Trang mới   https://gpquinhon.org

Thường huấn Linh mục liên giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế-Sài Gòn năm 2013

Đăng lúc: Thứ tư - 07/08/2013 12:05
Thường huấn Linh mục liên giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế-Sài Gòn năm 2013




Khai mạc khóa thường huấn Linh mục trẻ liên Giáo phận
 
Từ chiều thứ hai ngày 5/8/2013, các linh mục trẻ chịu chức từ 1 đến 5 năm của 8 giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế và Sài Gòn (Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kontum, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Bà Rịa) đã tề tựu về Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang để tham dự khóa thường huấn cho các Linh mục từ ngày 5/8/2013 – 9/8/2013, với đề tài: "Linh mục ngày nay: Những thách đố sống ơn gọi và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng". Về tham dự khóa thường huấn này có trên 200 linh mục trẻ từ các Giáo phận. Đây là một nỗ lực rất lớn của các Đức Cha của các Giáo phận bởi lẽ:

Đối với đời sống và sứ vụ của các linh mục trong Giáo hội Công Giáo, các chương trình thường huấn đóng vai trò hết sức quan trọng, trở nên một phần hoạt động không thể thiếu. Việc đào tạo các linh mục không chấm dứt khi hoàn thành thời gian tu học tại các Đại chủng viện, mà còn tiếp tục mãi trong suốt cuộc đời của linh mục. Cụ thể được diễn tả qua các chương trình thường huấn, vì “thường huấn là một đòi hỏi nội tại của ân huệ ngày thụ phong và của thừa tác vụ Bí tích đã lãnh nhận” (PDV 70). Thường huấn cũng là một tiến trình đào tạo toàn vẹn qua việc kiện toàn Đức ái mục tử (động lực của đời sống linh mục) và đào sâu bốn chiều kích đào tạo là nhân
bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ của linh mục. Nếu trong thời gian đào tạo tại Đại chủng viện, chủ đích mục vụ giúp thống nhất và đem lại nét đặc trưng cho nền đào tạo linh mục (PDV 57*2) thì Đức ái mục tử sẽ là mối dây liên kết bốn chiều kích bên trong cuộc đời linh mục.


Khởi đầu ngày thường huấn, Cha trưởng ban điều hành Gioakim Phạm Công Văn đã có lời chào mừng quý Đức Cha, quý Cha Tổng Đại diện và Cha Giáo như sau:

Trọng kính quý Đức Cha, quý Cha Tổng Đại Diện, quý Cha Giáo cùng quý cha đến từ 8 Giáo phận.

Dưới sự nhiệm mầu yêu thương của Thiên Chúa, chức Linh mục công giáo đến từ Đức Kitô qua Giáo hội và vì con người, như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con (Ga 20,19 – 23), Chúa Kitô được đặt làm ánh sáng muôn dân để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất, người Linh mục cũng được Thiên Chúa yêu thương đặt lên
tiếp nối ánh sáng người mục tử là Chúa Giêsu qua chiều dài lịch sử, một lịch đang sống như lúa và cỏ lùng, nhiều lúc có sự giao chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Mỗi thời kỳ lịch sử có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng tất cả là hồng ân.

Ơn cứu độ được trao ban qua Thập giá, vì Thiên Chúa viết lịch sử với những nẻo cong nhưng nẻo cong không là ngõ cụt đường cùng bởi Thập giá là đặc trưng của mầu nhiệm Kitô giáo, nên cũng là đặc trưng của mầu nhiệm sứ vụ linh mục và dù lúc thuận lợi hay khi không thuận lợi Tin Mừng vẫn phải được rao giảng. Xác tín ấy gợi lại chủ đề và hướng dẫn nội dung của các linh mục trẻ liên Giáo phận năm 2013.

Linh mục ngày nay đang bị thách đố trong đời sống ơn gọi và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng… khóa thường huấn này được soi sáng bởi hình ảnh Môsê vị tiên trưng của Đức Giêsu Cứu Thế và theo gương của Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa F.X Nguyễn Văn Thuận, một chứng nhân của Giáo hội Việt Nam đương đại để rồi trên cơ sở nhận thức và gương sống của các vị lãnh đạo theo mẫu mực của Chúa Giêsu vị mục tử tối cao, ước mong những linh mục ngày nay biết tận dụng những khả năng, những phương tiện hiện đại để phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến đời sống của con người trong xã hội hôm nay.

=> 
Xem thêm hình ảnh ngày khai mạc

Nôi dung thường huấn linh mục gồm các chủ đề sau:

Đề Tài 1: Những Cơ Sở Tâm Lí Cho Việc Trưởng Thành Nhân Bản Và Tâm Lí Của Linh Muc - Paul Nguyễn Đình Vịnh, ofm
Đề Tài 2: Lạm Dụng Tính Dục: Phương Sách Giải Quyết - Paul Nguyễn Đình Vịnh, ofm
Đề Tài 3 : Môsê, Vị Lãnh Dạo Của Dân Chúa: Trung Tín và Liên Đới - Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Đề tài 4: Cuộc đời của Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Nha Trang Giuse Lê Văn Sỹ.
Đề tài 5: Linh đạo của Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Cha quản xứ Ba Làng Phêrô Phạm Ngọc Lê.
Đề tài 6:  Dạy Giáo Lý qua các phương tiện truyền thông hiện đại- Cha Giuse Hoàng Văn Tình, SJ.



 
NGÀY THỨ NHẤT
(6/8/2013)


Thánh lễ ban sáng vào lúc 5g00






 
=> Xem thêm ảnh về thánh lễ
 
THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI I
 
Ban sáng vào lúc 8g00, Cha Phaolô Nguyễn Đình Vịnh, OFM thuyết trình với đề tài đầu tiên:Những cơ sở tâm lý cho việc trưởng thành nhân bản và tâm lý của Linh mục.
Trong con mắt của người giáo dân và ngay cả đối với những người ngoài Công giáo, LM phải là một người trưởng thành về mọi mặt. Đặc biệt khi tiếp xúc với một LM, người ta thường đánh giá trên mặt nhân bản trước hết, vì đó là mặt dễ biểu lộ nhất và dễ thấy nhất. Khoa Tâm lí học ngày nay cho ta thấy rằng mọi chiều kích tiến triển đều là một quá trình hay nói đúng hơn là một tiến trình vẫn còn tiếp diễn. Mọi tiến trình đều đặt nền tảng trên sự tăng trưởng tâm-thể-lí.

Trong quá trình Huấn luyện các tu sĩ và LM việc học Triết học, Tâm lí, Văn hoá là điều hết sức cần thiết để hiểu các thực tại nhân sinh và con người và là nền tảng cho việc học Thần học. Tâm lí học hiện đại đã đóng góp một phần rất lớn trong việc tìm hiểu nhân cách và giáo dục nhân bản.

TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS
“Không có đào tạo nhân bản thoả đáng, thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần thiết” (PDV, 43). Tông huấn đã xem việc đào tạo nhân bản là nền tảng của mọi nền đào tạo linh mục (PDV, 40). Các linh mục được mời gọi trở nên “hình ảnh sống động” của Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục tử. Đức Kitô đã nhập thể và đã làm người để con người có thể nhìn lên Ngài như một mẫu gương tuyệt vời của một con người sung mãn về mọi mặt.

Trong bốn chiều kích huấn luyện (đào tạo Nhân bản, Thiêng liêng, Trí thức và Mục vụ) thì Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã đặt đào tạo nhân bản làm đầu và nền tảng, vì nếu không có nhân bản thì cả toà nhà huấn luyện có thể bị sụp đổ. Trong các văn kiện gần đây về huấn luyện các tu sĩ trẻ,  Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô còn nhắc đến đào tạo văn hoá vì “thách đố gay gắt nhất mà việc huấn luyện phải đương đầu nẩy sinh từ các gía trị của nền văn hoá toàn cầu hoá hôm nay” (HT -  XPLTĐKT, 18). Nghĩa là việc đào tạo nhân bản phải chú trọng đến môi trường hiện tại mà người trẻ đang lớn lên và sẽ lãnh nhận trách nhiệm trong tương lai gần. Họ phải biết về văn hoá và môi trường của thời đại mình để có thể làm chứng nhân cho Chúa trong bối cảnh hiện tại. (
xem thêm nội dung)

 
 

THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI II

Ban chiều, vào lúc 14g15, Cha Phaolô Nguyễn Đình Vịnh, OFM tiếp tục với chủ đề thứ hai:Lạm Dụng Tính Dục: Phương Sách Giải Quyết - Paul Nguyễn Đình Vịnh, ofm.
WHĐ (23.05.2011) – Ngày 16-05 vừa qua, Bộ Giáo lý Đức Tin đã công bố Thư luân lưu nhằmgiúp các Hội đồng Giám mục soạn thảo Bản Hướng dẫn giải quyết các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.
 
Toàn văn Thư luân lưu:

“Trong những trách nhiệm quan trọng của Giám mục giáo phận khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm lợi ích chung của các tín hữu, nhất là bảo vệ trẻ em và những người trẻ, có một điều đó là Giám mục phải giải quyết một cách thích đáng các trường hợp giáo sĩ trong giáo phận của ngài lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Một việc giải quyết như thế bao gồm sự tiến hành các thủ tục thích hợp nhằm giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng, và cũng nhằm giáo dục cộng đồng dân Chúa về bảo vệ trẻ vị
thành niên. Việc giải quyết sẽ phải được chuẩn bị đầy đủ nhằm thực thi giáo luật cách thích đáng, đồng thời, đáp ứng những yêu cầu của pháp luật dân sự.
Cha Phaolô đã đưa một tổng quan như sau:
 
a) Những nạn nhân bị lạm dụng tình dục
Giáo Hội, qua đích thân Đức Giám mục hoặc vị đại diện của ngài, cần phải sẵn sàng lắng nghe các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời liệu cách giúp họ về tâm lý và tinh thần. Điều này đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thực hiện, qua những chuyến tông du của ngài, như một mẫu gương sáng ngời về việc sẵn sàng gặp gỡ và lắng nghe các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Trong những cuộc gặp gỡ đó, Đức Thánh Cha hết sức quan tâm đến các nạn nhân, bày tỏ sự đồng cảm và nâng đỡ, như lời lẽ chúng ta đọc được trong “Thư mục vụ gửi Dân Chúa tại Ireland”: “Anh chị em đã phải chịu đựng đau khổ xiết bao và lòng tôi thật sự đau đớn. Tôi biết không gì xóa được nỗi đau anh chị em đã phải chịu. Niềm tin của anh chị em bị phản bội và phẩm giá của anh chị em bị xúc phạm”.

b) Bảo vệ các trẻ vị thành niên

Tại một số quốc gia, nhằm bảo đảm cho trẻ vị thành niên được sống trong những “môi trường an toàn”, các chương trình giáo dục và ngăn ngừa đã được khởi xướng ngay trong Giáo Hội. Các chương trình này tìm cách giúp đỡ phụ huynh cũng như những người làm công tác mục vụ và trường học nhận ra những dấu hiệu của sự lạm dụng và có biện pháp thích hợp. Những chương trình như thế thường được xem là mô hình trong việc dấn thân chấm dứt các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong xã hội ngày nay.

c) Việc đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai

Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố: “Không có chỗ trong hàng ngũ linh mục và đời sống tu trì dành cho những kẻ có thể sẽ làm hại giới trẻ” (Huấn từ trong cuộc tiếp kiến các Hồng y Hoa Kỳ, 23-04-2002, số 3). (
Xem thêm nội dung)

=> 
xem thêm hình ảnh
 

 
NGÀY THỨ HAI
(7/8/2013)

 
THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI III





 
Ban sáng, vào lúc 8g00 ngày thứ 4 ngày 7/8/2013, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh thuyết trình đề tài thứ III: Môsê,Vị lãnh đạo của Dân Chúa: Trung tín và liên đới.
 
“Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của 

Có lẽ đó là lời tóm tắt đời sống và sứ vụ của Môsê; và có lẽ cũng qua lời đó, Môsê phơi bày con người chân thật của mình trước mặt Thiên Chúa, khi ông dừng chân bên ngưỡng cửa Hứa Địa và nằm xuống

Thật vậy, dựa trên Kinh Thánh và truyền thống dân Chúa, khuôn mặt của Môsê nổi bật như một người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa (Xh 14,31; Ds 12,7; Tl 34,5; cf. Yôs 1,1-2; Tv 105,26; Ma 3,22; Đn 9,11; Ba 2,28; Kng 10,16; Hr 3,5; Kh 15,3) đồng thời như một vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, tuyệt đối liên đới với dân Chúa. Hai tâm tình nầy đã chi phối hoàn toàn con người Môsê, đã giằng co xâu xé con người ông đến độ ông muốn sống trọn vẹn cùng một lúc cả hai tâm tình mà bên ngoài xem ra như mâu thuẩn, không thể hoà hợp với

Xuất thân từ một gia tộc tư tế (Xh 2,1), và bản thân ông là tư tế (Tv 99,6), Môsê đã quá rõ những trách nhiệm đòi buộc ở chức vụ mình. Đó là con người luôn luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa để ‘’ hành lễ ‘’ – shèrèt – (Xh 28,35.43; 29,30) đảm nhiệm mọi điều liên quan đến Tế đàn và phần bên trong Bức Màn – abad – (Ds 18,7);’’ tiến lại gần trước Nhan Đức Chúa ‘’ – qarab, nagash – (Lv 16,1; 21,17); ‘’ vào cung thánh trước Nhan Đức Chúa ‘’– bô-el-haqôdesh – (Xh 28,35). Có thể nói, nhiệm vụ của một tư tế là gắn liền với bàn thờ và Lời Chúa (A. GELIN, Le sacerdoce dans l’Ancienne Alliance, trong La tradition sacerdotale, trang 48-52). Rồi, từ ngày được Thiên Chúa mời gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu hiểu và thâm tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không nhưng phải sống hoàn toàn trung tín với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa là anh em của mình! Mà vì hằng ngày đồng hành, chia sẻ cuộc sống và liên đới với một đoàn dân cứng cổ, tội lỗi, bất trung; nên ông cảm thấy thấm thía thân phận và sứ vụ của mình ngay trong lúc ông muốn thật sự trung thành với Thiên

Vì thế, khuôn mặt và đời sống của Môsê không những là lời mời gọi mà còn là tiếng nói chất vấn lương tâm những người được đặt làm lãnh đạo Dân Chúa trong sứ mạng phục vụ ơn cứu độ, mưu cầu hạnh phúc đích thực cho mọi người. (
Xem thêm nội dung)
 
 
THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI IV






 
 
Ban chiều, vào lúc 14g15, Cha Giuse Lê Văn Sỹ, Tổng Đại Diện Giáo Phận Nha Trang thuyết trình đề tài thứ tư: Con người và  và cuộc đời Tôi Tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận (1928-2002)

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928, tại giáo xứ Phủ Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế trong một gia đình có 8 anh chị em: 3 trai và 5 gái. Thân phụ của ngài là Ông Cố Tađêô Nguyễn Văn Ấm và thân mẫu, Bà Cố Isave Ngô Ðình Thị Hiệp. Đây là một gia đình có truyền thống đạo đức lâu đời, tổ tiên nội ngoại của ngài là những Kitô hữu, liên tục qua nhiều thế hệ, đã từng chịu thử thách vì đức tin vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX. (
Xem thêm nội dung)
 
 
THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI V



 
Tiếp theo vào lúc 15g15, Cha Phêrô Phạm Ngọc Lê, Giáo sư Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, quản xứ Giáo xứ Ba Làng đã thuyết trình đề tài thứ V:Linh đạo của Tôi Tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Nói về linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê chính là nói đến cuộc đời sống mầu nhiệm Đức Kitô theo ơn gọi và trách nhiệm của Ngài, trong đó cha Phêrô nhấn mạnh đến những điểm như sau:
 
A. Linh Đạo Hy Vọng 

Chứng Nhân Hy Vọng 
 
Cách đây gần 4 năm, ngày 17.9.2007, Đức Hồng Y Martino, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, đã xin phép đặc biệt để cùng với tất cả nhân viên của Hội Đồng, Hội San Matteo và thân nhân của Cố Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, được tiếp kiến riêng với Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI tại khu nghỉ hè ở Castel Gandolfo, cách Rôma khoảng 30 cây số. Mục đích của cuộc tiếp kiến này là trình báo với Đức Giáo Hoàng về quyết định xin mở án cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.
 
Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng đã tóm lược cuộc đời và nhân đức của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê bằng những lời sâu sắc và vắn gọn sau đây: “Đức Hồng Y Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng và Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài chống lại được tất cả những khó khăn thể lý cũng như tinh thần”. Và Đức Giáo Hoàng giải thích: “Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Ngài khi bị cô lập, khi phải xa cách cộng đoàn giáo phận trong 13 năm dài. Niềm hy vọng ấy cũng đã giúp Ngài nhận ra trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho mình, luôn có một kế hoạch của Chúa Quan Phòng – Đức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm”.
 
B. Linh Đạo Hy Vọng từ chính cuộc sống của Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận

Muốn hiểu về linh đạo của cố Hồng Y Phanxicô Xaviê, tôi thiết nghĩ là trước hết chúng ta cần phải nhìn vào huy hiệu giám mục của ngài, bởi vì qua đó ngài đã gởi gắm tất cả những hoài bão và ước vọng của ngài cho giáo phận Nha Trang của ngài, cho dân tộc Việt Nam, cho Hội Thánh Việt Nam cách riêng và Hội Thánh hoàn vũ nói chung.
 
Huy Hiệu Giám Mục

Trước hết, huy hiệu của ngài có nền màu xanh đậm là của đại dương bao la và cũng là màu tượng trưng cho hy vọng; và với ngôi sao trắng tượng trưng cho Đức Trinh Nữ Maria. Ngôi sao nầy là ngôi sao biển, là Stella Maris, là tình yêu đầu tiên của ngài, là ngôi sao dẫn đường cho những con thuyền trong cuộc du hành từ đời nầy cho đến vĩnh cữu, là niềm cậy trông và sự phù hộ bền vững cho ngài trong những tháng ngày tù tội sau nầy.

Nổi bật trên màu xanh biển và ngôi sao là ba ngọn núi của ba miền Bắc- Trung- Nam của Việt Nam, làm nên một biểu tượng tổng hợp của aqua et arida, là đại dương và lục địa. Chúng ta biết rằng, trong thời cổ đại, đại dương và lục địa còn có nghĩa là vũ trụ toàn cầu; và như thế cụm từ nói lên rằng, Việt Nam không là một nước độc lập nhưng là một phần của thế giới; cũng như Hội Thánh Việt Nam không phải là một chủ thể riêng rẽ, nhưng chính là một chi thể sống động của Hội Thánh hoàn cầu.
 
Trên huy hiệu giám mục của ngài, chúng ta còn thấy hình ảnh của mười khúc tre, là biểu tượng của Mười Điều Răn của Chúa, và cũng là một biểu tượng Á Châu của người quân tử, luôn vươn cao và đứng thẳng trước mọi diễn biến của thời cuộc. Cây tre tượng trưng cho sự công chính, trong sạch và chân thành; và Lõi của đốt tre thì rỗng như là tâm hồn của một con người không chất chứa sự ích kỷ, tham lam!
    
Châm Ngôn Giám Mục

Quả thật, đúng như châm ngôn Giám Mục của ngài, Vui Mừng và Hy Vọng chính là Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y mà ngài đã theo đuổi suốt cuộc sống của ngài. Đó cũng chính là di sản thiêng liêng và quý báu mà ngài đã để lại cho chúng ta! Vui Mừng và Hy Vọng cũng chính là lăng kính mà qua đó chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn cái nhìn của ngài về bản thân của ngài, về tương quan của ngài đối với tha nhân, đối với Tổ Quốc Việt Nam, và đối với Hội Thánh Công Giáo Việt Nam và Hội Thánh hoàn vũ. (
xem thêm nội dung)

 
 
NGÀY THỨ BA
(8/8/2013)


THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI VI
Dạy Giáo Lý qua các phương tiện truyền thông xã hội


 
Ban sáng vào lúc 8g00, Cha  Giuse Hoàng Văn Tình, SJ, đã thuyết trình đề tài thứ 6 cũng là đề tài cuối cùng của khóa thường huấn với chủ đề: Dạy giáo lý qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Cha Giuse đã dựa vào những phương tiện hiện đại của truyền thông để giới thiệu Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và Tin Mừng của Đức Kitô đến cho mọi cộng đoàn thuộc mọi tầng lớp.
 
Truyền thông càng ngày càng có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong cuộc sống con người và ngay cả trong đời sống của Giáo Hội. Tuy có nhiều hạn chế, nhưng ngày nay đã có rất nhiều cố găng của các thành phần dân Chúa, đã và đang góp phần rất lớn làm cho sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô được truyền thông đến với con người hôm nay.
 
Đối với Giáo Hội toàn cầu, Sắc lệnh Inter Mirifica (1963của Công Đồng Vatican II được xem là văn kiện tiên phong liên quan đến các hoạt động Truyền Thông, mở ra một cái nhìn mang tính đối thoại với nhân loại và ngỏ lời muốn dấn thân cộng tác với xã hội. Văn kiện này là nền tảng cho các văn kiện khác của Giáo Hội về Truyền Thông, khi mà các phương tiện truyền thông ngày càng trở nên một khả thể vạn năng như hiện nay. Sắc lệnh mời gọi: “Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện Truyền thông xã hội một cách đắc lực vào các công việc Tông Đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian…” (IM, 13). 
Giáo Hội cũng ý thức mình được thiết lập để tiếp tục việc truyền thông của Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói, việc làm và cách sống. Thông điệp mà Giáo Hội đang nắm giữ cần đến được với con người hôm nay bằng mọi phương cách. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (1975): “Giáo Hội sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu không tận dụng các phương tiện truyền thông mạnh mẽ hôm nay mà tài năng con người đang làm cho ngày càng hoàn hảo hơn. Nhờ các phương tiện này, Giáo Hội rao giảng thông điệp mà mình nắm giữ trên các mái nhà...”[ Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, Roma, 1975, số 45.]
Ý thức một cách rất sâu xa về vấn đề này, Cha Giuse Nguyễn … Tình, qua các kỷ thuật hiện đại, đã rất khéo léo chuyển tải nội dung của Giáo lý và Tin Mừng của Đức Kitô đến cho cộng đoàn, làm cho cộng đoàn đón nhận một cách thích thú và dễ dàng đi vào tâm hồn của mỗi người.

=> 
Xem thêm hình ảnh


Kính mời xem một đoạn về nội dung Giáo lý .

 
 




 
HÀNH HƯƠNG ĐẾN ĐAN VIỆN XITÔ



 
Ban chiều, vào lúc 13g30, quí cha tham dự thường huấn đã có cuộc hành hương đến Đan Viện Xitô Mỹ Ca tại Cam Lâm, Khánh Hòa. Đây là dịp để quý cha biết thêm về Đan viện, đời sống và những sinh hoạt của Đan Viện Xitô, cùng đồng hành với quý Cha trong cuộc hành hương này có Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang.

Đến Đan Viện Xitô, quý Cha được Cha bề trên Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo và quý Thầy đã ân cần đón tiếp, sau đó một vài phút viếng Thánh Thể, Cha Bề Trên đã giới thiệu về Đan viện, đời sống và những sinh hoạt trong cộng đoàn. Sau đó, quý Cha tham quan Đan Viện và các cơ sở của của Đan viện.

