ĐỨC GIÊSU, SỨ GIẢ TIN MỪNG
Odette Mainville
Parabole, Mars 2025, Vol XLI, No 1, tr. 4-6
Khi đọc một đoạn trong sách Isaia tại hội đường Nazarét, Đức Giêsu tuyên bố rằng lời hy vọng của vị ngôn sứ đang được ứng nghiệm nơi Ngài hôm nay. Chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bảo đảm tính xác thực của lời khẳng định này, cũng như sẽ tiếp tục bảo đảm tính xác thực của lời nói và hành động Đức Kitô trong suốt sứ vụ Ngài. Như đã hứa, Đức Giêsu sẽ mang lại sự giải thoát cho người nghèo và mời gọi chúng ta cũng làm như vậy.
Vào ngày Sabát. Đức Giêsu đang ở tại làng mình là Nazarét, và Ngài đến hội đường như vẫn thường làm hằng tuần. Sau đó, người ta trao cho Ngài sách Isaia để đọc (Lc 4, 16-21). Ngài đã chọn đoạn văn sau đây: “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61, 1-2). Khi trả lại cuộn sách cho người giúp, mọi người đều nhìn Ngài, Ngài nói: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21).
Để nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của lời Đức Giêsu, và đánh giá xem lời ấy vẫn có thể thách thức chúng ta như thế nào ngày nay, trước tiên cần làm sáng tỏ những câu hỏi sau:
• Đoạn sách Isaia này ám chỉ điều gì?
• Làm thế nào Đức Giêsu có thể trình bày con người và sứ mệnh của mình như là nơi hoàn thành sứ điệp mà Ngài truyền đạt?
Một năm thánh hồng ân
Trước hết, chúng ta hãy làm rõ rằng lời ngôn sứ Isaia gợi lên niềm hy vọng này đã được ghi lại trong sách Lêvi (24, 8-18), trong đó dân chúng được ban cho một năm nghỉ ngơi, một năm giải phóng chung, sau bảy năm sabát – tức là sau bốn mươi chín năm. Điều này mang đến cho mọi người một cơ hội mới trong cuộc sống. Sau đó, bằng những lời của chính mình, vị ngôn sứ lấy lại sứ điệp hy vọng được truyền tải trong sách Lêvi, đồng thời gợi ý những cách khác nhau để hiện thực hóa sứ điệp đó. Nhưng trên hết, ông thêm vào một bảo đảm đặc biệt về tính hiệu lực của lời mình, khi nói rõ: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi" (Is 61, 1).
Điều quan trọng ở đây là phải xác định ý nghĩa Kinh Thánh liên quan đến việc ban Thánh Thần Chúa. "Thánh Thần" được dịch từ "ruah" trong tiếng Híprri hoặc "pneuma" trong tiếng Hy Lạp, cuối cùng được dịch sang tiếng Pháp là "hơi thở" (soufle) hoặc nói chung là không khí chuyển động. Hơi thở ban đầu ám chỉ đến sức mạnh tạo dựng của Chúa (ví dụ, xem Sáng Thế Ký 1, 2), cũng như quyền năng hành động của Ngài trên thế giới. Thực ra, Thiên Chúa tạo dựng và hành động thông qua hơi thở của mình. Khi ngôn sứ Isaia mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách đảm bảo với chúng ta rằng ông được Chúa ban cho hơi thở hay Thánh Thần và được xức dầu, do đó chúng ta hiểu rằng ông đang truyền đạt một lời chân lý và thực sự được giao phó nhiệm vụ đó. Rõ ràng, lời bảo đảm này cũng sẽ áp dụng cho Đức Giêsu Kitô khi Ngài khẳng định rằng lời của Isaia đã được ứng nghiệm nơi con người Ngài.
Ứng nghiệm lời hứa trong Đức Giêsu
Thánh Thần vừa là bảo đảm cho chân lý vừa là sức mạnh cho hành động, hai thực tại được khẳng định trong toàn bộ Tin Mừng Luca. Thánh Thần hoạt động ngay từ đầu, khi trong sứ điệp gửi cho Zacharia về sự ra đời của Gioan Thẩy Giả, thiên thần chứng thực rằng đứa trẻ sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được giá trị của lời đảm bảo này khi xét đến việc Gioan sẽ là người tiền hô cho Chúa Giêsu, người sẽ dọn đường cho Ngài. Và hiển nhiên nữa là vào thời điểm truyền tin cho Đức Maria về sự ra đời của Chúa Giêsu: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng sinh ra sẽ là Đấng thánh và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Sau đó, mọi hành động và lời nói của Chúa Giêsu sẽ được thực hiện dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần. Ngài nhận được sự bảo đảm này ngay tại thời điểm chịu phép rửa tội: “Sau khi chịu phép rửa tội, Chúa Giêsu cầu nguyện, và trời mở ra. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình dạng chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Ta; Con đẹp lòng Ta” (Luca 3, 21-23).
Được đóng ấn bằng dấu ấn của Chúa Thánh Thần vào thời điểm chịu phép rửa, Chúa Giêsu sau đó xác định sứ mệnh của mình bằng cách áp dụng cho chính mình những lời của ngôn sứ Isaia (61, 1-2). Điều này sẽ biểu hiện như thế nào trong suốt cuộc hành trình trần thế của Ngài? Những người mà Ngài đặc biệt hướng tới là ai?
“Ngài sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo”
Trước hết chúng ta hãy nhớ rằng những người được coi là nghèo trong Tin Mừng không nhất thiết hoặc chỉ là những người thiếu thốn của cải vật chất. Trên thực tế, nhóm người này bao gồm những người bé mọn, giản dị và khiêm tốn, người bệnh, người bị loại trừ hoặc đơn giản là những người bị thiệt thòi vì địa vị xã hội của họ. Tóm lại, đây là những người mà những người khá giả và thuộc tầng lớp thượng lưu thường cho phép mình khinh thường hoặc coi thường. Trong số nhiều ví dụ từ Tin Mừng Luca, chúng ta có thể trích dẫn những người như sau:
• Người phong hủi biết rằng căn bệnh của mình được xem như là sự trừng phạt của Chúa (5, 12).
• Người góa phụ có đứa con trai duy nhất đã chết và không còn sự hỗ trợ vật chất nào nữa (7, 13).
• Người phụ nữ còng lưng, bệnh tật của bà được cho là do bị quỷ ám (13, 11).
• Người ăn xin mù, bị khinh miệt vì khiếm khuyết thể chất, coi đó là hậu quả của tình trạng tội lỗi của mình (18, 35).
Đây chỉ là một vài trong số nhiều ví dụ khác được liệt kê trong Tin Mừng thứ ba, trong đó Chúa Giêsu khôi phục lại phẩm giá cho những người bị loại trừ. Hơn nữa, chẳng phải Ngài đã nói với người Pharisiêu đã mời Ngài đến nhà dùng bữa vào ngày Sabát rằng: “Khi ngươi đãi tiệc trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hay những người hàng xóm giàu có […]. Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, mù lòa… Họ không có gì để đền đáp ngươi” (14, 12-14).
Như vậy, thông qua tất cả những giải thoát dành cho những người bé mọn mà Ngài gặp trên đường đi, sấm ngôn của Isaia đã hiện thực hóa nơi Đức Giêsu. Quả thật, Ngài đã có thể nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (3, 21).
Theo bước chân Đức Giêsu
Gương mẫu của Đức Giêsu vạch ra con đường cho bất kỳ ai dấn bước theo Ngài, tiếp tục công việc của Ngài hằng ngày, nghĩa là cho tất cả những ai mỗi ngày cố gắng noi theo hành động của Đức Kitô. Vậy thì làm sao chúng ta có thể làm được điều đó? Bằng cách áp dụng, trong mọi hoàn cảnh, công thức mà tôi dám gọi là “ma thuật” này: “Đức Giêsu sẽ làm gì ở vị trí của tôi?" Câu trả lời chỉ có thể phát sinh sự sống, chỉ có thể góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đồng thời đảm bảo sự lớn mạnh cá nhân cho bất kỳ ai áp dụng nó.
Trên thực tế, đây là một câu hỏi thường ngày không bao giờ có hồi kết, bởi vì môi trường, hoàn cảnh, những người mà chúng ta gặp phải sẽ luôn đặt ra những thách thức thúc đẩy chúng ta tìm kiếm thái độ phù hợp để đối mặt với từng thách thức đó. Chẳng hạn:
• Làm thế nào, thông qua những lựa chọn hàng ngày, tôi có thể góp phần bảo vệ môi trường?
• Tôi có thể dấn thân như thế nào để giúp giảm nạn đói trên thế giới?
• Chúng ta nên có thái độ như thế nào đối với những người đang đau khổ, cô đơn hoặc có hoàn cảnh kém may mắn?
• Làm thế nào tôi có thể thể hiện hành vi tôn trọng và tích cực đối với những người xung quanh hoặc môi trường rộng lớn hơn?
• Làm thế nào tôi có thể khuyến khích đối thoại với những người khác biệt với tôi về nguồn gốc dân tộc, đức tin, lý tưởng của họ?
Không bao giờ có câu trả lời chắc chắn cho tất cả những câu hỏi này, bởi vì sự mới mẻ trong cuộc sống thường ngày luôn đặt chúng ta trước những tình huống mới. Chỉ có một lựa chọn là hành động như Đức Giêsu, bước theo dấu chân Ngài với mục đích xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, không cho phép bất kỳ sự dừng lại nào. Nhưng thật an tâm khi biết rằng khi noi gương Chúa, chúng ta đang áp dụng một hành vi phù hợp với ý muốn của Chúa, Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, đóng dấu ấn chấp thuận của Ngài trên mọi thành quả mà Đức Giêsu đã thực hiện.
Trong Năm Thánh do Đức Giáo hoàng Phanxicô khởi xướng này với chủ đề “hy vọng”, chúng ta phải hướng ánh mắt về Đức Giêsu, Đấng được ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu, Đấng thực hiện năm thánh hồng ân được ngôn sứ Isaia loan báo bằng chính sứ mệnh của Ngài, thực sự mời gọi chúng ta tôn vinh lời của ngôn sứ bằng cách hiện thực hóa hằng ngày tất cả những gì chính Ngài đã trao ban cho thế giới qua giáo huấn, lời nói và hành động của Ngài.
Cũng như vào thời điểm Ngài chịu phép rửa (Luca 3, 21-21), Chúa Thánh Thần cũng đóng dấu ấn khi Ngài đi vào hoang mạc bốn mươi ngày (Luca 4, 1), khi Ngài trở về Galilê (Luca 4, 14) và trong nhiều trường hợp khác được trích dẫn trong Tin Mừng.