Tại sao người Cha của đứa con hoang đàng phải chạy?
Bối cảnh của Lc 15,11-32
Matt Williams
Giáo sư Kinh Thánh, Biola University
Đứa con nhỏ bất mãn dùng dằng bỏ đi hết dãy phố, người cha chạy theo ôm nó và mang nó trở về nhà. Ông chạy và không có gì phải bàn cả, phải chạy thôi vì thủng thẳng đi thì làm sao nào đuổi kịp nó trước khi quá muộn!
Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ I, một người đàn ông ở vùng Trung Đông không bao giờ và dứt khoát không bao giờ chạy. Nếu chạy, ông sẽ phải vén chiếc áo dài lên để khỏi vấp, và như thế sẽ để lộ cặp chân trần trụi của mình ra. Trong nền văn hóa ấy, một người đàn ông mà “khoe” cặp giò ra trước mặt bàn dân thiên hạ thì rất ư là nhục và đáng xấu hổ.
Như vậy, vấn đề ở đây là: trong nền văn hóa ấy, thật là xấu hổ khi người đàn ông chạy, thế tại sao người cha lại chạy khi đứa con hoang trở về với mình? Điều gì khiến ông tự làm xấu hổ mình? Trước khi trả lời câu hỏi, chúng ta phải hiểu một tập tục Do Thái vào thế kỷ thứ I.
Kenneth Bailey, tác giả cuốn The Cross & the Prodigal: Luke 15 Through the Eyes of Middle Eastern Peasants (2005), giải thích rằng nếu một đứa con trai Do Thái mà tiêu phá hết tài sản mình nơi dân ngoại thì khi hắn trở về cộng đồng sẽ thực hiện một nghi thức gọi là kezazah. Họ sẽ đập vỡ một chiếc nồi lớn trước mặt hắn và la lớn: “Mầy chẳng liên hệ gì đến dân tộc chúng tao!” Cộng đồng hoàn toàn từ chối hắn ta.
Như vậy, tại sao người cha lại chạy? Có lẽ ông chạy để gặp người con trước khi nó vào làng. Ông chạy – và tự làm xấu hổ mình – trong nỗ lực phải gặp con trước khi cộng đồng gặp được nó, để người con ấy không thấy hổ thẹn và nhục nhã khi bị cộng đồng nhạo báng và chối từ. Cả làng ắt đã đi theo người cha đang vội chạy và đã thấy điều gì đã xảy ra ở rìa làng giữa cha và con. Sau cuộc hội ngộ đầy cảm động này giữa cha và con, rõ ràng sẽ không còn nghi thức kezazah nào nữa cả; sẽ không có sự chối từ nào đối với người con này – mặc cho những gì nó đã làm. Người con đã thống hối và quay trở về với cha. Người cha đã nhận lấy trọn vẹn sự xấu hổ mà lẽ ra đã phải đổ ập xuống trên người con và rõ ràng đã chứng minh cho cả cộng đồng thấy rằng đứa con này đã được chào đón trở về nhà.
Người Cha trên trời của chúng ta đã nhận lấy sự xấu hổ của chúng ta qua người Con của mình là Đức Giêsu, đấng tự nguyện chịu đau khổ vì chúng ta trên thập giá. Ngài đã nhận lấy sự xấu hổ vì tội lỗi chúng ta để chúng ta không phải hổ thẹn. Chính vì thế mà chúng ta được tha thứ, được phục hồi và được chấp nhận. Chúng ta không phải sợ về nhà Cha và xưng thú hết tội lỗi, bất kể những gì chúng ta đã làm hoặc bao lần chúng ta đã phạm (hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ hãy tha thứ 70 lần bảy).
Trong dụ ngôn này, chỉ người Cha mới có thể phục hồi tư cách của người con trong gia đình. Ngài chờ đợi chúng ta – hối nhân chỉ cần bước về hướng Ngài là Ngài đã rời chỗ và chạy đến đón chúng ta trở về nhà!
Thiên Chúa không chỉ tha thứ mà còn nhận lấy sự xấu hổ của chúng ta. Ngài nhấc gánh nặng khỏi đôi vai chúng ta vì những lỗi lầm trong quá khứ cũng như giũ bỏ trách nhiệm cho chúng ta. Hãy kinh nghiệm điều mà người con hoang đàng gặp được trên đường về nhà Cha: “Nhưng khi nó còn ở đàng xa, người cha đã thấy và động lòng thương, ông chạy đến với con, ôm nó vào lòng và hôn nó rất lâu” (Lc 15,20).
Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc