Điều chúng ta tin, phần 17: Giáo hội ở trong Đức Kitô như là dấu chỉ và khí cụ

Thứ năm - 10/04/2025 03:47
Joshua J. Whitfield

Ngày nay, để khám phá Giáo hội Công giáo theo đúng yếu tính, chúng ta phải đặt giáo huấn của Công đồng Vatican II ở vị trí trung tâm. Vậy Công đồng đã nói về Giáo hội như thế nào? Để trả lời, chúng ta hãy đến với văn kiện được tranh luận lâu dài nhất (trải qua ba lần điều chỉnh lớn trong ba năm), nhưng có thể nói được rằng, đây cũng là văn kiện tuyệt vời và giàu ý nghĩa nhất – Hiến chế Tín lý về Giáo hội, thường được gọi là Lumen Gentium.

Ngay từ những dòng đầu tiên, Lumen Gentium đã đưa ra một khẳng định hết sức sâu sắc: “Giáo hội ở trong Đức Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ” (LG, số 1). Tất nhiên, Giáo hội là một thực tại hữu hình, nhờ vào các yếu tố như phẩm trật, phụng vụ và nhiều điều khác. Nhưng đó có phải là tất cả những gì người ta có thể nói về Giáo hội? Liệu rằng những gì nhìn thấy bằng con mắt thể lý có thể diễn tả trọn vẹn Giáo hội? Ngay lập tức, câu trả lời của Giáo hội là “không”. Thay vào đó, dưới phương diện Kinh thánh, Giáo hội là một mầu nhiệm. Chương đầu của Hiến chế này mang tiêu đề De Ecclesiae Mysterio [Về mầu nhiệm Giáo hội], điều này muốn nói rằng, Giáo hội tồn tại “như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ”. Nhưng nói như thế có ý nghĩa gì?

Không đi quá sâu vào lãnh vực từ nguyên học về từ mysterion trong tiếng Hy Lạp hay sacramentum trong tiếng Latin, một cách đơn giản, chúng ta có thể hiểu rằng, bí tích là một dấu chỉ ẩn chứa thực tại nào đó. Nghĩa là bí tích không đơn thuần dừng lại ở dấu chỉ, nhưng luôn chứa đựng điều gì đó lớn lao hơn. Đối với tôi, có một cách giúp hình dung về điều này: bí tích là một dấu chỉ, mà dấu chỉ ấy tham dự vào chính thực tại nó biểu thị. Chẳng hạn, biển báo dừng xe chỉ là một dấu hiệu thông thường nhắc bạn phải dừng lại, nhưng chính nó lại không tham dự vào một thực tại siêu hình nào gọi là sự dừng lại cả. Bởi lẽ, nó đơn thuần chỉ là một dấu hiệu. Hoặc hãy nghĩ về một bức tranh nào đó – của Mona Lisa hay bạn thân của bạn. Những bức tranh như thế là những dấu hiệu giúp chúng ta nhớ về người khác hay về các sự kiện, nhưng về mặt siêu hình, chúng không tham dự vào các đối tượng mà chúng biểu hiện. Tuy nhiên, một bí tích thì khác. Đó là dấu chỉ mà chính nó tham dự vào điều nó biểu thị. Hãy xem xét bí tích Thánh thể. Bánh và rượu để truyền phép là dấu chỉ về Mình và Máu Đức Giêsu, nhưng dấu chỉ ấy cũng tham dự vào điều mà nó biểu thị. Chúng ta tin rằng, bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Đức Giêsu.

Vậy, nếu Giáo hội là một bí tích; nghĩa là một dấu chỉ tham dự vào chính điều mình biểu thị, thì thực tại mà dấu chỉ này biểu thị là gì? Như những câu mở đầu của Lumen Gentium làm rõ, đó là dấu chỉ “của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Như Edward Schillebeeckx, nhà thần học dòng Đaminh (thần học của ông trong thế kỷ XX đã giúp mở rộng cách hiểu của chúng ta về bí tích), đã diễn đạt cách súc tích: “Giáo hội trần thế là sự thực tại hóa hữu hình của thực tại cứu độ trong lịch sử” (Đức Kitô, Bí tích của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, 2.1.1). Giáo hội là dấu chỉ của sự kết hợp giữa chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi trong và qua Đức Kitô; theo một nghĩa nào đó, Giáo hội là hiện thân cho sự hiệp thông ấy. Nhưng Giáo hội còn là dấu chỉ của sự hiệp thông nhân loại. Ở đây, ẩn sau tuyên bố này là  biết bao nhiêu trình thuật và tư tưởng thần học, sự khôn ngoan trong những câu chuyện về tạo dựng và cứu chuộc trong Kinh thánh. Về cơ bản, tuyên bố này có thể được hiểu là tất cả chúng ta cùng chia sẻ một bản tính nhân loại, và Giáo hội là dấu chỉ về sự cứu chuộc cho bản tính chung ấy, cũng tức là, Giáo hội là dấu chỉ cho sự viên mãn của mối hiệp thông giữa tất cả mọi người. Đơn giản mà nói, Giáo hội là dấu chỉ của sự kết hiệp song diện này.

Lại nữa, Giáo hội cũng là khí cụ của kết hiệp song diện ấy; nghĩa là, Giáo hội không chỉ là hiện thân cho sự hiệp nhất song diện kể trên, nhưng còn là khởi điểm của điều đó; Giáo hội khai mở và tham dự vào việc tạo nên sự kết hiệp này. Chính điều đó mặc khải mục đích và sứ vụ của Giáo hội: “làm sáng tỏ trọn vẹn hơn nữa bản tính nội tại và sứ vụ phổ quát của mình” cho các tín hữu và toàn thế giới, đó chính là sự kết hiệp kép với Thiên Chúa và với nhân loại (LG, số 1). Lumen Gentium dạy rằng, Giáo hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ”, điều này cho thấy Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ vững bền và dứt khoát của ơn cứu độ dành cho mọi thời đại và dân tộc (LG, số 48). Không đơn thuần là một thể chế nhân loại, Giáo hội được mang nơi mình một số đặc tính siêu việt thuộc về Thiên Chúa. Giáo hội đang và sẽ luôn hiện hữu cũng như mang tính trọng yếu; và địa ngục sẽ không bao giờ thắng được (Mt 16,18).

Dễ thấy đây là một tuyên bố đầy cao quý dành cho Giáo hội – không những biểu thị mà còn chia sẻ và góp phần làm ra sự hiệp thông cứu chuộc của Thiên Chúa và nhân loại. Công đồng dám cả quyết như thế là bởi niềm tin của chúng ta về hạch tâm nòng cốt của Giáo hội. “Vì Giáo hội ở trong Đức Kitô”, lưu ý bản văn dùng “trong Đức Kitô”. Dĩ nhiên, đây là ý tưởng nền tảng của Tân ước, đặc biệt của thánh Phaolô. Những kẻ tin vào Đức Kitô, thì nhờ đức tin và phép rửa, được ở trong Đức Kitô (en Christo hay en Kyrio), nghĩa là, không chỉ liên kết với Đức Kitô mà họ còn được tháp nhập vào Ngài, vào trong sự sống, cái chết và đời sống phục sinh của Ngài. Ở đây, chúng ta đang nói về  cấp độ của hiện hữu, của sự kết hiệp mầu nhiệm. Thánh Phaolô đã sử dụng lối diễn tả này ở nhiều nơi, như trong thư Côlôxê, Ngài nói: “Đó là Đức Kitô ở trong anh em” và “Đức Kitô là sự sống của anh em” (Cl 1,27; 3,4); nổi tiếng nhất là trong thư Galat: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Nhờ đó, Giáo hội có thể nói rằng mình không thuần túy là một thể chế nhân loại hay cấu trúc xã hội, vì trong tư cách là sự hiệp thông của những kẻ tin vào Đức Kitô, họ thực sự ở trong Ngài. Và như thế, những gì thuộc về chính Đức Kitô, một cách mầu nhiệm, cũng thuộc về Giáo hội. Chúng ta nên nhớ lại những điều đã được nhắc đến ngay từ đầu, khi khám phá chương 17 Tin mừng Gioan. Việc quy chiếu về vinh quang của Đức Giêsu, là điều Ngài nhận lãnh từ Chúa Cha và chia sẻ với các môn đệ (x. Ga 17,22), chính là một cách thế khác để mô tả sự sống trong Đức Kitô. Đây chính là thực tại thần học ẩn sau tuyên bố đanh thép của chúng ta về Giáo hội – rằng Giáo hội không phải là một tổ chức bất kỳ nào đó, nhưng là những người tiên phong của nước trời.

Đây là lý do mà ngay sau đó, Lumen Gentium đặt tuyên bố về Giáo hội vào trong bối cảnh rộng lớn của câu chuyện Kinh thánh về trình thuật Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc. Giáo hội là một phần trong “ý định kín nhiệm” của Chúa Cha hằng hữu, nhằm nâng loài người lên, để họ “tham dự vào sự sống thần linh” (LG, số 2). Hãy nhớ lời cầu nguyện của Đức Giêsu: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Bằng cách thuật lại lịch sử công trình cứu độ của Thiên Chúa, Lumen Gentium đặt ra một chính đề rất dễ hiểu: Chúa Cha không bao giờ bỏ mặc chúng ta tự lo cho mình, nhưng “luôn ban ơn trợ giúp để cứu độ” (LG, số 2). Và rõ ràng chính Đức Kitô, Đấng là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của mọi thụ tạo” là sự viên mãn của ơn Thiên Chúa cứu độ ấy, được ban khi “thời gian đến hồi viên mãn” (Gl 1,15; Gl 4,4). Trong Đức Kitô, Giáo hội là dấu chỉ của ơn cứu độ và còn hơn thế nữa. Không dừng lại ở mức độ dấu chỉ, Giáo hội còn là một bí tích – một mầu nhiệm có thể thực sự đưa các tín hữu bước vào chính thực tại mà Giáo hội loan báo. Nghĩa là Giáo hội không chỉ rao giảng Đức Kitô, nhưng còn chính trong Giáo hội mà các kẻ tin chết và sống lại trong Đức Kitô; họ được dưỡng nuôi bằng chính Đức Kitô; họ được cứu độ trong Đức Kitô ở trong Giáo hội.

Tại sao đây là chuyện hệ trọng? Bởi vì điều này cho thấy rằng, để có được hiểu biết chính xác về Giáo hội, người ta phải nhìn nhận Giáo hội đúng như những gì Giáo hội thực sự là. Không chỉ là một thực thể chính trị, xã hội hay thể chế, Giáo hội còn là sự tiếp nối công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, và một cách mầu nhiệm, còn là một phần của chính những thực tại mà Giáo hội loan báo. Như thế, Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ - một thực tại sống động, có tính cách bí tích, và lớn lao hơn tất cả chúng ta.

Tác giả: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Nguồn tin: https://www.simplycatholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây