉ tập trung vào Chúa Con. Chúng ta kêu cầu danh Cha, Con và Thánh Thần, vọng lại lệnh truyền của Chúa Giêsu ban cho các Tông đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Những lời này được xướng lên khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội, lúc đó linh hồn được tràn đầy sự sống thần linh của Ba Ngôi chí thánh. Khi lặp lại những lời này lúc bắt đầu mỗi Thánh lễ, chúng ta nhận ra thực tại sâu xa này là mình đang tiến gần đến Thiên Chúa toàn năng trong phụng vụ, không phải do công trạng của bản thân, nhưng nhờ sự sống siêu nhiên Thiên Chúa rộng ban qua bí tích Rửa tội. Chúng ta đến nhà thờ không phải nhân danh chính mình, nhưng là nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng cư ngụ trong chúng ta. Chúng ta cũng đang cầu xin để sự sống thần linh này nơi chúng ta có thể được nảy nở. Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta cầu xin để toàn thể đời sống mình có thể diễn ra trong sự hoà hợp sâu xa hơn với Thiên Chúa – nghĩa là, khi làm bất kể điều gì, chúng ta làm nhân danh Người.

Điều này giải thích tại sao chúng ta nên chú ý làm dấu Thánh giá cách kính cẩn nghiêm trang. Khi đã biết ý nghĩa của nghi thức này, chúng ta đừng nên làm dấu Thánh giá cách vội vàng, cẩu thả. Romano Guardini đã từng viết:

Khi chúng ta làm dấu Thánh giá, hãy để dấu này thực sự là dấu Thánh giá. Thay vì cử chỉ gượng ép, qua quýt, chẳng thể hiện ý nghĩa nào, chúng ta hãy thong thả làm một dấu lớn, từ trán xuống ngực, từ vai này qua vai kia. Chú ý cảm nhận dấu Thánh giá này bao trùm toàn thể chúng ta, từ tư tưởng, thái độ, thân xác và linh hồn, mọi chi thể của chúng ta làm sao, và đã lập tức thánh hiến và thánh hoá chúng ta thế nào…Hãy làm một dấu Thánh giá lớn, đồng thời dành thời gian để nghĩ về điều bạn làm. Hãy để dấu Thánh giá đi vào toàn thể con người bạn – thân xác, linh hồn, tâm trí, ý chí, tư tưởng, cảm giác, việc bạn làm hoặc không làm – và bằng cách làm dấu Thánh giá, bạn hãy củng cố và thánh hiến tất cả trong sức mạnh của Chúa Kitô, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.4

[1] Tertullian, De corona, số 30.
[2] St. John Chrysostom, Instructions to Catechumens, 2, 5, trong Andrew Arnold Lambding, The Sacramentals of the Holy Catholic Church (New York: Benzinger Brothers, 1892), tr. 70.
[3] St. Cyril of Jerusalem, Catechetical Lecture 13, 36. Trích trong Andreas Andreopoulos, The Sign of the Cross: The Gesture, The Mystery, The History (Brewster, MA: Paraclete Press, 2006).
[4] Roman Guardini, Sacred Signs (St. Louis: Pio Decimo Press, 1955), tr. 1

(Bản dịch của https://thinhviendaminh.net/)

Tác giả bài viết: Bản dịch của https://thinhviendaminh.net/

 Tags: phụng vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay18,976
  • Tháng hiện tại608,199
  • Tổng lượt truy cập28,923,568

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây