Giáo phận Qui Nhơnhttps://gpquinhon.org/uploads/banertrongsuot.png
Thứ hai - 14/04/2025 12:37
Alejandro Terán-Somohano
Francis Borgia sinh ra trong một gia đình mà ngày nay chúng ta có thể xem là hết mực quyền quý. Bên họ mẹ, ngài là chắt ngoại của Ferdinand II, vị Vua Công giáo xứ Aragon, điều này nối kết ngài với hoàng tộc Tây Ban Nha. Bên họ cha, ngài là chắt nội của Giáo hoàng Alexander VI, nên ngài cũng thuộc gia tộc Borgias, một gia tộc đầy tai tiếng nhưng cực kỳ quyền lực và giàu có. Lên tuổi mười bảy, Francis được gửi đến triều đình của người cậu họ là Hoàng đế Charles V. Chàng trai trẻ có sức thu hút này nhanh chóng chiếm được sự cảm phục và yêu mến của hoàng đế cũng như người vợ xinh đẹp và đạo hạnh của ông là Nữ hoàng Isabella Bồ Đào Nha. Theo đề nghị của nữ hoàng, ngài kết hôn với Leonor xứ Castro, được phong làm hầu tước, trở thành cố vấn thân cận và bạn hữu của hoàng đế. Sự thăng tiến của Francis không chỉ vì sự cuốn hút và tài năng cá nhân, nhưng còn vì lòng mộ đạo và đức hạnh của ngài, giữa một thời đại mà triều đình vương thất thường mang dáng vẻ tôn giáo bề ngoài nhưng lại đầy dẫy sự đồi bại bên trong. Điều này khiến nữ hoàng rất quý chuộng ngài, bởi bà cũng nổi tiếng là đạo hạnh.
Đến năm 1539, vị hoàng hậu này qua đời khi đang tuổi 35. Charles V quá đau khổ bởi cái chết của bà đến nỗi đã giam mình trong tu viện suốt nhiều tháng, và Francis được giao nhiệm vụ hộ tống thi thể nữ hoàng đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nhà nguyện Hoàng gia ở Granada. Sau hành trình kéo dài vài ngày dưới cái nóng mùa hè của vùng Castile, đoàn cũng đến được Granada, tại đó, Francis được yêu cầu xác nhận thi thể của người đã khuất. Khi nắp quan tài mở ra, điều mà Francis nhìn thấy đã khiến cậu trai trẻ này phải kinh khiếp. Thi hài đang phân hủy chẳng còn mang nét tương đồng nào với Isabella, người mà Francis từng biết khi còn sống, một phụ nữ được nhiều người cho là xinh đẹp nhất thế giới (bức chân dung của họa sĩ Tiziano Vecellio là minh chứng rõ nét). Ngay phút giây ấy, Francis nhận ra rằng, hết thảy quyền lực, của cải, danh vọng nơi thế gian này chỉ là cát bụi. Vài năm sau, khi người vợ qua đời, ngài từ bỏ mọi tước vị, của cải và chức vụ rồi gia nhập Dòng Tên, bởi ngài không còn muốn phục vụ cho một hoàng đế rồi sẽ chết, nhưng thay vào đó là vị Vua của các vua, Đấng đã Phục sinh. Cuộc chạm trán chấn động với cái chết ấy dẫn đưa ngài bước vào con đường hoàn thiện Kitô giáo. Ngài được phong thánh năm 1670.
Cuộc gặp gỡ diện đối diện với cái chết ấy không đưa thánh Francis Borgi đến chỗ sợ hãi hay thất vọng, nhưng đến với sự khôn ngoan, điều này phản chiếu lời mà Vịnh gia từng khẩn khoản: “Xin dạy con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12). Sự khôn ngoan của tâm trí này là điều được mong đợi nơi các tín hữu khi Giáo hội nhắc nhớ họ vào Thứ tư Lễ tro: “Ngươi là thân tro bụi, rồi sẽ trở về với bụi tro”. Cả những người ngoại cũng cảm thấy cái chết có thể làm thức tỉnh sự khôn ngoan. Khi khải hoàn tiến vào thành Rôma, vị tướng thắng trận dắt theo một người nô lệ bên mình để người đó thì thầm vào tai ông: “Memento mori” – “Hãy nhớ rằng ngươi rồi sẽ chết”. Niềm hy vọng chính là điều mà hàng thế kỷ của Kitô giáo khi suy tư về cái chết đã mang lại – cũng là điều khuyết thiếu nơi suy tư của người ngoại. Không giống với người ngoại, một Kitô hữu có thể tự tin tuyên bố: “Dầu bước đi qua lũng âm u của sự chết, tôi cũng chẳng lo bị ám hại, vì có Người ở cùng tôi; cây roi và quyền trượng của Người mang lại cho tôi lòng can đảm” (Tv 23,4).
Vào khoảng thời gian mà thánh Francis Borgia đang phục vụ cho hoàng đế bên phía Tây Ban Nha của Đế quốc Hapsburg, thì thể loại hội họa vanitas [hư vô/phù phiếm] đang dần hình thành bên phía Hà Lan và Bỉ. Đối diện cỗ quan tài mở nắp ấy, thánh Francis Borgia đột nhiên được đánh động bởi chân lý của câu nói nổi tiếng trong sách Giảng viên: “Hư vô của hư vô! Tất cả đều hư vô” (Gv 1,1-2), không phải theo một ý nghĩa trừu tượng, triết lý, nhưng theo một thể cách hiện sinh sâu sắc. Chính điều đó đã làm thay đổi hướng đi cuộc đời ngài. Hội họa vanitas cũng cũng có mục tiêu khơi dậy sự đáp trả tương tự từ người xem. Chúng giúp ta nhận ra rằng, mọi sự mà chúng ta hằng cố gắng truy cầu và bám víu chỉ là phù du và như chính thân xác của chúng ta, rồi ra sẽ trở về bụi đất. Chúng gợi mở một cái nhìn về của cải trần thế từ góc độ của thế giới vĩnh cửu. Nhờ việc chiêm niệm về sự chết, chúng đưa dẫn người xem đến việc sắp xếp lại đời sống mình đúng theo trật tự phải có.
Tranh vanitas được xem là một nhánh nhỏ của thể loại tranh tĩnh vật. Người ta thường hay bắt gặp trong tranh rất nhiều những vật thể thiếu sinh khí, mà mỗi vật thể đều là một ẩn dụ. Một số đại diện cho cái chết và sự vắn vỏi của đời sống; số khác tượng trưng cho những của cải và lạc thú khác nhau mà thế gian mời gọi để chỉ ra sự ngu xuẩn vì theo đuổi chúng trong khi chúng ta sẽ không thể mang được thứ gì trong số đó xuống mồ. Cái chết luôn có mặt, được đại diện bởi chiếc sọ, có thể nằm ở trung tâm của bố cục hoặc ẩn sau hậu cảnh như thể đang giám sát kho tàng của mình. Đập vào mắt chúng ta là sự phù du của đời sống này, thể hiện qua những ngọn nến đã lụi tắt (hay chỉ còn leo lét); những đóa hoa héo tàn úa rủ; những trái cây mục rữa đắng chát; những bọt bóng trôi nổi diễm lệ giữa không trung, chỉ chực chờ biến tan khi chúng ta chạm đến. Để thêm cảm giác gấp gáp, chiếc đồng hồ cát thường được đặt vào, với từng hạt từng hạt rơi xuống, nhắc nhớ chúng ta về sự chấm tận đang tiến gần.
Nhưng hội họa vanitas không theo chủ nghĩa hư vô. Ngay từ đầu, chúng là một hình thức nghệ thuật Kitô giáo và được hiểu dưới sự soi dẫn của Kinh thánh. Thông điệp nền tảng của chúng là điều Đức Kitô đã dạy: “Đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát và trộm cắp đào khoét phỗng mất. Nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời” (Mt 6,19-20). Chúng không phủ nhận giá trị của cải trần thế. Nhưng điều mà các bức tranh này muốn cảnh báo là sự ưu tiên sai trật tự khi đặt những sự của thế gian này lên trên những điều có ý nghĩa tối hậu. Đây là lý do các vật thể được chủ ý sắp đặt thành một mớ hỗn độn. Chúng thể hiện bằng hình ảnh chính điều Đức Kitô đã truyền: “Tiên vàn, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn hết thảy những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Khi cặp mắt của người xem chuyển từ sự vật này sang sự vật khác, những lời Kinh thánh khác nhau được gợi nhớ. Chân dung về người phối ngẫu và các thành viên gia đình nhắc người xem nhớ rằng, dẫu gia đình là điều tuyệt vời, thì: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Tiền xu, đá quý, ngọc trai và những dấu chỉ khác về của cải chắc chắn gợi lên trong tâm trí câu nói: “Ngươi không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của” (Mt 6,24). Cả những vật phẩm tượng trưng cho tri thức và nghệ thuật – được đại diện bởi những cuốn sách cổ, những bức tượng vỡ nát và các thứ nhạc cụ - cũng phải có một trật tự đúng đắn: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,1-2). Vương miện và quyền trượng hoàng gia, mũ và gậy giám mục nhắc nhở về quyền lực thế gian: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Như gói trọn mọi điều vừa kể, quả địa cầu đưa ra một lời nhắc nhở không được tế nhị cho lắm: “Được lời lãi cả thế gian mà đáng mất sự sống mình thì nào có ích gì?” (Mc 8,36).
