Hôm Chúa nhật ngày 01/01/2023 lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đọc đoạn Phúc âm Luca 2, 16-21 và những câu cuối của đoạn Phúc âm ấy: “Khi đã đủ 8 ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ”[*]
Tôi có một ông bạn lớn tuổi, sau khi nghe hai chữ “đầu thai” thì không hài lòng với cách dịch như vậy và ông bạn bảo là “đầu thai” chỉ có trong thuyết luân hồi của Phật giáo mà thôi.
Chúng ta thường nghe cụm từ “đầu thai hóa kiếp” trên môi miệng của Phật tử Việt Nam. Trong giáo lý Phật giáo sự đầu thai hóa kiếp sẽ được xoay vòng trong 6 cõi (lục đạo) là: Cõi Trời; Cõi Atula; Cõi Địa ngục; Cõi Ngạ quỷ; Cõi Súc sanh; Cõi Con người. Tùy theo sự “gieo nhân tạo nghiệp” của kiếp trước mà quyết định điểm đến trong kiếp sau, sẽ là một trong sáu cõi này.
Giữa Phật giáo Nam tông (Thượng tọa bộ -Theravada) và Bắc tông (Đại chúng bộ-Mahayana) có quan điểm khác nhau về thời gian “đầu thai hóa kiếp” của một người sau khi chết. Phật giáo Nam tông quan niệm là sau khi chết, nếu vong linh người chết chưa thoát khỏi vòng luân hồi thì ngay lập tức được đầu thai hóa kiếp vào một trong 6 cõi tùy theo sự “gieo nhân tạo nghiệp” của họ. Phật giáo Bắc tông có quan niệm hơi khác: Ngoại trừ những người sau khi chết thoát khỏi vòng luân hồi, còn lại thì phải “đầu thai hóa kiếp” vào một trong 6 cõi. Họ tin rằng sau khi chết những người chưa thoát khỏi vòng luân hồi sẽ có thời gian “thọ thân trung ấm” có nghĩa là linh hồn còn lẩn quất đâu đó chưa được đầu thai hóa kiếp và thời gian “thọ thân trung ấm” tối đa là 49 ngày sau khi chết. Có người được đầu thai hóa kiếp vào “thất thứ nhất” (ngày thứ 7 sau khi chết) hoặc thất thứ hai (14 ngày sau khi chết), hoặc thất thứ ba…thất thứ bảy. Do đó sau khi chết có nghi lễ Cúng thất (cứ 7 ngày cúng một lần và cúng 7 lần và lần thứ 7 đúng vào ngày thứ 49 sau khi chết). Ngày thứ 49 là ngày vong linh phải đầu thai hóa kiếp chứ không còn lẩn quất đâu đó nữa!
Đối với giáo lý Công giáo thì không có chuyện “đầu thai hóa kiếp”: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống như phàm nhân sống như người trần thế…”(Pl 2, 6-11). Do đó không thể sử dụng từ ngữ “đầu thai” trong trường hợp của Đức Giêsu.
Trước đây chúng ta thường nghe những từ dùng cho việc Ngôi Hai xuống thế làm người, như: “Nhập thể”, “thụ thai”… Để so sánh chúng ta dùng bản Phúc âm bằng chữ Hán đọc trong ngày lễ này và đoạn chót xin được phiên âm: “Mãn liễu bát thiên, hài tử ứng thụ cát tổn, ư thị cấp tha khởi danh khiếu Da Tô, giá thị tha giáng dựng mẫu thai tiền, do Thiên sứ sở khởi đích”. Phúc âm chữ Hán dùng từ “giáng dựng”, Phúc âm tiếng Việt dùng từ “đầu thai” (có nơi dùng từ “thụ thai”). Vậy từ “giáng dựng” có giống từ “đầu thai”, “thụ thai”?
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu từ “giáng” thuộc bộ Phụ có nghĩa là xuống, bực trên đánh xuống bực dưới gọi là Giáng, như Giáng quan: quan phải giáng xuống chức dưới cái chức đang làm. Giáng chức; giáng cấp…
Dựng thuộc bộ Tử (con) có nghĩa là chửa, có thai, có mang, thai, như: Hữu dựng=có thai; Dựng phụ=phụ nữ có thai. Như vậy: Giáng dựng=Xuống thai.
Từ “Giáng” trong “giáng dựng” được sử dụng trong ngữ cảnh này rất là xứng hợp với mầu nhiệm Ngôi Hai “bỏ trời xuống thế làm người”.
Trong Kinh Tin kính đọc trong thánh lễ có câu: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh”.
Vậy chúng ta dùng từ “xuống thai” (giáng dựng) trong đoạn Phúc âm Luca 2, 16-21 là chuẩn xác nhất. Nếu chúng ta dùng từ “đầu thai” sẽ khiến Phật tử nghĩ rằng kiếp trước Đức Giê su “gieo nhân tạo nghiệp” xấu nên phải đầu thai hóa kiếp vào cõi Con người (một trong 6 cõi).
[*]- conggiao.info/0101-thanh-maria-me-thien-chua---le-trong-d-70576
Bài Phúc âm chữ Hán cũng được đăng trên trang conggiao.info