Trang mới   https://gpquinhon.org

Cuộc sống vĩnh cửu chiếu soi và đem đến hy vọng cho cuộc sống dương gian của chúng ta

Đăng lúc: Thứ hai - 11/11/2013 09:35
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ cho cộng đoàn về chủ đề của Tin mừng Chúa nhật 32 Thường Niên, trích dẫn Kinh thánh ngài nói : “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống". Không phải cuộc sống này làm nên điểm quy chiếu cho vĩnh cửu, cho cuộc sống khác, cho điều mà chúng ta đang mong đợi, nhưng là cuộc sống vĩnh cửu chiếu soi và đem đến hy vọng cho cuộc sống dương gian của mỗi người chúng ta. Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC cũng đã mời gọi mọi người cầu nguyện và chia sẻ cách cụ thể với sự mất mát của đất nước và dân tộc Philippine sau khi bị trận bão Hayan tàn phá vào cuối tuần qua làm hơn 10. 000 người chết.

Tin mừng của Chúa nhật hôm nay trình bày cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu gặp rắc rối với những người thuộc phái sađốc, những người này phủ nhận sự sống lại. Dựa trên chính vấn đề này mà họ đặt ra cho Chúa Giêsu câu hỏi, để đưa Người vào thế khó và nhạo báng niềm tin về sự sống lại của những kẻ chết. Họ bắt đầu từ một trường hợp không có thực : “Một người phụ nữ có bảy đời chồng, nhưng chết từng người một”, và họ hỏi Chúa Giêsu : “Người đàn bà sẽ là vợ của ai sau khi chết?”. Chúa Giêsu luôn nhẹ nhàng và nhẫn nại, trước hết, Người trả lời rằng cuộc sống sau khi chết không có những tham số như ở chính trần gian. Cuộc sống vĩnh cửu là cuộc sống khác, trong một chiều kích khác, nơi đó sẽ không có hôn nhân nữa, nhưng được nối kết với cuộc sống của chúng ta trên trần gian này. Đối với những người sống lại, Chúa Giêsu nói, họ sẽ giống như các thiên thần, và họ sẽ sống trong một tình trạng  khác, mà bây giờ chúng ta không thể cảm nghiệm và cũng không tưởng tượng ra được.
 
Nhưng có thể nói sau đó Chúa Giêsu chuyển sang phản công. Bằng cách trích dẫn Kinh thánh, cách đơn giản và độc đáo để lại cho chúng ta đầy lòng cảm phục đối với vị Thầy của mình, vị Thầy duy nhất! Để chứng minh về sự sống lại Chúa Giêsu tìm thấy điều đó trong đoạn Môsê và bụi gai đang cháy (Xh 3,1-6), nơi đó Thiên Chúa tự mạc khải như là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop. Tên của Thiên Chúa được ràng buộc với tên của những người nam nữ, với Người họ được gắn kết, sự ràng buộc này mạnh hơn cả sự chết. Và chúng ta cũng có thể nói rằng mối tương quan của Thiên Chúa với chúng ta, với từng người trong chúng ta đó là : Người là Thiên Chúa của chúng ta! Người là Thiên Chúa của mỗi người chúng ta! Như là Người đã mang tên của chúng ta. Vì thế Chúa Giêsu khẳng định : “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống; vì tất cả mọi người đang sống cho Người” (Lc 20,38). Đây là sự ràng buộc quyết định, giao ước nền tảng, giao ước với Chúa Giêsu: chính Người là giao ước, chính Người là Sự sống và là Sự sống lại, bởi vì với tình yêu chịu đóng đinh Người đã chiến thắng sự chết. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa ban cho chúng ta cuộc sống bất diệt, Người ban nó cho tất cả mọi người, và nhờ Người mà tất cả mọi người có niềm hy vọng vào cuộc sống chân thật hơn cuộc sống này. Cuộc sống mà Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta không đơn giản là sự trang điểm nhất thời : nhưng nó vượt lên trên sức tưởng tượng của chúng ta vì Thiên Chúa tiếp tục làm ngạc nhiên chúng ta bằng tình yêu và lòng thương xót của Người.
 
Vì vậy những điều sẽ xảy ra thì hoàn toàn trái ngược với những điều nhóm Sađốc trông đợi. Không phải cuộc sống này làm nên điểm quy chiếu cho vĩnh cửu, cho cuộc sống khác, cho điều mà chúng ta đang mong đợi, nhưng là cuộc sống vĩnh cửu chiếu soi và đem đến hy vọng cho cuộc sống dương gian của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nhìn bằng đôi mắt nhân loại, chúng ta có thể nói được rằng hành trình đời người là đi từ sự sống đến cái chết. Ta thấy điều đó! Nhưng điều này chỉ có được khi chúng ta nhìn nó bằng con mắt nhân loại. Chúa Giêsu đã làm đảo lộn quan điểm này và khẳng định rằng cuộc lữ hành của chúng ta đi từ sự chết đến sự sống : cuộc sống viên mãn! Chúng ta đang đi, đang lữ hành hướng về cuộc sống viên mãn, cuộc sống viên mãn đó chiếu dọi bước đường của chúng ta! Vì thế sự chết đang ở phía sau, nó không đi trước chúng ta. Đi trước chúng ta là Thiên Chúa của những kẻ sống, Thiên Chúa của giao ước, Thiên Chúa Đấng mang tên của tôi, tên của chúng ta, như Người đã nói “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop”, cũng là Thiên Chúa với tên của tôi, tên của bạn, tên của chúng ta. Thiên Chúa hằng sống...là người cuối cùng đánh bại tội lỗi và sự chết, khai mào cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của niềm vui, của ánh sáng không tàn lụi. Trên thế gian này, trong lời cầu nguyện, trong các Bí tích, trong tình huynh đệ, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu và tình yêu của Người, và như vậy chúng ta có thể nếm trước được cái gì đó của sự sống lại. Kinh nghiệm mà chúng ta thực hiện đối với tình yêu và lòng trung tín của Người như thắp lên ngọn lửa trong trái tim của chúng ta và gia tăng đức tin vào sự phục sinh của chúng ta. Thật thế, Thiên Chúa trung tín và yêu thương, Người không thể bị giới hạn trong thời gian : lòng thành tín thì vĩnh viễn, không hề thay đổi. Tình yêu Thiên Chúa thì vĩnh viễn, không hề đổi thay! Không bị thời gian làm giới hạn : nhưng là mãi mãi! Để tiến về phía trước! Người là Đấng mãi tín trung và Người chờ đợi chúng ta, mỗi người trong chúng ta. Người đồng hành với mỗi người trong chúng ta bằng chính lòng thành tín muôn thuở này. 
 
Sau truyền tin
 
Chiều hôm nay, tại Paderborn của Đức, tuyên phong Chân phước cho chị Maria Teresa Bonzel, sống vào thế kỷ 19. Chính Bí tích Thánh Thể là nền tảng đã đem lại năng lực thiêng liêng cho chị, để hiến mình với lòng bác ái không mỏi mệt cho những người yếu hèn nhất. Chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì chứng tá của chị.
 
Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi đối với dân tộc Philippine, với nơi đã bị cơn bão khủng khiếp tàn phá, gây ra những thiệt hại to lớn cho nhiều nạn nhân. Chúng ta dành một chút thinh lặng cầu nguyện, và cầu xin Đức Mẹ cho các anh chị em của chúng ta, và chúng ta cố gắng thực thêm vào lời cầu nguyện bằng sự trợ giúp của chúng ta cách cụ thể. 
 
Hôm nay kỷ niệm 75 năm ngày gọi là "Đêm Pha lê" : những cuộc bạo hành giữa những đêm ngày 9 và 10 năm 1938 chống lại người do thái, các hội đường, các nơi cư trú, các cửa tiệm ghi nhớ một quá khứ buồn hướng đến tai họa Shoah. Chúng ta cùng thay đổi lại sự gần gũi của chúng ta và tình liên đới đối với dân tộc Do thái, những người anh em lớn của chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin Chúa để việc tưởng niệm quá khứ, nhớ đến những lỗi lầm đã qua, giúp chúng ta luôn được tỉnh thức để chống lại mọi hình thức thù ghét và bất khoan dung.  
 
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: News.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 60
  • Khách viếng thăm: 41
  • Máy chủ tìm kiếm: 19
  • Hôm nay: 19486
  • Tháng hiện tại: 271406
  • Tổng lượt truy cập: 12561118