Rồi đến hình ảnh về chiếc gương, một biểu tượng truyền thống về sự hư ảo, với ý nghĩa chính yếu đó là: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân” (Cn 31,30). Tuy nhiên, nơi một số bức họa vanitas, chiếc gương đóng một chức năng khác. Chẳng hạn, trong bức Vanity (1535-1540) của Jan van Hemessen, một thiên thần giữ chiếc gương đang phản chiếu một hộp sọ. Bức tranh trên nền gỗ cứng này được xem là một phần của một bức tranh bộ đôi, với bức còn lại có khả năng là chân dung của người đặt vẽ. Như thế, chiếc gương được nâng lên để vị khách có thể xem thấy chính cái chết của mình. Cách sử dụng chiếc gương như thế này được tìm thấy trong tác phẩm Death and the Knight, được cho là của Pedro de Camprobin, trên đó, một quý tộc trẻ tuổi đang nhìn ngắm bộ xương của chính mình đang được phản chiếu. Hội họa vanitas phục vụ như một chiếc gương để chúng ta nhìn thấy số phận phải chết của mình cách rõ ràng hơn.
Jan Van Hemessen, Vanity, c. 1535–1540, Sơn dầu trên gỗ, Bảo tàng Mỹ thuật, Lille
Pedro de Camprobin, Death and the Knight, 1650, Sơn dầu trên vải bố, Bệnh viện Caridad, Seville
Chắc chắn là phần lớn các bức tranh vanitas vẫn nằm trong thể loại tranh tĩnh vật, với một số bức mang sự đơn giản tuyệt diệu, như bức Vanitas Still Life của Pieter Claesz chẳng hạn, trong khi có những bức khác tiếp cận với chủ đề bằng những hình ảnh phong phú hơn, như bức Allegory of the Vanities of the World của Pieter Boel, với một lượng lớn các vật phẩm ngoại lai – từ các khăn xếp cho đến các bức tượng cổ điển – được chồng chất trong một ngôi đền cổ đổ nát. Tuy nhiên, thú vị hơn nữa là những tác phẩm chệch xa, hay chí ít là vượt ra khỏi biên giới của thể loại tranh tĩnh vật. Bức The Last Drop của Judith Leyster truyền tải thông điệp của nó với một sự mỉa mai (và gần như khôi hài), một điều không được thấy nơi các tác phẩm nghiêm túc hơn. Khung cảnh của bức tranh cho thấy một bộ xương đang giữ chiếc đồng hồ cát và đầu lâu, đứng giữa hai người đàn ông vui vẻ uống giọt rượu mà người xem sẽ biết đó là giọt cuối của họ.
Pieter Claesz, Vanitas Still Life, 1630, Sơn dầu trên gỗ, Bảo tàng Mauritshuis, The Hague
Pieter Boels, Allegory of the Vanities of the World, 1663, Sơn dầu trên vải bố, Bảo tàng Mỹ thuật, Lille
Judith Leyster, The Last Drop (The Gay Cavalier), c. 1629, Sơn dầu trên gỗ, Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia
Việc phá vỡ khuôn khổ khỏi thể loại tĩnh vật này được phát triển trọn vẹn nhất chính trong giới nghệ thuật Tây Ban Nha. Trong tác phẩm The Knight’s Dream của Antonio de Pereda, người xem nhìn thấy một chàng thanh niên, y phục tao nhã nhưng đang say ngủ, còn một thiên thần đang cố lôi kéo sự chú ý của anh ta ra khỏi sự trống rỗng của những điều anh theo đuổi, tất cả được bày ra trước mặt anh, nhưng dường như lời cảnh báo đã bị phớt lờ. Hai bức tranh của Juan de Valdés Leal trong nhà nguyện của Bệnh viện Caridad tại Seville, dẫu vẫn thuộc về thể loại vanitas, nhưng lại đẩy ranh giới ra xa hơn. Trong bức In Ictu Oculi (“Trong Chớp Mắt”), cái chết giữ vai trò chủ động. Nó đứng trên một đống của cải trần thế, vừa nhìn chòng chọc vào người xem, vừa dập tắt ngọn nến bằng bàn tay xương xẩu của mình. Bức đối ứng, Finis Gloriae Mundi (“Kết cục của Vinh quang Trần thế”), thể hiện một vài cổ quan tài mở nắp chứa những xác chết đang ở những mức độ phân hủy khác nhau: một giám mục, một hiệp sĩ và ở phía sau là một người nghèo. Phía trên họ là cánh tay của Đức Kitô đang cầm chiếc cân hai đĩa để cân đo giữa tật xấu và lòng mộ đạo của họ. Sau cái chết là sự phán xét và – bức tranh này thuộc thời kỳ Phản Cải cách – nó thúc giục người xem, với ân sủng của Thiên Chúa, phải sống một đời sống bác ái, là điều sẽ đưa họ lên thiên đàng.
The Knight’s Dream, c. 1650, Antonio de Pereda, Sơn dầu trên vải bố, Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Thánh Fernando, Madrid
Juan de Valdés Leal, In Ictu Oculi, 1670–1672,
Sơn dầu trên vải bố, Bệnh viện Caridad, SevilleJuan de Valdés Leal, Finis Gloriae Mundi, 1670–1672,
Sơn dầu trên vải bố, Bệnh viện Caridad, Seville
Người ta cũng nhận ra dấu nhấn rõ rệt trong các bức tranh vanitas của Tây Ban Nha về sự vô nghĩa của quyền lực trần thế. Trong bức Allegory of Vanity của Antonio de Pereda, vị thiên thần nhìn trực diện người xem, một tay chỉ quả địa cầu và tay còn lại giữ bức hình của hoàng đế Charles V. Lúc bức tranh hoàn thành (1632), không những Charles V đã chết từ lâu mà đế chế được sánh ví là nơi “mặt trời không bao giờ lặn” của ông cũng đã tan rã. Năm 1556, Charles đã từ bỏ mọi ngai vàng ông từng nắm giữ để quay về Tây Ban Nha, và sống ẩn dật trong một tu viện. Bỏ lại hết thảy mọi của cải và phù hoa trần thế, ông chỉ còn giữ chặt cây thập giá mà người vợ yêu quý của ông đã nắm trong tay vào phút lâm chung; ông ra đi năm 1558.
Antonio de Pereda, Allegory of Vanity, 1632–1636, Sơn dầu trên vải bố, Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna
Vào những ngày cuối đời, vị hoàng đế đã đi theo con đường mà hội họa vanitas mời gọi người xem bước vào, con đường mà chính người cháu thánh thiện của ông [thánh Francis Borgia] trước đó đã bước đi. Có một bức tranh của Antonio Palomino (Thánh Francis Borgia quỳ gối trước thi hài Hoàng hậu Isabella Tây Ban Nha trước khi gia nhập Dòng Tên), cho dẫu không thuộc thể loại vanitas, nhưng cũng rất gần thể loại này. Trong bức tranh, chàng Francis Borgia trẻ trung, lượt là và sang trọng đang nhìn trân trối vào chiếc sọ đội vương miện của người cô họ với vẻ kinh hoàng. Một thiên thần chỉ về phía biểu tượng JHS: như lời mời gọi gia nhập Dòng Tên dành cho ngài. Trong trải nghiệm vanitas đời thực này, thánh Francis Borgia đã khắc ghi vào tim mình thông điệp của mọi bức tranh vanitas: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44).
Antonio Palomino, Thánh Francis Borgia quỳ gối trước thi hài Hoàng hậu Isabella Tây Ban Nha trước khi gia nhập Dòng Tên