Cuối cùng, Đức Cha Giuse chủ tế thánh lễ tạ ơn kết thúc khóa thường huấn linh mục trẻ liên giáo phận. Cuộc hành hương và thánh lễ diễn ra trong bầu khí linh thiêng của Đan viện như diễn tả tinh thần hiệp thông, chia sẻ và hăng say ra đi làm chứng cho Đức Kitô qua những những gì mà quý cha đã lành nhận được.

=>
 
Xem thêm hình hành hương
 
 
Vài nét Giới thiệu ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU TÂM MỸ CA
GIÁO PHẬN NHA TRANG 
1. Tên gọi : 

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU TÂM MỸ CA

        a. MỸ CA: Mỹ Ca là tên một làng nhỏ nằm trên bán đảo Cam Ranh. Dân cư vào những năm 1930 - 1934 không quá 200 người, tất cả sống bằng nghề chài lưới và đại đa số không có tôn giáo nào rõ rệt, có lẽ phần đông các gia đình đều thuộc đạo ông bà, một số nhỏ xưng mình là phật giáo nhưng không hề biết chùa chiền hay sư sãi gì. Nói chung đây là một thôn làng đánh cá khá nghèo. 

b. THÁNH MẪU TÂM: Tất cả các đan viện thuộc Dòng Xitô, từ Dòng tổ được sáng lập năm 1098 cho đến bây giờ đều mang thánh hiệu Đức Mẹ. Dòng Mỹ Ca có thánh hiệu TRÁI TIM ĐỨC MẸ. Lễ bổn Mạng. 

c. XITÔ: Dòng Mỹ Ca thuộc dòng Xitô được viết theo kiểu việt hóa, tiếng pháp gọi là Monastère cistercien. Tĩnh từ cistercien được rút ra từ từ Citeaux, tên đan viện đầu tiên do ba Đấng Thánh Sáng Lập: Robertô, Albêricô và Stêphanô. Citeaux là địa danh nơi ba vị thánh này cùng với một số đan sĩ Biển Đức từ dòng Molesme đến khai quang. Citeaux hay Cisterne có nghĩa là vùng lau sậy hoang dã. Citeaux thuộc miền đông bắc Pháp. 

d. ĐAN VIỆN: Đan viện (Monastère) là nhà dòng dành riêng cho các đan sĩ chiêm niệm sống. Các tu sĩ ở đây được gọi là ĐAN SĨ (moines), Bề trên thường được gọi là Đan Viện Trưởng, Bề trên thượng cấp được tấn phong được gọi là Đan Viện Phụ (hay viện phụ: Père Abbé). Đan viện có bề trên là Đan Viện Phụ được gọi là Đan Phụ Viện (Abbaye). 
MỸ CA hiện nay là một đan viện thường, trực thuộc nhà mẹ Lérins ở miền Nam nước Pháp. 
Khi nói ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU TÂM MỸ CA, người ta hiểu rằng Mỹ Ca là một dòng tu chiêm niệm thuộc Dòng Xitô thế giới và có thánh hiệu là Dòng Trái Tim Đức Mẹ. 

2. Nguồn gốc

a- Dòng Biển Đức

 Dòng Biển Đức do thánh Bênêđictô (Biển Đức, Benoit) sáng lập năm 520 tại Subiacô, Ý. Ít năm sau thánh nhân dời xuống Montecassino (gần Naples). Nguyên thủy, Dòng Biển Đức là dòng tu chiêm niệm, nhưng trải qua 15 thế kỷ, Dòng cũng đã có những hoạt động tông đồ liên quan đến xứ đạo, trường học v.v...  

Thánh tổ Biển Đức để lại cho Giáo Hội một tu luật thời danh vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay, dĩ nhiên có một số điểm liên quan đến cuộc sống thường nhật đã được cập nhật hóa. Dòng Biển Đức đã lan tràn khắp Châu Âu và có thể nói nền văn minh của Châu Âu đã là nền văn minh Biển Đức về nhiều phương diện: học thức, văn hóa, canh nông, kỹ thuật. Nhận thức được điều này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tôn nhận thánh Biển Đức là Bổn Mạng của Châu Âu.

Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 9.000 đan sĩ (linh mục và không linh mục) và khoảng 18.500 nữ đan sĩ. Tại Việt Nam đan viện Thiên An được thành lập tại Huế năm 1940. Sau đó Thiên An đã lập thêm các nhà Thiên Hòa (Ban Mê Thuột), Thiên Bình (Đồng Nai), Thiên Phước (Thủ Đức). Nhân số trên 60 khấn trọng, khấn tạm khoảng 100, tập sinh 30 và thỉnh sinh hơn 40. 

Năm 1954, đan viện nữ Biển Đức được lập tại Ban Mê Thuột do dòng nữ ở Vanves (Paris). Sau này các nữ tu Biển đức đã nhường lại cơ sở cho Tòa giám mục BMT và dời về Thủ Đức (1965). 

b- Từ Molesme đến Citeaux

Các thế kỷ X và XI là thời gian đen tối nhất của Giáo Hội thời Trung Cổ. Các Giáo Hoàng, nhất là thánh Grêgôriô VII hết sức băn khoăn cho vận mệnh của Giáo Hội. Các ngài hô hào canh tân đời sống và tìm giải thoát Giáo Hội khỏi ảnh hưởng của thế quyền. 

Hưởng ứng lời mời gọi này, nhiều dòng mới đã được thiết lập hay canh tân, với hai hướng đi khác nhau: hoặc thiên về đời sống ẩn tu trong cô tịch như dòng thánh Romualđô và thánh Bruno (Chartreux), hoặc muốn trở lại lối sống tu viện lý tưởng mà thánh tổ Bêneđictô (Biển Đức) đã vạch ra trong tu luật của ngài. Chính Xitô đã đi tiên phong trong nhóm thứ hai. 

Năm 1075 Thánh Robertô và một nhóm đan sĩ từ Colan đến miền rừng núi hoang vu  Molesme (ngày nay thuộc quận Chatillon miền Côte d’Or, Pháp, và không còn dấu vết gì của dòng!) lập một đan viện biển đức. Molesme đã trải qua thời gian hưng thịnh, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng chung của các dòng tu thời đó. Ba vị: Robertô, Albêricô và Stêphanô cùng một số anh em rời Molesme đến Citeaux năm 1098 với mục đích “nắm giữ tu luật thánh Biển Đức một cách chặt chẽ và trung thành hơn từ trước tới giờ”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Robertô phải vâng phục trở về Molesme để chỉnh đốn đan viện này. Albêricô kế vị Robertô có công củng cố địa vị pháp lý và lập quy chế cho Tân Tu Viện. Ngài qua đời ngày 26.01.1108. Stêphanô được bầu lên kế vị. Cả ba thánh được gọi là Ba Đấng Thánh Sáng Lập của Dòng Xitô. 

Xitô thực sự khởi sắc với thánh Bênađô. Các đan viện Xitô mọc lên như nấm khắp Châu Âu lúc bấy giờ. Vào năm thánh nhân qua đời 1153, Dòng Xitô đã có tới 350 đan viện, trong số đó 160 đan viện do chính đan viện Clairvaux của thánh Bênađô hoặc các nhà con của Clairvaux thiết lập. 

Nếu năm 1098 Xitô là đại diện cho lý tưởng tìm trở về nguồn của các đan sĩ Biển Đức và từ đó xuất phát một Dòng lớn thì năm 1705 Đức Giáo Hoàng Clément XI phê chuẩn việc cải tổ của đan viện xitô Trappe (thành lập năm 1140) do viện phụ De Rancé (+1700) khởi xướng. Từ đó Xitô chia làm hai nhánh: Nhánh mới gọi là Xitô nhặt phép (stricte observance), tên tiếng pháp thường gọi là đan sĩ dòng Trappe, hoặc trappistes. Và nhánh chính vẫn gọi là Xitô, khi cần thì thêm vào từ “trung phép” (commune observance) để phân biệt. Hiện nay Nhánh nhặt phép phát triển hơn, kể từ cuộc cách mạng pháp (1789).

c- Từ Sénanque qua Lérins đến Mỹ Ca

Sénanque là một đan viện Xitô nổi tiếng ở gần Avignon, cùng với hai đan viện Xitô khác cùng thời (thế kỷ XII) cũng ở miền Nam nước Pháp, lập thành bộ ba được mệnh danh là BA CHỊ EM MIỀN PROVENCE. Đó là các đan viện Sénanque, Sylvacane và Thoronet. Cùng chịu chung số phần với tất cả các dòng tu khác trong thời cách mạng Pháp (1789), cả ba đan viện lớn này đều bị cách mạng chiếm, giải tán các đan sĩ và bán các cơ sở dòng cho tư nhân.

Năm 1854, cha Barnouin mua lại được đan viện Sénanque và ngài dời các tu sĩ dòng ngài về đó. Lấy tên Hội Dòng mới là Hội Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, trùng vào năm tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố. Một thời gian sau, viện phụ Barnouin lại mua được đảo Lérins ngoài khơi đối diện với thành phố Cannes, và dời đan viện chính về đấy, nhưng vẫn giữ dòng Sénanque. Lérins là một đảo nhỏ, dài 1 cây số và chiều ngang rộng nhất chỉ đo được 400m. Lérins có một lịch sử đan tu ngay từ thế kỷ 5 khi thánh Honorat cùng một số các bạn đưa đời tu về đảo hoang này. Kể từ đó Lérins cung cấp cho Giáo Hội khá nhiều thánh giám mục và hiển tu, do vậy Lérins ngoài tên gọi đảo thánh Honorat, còn được gọi là Đảo Các Thánh (Iles des Saints).

Năm 1934, Dòng Lérins đã cử 3 linh mục qua lập dòng tại làng đánh cá Mỹ Ca trên bán đảo Cam Ranh (sẽ nói thêm ở phần sau).
Hội Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm,  hiện nay có các đan viện: Lérins, Rougemont (gần Montréal, Canada, Mỹ Ca, Sénanque, Prad’mil (gần Torinô (Ý) và nhà dòng nữ Castagniers gần Nice (tại dòng Castagniers hiện có 6 nữ tu Việt Nam). 

3. Sự hiện diện của Xitô tại Việt Nam

a- Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam

Một linh mục thuộc tu hội thừa sai Paris (MEP: Mission Etrangère de Paris), cha Henri Denis, sau này lấy tên dòng là Benoit và tên việt “Cố Thuận” (1880-1933)  được gửi qua truyền giáo ở Việt Nam và phục vụ tại Huế. Năm 1918, cha lập một dòng tu chiêm niệm tại Phước Sơn thuộc Quảng Trị (bắc vĩ tuyến 17). Năm 1930, “Cố Thuận” chính thức xin sáp nhập Phước Sơn vào gia đình Xitô. Chính năm ngài qua đời (1933) Phước Sơn được đại hội ngoại thường của Xitô đồng ý cho sáp nhập. Ngày 21.03 1935 Phước Sơn chính thực trở thành một dòng Xitô. Phước Sơn phát triển rất tốt và  lập thêm các nhà con: Châu Sơn ở Nho Quan, Ninh Bình (1936), Phước Lý (1950). Chính dòng Phước Sơn cũng đã phải rời bỏ núi Phước để vào miển Nam, và sau năm 1954 phần đông các đan sĩ Châu Sơn dời vào miền Nam và tới định cư ở Đơn Dương. Sau đó lập thêm các nhà Châu Thủy (Bình Tuy), Phước Vĩnh (Vĩnh Long), Thiên Phước (Vũng Tàu), Phước Hòa (Bà Rịa, sau lấy tên chính thức là Phước Sơn), Phước Sơn Bình Triệu. Năm 1972 nữ đan viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước được lập tại Phước Lý và sau dời vể giáo xứ Ngọc Đồng ở Hố Nai Biên Hòa (1991). Hiện nay Dòng nữ này có thêm 2 nhà con ở Bà Rịa và Vũng Tàu.

Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam phát triển cực kỳ mau lẹ từ khoảng 15 năm nay. Dĩ nhiên có thống kê chính xác của nội bộ, khác với thống kê được chính thức công bố. Chỉ biết rằng ba đan viện chính Phước Sơn, Châu Sơn Đơn Dương và Phước Lý đều hơn 150 đan sĩ. Các nhà khác không dưới 60 người (dĩ nhiên là chỉ tính các đan sĩ đã có lời khấn (trọng hoặc tạm). Con số tập sinh và thỉnh sinh thì rất nhiều... 

4. Mỹ Ca trong giáo phận Nha Trang 

Nhìn chung lịch sử Mỹ Ca, người ta có thể chia giai đoạn đầu thành 3 thời kỳ, mỗi thời kỳ hơn kém 20 năm: 

a- Từ 1934 đến 1954 

Như trên vừa nói, Năm 1934 đan viện Lérins đã cử 3 linh mục qua Việt Nam lập dòng con tại làng đánh cá Mỹ Ca thuộc bán đảo Cam Ranh. Sau những tháng ngày ngược xuôi tìm đất sống, khởi đầu từ Sapa vùng cực bắc nước Việt, vào Đà Lạt, xuống vùng Phan Rang, Nha Trang. Cuối cùng cha Piquet (người Pháp, là quản lý của giáo phận Qui Nhơn lúc đó, sau này là giám mục của giáo phận Nha Trang) đề nghị 3 vị lập dòng tới xem vùng đất Mỹ Ca. Các ngài đã tới và đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai cho mình và đặt nền móng xây dựng một đan viện chiêm niệm theo linh đạo Xitô như dòng mẹ Lérins. 
Vạn sự khởi đầu nan. Gian nan khốn khó lúc đầu là thế chiến thứ hai và từ năm 1945 lại có sự khốn khó khác mà ai cũng biết, do vậy Mỹ Ca đã rất èo ọt suốt 20 năm đầu.
b- Từ 1954 đến 1975
Trong khoảng thời gian 20 năm kế tiếp, Mỹ Ca được sống trong an bình và đan viện đã có những khởi sắc tương đối tốt đẹp về nhiều mặt. Tuy nhiên điều khó khăn cố hữu vẫn luôn đeo đuổi các đan sĩ. Mỹ Ca là nơi thanh vắng rất thích hợp cho đời tu chiêm niệm. Ngoài một số ít dân cư của làng đánh cá, Mỹ Ca hoàn toàn biệt lập. Sự cô tịch thanh vắng coi như là tuyệt đối. Nhưng tu chiêm niệm thì cũng phải có kinh tế để sống. Mỹ Ca là vùng cát, canh nông coi như không có gì, chỉ có một vườn rau nhỏ, một số cây xoài, cây dừa để ăn vặt, chứ không đem lại kinh tế sống. Không có một nghề nghiệp gì sinh lợi, ngoại trừ thỉnh thoảng cho người đi bắt cá dưới sông. Đan viện đã tậu nhiều đất các nơi khác, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn cũng chẳng làm được gì. Đan viện sống trong hoàn cảnh nghèo đúng nghĩa về mọi mặt cho tới biến cố 1975.

c- Từ 1975 đến 1994

Sau biến cố 1975, các đan sĩ bị tán loạn. Một số ít còn lại kiên trì. Nhưng đến tháng 7.1977, nhà nước đã mời các đan sĩ rời bỏ đan viện chính và yêu cầu di tới đồn điền của đan viện (có từ năm 1959) tại thôn Lập Định, Xã Cam Hòa hiện nay. Cái khó khăn của giai đoạn này thì chả cần phải viết ra. Các đan sĩ lớn tuổi chết dần chết mòn. Anh em trẻ tìm hướng sống khác. Năm 1985 chỉ còn 2 linh mục và 2 đan sĩ. Năm 1994, cha bề trên Gioan Báu cũng được gọi về với Chúa. Đất đai từ 349 mẫu của trước 1968, nay chỉ còn 3 mẫu. 3 người 3 mẫu đất thì cũng là quá nhiều, nhưng 3 mẫu đất cho một đan viện thì lại là vấn đề khác. Hai mươi năm cùng khốn! Nhưng Chúa vẫn luôn có đó bên cạnh. Và như thế là đã quá đủ. 

d- Từ 1994 đến hôm nay

Mỹ Ca tại Lập Định này bắt đầu được tái thiết về phương diện nhân sự từ năm 1994. Thời thế cho phép... tu chui, Mỹ Ca đã bắt đầu nhận lại ơn gọi từ đây và cứ thế.

Về cơ sở vật chất, nhà cửa được Dòng mẹ Lérins hỗ trợ nên từ năm 2000 đã bắt đầu xây dựng một đan viện hoàn toàn mới. Tạ ơn Chúa. Và cũng đặc biệt tạ ơn Thánh Giuse đã nâng đỡ phù trì che chở cho công trình được hoàn tất.

5. Linh đạo biển đức – xitô

Theo tu luật thánh tổ Biển Đức, đan viện chính là TRƯỜNG HỌC PHỤNG SỰ CHÚA. Sống trong trường này, đan sĩ được huấn luyện sống một cuộc sống trọn vẹn cho Chúa, vì Chúa và trong Chúa với tinh thần gia đình, có viện phụ (bề trên) được coi là người cha của gia đình đan viện. Tất cả trong tình thần phụng sự Chúa, không lấy gì làm hơn Chúa Kitô. Đan sĩ sống ngay từ đầu đời tu điều mình được huấn luyện.  

Nghĩ đến linh đạo đời đan tu của mình, một đan sĩ Xi-tô chắc hẳn sẽ nghe vang vang trong tâm tưởng một số những từ rất quen thuộc, được nhắc đi nhắc lại thường xuyên từ ngày bước chân vào đan viện: Tìm Chúa, Cải tiến, cộng đoàn, nghèo khó, khiết tịnh, tuân phục, vĩnh cư, cô tịch, hiện diện, an bình, khiêm tốn, lao động, lectio divina (Cầu nguyện với Kinh Thánh), đơn sơ, hiệp nhất, Thần Vụ (Opus Dei), noi gương và cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô …

Vào đan viện, chỉ với mục đích "tìm Chúa", người trẻ mới được đón nhận. Và với kinh nghiệm 5, 10 năm ở trong đan viện, đan sĩ nhận rõ rằng chỉ với mục đích "tìm Chúa" người trẻ mới có thể bền đỗ trong đan viện này trọn đời mình cho đến chết (vĩnh cư). Vĩnh cư (bền đỗ) trong nơi mình tuyên giữ các lời khấn dòng đã là một trong ba lời khấn của đan sĩ Biển Đức hay Xi-tô. Khi rời đan viện Molesme Ba Đấng Sáng Lập Xi-tô (1098) đã thực hiện điều mà 8 thế kỷ sau, Công Đồng Vaticanô II đã khuyên nhủ các tu sĩ hôm nay: Trở về nguồn. Trở về nguồn để sống đúng đắn, sống đẹp, sống trọn vẹn linh đạo mà thánh Tổ Biển Đức đã đề xướng trưóc đó 6 thế kỷ tại Montecassino (Ý).

Tìm Chúa, đòi hỏi những rời bỏ – nơi chốn mình vẫn ở, và nhất là con người "cũ", ý riêng của mình. Tinh thần từ bỏ này sẽ dẫn người trẻ vào một cuộc sống cải tiến liên tục. Cải tiến do đấy cũng là một điều mà đan sĩ long trọng khấn thực hiện. Đan sĩ tuyên giữ 3 lời khấn: Tuân Phục, Vĩnh Cư và Cải Tiến. Hai lời khấn Nghèo Khó và Khiết Tịnh được hiểu ngầm trong lời khấn Cải Tiến và Tuan Phục.

Tìm Chúa, theo Chúa, đan sĩ không đi trong đơn độc lẻ loi, nhưng với cả một cộng đoàn. Cộng đoàn là môi trường sống của đan sĩ Biển Đức cũng như Xi-tô. Đan viện là một gia đình. Chính Đức Kitô là đầu của cộng đoàn. Đức Kitô hiện diện cách hữu hình giữa các môn đệ hôm nay của mình qua một con người phàm được gọi là Viện Phụ. Đan sĩ tìm sống đơn sơ và hiệp nhất với bề trên (Viện Phụ) cũng như với các anh em trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn đan sĩ cùng với bề trên và các anh em mình thực hiện một chương trình sống hằng ngày rất quân bình giữa: ngủ nghỉ, công việc cá nhân – lao động (tay chân hoặc trí óc) – và Thần vụ .

Đan sĩ là một con người của cầu nguyện. Cuộc sống cầu nguyện của đan sĩ chú trọng vào Phụng vụ của Hội Thánh là hát thánh vịnh và dâng Hy Lễ Tạ Ơn. Phụng vụ là hoàng đạo đưa đan sĩ tiến đến với Chúa. Do đấy thánh Biển Đức đã nói rằng: “Không được quí chuộng gì hơn Thần Vụ”. Và trung tâm của Thần vụ là Thánh Lễ.

Đan sĩ không hoạt động mục vụ ngoài đan viện, nhưng thể hiện ơn gọi tông đồ của mình bằng cuộc sống thánh hiến trong nội vi đan viện. Nếu hiểu rao giảng Tin Mừng là công cuộc Phúc Âm hóa thì mối bận tâm của đan sĩ chính là cố gắng phúc âm hóa đời mình và cộng đoàn của mình, làm sao để cuộc sống của mình cũng như của cộng đoàn phản ánh Tin Mừng của Đức Kitô. Và chính qua kết quả này mà đan sĩ làm trọn sứ vụ rao giảng Tin Mừng. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đan sĩ rao giảng bằng kinh nguyện và bằng cuộc sống cụ thể hơn là bằng lời giảng.

Ở trong một cộng đoàn, nhưng đan sĩ phải sống trong tinh thần cô tịch nội tâm. Do đấy vấn đề thinh lặng và cầu nguyện được nhấn mạnh. Chính bầu khí này giúp đan sĩ sống trong an bình, khiêm tốn và luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, hoặc cảm nhận được mình hiện diện trước tôn nhan Chúa. Ngoài các giờ Thần Vụ chung, Lectio divina (Đọc Sách Thánh) là phương tiện hữu hiệu nhất giúp đan sĩ sống kết hiệp mật thiết với Chúa. Đan sĩ đi vào đối thoại với Chúa qua việc đọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa và chính Lời Chúa đưa đan sĩ vào trong đàm thoại với Chúa (cầu nguyện) để rối dẫn đến chiêm ngắm (chiêm niệm) và đi sâu vào kết hiệp mật thiết với Chúa. Cuộc sống chiêm niệm của đan sĩ được thể hiện bằng và qua chính Lời Chúa. Có như thế đan sĩ mới có thể thực hiện ơn gọi đời mình: sống trong, sống cho, sống vì và sống bởi Đức Kitô. Và thực hiện lý tưởng này qua việc noi gương chính Chúa Kitô. 

6. Lời kết.

Trên đây là vài nét phác họa đơn sơ về ơn gọi và cuộc sống của các đan sĩ Mỹ Ca. Anh em Mỹ Ca ý thức rằng mình thuộc thành phần dân Chúa trong giáo phận Nha Trang bên cạnh các anh chị em tu sĩ thuộc các dòng hay các tu hội khác. Mỹ Ca là một bông hoa nhỏ, rất nhỏ trong vườn hoa giáo phận nói riêng và trong Giáo Hội Việt Nam nói chung.
 
Ghi chú: Muốn tìm hiểu để vào tu Mỹ Ca xin liên lạc về địa chỉ:
Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca
Lập Định – Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa
Đt. (058).3863387 (từ ngày 5.10.2008, xin thêm số 3 sau mã số vùng)
Email: 
danvienmyca@gmail.com  

Một số hình ảnh về Đan Viện



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: B truyền thông
Nguồn tin: giaophannhatrang.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 32
  • Khách viếng thăm: 27
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 9611
  • Tháng hiện tại: 140799
  • Tổng lượt truy cập: 12430511